Chúng tôi có một buổi Hội Chẩn Ung Thư lớn vài ngày sau đó. Cứ thỉnh thoảng, một tá các bác sĩ và nhân viên công tác xã hội và chuyên viên vật lý trị liệu và những người khác lại cùng ngồi quanh một chiếc bàn lớn trong phòng hội nghị và thảo luận về tình hình của tôi. (Không phải tình hình của Augustus Waters hay tình hình của Amsterdam. Tình hình bệnh ung thư.)
Bs. Maria chủ trì cuộc họp. Bà ôm tôi khi tôi đến. Bà rất thích ôm ấp.
Tôi thấy khỏe hơn một chút, chắc vậy. Ngủ cả đêm với máy thở BiPAP khiến tôi cảm thấy phổi mình khỏe mạnh như thường, cho dù phải nói lại, tôi thực không nhớ phổi như thường là như nào nữa.
Mọi người đều có mặt và tỏ ra nghiêm túc bằng cách tắt tất cả các máy nhắn tin của họ và mọi thứ khác để tập trung tất cả về tôi, và rồi Bs. Maria cất tiếng, “Vậy tin tốt là Phalanxifor tiếp tục kiểm soát sự phát triển của khối u trong cháu, nhưng hiển nhiên chúng ta đã nhận thấy những vấn đề nghiêm trọng về tình trạng tụ dịch phổi. Vậy hỏi đặt ra là, chúng ra nên làm gì tiếp theo?”
Rồi bà nhìn qua tôi, như thể bà đang đợi một câu trả lời. “Ừm,” tôi nói, “cháu nghĩ cháu không phải người có chuyên môn nhất ở đây để có thể trả lời câu hỏi này?”
Bà mỉm cười. “Đúng thế, ta đang đợi câu trả lời từ Bs. Simons. Bs. Simons?” Ông ấy cũng là một bác sĩ chuyên về một loại ung thư nào đó.
“Được rồi, chúng ta biết là ở những bệnh nhân khác phần lớn những khối u cuối cùng sẽ tìm cách nào đó để phát triển dù có Phalanxifor, nhưng nếu trường hợp này như thế, chúng ta sẽ thấy khối u phát triển qua các phim chụp, mà chúng ta đã không thấy. Như vậy có nghĩa là vẫn chưa đến giai đoạn đó.”
Chưa, tôi nghĩ.
Bs. Simons gõ gõ ngón trỏ xuống mặt bàn. “Vấn đề ở đây là có thể Phalanxifor đang khiến tình trạng phù nề tồi tệ hơn, nhưng chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn nếu chúng ta ngừng sử dụng nó.”
Bs. Maria nói thêm, “Chúng ta chưa thực sự hiểu những ảnh hưởng về lâu về dài của Phalaxifor. Có rất ít người sử dụng nó lâu như cháu.”
“Thế chúng ta sẽ không làm gì ạ?”
“Chúng ta sẽ vẫn tiếp tục phác đồ điều trị này,” Bs. Maria nói, “nhưng chúng ta sẽ phải làm gì đó để ngăn chứng phù nề phát triển,” tôi cảm thấy khó chịu như kiểu sắp nôn mửa đến nơi. Tôi không thích các buổi Hội Chẩn Ung Thư nói chung, nhưng đặc biệt ghét buổi hôm nay. “Bệnh ung thư của cháu sẽ không biến mất, Hazel. Nhưng chúng ta đã từng thấy những bệnh nhân vẫn sống với sự xâm nhập của những khối u ở mức độ của cháu trong một thời gian dài.” (Tôi không hỏi một thời gian dài là bao lâu. Tôi đã một lần mắc sai lầm trước đó.) “Ta biết là mới ra khỏi ICU, cháu sẽ không cảm thấy vậy, nhưng dịch tràn của cháu, ít nhất trong lúc này, là kiểm soát được.”
