Khóc thầm

Chương II. Luận đàm thế sự

Nhà cửa của thầy Ðoàn Công Chánh cất theo kiểu kim thời, nên bề ngoài coi có vẻ thanh bai, còn bề trong dọn có đủ nghi tiết. Phía trong thầy đặt ba bàn thờ cẩn ốc xa cừ, lau chùi bóng láng, lư chơn đèn đồng trắng đánh dầu sáng ngời. Phía ngoài, mà chánh giữa thầy để một bộ ghế xa lông[1], còn hai bên thầy lót hai bộ ván gõ[2] đỏ. Ðầu trên thầy dọn hai cái phòng khách, còn đầu dưới thầy để làm phòng ăn có tủ buffet chưng rượu đủ thứ.

Cách chưng dọn trong nhà nửa theo tân, nửa theo cựu, nên khách lạ bước vô, ai cũng biết chủ nhà ăn ở theo nay, mà tánh ý theo xưa.

Thầy Hội đồng dắt Bá Hỉ với Vĩnh Thái thẳng vô bộ xa lông mời khách ngồi. Bá Hỉ, Vĩnh Thái ngồi một bên, thầy ngồi một bên, còn ông Hương chủ thì nằm ngửa trên cái ghế xít-đu, để phía ngoài mà đưa lúc lắc.

Thầy Hội đồng kêu thằng Tùng, là đứa ở mà biểu lấy ly khui rượu sâm banh[3], Bá Hỉ đứng dậy nói:

- Thưa dượng, đừng biểu khui rượu. Cháu không dám uống đâu. Hai anh em cháu đi chơi, cháu cầm bánh xe, chớ không có đem sớp phơ theo. Uống rượu đây rồi cháu say và cháu táng bậy vô cây mang khốn.

Thầy Hội đồng không thèm nghe, thầy cứ biểu khui rượu bốn ly. Thầy bước ra mời chú, thì ông Hương chủ lắc đầu nói:

- Cháu uống với hai cậu đi. Tao không ưa rượu Tây.

Cô Hội đồng ngồi bên ván thấy chú không chịu uống rượu, cô lật đật têm miếng trầu rồi biểu con Khéo, là đứa bộ hạ, đem cho chú ăn.

Thầy Hội đồng mời khách uống rượu rồi bảo Bá Hỉ:

- Hãng sửa xe của cháu lúc này khá hôn?

- Thưa, khá khá. Cháu tính mua chừng năm cái xe lớn để đưa bộ hành đường này chơi. Hễ có xe đưa thì chắc là cháu lên trên này thường.

Thầy Hội đồng liếc mắt ngó Vĩnh Thái rồi hỏi:

- Còn cậu Tú về thăm nhà rồi cậu trở qua học nữa hay là thôi?

- Thưa ông, hồi cháu ra đi, thì cháu tính lấy được cái bằng cấp Tấn sĩ văn chương rồi cháu sẽ về. Rủi quá, cháu mới thi đậu hai khóa Tú tài, kế ông thân cháu mất, bà thân cháu đánh dây thép biểu cháu về. Cháu về hổm nay, bà thân cháu bận bịu quá, nên chắc là không cho cháu đi nữa.

- Cậu ở bên Pháp được mấy năm?

- Thưa, bốn năm.

- Cậu biết học sanh Việt Nam bây giờ ở bển được chừng bao nhiêu?

- Thưa, chừng ba bốn trăm.

- Chả, cũng bộn há! Thuở nay tôi thường nói hoài, thanh niên là hy vọng của nước nhà. Dân tộc ta sau nầy có mở mang được, là nhờ mấy cậu học sanh du học bên Âu Mỹ. Ngày nay số học sanh ấy đã được ba bốn trăm, thế thì trong năm bảy năm nữa, dân tộc mình có lẽ mở mắt được chút ít.

- Thưa ông, lời ông nói không lẽ cháu dám cãi, chớ theo ý cháu thì học sanh của các nước thiệt là hy vọng của quốc gia, còn học sanh của mình là hy vọng của tửu điếm trà đình, chớ không có ích lợi chi cho xã hội.

- Sao vậy?

