5. Đối kháng - đầu hàng - hòa đàm.
Nhưng trong hội bàn quân sự ngày hôm sau, Tôn Quyền lại vấp phải một sự bất ngờ.
Đầu tiên Trương Chiêu đứng đầu nhóm văn quan, cho rằng quân Tào thế lực rất lớn, căn bản chẳng thể đối đầu, chẳng bằng sớm nhún mình với Tào Tháo, cũng có thể đem lại sự thống nhất ở Trung Quốc. Các lão tướng Trình Phổ và Hoàng Cái, thì chủ trương phòng thủ tiêu cực, tránh chọc giận Tào Tháo, để mưu cầu hòa đàm với họ. Chỉ có Lỗ Túc và một số người tướng lĩnh trẻ tuổi như Cam Ninh, Lăng Thống, Chu Thái, Lã Mông chủ trương tích cực tác chiến bởi ý kiến chia rẽ, hai bên tranh cãi không thôi, Tôn Quyền rất bực bội, mượn cớ thay áo khóac, lui vào phía sau một mình gọi Lỗ Túc đến bí mật hội đàm. Lỗ Túc rất thản nhiên nói rằng: “Những lời bàn bạc của mọi người vừa rồi, đối với tướng quân thực không phù hợp, nếu xét về lợi hại thực tế theo như góc độ nhìn nhận của Lỗ Túc này là hãy nên đón rước Tào Tháo mà đầu hàng triều đình; song địa vị của tướng quân lại không cho phép, Lỗ Túc có đầu hàng Tào Tháo cũng chẳng hề gì ảnh hưởng đến quan chức, có thể còn được quyền thế lớn hơn, song với tướng quân thì sao? Sau khi đón rước Tào Tháo, ngài sẽ bị điều đên xứ nào nhỉ? Xin hãy mau quyết định sách lược lớn! Không nên bận tâm ở ý kiến của nhiều người”. Tôn Quyền than rằng: “Những người này thực khiến ta thất vọng, chỉ có Lỗ Túc có cùng cách nhìn nhận với ta. Thực cảm tạ trời cao đã đem khanh cho ta”. Lỗ Túc cũng đề nghị với Tôn Quyền lập tức triệu hồi Chu Du, đô đốc thủy quân đang huấn luyện quân thủy ở hồ Bà Dương. Chu Du là chiến hữu lâu năm của Tôn Sách, Tôn Sách lấy mỹ nữ Đại Kiều của Giang Đông làm vợ, Chu Du thì lấy Tiểu Kiều, em gái của Đại Kiều làm vợ, quan hệ của hai người rất mật thiết. Tôn Sách trước lúc lâm chung có nói: “Việc trong không quyết thì hỏi Trương Chiêu, việc ngoài không quyết thì hỏi Chu Du”. Nay đang chuẩn bị đối kháng với sự xâm nhập của giặc ngoài, Chu Du tự nhiên là một nhân vật cố vấn rất quan trọng.
6. Chu Du: một thiên tài quân sự.
Chu Du tên chữ là Công Cẩn người Lư Giang, tổ phụ là Chu Cảnh, bác là Chu Trung đều làm quan đến chức Thái uý nhà Hán, phụ thân là Chu Dị từng làm Lạc Dương lệnh.
Tam quốc chí có chép:
Chu Du thân thể cao lớn, anh tuấn hào kiệt, cá tính cởi mở rộng rãi, được bạn bè nể vì... khi còn trẻ, đã tinh thông âm nhạc, trong lúc say rượu mà người tấu nhạc ở bên chỉ cần sai luật một chút, Chu Du lập tức ngóai đầu lại, cho nên người đương thời nói: “Khúc nhạc lỡ sai, Chu Du ngỏanh lại”.
Sau khi nhận được tin Tào Tháo tiến quân vào Kinh Châu, Chu Du đang ở hậu phương lập tức phái một số lớn tình báo thâm nhập vào các vùng ở Kinh Châu, để mau chóng thu thập tình hình bố trí quân đội của Tào Tháo, và con đường mà quân chủ lực tiến công. Bởi thế sau khi nhận được lệnh triệu hồi của Tôn Quyền, Chu Du lập tức hạ lệnh kết thúc tập huấn, toàn quân bước vào trạng thái chuẩn bị chiến đấu, chỉ dẫn theo một số nhân viên tham mưu, hỏa tốc phóng đến Sài Tang.
