Thầy Hội đồng Chánh không tính đi du lịch nữa. Thầy ở nhà đặng lấy cái quyền cai quản ruộng đất lại, cho Vĩnh Thái hết phương làm hại con nhà nghèo.
Có một bữa, thầy tỏ ý muốn cho Công Cẩn đi Tây mà học cho mau. Thu Hà vừa nghe cha nói như vậy thì cô đốc vô rằng:
- Ba tính cái đó hay lắm đa ba. Hổm nay con cũng muốn xin với ba cho em con đi, nhưng vì sợ ba không vui lòng nên con chưa dám nói.
Thầy Hội đồng liền đi lo xin giấy tờ, rồi thầy lên trường đem Công Cẩn về ở nhà chơi ít bữa đặng có xuống tàu.
Thu Hà lăng xăng lo may áo quần, lo mua rương tráp sửa soạn hành lý cho em đi. Gần tới ngày tàu chạy, thầy Hội đồng với vợ chồng Vĩnh Thái đều đưa Công Cẩn lên Sài Gòn.
Vĩnh Thái với thầy Hội đồng mắc đi mua giấy tàu và đổi ít trăm quan tiền Tây cho Công Cẩn bỏ túi xuống tàu mà xài. Thu Hà ở trong khách sạn với em, cô thừa dịp vắng chồng, vắng cha, cô mới nói với em rằng:
- Ba má sinh có hai chị em mình mà thôi. Phận chị là gái, chẳng kể chi.
Có một mình em là trai, em phải gắng sức mà học cho thành công, đặng ngày kia em trở về, em lo bồi đắp cho quê hương, em làm rỡ ràng cho dòng giống. Em phải ghi trong trí mà nhớ luôn luôn rằng em đi du học là học cho quê hương, học cho chủng tộc, chớ không phải học cho có trí thức đặng dễ kiếm gạo, kiếm tiền, hoặc học cho khôn ngoan đặng hiếp kẻ ngu dại như họ vậy. Cái thân chị bây giờ còn cũng như mất, sống mà không có chủ hướng, không có mục đích, gẫm chẳng khác nào một khúc cây khô, đã không có ích chi cho đời mà sợ e ngày kia chẳng khỏi làm buồn cho ba nữa. Chị nghĩ tới phần số của chị, thiệt chị tức không biết chừng nào...
Thu Hà nói tới đó rồi cô khóc dầm dề, không nói được nữa. Công Cẩn không rõ tâm sự của chị, nhưng mà trò nghe chị than bao nhiêu đó thì hiểu chị buồn về nỗi chồng. Trò ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:
- Chớ chi hồi đó chị đừng thèm lấy chồng, để bây giờ chị em mình đi hết qua bên Tây mà học, thì vui quá.
Thu Hà ngước mặt lên ngó em trân trân, nước mắt còn chảy ròng ròng mà cô không lau, cô nhìn em một hồi rồi cô thở ra mà nói rằng:
- Chị có dè đâu. Bây giờ biết ăn năn thì đã muộn rồi.
Tàu gần chạy, nên lo chở đồ đạc đưa Công Cẩn xuống tàu. Vĩnh Thái nói với Công Cẩn tía lia, dạy cách đi dọc đường, dặn cách ăn ở bên Pháp, làm cho thầy Hội đồng với Thu Hà không nói chi được hết. Lúc tàu gần kéo neo, Thu Hà nói với em mấy lời nầy:
- Thôi em đi mạnh giỏi. Em phải nhớ mấy lời chị dặn đó nhé.
Cô nói rồi liền theo chồng với cha mà trở lên bờ, vừa đi vừa lau nước mắt.
Cất tiền, bán lúa, cho vay bạc, hay là cho mướn, việc nào thầy Hội đồng cũng bổn thân lo lắng hết thảy, chớ thầy không biểu con mà cũng không cậy rể làm giùm. Vợ chồng Vĩnh Thái cứ ăn ở không.
Thu Hà nhờ có cha ở nhà nên cô bớt buồn, lại nhờ mấy mươi con nít trong xóm đến học đó nữa, cô mắc dạy dỗ săn sóc chúng nó, nên cô quên nỗi niềm tâm sự được chút ít.
Vĩnh Thái mất quyền cai quản, chàng lấy làm phiền, chàng nghĩ vợ kẽ vạch với cha nên cha mới hết tin cậy, bởi vậy tuy chàng không nói ra, song trong trí chàng oán vợ lắm.
