Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

Hồi 3 - Chương 9 - Phần 1

QUYỂN TRUNG: HỔ GẦM GIÓ THỐC

THIÊN THỨ BA: XỨ SỞ THẦN TIÊN

Gớm sao

núi Thục cao vời

Đường treo vách dựng

lên trời khó ghê!

Nghìn năm

dấu cũ còn chi

Ải Tần ngọn khói

bay đi ngả nào?

(Thục đạo nan - thơ Lý Bạch)

Lưu Bị nghe tin Trương Tùng bị giết, cũng trả đũa giết Dương Hoài và Cao Bái.

Chính thức bày trận trước Lưu Chương, bắt đầu cuộc chiến tranh đoạt lấy Ích Châu.

1. Thời đại truyền thuyết thần thoại của đất Thục

Ích Châu còn gọi là đất Thục, là tỉnh Tứ Xuyên hiện nay.

Theo văn tự giáp cốt ghi chép từ thời vương triều Ân Thương, đã nói đến đất Thục. Cứ theo lịch sử mà nói, vào lúc ấy đã có trên ba nghìn năm phát triển.

Theo “Ngũ đế bản ký” trong cuốn “Sử ký”, con cả của Hoàng đế là Xương Ý, từng đến nước Thục, lấy một người con gái nước Thục là Sơn Xương Phó làm vợ, sinh được một người con, gọi là Chuyên Húc.

Khi Chu Vũ Vương thảo phạt vua Trụ, trong “Mục Thệ Thiên” có chép, tám trăm người cùng họp nhau ăn thề; trong đó có bộ lạc Thục của Man quốc cũng tham gia. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Thục chính thức bước lên võ đài của Trung Quốc, hơn nữa còn có một sự kiện quan trọng là cuộc viễn chinh vào nước Thục của danh tướng nước Tần là Tư Mã Thố.

Tuy từng xuất hiện trong lịch sử Trung Nguyên, song đất Thục và Trung Nguyên khá cách trở, vẫn có hình thái độc lập tương đối; nguyên nhân chủ yếu bởi đường giao thông từ Trung Nguyên vào đất Thục rất khó khăn, dễ phòng thủ mà khó tấn công, ảnh hưởng của Trung Nguyên cũng không dễ xâm nhập.

Thánh thơ Lý Bạch đời Đường (năm 701 đến năm 162 sau Công Nguyên) có viết bài thơ “Thục đạo nan”, miêu tả rất sinh động địa hình ở đây:

Gớm sao

núi Thục cao vời

Đường treo vách dựng

lên trời khó ghê!

Nghìn năm

dấu cũ còn chi

Ải tần ngọn khói bay đi ngả nào?

Đường vào đất Thục khó như lên trời xanh, bởi thế từ xưa đến giờ vẫn là vùng đất riêng, ít có quan hệ văn hóa với Trung Nguyên. Thời Tần Huệ Vương, Tư Mã Thố dẫn đại quân xâm nhập, đất Thục mới sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc.

Theo “Thục vương bản kí” của nhà văn Dương Hùng đời Hán, truyền thuyết thần thoại về tổ tiên của ngươi Thục còn sớm hơn cả văn hóa Trung Nguyên; họ sớm đã biết nuôi tằm, khơi ngòi, tưới nước, đánh cá, đắp đầm hồ và thắp lửa, nghe đâu có lịch sử bắt đầu từ ba mươi bốn nghìn năm trước, có lễ nghi, văn tự, âm nhạc riêng của mình.

Ở thượng du Mân Giang gần Thành Đô, có dấu vết đời sống của người Đê và ngươi Khương, và cả người Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Theo “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thận đời hậu Hán, những tộc người này rất giỏi trồng dâu nuôi tằm, dệt vải lụa, nên được gọi là người “Tâm Tùng”.

Lại theo “Hoa dương quốc chí” của Thường Cừ đời Tấn, truyền thuyết về đất Thục đời cổ đại, từng bị nạn Hồng Thủy, nên người ở đấy đã sớm khơi ngòi, bắt cá, đắp hồ. Ông vua cuối vương triều Bồ Trạch là Vọng đế, sau thất bại về trị thủy, trao ngôi kế vị cho tể tướng Khai Minh. Khai Minh thờ thần Rùa, tương truyền là một nhà thủy lợi cuối đời Hạ, được ủy thác việc trị Hồng Thủy, sau này được giao quyền bính, trở thành người thống trị đất Thục. Câu chuyện này có chỗ na ná với chuyện thần thoại về vua Nghiêu, vua Thuấn và Đại Vũ, có thể là một phiên bản cũng nên; nhìn chung đấy là một vùng đất biệt lập có nhiều biến động lịch sử.