Ngay tối ấy Chu Du, Lỗ Túc bí mật hội đàm, trao đổi ý kiến vê việc ngày mai sẽ gặp Tôn Quyền.
Sáng hôm sau, Tôn Quyền lại triệu tập hội nghị quân sự.
Trương Chiêu đứng đầu phái chủ hòa phát biểu trước rằng: “Tào Tháo giảo quyệt như lang sói, nay lấy danh nghĩa Tể tướng triều đình, ép thiên tử mà đánh bốn phương, nếu công khai đối đầu với ông ta, về danh nghĩa trở thành phản tặc với triều đình, với chúng ta thực rất bất lợi. Hơn nữa Đông Ngô dựa vào Trường Giang hiểm trở, hiện nay Kinh Châu đã mất, đội thủy quân to lớn trong tay Lưu Biểu toàn bộ đã rơi vào quân đoàn nam chinh của Tào Tháo. Quân Tào chỉ cần xuôi theo dòng Trường Giang đánh bằng đường thủy, chúng ta không còn riêng lợi thế Trường Giang, mà địch và ta rất chênh lệch về thực lực. Bởi thế chúng tôi cho rằng kế sách hay nhất là đón rước quân Tào, cùng với họ tiến hành hòa đàm”.
Chu Du nghe vậy, lập tức phản bác rằng: “Các ông đều nhầm cả rồi, Tào Tháo tuy danh là Hán Tướng, thực ra là Hán Tặc, khinh nhờn cả thiên tử, xét về nghĩa lý là không đứng vững. Tôn tướng quân là người anh hùng, lại kế thừa sự nghiệp cha anh, chiếm cứ Giang Đông, bờ cõi có mấy nghìn dặm, quân đội lại tinh nhuệ, lương thảo thực đầy đủ, anh hùng hào kiệt đều theo về với sự nghiệp sáng tạo này, trước mắt nên giơ thẳng cánh tay giáng đòn trừ khử gian đảng triều đình mới đúng, sao lại biểu hiện ra tư thế nhu nhược như vậy? Huống chi nay Tào Tháo mang cái chết lại, vì sao còn phải đi đón rước ông ta nhỉ?”
Tôn Quyền nghe nói thế gật mạnh đầu khẳng định theo.
Tiếp đó Chu Du công bố những tin tình báo quân sự mà mình đã thu thập được bấy nay, phân tích chiến lược một cách sơ bộ. Ông ta cho rằng, tuy đối diện với áp lực quân sự to lớn của Tào Tháo, song về phía Đông Ngô vẫn có điểm mạnh tuyệt đối, lý do như sau:
Thứ nhất, quân Tào nói có một trăm vạn người, thực ra đa số là quân họ Viên và quân Kinh Châu mới đầu hàng. Chính quyền họ Viên ở phía bắc mới bị diệt không lâu, ở đấy vẫn không ổn định, bởi thế Tào Tháo phải trụ lại rất nhiều quân lính. Quân đoàn của Mã Đằng, Thứ sử Lương Châu và quân Hàn Toại ở tây bắc, cũng tùy thời mà uy hiếp hậu phương quân Tào. Trong triều đình ở Hứa Đô, sau sự kiện Đổng Thừa, các quan công khanh nhà Hán, không ngừng phản kháng ngấm ngầm. Khiến Tào Tháo không thể không lưu giữ quân trực thuộc rất lớn ở hai châu Cổn, Dự để truy trì sự an toàn của đại bản doanh. Cũng tức là nói quân đoàn nam chinh của Tào Tháo, không thể vượt quá mười lăm vạn người. Hơn nữa căn cứ vào tình hình nhận được, trong đó có không ít quân của Viên Thiệu, về lòng dạ đối với Tào Tháo vẫn còn chưa biết thế nào.
Thứ hai Tào Tháo lần này tiến đánh Kinh Châu tuy có thuận lợi bất ngờ song trong lúc đột nhiên chiếm lĩnh mau chóng một vùng rộng lớn, quân đội ắt sẽ chẳng thể điều phối thỏa đáng, quân chủ lực bị phân tán khiến cho sức chiến đấu bị dàn mỏng. Lại thêm chính quyền Lưu Tông không đánh mà hàng, quân các nơi lại không kịp chuẩn bị, tuy nghe lệnh mà làm, song quân quan các cấp và binh lính về tâm lý là không bình thường; những người này tạo thêm sự bất ổn định về tâm lý trong quân đội, chỉ làm tăng thêm áp lực tâm lý cho đội quân chủ lực mà thôi.
