Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non

Ngày xưa ở Trung-quốc có Cao Biền rất giỏi nghề địa lý. Những phép hô thần tróc quỷ, ông đều thông thạo. Tiếng đồn vang khắp nơi. Hoàng đế Trung-quốc nghe tiếng liền triệu Biền vào cung ủy thác cho việc kiếm một ngôi đất xây dựng lăng tẩm. Cao Biền vâng lệnh và sau năm năm tìm tòi, đã kiếm được một kiểu đất quý mà theo ông có thể giữ ngôi nhà Đường vững như bàn thạch.

Sau khi công việc hoàn thành, hoàng đế rất khen ngợi, sai ban nhiều vàng bạc cùng phong tước lớn cho Biền. Nhưng Biền vốn biết trong kho tàng của hoàng đế có một ngòi bút thần có phép mầu nhiệm mà chính hoàng đế và cả triều thần không một ai biết cả. Vì thế Biền không nhận vàng, chỉ nói:

- Tâu bệ hạ, hạ thần không muốn lấy vàng bạc của bệ hạ. Chỉ muốn xin một kho trong trăm ngàn kho đồ dùng của bệ hạ bằng cách là để hạ thần tự tay rút trong chùm chìa khóa kho tàng mà quan tổng quản đang nắm giữ, nhằm đúng chìa kho nào thì được phép lấy kho ấy.

Hoàng đế nghe nói hơi ngạc nhiên những vốn trọng tài Biền, tại thấy ý kiến hay hay nên vui lòng để Biền làm chuyện may rủi xem thử thế nào. Quả nhiên kho mà Biền chỉ, đúng là kho đựng toàn bút lông dùng cho triều đình. Khi được sử dụng hàng vạn cây bút, Biền mang đến một hòn đá, lần lượt đem chọc mạnh từng ngòi lông vào đá. Nhưng chẳng có ngòi nào được toàn vẹn. Mỗi lân thấy tòe ngòi, ông lại vứt đi và tiếp tục chọc ngòi khác vào đá. Cứ thế cho đến lúc trong kho sắp vợi cả bút thì bỗng có một quản bút chọc thủng vào đá mà ngòi lông vân còn nguyên vẹn. Biền mừng quá reo lên:

- Ta tìm được ngòi bút thần rồi!

Biền liền cầm bút thần vẽ thử một con rồng lên mặt tường, chừa hai con mắt. Đến khi điểm nhãn, rồng tự nhiên cuộn mình được và tách ra khỏi bức tường. Rồi rồng vụt lên trời, bay biến vào đám mây trước con mắt kinh ngạc của mọi người. Biền lại vẽ thêm nhiều con vật khác và những con ấy đều hoạt động không khác gì những con vật có thực[1].

Sau cùng Cao Biền vẽ một con diều rất lớn, dùng bút thần nhúng mực điểm mắt cho diều. Diều đập cánh bay lên. Lập tức Biền cưỡi lên lưng và diều đưa vút lên trên không. Thế là Biền cưỡi diều vượt qua muôn trùng núi sông sang đến nước Nam. Trên lưng diều, Biền đưa mắt xuống tìm huyệt đất quý. Quả nhiên không bao lâu ông tìm thấy ở gần một con sông, cứ như bây giờ là sông Trà-khúc tỉnh Quảng-ngãi, một huyệt đất phát đế vương. Huyệt đất ấy quý không đâu bằng mà lại chỉ trong một ngàn ngày là phát. Đó là một cái hàm con rồng lấp dưới nước mà chỉ có con mắt của Biền mới khám phá được.

Từ đó, Biền có ý muốn hưởng một cuộc sống sung sướng xa xỉ vào bậc nhất thiên hạ. Nhưng khi nghĩ lại thì hắn rất tiếc là không có con trai mà thân mình lại đã già mất rồi; nếu được làm vua cũng không còn hưởng được mấy nỗi. Biền mới tính sẽ nhường cho rể. Nếu nó làm vua thì ông bố vợ tất cũng được bội phần trọng đãi, mà dòng dõi con gái mình cũng hưởng phúc lâu dài. Những muốn thực hiện công việc "đại sự" này cần phải giữ hết sức bí mật, nếu không sẽ mất đầu như chơi.

