4. Phản bại thành thắng, Pháp Chính dùng mưu
Tháng 4 quân chủ lực Lưu Bị đã hạ trại ở gần Dương Bình Quan. Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp, Từ Hoảng, cũng không chịu nằm yên rối rít kéo ra giao tranh.
Lưu Bị phái đại tướng Trần Thức vội đánh chiếm đường Mã Minh Các, lấy thế ở trên cao mà nắm ưu thế. Quân Từ Hoảng tập kích Trần Thức, do thiếu chuẩn bị nên Từ Thức bị thua to, khiến quân Lưu Bị mới xuất trận, về địa lợi và thanh thế đều xuống thấp.
Trương Cáp nhân cơ hội đến đóng đồn ở Quảng Thạch, đối đầu chính diện với quân chủ lực của Lưu Bị, Lưu Bị đã mấy lần lệnh cho Hoàng Trung tấn công mạnh mẽ, song đều phải rút quân, đạo quân thứ nhất cũng phải chịu không ít tổn thất, Lưu Bị đành phải điều động đạo quân Triệu Vân đang ở Ích Châu đến chi viện.
Tháng 7, Tào Tháo xét thấy tình thế chiến cục ở Hán Trung, Lưu Bị đang ở thế rất cố gắng cũng không thể xem thường, nếu như mình không tự xuất binh, phải chăng không dễ ngăn cản được cuộc tiến công ấy. Thế rồi có kế hoạch sắp xếp lại toàn bộ, đầu tiên điều động quân Từ Hoảng trở về, để hiệp trợ Trương Liêu đối phó với Tôn Quyền ở phía đông. Tự mình thì điều động Hạ Hầu Đôn đang trấn thủ ở Dự Cổn, và Tào Chân đang độ sung sức, cùng với Tào Hưu mới ở Vũ Đô trở về lập tức tiến hành cuộc tây chinh.
Tháng 9 đại quân của Tào Tháo đến Tràng An lập tức cho người triệu hồi Tào Hồng đang ở Vũ Đô, để hiểu rõ hơn quân tình ở Hán Trung.
Tổng chỉ huy Hạ Hầu Uyên là người nổi tiếng bởi dũng mãnh, trách nhiệm và thấu đáo, bởi thế được Tào Tháo cân nhắc, ở trong quân đội của Tào Tháo, uy danh còn hơn cả người anh là đại tướng Hạ Hầu Đôn. Hơn nữa sau khi được bổ nhiệm làm thống sóai quân Hán Trung, lại độc lập đối kháng với Lưu Bị từng nổi tiếng hào kiệt ở đời, đã mấy lần đánh bại được quân Lưu Bị mà thêm nổi tiếng, cũng đã bộc lộ ra sắc thái kiêu ngạo ít thấy.
Khẩu khí của Hạ Hầu Uyên rất ghê gớm, khiến Tào Tháo cũng phải lo hộ ông ta. Trong thời gian đối đầu ở Dương Bình Quan, Tào Tháo đã đặc biệt viết thư nhắc nhở ông ta: “Kẻ làm đại tướng phải hiểu rõ lâm trận là đáng sợ, hiểu được chỗ yếu của mình, chẳng thể quá dựa vào võ dũng. Đã rõ là bản chất của Tướng quân là vậy, song hành động phải có trí tuệ. Nếu chỉ hoàn toàn vũ dũng, chỉ có thể địch nổi kẻ thất phu mà thôi”.
Hạ Hầu Uyên sau khi được thư, lại cho rằng Tào Tháo đánh giá Lưu Bị quá cao, nay quân Hán Trung đang có khí thế, nếu quân tiếp viện của Lưu Bị có đến thêm nữa, cũng chẳng thể làm được gì.
Tháng giêng năm Kiến An thứ 24, Lưu Bị ở Dương Bình Quan đã kéo dài cuộc chiến đấu với Hạ Hầu Uyên gần một năm. Gia Cát Lượng từ Thành Đô vội đến tiền tuyến, cùng với Pháp Chính bàn bạc đối sách, theo đề nghị của hai người, Lưu Bị dự định sẽ vận dụng chiến thuật dụ địch.