Thứ ba quân phương bắc đi đường dài qua núi cao sông sâu, thủy thổ không hợp, tình hình quân sĩ bệnh tật nảy sinh nghiêm trọng. Hơn nữa từ mùa thu, mùa đông trở đi, khí trời ngày một lạnh hơn, tuyến vận tải lương thực quân Tào rất dài, vấn đề này càng thêm khó khăn. Tào Tháo muốn đánh nhanh, đã bày ra hình thái quyết chiến ở Trường Giang. Quân Tào giỏi đánh trên bộ, nay bỏ sở trường dùng sở đỏan, lựa chọn một phương thức tác chiến không quen thuộc, thể hiện sự bận tâm của họ, trạng thái tâm lý này với một trận đánh lớn là rất bất lợi.
Trái lại Đông Ngô ở Giang Đông đã từng trải qua ba đời, quân giỏi lương nhiều, thủy chiến vẫn là sở trường của họ. Bởi thế chỉ cần một đội quân tinh nhuệ khoảng năm vạn người nhất định sẽ đánh thắng được trận này.
Qua cuộc tranh cãi này chúng ta có thể thấy sự phong phú và chính xác của tin tình báo mà Chu Du có được. Nói cách khác các quan viên của tướng lĩnh ở Sài Tang đều không bằng ông; liên tục ở chiến trường, Gia Cát Lượng vẫn chú trọng công việc tình báo cũng chẳng bằng được ông ta. Chu Du có thiên tài vạch sách lược chiến đấu, có thể thấy rõ ở đấy.
7. Liên quân Tôn - Lưu, trận tuyến bày sẵn.
Tôn Quyền nghe vậy rất đỗi vui mừng, lập tức lớn tiếng tuyên bố rằng, lão tặc sớm đã dự tính cướp ngôi hoàng đế, chỉ sọViên Thiệu, Viên Thuật, Lã Bố, Lưu Biểu và ta phản đối, nay mấy vị anh hùng kia đều chết cả, chỉ còn lại mình ta, ta thề không chung trời với lão tặc.
Nói rồi bèn tuốt kiếm ra, chém mặt bàn thành hai nửa nghiêm mặt nói rằng: “Ai còn nói đến đầu hàng Tào Tháo, sẽ như cái bàn này!”
Sau quyết định dứt khóat của Tôn Quyền, các quan viên và tướng lĩnh cùng thề tuân theo quyết sách của chủ tướng, trên dưới đồng lòng tích cực chuẩn bị việc chiến sự chống lại Tào Tháo.
Tiếp đó Tôn Quyền chỉ thị cho Trương Chiêu, Lỗ Túc, Chu Du cùng họp bàn với Gia Cát Lượng về việc hợp tác hai họ Tôn - Lưu.
Sau cuộc họp, Tôn Quyền cho gọi một mình Chu Du đến, nói rõ phải lập tức điều quân chủ lực của Chu Du về, tăng thêm nhân mã ở Sài Tang, ước có hơn ba vạn người, chiến thuyền, binh khí, lương thực cũng đã chuẩn bị đủ, có thể lập tức xuất phát. Nếu nhân mã chưa đủ số, sẽ sắp xếp hoàn thành trong thời gian ngắn nhất; mọi việc đều do Tôn Quyền tự mình điều khiển, tiếp ứng thẳng thắn cho tiền tuyến.
Trước lúc chia tay Tôn Quyền phấn khởi vỗ vai Chu Du, nói rằng: “Đô đốc có thể làm được đến đâu, xin tận lực làm ngay cho! Nếu có gì không thuận lợi còn có ta đây. Ta dứt khóat chẳng hối hận, nhất định ta sẽ quyết một trận sống mái với Tào Tháo”.
Sáng hôm sau, Tôn Quyền công bố việc sắp xếp tổ chức tác chiến chống Tào lần này, danh sách như sau:
Tổng chỉ huy: Hữu đô đốc Chu Du.
