Ngày xưa có Giáp và Ất là hai người kết bạn với nhau. Nhà Giáp có của ăn của để, còn Ất thì túng bấn lắm, thường phải nhờ vả Giáp. Một hôm, để có vốn, Ất nằn nì vay của Giáp mười nén bạc rồi bán nhà cửa đưa vợ đi chỗ khác làm ăn. Đến một cái chợ vùng Nam, hắn và vợ hắn xoay ra buôn bán và cho vay lấy lãi. Hắn rất hà tiện và chịu khó trong mọi việc. Gặp mấy dịp may, hắn phất to, tiền của đổ về như nước. Không đầy mươi năm, vợ chồng hắn trở nên khá giả, có cơ nghiệp lớn ở vùng đó. Tuy làm nên, nhưng hắn cố tình quên mất người bạn cũ và số tiền nợ của bạn.
Nói chuyện Giáp, từ ngày bạn bỏ ra đi, mãi không nhận được một tin tức gì, Giáp ngờ là bạn bị số nghèo đeo đẳng mãi chưa thôi, nên sống vất vưởng ở một nơi nào đó. Hơn nữa, lại vì nợ của mình một số tiền nhiều chưa có cách gì trả được, nên vợ chồng bạn không dám ghé về chơi hay nhắn tin tức gì. Nghĩ thế, Giáp rất thương bạn. Một hôm, ông ta mang theo mấy nén bạc đánh đường đi tìm Ất, hy vọng gặp bạn để giúp bạn thoát cơn chật vật. Giáp hỏi thăm mãi mới tìm đến nhà Ất. Ông ta ngạc nhiên và mừng rỡ khi thấy vợ chồng bạn không phải nghèo đói sa sút như mình tưởng, mà trái lại có nhà ngói cây mít, có ruộng đất ao chuôm, v.v... Ông nghĩ bạn mình bây giờ không cần đến mình giúp đỡ nữa. Cho nên trước khi vào nhà, ông ta đào đất chôn số tiền mang theo ở cổng nhà bạn.
Ất gặp bạn, ngoài mặt vui vẻ chào mừng nhưng trong bụng chỉ nghĩ đến món nợ mình còn thiếu của bạn. Hắn vừa ngượng mặt vừa tiếc của. Tự nhiên phải bỏ ra một số tiền lớn để trả một món nợ từ đời nảo đời nào, hắn thấy xót ruột. Nghĩ thế, hắn bỗng có bụng muốn nuốt trôi số bạc thơm thảo bạn ứng cho làm vốn ngày xưa. Thế là đến nửa đêm, hắn đánh thức vợ dậy, bàn với vợ. Được vợ đồng tình, hắn làm ngay. Nhân lúc Giáp ngủ say ở nhà ngoài, cả hai vợ chồng lén tới cầm dao đâm chết. Đoạn hắn và vợ hắn mang xác Giáp bí mật đào lỗ chôn dưới một gốc khế sau vườn.
*
Cây khế nhà Ất từ đó tự nhiên xanh tốt rườm rà hơn trước. Nhưng lạ thay năm ấy chỉ có một quả rất lớn. Hai vợ chồng có hơi ngạc nhiên nhưng cũng chẳng mấy quan tâm. Khi quả khế chín, vợ Ất hái ăn. Và trong năm đó, vợ Ất có thai, đến kỳ sinh ra một đứa con trai. Vì hiếm con nên Ất rất mừng khi thấy thằng bé khôi ngô và chóng lớn. Nhưng đứa con của hắn có một tật câm, lên 7 tuổi mà không biết nói, làm cho 2 vợ chồng hết sức lo buồn. Ất cố tìm thầy chạy thuốc, lễ chùa lễ đền nhưng đều vô hiệu.
Một hôm vợ Ất xới cơm cho con, nhân than với con rằng:
- Con ôi! Mẹ mong con khôn lớn để học hành đỗ đạt cho cha mẹ mở mày mở mặt. Sao con chẳng nói chẳng rằng làm cho mẹ khổ.
Tự nhiên thằng bé bật ra một câu: - "Mẹ cứ mời một ông quan về đây, ông ta sẽ làm cho con nói được".
Thế rồi nó lại nín bặt, hỏi mấy cũng không nói nữa. Túng thế, hai vợ chồng Ất nghe lời con, sắm lễ vật đi mời quan huyện về xem thử thế nào.
Nể lời mời mọc khẩn khoản của hai vợ chồng, quan huyện cho sắp võng, dắt một đoàn lính tráng theo hầu về thẳng nhà Ất. Thằng bé thấy mặt quan quả nhiên nói được. Nó tự xưng là Giáp, kể hết tình đầu cho mọi người nghe: nào cho Ất vay tiền, nào mang tiền đi kiếm bạn để toan giúp bạn, nào giấu tiền ở đâu, bị giết như thế nào, v.v... Nghe thủng câu chuyện, quan huyện sai lính đào gốc khế và đào ở mé cổng nhà Ất, quả thấy đúng như lời thằng bé.