Trong thời kỳ Khai Minh làm vua đất Thục, từng lệnh cho năm lực sĩ trong họ, lấy những khối đá lớn trong núi làm bia mộ của nhà vua; những khối đá lớn ấy dài ba trượng, nặng mấy vạn cân, người sau gọi là măng đá.

Có người cho rằng hai cây trụ đá ở ngoài cửa tây Thành Đô là những măng đá ấy, cây phía bắc cao một trượng sáu thước, chu vi chín thước rưỡi, cây phía nam cao một trượng ba thước, chu vi một trượng hai thước. Nghe nói những măng đá ấy vào đời Hán đã bị sứt mẻ nên không cao như trước nữa. Đỗ Phủ là thánh thơ đời Đường có viết bài thơ “Thạch duẩn hành”, ngợi ca về khối đá ấy:

Anh có hay chăng ngoài Ích Châu

Có cây cột đá đã bao lâu

Phải chăng khanh tướng thời xưa đó

Mượn đá đề danh vạn kiếp sau.

Lại có một truyền thuyết khác không giống như Đỗ Phủ đã viết. Tương truyền rằng những khối đá lớn mà năm lực sĩ vận chuyển không phải là măng đá ở Thành Đô, mà là đá gương ở Vũ Đảm Sơn, phía tây bắc Thành Đô. Đá gương ở đấy, có đường kính một trượng, cao năm thước nhưng hiện giờ không còn dấu tích. Chỉ còn lưu lại trong câu chuyện truyền miệng của dân quanh vùng về một thôn nhỏ ở gần đá gương. Lục Du là một nhà thơ đời Tống trong bài “Xuân tàn thiên” ở “Kiếm Nam Thi Cảo” có viết:

Đá gương lấp lánh ánh trời

Nghìn xuân chuyện cũ miệng người truyền lưu.

Nói chung, văn hóa đất Thục phát triển từ rất sớm, có sắc thái riêng, không giống với văn hóa Trung Nguyên.

2. Văn hóa Trung Nguyên xâm nhập vào đất Thục.

Văn hóa đất Thục chính thức bước vào lịch sử Trung Quốc từ thời Tần Huệ Vương.

Sau khi Thương Ưởng cải biến tình hình, nước Tần rất hưng phấn, khách khanh Trương Nghi muốn phát triển sách lược liên hoành sang phía đông, song danh tướng phái Bản Thổ là Tư Mã Thổ lại muốn đánh Thục. Nước Thục lúc ấy đang mắc nội loạn, vua Thục và em trai là Tra Hầu tranh giành quyền bính, Tra Hầu ở quan ải Hà Minh gần nước Tần bèn cầu xin nước Tần viện trợ. Tần Huệ Vương cũng muốn nhân cơ hội ấy mà xâm nhập chiếm lấy nước Thục.

Trương Nghi lại có ý kiến phản đối, ông ta cho rằng: “Đất Thục là nước ở phía tây, đánh một nước man di như thế sẽ làm mất tiếng tăm của chúng ta. Lại thêm vào đường Thục rất khó khăn, khiến quân sĩ gặp phải mỏi mệt và khốn khổ, dẫu có đánh thắng, cũng chưa được gì, bấy giờ là thời khắc rất quan trọng để nước Tần dương danh với Trung Nguyên, lại dùng vũ lực với một nước man di, chỉ làm tổn thất tiếng tăm bấy lâu của nước Tần mà thôi”.

Tư Mã Thổ thì bày tỏ ý kiến hoàn toàn khác hẳn:

“Nước Tần muốn được quốc phú binh cường, trước hết phải có đất rộng lớn, và đời sống quốc dân no đủ. Nước Thục ở phía tây nước ta nay đang mắc nội loạn, nếu nước Tần tiến đánh chẳng khác hùm sói nhảy vào giữa đàn dê, dễ dàng giành được thắng lợi. Đất Thục có vật tư phong phú, tiềm lực vô cùng, sẽ đem lại sự giúp đỡ rất lớn cho sự hùng mạnh của đại quân nước Tần. Hơn nữa đất Thục vẫn là xứ man di, nếu ta có đánh chiếm, các nước chư hầu Trung Nguyên sẽ chẳng bàn luận, chê trách nước Tần làm gì. Giành được thực lợi mà không ảnh hưởng đến danh tiếng với lân bang, đấy chẳng phải là việc rất nên làm ư?”