Phó tổng chỉ huy: Tả đô đốc Trình Phổ.
Đội tiên phong thủy quân: Vũ phong hiệu uý Hoàng Cái, Trung Lang tướng Hàn Đương.
Đội chủ lực thủy quân: Hiệu uý Cam Ninh, hiệu uý Chu Thái, Trung Lang tướng Lã Phạm, Trung Lang tướng Đổng Tập.
Đội chủ lực lục quân: Trung Lang tướng Thái Sử Từ, Trung Lang tướng Lã Mông, Trung Lang tướng Lăng Thống.
Hậu cần chi viện: Tán quân hiệu uý Lỗ Túc kiêm phụ trách liên hệ việc quân với Lưu Bị và Lưu Kỳ.
Quân Đông Ngô có hơn ba vạn người lại thêm hơn hai vạn binh mã của Lưu Bị và Lưu Kỳ, binh lực động viên được đại khái chỉ bằng một phần tư quân nam chinh và Kinh Châu mới bổ sung của Tào Tháo mà thôi.
Kế hoạch của Trương Chiêu tuy không được chấp nhận song ông ta thấy Gia Cát Lượng trẻ tuổi mà biết xem trọng bậc lão thần, nói năng giỏi giang, có ý muốn lôi kéo nhân tài cho quốc gia, bèn đề nghị Tôn Quyền lệnh cho Gia Cát Cẩn sớm đến thuyết phục Gia Cát Lượng. Tôn Quyền hỏi ý kiến Chu Du song Chu Du cười mà không đáp. Tôn Quyền bèn cho gọi Gia Cát Cẩn bảo rằng: “Gia Cát Khổng Minh là em của tiên sinh, là người có tài, em nghe theo anh là lẽ đương nhiên nếu ông ta muốn ở lại cùng lo đại sự, ta sẽ tự tay viết thư nói rõ vói Lưu Dự Châu”. Gia Cát Cẩn vội đến gặp Gia Cát Lượng, không ngờ Gia Cát Lượng lại nói trước, khuyên Gia Cát Cẩn theo về với Lưu Bị sẽ càng phát huy được khả năng.
Gia Cát Cẩn không nài ép được, đành trở về báo cáo với Tôn Quyền: “Em tôi phụ tá Lưu Dự Châu, vì nghĩa chẳng thể hai lòng, Lượng không chịu ở Đông Ngô, cũng như Cẩn không thể rời Giang Đông vậy”. Chu Du cũng khuyên Tôn Quyền chẳng cần nghĩ ngợi nhiều nên thành tâm thản nhiên, để cùng với Lưu Bị và Gia Cát Lượng bàn chi tiết về sự hợp tác.
Theo “Tam quốc diễn nghĩa” tô vẽ, Chu Du lòng dạ nhỏ nhen luôn nghĩ hãm hại Gia Cát Lượng. Thực ra Chu Du trong lịch sử chẳng những là người bao dung, lại còn khiêm tốn nữa, lại rất chiếu cố với Gia Cát Lượng. Đặc biệt là Lỗ Túc trong tiểu thuyết thì luôn luôn bị lừa phỉnh; song thực ra ông ta chẳng những là nhà chiến lược của Đông Ngô, lại có tầm nhìn lớn, ý chí rắn rỏi, ông ta cùng với Chu Du, Gia Cát Lượng đồng tâm hợp lực, cố gắng không mệt mỏi, trong chiến dịch liên quân Tôn - Lưu chống Tào Tháo lần này, đã thể hiện vai trò rất quan trọng.
Năm đó Chu Du ba mươi tư tuổi, Lỗ Túc ba mươi bảy tuổi, về kinh nghiệm trên võ đài quốc tế và thực tế chiến trường, đều hơn hẳn Gia Cát Lượng mới hai mươi tám tuổi. Có thể tin rằng trong chiến dịch này, Gia Cát Lượng đã học tập được ở hai vị tiền bối ưu tú khá nhiều điều bố ích.
8. Chiến trường Xích Bích bày ra thiên la địa võng:
Năm Kiến An thứ 13, cuối tháng 9, Lưu Bị nghe theo đề nghị của Lỗ Túc, đưa quân đội từ Hạ Khẩu thuận giòng mà xuống hơn hai trăm dặm nữa, đóng đồn ở Phàn Khẩu ở phía nam Trường Giang, để gần với quân Đông Ngô tiện phối hợp, chuẩn bị việc quyết chiến nay mai.