Lưu Bị cũng thấy Hạ Hầu Uyên kiêu căng khinh địch, lại xem thường quân Ích Châu, bởi thế quyết định làm cho ông ta càng thêm kiêu ngạo. Đầu tiên Lưu Bị giao quyền chỉ huy đạo quân tiền tuyến cho lão tướng Hoàng Trung vốn có kinh nghiệm phong phú lại dũng cảm, tự mình dẫn quân chủ lực, Pháp Chính cùng quân sĩ dưới trướng rút về phía nam, để biểu thị ý đồ, vứt bỏ Hán Trung, khiến Hạ Hầu Uyên càng thêm kiêu ngạo. Tiếp theo, Lưu Bị lệnh cho Hoàng Trung đến Đông Thành đánh Trương Cáp bằng một trận hỏa công mãnh liệt. Hạ Hầu Uyên nghe tin, lập tức lệnh cho Hạ Hầu Thượng và Hàn Hạo dẫn quân chi viện, quân Hoàng Trung rút chạy, Hạ Hầu Thượng thừa thắng truy kích, Trương Cáp khuyên mãi không được đành phải theo sau tiếp ứng.
Quân Hoàng Trung mỗi ngày rút một chặng, mau chóng đến được Đãng Sơn. Hàn Hạo và Hạ Hầu Thượng đuổi đến, Hoàng Trung mãnh liệt quay lại phản kích, quân mai phục hai bên đều đổ ra, Hàn Hạo, Hạ Hầu Thượng bị đánh bất ngờ, toàn quân hỗn loạn, hai viên tướng đều bị chết. Trương Cáp thấy Hoàng Trung dũng mãnh hơn người, không dám ham chiến, phải rút về Đông Thành để thủ thế.
Hoàng Trung thừa thắng đánh đến tận đại bản doanh của Hạ Hầu Uyên ở Nam Thành, Hạ Hầu Uyên cả giận, dốc tổ mà ra, muốn diệt sạch quân Hoàng Trung để trả thù cho Hạ Hầu Thượng.
Lưu Bị vội phái sứ giả báo cho Hoàng Trung không nên quyết chiến, mau chóng rút về phía Miện Thủy, cùng với quân chủ lực của Lưu Bị hợp quân đóng trại ở trên núi, từ trên cao nhìn xuống, cậy hiểm mà giữ. Do liên tục điều động mau chóng, quân Hoàng Trung lộ rõ thứ tự hỗn loạn, Hạ Hầu Uyên thấy thế, tưởng có thể đánh tan bèn dẫn một số ít quân cận vệ đuổi theo, muốn giết chết Hoàng Trung. Trương Cáp nghe tin, sợ có mưu kế lập tức cũng dẫn quân đuổi theo.
Song Hạ Hầu Uyên muốn lập công lớn, hành động vội vàng, dẫn quân đến dưới núi. Pháp Chính ở trên núi đốc chiến thấy quân Hạ Hầu Uyên cờ xí rối loạn, quân đội không chỉnh tề, bố trí sơ hở nhiều chỗ, cho rằng thời cơ đã đến, bèn nói với Lưu Bị: “Có thể đánh được rồi”.
Lưu Bị hạ lệnh cho Hoàng Trung từ bên trên tràn xuống đánh vào quân Hạ Hầu Uyên, quân Hạ Hầu Uyên chẳng hề chuẩn bị lại không ngờ bị đối phương tập kích. Bị quân Ích Châu dốc sức xung sát, rơi vào thế hỗn loạn kêu trời kêu đất mà chạy mỗi người một ngả, chủ sóai Hạ Hầu Uyên và phó tướng Triệu Ngưng bị giết hại tại trận, năm nghìn quân vệ binh cơ hồ hoàn toàn bị tiêu diệt.