Tần Huệ Vương nghe theo ý kiến của Tư Mã Thổ, tiến quân vào đất Thục; tháng 10 năm 316 trước Công Nguyên, đánh chiếm được nước Thục, giết được vua Thục, lại phân chia nước Thục thành hai vùng hành chính là Thục quận và Ba quận. Thủ phủ của Thục quận là Thành Đô, Thủ phủ của Ba quận là Giang Châu, tức là Trùng Khánh ngày nay.

Sau khi thôn tính nước Thục, Tần Huệ Vương lại sai Trương Nghi phụ trách việc qui hoạch lại nước Thục. Trương Nghi muốn đem văn hóa Trung Nguyên vào đất Thục, bèn đề nghị đem một vạn hộ dân Tần di cư vào đấy lại ủy thác cho Trương Nhược, một công trình sư nổi tiếng thiết kế việc xây dựng lại Thành Đô.

Sách “Hoa dương quốc chí” có chép: thành trì ở Thành Đô có chu vi hai mươi dặm, tường thành cao bảy trượng bố trí cung thất thành nội và phố xá phỏng theo thủ đô Hàm Dương của nước Tần thời bấy giờ. Cung thất chủ yếu phân làm Thái Thành và Thiếu Thành; Thái Thành ở phía đông, Thiếu Thành ở phía tây, tường thành bấy giờ toàn dùng đất để đắp, bởi chất đất rất tốt, nghe nói bức tường ấy vẫn còn đến đời Tống mới hoàn toàn bị hủy hoại. Chẳng qua vào khoảng đời nhà Đường, đã có sự cải tạo lại Thành Đô, tạo ra qui hoạch cơ sở của Thành Đô bấy giờ. Bởi thế những kiến trúc còn lại của Trương Nghi năm nào không nhiều, trong đó còn lại cửa Tuyên Minh ở phía tây nam Thiếu Thành rất nổi tiếng, không ít thi nhân đã đề thơ ở đấy, để nhớ tiếc một thời cổ xưa. Sầm Tham là nhà thơ ở nơi biên ải đời Đường rất nổi tiếng, có bài thơ “Trương Nghi lâu” như sau:

Lầu Tần nơi đó ngày xưa

Cửa son gác tía bây giờ còn đây

Hai sông vẫn chảy mé ngoài

Nghìn năm vẫn thế miệt mài về xuôi

Nghe đâu mỹ nữ bao người

Trôi theo dòng nước một thời trẻ trung.

Cửa Tuyên Minh đối diện với Tuyết Sơn, phía trước có dòng Mân Giang, sơn thủy hữu tình, là vùng đất thắng cảnh đáng để bày rượu mà thưởng lãm.

3. Máng nước Lý Băng và nghìn dặm phì nhiêu

Khi nước Tần mới xâm chiếm, nước Thục còn chưa phát triển, đất đai tuy phì nhiêu, song luôn bị ngập lụt, mùa màng thường bị phá hoại, sản vật không được phong phú.

Vùng bồn địa Tứ Xuyên, từ bắc xuống nam có ba con sông lớn chảy qua. Sông Gia Lăng ở phía đông chảy vào Trường Giang ở Trùng Khánh, sông Đà Giang ở giữa nhập với dòng chính ở Lô Châu, sông Mân Giang hợp lưu ở Nghi Tân. Thành Đô ở phía tây bắc bồn địa, trong lưu vực của Đà Giang và Mân Giang, bởi thế luôn bị ngập lụt, khiến dân địa phương rất đau đầu. Song Mân Giang là dòng sông phù sa nổi tiếng, mỗi năm mang theo một lượng đất màu rất lớn bồi đắp lên bình nguyên Thành Đô nghìn dặm phì nhiêu.

Thượng du Mân Giang là tỉnh Cam Túc bấy giờ, có độ cao so với mặt biển là bốn ngàn mét, địa thế hiểm trở, khi chảy vào huyện Quán ở Tứ Xuyên, sai lệnh độ cao khoảng 2.000 mét, nước sông chảy xiết, cứ tưởng tượng cũng thấy.

Mỗi khi mùa hè đến, tuyết tan ở trên núi, chảy xuống phía dưới, khiến bình nguyên Thành Đô bị sự hủy hoại vô tình của nạn Hồng Thủy. Bởi thế đất đai tuy phì nhiêu song mùa màng thường bị phá hoại.