Căn cứ vào tin tình báo, đại quân của Tào Tháo đã chuẩn bị xong xuất kích ở Giang Lăng, đợi thời cơ sẽ theo giòng mà xuống, song Gia Cát Lượng và Lỗ Túc lại như không nắm được. Lưu Bị lòng như lửa đốt, hằng ngày đều phái người đến hạ du Trường Giang, thăm dò tình hình điều động của quân Đông Ngô. Không lâu tiêu binh đưa tin đội tiên phong Đông Ngô đang ngược dòng mà lên, sắp đến Phàn Khẩu. Lưu Bị lập tức phái Tôn Càn đến uý lạo, không ngờ Chu Du cũng ở trong thuyền.
Chu Du lấy cớ đang bận tâm việc quân chẳng thể tùy tiện rời sở chỉ huy, bèn mời Lưu Bị đến thuyền cùng hội kiến. Lưu Bị giao phó việc quân cho Quan Vũ và Trương Phi một mình ngồi thuyền nhỏ đến gặp Chu Du. Hai người cùng hàn huyên vui vẻ, Lưu Bị quay sang Chu Du hỏi quân Đông Ngô về số lượng có bao nhiêu.
Chu Du thản nhiên nói rằng, chỉ có hơn ba vạn binh mã. Lưu Bị rất thất vọng, lo lắng bày tỏ rằng, số người như thế phải chăng là rất ít.
Chu Du tin tưởng mười phần trả lời rằng: “Lưu Dự Châu hãy xem tôi đánh bại Tào A Man nhé!”.
Lưu Bị lại hỏi tin tức Gia Cát Lượng và Lỗ Túc, Chu Du nói hai người đang ở trên thuyền phía sau, ước độ ba ngày nữa sẽ đến. Lưu Bị sau khi về trại càng nghĩ càng lo lắng thêm, bèn ngầm đem một bộ phận nhân mã giao cho Quan Vũ đi bố trí ở bờ bắc Hán Thủy, đề phòng khi Chu Du bại trận, có thể phải chạy về đấy.
Tào Tháo lúc này đang ở Giang Lăng làm công việc sắp xếp tổ chức, chuẩn bị theo giòng mà xuống đánh Giang Đông. Ông ta sắp xếp quân Trương Liêu, Từ Hoảng, Trình Dục thành các đội thuyền, thêm bảy vạn thủy quân của Sái Mạo và Trương Doãn, đội thuyền từ đầu đến đuôi kéo dài vài trăm dặm, đội thuyền dóng hàng mà tiến, chiều ngang có hai mươi bốn chiếc thuyền, nhìn như một bức thành trên mặt nước, khí thế rất mạnh, lại còn vài trăm chiếc thuyền nhỏ tuần tra xung quanh, đề phòng kẻ địch đánh lén. Bởi quy mô to lớn như vậy, việc sắp xếp nhân mã đã phải mất hơn một tháng, mãi đến cuối tháng 10 mới khởi binh đông chinh chuẩn bị một trận thủy chiến quy mô to lớn chưa từng thấy.
Cuối tháng 10, Chu Du đặt đội thuyền chỉ huy của mình ở Tam Giang Khẩu (mé dưới Hán Khẩu), một mặt tung một số lớn gián điệp đi nắm tình hình quân Tào, một mặt khác chọn đoạn sông Xích Bích, nơi quân Tào sẽ đi qua, làm điểm quyết chiến nay mai.
Tình hình dòng chảy của Trường Giang ở chỗ này có sai lệch rất lớn, có mười dặm nước chảy từ từ, có tám dặm nước chảy xiết, thường xuất hiện những xoáy nước lớn, ỏ đó thuyền bè bị chao đảo rất dữ, đối với quân phía bắc không chuyên thủy chiến là rất đỗi bất lợi.
Bờ sông Xích Bích cơ hồ toàn do nham thạch màu đỏ tạo thành, sóng nước ở đó cuộn chảy ghê gớm, không dễ lên được bờ, cách bờ bắc hai mươi dặm có một khu rừng rậm gọi là Ô Lâm. Chu Du đã tự mình quan sát kĩ lưỡng mặt nước và bờ sông, sau đó đã dày công bày ra ở đấy thiên la địa võng chỉ đợi quân Tào kéo đến.