- Cháu đây là học sanh, nên cháu thấy tình hình rõ hết. Những học sanh của mình hiện đương ở bên Pháp bây giờ đây, có một phần cần cố lo học, còn hai phần thì chỉ ăn chơi, phá tiền của cha mẹ, chớ có học hành chi đâu. Mà cái bọn qua Pháp đặng ăn chơi đó thì vô ích cho xã hội ta đã đành rồi, còn tụi lo học đó cũng không ích chi hết. Nói ra thì họ ghét, chớ thiệt cháu nghĩ đến mạng vận của chủng tộc mình chừng nào cháu càng buồn thêm chừng nấy. Mình làm học sanh, xuất thân đi ngoại quốc mà du học, mình phải ghi tạc trong trí rằng, đối với quê hương, đối với đồng chủng, mình phải rèn tập tư cách, đặng chừng mình trở về mình tô điểm cho quê hương, mình mở mang cho đồng chủng mới phải. Có lý nào qua Pháp rồi, lại sắm áo quần cho tốt, rồi khi thì tìm đến chốn phiền ba[4] mà ăn chơi, khi thì ra ngoài mấy bãi biển mà hứng gió. Còn cái bọn lo học thì học thế nào kia, chớ học mà chỉ trông mong lấy bằng cấp cho lớn, rồi cưới vợ đầm, vô dân Pháp, đặng trở về gõ trên đầu bọn dân ngu ở nhà nữa, ông nghĩ thử coi, học như vậy đó đáng mừng hay là đáng ngán?

Bá Hỉ cười mà nói:

- Toa[4] nói thái quá. Cũng có người thương nước thương dân, chớ có lẽ nào hư hết hay sao?

- Ai đâu, anh chỉ thử coi?

- Toa đó.

- Không. Tôi là đồ bỏ mà kể gì. Mà dầu tôi có thương dân thương nước đi nữa, thì một mình tôi lại làm việc gì được?

Thầy Hội đồng là người có chí lo cho đời, nay thầy gặp Vĩnh Thái còn trẻ mà có tâm huyết thì hiệp ý thầy lắm, nên thầy rót rượu ép mời uống nữa. Bá Hỉ với Vĩnh Thái đồng chối từ không dám uống nhiều. Thầy Hội đồng đương hứng chí, thầy sợ khách về gấp, nên thầy kêu vợ mà nói rằng:

- Má nó coi biểu bầy trẻ dọn cơm, đặng mời thằng Hai, với cậu Tú ăn chơi nhé.

Cô Hội đồng đáp rằng:

- Thưa, tôi có dặn bầy trẻ rồi. Uống rượu chơi một lát tối tối rồi sẽ ăn cơm, chớ bây giờ còn sớm quá.

Bá Hỉ đứng dậy nói:

- Thưa dì, đừng có lo cơm nước chi hết. Ðể cháu chơi một chút rồi cháu về.

Thầy Hội đồng can:

- Ê, cháu về chi gấp vậy nà. Ở ăn cơm chơi rồi tối sẽ về.

- Đường xa, về tối khó lắm.

- Khó cái gì? Trời có trăng, mà xe hơi có đèn nữa, đi ban đêm mát, chớ có sao đâu mà sợ. Không mấy thuở gặp cậu Tú, ở chơi đặng cậu Tú ở ăn cơm với dượng một bữa.

- Thưa dượng dạy như vậy, cháu phải vưng.

Vĩnh Thái ngó thầy Hội đồng và cười và nói rằng:

- Cháu mới đến nhà thăm ông bà một lần đầu, mà ông bà hậu đãi quá. Nếu cháu từ thì mang lỗi với ông bà, còn nếu cháu vưng thì sợ e thất lễ.

- Ở ăn cơm chơi, vợ chồng tôi mừng lắm, có chi đâu mà sợ thất lễ. Cậu nói chuyện nãy giờ đó, tôi biết cậu là người để ý về mạng vận của nước nhà. Theo đời này, những người có học thức, ai cũng lo tranh danh trục lợi, chớ ít ai biết lo cho quê hương xã hội. Nếu bọn học sanh ta mà có chí như cậu vậy hết thảy, thì nước ta may mắn biết chừng nào.

- Thưa ông, lời ông mới nói đó cháu kính phục lắm. Ðời này ai cũng ham cầu danh lợi, chớ không ai lo tô điểm quê hương. Ngó quanh quất chỉ thấy người lo làm quan, kẻ lo làm giàu, thậm chí những người xưng mình là có trách nhiệm vực nước binh dân, mà họ cũng lo danh lợi cho họ, chớ nào thấy họ binh vực ai đâu. Mà làm quan, mà mua chức hàm cho lớn, mua mề đay[5] cho nhiều. Chớ phải làm quan đặng dạy dân cho khôn ngoan, làm giàu đặng cứu dân hết cùng khổ, thì mình sùng bái, chớ mình đâu dám kích bác họ.

- Cậu luận tình hình xã hội thiệt là đúng. Trí não của người bây giờ thời vậy đó. Mấy năm nay tôi dòm thấy như vậy tôi cũng buồn. Mà buồn thì buồn, chớ biết làm sao?

- Thưa ông, xã hội ta bây giờ như người có bịnh nặng. Vậy thì phải lo chạy thuốc, chớ ngồi khoanh tay mà rầu hoài thì người bịnh chết còn gì.

