Tiếng vỗ một bàn tay sẽ được nghe ra sao? Phi lý thật. Hai tay vỗ sẽ ném vào đời một tiếng vang. Còn một tay vỗ?? Vậy mà ông đã được nghe rồi. Lần đó, chỉ với một bàn tay, ông vỗ vào gương, nơi đang phản chiếu khuôn mặt ông. Ông đấm vào ông trong gương. Một bàn tay hiện ra trong gương chỉ trong chớp mắt. Và tiếng vỗ ấy vang lên: tiếng kêu vụn vỡ của kính. Tay ông tóe máu. Khuôn mặt người có vẻ khả kính của ông biến mất. Ông phải tự mình băng bó bàn tay máu. Rồi tự mình rót rượu ra ly, van nài rượu làm dịu cái hoang mang trong lòng. Ông căm ghét khuôn mặt khả kính của chính mình. Nó giả tạo làm sao, hèn nhát làm sao! Trời ơi, ông tự hỏi, khuôn mặt phong sương của người lính năm nào đã biến đi đâu. Giờ đời chỉ để lại trên ông khuôn mặt của tiền tài, của danh lợi, của ai ấy! Một bàn tay vỗ vào gương nghe lòng mình tan vỡ. Một bàn tay vỗ phá nát một ảo ảnh cứ ngỡ mãi trường tồn. Công án phật giáo kia ông hiểu được chừng ấy.
Vườn xưa đây rồi. Về quê lần này, bao lâu mình mới được về thăm lần nữa? Ông không biết. Ra đi tóc xanh, trở về tóc bạc. Chắc không bao giờ có được lần nữa?
Ta đã là khách lạ của vườn xưa. Ông buột miệng đọc lên câu thơ mà chính mình cũng chẳng nhớ nổi nó của ai.
Một con chim có bộ lông vàng rực, rằn rằn, bông bông như bếp than cháy đượm, bay vút lên từ gốc gáo dầm chân dưới kinh nước cạn. Chim bìm bịp của những con nước lớn ròng? Cánh bay của nó quáng quàng trong vườn lá, lượn lờ như một dấu hỏi. Người lạ trong vườn lá ấy là ai. Dưới những gốc gáo ấy ngày xưa có những con cá rô trủi đen mình mẩy, uốn cong nứt mỡ vàng trong những đống lửa rơm của lũ trẻ đồng. Làn khói thơm tho và mỡ màng kia đã theo chúng vào trong mơ. Trong mơ có cả những ụn nước trắng xóa bừng nở trong không gian khi lũ trẻ nhảy ùm xuống tắm sông. Trong mơ có cả những cánh đồng đất đen trơ gốc rạ; những cánh diều đứt dây bay loạng choạng như một nỗi lo âu. Trong mơ còn có tiếng trực thăng quần thảo hòng che lấp tiếng dế gáy râm ran. Những trang vở học trò bị đốt cháy trong những mái nhà liêu xiêu. Những cuộc tản cư trùng điệp bên những tán dừa bị cắt ngọn, bị thiêu rụi vì đạn pháo vù vù. Những bụi tre cháy đỏ vì bom đạn hừng hực những tham vọng. Bom đạn dội xuống đồng làng. Hóa chất dội xuống đồng làng. Cây ngã. Nhà ngã. Người ngã xuống. Ðất đen bầm mặt giận hờn, sụt sùi thẹo vết. Những nấm đất chôn người vội vàng, kêu gào bao thù oán. Những đứa trẻ phải vội lớn lên, vội ra đi, vội lìa bỏ quê hương theo về các ngã khác nhau. Người ta nói đó là chiến tranh. Bạn ông nói nó là nỗi đau của con người. Bạn ông - thằng bạn gàn khác người.