Thực ra Chu Du chỉ có một số quân dùng vào việc không nhiều, bởi đề cao tinh thần binh sĩ, ông tự mình đi ở hàng đầu. Hai lão tướng Hoàng Cái và Hàn Lương có kinh nghiệm phong phú lại quen thuộc thời tiết và địa hình lưu vực Trường Giang, đảm nhận chỉ huy đội tiên phong trụ ở bờ đông nam cách Xích Bích nửa ngày đường; một mặt giám sát hành động của đội thuyền Tào Tháo, một mặt cũng chuẩn bị xuất binh lập công ở đấy, giao tranh trực tiếp với quân Tào.
Ở mé sau hai vị lão tướng quân là đội tiên phong của đội thuyền chủ lực thủy quân do Cam Ninh, Chu Thái, Đổng Tập chỉ huy, Chu Du và Trình Phổ cùng ngồi ở trung quân chỉ huy, đội thuyền của Lã Phạm làm dự bị, tùy thời mà chuẩn bị việc tăng viện.
Trên mặt đất, đội quân đóng ở tuyến đầu do Lã Mông, Lăng Thống và Thái Sử Từ chỉ huy, bố trí ở vùng Hán Dương, phía bắc sông Trường Giang. Đội quân của Lưu Bị ở cách đó một trăm dặm tại vùng Hán Khẩu, tạo thành hai lớp trận tuyến, chuẩn bị đối phó với quân Tào tiến quân bằng đường bộ. Quân Hạ Khẩu của Lưu Kỳ thì dời về bố phòng ở Vũ Xương thuộc bờ nam Trường Giang. Nếu quân Đông Ngô bị thua trong trận thủy chiến, quân Tào có vượt sông bờ nam, ít ra có thể tạm cầm cự để Tôn Quyền đang chỉ huy ở Sài Tang có đủ thời gian tập kết quân Đông Ngô, để quyết chiến sống mái một trận sau cùng. Đối với trận thủy chiến có quy mô lớn chưa từng có này, Tào Tháo cũng đã rất cẩn thận; ông ta bỏ ra hơn một tháng để sắp xếp tổ chức, chuẩn bị sau khi tuyên thệ sẽ dẫn toàn quân xuôi dòng mà tiến. Lúc đó bộ tham mưu tiền tuyến của Tào Tháo, vẫn chưa biết tin tức gì về việc Sái Mạo và Trương Doãn tổng chỉ huy quân thủy Kinh Châu chuẩn bị dẫn quân làm phản.
Giả Hủ làm tổng tham mưu trưởng quân nam chinh của Tào Tháo do bất đồng với Tào Tháo về chiến lược, bị đổi đi trấn thủ Giang Lăng trông coi việc hậu cần đầy đủ. Việc tham mưu tiền tuyến do Điền Trù và Lâu Khuê đảm nhận. Điền, Lâu hai người là nhân tài về công việc hành chính song chang phải giỏi về kế hoạch chiến đấu, hiệu suất công tác tuy cao, song đôi với việc sưu tập, tìm tòi, phán đóan tin tức tình báo lại không làm tròn cho nên vấn đề này thực ra rất mắc mớ. Sái Mạo và Trương Doãn có danh tiếng lớn ở Kinh Châu; hai người đều theo phái thân Tào lâu ngày. Lưu Tông đầu hàng vô điều kiện, có công đóng góp lớn của hai người ấy, bởi thế rất được Tào Tháo ưa dùng. Song ở vào thời kỳ then chốt này, khi quay mũi giáo về phía Lưu Bị và Tôn Quyền, thực tế mà nói cũng có vấn đề.
Chẳng qua trong sự sắp xếp lần này, đội quân phương bắc trực thuộc Tào Tháo bởi không thông thạo thủy chiến, khi chỉnh biên quân đội có xảy ra nhiều sai sót, tạo nên những xung đột thường xuyên giữa ban tham mưu và thủy quân Ích Châu, về kế hoạch tác chiến của Tào Tháo lại lấy quân thủy Ích Châu làm tiên phong, sẽ đụng chạm lớn với quân Giang Đông, còn quân Tào thì đặt ở tuyến sau. Điều này rất mau chóng truyền khắp trong thủy quân Kinh Châu, thậm chí dẫn đến bạo động nghiêm trọng, khiến cho Sái Mạo và Trương Doãn đều chịu áp lực.
