Y lời dặn trước, đến bữa đòi tá điền tá thổ thì Hương Hào Ðiều biểu vợ nấu cơm ăn sớm rồi xăm xăm lên nhà thầy Hội đồng Chánh đặng coi họ có tới đủ hay không. Anh ta bước vô thấy thằng Mau đương chùi lau bàn ghế, anh ta mới hỏi thăm coi Vĩnh Thái đi đâu. Thằng Mau nói Vĩnh Thái đương thay áo quần ở trong buồng. Hương hào Ðiều bèn đi thẳng xuống nhà sau.
Vừa xuống tới nhà cầu Hương hào Ðiều gặp Thu Hà ở dưới nhà bếp bước lên. Thu Hà đứng lại mà hỏi rằng:
- Ở nhà tôi[1] biểu anh kêu tá điền tá thổ tựu lại làm chi vậy?
Hương hào Ðiều lắc đầu nói không biết. Thu Hà châu mày đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi rằng:
- Vậy chớ ở nhà tôi biểu anh dắt đi đâu, mà đi trọn hai ngày đó?
- Dượng Tú biểu tôi dắt đi đặng chỉ hết mấy sở ruộng, mấy miếng đất cho dượng coi.
- Ở nhà tôi không có nói với anh chuyện gì hay sao?
- Không. Dượng có nói chi đâu. Dượng biểu tôi đòi tá điền tá thổ, biểu tôi đo cho kỹ mấy cuộc ở trong miếng đất thổ trạch; dượng biểu tôi vậy tôi hay vậy, chớ tôi có biết chi đâu.
Hai người nói chuyện tới đó, kế Vĩnh Thái ở trên nhà trên bước xuống, mặc đồ Tây coi đàng hoàng, vừa thấy Hương hào Ðiều thì hỏi rằng:
- Anh biên mấy cuộc ở của tá thổ đâu, anh đưa tôi coi.
Hương hào Ðiều lật đật rút xấp giấy trong túi mà đưa.
Vĩnh Thái liền trở lên nhà trên, lại ngồi nơi bàn viết, rồi lấy giấy viết ra mà viết. Chàng ngồi biên chép hoài cho tới chừng cơm dọn rồi, thằng Tùng lên mời, mà ý chàng cũng chưa muốn đi ăn.
Lúc ngồi ăn cơm, trong trí chàng mắc lo tính chuyện gì không biết, nên lơ lơ lửng lửng không muốn nói chuyện với vợ.
Tá điền, tá thổ rải rác kéo tới nhà, người nào cũng bước vô xá vợ chồng Vĩnh Thái rồi đứng xớ rớ dựa xó cửa. Thu Hà thấy ai cũng chào hỏi, mời ngồi rồi hối mấy đứa ở lấy trầu ăn. Còn Vĩnh Thái thì ngồi nghiêm nghị, ai xá thì gật đầu mà thôi, không thèm nói chi hết.
Ăn cơm rồi Vĩnh Thái dặn Hương hào Ðiều coi chừng như ai nấy có tới đủ thì cho mình hay, rồi chàng bỏ đi lên bàn viết mà ngồi nữa.
Gần mười giờ, tá điền tá thổ mới đến đủ. Vĩnh Thái ôm giấy tờ sổ sách đem lại để bàn giữa mà ngồi, biểu tá điền đứng qua một bên, tá thổ đứng qua một bên cho phân biệt.
Hương hào Ðiều bước lại nói rằng:
- Mấy người tá thổ đều là tá điền hết, chớ có ai ở trong đất mà không mướn ruộng đâu.
Vĩnh Thái cười. Chàng lật sổ ra mà coi rồi kêu Phó lý Thâu biểu lại đứng ngang trước mặt mà hỏi rằng:
- Mùa rồi đây chú đong lúa ruộng còn thiếu năm chục giạ phải hôn?
- Thưa dượng, phải.
- Tôi kỳ cho chú trong ba ngày chú phải đem mà đong cho tất. Nếu chú không vưng lời thì tôi lên tòa đóng bạc vào đơn mà kiện rồi tôi phát mãi đồ đạc hết, lại tôi bắt mà giam thân chú nữa đa, nói cho chú biết.