Nó tên Nhẫn. Chữ nghĩa của nó ít nên nó nói câu nào như thể tát tai người ta câu đó. Học chữ đầy một lá mít nó cho rằng đủ nên thôi. Nó là thằng rủ ông đi cách mạng. Ðầu óc nó giản đơn như củ khoai hột lúa.?Cách mạng là chống lại cái ác, cái xấu vậy thôi. Ý hướng ấy cay nồng như ly rượu đế Gò Ðen hôm uống máu ăn thề. Không có vườn đào như trong Tam quốc chí. Không có đủ ba người để kết nghĩa mà chỉ có hai: ông và nó, trong vườn lá này đây. Ly rượu ấy cháy rần rật trong người. Nó đẩy những thân người chưa được hai mươi tuổi lao vào lửa đạn nhẹ bổng như lông hồng.?Cách mạng là chống lại cái ác, cái xấu vậy thôi. Vậy là họ đi. Vậy là họ đến.
Con đường ấy thường không trơn tru, gẫy gọn như khi người ta ngồi ung dung kể lại. Thực ra nó có hàng đống khúc quanh, hàng tá những lựng khựng, ngập ngừng, có khi phản trắc nữa. Ðó là chưa kể những toan tính đê hèn, nhỏ mọn của những kẻ đi trên con đường ấy. Cho dù đó là con đường sáng.
Năm ông rời vườn lá ra đi, cô Hồng con địa chủ Hoài vừa tròn mười tám. Da con gái có lội trong bùn đen cấy lúa vẫn trắng, trắng ngần trong cả nhớ nhung. Cái cười nhoẻn miệng của cô đã khắc lên ba lô hai anh lính trẻ một ước mơ. Rồi công danh đột nhiên hiện ra như trái bom đìa, nổ banh xác những trí tưởng tượng, những mơ mộng hiền lành của ông. Ông được xét lý lịch, được đề bạt này này nọ nọ. Cô Hồng con địa chủ phải bị gạt ra khỏi tâm tưởng chứ nói gì đến nghĩa phu thê cho rắc rối cuộc đời!
Nhẫn thì khác. Anh chỉ chịu đựng những quả bom đìa từ máy bay rải xuống chứ tuyệt nhiên không hề hấn trước bom đìa của công danh. Một hôm từ trong núi, Nhẫn nhìn theo đàn cò chấp chới mang nỗi nhớ nhà bay về hướng đồng bằng. Nó thở dài. Nó nhắc cô Hồng với ông. Tao mà không kẹt cách mạng tao nhờ má tao hỏi cưới Hồng. Ông cười đẩy đưa theo bạn. Vậy mày viết thơ cho người ta đi. Nó thở dài còn nặng hơn: chữ nghĩa mới đầy lá mít viết làm sao hả mậy? Ðầu thơ mình gởi cho người ta mình đề kính thưa em Hồng hay kính gởi em Hồng? Thiệt không biết viết sao nữa. Nó khờ quá, cái thằng! Ông sắp làm quan to đến nơi rồi mà nó còn chưa hay. Thôi để nó rước món nợ cô Hồng thay cho mình. Ông đã viết thư tình, gởi Hồng. Còn Nhẫn thì cưới vợ, cưới Hồng.