“Cháu không thể chỉ cần ghép phổi gì đó được ạ?”
Bs. Maria bặm môi lại. “Thật đáng tiếc, cháu không phải ứng cử viên sáng giá cho việc cấy ghép,” bà nói. Tôi hiểu: Không nên phí phạm những lá phổi tốt cho một ca vô vọng thế này. Tôi gật đầu, cố tỏ ra vẻ những lời đó không làm tổn thương mình. Bố tôi bắt đầu sụt sịt khóc. Tôi không nhìn qua ông, nhưng không ai nói gì trong một lúc lâu nên tiếng nấc nghẹn của ông là âm thanh duy nhất trong căn phòng.
Tôi ghét làm tổn thương ông. Bình thường tôi có thể quên mất điều đó, nhưng sự thật không thể suy suyển là: Họ có thể vui vẻ vì có tôi bên cạnh, nhưng tôi lại là khởi nguồn và kết thúc của mọi sự đau khổ trong lòng bố mẹ tôi.
Ngay trước Phép màu, cái lần tôi ở trong ICU và mọi thứ như thể tôi sắp chết đến nơi và Mẹ thì an ủi rằng sẽ ổn thôi, và tôi đã cố gắng buông xuôi nhưng hai lá phổi của tôi vẫn cố tìm kiếm chút không khí, Mẹ gục đầu thổn thức vào ngực Bố một điều mà tôi ước gì mình đã không nghe thấy, cũng như hi vọng Mẹ sẽ chẳng bao giờ biết được rằng tôi đã nghe. Bà nói, “Em sẽ không còn được làm mẹ nữa.” Điều đó khiến ruột gan tôi đau như cắt.
Tôi không thể ngừng suy nghĩ về điều đó trong suốt buổi Hội Chẩn Ung Thư. Tôi không thể vứt nó ra khỏi đầu, giọng của bà khi bà nói vậy, như thể bà sẽ chẳng bao giờ có thể bình thường lại được, mà có lẽ sự thật là thế.
Dù sao đi nữa, cuối cùng chúng tôi cũng quyết định sẽ giữ mọi chuyện như cũ trừ việc thường xuyên hút dịch hơn. Lúc cuối buổi, tôi hỏi liệu mình có thể đến Amsterdam không, và Bs. Simons thực sự cười phá lên theo đúng nghĩa đen, nhưng rồi Bs. Maria nói, “Sao không nhỉ?” Và Simons nói, giọng mơ hồ, “Sao không?” Rồi Bs. Maria nói, “Ừ, tôi không thấy tại sao lại không cả. Nói cho cùng thì họ cũng có bình ôxy trên máy bay đấy chứ.” Bs. Simons nói, “Họ có định kiểm tra một cái máy thở BiPAP không biết?” Và Bs. Maria đáp lại, “Ừ, hoặc có khi họ sẽ chuẩn bị sẵn một cái cho cô bé.”
“Đưa một bệnh nhân – một trong những người sống sót với Phalanxifor có triển vọng nhất, tuyệt chưa – lên một chuyến bay dài những tám tiếng đồng hồ mà không có các bác sĩ thực sự am hiểu về ca bệnh của cô bé? Quả là quá liều mạng.”
Bs. Maria nhún vai. “Cũng có thêm đôi chút rủi ro,” bà thừa nhận, nhưng rồi quay lại phía tôi và nói, “Nhưng đây là cuộc sống của cháu.”
Thế mà không hẳn vậy. Trên xe về nhà bố mẹ đã tôi quyết định: Tôi không nên đến Amsterdam trừ khi và chỉ khi có một thỏa thuận y khoa rằng chuyến đi đó thực sự an toàn.
***
Tối hôm đó Augustus gọi cho tôi sau bữa ăn. Tôi đã leo lên giường – dạo này cứ ăn tối xong là đến giờ tôi đi ngủ – dựa quanh một đống gối cùng Bluie, với cái laptop đặt trong lòng.