- Phải có ông thầy hay mới được.

- Biết thầy hay ở đâu mà tìm bây giờ.

- Thưa, thầy nào cũng hay hết thảy, miễn là ông thầy phải cho hết lòng mà thôi.

- Mấy năm nay thiếu gì thầy lãnh trị bịnh cho xã hội, mà nào có thấy bịnh giảm chút nào đâu?

- Thưa tại thầy không tận tâm, mà cũng tại thuốc cho uống không nhằm nữa, nên bịnh mới dây dưa như vậy đó.

- Theo ý cậu, bây giờ phải cho thuốc cách nào?

- Thưa ông, cháu còn thơ ấu, cháu đâu dám lãnh thuốc cho xã hội. Cháu có cái lòng nhiệt thành mà thôi, chớ có tài trí gì đâu mà dám khoe khoang.

- Không. Mình luận nghe chơi, có hại gì.

- Theo ý cháu, nếu muốn khai hóa cho quê hương, thì phải lập một cái chương trình cho rành rẽ, rồi noi theo đó mà thi hành. Cái chương trình ấy phải phân ra làm ba đoạn:

1. Khai hóa tri thức.

2. Chấn hưng kinh tế.

3. Tài bồi đạo đức.

Về đoạn khai hóa tri thức, thì phải lập trường trung đẳng, cao đẳng cho đủ giai cấp, cũng như các nước văn minh vậy, đặng đào tạo nhơn tài mà dùng. Phải lập ấn quán, thơ quán rồi dịch sách văn chương triết lý, khoa học lịch sử, tiểu thuyết mà truyền bá tư tưởng hay, tài nghề giỏi của Âu Mỹ cho người mình hiểu.

Về đoạn chấn hưng kinh tế, thì phải lập hãng lớn để góp mua đồ nội hóa mà xuất cảng bán cho ngoại quốc, để trữ đủ thứ hàng ngoại quốc, mà bán cho dân mình dùng. Phải lập lò công nghệ để chế tạo vật liệu cơ khí. Rồi cũng phải lập ngân hàng cho lớn để giúp vốn cho nhà đại thương và nhà công nghệ của mình.

Về đoạn tài bồi đạo đức, thì phải chọn một tôn giáo để làm đạo chung của dân mình, rồi vận động làm cho mọi người đều tín ngưỡng, đều sùng bái đạo đó, đặng cho dân trong nước một bụng một lòng, hết xích mích giận hờn nhau nữa.

Vĩnh Thái ngồi đàm luận, lời nói khi trầm khi phù[6], có hằng có chấn[7], đến chỗ giận trợn mắt nắm tay, đến chỗ buồn thở ra chắc lưỡi. Ðã vậy mà cậu nói lời nào nghe cũng có lý, cậu tính việc nào coi cũng cao xa, rõ ràng là một đứng thanh niên tân học, đã có lòng nhiệt thành với quốc dân mà lại có tài tổ chức cuộc khai hóa nữa.

Thầy Hội đồng ngồi nghe, thầy mê mẩn, không nháy mắt, không cục cựa.

Chừng Vĩnh Thái nói dứt rồi thầy mới nói rằng:

- Lời cậu luận đó vừa ý tôi lắm. Thanh niên Nam Việt như vầy mới phải, chớ thứ đồ đi đánh dóc đặng xin tiền đó mà thanh niên gì?

Cô Hội đồng bước lại gần chồng mà nói nhỏ cho chồng hay rằng cơm đã dọn xong rồi. Thầy Hội đồng liền đứng dậy bước ra mời chú rồi mời Bá Hỉ với Vĩnh Thái ăn cơm. Chủ khách đi qua phòng ăn. Bá Hỉ thấy cô Hội đồng với Thu Hà lăng xăng coi trẻ ở bưng dọn mà không chịu ngồi ăn, thì nói:

- Thưa, cháu mời dì ngồi ăn cơm luôn thể.

Cô Hội đồng đáp:

- Cháu ăn đi, dì chưa đói.

Bá Hỉ nói tiếp:

- Thôi con Hai đi ăn, em.

Thu Hà chúm chím cười và đáp:

- Thưa, anh Hai dùng đi để em coi bầy trẻ nó dọn rồi lát nữa em sẽ ăn.

Vĩnh Thái liếc mắt ngó Thu Hà, rồi kéo ghế mà ngồi, bộ nghiêm trang tề chỉnh lắm.

Thầy Hội đồng còn muốn nghe Vĩnh Thái nói chuyện nữa, nên mới ngồi ăn được vài miếng thì thầy hỏi:

- Cái chương trình khai hóa cậu nói hồi nãy tôi phục lắm. Vậy mà bao giờ cậu tính cậu khởi sự thi hành đoạn nào?