Sau khi nước Tần vào đất Thục được sáu mươi năm, Lý Băng làm Thái thú ở Thục quận, ông ta vốn là một chuyên gia về công trình thủy lợi, vận dụng sở trường, triển khai một công trình thủy lợi xuất sắc trong lịch sử Trung Quốc, đó là đại công trình kênh dẫn nước Đô Giang.

Kênh Đô Giang chảy từ huyện Quán đến Thành Đô, dài hơn sáu mươi cây số, chẳng những có thể dẫn nước tưới lại còn điều tiết thủy lưu, thuận tiện việc vận chuyển. Nước sông Bỉ Giang và Tiền Giang phục vụ đắc lực cho việc tưới nước cho đồng ruộng, bởi thế Bỉ Giang còn gọi là Thành Đô Giang, cái tên kênh Đô Giang cũng bởi thế mà có.

Kênh Đô Giang được hoàn thành, là cống hiến rất lớn cho sự phát triển nông nghiệp ở bình nguyên Thành Đô, chẳng những giải quyết được nạn lụt hàng năm, mà còn biến vùng Thành Đô xứ sở thần tiên nổi tiếng. Gia Cát Lượng trong Long Trung Sách, có nhắc đến vùng đất nghìn dặm phì nhiêu chính là nơi ấy.

Sau này kênh Đô Giang đã được mở rộng và tu bổ, trong đó có Thị Lang Yển Tăng Kiến đời Đường rất nổi tiếng. Nghe nói năm đó, kênh Đô Giang Lý Băng đã tưới cho vùng bình nguyên Thành Đô, song theo ghi chép của tỉnh Tứ Xuyên, diện tích tưới nước đã đạt đến hàng vạn mẫu.

Do cha con Lý Băng có cống hiến lớn như vậy, đến nay ở Đông Trắc Sơn bên sông Mân Giang vẫn còn hai miếu thờ để tưởng nhớ cha con Lý Băng.

Một điều khiến người ta ngạc nhiên là năm 1974, khi tu bổ lại kênh Đô Giang, ở dưới lớp đất bùn sâu 4 mét rưỡi, tìm thấy một pho tượng đá thân cao 2 mét 9, vai rộng chín mươi phân, nặng bốn tấn rưỡi, theo sự nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, pho tượng đá Lý Băng được tạc từ thời Hán Linh đế, để trấn áp nạn lụt lội, qua đấy có thể thấy sự tôn kính của nhân dân đối với Lý Băng.

Kênh Đô Giang được hoàn thành, Thục quận trở thành một địa phương giàu có bậc nhất của Trung Quôc.

Tương truyền Tư Mã Thiên tác giả Sử ký là hậu duệ của danh tướng Tư Mã Thố, bởi thế mà đối với sự hình thành và phát triển của đất Thục đã rất quan tâm và thấu hiểu. Sử ký có chép: “Ba Thục đất đai phì nhiêu, sản vật phong phú, nhất là gỗ, gừng, chu sa, đồng, sắt, tre trúc, kinh tế rất giàu mạnh”.

Song do địa thế từ Thục đến Quan Trung hiểm trở, phải dùng đường Sàn Đạo nhỏ hẹp để vận chuyển, khiến nước Thục thành nơi dễ giữ mà khó đánh, trong sự phát triển chính trị của Trung Quốc vẫn có phong thái độc lập.

Hán cao tổ Lưu Bang ở thời Tần Mạt bị Hạng Vũ phong làm Hán Vương, trông coi một vùng Ba Thục, sau này lấy đó làm cơ sở đánh bại Hạng Vũ thông nhất toàn Trung Quốc, kiến lập vương triều đại Hán, khiến đất Thục trở thành nơi có vị trí rất quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.

4. Chính quyền họ Lưu ở Ích Châu và đại quân Trương Lỗ ở Hán Trung

Vào cuối đời Tây Hán, uy quyền của triều chính bị giảm sút, phái quân phiệt ở đất Thục do Công Tôn Thuật đứng đầu tuyên bố độc lập ở thành Bạch Đế, lợi dụng địa thế hiểm yếu, khóa chặt đường Sàn Đạo, khiến đất Thục không bị cuốn vào cuộc chiến loạn cuối đời Tây Hán. Sau này bị danh tướng Ngô Hán của vua Hán là Quan Vũ tiêu diệt, tuy ảnh hưởng của lực lượng chính trị Trung Nguyên bị suy giảm, danh nghĩa là một bộ phận của Trung Quốc song đất Thục về chính trị, kinh tế, văn hóa lại tương đối độc lập.