Thường bữa chàng hay cầm bánh xe hơi mà đi chơi một mình. Còn bữa nào ăn cơm chiều rồi, trời tối thì chàng đi ra lộ rồi men men xuống nhà Hương hào Ðiều mà nói chuyện.
Thu Hà coi chồng cũng như không có, bởi vậy chồng đi đâu tự ý chồng, cô không hề hỏi thăm tới.
Một đêm nọ, nhơn dịp thầy Hội đồng nói chuyện với con rể, Vĩnh Thái mới nói rằng:
- Thưa ba, lúc ba đi khỏi, con ở nhà con có đi chơi trên phía Mặc Cần Dưng, con thấy miệt trển ruộng tốt mà giá rẻ, nên con có mua năm chục mẫu. Tuy con mua năm chục mẫu nhưng bây giờ thành tới một trăm năm chục mẫu, bởi vì có hai miếng đất cặp hai bên đó, cộng lối một trăm mẫu, họ khai phá trồng tỉa hết rồi, song họ chiếm đất quốc gia mà họ không có khẩn, con dọ chắc rồi nên con đã vô đơn xin khẩn tại quan chủ tỉnh. Sớm muộn gì hai miếng đất ấy cũng sẽ về con nữa. Con tính ở không cũng vô ích, vậy con xin ba cho con mượn một ngàn đồng bạc đặng con làm vốn lên Mặc Cần Dưng cày cấy sở đất của con đó chơi. Mùa rồi họ làm lúa sạ trúng quá, con chắc sẽ làm được, lại có anh Hương hào Ðiều ảnh hứa coi giùm cho con thì con không lo chi nữa.
Thầy Hội đồng lóng tai nghe rõ rồi thầy nới huỡn đãi rằng:
- Con muốn làm ăn thì ba giúp tiền cho, cái đó thì được. Nhưng ba khuyên con đừng có tính giựt đất của người ta. Cái đó ác lắm. Người ta đổ mồ hôi, xót con mắt mới khai phá được một khoảnh đất mà cấy lúa. Nếu con lập mưu kế mà lấy của người ta như vậy tức người ta, họ không dung con đâu.
Vĩnh Thái cười và đáp rằng:
- Thưa ba, việc đó không hại gì. Hễ mình làm đủ phép thì thôi. Mà như ba không muốn cho con khẩn thì để con làm thử năm chục mẫu đất của con đó trong một mùa coi như khá thì con kiếm đất xung quanh mà mua thêm nữa, mỗi năm mua thêm một miếng, có lẽ một ngày kia cũng sẽ nhiều được. Bây giờ con phải khởi sự cất một cái nhà, mua vài đôi trâu.
Thầy Hội đồng gật đầu nói rằng:
- Như con mua đất mà làm thì được. Ba sẽ giúp vốn cho con đặng cất nhà mua trâu. Bây giờ con muốn lấy bao nhiêu tiền.
- Thưa, một ngàn.
- Ðể sáng rồi ba sẽ đưa cho. Mà con nói thằng Hương hào Ðiều nó sẽ giúp với con; nó đi lên trển rồi, ai làm ruộng cho nó dưới nầy?
- Thưa, ảnh lên xuống, hễ dưới này có việc làm thì ảnh về, chừng nào rảnh thì ảnh chạy lên trển coi dùm cho con. Ruộng dưới nầy dễ, chỉ muớn người ta làm cũng được, không cần gì có ảnh.
- Nếu nó liệu giúp được cho con thì càng tốt. Nó là đứa trung tín, con tin cậy được, chớ đứa khác không xong đâu.
- Thưa, ảnh đã hứa chắc với con rồi. Con lại có hứa hễ chỗ nào họ có bán năm mười mẫu con sẽ thưa với ba giúp bạc cho ảnh mua đặng ảnh làm riêng. Ảnh nghe nói như vậy coi bộ ảnh ham lắm.
- Mùa màng đã tới rồi. Nếu muốn làm thì làm riết, chớ không thì trễ còn gì.
- Thưa, hễ ba đưa bạc thì con đi làm liền.
- Ðể sáng rồi ba đưa.