- Thưa dượng, hôm trước tôi có bẩm với thầy Hội, tôi xin để mùa tới tôi sẽ đong. Thầy Hội bằng lòng rồi. Bây giờ dượng biểu tôi đong, tôi còn có vài chục giạ để ăn, có lúa đâu mà đong.
- Không được. Ba tôi không có nói với tôi chuyện đó. Tôi thấy trong sổ ba tôi ghi chú còn thiếu năm chục giạ thì chú phải đong. Nếu chú cừ ngạnh, tôi bỏ tù chú, mà tôi lấy ruộng lại cho người khác mướn, không để cho chú làm nữa.
- Thưa dượng, tội nghiệp tôi quá!
- Tội nghiệp cái gì? Chú muốn giựt nên chú không chịu đong cho đủ chớ. Tá điền gần một trăm người ai cũng đong đủ hết, duy có một mình chú nghinh ngang, chú không chịu đong, để tôi làm cho chú coi tôi.
- Thưa dượng, dượng hỏi hết thảy bà con đây coi. Mùa rồi ruộng của ai cũng trúng hết, có một mình tôi bị chuột cắn phá nên tôi thất quá, không có đủ mà đong lúa ruộng, chớ phải tôi dám cừ ngạnh hay sao. Thuở nay tôi nhờ thầy Hội đồng mà no cơm ấm áo, có lẽ nào tôi dám như vậy. Tôi làm ruộng của thầy hơn mười năm rồi, mới có năm nay rủi thất quá nên tôi mới thiếu đó.
- Hồi làm tờ tá, chú có giao hễ lúa bị chuột cắn thì chủ điền phải bớt lúa ruộng hay không?
- Thưa không.
- À còn như mùa rồi ruộng chú trúng quá, chủ điền có buộc chú đong thêm lúa ruộng hay không?
- Thưa không.
- À, phàm làm ruộng hễ trúng thì nhờ, còn rủi thất mùa thì chịu, chớ chối cãi cái gì. Không biết, chú làm sao thì làm, tôi kỳ cho chú trong ba bữa phải đem năm chục giạ lúa mà đong cho đủ. Nếu để trễ một ngày tôi cũng bỏ tù và lấy ruộng lại nữa.
- Thưa dượng, xin dượng thương tôi. Thiệt tôi có biết làm sao cho có năm chục giạ lúa đong bây giờ.
- Thì chú bán nhà bán cửa, bán đồ bán đạc, làm sao chú làm, tôi biết đâu.
Phó lý Thâu ứa nước mắt, đứng nín khe một hồi rồi than rằng:
- Bán nhà rồi nhà đâu mà ở. Còn đồ đạc trong nhà có món nào xứng đáng đâu mà bán được.
- Như không có đồ mà bán, thì đợ vợ đợ con làm sao thì làm chớ.
- Chớ phải ai chịu mướn thằng nhỏ tôi thì tôi cũng đợ nó.
- Thằng nhỏ chú được bao lớn?
- Thưa, mười chín tuổi.
- Hỏi thử mấy người này có ai chịu mướn không?
Ai nấy đều nín khe, không ai chịu mướn. Vĩnh Thái trầm ngâm một hồi rồi nói với Phó lý Thâu rằng:
- Thôi chú đem con chú lên ở với tôi mà làm công việc nhà. Chừng nào chú có năm chục giạ lúa đem đong đủ rồi tôi sẽ cho nó về.
- Dạ.
- Sớm mai chú phải dắt nó lên đây đa, nghe hôn?
- Dạ.
Vĩnh Thái ngồi dựa ngửa lên ghế, liếc mắt ngó tá điền rối chậm rãi nói rằng:
- Bữa nay tôi kêu mấy người tựu lại đây là vì tôi có chuyện muốn nói với mấy người. Mấy người cũng biết, thuở nay ba tôi ở với mấy người tử tế lắm. Bây giờ ba tôi buồn, ba tôi không muốn biết tới việc ruộng đất nữa, ba tôi giao hết cho tôi coi. Tôi muốn kế chí của ba tôi, nên tôi cũng lấy lòng nhơn đức mà ở với mấy người. Mùa này tôi muốn khởi sự thí một cái ơn cho mấy người chơi.