Tôi nhấc máy và nói, “Có tin xấu,” rồi cậu ấy kêu lên, “Chết tiệt, gì cơ?” “Tớ không thể đến Amsterdam. Một ông bác sĩ của tớ nghĩ đó là một ý tưởng điên rồ.”
Cậu ấy im lặng một lúc. “Chúa ơi,” cậu nói. “Đáng lẽ tớ nên tự trả tiền cho chuyến đi này. Đáng lẽ cứ kéo cậu thẳng từ Funky Bones đến Amsterdam là xong.”
“Rồi có lẽ tớ sẽ đột tử vì thiếu ôxy ở Amsterdam. Và xác tớ sẽ được đưa về trong khoang chứa hàng của máy bay,” tôi đáp.
“Ờ, phải,” cậu ấy nói. “Nhưng biết đâu những cử chỉ lãng mạn vĩ đại của tớ trước đó sẽ giúp tớ được lên giường với ai đó thì sao.”
Tôi bật cười nắc nẻ, đến nỗi tôi có thể cảm nhận được chỗ cái ống ở ngực từng nằm.
“Cậu cười vì tớ nói đúng,” cậu ta nói.
Tôi lại cười.
“Đúng mà, đúng không!”
“Chắc không phải,” tôi đáp, rồi một lúc sau thêm vào, “dù cậu sẽ không bao giờ biết.”
Cậu ấy rền rĩ vẻ đau khổ. “Tớ sẽ chết mà vẫn còn zin.” “Cậu còn zin ấy hả?” tôi ngạc nhiên.
“Hazel Grace,” cậu ấy nói, “cậu có bút và mẩu giấy nào ở đấy không?” Tôi bảo tôi có. “Được rồi, hãy vẽ một vòng tròn,” tôi làm theo. “Giờ vẽ một vòng tròn nhỏ hơn trong vòng tròn lúc nãy,” tôi vẽ tiếp. “Vòng lớn hơn là những thằng còn zin. Còn bé hơn là những thằng mười bảy tuổi với một chân.”
Tôi bật cười lần nữa, và bảo cậu ấy rằng việc có phần lớn những mối quan hệ phát sinh ở viện nhi cũng không khuyến khích việc quan hệ tình dục bừa bãi, rồi chúng tôi nói chuyện về những lời bình phẩm thiên tài của Peter Van Houten về tính lẳng lơ của thời gian, và dù tôi đang ở trên giường của mình và cậu ấy ở tầng hầm của cậu ấy, một lần nữa tôi thấy như mình đã quay trở lại cái không gian thứ ba vô hình mà tôi thực sự thích ở đó cùng cậu.
Sau đó tôi gác máy rồi bố mẹ vào phòng, và dù căn phòng thực sự không đủ rộng cho cả ba người, họ vẫn nằm lên mép giường với tôi, rồi chúng tôi cùng xem chương trình ANTM bằng chiếc TV bé tẹo trong phòng. Cái chị tôi không thích, Selena, đã bị loại, khiến tôi thấy thật sự vui sướng. Sau đó mẹ nối máy thở BiPAP và chụp vào giúp tôi, rồi Bố hôn lên trán tôi, nụ hôn đầy những râu ria lởm chởm, rồi tôi nhắm mắt lại.