Nghĩ vậy, Biền trở về Trung-quốc bảo người con rể đào lấy hài cốt cha y đem sang nước Nam để cải táng. Trong việc này Biền chỉ bàn kín với một người học trò mà thôi. Nhưng người học trò mà Biền tin cậy lại muốn miếng đất quý ấy hoàn toàn thuộc phần mình hưởng, nên khi được lệnh thầy mang hài cốt thì hắn cũng đào luôn hài cốt của cha mình sang Nam.

*

Bấy giờ hàm rồng đang thời kỳ há miệng. Biền bảo học trò lặn xuống ném gói xương vào giữa miệng rồng chờ cho nó ngậm lại hãy lên. Người học trò đem gói xương của cha mình đánh tráo vào, còn gói xương kia thì bỏ ở một bên mép.

Xong việc đó, Cao Biền bảo con rể chọn năm giống lúa, mỗi thứ một thúng mang đến huyệt đất nói trên, sai đào đúng vào chỗ vai rồng thành năm cái huyệt. Mỗi huyệt Biền sai rấm một thúng lúa rồi lấp đất lại thành năm ngôi mộ. Hắn giao cho chàng rể một ngàn nén hương, dặn mỗi ngày thắp một nén, đúng hai năm chín tháng mười ngày thì tự khắc quan gia dưới huyệt nhất tề dậy cả. Dặn đâu đấy, Biền trở về Trung-quốc.

Thời gian trôi qua. Hôm ấy chỉ còn mười ngày nữa là hết hạn công việc mà Cao Biền đã dặn, thì tự nhiên con gái hắn ở nước đẻ luôn một lúc ba né trai, mặt mũi dị kỳ. Vừa mới sinh ra, ba đứa đã biết đi biết nói: một đứa mặt đỏ tay cầm ấn, một đứa mặt màu thiếc, một đứa mặt màu xanh, đều cầm dao sáng quắc. Cà ba nhảy tót lên giường thờ ngồi. đòi đem quân thu phục thiên hạ. Người nhà ai nấy xanh mặt. Chỉ trong một buổi tiếng đồn rầm lên. Mọi người thấy sự lạ đổ tới xem như đám hội. Người rể của Biền sợ quá, bào vợ: - "Mày đẻ ra ma ra quỷ, nếu không sớm trừ đi thì khó lòng sống được với triều đình. Chẳng qua cha mày làm dại, nên mới sinh ra như thế". Thế rồi y chém tất cả.

Trong lúc bối rối, người nhà của y vì lầm nên đốt luôn một lúc hết thảy những nén hương còn lại. Bỗng dưng mặt đât chuyển động. Ở dưới năm ngôi mộ có tiếng rầm rầm mỗi lúc một lớn. Rồi nắp mộ bật tung ra, bao nhiêu quân gia tề dưới đó nhảy lên. Nhưng vì còn non ngày nên sức còn yếu, đứng chưa vững, người nào người ấy đi lại bổ nghiêng bổ ngửa, cuối cùng đều chết sạch.

Lại nói chuyện Cao Biền chờ cho đến tận ngày hẹn mới cưỡi diều bay sang nước Nam. Nhưng lần này diều bị ngược gió nên sang không kịp. Khi diều hạ cánh xuống thì người con rể đã phá hỏng mất công việc của hắn. Hắn bực mình vô hạn. Sau khi căn vặn để hiểu rõ câu chuyện, hắn rút gươm chém chết cả học trò lẫn rể.

Từ đó Cao Biền sinh ra chán đời, chả thiết gì nữa. "Không được ăn thì đạp đổ", nghĩ thế, hắn bèn cưỡi diều đi khắp nước Nam để ếm huyệt và phá tất cả những long mạch của nước này. Ngày chỗ hàm rồng nói trên, hắn dùng phép chém đứt cổ con rồng đó đi. Cũng vì vậy mà ngày nay người ta nói nước sông Trà-khúc đỏ như máu là bởi máu tự cổ con rồng chảy ra đến nay vẫn chưa dứt.

Đến Nghệ-an, Biền thấy trên một hòn núi mà ngày nay còn gọi là núi Đầu-rồng ở sát bờ biển có huyệt đế vương. Hắn bèn làm bùa bằng gang đóng vào đỉnh núi. Từ đó trở đi trên đỉnh núi ấy không một cây cối gì còn mọc được.

Ở Thanh-hóa, Cao Biền cũng thấy có huyệt đất quý. Nhưng hắn thấy con rồng đó què một chân, cho rằng nếu có phát đế vương thì không thể phát to được. Cho nên hắn cho diều đi thẳng không ếm nữa. Cũng vì thế người ta nói mấy đời vua chúa trị vì ở nước Nam đều phát tích ở Thanh-hóa[2].