Tôi nghe nói thuở nay, năm nào cũng vậy, mấy người hụt tiền lúa chạy sấp chạy ngửa, vay đầu nầy hỏi đầu kia, bị người ta bó buộc ăn lời cắt họng. Tôi làm chủ điền mà để cho tá điền tôi đi vay của người khác như vậy thì tội nghiệp cho họ mà cũng hư danh giá của tôi nữa. Ấy vậy tôi muốn mấy người lấy bạc lấy lúa của tôi mà xây dựng, chớ đừng đi hỏi của người ngoài họ cười tôi. Tôi nhứt định hễ ai mướn một trăm công đất thì tôi giúp cho hoặc năm chục đồng bạc hoặc năm chục giạ lúa, tùy ý ai muốn lấy bạc thì lấy, ai muốn lấy lúa thì lấy. Như ai mướn hai trăm công thì tôi giúp số bằng hai, ai mướn ba trăm công thì giúp số bằng ba.
Mấy người cũng nghĩ cho tôi, không lẽ tôi giúp vốn cho mấy người làm ăn, mà mấy người không trả tiền lời cho tôi chút đỉnh. Ở miệt này chủ điền cho tá điền vay, thì ai cũng ăn lời quá lẽ hết thảy, cho một giạ lúa tới ngày họ đòi hai giạ, cho một đồng tới ngày họ đòi hai đồng. Tôi nhơn đức, tôi không đành cắt cổ mấy người quá như vậy đâu. Tôi định cho năm chục giạ lúa, tới ngày mấy người đong vốn và lời tám chục giạ mà thôi, bạc cũng vậy, hễ năm chục đồng thì tới ngày vốn và lời tám chục đồng. Vậy hễ đầu mùa mưa thì mấy người phải thay tờ tá hết thảy. Lúa ruộng thì tôi để y số cũ, chớ tôi không tăng. Nhưng hễ làm tờ tá thì phải làm luôn cái giấy hỏi bạc hoặc hỏi lúa, ai mướn đất nhiều thì hỏi nhiều, ai mướn đất ít thì hỏi ít, tùy theo số đất mà làm tờ tá, và muốn lấy bạc hay là lấy lúa tùy ý mình, cái đó tôi không ép. Mấy người hiểu hay không?
Mấy người tá điền dạ rân. Có ông cựu Hương sư Nhân râu le the, tóc bạc hoa râm, mặc quần lãnh đen, áo quãng đông lục soạn tam công, ông bước ra nói rằng:
- Dượng ở với tá điền như vậy thì tử tế thiệt. Nhưng mà ai có thiếu thốn hoặc lúa ăn, hoặc bạc xài, thì mới lấy, còn ai không cần dùng thì thôi, chớ dượng buộc ai cũng phải hỏi bạc hoặc hỏi lúa hết hay sao?
- Hết thảy, ai cũng phải lấy.
- Như tôi không cần dùng, tôi lấy làm chi mà phải chịu số lời.
- Sao lại không cần dùng? Phải lấy mới được.
- Tôi không cần dùng, tôi xin không lấy. Tôi làm tới ba trăm công đất, nếu tôi phải lấy một trăm năm chục đồng bạc đem về để đó rồi tới ngày tôi phải trả tiền lời tới chín chục đồng thì oan cho tôi quá.
- Ai không chịu lấy bạc hoặc lấy lúa, thì tôi lấy đất lại, người ta bằng lòng hết, có một mình ông nhiều chuyện, ông kỳ quá. Ông không bằng lòng thì đi mướn đất ruộng khác mà làm.
- Ông cựu Hương sư Nhân bị rầy, ông xụi lơ, không dám kêu nài nữa. Ai nấy cũng lặng lẽ không còn dám cãi.
Vĩnh Thái kêu thằng Tùng biểu rót một chén nước trà cho chàng uống rồi chàng nói tiếp rằng:
- Việc ruộng tôi nói rồi, bây giờ tôi nói qua thổ trạch. Mấy bữa rày tôi hỏi thăm tôi mới hay thuở nay mấy người cất nhà cất cửa, trồng cây trồng cối, choán ở trong đất của ba tôi, mà không có đóng tiền chi hết. Tôi mới coi ruộng đất của ba tôi, tôi cũng không bó buộc mấy người làm chi, ngặt vì năm nay nhà nước đánh thuế đất thổ trạch mắc lắm, đã thâu thuế theo số sào mẫu rồi còn thâu thuế nóc gia nữa. Mấy người cũng hiểu, tuy là đất thổ trạch song hồi trước ba tôi cũng xuất bạc ngân mà mua, chớ phải ai cho không hay sao.