Máy thở BiPAP căn bản đã kiểm soát hoàn toàn hơi thở của tôi, nó thực sự khó chịu, nhưng điều tuyệt vời là nó tạo ra những âm thanh này, phì phì mỗi lúc tôi hít vào và phò phò mỗi khi tôi thở ra. Tôi cứ nghĩ âm thanh đó như là có một con rồng thở cùng lúc với tôi, như thể tôi có một con rồng cưng cuộn mình bên cạnh và quan tâm tôi đến mức cùng tôi thở cùng một nhịp. Tôi cứ nghĩ như thế trong khi chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau tôi dậy muộn. Tôi nằm trên giường xem TV và kiểm tra hòm thư rồi một lúc sau bắt đầu soạn một bức email cho Peter Van Houten nói về chuyện làm thế nào mà tôi không thể đến Amsterdam nhưng tôi thề bằng tính mạng của mẹ mình rằng tôi sẽ không bao giờ chia sẻ bất cứ thông tin nào về các nhân vật cho bất kỳ ai, rằng tôi thậm chí còn không muốn chia sẻ nó kia, bởi lẽ tôi là một người ích kỷ vô cùng, và liệu ông ấy có thể kể cho tôi biết chú Tulip Hà Lan có thật lòng không rồi mẹ Anna có cưới ông ấy không và cả chuyện Sisyphus chú chuột Hamster nữa.
Nhưng tôi không gửi nó đi. Nó còn quá lâm ly thống thiết với tôi ấy chứ. Khoảng ba giờ, khi tôi chắc Augustus đã từ trường về nhà, tôi bước ra sân sau và gọi cho cậu ấy. Chuông vẫn reo trong khi tôi ngồi bệt xuống thảm cỏ, mọc um tùm và đầy bồ công anh. Chiếc ghế đu vẫn ở đằng kia, cỏ mọc đầy chỗ trũng đất mà tôi thường đạp xuống để đu mình lên khi còn bé. Tôi vẫn nhớ bố mang bộ ghế đu từ cửa hàng Toys “R” Us[61] về và dựng nó ở sân sau cùng bác hàng xóm. Bố cứ khăng khăng đòi đu trước để thử, mọi thứ gần như bung bét luôn.
Trời hôm đó xám xịt, thấp và đầy nước nhưng vẫn chưa mưa. Tôi tắt máy khi cuộc gọi chuyển sang hộp thư thoại của Augustus và đặt nó xuống nền đất cạnh tôi, vẫn nhìn chăm chăm về phía chiếc ghế đu, nghĩ rằng tôi sẵn sàng đổi tất cả những ngày ốm yếu còn lại lấy một vài ngày khỏe mạnh. Tôi cố gắng tự an ủi rằng mọi thứ có thể còn tệ hơn, rằng thế giới này không phải một nhà máy ban tặng điều ước, rằng tôi vẫn đang sống với ung thư chứ chưa chết bởi nó, rằng tôi không được cho phép nó giết chết mình trước khi nó có thể giết chết mình, rồi sau đó tôi bắt đầu nhẩm đi nhẩm lại ngốc nghếch ngốc nghếch ngốc nghếch ngốc nghếch ngốc nghếch ngốc nghếch cho đến khi âm thanh phát ra không còn thể hiện ý nghĩa của nó được nữa. Tôi vẫn đang lẩm nhẩm thế khi Augustus gọi lại.
“Chào,” tôi nói.
“Hazel Grace,” cậu ấy đáp.
“Chào,” tôi nói lần nữa.
“Cậu đang khóc à, Hazel Grace?”
“Có lẽ?”
“Vì sao?” cậu ấy hỏi.
“Vì tớ chỉ – tớ muốn đến Amsterdam, và tớ muốn ông ấy kể cho tớ nghe chuyện gì đã xảy ra khi cuốn sách khép lại, và tớ chỉ không muốn cuộc sống thế này nữa, và cả bầu trời cũng khiến tớ mệt mỏi, và ở đằng kia là một chiếc ghế đu đã cũ mà bố làm cho tớ khi tớ còn bé.”
“Tớ phải thấy chiếc ghế đu nước mắt kia ngay bây giờ,” cậu ấy nói. “Khoảng hai mươi phút nữa tớ sẽ ở đó.”