Khi diều bay qua làng Thiên-mỗ (bây giờ là làng Đại-mỗ, tỉnh Hà-đông) Biền thấy có cái giếng ở vệ sông mà bây giờ là Nhuệ-giang cũng có huyệt đế vương. Hắn bèn cho diều hạ xuống là là sát mặt đất, đoạn thuận tay ném luôn cây bút thần của mình xuống lòng giếng. Người ta nói cây bút ấy sau rồi hóa thành một khúc gỗ cắm chặt xuống đáy giếng.

Không một ai dám động đến nó. Mãi về sau trong làng có một ông thám hoa có tính hiếu kỳ mới tâu vua xin hai con voi về kéo thử khúc gỗ đó lên. Họ tết một chiếc thừng lớn; một đầu buộc vào khúc gỗ còn một đầu buộc vào cổ voi. Nhưng khi voi cất bước thì tự nhiên ở những xóm làng bên cạnh, đất chuyển động ầm ầm, đồng thời nhà cửa phát hỏa tứ tung. Lần ấy ông thám đành bỏ dở công việc vì ông ta sợ con rồng bị đau giãy dụa làm hại đến dân sự. Điều đặc biệt là từ bấy đến nay nước giếng ấy không bao giờ cạn. Mỗi khi nước trong người ta vẫn thấy có bóng khúc gỗ đen đen ở dưới đáy[3].

Để tâng công với hoàng đế, Cao Biền vẽ bản đồ từng kiểu đất một rồi viết thành sách ghi chú rất tinh tường đem dâng lên vua Đường. Đại ý nói tất cả những mạch đất quý nhất của nước Nam, hắn đều đã trấn áp xong. Duy có kiểu đất ở chỗ trung độ (tức bây giờ là Hà-nội) thì hắn đã sai đắp một cái thành gọi là thành Đại-la để chặn long mạch. Lễ trấn áp này Biền làm rất công phu và linh đình. Trên hòn núi ở xa xa về phía Bắc thành Đại-la, hắn cho dựng một cái đàn tràng. Trong thành Đại-la, hắn sai nung một lúc tám vạn cái tháp bằng đất nhỏ. Nung xong, Biền huy động tám ván quân, mỗi tên quân vai vác giáo, mũi giáo xóc một cây tháp, đi từ Đại-la tiến dần lên núi. Vừa đi họ vừa hô mấy tiếng "Thống vận hoàng đế". Đến nơi đặt tháp xuống đỉnh núi rồi tám vạn quân ấy lại rùng rùng kéo về Đại-la. Cũng vì có những việc kỳ dị như thế nên núi ấy từ đó mang tên là núi Bát-vạn[4].

Hoàng đế Trung quốc đọc sách của Cao Biền lại càng khen ngợi hắn. Nhưng việc làm của Biền bị dân chúng nước Nam oán ghét. Họ lập tâm chờ dịp giết hắn cho bõ hờn. Một hôm, Biền cưỡi diều bay vào miền cứ như bây giờ là Ninh-bình. Ở đây người ta đã chuẩn bị cung nỏ chờ khi diều của hắn bay qua là là mặt đất, là cả bao nhiêu người cùng nhất tề phóng tên. Diều bị gãy cánh rơi xuống núi. Biền bị trọng thương, sau đó phải đưa về Trung-quốc. Hòn núi ấy ngày nay còn mang tên là núi Cánh-diều, một trong ba ngọn núi ở gần trị sở Ninh-bình[5].

Ngày nay chúng ta có câu " Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non" là ý nói nóng nẩy vội vàng sẽ thiếu chu đáo, và thế nào cũng thất bại.

KHẢO DỊ

Về đoạn rấm lúa dưới huyệt, có người kể khác:

Cao Biền sau khi tìm được đất quý bèn tự chôn mình trong huyệt, huyệt đất nay gọi là "phượng hoàng ấp noãn" chỉ một trăm ngày là hồi sinh. Trước đó Biền đã giao cho một bà già ở gần đấy một trăm nén hương, dặn mỗi ngày đốt một nén, đủ một trăm nén tức 100 ngày thì gọi hắn dậy. Nhưng vì hắn quên không nói với thần Đất nên thần Đất ở chỗ ấy giận, bèn khiến chuột đêm lại tha ba nén hương đi. Khi đốt đến nén thứ 97, bà già tưởng đã đủ 100 ngày, mới đào huyệt thức Biền dậy. Hắn dậy, vì chưa "quán khí" thành ra người cứ run lẩy bẩy không làm gì nên chuyện[6].