Tuy như thế, song trong thời kỳ bố trí đội ngũ, Sái Mạo, Trương Doãn không đề đạt gì với Tào Tháo, mà trực tiếp có hành động phản kháng thực ra là điều không thể không xảy ra. Nhìn chung quân thủy Kinh Châu binh biến tập thể, có khả năng bắt đầu từ sự kích động của những gián điệp do Chu Du phái đến, đã cố ý tung tin đồn nhảm, kích động hai bên nghi ngờ lẫn nhau. Sách Tam quốc chí và Ngụy thư ghi chép không rõ ràng về việc này, còn “Tam quốc diễn nghĩa” thì miêu tả Tào Tháo phái Tưởng Cán đến trại Chu Du để do thám quân tình, lại bị Chu Du lừa dối, dẫn đến chỗ Tào Tháo hoài nghi Sái Mạo và Trương Doãn có bụng làm phản.
Chẳng qua Tưởng Cán bị lôi cuốn vào câu chuyện gián điệp Tam Giang Khẩu, hiển nhiên là chuyện mà La Quán Trung hư cấu ra. Tưởng Cán thực ra có đến Giang Đông, song lúc ấy trận Xích Bích đã xảy ra được mấy năm, sứ mệnh của Tưởng Cán chẳng phải do thám quân tình mà là hòa đàm, hơn nữa ông ta còn là nhà ngoại giao ưu tú hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Tào Tháo vẫn là người khéo dùng binh, chẳng thể dễ dàng trúng kế như thế. Hành động binh biến của Sái Mạo và Trương Doãn, có thể có nguyên nhân nhất định nào đó; bởi tình huống chuyển biến bất ngờ nghiêm trọng, Tào Tháo không thể không lập tức ngăn chặn, phải điều động quân sĩ của Từ Hoảng và Trình Dục đánh dẹp quân thủy Kinh Châu; Sái Mạo và Trương Doãn chết trong đám loạn quân, cũng khiến sự việc này trở nên khó lý giải được. Vô luận như thế nào, cuộc chiến ở Xích Bích của Tào Tháo còn chưa bắt đầu đã tổn thất hai viên tướng chỉ huy thủy chiến rất ưu tú và cũng rất quan trọng.
Bởi tình huống khẩn cấp, việc biên chế lại tổ chức cũng không có khả năng, huống chi việc bồi dưõng tướng lĩnh chỉ huy không phải là việc của một hai ngày. Tào Tháo đành phải giải tán đại bộ phận thủy quân Kinh Châu, phân tán họ vào trong đội thuyền của Trình Dục, Từ Hoảng và Trương Liêu, cải tạo ba đoàn thuyền này làm đội quân chủ lực, trực tiếp đảm đương tuyến mũi nhọn. Ngoài ra, Tào Thuần và Nhạc Tiến phối hợp quân kỵ binh và bộ binh, bố phòng ở vùng Di Lăng, tùy thời chuẩn bị vượt qua Trường Giang đánh vào lãnh thổ Đông Ngô. Nguyên trước đây Mãn Sủng phụ trách hậu cần, phối hợp vái Giả Hủ, phòng thủ Giang Lăng. Bởi trong quân đoàn tiền tuyến đội quân trực thuộc của Tào Tháo chiếm tỷ lệ rất ít bởi đề phòng chuyện bất ngờ, Tào Tháo khẩn cấp hạ lệnh, điều động Tào Nhân đang đóng ở thành Tương Dương, dẫn quân của mình về đóng ở Giang Lăng, để tăng viện. Nhìn bao quát chung, Chu Du duy trì thế thủ, song thấy rõ là có tự tin khá lớn, chuẩn bị đợi thời cơ sẽ phản công tích cực. Trái lại quân Tào bộc lộ thanh thế rất lớn, lại cũng lộ rõ thiêu tin tưởng, bởi quân sĩ trực thuộc rất ít, việc bố trí và điều động đều đã xuất hiện nguy cơ nan giải.