5. Trương Cáp nhận lệnh lúc lâm nguy.
Quân chi viện của Trương Cáp chạy đến hiện trường, nghe thấy sự tình như thế, lập tức hỏa tốc rút về Dương Bình Quan cố thủ. Bởi Thống sóai đột nhiên bỏ mạng, như rắn không đầu, lòng quân hoang mang, chẳng biết làm gì, tham mưu trưởng Quách Hoài đứng ra lo liệu, ông ta tiến cử Trương Cáp thay mặt nguyên sóai, được các tướng lĩnh đồng ý. Trương Cáp nhận sứ mệnh lúc lâm nguy, sớm lo phòng thủ vững chắc Dương Bình Quan, lại phái sứ giả cấp báo cho Tào Tháo đang ở Tràng An ngay đêm Hạ Hầu Uyên bỏ mạng, quân chủ lực của Lưu Bị lại đến trước ải Dương Bình, đối trận với doanh trại của Trương Cáp ở bên kia sông Hán Thủy.
Dương Bình Quan im lặng cố thủ trong bóng đêm. Chỉ thấy bờ bên kia đèn lửa sáng trưng, chắc hẳn sáng mai quân địch sẽ vượt sông sang đánh. Trong không khí rầu rĩ và khẩn trương, Trương Cáp triệu tập hội nghị quân sự, không ít tướng lĩnh cho rằng hãy tạm thời cậy hiểm mà giữ để ngăn cản những đợt tấn công của Lưu Bị.
Nhưng Quách Hoài lại cực lực phản đối, ông ta cho rằng đấy là chiến thuật bị động, nếu như hiện nay quân Tào tinh thần đang suy sút mà Lưu Bị dốc sức tấn công, thì Dương Bình Quan chẳng thể giữ được. Chẳng bằng bố trí trận địa ở cách xa bờ sông Hán Thủy, biểu thị thái độ quân ta không sợ đánh nhau, nếu quân địch vượt sông sang bên này, ắt sẽ bị đánh giữa chừng. Bởi Lưu Bị tính cách tác chiến vốn cẩn thận, lại thấy có chỗ nghi kỵ không dám trực tiếp tiến đánh. Trương Cáp mạnh dạn làm theo ý kiến ấy dẫn quân chủ lực bày trận bên sông Hán Thủy. Đến khi trời sáng, Lưu Bị đến trước trận tiền, quan sát cách bố trận của Trương Cáp, phán đóan đối phương có dũng khí quyết chiến, sợ có phục binh, không dám tràn qua sông, bởi thế rút quân đi.
Trương Cáp lúc bấy giờ mới thở phào lại theo kế hoạch của Quách Hoài, tăng cường việc phòng ngự, biểu thị quyết tâm tử thủ đến cùng.
6. Tào Tháo dẫu có đến, cũng chẳng thể làm gì.
Tào Tháo sau khi tiếp được báo cáo của Quách Hoài, rất khen ngợi sự ứng biến của ông ta, lại lập tức chính thức bổ nhiệm Trương Cáp làm Thống sóai quân Hán Trung. Tháng 3 Tào Tháo tự mình dẫn quân từ Trương An kéo ra Tà Cốc, dẫn đại quân đến Dương Bình Quan, quân ở đấy tung hô như sấm, sĩ khí rất hăng hái.
Lưu Bị ở phía bên kia sông nhìn thấy lại nói một cách rất tự tin: “Tào Tháo dẫu có lại, cũng chẳng thể làm gì, ta ắt sẽ có cả hai đất Hán Xuyên”.
Rồi hạ lệnh dựa vào chỗ cao cậy hiểm mà giữ, không tiến hành giao chiến lớn với Tào Tháo.
Bởi kho lương ở Thiên Đãng Sơn đã mất, quân Tào càng thêm khó khăn về vận chuyển lương thực, khiến đến như Tào Tháo có thiên tài quân sự, cũng phải rất đau đầu.
Tào Tháo không thể không sửa sang đường vận chuyển lương thực, song thiếu điều kiện thuận lợi thường phải dùng một số quân lớn để hộ tống.
Khéo thay Lưu Bị tóm ngay được chỗ yếu ấy lại thường xuyên nghĩ cách cướp lương thực, làm cho Tào Tháo đau đầu không thôi, cố gắng suy nghĩ tìm tòi đối sách ứng phó.