Truyện này trong từng phần của kết cấu có những mối liên quan với nhiều truyện của các dân tộc khác.

  1. Trước hết, phần đầu kể sự tích ngòi bút thần của Cao Biền gần giống với truyện Mã Lương với cây bút thần của Trung-quốc: Một em bé thích nghề vẽ, được thần cho một ngòi bút có thể vẽ bất kỳ cái gì cũng hóa thành vật thật. Nhờ ngòi bút đó, em đã giúp đỡ nhiều người nghèo khổ: kẻ có trâu cày, người có nông cụ, v. v... Một tên địa chủ thấy thế, bắt em đến vẽ cho hắn, nhưng em không chịu. Hắn giam em lại, nhưng em vẽ thang trèo ra được, vẽ ngựa cưỡi đi trốn và vẽ cung tên bắn chết hắn. Tiếng đồn đến tai vua, vua bèn chiếm đoạt ngòi bút thần, nhưng ngòi bút vào tay nhà vua mất cả mầu nhiệm.

Vua lại phải trả bút cho em rồi bắt em vẽ biển, vẽ cá, và vẽ thuyền cho vua đi chơi. Thuyền cần có gió mới ra khơi được. Mã Lương bèn về gió và vẽ rất nhiều gió làm cho sóng to, thuyền đắm, vua bị chôn vào bụng cá[7].

Người Trung-quốc còn có truyện Lộ Ban với cây bút thần:

Lộ Ban quê ở một làng gần tỉnh Phúc-kiến, giỏi nghề mộc và nghề phù phép. Ông tạc ra các con giống như muông chim, v. v.. rồi dùng bút thần điểm nhãn, tự nhiên mọi con vật đều hoạt động được. Một hôm, ông tạc một con chim phượng hoàng, điểm nhãn rồi cưỡi lên lưng. Phượng hoàng đưa Lộ Ban lên không trung rồi đỗ xuống một tỉnh cách Phúc-kiến 12 dặm. Bố Lộ Ban đem việc của con khoe với mọi người. Cho rằng việc ấy sẽ mang đến tai họa, nên họ xông vào đánh đập bố Lộ Ban. Để báo thù, Lộ Ban tạc một hình nhân điểm nhãn cho bay lên trời, nhưng có một cánh tay chỉ xuống đất. Vì thế, suốt hai năm trời, riêng vùng đó không mưa. Biết là do phép của Lộ Ban làm, mọi người phải đến xin lỗi bố ông. Lộ Ban bèn cắt tay của hình nhân. Tự nhiên một trận mưa đổ xuống[8].

Chúng tôi ngờ đây là một câu chuyện đã được tô điểm theo hướng hiện đại hóa.

Có nhiều truyện khác không nói đến cây bút thần nhưng vẫn có chi tiết "điểm nhãn" hoặc phù phép để làm cho một pho tượng thành người thật:

Ở Quảng-ngãi có truyện Tranh nhau pho tượng. Một người thợ mộc tạc một pho tượng đàn bà bằng gỗ, rồi một người thợ bạc đúc vòng xuyến đeo vào tay cho tượng; tiếp đến một người thợ may may áo quần mặc vào mình tượng. Cuối cùng nhờ một thầy phù thủy "khai quang, điểm nhãn", tượng bỗng biến thành một cô gái xinh đẹp, hoạt động như người thật. Từ đấy cả bốn người giành nhau, ai cũng kể công lao và đổi lấy cô làm vợ. Hỏi cô gái, thì cô phân xừ như sau: người thợ mộc là cha, người thợ may là mẹ, người phù thủy là thầy, còn người thợ bạc mới là chồng. Có người dã diễn thành lời ca toàn bộ thiên truyện này:

Ngó chừng con bóng quá trưa,

Thì ông thày pháp đâu vừa đến ngay

Ông khai quang điểm nhãn cao tài,

Nhờ ơn nơi phật nàng cười nói ra.

Khi đó anh nào cũng muốn nói chuyện nguyệt hoa...