Quả đó là món nợ. Sau ngày hòa bình lập lại, Nhẫn về quê. Anh về với mái nhà rách nát, về với cô vợ bị bom đạn lấy mất một mắt, về với một đứa con ngơ ngơ ngẩn ngẩn không tỉnh không mê. Hai vợ chồng trông đợi đứa sau, hy vọng và hy vọng, rằng nó sẽ không nhiễm cái chất độc thù vặt và thù dai như kẻ tiểu nhân - chất Dioxin. Ðứa con sau ra đời như tiếng vỗ một bàn tay vào không gian sâu thẳm. Hai vợ chồng lảo đảo dìu nhau đi trên đường đời đầy thất vọng. Nhưng anh là một người lính thật sự. Lính đến nỗi không mặc áo lính nữa, anh vẫn còn chất lính. Người lính ấy chiều chiều nhìn vợ chống xuồng về bến sông trước nhà. Mặt mũi Hồng phai lạt dần những nhan sắc. Thời gian và những tội tình khắc lên mặt cô những đường nét già nua. Làn da trắng của ngày nào thay bởi màu sương gió. Con cái đau bệnh, Hồng phải chạy vạy khắp nơi. Người lính nhìn thấy hết nhưng không làm gì được hơn cho vợ cho con. Anh giấu những giọt nước mắt vô cớ rớt ra. Anh cắn răng kìm những xúc cảm đúc thành một tiếng hét lớn như một thanh gươm vọt lên giữa trời. Tội tình của ai mà vợ anh con anh phải hứng chịu hở trời? Sao ông không chọn tôi mà tấn công đi. Tôi, thằng Nhẫn, ngang bướng có thừa, có chịu chết banh xác thay cho vợ con cũng được mà. Câu hỏi ấy, và thanh gươm vọt lên giữa trời kia không được đáp trả, không một tiếng vọng lại nào. Cứ như tiếng vỗ một bàn tay.
Làng xã nơi Nhẫn tham gia công tác tình cờ lại nhan nhản bọn vô lại. Chúng xem quan trường là cái chợ để bán mua. Chúng coi đời dân như bàn đạp của chiếc xe đạp, để chúng đạp mạnh, để chúng lao lên đỉnh dốc của chức tước, của lợi danh. Ông bí thơ Nhẫn có hàng đống việc để làm, để nghĩ. Anh nghĩ gì? Thì cũng nghĩ như xưa.?Cách mạng là chống lại cái ác, cái xấu vậy thôỉ. Ông bí thơ Nhẫn vì thế có nhiều bạn dân và có quá nhiều thù oán của sâu dân mọt nước. Nhẫn gánh một gánh nhà neo túng lao đao. Nhẫn thêm một gánh quan trường lận đận. Chữ nghĩa của Nhẫn chỉ đầy lá mít. Vậy thì con đường êm ái nhất mà Nhẫn phải chọn là xin thôi làng xã, quay về nuôi vợ con. Nhẫn đau đáu mong chờ người khác tài giỏi hơn mình lo cho dân?chống lại cái ác, cái xấủ. Bản thân cái dốt của mình cũng là một cái xấu. Biết đâu sau này nó biến tướng thành cái ác cũng chưa biết chừng! Nghĩ vậy, Nhẫn âm thầm học lại, từng chút từng chút một. Vì tánh tình khoáng đạt, căm ghét lũ tiểu nhân, Nhẫn tìm về sách thánh hiền, đạo Khổng, đạo Phật, về Thiền?! Có lần ông về quê giỗ má, giữa các quan chức toàn chủ tịch tập đoàn này nọ, nào tổng cục, nào thứ trưởng các cái, Nhẫn ong óng chỉ ra ai là quân tử, ai kẻ tiểu nhân. Sống nổi với nó không! Ông nói nó:?Bộ hết cái học rồi sao Nhẫn, mày cứ lựa cái người ta chê cổ hủ lạc hậu để đâm đầu vổ. Nhẫn cười.?Mày nói theo miệng kẻ khác, núp sau lưng kẻ khác, ném đá dấu tay quen rồi hả mậy? Ðạo thánh hiền lạc hậu chỗ nào, cao cấp chỗ nào mầy có thiệt biết không bớ ông chủ tịch tập đoàn?. Ông đớ lưỡi. Núp sau lưng kẻ khác, nói theo miệng kẻ khác riết quen rồỉ Cái thằng không nói thì thôi, nói ra như tát tai người ta!