Có một lần, quân lương của Tào Tháo chuyển qua Bắc Sơn, Hoàng Trung lập tức dẫn quân chủ lực quân đoàn số một đến cướp lấy lại rơi vào sự mai phục của quân Tào, phải chiến đấu ác liệt mà không thể thóat thân. Tướng quân Triệu Vân thấy Hoàng Trung mãi không về lại sợ đem quân đi sẽ tạo thành lỗ hổng phòng ngự, bèn lệnh cho phó tướng Trương Duệ giữ trại, tự mình dẫn vài chục quân kỵ đến nơi xem xét. Đúng lúc quân Tào đang đuổi sát Hoàng Trung, tình hình rất cấp bách cả tướng lẫn quân đang hoảng hốt rối rít tìm đường rút chạy. Triệu Vân lệnh cho bày trận một mình một ngựa ra trước đợi quân Tào đang kéo đến, tiếp ứng cho quân Hoàng Trung đang tán loạn. Bởi quân Tào có ưu thế áp đảo, Triệu Vân vừa đánh vừa chạy, rút về doanh trại của mình ở bờ bắc sông Hán Thủy.
Đại quân Tào Tháo kéo đến, Trương Duệ muốn đóng cửa trại cự địch. Chẳng ngờ Triệu Vân chạy về, lại hạ lệnh mở cửa trại, sau đó toàn doanh trại hạ cờ im trống, giữ yên lặng hoàn toàn, tự mình dẫn mấy chục kỵ binh ra trước trại, chuẩn bị giáng trả quân xung kích của Tào Tháo. Thấy doanh trại Triệu Vân đứng dựa bên sông, quân Tào kéo đến trước trại lại ngờ có phục binh, không dám liều lĩnh xông lên. Triệu Vân thấy khí thế quân Tào đã mất lệnh cho nổi trống ầm ĩ, tự mình dẫn quân xung sát, lại lệnh cho Trương Duệ dẫn quân cung nỏ, lấy một trận mưa tên mà nhằm vào quân Tào đang rút chạy. Chỉ trong một thời gian mà quân Tào mất cả ý định ban đầu, kinh hãi giẫm đạp lên nhau, ngã xuống sông Hán Thủy chết không biết bao nhiêu mà kể.
Hôm sau Lưu Bị đích thân đến thăm doanh trại của Triệu Vân, thị sát tình hình, sau khi biết rõ tình thế lúc ấy không khỏi cảm thán rằng: “Triệu Tử Long thực là người rất can đảm”.
7. Tào Tháo phải than thở, Hán Trung như gân gà.
Quân Tào để mất cơ hội đánh bại quân Ích Châu lại còn bị đại bại, tính thần trong quân sút kém, lại thêm tình hình lương thực không đủ, ngày mỗi nghiêm trọng, tuy đã nghĩ mọi cách, vẫn rất khó triệt để giải quyết vấn đề vận chuyển, thậm chí không ít quân đoàn bắt đầu có binh lính bỏ trốn, Tào Tháo cảm thấy sâu sắc tình hình tiến thóai lưỡng nan.
Tháng 5 đang mùa hè thì mùa mưa Hán Trung lại đến, đội quân Tào với số lượng rất lớn lại càng thêm khó khăn về cung cấp lương thực, đến như Vương Bình phụ trách hướng đạo cũng đã bỏ trốn đầu hàng Lưu Bị. Tào Tháo bất đắc dĩ, trong hội nghị quân sự, đã ví Hán Trung là “kê cân” (gân gà): “Kê cân lại kê cân, ăn thì vô vị vứt đi thì tiếc”.
Về tình cảm tuy chẳng muốn song suy nghĩ theo lý tính, Tào Tháo vẫn hạ lệnh nhổ trại rút quân, đành khoanh tay đưa Hán Trung cho Lưu Bị.