Một truyện trong Non thúc Pa-ca-ra-man của người Thái-lan cũng khá tương tự:

Có một người kể cho một nàng công chúa nghe một câu chuyện cổ: Ngày xưa, có bốn người trẻ tuổi, một người là thợ mộc, ông ta chọn một khúc gỗ bào trơn tru. Người thứ hai là thợ vẽ, vẽ vào gỗ hình dạng một cô con gái đẹp. Người thứ ba là thợ chạm, theo nét vẽ mà chạm hình cô gái. Người thứ tư là thầy phép, nhúng tượng gỗ vào một thứ nước thần làm cho pho tượng hoạt động chẳng khác gì người sống. Kể xong, người ấy hỏi công chúa xem ai xứng đáng là chồng cô gái. Công chúa đáp: chính là người thợ chạm[9]. (Loại truyện phân xử như hai truyện trên, xem thêm ở Khảo dị, truyện Ba chàng thiện nghệ, số 107, tập III)

Giống với truyện Tranh nhau pho tượng, thần thoại của người Ba-na (Bahnar) ở Tây nam Ma-da-gát-xca (Madagascar) có truyện Nguồn gốc loài người và người đàn bà đầu tiên.

Lần đầu tiên Tạo vật sáng chế ra ba người: hai người đàn ông là I-ma-nao (chế tạo) và I-ma-na-phi (ăn mặc) và một người đàn bà là I-ma-na-ja-ri (trang trí) ở trên mặt đất. Mỗi người ớ một nơi cách xa nhau, không biết nhau. Một hôm I-ma-nao buồn tình tạc một tượng gỗ hình phụ nữ to bằng người thật. Tạc xong thấy đẹp, anh ngắm hàng ngày không chán mắt, ngày đêm trò chuyện với tượng không rời. Khi đi làm anh cũng đặt tượng ở bờ đường chỗ cao sáng để nhìn ngắm cho thỏa thích. Một hôm khác I-ma-na-phi đi dạo đồng, thấy bức tượng thì cảm về sắc đẹp, bèn đem về may mặc cho tượng bằng lụa màu rực rỡ, lại trang sức cho bằng đồ vàng. Chẳng bao lâu I-ma-na-ja-ri vì sống một mình buồn nên đi chơi cho khuây khỏa, lại bắt được bức tượng mừng lắm, hên đưa về cầu Tạo hóa cho nó hoạt động, sẽ coi như con. Tạo hóa chấp thuận, bảo đưa về cùng ngủ một đêm, truyền hơi vào là được. Quả nhiên sáng hôm sau, tượng hóa thành người thật, bà ta yêu mến không rời. Mất tượng, hai người đàn ông trước đi tìm, bắt gặp, bèn giành lại. Một cuộc tranh chấp nổ ra, cuối cùng phải nhờ thần phân xử. Thần phán: người tạc ra là cha, người cho nó cuộc sống là mẹ, còn người giúp cho ăn mặc trang sức là chồng. Sau đó I-ma-nao lấy I-ma-na-ja-ri làm vợ. Từ hai cặp này mà có loài người đông đúc. Từ đó mới có tục chồng phải nộp quần áo trang sức cho vợ, nếu trốn tránh phận sự này thì vợ có quyền bỏ[10].

Truyện Hy-lạp (Grèce) sưu tầm ở đảo át-xti-po-lay-ia (Astypalée): một người thợ mộc, một người thợ may và một thầy tu nghỉ đêm trong một cái lều của người chăn cừu với điều kiện là phải lần lượt thức canh súc vật. Phiên đầu, người thợ mộc tạc một pho tượng đàn bà. Đến phiên người thợ may, anh may cho tượng một cái áo choàng, và cuối cùng đến phiên thầy tu, ông làm cho pho tượng hoạt động bằng cách đọc 40 bài kinh. Đến đây thì trời sáng, cả ba cùng tranh nhau[11].

Về loại mô-típ "điểm nhãn", người Ấn-độ cũng có một truyện chép trong sách Ba mươi hai truyện về ngai vàng (Sinhâysanadvâtrinctkâ). Nhân vật chính là Vi-cơ-ra-ma nhận của một ông sư ăn mày ba vật mầu nhiệm: một miếng phấn, một cái gậy và một miếng vải. Nếu dùng miếng phấn vẽ một đội quân, rồi cầm gậy tay phải, người ta sẽ làm cho đội quân hoạt động theo ý muốn, cầm tay trái thi đội quân ấy biến mất. Vớt miếng vải người ta có thể cầu được ước thấy. v. v...