Cuối đời Đông Hán, loạn lạc liên miên, nhiều dân di cư khỏi Kinh Châu, vào ở đất Thục khiến nhân khẩu ở Ích Châu đạt đến bảy trăm hai mươi bốn vạn người, số hộ khẩu đạt đến một trăm năm mươi hai vạn hộ, ở thời Tây Hán đã là vùng đất suối hoa đào khác hẳn với cảnh loạn lạc xung quanh.

Lãnh tụ Ích Châu lúc đó là Lưu Yên đã đề nghị Hán Linh đế phong chức Châu mục.

Lưu Yên tên chữ là Quân Lang, người Giang Hạ, là hậu duệ của Lỗ Cung Vương. Lưu Yên khi còn trẻ, đã làm quan ở Châu Quận, không lâu được giao làm Trung lang lo việc thờ cúng Tôn Miếu.

Về sau bởi sư phụ Trúc Điềm tạ thế, Lưu Yên từ quan ẩn cư ở Dương Thành Sơn, kế thừa công việc của sư phụ, nghiên cứu học vấn, dạy dỗ môn đồ. Tiếp đó bởi có tiếng là người hiền tài, được tiến cử làm quan chức ở trong triều, từng giữ nhiều chức như Quan viên ở phủ Tây Đồ, Huyện lệnh Lạc Dương, Thứ sử Ký Châu, Thái thú Nam Dương, đạt đến chức Tông Chính thái thường.

Lưu Yên là người thâm trầm, có chí lớn, đầu óc minh mẫn, suy nghĩ thấu đáo, quan lại chính phủ chìm đắm, dân tình biến loạn, quan địa phương chẳng thể bình định, khiến dân tình rất thống khổ, bèn để nghị rằng: “Thứ sử, Thái thú dùng tiền bạc để mua quan chức, bóc lột trăm họ dẫn đến phản loạn không dứt. Kế sách sửa gốc, là chọn lão thần có danh vọng cử làm trưởng quan, để có thể bình ổn được tình hình Hoa Hạ”.

Hán Linh đế trước tình hình các nơi sôi sục phản loạn, phải bó tay cam chịu, bèn đồng ý với đề nghị ấy, tích cực chọn lựa nhân tài làm Châu mục, để tăng cường quân quyền, các nhà viết sử bình luận, bắt đầu từ đó đã xảy ra loạn quần hùng cát cứ cuối đời Hán.

Lưu Yên vẫn có ý đoạt lấy chức Châu mục giao chỉ, để tách ra khỏi Trung Nguyên đang rơi vào hỗn loạn, đến một nơi xa tạo dựng một đất nước độc lập. Có một người bạn là Thị Trung Đổng Phù nói với ông ta rằng: “Kinh đô sẽ mắc vào hỗn loạn, tôi xem thiên văn đóan trước Ích Châu có khí thiên tử có thể thành đại sự”.

Lưu Yên bèn xin Hán Linh đế phong cho chức Ích Châu mục.

Đang lúc Thứ sử Ích Châu là Khước Kiệm ráo riết thi hành thu thuế, tạo ra sự bất mãn lớn trong nhân dân, lại thêm tàn dư quân Hoàng Cân nhân đó nhảy vào, thổi bùng ngọn lửa khỏi nghĩa với quy mô lớn, làm ảnh hưởng đến các châu ở chung quanh. Thứ sử Trương Nhất ở Tinh Châu, Thứ sử Cảnh Bỉ ở Lương Châu đều bị chết trong lúc chiến loạn, địa vị của Khước Kiệm thực là nghìn cân treo sợi tóc.

Linh đế chẳng biết làm sao, bèn lệnh cho Lưu Yên làm Ích Châu mục, đến đó trấn áp. Cũng được bổ nhiệm làm Châu mục, còn có U Châu mục Lưu Ngu, Kinh Châu mục Lưu Biểu và Ký Châu mục Giả Tông.

Sau khi Lưu Yên đến Ích Châu, lập tức thực hiện sách lược khoan dung vỗ yên dân chúng, cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ của giới hào tộc địa phương. Đổng Phù và Thái Thương lệnh Triệu Vỹ cũng từ quan, theo Lưu Yên vào đất Thục cùng bắt đầu tạo dựng một vùng trời đất mới. Lưu Yên bổ nhiệm Đổng Phù làm Đô uý trông coi phía tây, Triệu Vỹ làm Tham mưu dưới trướng của Lưu Yên.