Sáng bữa sau thầy Hội đồng đưa cho Vĩnh Thái một ngàn đồng bạc. Vĩnh Thái bổn thân đi xuống kêu Hương hào Ðiều lên sửa soạn đi Mặc Cần Dưng. Thầy Hội đồng thấy Hương hào Ðiều thì thầy nói rằng:
- Mầy thạo công việc làm ruộng. Mầy ráng giúp sức với thằng Hai: hễ nó có cơm thì tự nhiên mầy có cháo. Làm đi, làm thử một mùa coi, như có khá thì tao giùm bạc cho mầy mua một miếng đất mà làm riêng nữa.
Hương hào Ðiều nghe chú hứa giúp bạc mua đất thì anh ta lấy làm đắc ý, nên coi bộ sốt sắng sửa soạn mà đi lắm.
Ăn cơm sớm mai rồi, Vĩnh Thái lấy xe hơi mà chở Hương hảo Ðiều đi Mặc Cần Dưng.
Lúc ban đầu, lớp thì lo quy tụ tá điền, lớp thì lo cất chòi cất trại nên Vĩnh Thái để Hương hào Ðiều ở trên ruộng rồi một vài ngày chàng chạy lên thăm chừng và đốc sức một lần. Vì ruộng ở dưới Mỹ Thạnh cấy trễ, Hương hào Ðiều chưa có công việc gì làm ở dưới này, nên anh ta không cần về nhà, cứ ở miết trên Mặc Cần Dưng.
Có bữa Vĩnh Thái đi thăm ruộng về, rồi tối lại chàng đi xuống nhà Hương hào Ðiều chàng nói rằng, Hương hào Ðiều có nhắn lời với vợ nên phải xuống nói lại với chị ta. Việc như vậy có lẽ kêu vợ Hương hào Ðiều lên nhà mà nói cũng được, song anh ta không kêu lại chịu cực ra đi. Mà việc như vậy có lẽ nói chừng vài phút đồng hồ cũng xong; anh ta nói cách nào không biết mà ở gần trót giờ mới chịu đi về.
Có bữa Vĩnh Thái lại chở vợ con Hương hào Ðiều đi lên ruộng, chàng nói rằng Hương hào Ðiều nhớ con nên cậy đem lên cho anh ta thăm.
Mà hễ có vợ con Hương hào Ðiều đi, thì chàng cầm bánh xe mà đưa đi, chớ không cho sớp phơ theo, lại chừng về thì hết canh một mới về tới nhà, chớ không chịu về sớm như mấy bữa khác.
Ði thăm vợ Hương hào Ðiều trong lúc ban đêm và chở vợ Hương hào Ðiều lên thăm ruộng thường lắm, cái cử chỉ như vậy thiệt là dễ cho nguời ta nghi.
Nhưng vì thầy Hội đồng vô ý, còn Thu Hà thì cô không kể tới chồng, nên trong nhà không ai nói tiếng gì, Vĩnh Thái mới tự do không ái ngại chi hết.
Lúa trên Mặc Cần Dưng sạ xong rồi, Hương hào Ðiều mới trở về đặng dọn nhà mà cấy đất của mình làm dưới Mỹ Thạnh. Có Hương hào Ðiều về, Vĩnh Thái lại càng xuống nhà chơi thường hơn nữa; có Hương hào Ðiều ở nhà, chàng cũng ở nói chuyện, mà dầu Hương hào Ðiều có mắc đi ra ruộng đi nữa thì chàng cũng cứ việc ở chơi.
Trong lúc sau đây vợ Hương hào Ðiều lại càng trang điểm hơn hồi trước nữa, tối ngày thường đi giày đi guốc mặc quần lãnh áo lụa, gỡ đầu láng nhuốt, đánh răng trắng trong, lại có mua xà bông thơm để rửa tay, mua nước thơm để rửa mặt. Còn thằng Ðặng là con của Hương hào Ðiều, bây giờ nó lại có nón Tây mà đội, nó lại có trái banh mà chơi; hễ nó đòi ăn bánh thì má nó lại có bánh mì hộp mà cho nó ăn nữa.
Vỉnh Thái thân thiết với Hương hào Ðiều, tự nhiên vợ con Hương hào Ðiều được sung sướng; người trong xóm không ai nghi việc chi hết, mà dầu ai có nhiều chuyện, muốn nghi bậy bạ đi nữa, thì cũng nghi để bụng chớ chẳng dám nói ra.