Tôi vẫn ngồi lại trong sân sau bởi Mẹ lúc nào cũng rất nghẹn ngào lo lắng mỗi khi tôi khóc, bởi lẽ tôi chẳng mấy khi khóc, và tôi biết bà sẽ muốn nói chuyện và thảo luận xem tôi có nên cân nhắc việc điều chỉnh lại lượng thuốc hay không, và chỉ nghĩ về toàn bộ cuộc nói chuyện thôi cũng khiến tôi muốn ói.
Tôi không có mấy ký ức rõ ràng và cảm động vô cùng như hình ảnh một người cha khỏe mạnh đẩy một đứa bé khỏe mạnh rồi đứa bé cứ hét lên cao nữa cao nữa cao nữa hay những khoảnh khắc rung động đầy tính ẩn dụ nào khác. Chiếc ghế đu vẫn nằm đó, hiu quạnh, hai sợi dây treo nhỏ im lìm và buồn bã níu một mảnh ván sơn xám ngắt, trông như nụ cười được vẽ bởi một đứa con nít.
Tôi nghe thấy tiếng cánh cửa trượt trên đám cỏ đằng sau lưng. Tôi quay người lại. Là Augustus, cậu ấy mặc một chiếc quần kaki và áo cộc tay kẻ ca-rô cài khuy. Tôi quệt ống tay áo lên lau mặt và mỉm cười. “Chào,” tôi nói,
Mất một giây để cậu ấy ngồi bệt xuống cạnh tôi, mặt nhăn nhó vì mông tiếp đất không được nhẹ nhàng cho lắm. “Chào,” cuối cùng cậu ấy cũng chào lại. Tôi nhìn sang cậu ấy. Cậu ấy nhìn đằng sau tôi, vào mảnh sân vườn. “Tớ hiểu sao rồi,” cậu ấy nói trong khi quàng một tay qua vai tôi. “Một chiếc ghế đu buồn chết mẹ.”
Tôi tựa đầu vào vai cậu ấy. “Cảm ơn vì đã sẵn sàng ghé qua.”
“Cậu biết có cố gắng giữ khoảng cách giữa chúng mình cũng không làm vơi đi tình cảm của tớ dành cho cậu,” cậu ấy nói.
“Có lẽ?” tôi đáp.
“Mọi nỗ lực để giữ tớ cách xa cậu sẽ thất bại,” cậu ấy nói.
“Tại sao? Tại sao cậu lại thích tớ? Cậu nghĩ cậu ép cậu vào những chuyện thế này chưa đủ à?” Tôi hỏi, nghĩ về Caroline Mathers.
Gus không trả lời. Cậu ấy chỉ ôm chặt lấy tôi, những ngón tay của cậu ấy giữ chặt lấy cánh tay trái của tôi. “Chúng ta sẽ làm gì đó với chiếc ghế đu tội nghiệp này,” cậu ấy nói. “Nghe này, nó là chín mươi phần trăm của vấn đề.”
Khi tôi đã trấn tĩnh trở lại, chúng tôi đi vào nhà và ngồi sát cạnh nhau trên ghế sofa, chiếc laptop đặt một nửa trên đầu gối (giả) của cậu ấy và một nửa trên đầu gối của tôi. “Nóng thật đấy,” tôi nói cái đế của laptop.
“Giờ ấy hả?” cậu ấy cười. Cậu ấy vào một trang rao tặng đồ cũ tên là Free No Catch và chúng tôi cùng nhau viết một bài quảng cáo.
“Tiêu đề?” cậu ấy hỏi.
“‘Ghế Đu Cần Nhà,’” tôi đáp.
“‘Ghế Đu Cô Đơn Tuyệt Vọng Cần Mái Ấm Tình Thương,’” cậu ấy nói.
“‘Ghế Đu Cô Đơn Bị Mê Trẻ Em Cần Tìm Mông Con Nít,’” tôi nói.
Cậu ấy cười. “Đó là lý do.”
“Sao cơ?”