Lãnh tụ quân Hoàng Cân là Mã Tương, Triệu Chi lấy Miêu Trúc làm căn cứ, được không ít dân chúng, Lý Thăng ở Miêu Trúc bị giết, thanh thế quân Hoàng Cân càng nổi trội, tập hợp được hơn một vạn người; tiếp đó Lạc huyện bị đánh phá, Khước Kiệm phải tự mình đốc chiến cũng chết giữa đám loạn quân. Bởi Thục quận, Kiện Vi liên tục báo tin nguy cấp, Lưu Yên phải lệnh cho Giả Long ứng chiến mới tạm ngăn chặn được Mã Tương quấy nhiễu.

Không lâu Lưu Yên dẫn quân chủ lực bình định được Miêu Trúc vỗ yên dân chúng, thực hiện một chính sách khoan dung, có ý xưng làm vua ở đấy. Trương Lỗ theo đạo “Ngũ đổng mễ”, do người mẹ được quỷ núi truyền cho; Lưu Yên bèn ngầm cho Trương Lỗ làm Đốc nghĩa tư mã, trấn thủ bồn địa Hán Trung, ngăn chặn đường thông với triều đình. Lưu Yên lại dâng thư lên triều đình, nói rằng tập đoàn “Ngũ đổng mễ” làm phản, ngăn chặn giao thông, phải tạm thời đình chỉ quan hệ với triều đình. Bọn cường hào trong châu như Lý Quyên, Vương Hàm nghi ngờ Lưu Yên có ý khác, ngầm bàn bạc với Thái thú Kiện Vi là Nhiệm Kỳ và tòng sự Giả Long. Lưu Yên sau khi được tin tình báo, lập tức cho người giết chết Lý Quyền; Nhiệm Kỳ và Giả Long dẫn quân chống lại, bị quân Lưu Yên đánh tan, cả hai đều tự sát.

Sau khi đánh bại địch thủ, Lưu Yên khẩn trương xây dựng đội quân ở Ích Châu, chuẩn bị cát cứ tự lập. Kinh Châu mục Lưu Biểu xét thấy sự tình, lập tức dâng thư lên triều đình đề nghị kiểm tra. Lúc ấy, con trai Lưu Yên là Lưu Đảng, Lưu Phạm, Lưu Chương đều làm quan ở Trường An, Đổng Trác đang nắm triều chính bèn hạ lệnh bắt giữ bọn Lưu Phạm, lệnh cho Lưu Chương quay lại Ích Châu, thuyết phục Lưu Yên về với triều đình, song Lưu Yên giữ Lưu Chương lại không trả lời triều đình nữa.

Chinh tây tướng quân Mã Đằng trước sự bạo ngược của Đổng Trác, chuẩn bị dấy quân Tây Lương làm phản; Lưu Chương ngầm phái người chỉ thị cho Lưu Phạm làm nội ứng, song âm mưu bị tiết lộ, Đổng Trác hạ lệnh giết Lưu Phạm, Lưu Đảng, lại dẫn quân đánh tan liên quân Mã Đằng và Lưu Yên. Mã Đằng rút về Lương Châu, quân Lưu Yên bị đại bại, rút về Ích Châu, họa vô đơn chí, Thành Đô bị hỏa hoạn nặng, khiến sự cố gắng của Lưu Yên trong mấy năm hóa thành tro bụi. Lưu Yên rút về cố thủ ở Thành Đô, vừa thương tiếc con trai ngộ nạn, vừa bị thiên tai nặng nề, ý chí tan rã, không lâu lại bị ung thư mà chết.

Trưởng quan Triệu Vỹ lập Lưu Chương làm Ích Châu mục, Triệu Vỹ đảm nhiệm Chinh đông trung lang tướng, lập tức thảo phạt Lưu Biểu ở phía đông, để trả mối thù cũ. Song do chiến sự bất lợi, các mãnh tướng Cam Ninh, Lâu Phát, Thẩm Di lại làm phản mà đầu hàng Lưu Biểu; Lưu Biểu bố trí họ vào đội quân của Hoàng Tổ. Sau này Cam Ninh lại phản lại Hoàng Tổ, theo về dưới cờ Tôn Quyền.

Lưu Chương là con thứ ba của Lưu Yên, cá tính trái hẳn với phụ thân, ôn hòa mà thiếu quyết đóan, hay nghe theo người khác, quyết sách cơ hồ dựa vào cả các trọng thần; bởi thế chính quyền họ Lưu ở Ích Châu mau chóng suy giảm.