Lập tức quan sai giam cổ vợ chồng nhà Ất lại chờ ngày ra pháp trường. Còn bao nhiêu tài sản của tội nhân đều giao cả cho thằng bé. Và, thằng bé, vốn là Giáp tái sinh, sau đó lại trở về nhà Giáp.
Khi Giáp ra đi, đứa cháu nội của mình mới đẻ, bây giờ thì nó đã lên 8, hơn mình một tuổi. Vì thế mới có câu:
Sinh con rồi mới sinh cha,
Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông[1].
KHẢO DỊ
Truyện này có nơi kể khác:
Có hai người bạn nghèo là Đông và Nam. Trước khi chia tay mỗi người một ngả làm ăn, họ hẹn nhau nếu người này khá thì nhớ giúp đỡ người kia. Đông làm ăn ngày một giàu, có một con trai đi học thi đậu làm đến tri phủ. Con sinh ra cháu, hạnh phúc gia đình không ai bì kịp.
Một hôm, Đông sực nhớ tới bạn cũ, nhờ người tìm hỏi thì ra Nam đang sống một cuộc đời chật vật. Đông bèn lấy ba nén bạc gói vào mảnh vải cho vào đòn ống rồi giả bộ quần áo rách rưới tìm đến thăm bạn. Ra về, Đông vờ bỏ quên đòn ống lại nhà Nam. Thấy đòn ống nặng, Nam bổ ra được bạc, từ đó sẵn vốn, làm ăn ngày một thịnh lên. Khi thấy bạn khá, Đông lại giả nghèo đến chơi. Nam sợ bạn kể việc đòn ống, bèn giết chết lôi ra sau vườn vùi lại rồi trồng cây lên cho mất tích.
Vợ Nam sinh ra 1 con trai. Khác với đứa bé con Ất ở truyện trên, nó suốt ngày khóc nhè. Và khi biết nói, nó luôn mồm chửi cha mắng mẹ, dỗ mấy cũng không nghe. Lớn lên, nó bảo cha mẹ muốn khỏi bị chửi thì đem lên quan mà từ, nếu không, còn khốn với nó nhiều nữa. Và cũng như truyện trên, khi gặp quan nó tố cáo tất cả tội lỗi của cha mẹ. Khi nó về nhà cũ thì người cháu đã 30 tuổi[2].
Về chủ đề hết lòng giúp bạn vốn liếng nhưng bị bạn phản bội, người Nghệ-an còn kể một truyện khác, giống mở đầu mà khác kết thúc như sau:
Có hai người bạn ở cách tỉnh, một giàu một nghèo. Cũng như truyện trên, người giàu cho người nghèo vay 300 quan làm vốn. Sau 3 năm không thấy bạn đến, người giàu ngờ bạn thất cơ lỡ vận rồi không dám đến nhà, bèn giắt 3 thỏi bạc định giúp nữa nếu bạn quả làm ăn thất bại. Đến nơi mới biết tình hình của bạn không như mình tưởng. Về phần người kia, thấy bạn đến sợ bạn đòi nợ cũ, bèn phục rượu say, giết chết, đem vùi sau hồi nhà, rồi trồng lên đó một cây quỳ. Không ngờ cây quỳ mọc tốt một cách lạ thường, hoa nó to bằng cái nón. Thiên hạ lấy làm lạ rủ nhau đến xem. Vợ người chết lúc ấy đang đi tìm chồng, nghe nói hoa lạ cũng vào xem. Vừa đến nơi thì tự nhiên hoa héo, cây đổ, bị người kia bắt vạ kiện lên quan. Quan về khám cho đào gốc thấy có xác người còn có cả 3 thỏi bạc. Người vợ lăn ra khóc nói chồng tôi đây rồi. Bèn kể đầu đuôi cho quan nghe. Quan sai gông lại để chờ ngày ra pháp trường[3].
Về hình ảnh ông đầu thai sinh ra cháu, sách Lan trì kiến văn lục có truyện Nguyễn Khắc Hoành:
Làng Mìn (Hưng-yên) có một người tên là Nguyễn Khắc Hoành lấy vợ sinh được một người con trai đặt tên là Khoan. Khoan lớn lên thông minh học rất giỏi. Năm 20 tuổi thi đậu ông nghè. Vinh quy cùng với vu quy một ngày, nỗi sung sướng của gia đình ấy kể sao cho xiết.