- Phải thi hành luôn ba đoạn một lượt mới được.

- Một mình cậu mà cậu làm sao cho xiết?

- Cháu có tài gì đâu mà làm được. Cháu vẽ ra đó cho bực cao minh kiến thức hiệp nhau mà làm lấy chớ.

- Cậu nói phải. Trong cuộc khai hóa, phải có đông người, chớ một mình thì làm không nổi. Mà bây giờ cậu nói thử nghe chơi, như cậu không đi học nữa, cậu ở nhà rồi cậu làm gì mà giúp ích cho đồng bào?

Thu Hà đương mở tủ rượu mà lấy thêm một chai rượu chát, cô nghe cha hỏi như vậy, thì cô khựng lại, lóng tai nghe coi khách trả lời làm sao. Vĩnh Thái suy nghĩ một chút rồi đáp rằng:

- Cháu có làm thì cháu lãnh cái đoạn khai hóa trí thức mà thôi, chớ hai đoạn kia cháu không được thạo cho lắm.

- Mà cậu lãnh cái đoạn đó cậu tính lập học hiệu hay là lập ấn quán?

- Nếu cháu có tiền nhiều thì cháu vừa lập học hiệu vừa lập ấn quán.

Bá Hỉ trợn mắt nói rằng:

- Toa muốn làm hết, không đặng. Làm thứ nào thì làm một thứ mà thôi, chớ làm nhiều việc rồi toa coi sao xiết.

- Cái đó có hại gì. Mình tổ chức ra rồi việc nào mình cũng đặt người coi sóc riêng, mình kiểm dượt vậy thôi, chớ phải mình ngồi dạy học hay là mình đứng quay máy in hay sao mà sợ một mình không xiết. Trước hết cần lập một cái ấn quán cho lớn rồi lập nhựt báo để cổ động khuyến khích đồng bào. Phải kích bác cái bọn giả dối nịnh hót, ỷ thế ỷ quyền. Phải đánh đổ thói hư tật xấu, nghĩa là phải gỡ mà quăng những mụt ghẻ của xã hội đi rồi xức thuốc thì bịnh mới lành được.

- Toa chọc ổ ong nó áp nó đánh toa chết chớ.

- Chết lại sợ sao? Chết vì nước, chết vì dân, tôi vui mà chết lắm.

Vĩnh Thái nói câu ấy mà khí sắc coi hùng hào, giọng nói nghe mãnh liệt, làm cho Thu Hà đứng ngó trân trân, thầy Hội đồng ngồi cười chúm chím, coi bộ cha con đều kính phục lắm.

Ăn cơm rồi, thầy Hội đồng cũng còn muốn cầm khách ở lại nói chuyện chơi nữa. Vĩnh Thái cũng không tính về, duy có Bá Hỉ nói trăng đã mọc, canh đã khuya, nên từ tạ chủ nhà mà đi. Thầy Hội đồng đưa khách ra cửa ngõ, khách lên xe đi rồi thầy mới trở vô.

Thầy thấy vợ con đang ngồi chơi trên ván, thầy liền nói rằng:

- Cậu Tú ăn học thiệt là đúng đắn. Cậu có kiến thức, có đởm lược mà lại thêm có lòng nhiệt thành với công ích nữa. Người như vậy khó kiếm lắm.

Cô Hội đồng với Thu Hà cũng hiệp ý với thầy Hội đồng nên nghe nói như vậy mẹ con đều gật đầu cười.

Ông Hương chủ Lung ngồi bên kia, ông vùng đứng dậy nói rằng:

- Mấy người nói nhiều quá đó không tốt.

Thầy Hội đồng chưng hửng, thầy đứng ngó chú mà đáp rằng:

- Cậu Tú nói nhiều mà cậu nói hay lắm, chớ phải nói bậy hay sao.

- Hay giống gì? Làm được kia mới giỏi, chớ nói, ai nói lại không được? Tao coi tướng cậu Tú đó không được chơn chất.

- Người học Tây thì bộ tướng họ như vậy hết thảy, nhứt là cậu có ở bên Pháp, cách đi đứng đàm luận giống theo người Pháp nên chú coi không hạp con mắt chú chớ.

Ông Hương chủ bước ra ngoài, ông không cãi nữa, mà coi bộ ông không chịu cho lời của thầy Hội đồng là phải. Thu Hà ngồi buồn hiu, cô ngó sững ngọn đèn một hồi, rồi cô đi một mình ra sân mà chơi. Ðồng hồ đã gõ mười giờ mà cô cũng còn thơ thẩn trong vườn hoa, lúc đứng ngó mặt trăng, lúc cúi hửi bông huệ.