Nếu để dùng lập vuờn mà trồng cây trái thì huê lợi cũng nhiều. Ba tôi để cho mấy người cất nhà ở trồng rau trồng chuối mà dùng, thì ba tôi đã thất lợi rồi, bây giờ còn phải đóng thuế nữa, thì thiệt hại lung quá. Vậy tôi xin mấy người phải chung nhau mà chịu số thuế đó. Mà bây giờ để cho mấy người chia thuế thì cũng khó, nên tôi mới cậy anh Hương hào đi đo đặng tôi chia cho công bình, ai choán nhiều đất thì chịu nhiều, ai choán ít thì chịu ít. Ðất ở Sài Gòn, Chợ Lớn người ta cho mướn mỗi một thước vuông một năm tới năm mươi đồng. Mình ở ruộng, không lẽ đòi mắc quá như vậy. Tôi định mỗi thước vuông, mấy người chịu nửa đồng xu một năm mà thôi. Mỗi người choán bao nhiêu đất, tôi đã đo và biên vào sổ rồi, chừng nào làng họ thâu thuế tôi thì tôi sẽ kêu mấy người đem đóng cho tôi, đặng tôi đóng lại cho làng. Vì sự nầy thuở nay không có, nên tôi phải cho mấy người hay trước.
Tá điền tá thổ đều lặng thinh, ngó nhau mà chịu. Có một người hỏi rằng:
- Thưa dượng, không biết phần tôi phải đóng chừng bao nhiêu.
- Chú tên gì?
- Tư Ðỏ.
Vĩnh Thái lật sổ coi rồi nói rằng:
- Chú choán tám trăm bốn chục thước. Chú phải đóng bốn đồng bạc.
Tư Ðỏ le lưỡi lắc đầu. Vĩnh Thái nói rằng:
- Nhà chú thì nhỏ mà tại chú choán đất trồng đồ nên phải đóng nhiều chớ sao. Hôm qua tôi muốn cán đều với nhau mà chịu. Mà rồi tôi nghĩ người choán đất nhiều kẻ choán đất ít, bắt chịu đồng với nhau thì không công bình.
Vĩnh Thái xếp sổ lại rồi hỏi rằng:
- Còn mười mấy cái mả chôn ngoài ruộng phía trên đầu xóm đó, là mả của ai vậy? Ðâu ai bà con với những người nằm đó thì bước ra đứng riêng một bên đây coi.
Gần hai mươi người bước ra phía tay mặt mà đứng, đờn ông có, đờn bà cũng có. Vĩnh Thái ngó mấy người mà nói rằng:
- Mấy người đắp gò mả trong ruộng, hư ruộng hết. Tôi muốn mấy người nhơn mùa nắng nầy mà lấy cốt những mả ấy đem chôn chỗ khác.
Mấy người đều rập nhau mà nói đã chôn lỡ rối, bây giờ lấy cốt biết đem đi đâu mà chôn. Vĩnh Thái ngồi ngẫm nghĩ rồi nói rằng:
- Mấy người nói cũng phải. Mấy người không có đất riêng, nếu bắt lấy cốt rồi mấy người biết đem vô đất nào mà chôn. Mà để đó hoài thì thiệt hại cho tôi nhiều lắm. Vậy tôi định mỗi cái mả mỗi năm phải đóng cho tôi một đồng bạc. Không phải là tôi làm gắt, ấy là mấy người bồi thường sự thiệt hại cho tôi đó thôi. Như người nào chê mắc, thì thong thả muốn lấy cốt đem qua đất khác mà chôn cũng được. Tôi không ép.
Ai nấy đều nói rằng:
- Ðóng một đồng bạc thì đóng chớ biết làm sao bây giờ.