Khi Tào Tháo rút khỏi Hán Trung vẫn để lại hai quân đoàn của Trương Cáp và Tào Hồng chia ra đóng đồn ở Trần Thương và Vũ Đô, để ngăn chặn Lưu Bị sẽ từ Vũ Đô mà tiến vào Quan Trung; mặt khác lại hạ lệnh cho Trương Ký đang làm Thứ sử Ung Châu tăng cường phòng thủ ở biên giới, hạ lệnh cho Tào Chân là người em trai tài giỏi yểm hộ Tào Hồng dần dần rút khỏi Vũ Đô, kết thúc chiến dịch Hán Trung đã kéo dài hơn một năm.
Về điều này sự miêu tả của Tam quốc diễn nghĩa có chỗ bất đồng, chiến dịch Hán Trung lần này từ đầu đến cuối chỉ có Lưu Bị và Pháp Chính chỉ huy tác chiến, Gia Cát Lượng sau này tuy có đến tiền tuyến bàn bạc việc quân, song đại bộ phận thời gian vẫn ở Thành Đô. Dứt khóat chẳng có những chuyện như trong Tam quốc diễn nghĩa, như Gia Cát Lượng khéo nói khích Hoàng Trung, giết chết Hạ Hầu Uyên, điều khiển Triệu Vân đánh trận Hán Thủy, cuối cùng lại dùng nghi binh bắt Tào Tháo phải rút quân.
Theo lịch sử ghi chép, Tào Tháo sau này biết âm mưu lấy Hán Trung đều do Pháp Chính, còn trào lộng rằng: “Ta đã biết rằng Lưu Bị chẳng thể có được năng lực như thế”, thực ra, thân làm đại tướng, âm mưu hà tất đều phải tự mình nghĩ ra; Ngô khởi đã từng phải than rằng: “Chỉ lo quần thần không ai theo kịp”.
Lưu Bị có thể dùng kế sách của Gia Cát Lượng đế lấy Kinh Châu, dùng hoạch định của Bàng Thống để lấy Tây Xuyên, lại dùng mưu lược của Pháp Chính để đoạt lấy Hán Trung, biểu thị rõ ràng ông ta là người hiểu được việc cân nhắc nhân tài, vận dụng được sự nổi trội của những người ấy!
Sau đại chiến Xích Bích, Tào Tháo lại bị thua Lưu Bị, đấy là hai địch thủ truyền kiếp cuối cùng đã trực tiếp giao đấu với nhau. Từ cuộc chiến tranh này, chúng ta có thể thấy, Lưu Bị sau nhiều năm bôn ba đã định hình được, lời tiên đóan “thiên hạ anh hùng chỉ có Sứ quân và Tháo vậy” đã ứng nghiệm.
Kể từ trận đánh Hợp Phì trước đó không lâu với Tôn Quyền, đến chiến dịch Hán Trung lần này, Tào Tháo cơ hồ đã đánh mất nhuệ khí chiến đấu đến cùng. Ban đầu, có thể trong thâm tâm ông ta, đã thấy việc thống nhất là vô vọng, thiên hạ chia ba theo thế chân vạc là điều không thể tránh khỏi.
8. Có được hai Châu Kinh, Ích, vương triều mới đã hình thành.
Cùng thời gian giành được Hán Trung, Lưu Bị đã lệnh cho Mạnh Đạt đang là Thái thú Nghi Đô, từ Tỉ Quy đánh lên Phòng Lăng phía bắc. Mạnh Đạt sau khi đánh được Phòng Lăng, giết được Thái thú Khóai Kỳ, lại còn tiến lên phía bắc, đến tận Thượng Dong.
Lưu Bị lo Mạnh Đạt có sơ xuất, phái con nuôi là Trung lang tướng Lưu Phong từ Hán Trung dong thuyền theo Miện Thủy xuôi xuống, cùng Mạnh Đạt tấn công Thượng Dong, Thái thú ở Thượng Dong là Thân Đam do Tào Tháo bổ nhiệm phải vứt thành mà đầu hàng, còn vợ con và họ hàng đều bị bắt về Thành Đô làm con tin. Lưu Bị lại phong Thân Đam làm Chinh bắc tướng quân vẫn làm Thái thú ở Thượng Dong, lại lấy người em trai là Thân Nghi làm Kiến tín tướng quân, lĩnh chức Thái thú Tây Thành. Lưu Phong thì xin làm phó quân tướng quân ở lại giữ Thượng Dong, để làm bình phong che chở cho phía đông nam Hán Trung.