Lời bình của Trần Văn Đức
Kinh nghiệm chỉ bảo cho chúng ta, vấn đề quan trọng hàng đầu luôn xảy ra là phải nắm bắt tốt thời khắc cơ hội chuyển biến trong “Tôn Tử binh pháp”, lấy “biết người mà người không biết” và “người lộ rõ mà ta không lộ rõ” làm hai nguyên tắc lớn để thảo ra sách lược chuyển thế yếu thành thế mạnh.
Tôn Tử cũng biết rằng: “Phàm là đầu tiên bày sẵn trận địa, lấy nhàn mà đợi địch đến; khi lâm trận phải ra sức tranh giành thắng lợi. Kẻ khéo điều khiển việc quân phải biết người mà người không biết đến”. - Nói cách khác, trước tiên phải dụ địch vào vị trí chiến đấu, trước lúc kẻ địch kéo đến, đã có thời gian nghỉ ngơi ấy là “dĩ dật đãi lao”. Khi kẻ địch đã kéo đến trận địa của mình, trước lúc giao chiến, thì đã bị mỏi mệt bởi phải hành quân. Bởi thế kẻ làm tướng giỏi tác chiến đại đa số biết chủ động lựa chọn chiến trường, hấp dẫn kẻ địch kéo lại, mà không để kẻ địch tạo ra chiến trường để hấp dẫn mình.
Thắng bại ở nơi chiến trường, thường quyết định ở cho tranh giành quyền chủ đạo. Để mất quyền chủ động dễ bị đối phương câu thúc, lôi kéo vào thế bị động, dễ dẫn đến thất bại. Thông thường kẻ phòng thủ là tác chiến tại chỗ, không dễ nắm quyền chủ đạo; kẻ tiến đánh là tác chiến ở ngoài dễ nắm chủ động hơn cho nên nhìn chung mà nói, tinh thần của kẻ tiến đánh thường mạnh mẽ hơn song đối với chiến trường có hoàn cảnh địa lợi quen thuộc, thi lại khác, kẻ phòng thủ quen thuộc địa hình dễ nắm quyền chủ đạo về địa lợi, kẻ tiến đánh thường không hiểu biết mà bị rơi vào cạm bẫy bày sẵn của đối phương.
Bởi thế kẻ làm tướng tài giỏi trừ khi đã bị bao vây hoàn toàn, nếu không thì đại đa số cũng không chịu giữ phòng thủ tiêu cực, chỉ biết núp phía sau giữ thành khiến mình hoàn toàn rơi vào thế bị động. Trái lại họ thường chủ động xuất kích, tại vùng đất của mình tìm một nơi thích hợp tác chiến, sau khi làm tốt công việc phòng ngự, lại quyết đánh lại kẻ địch kéo đến bằng một trận sinh tử. Chiến thuật này, chẳng những có thể chủ động tác chiến, hơn nữa có thể nắm được hoàn cảnh chiến trường, là thủ đoạn rất hay để chuyển thế yếu thành thế mạnh.
Danh tướng nước Nga là Côtudôp, lấy không gian đổi lấy thời gian, khéo lựa chọn Oatéclo làm chiến trường khiến danh tướng bậc nhất Napôlêông phải gánh chịu thất bại nặng nề. Khi tác chiến ở Quan Độ, Tào Tháo cũng sử dụng chiến thuật này đánh bại binh lực của Viên Thiệu gấp mình mười lần. Trong trận đánh then chốt xảy ra ở bờ Xích Bích, lại chính Chu Du vận dụng nguyên tắc này để đối phó với Tào Tháo.
Chủ động nắm chiến trường, tranh thủ quyền chủ đạo, có thể tập trung binh lực, làm cho kẻ địch phân tán. Thái độ của kẻ địch bị chúng ta cố định, lại chẳng thể biến hóa, mất đi năng lực ứng biến trên chiến trường như thế ắt sẽ dẫn đến cái chết chẳng thể tránh khỏi. Tôn Tử nói: “Người lộ mà ta không lộ thì ta chuyên nhất mà địch phân tán, ta chuyên làm một địch phân tán làm mười, là lấy mười chọi một vậy”. Đây cũng là phép chuyển cơ rất quan trọng giúp kẻ yếu đuối giành được thắng lợi.
TRẦN VĂN ĐỨC