Vĩnh Thái đứng dậy nói rằng:
- Tôi nói chuyện xong rồi, thôi mấy người về đi. Nầy, mà phải nhớ hễ đầu tháng tư nầy thì thay tờ tá hết thảy đa, đặng có lấy bạc lấy lúa. Ðể tôi mướn in sẵn tờ tá với giấy vay, đặng mấy người khỏi thất công viết.
Tá điền tá thổ cúm rúm kéo nhau ra về. Khi họ ra ngoài sân rồi, Vĩnh Thái còn kêu Phó lý Thâu mà nói vói rằng:
- Phó lý Thâu, sáng mai chú phải dắt con chú lên ở đa, nghe hôn.
Phó lý Thâu dạ, mà mặt mày buồn hiu.
Vĩnh Thái vô nhà, thấy còn có một Hương hào Ðiều đứng đó, thì chàng và cười và bước lại vỗ vai anh ta mà nói rằng:
- Anh coi tôi tính như vậy có lợi nhiều hay không, hử? Anh ráng cho tôi hết lòng. Tôi sẽ thưởng công anh xứng đáng lắm. Anh cũng phải làm bộ lấy lúa vay như họ, song tới mùa tôi không ăn lời anh đâu. Còn tiền thổ cư tôi cũng tha anh nữa, không sao đâu mà sợ.
Thu Hà từ nhỏ chí lớn hễ đi học thì thôi, chớ về nhà thì nghe những lời hiền lương, thấy những chuyện nhơn nghĩa. Vì cô sanh trưởng trong cái nhà như vậy, nên tánh cô đã không kiêu căng, mà lòng cô lại hay thương người nghèo khổ.
Thuở nay cô coi tá điền tá thổ của thầy Hội đồng cũng như bà con, ai đáng anh cô kêu anh, ai đáng chú cô kêu chú, ai đáng bác cô kêu bác. Ðã vậy mà cô nghe ai thất mùa cô liền xin cha mẹ chế giảm, cô thấy ai đói rách thì cô thường lấy tiền, xúc lúa mà cho.
Bữa nay cô thấy chồng cho đòi tá điền tá thổ tới, cô không hiểu có việc chi, nên cô ngồi thêu dựa cửa sổ ở trong buồng mà cô lóng tai nghe chăm chỉ coi chồng nói chuyện gì. Chừng cô nghe chồng bó buộc Phó lý Thâu về năm chục giạ lúa, thì cô bầy gan ứa mật, cô buông cái bàn thêu mà đứng dậy. Cô muốn bước ra ngoài mà nói với chồng rằng: “Chú Phó thiếu lúa tôi, chớ không phải thiếu lúa của mình mà mình đòi. Tôi cho chú đa, mình không được phép mà đòi chú nữa.”
Mà mới bước được vài bước rồi cô nghĩ: Chồng mình đương nói chuyện với người ta, nếu mình ra bỉ sứ, thì còn gì là thể diện của chồng mình. Hễ mình không trọng chồng mình thì thiên hạ coi chồng mình ra cóc rác[2] gì nữa.
Cô nghĩ như vậy nên trở lại ngồi mà thêu. Mà ngồi thêu, cô nghe cái giọng giả dối của chồng nói với tá điền, cô nghe cái cách xảo trá của chồng tính mà ăn cướp dân nghèo khổ, thì cô bực mình tức giận quá, nên cô thêu không được, mà ngồi cũng không yên. Cô đứng dựa cửa buồng lóng tai mà nghe không sót một lời nói. Cô muốn bước ra mấy lần, mà lần nào cô cũng vì thể diện của chồng nên cô không nỡ.
Chừng thấy tá điền về hết, Vĩnh Thái đương vỗ vai Hương hào Ðiều và nói và cười, thì cô đi ra mà hỏi chồng rằng:
- Cách khai hóa của mình như vậy đó phải hôn?
Vĩnh Thái ngó vợ và cười và đáp rằng:
- Phải. Ðây là về cái đoạn chấn hưng kinh tế.
- Thôi, thôi, đừng có nói nữa. Tôi mắc cỡ lắm.
- Mắc cỡ cái gì?
- Tôi mắc cỡ cho mình, chớ mắc cỡ cái gì?
- Tôi làm sao mà mình mắc cở cho tôi?