Một buổi sớm mai, ông Hội đồng Chánh mắc đi đám giỗ dưới nhà ông Hương chủ Lung. Bá Hỉ dắt một nguời anh em bạn ở dưới Cần Thơ lên thăm Vĩnh Thái rồi rủ Vĩnh Thái đi lên Châu Ðốc đặng xem núi Sam chơi. Vĩnh Thái thay đồ rồi lên xe Bá Hỉ mà đi, tính lên Châu Ðốc sẽ ăn cơm.
Thu Hà ở nhà một mình, cô dạy sắp con nít tới mười giờ rồi cô cho chúng nó về. Cô ăn sơ sịa ba hột cơm rồi đi ra đi vô một hồi, trong lòng sanh buồn, nên cô lấy cái khăn đương thêu nửa chừng, cô đem ra phía trước nằm trên ghế xích đu mà thêu.
Gió thổi hiu hiu, trong nhà lặng lẽ, mấy đứa ở đều lục đục phía dưới nhà sau, đứa thì kiếm chỗ nghỉ ngơi, đứa thì xách nước rửa chén. Thu Hà tay thì lụi kim rút chỉ, mắt thì chăm bẳm ngó đường thêu, mà trí lại nghĩ đến duyên phận của mình.
Thình lình có thấy bóng người bước lên thềm, cô day mặt ngó ra, thì là Hương hào Ðiều bước vô, có dắt thằng con là thằng Ðặng theo nữa. Cô không ngồi dậy, cứ nằm và thêu và hỏi rằng:
- Ði chơi, anh Hương hào. Thằng nhỏ anh trọng đến há? Qua sang năm anh cho nó lên trên nầy tôi dạy giùm nó học.
Hương hào Ðiều đứng ngó dớn dác, dường như không nghe mấy lời của Thu Hà nói; anh ta đã không trả lời mà lại hỏi rằng:
- Hồi nãy tôi thấy dượng Hai đi xe hơi với ai đó, phải hôn cô?
- Ừ. Anh Hai tôi ở dưới Cần Thơ lên rồi rủ nhau đi đâu đó không biết.
Hương hào Ðiều đứng xớ rớ, ngó quanh quất một hồi nữa rồi nói rằng:
- Chú có ở nhà không cô Hai?
- Ba tôi đi đám giỗ dưới ông tôi. Anh hỏi ba tôi chi vậy?
Thu Hà liếc mắt thấy Hương hào Ðiều mặt mày buồn xo mà nước mắt lại rưng rưng chảy, cô lấy làm lạ bèn ngồi dậy ngó ngay Hương hào Ðiều mà hỏi rằng:
- Anh có việc chi mà coi bộ anh buồn dữ vậy?
Có lẽ sự buồn của Hương hào Ðiều nó tràn trề trong lòng không thể ngăn chặn lại được nữa, nên anh ta vừa nghe hỏi như vậy thì nước mắt tuôn dầm dề. Anh lấy vạt áo và lau nước mắt và nói rằng:
- Tôi có việc buồn quá, nên tôi thấy dượng Hai đi khỏi, tôi tính lên đặng nói chuyện cho chú nghe.
- Anh buồn về việc gì? Ðâu, anh nói cho tôi nghe rồi ba tôi về tôi thưa lại với ba tôi, được hôn?
Hương hào Ðiều dụ dự không muốn nói. Anh ta và khóc và nói rằng:
- Dượng Hai ở bậy quá. Dưởng nhè dưởng lấy vợ tôi.
Thu Hà nghe mấy tiếng ấy vang tai, chẳng khác nào sét đánh. Cô bỏ hai chơn xuống đất, mắt ngó sững Hương hào Ðiều, nghẹn cứng trong cổ, không biết sao mà nói được. Hương hào Ðiều đứng khóc rấm rức. Thu Hà chống tay lên cằm, day mặt ngó ngoài sân, mà nước mắt cũng chảy ròng ròng.
Thằng Ðặng buông tay tía nó đặng chạy ra trước hiên mà chơi. Trong nhà im lìm, trông ra sự buồn thảm đã lai láng cùng hết.
Thu Hà ngồi trơ trơ một giây lâu rồi hỏi nhỏ Hương hào Ðiều rằng:
- Sao anh biết thầy Hai lấy vợ anh? Anh có bắt được hay là anh nghe người ta nói?