“Đó là lý do tớ thích cậu. Cậu có biết hiếm hoi lắm mới gặp được một cô nàng xinh đẹp biết cách tạo ra phiên bản tính từ của chữ chứng mê trẻ em[62] không? Cậu quá bận rộn là chính cậu đến nỗi cậu chẳng hề biết cậu vô cùng đặc biệt đến mức nào.”
Tôi hít một hơi thật sâu qua mũi của mình. Chưa bao giờ có đủ không khí trên thế giới này, nhưng sự thiếu hụt càng trở nên nghiêm trọng khi đó.
Chúng tôi cùng viết lời quảng cáo, cùng chỉnh sửa cho nhau. Cuối cùng, chúng tôi quyết định để thế này:
Ghế Đu Cô Đơn Tuyệt Vọng Cần Mái Ấm Tình Thương
Một bộ ghế đu, dù đã cũ nhưng cấu trúc vẫn còn chắc chắn, đang tìm nơi ở mới. Hãy tạo dựng những kỷ niệm với đứa trẻ hay những đứa trẻ của các bạn để một ngày cậu ấy hay cô ấy hay chúng có thể nhìn lại khoảnh sân sau và cảm nhận nỗi đau tuyệt vọng như tôi chiều nay. Nó thật mong manh và thoáng chốc, thưa các bạn, nhưng cùng với chiếc ghế đu này, con (cái) của các bạn sẽ được làm quen với những nấc thăng trầm của cuộc đời một cách nhẹ nhàng và an toàn, và biết đâu sẽ rút ra được bài học quan trọng nhất trong tất cả: Dù đẩy mạnh thế nào, dù đu cao ra sao, cũng không thể quay trọn một vòng.
Bộ ghế đu hiện đang cư trú gần ngã tư phố 83 và đường Spring Mill.
Sau đó chúng tôi bật TV lên một lúc, nhưng vì chẳng có chương trình nào hay nên tôi với quyển Nỗi đau tột cùng trên chiếc bàn cạnh giường và mang nó ra phòng khách rồi Augustus đọc cho tôi trong khi Mẹ, vừa nấu ăn, vừa lắng nghe.
“‘Con mắt thủy tinh của mẹ thụt vào trong,’” Augustus bắt đầu. Cậu ấy cứ đọc, còn tôi đắm chìm vào yêu thương như người ta thả mình vào giấc ngủ: từ từ, rồi chợt thiếp đi.[63]
Khi tôi kiểm tra hộp thư một tiếng sau đó, tôi nhận ra chúng tôi có rất nhiều người thích hợp cho bộ ghế đu để lựa chọn. Cuối cùng tôi đã chọn một bác tên là Daniel Alvarez vì đã gửi kèm một bức ảnh chụp cảnh ba cậu bé chúi mũi chơi điện tử với dòng tiêu đề Bác chỉ muốn chúng ra ngoài chơi đùa. Tôi gửi thư hồi đáp và nhắn bác ấy cứ đến lấy lúc nào rảnh rỗi.
Augustus hỏi tôi có muốn cùng cậu ấy đến chỗ Nhóm Tương Trợ không, nhưng tôi đã thực sự thấm mệt sau một ngày bận rộn của việc Mắc Ung Thư, nên tôi từ chối. Chúng tôi đang ngồi cạnh nhau trên ghế sofa, cậu ấy đứng dậy định đi nhưng chợt ngồi lại xuống ghế và lén đặt một nụ hôn lên má tôi.
“Augustus!” tôi kêu lên.
“Bạn bè thôi nhé,” cậu ấy đáp. Cậu ấy nhổm người lên lần nữa nhưng lần này là đứng dậy thật, bước hai bước về phía mẹ tôi rồi nói, “Cháu luôn vui khi được gặp bác,” rồi mẹ tôi dang tay ra ôm lấy cậu, Augustus cúi xuống và hôn lên má mẹ tôi. Cậu ta quay lại về phía tôi. “Thấy chưa?” cậu ta hỏi.