Kẻ đầu tiên chuẩn bị việc tạo phản chính là Trương Lỗ, người đã được Lưu Yên cố ý bồi dưỡng. Sau khi Lưu Yên chết, Trương Lỗ lập tức tuyên bố độc lập ở Hán Trung. Lưu Chương nghe theo đề nghị của thuộc hạ bắt giết mẹ và con trai Trương Lỗ khiến quan hệ hai bên càng thêm căng thẳng. Trương Lỗ rất đau đớn, chuẩn bị có thời cơ nam chinh báo thù, khiến Ích Châu rơi vào nguy cơ quân sự rất nghiêm trọng.

Lại nữa, từ thời Lưu Yên đến giờ đội quân địa phương của các hào tộc Ích Châu với đại quân (quân Trường An và Nam Dương) vẫn thường xung đột với nhau; Lưu Yên nghiêng về phía quân thân thuộc của mình, khiến cho quan hệ đôi bên ngày càng thêm thù óan sâu sắc. Sau khi Lưu Yên chết, các hào tộc Ích Châu ngả về phía Triệu Vỹ, mưu toan chiếm lấy chủ quyền ở Ích Châu của Lưu Chương. Song được sự giúp đỡ của đại quân Đông Châu, Lưu Chương đánh thắng Triệu Vỹ, tạm thời lấy vũ lực để khống chế cai quản Ích Châu. Với tinh thần chiến loạn liên tục như vậy, vùng Ba Thục rơi vào sự bất ổn định nghiêm trọng. Kế sách chia ba thiên hạ của Gia Cát Lượng, đề nghị của Chu Du, Lỗ Túc, Cam Ninh với Tôn Quyền đều muốn nhân cơ hội loạn lạc mà thôn tính Ích Châu, nguy cơ có thể chỉ rõ đều ở cả đấy.

5. Trương Tùng, Pháp Chính âm mưu nhường lại Ích Châu.

Chẳng qua, do địa thế Ích Châu hiểm yếu thế lực bên ngoài xâm nhập không dễ, đến cả đại quân Trương Lỗ ở Hán Trung gần kề gang tấc, cũng khó có thể đánh chiếm được đất Thục. Bởi thế chính quyền Lưu Chương được sự giúp đỡ của đại quân Đông Châu, vẫn kéo dài sự hấp hối chống chọi được mười mấy năm.

Năm Kiến An thứ 13, cũng là năm thứ 14, Lưu Yên từ trần, Lưu Chương kế tục, đã nổ ra cuộc chiến ở Xích Bích. Tào Tháo để mất Kinh Châu mới chiếm được, Lưu Bị và Tôn Quyền hiển nhiên đã khống chế hữu hiệu ở lưu vực sông Trường Giang, và tạo thành hình thế nam bắc đối kháng.

Tào Tháo không giành được thắng lợi ở phía nam, đã tích cực chuyển hướng sang Quan Trung ở phía tây và Hán Trung ở tây nam. Chẳng những Mã Siêu, Hàn Toại ở Quan Trung bị uy hiếp, đội quân Trương Lỗ ở Hán Trung cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tích cực chuẩn bị tác chiến.

Đối với Ích Châu mà nói nguy cơ tuy còn rất xa, song Lưu Chương thấy Trương Lỗ đáng gờm bị uy hiếp bèn nhân thể ném đá xuống giếng, giải quyết vấn đề Trương Lỗ. Ông ta tiếp thu đề nghị của các lão thần phái Bản Thổ là Pháp Chính và Trương Tùng, chẳng để ý đến chủ trương phản đối tham gia chiến tranh Trung Nguyên của Trương Nghiêm, thủ lĩnh đại quân Đông Châu vẫn giúp đỡ ông ta, ông ta chủ động phái sứ giả đến liên hệ với Tào Tháo, có ý phối hợp nam bắc cùng tấn công Trương Lỗ.

Sứ giả Âm Phổ báo cáo rõ tình thế Ích Châu với Tào Tháo, khiến ông ta rất đỗi vui mừng, lập tức phong Lưu Chương làm Trấn uy tướng quân, người anh Lưu Mạo làm Bình khấu tướng quân. Không lâu sứ giả Ích Châu là Trương Túc mang khá nhiều cống vật đến dâng, Tào Tháo rất thích thú, bèn bổ nhiệm Trương Túc làm Quảng hán Thái thú. Nhưng đến sứ giả thứ ba là Trương Tùng thì lại nảy ra vấn đề mới.