  1. Về tình tiết bỏ gói xương vào hàm rồng, chúng ta còn có truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng rất phổ biến:

Ngày xưa bố Đinh Tiên Hoàng là một con rái cá bị người làng bắt ăn thịt. Bà mẹ nhặt xương gác lên mái bếp. Sau đó một thầy địa lý qua đấy thấy có hàm rồng đang kỳ há miệng. Nhưng hàm rồng ở sâu dưới đáy nước, thầy lại không biết lặn, bèn nhờ một em bé (tức sau này là Đinh Tiên Hoàng) mang gói xương của bố y bỏ vào miệng rồng. Nhưng bé Đinh lại đánh tráo vào đó gói xương rái cá - bố của mình. Về sau, khi biết được sự thật, thầy địa lý báo thù bằng cách bảo bé Đinh buộc thêm lưỡi gươm vào cổ con rồng, nói rằng ngôi đất ấy phát tướng, cần có gươm mới làm nên sự nghiệp. Nhưng không ngờ Đinh lại mắc mưu thầy địa lý: lưỡi gươm treo vào cổ, lâu ngày gươm cứa đứt mất cổ rồng; ngôi nhà Đinh sau này không được lâu dài là vì thế.

Nói chung cũng như nhiều truyền thuyết mang tính chất mê tín khác, truyền thuyết này chỉ là mượn lịch sử để tô vẽ cho nghề phong thủy.

  1. Về chỗ rấm lúa thành binh, dân tộc Kar (Quảng-ngãi) cũng có truyện Tu-cờ-rơm:

Tu-cờ-rơm là một thủ lĩnh nhiền lần chống nhau với quan và lính. Có lần ông bị bắt nhưng đêm đến lại cởi trói trốn về. Nhờ được thần sai rùa vàng dưới hồ hiện lên trao cho gươm, rồi lại đến bày cho phép rấm đậu xanh (không phải lúa) trong một hầm đá đóng kín, chờ đủ một tháng mở ra thì đậu biến thành binh. Lại phải chuẩn bị nồi cối giã gạo để cho binh lính làm cái ăn. Tu-cờ-rơm làm theo. Vừa khi ông phải đi đánh kẻ thù, dặn vợ nếu ở nhà có sự gì lạ cũng cứ để yên. Không ngờ vợ ông ở nhà thấy có tiếng lao xao dưới hầm tưởng có kẻ đã lẻn đến phá công việc của chồng, bèn đến nạy cửa hầm ra xem thì ra những hạt đậu đã biến thành người nhưng còn thiếu nhiều bộ phận: kẻ thiếu tay, người thiếu mắt. v. v...

Thấy cửa mở họ liền ùa ra ngoài hò reo nhưng vì còn non yếu nên chết yểu tất cả. Tu-cờ-rơm trở về thấy cơ sự như thế chỉ còn chép miệng thở dài. Nhưng sau đó thần lại hiện xuống hà hơi cho sống lại tất cả và đánh được kẻ địch.

Ngày nay ở làng Ngang (xã Trà Sơn), huyện Trà-bông (Quảng-ngãi)còn có một hồ nước trong suốt đáy. Bên cạnh có hang đá gọi là hầm rấm binh, ở trong còn có nhiều hòn đá giống nồi niêu, cối chày v. v... tương truyền là nơi Tu-cờ-rơm rấm binh[12].

  1. Xem Khảo dị truyện Khổng lồ đúc chuông (số 67) cũng có câu chuyện con gái Cao Biền cưỡi diều sang Nam và Khảo dị truyện Sự tích đình làng Đu-hoa (số 123, tập III, truyện Người học trò với ba con quỷ (số 131, tập III).

[1] Đoạn này theo Đuy-mu-chiê (Dumoutier). Truyền thuyết Lịch sử Bắc và Trung kỳ.

[2] Theo Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.

[3] Theo Thục nghiệp dân báo.

[4] Theo tạp chỉ Nam phong ( 1925).

[5] Theo lời kể của người Ninh-bình.

[6] Theo tạp chí Tư tưởng số 6 và 7 (1972).

[7] Truyện dân gian Trung-quốc, I, Nhà xuất bản Ngoại văn Bắc- kinh, 1958.

[8] Trong tạp chí Nhân loại (Anthropos), XII- XIII (1917- 1918).

[9] Dẫn trong báo Châu Á "jounlal Asiatique", tập CCV (1924).

[10] Trong Tạp chí dân tộc học và những truyền thống dân gian, tập 11 (1921).

[11] Theo Van Ghen-nep (Van Gennep). Hình thành truyền thuyết.

[12] Theo Vỏ quýt chưa dày.