Năm con nghè Khoan lên 6 tuổi thì Nguyễn Khắc Hoành chết. Khắc Hoành được vua Diêm Vương cho đầu thai làm con một người mõ ở làng Dương Trạch. Đứa bé này sinh ra không biết nói nhưng lại biết mọi việc của kiếp trước. Một hôm - lúc đó đứa bé đã lên 6 tuổi - làng Dương Trạch làm đình, định rước nghè Khoan đến làm lễ cất nóc, lúc cha đứa bé rao làng để cho dân tình mang cờ quạt đi đón ông nghè thì tự nhiên đứa bé nói lên được. Nó bảo cha nó: - "Cha đi mượn 1 cái sập, 1 chiếc chiếu cạp điều về kê giữa nhà cho con". Người mõ chiều theo ý con xem nó định làm gì. Khi nghè Khoan đi qua nhà, nó đứng sẵn ở cổng gọi: - "Nghè Khoan vào đây tao bảo". Khoan nghe lời hỗn xược, nổi giận bước vào nhà đã thấy thằng bé ngồi trên sập, dõng dạc bảo: - "Nghè Khoan! Mày có biết tao là ai không?". Khoan chắc là ma quỷ hiện vào nó, đáp: - "Không, nếu nhà ngươi có tiền oan nghiệp chướng gì thì cứ nói". - "Tao là Nguyễn Khắc Hoành đây!". Thấy Khoan không tin, đứa bé lại nói: - "Mày cho người về mang 2 cái tủ sách đến đây, tao đọc cho mà xem!".
Khi mang sách đến, nó đọc vanh vách từng quyển, từng bài cho Khoan dò và vạch đoạn nào sửa, đoạn nào chấm câu,... của mình dạy con ngày xưa. Khoan ngạc nhiên vì chỉ có ông ta và cha ông ta mới biết rõ như thế. Ông bèn sụp lạy xin lỗi. Rồi sau khi làm lễ cất nóc, Khoan rước cha - tức là đứa bé - và người mõ về nhà phụng dưỡng.
Vợ Hoành bấy giờ đã 70 tuổi. Nghe đứa bé xưng là chồng mình, bà cụ nhất định không chịu nhưng khi nghe nó kể những việc mà chỉ có chồng quá cố của mình với mình biết thôi thì mới chịu nhận. Hoành sau đó sai dọn một chỗ ở riêng, luyện tập văn bài với cháu nội. Năm 20 tuổi đi thi đậu ông nghè.
Một truyện khác của Trung-quốc:
Ở Dương-châu có một người họ Trần làm nghề nuôi ngựa, năm 50 tuổi bỗng bị bệnh, thấy có một người cưỡi ngựa xông vào đánh cho một gậy, rồi bò lên lưng ngựa kéo đi, ông kêu la không được. Đi mãi đến Thiểm-tây, Hàm-dương thấy hắn quẳng mình vào một cái buồng có đàn bà đẻ. Tự nhiên thấy người bỗng bé choắt lại, rồi được người ta cho bú. Ký ức lúc này yếu hẳn đi. Dần dần lớn lên biết ông bố làm nghề bán lụa. Một hôm bố cho mẹ một tấm lụa nói đó là lụa quý. Anh ta lúc này lên 6 tuổi lấy xem. Mẹ bảo: - "Lụa quý của bố đấy!" - "Quý gì thứ ấy". Mẹ kể lại với bố. Bố hỏi con. Con nhân đó kể lại kiếp trước, khai cả tên bố, mẹ,... Lại nói: - "Tôi đã có đứa con trai ngoài 20 tuổi". Thấy bố mẹ không tin, anh nói: - "Cứ về Giang-nam dò tìm thì biết". Bố con bèn đưa nhau đến Giang-nam thì con anh ta hồi trước nay đã già, râu rậm rì, mà anh ta (tức là bố) hãy còn trẻ con. Kể lại việc nhà nhiều người không tin, anh kể rõ mắc nợ bao nhiêu, lại chỉ chỗ chôn 300 lạng vàng chỉ có mình mình biết,... Bấy giờ người nhà mới chịu là đúng. Khi từ biệt ra về ai nấy đều khóc.
Mười năm sau Trần lớn lên kế nghiệp bố. Lại đi Giang-nam hỏi đến chỗ cũ. Lúc này người con đã chết, để lại người cháu. Vợ Trần vẫn sống nghèo nuôi cháu. Trần cho vợ 300 lạng vàng để sắm hậu sự và dưỡng lão. Khi ra về còn mua rượu thịt cúng ở mộ cũ[4].
[1] Theo Nguyễn Văn Ngọc Truyện cổ nước Nam (A. Người ta), tập I.
[2] Theo Thực nghiệp dân báo (1923).
[3] Bản khai làng Vĩnh-an.
[4] Theo Tân tề hài, quyển 7.