- Hồi nào mình nói nghe êm tai lắm. Mình nói mình sẽ hy sinh tánh mạng của mình đặng đánh đổ quyền thế nhà giàu mà binh vực cho bọn nghèo nàn. Sao bây giờ mình lại khắc bạc nhà nghèo quá như vậy?
- Ủa. Người khôn thì phải tùy cơ ứng biến chớ. Gặp hồi nào làm theo hồi ấy, cái đó là lẽ tự nhiên.
- Mình đổi tánh, mình nói nghe kỳ quá.
- Con người ai mà giữ một tánh tới già được. Vậy chớ mình không nghe câu tục ngữ: “Ăn theo thuở, ở theo thì” đó hay sao?
- Mình dạn nói quá?
- Sao mà dạn, sao mà nhát?
- Thôi tôi hiểu tánh ý mình rồi. Cãi làm chi cho thất công. Song tôi nói cho mình biết trước rằng tôi cho đứt chú Phó lý Thâu năm chục giạ lúa đó đa, mình đừng đòi nữa, mà cũng đừng có biểu con chú lên ở. Còn tá điền ai có thiếu lúa thiếu bạc đến đây mà hỏi thì mình sẽ giùm cho người ta, ai không hỏi thì thôi, mình không nên ép. Mà giùm lúa giùm bạc thì cho mượn chớ đừng có ăn lời, tôi không chịu đâu. Tôi cũng không muốn cho mình đòi tiền thổ cư của ai hết. Cha mẹ tôi không giàu bao nhiêu, song cũng không túng rối đến nỗi cằn sảy[3] mà đòi tiền của người nghèo như vậy. Lại những mồ mả trong ruộng đó là ba tôi cho chôn đa, mình không được phép đụng tới người khuất mặt.
Thu Hà giận nên nói tiếng nghe hằm hè lắm. Vĩnh Thái thấy vợ ngăn trở việc của mình làm, thì châu mày trợn mắt mà nói rằng:
- Việc của tôi làm, mình là đàn bà, mình biết gì mà xen vô.
- Phải, tôi là đàn bà, tôi không biết chi hết song tôi biết thương loài người, tôi biết thương kẻ nghèo, nếu tôi không bênh vực giúp đỡ cho người ta được thì thôi, chớ tôi không đành lợi dụng quyền thế mà bó buộc hiếp đáp người ta như mình vậy.
- Mình không hiểu, để tôi cắt nghĩa cho mình nghe. Tôi có bó buộc hiếp đáp ai đâu? Tôi lại không biết thương nhà nghèo hay sao? Nhưng mà mình làm chủ điền mình phải ở cho hẳn hòi, tá điền họ mới sợ. Nếu có một người cừ ngạnh không chịu đong đủ lúa ruộng, mà mình không làm gắt, thì mấy người khác họ bắt chước họ đong thiếu hết thảy, rồi làm sao. Còn việc cho vay ấy là tôi cứu giúp họ, có cái gì đâu gọi là hiếp đáp. Tôi định số lời nhẹ hơn thiên hạ hết thảy, chớ phải tôi cắt cổ tá điền hay sao? Tôi đòi tiền thuế thổ cư với mồ mã, là tôi đòi số tiền thiệt hại của mình lại, có bất nhơn chỗ nào đâu. Chừng ba về ba nghe mấy việc của tôi làm đây chắc là ba chịu lắm, phải hôn anh Hương hào? Tôi nói cái nầy cho mình biết, nếu mình muốn khai hóa nước nhà, thì trước hết mình phải làm sao cho có tiền đã chớ. Mình phải để cho tôi làm, sao mình lại cản trở?
- Xin mình đừng có nói chuyện khai hóa nữa, tôi mắc cở lắm. Khai hóa cái gì, mà người ta mời mua nhựt trình không chịu mua, người ta rủ hùn nhà máy không chịu hùn, rồi bày mưu sâu kế độc đặng giết bọn nhà nghèo, mà còn dám nói khai hóa!
Thu Hà nói dứt lời liền bỏ đi xuống nhà sau, Vĩnh Thái ngó Hương hào Ðiều mà nói rằng:
- Anh xuống biểu sớp phơ đem xe ra rồi tôi với anh đi lên Long Xuyên chơi.