Trương Tùng là em trai Trương Túc, người cao không đến năm thước ta, diện mạo xấu xí, song học vấn rất uyên bác, biện luận giỏi giang, bởi thế thường cậy tài mà kiêu ngạo. Vào năm đó Tào Tháo mất một đứa con trai bé rất tuấn tú tên là Tào Xung, bởi thế việc chiêu đãi không khỏi có phần sơ lược và lãnh đạm.

Trương Tùng vẫn nhạy cảm về diện mạo của mình, rất không bằng lòng trước cử chỉ của Tào Tháo, cho ràng có ý khinh thường ông ta, khi trở về thâm tâm ngầm sang Giang Lăng yết kiến Lưu Bị.

Nghe nói Trương Tùng mới đến, Gia Cát Lượng rất vui mừng, lập tức đề nghị Lưu Bị tiếp đãi đặc biệt, khiến Trương Tùng rất thỏa mãn. Bởi thế, Trương Tùng về Thành Đô, đã không tiếc lời khen ngợi về cách đối xử của Lưu Bị ngay trước mặt Lưu Chương.

Trương Tùng nói với Lưu Chương rằng: “Tào Tháo tuy làm tể tướng triều đình thực ra là Hán tặc khinh nhờn Hoàng thượng, Lưu Dự Châu là hoàng tộc nhà Hán, với chúa công cùng một họ, thực là người nổi tiếng anh hùng, đến cả Tào Tháo cũng phải sợ ông ta; nếu chúng ta liên hợp chẳng những có thể chống chọi lại sự uy hiếp của Trương Lỗ, ví như Tào Tháo chẳng làm gì chúng ta được”. Lưu Chương vốn hay nghe theo, ý chí không định, cũng có ý bắt cá hai tay, bèn quyết định chọn một người khác, để tiến hành việc liên minh với Lưu Bị.

Trương Tùng tiến cử Pháp Chính để Quan Trung và Mạnh Đạt làm sứ giả. Tổ phụ của Pháp Chính là Pháp Chân còn gọi là Huyền Đức, là một đại sư nho học thời ấy, thực là người nổi tiếng khí tiết. Thân phụ của Pháp Chính là Pháp Diễn, từng làm quan Tư Đồ và Đình uý tả giám.

Năm Kiến An thứ nhất, Trung Nguyên bị đói kém nghiêm trọng, Pháp Chính trẻ tuổi và người bạn đồng hương là Mạnh Đạt, cùng vào đất Thục dựa vào Lưu Chương; song Lưu Chương đang bận tranh giành nội bộ, về căn bản không chiếu cố đến Pháp Chính. Rất lâu sau đó, mới theo đề nghị một số người, bổ nhiệm ông ta làm Tân quận lệnh, sau lại cho làm Quân nghị hiệu uý; song cuối cùng vẫn không trọng dụng, với một người có địa vị gia truyền như Pháp Chính, mà đãi ngộ như vậy tự nhiên có sự bất mãn sâu sắc.

Mạnh Đạt là người đồng hương với Pháp Chính, văn vũ toàn tài, rất có mưu lược, bởi giỏi quan hệ giao tiếp, trở thành người cung cấp tin tức chủ yếu cho Pháp Chính và Trương Tùng.

Gặp Pháp Chính, Trương Tùng nói: “Về việc này, Lưu Chương nhu nhược, thiếu tài cán điều hành, chẳng thể dựa vào được, Lưu Bị anh minh tài cán, Tào Tháo còn phải nể sợ, nếu kết giao với ông ta, đại sự có thể thành công”.

Lưu Bị mới gặp Pháp Chính, qua câu chuyện ban đầu rất đỗi vui mừng, kết làm chỗ thân tình; Pháp Chính cũng bị phong độ của Lưu Bị hấp dẫn, bèn nói rõ đề nghị của Trương Tùng với Lưu Bị, hi vọng sau này có may mắn cùng sáng tạo ra sự nghiệp lớn. Gia Cát Lượng lưu ý Lưu Bị nhận việc này mà hết sức bày tỏ tính tích cực chủ động, tránh để người ta có ý nghi ngờ là mình có dã tâm. Lưu Bị bèn lấy tình cùng họ với Lưu Chương, chỉ biểu thị mong muốn giúp đỡ mà không có ý đoạt lấy, khiến Pháp Chính, Mạnh Đạt càng thêm kính trọng Lưu Bị.

Sau khi về Thành Đô, Pháp Chính nói lại với Trương Tùng rằng, Lưu Bị có hùng tài, muốn được tôn phò, chỉ tiếc không có duyên may, có ý sắp đặt mưu kế chỉ đợi thời cơ hành động.