Tháng 7 đang mùa thu, Lưu Bị tự xưng là Hán Trung Vương, chính thức cai quản đại bộ phận Kinh Châu và toàn bộ Ích Châu (gồm cả Hán Trung) kể từ trận đánh Đương Dương năm Kiến An thứ 13, một cơ sở luôn bị phá sản, sau mười năm được Gia Cát Lượng với vai trò một tổng quản lý chuyên nghiệp qui hoạch lại đã thóat khỏi khó khăn, trở thành một trong ba chân đỉnh lớn của toàn quốc.
Lời bình của Trần Văn Đức
Phất cờ gióng trống giữa chừng trận đánh, thời cơ thắng bại thường xảy ra trong chớp mắt.
Binh pháp Tôn Tử từng chỉ ra rằng khi rơi vào trận chiến gay go nếu duy trì được sức tác chiến của mình kiên trì đến cùng, thường phản bại thành thắng.
Bởi thế nếu kẻ địch binh lực ít hơn ta, thì quân ta chia thành mấy đội mà luân phiên công kích. Nếu kẻ địch binh lực nhiều mà ta thì ít, nên vận dụng thế trận ngưng kết nội bộ, mới có thể phòng được sự khiêu chiến từ bên ngoài, ấy là “dĩ dật đãi lao” vậy.
Trận đánh Hán Trung, có ba lần đánh lớn, đều bởi kiên trì phòng thủ đến cùng, mới phản bại thành thắng được.
Lúc mới đầu, quân Hạ Hầu Uyên của Tào Tháo, có binh lực và thanh thế chiếm ưu thế, ví như Tào Hồng đánh bại được Ngô Lan, bắt Mã Siêu và Trương Phi rút chạy, Trương Cáp chém được Trần Thức. Có thể nói lúc ấy, quân viễn chinh của Lưu Bị, tựa hồ ở thế yếu hoàn toàn.
Song theo qui hoạch của Pháp Chính, được Hoàng Trung dũng mãnh và rất có trách nhiệm, đã ra mặt dẫn dụ được Hạ Hầu Uyên. Chiến thuật được Hoàng Trung vận dụng khá khéo léo, trước dụ giết được Hàn Hạo và Hạ Hầu Thượng, đến khi Hạ Hầu Uyên đã rất giận dữ, lại vờ thua dẫn dụ ông ta đến đóng quân dưới núi, lợi dụng địa hình mà giết được Hạ Hầu Uyên.
Đại tướng quân biết quên mình, tinh thần binh sĩ rất hăng hái chiến đấu, Tào Tháo cuối cùng không thể không nhường Hán Trung, Hạ Hầu Uyên phải bỏ mình, nhân tố then chốt chính là ở đấy.
Sau khi Hạ Hầu Uyên bỏ mạng tại trận, thanh thế quân Tào suy sụp, Lưu Bị thừa thắng bao vây Dương Bình Quan tình thế rất nguy cấp. Theo đề nghị của Quách Hoài, Trương Cáp tạm thời thay mặt thống sóai giữa lúc nguy cấp ở trước cửa, Trương Cáp cổ động dũng khí, bày trận ở ngoài thành tích cực chuẩn bị chiến đâu, lại khiến Lưu Bị không dám qua sông đánh thành.
Ở giai đoạn này, dũng khí của tướng sĩ quân Tào, khiến họ tạm thời vãn hồi được thế yếu.
Trận đánh Hán Thủy là một việc phát sinh ngẫu nhiên, song nếu như chẳng phải Triệu Vân dựa vào bờ sông bày trận, Lưu Bị bố trí quân ở phòng tuyến Hán Thủy khả năng chỉ một trận phá tan, sẽ không ảnh hưởng đến đại cục cuối cùng, ít ra sẽ kéo dài chiến tranh thêm mấy tháng nữa.
Đại tướng có tài có thể chống đỡ được khi nguy cấp, là báu vật của quốc gia.
TRẦN VĂN ĐỨC