Tôi trèo lên giường sau bữa tối, máy thở BiPAP kéo thế giới ra khỏi căn phòng của tôi.
Tôi không bao giờ thấy chiếc ghế đu lần nữa.
***
Tôi ngủ một giấc dài, tận mười tiếng đồng hồ, có thể do bệnh tình chậm phục hồi, cũng có thể do giấc ngủ chống lại ung thư và cũng có thể do tôi là một cô gái tuổi mới lớn không có thời gian tỉnh giấc cụ thể. Tôi vẫn chưa khỏe hẳn để đến lớp ở MCC. Khi cảm thấy tỉnh ngủ hẳn, tôi bỏ cái ống chụp của máy thở BiPAP ra khỏi mũi, đặt ống thở ôxy của tôi vào, bật nó lên, sau đó với lấy cái laptop của tôi dưới gầm giường, nơi tôi cất giấu nó đêm hôm trước.
Tôi nhận được một bức thư từ chị Lidewij Vliegenthart.
Hazel thân mến,
Tôi đã nhận được thông tin từ quỹ Genie là em sẽ tới thăm chúng tôi cùng với Augustus Waters và mẹ của em từ ngày mùng 4 tháng Năm. Chỉ còn một tuần nữa! Ngài Peter và tôi rất vui mừng và mong tới ngày được gặp em. Khách sạn của em, Filosoof[64], chỉ cách nhà ngài Peter một con phố. Có lẽ chúng ta nên dành cho em một ngày để nghỉ ngơi sau chuyến bay, đúng không? Vậy nên nếu thuận tiện, chúng ta sẽ gặp em tại nhà ngài Peter vào buổi sáng mùng 5 tháng Năm, khoảng mười giờ để cùng uống cà phê và để ngài Peter trả lời những câu hỏi của em về cuốn sách. Sau đó có lẽ chúng ta sẽ đi một chuyến quanh bảo tàng hay Nhà Anne Frank[65]?
Chúc em những điều tốt lành nhất,
Lidewij Vliegenhart
Trợ lý Điều hành của Ngài Peter Van Houten, tác giả cuốn Nỗi đau tột cùng
“Mẹ,” tôi gọi. Bà không trả lời. Tôi gào lên lần nữa, to hơn, “MẸ!”
***
“MẸ!” tôi hét toáng lên. Chẳng có động tĩnh gì.
Mẹ chạy vào, trên người quấn mỗi chiếc khăn tắm màu hồng mòn xơ chỉ dưới nách, nước nhỏ tong tong, vẻ hơi hốt hoảng. “Chuyện gì vậy con?”
“Không có gì ạ. Con xin lỗi. Con không biết là mẹ đang tắm,” tôi nói. “Tắm bồn,” bà nói. “Mẹ mới chỉ…” Bà nhắm mắt lại. “Mới chỉ tắm được có năm giây. Xin lỗi con. Có chuyện gì thế?”
“Mẹ có thể gọi cho Quỹ Genie và bảo họ chuyến đi đã bị hủy không ạ? Con vừa nhận được email từ trợ lý của Peter Van Houten. Chị ấy vẫn nghĩ mình đang đến.”
Mẹ mím môi lại và liếc qua tôi.
“Sao ạ?” tôi hỏi.
“Mẹ không định nói cho con biết cho đến khi bố về đến nhà.” “Gì cơ?” tôi hỏi lần nữa.
“Chúng ta vẫn đi,” cuối cùng bà nói. “Bs. Maria đã gọi cho bố mẹ tối qua và cố gắng thuyết phục là con cần sống –”
“MẸ, CON YÊU MẸ RẤT NHIỀU!” Tôi hét lên, rồi bà bước tới chiếc giường và để tôi ôm bà.
Tôi nhắn tin cho Augustus vì biết cậu ấy đang ở trường:
Mùng ba tháng Năm vẫn rảnh chứ?