Hương hào Ðiều đáp rằng:
- Thiệt là tôi không thấy. Hồi chiều hôm qua vợ tôi đi chơi đàng xóm, tôi ở nhà nằm nói chuyện chơi với thằng nhỏ tôi. Nó thỏ thẻ học lại tôi mới hay. Nó nói mấy lần dượng Hai chở nó với má nó lên trên ruộng, đi về dọc đường dượng Hai hay bắt nó ngồi coi xe, rồi dượng dắt má nó vô nhà nào không biết, mà ở trỏng lâu lắm rồi mới ra. Cái đó cũng chưa chắc mà tin, nó còn nói nhiều lần tôi không có ở nhà, dượng Hai xuống chơi rồi dượng Hai vô trong mùng mà nằm với má nó. Có nó đó, nếu không tin, cô kêu nó hỏi thử coi.
Thu Hà lắc đầu mà nói rằng:
- Con nít nó nói bậy nói bạ, hơi sức nào mà nghe.
- Con nít thấy sao nói vậy, chớ nó biết giống gì mà đặt chuyện. Ðâu cô kêu nó cô hỏi rồi nó nói hết cho cô nghe mà.
Hương hào Ðiều kêu thằng Ðặng rồi nói với nó rằng:
- Con thấy dượng Hai với má con làm sao đâu, con nói lại cho cô Hai nghe đi con.
Thằng nhỏ lắc đầu không chịu nói. Cha nó thúc riết nên nó mới nới rằng:
- Má dỗ tôi ngủ, dượng Hai vô mùng dượng Hai nằm rồi dượng Hai ôm má. Tôi thấy má có hôn dượng Hai nữa.
Thu Hà khoát tay, ý không muốn cho nói nữa. Cô chảy nước mắt ròng ròng, cô lấy khăn trong túi ra mà lau, rồi nói với Hương hào Ðiều rằng:
- Lời con nít mà tin sao được. Anh hỏi người ta rồi người ta nói anh bày đặt xúi nó nói như vậy, anh mới làm sao? Anh có bằng cớ nào đâu mà đối nại?
- Không, tôi có tính đối nại chi đâu. Thuở nay tôi nhờ có chú bảo bọc nuôi dưỡng rồi cưới vợ cho tôi. Tôi có nhà ở, tôi có cơm ăn, tôi cũng nhờ chú. Ngày hôm nay dượng Hai không nghĩ, dưởng làm việc như vậy, tôi lên đây tôi lạy chú mà giao nhà cửa lại, đặng tôi dắt vợ con tôi đi xứ khác mà làm ăn.
- Chỉ như vậy mà anh còn dắt đi đâu?
- Vợ chồng đã ở có con rồi, tôi bỏ nó sao được.
- Chỉ hư như vậy mà anh còn thương chỉ hay sao?
- Vợ chồng sao lại không thương.
Thu Hà lắc đầu thở ra. Cô ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi cô hỏi rằng:
- Bây giờ anh đi đâu? Anh đi ra rồi làm nghề gì mà ăn?
- Tôi tính lên Sài Gòn, Chợ Lớn kiếm chỗ làm thuê làm mướn mà ăn cũng được.
- Anh tính như vậy quấy lắm. Chỉ có hư thì anh bỏ chỉ mà kiếm vợ khác, chớ chuyện gì lại phải bỏ xứ mà đi.
- Vợ chồng ở với nhau tám chín năm rồi, bây giờ bỏ sao được. Mà bỏ nó, tôi nói làm sao mà bỏ?
- Anh khai tội chỉ ra, rồi anh đuổi chỉ đi đâu chỉ đi, có khó gì đâu.
- Như nó chối rồi làm sao?
- Nếu chỉ chối thì anh rình bắt chỉ, anh làm cho vỡ lẽ ra, thiên hạ thấy rõ, thì chỉ hết chối chớ gì.
Hương hào Ðiều châu mày, lặng thinh, đứng gục mặt xuống đất mà suy nghĩ. Cách một hồi anh ta mới nói rằng:
- Cô nói phải, không biết chừng con nít nó nói bậy. Dượng Hai thương tôi lắm, lại dưởng là người học giỏi nữa, có lẽ nào dưởng ở quấy như vậy. Xin cô đừng nói lại dượng, mà cũng đừng thưa với chú biết chuyện này làm chi. Ðể thủng thẳng tôi dọ tình ý con vợ tôi coi.
Thu Hà gật đầu. Hương hào Ðiều dắt con đi về. Thu Hà ngó theo, cô đau đớn trong lòng, như gan teo, như ruột thắt. Chồng khốn nạn đến nước này à?