Ðêm đọc sách thánh hiền, ngày Nhẫn đóng tủ thờ, cái nghề truyền đời từ cha anh, vốn là người thợ mộc tài hoa, danh tiếng của làng. May thay, hồn và xác của Nhẫn được nhập một phần hồn xác của người xưa. Nhẫn đóng tủ thờ khéo lắm, khách khứa nườm nượp. Hình chạm khắc, hình sơn mài trên tủ Nhẫn chỉ răm rắp một thứ là cây tre. Không Mai Lan Cúc Trúc, không Long Lân Qui Phụng gì hết, chỉ tre là tre thôi. Những cây tre đứng lên dõng dạc, thân thẳng và ruột bọng thang, như người quân tử. Quân tử chỉ sợ lẽ phải. Quân tử quyết không luồn cúi trước bất cứ nghịch cảnh nào. Nhẫn làm thợ tài hoa như người nghệ sĩ. Nhẫn đã làm là say mê, quên ăn quên ngủ. Súc gỗ lặng câm trong tay Nhẫn, tre mọc lên bừng bừng sống động có tánh khí hẳn hoi: tánh hơi nóng. Khách hàng mê Nhẫn nhưng cũng lắm phen thở dài vì cái tánh gàn của ông thợ.
Khi Nhẫn quay cuồng với những khó khăn dạo đó, ông đã thôi quân ngũ, đã quản lý một tập đoàn xây dựng lớn. Con trai ông học giỏi lắm. Nó đi Ðông Ðức. Nó làm kỹ sư. Rồi nó cũng quản lý một tập đoàn như ông. Những đứa con của Nhẫn lờ khờ bao nhiêu thì con trai ông tinh ranh bấy nhiêu. Cả hai cha con ông, hai mái đầu trí tuệ đã đục khoét biết bao nhiêu con đường, biết bao nhiêu cây cầu, biết bao nhiêu trụ điện cao thế kéo dài từ Bắc chí Nam. Tự an ủi rằng mình đang góp phần xây dựng đất nước, hai cha con ông đã mạnh tay mang của cải về nhà, mạnh tay đút trên lót dưới. Vừa xây nhà cho mình to ra vừa cố tạo những mảnh áo giáp vững chắc để bảo vệ cái gia sản, cái?sự nghiệp? của mình. Nói thì cha con ông sẽ nói theo miệng đời rằng vì công cuộc này, vì sự nghiệp nọ. Nghĩ thì cha con ông sẽ nghĩ theo lối của mình. Trong vụ này ta được lợi gì đây? Lợi! Lợi! Lợi! Cuộc sống cha con ông đơn điệu đến tầm thường. Trời xanh cao lồng lộng cố tình lờ đi cho cha con ông. Nhưng sự lờ ấy cũng không kéo dài mãi. Cả hai dần lộ ra sự thật như cái kim trong bọc không giữ được lâu. Lần này cả hai cha con ông chắc phải ra tòa một lượt.
Vườn xưa hôm nay đón ta như khách lạ. Khách lạ không vì lâu ngày ông mới trở về. Khách lạ là bởi ông hôm nay đây không giống với ông hồi ra đi theo cách mạng, hồi ông là người lính của năm xưa. Con người ông giờ khác hẳn. Chí khí không. Mạnh mẽ không. Mà nó nhão nhớt, dịu oặt như nhánh cây tầm gởi kia, đeo bám đời riêng vào công cuộc chung. Ông đấy! Khuôn mặt khả kính của ngài chủ tịch tập đoàn đấy. Có đập vỡ nát bao nhiêu gương thì cũng không xóa nổi khuôn mặt mình trong đó. Ông thở dài. Phải chi mình sống thật như Nhẫn, dù chỉ năm mười năm thôi cũng được?
Mộ mẹ ông đây rồi. Nắm đất lơ thơ trên gò đống giữa đồng, được Nhẫn xây vòng rào xi măng cẩn thận. Ông làm gì có thì giờ mà chăm chút cho mộ mẹ. Trăm sự lại là Nhẫn, bạn ông thôi.?Má mày như má tao vậy thôi. Mày yên tâm công tác đi, đừng lo, tao liệu được mà. Bà đẻ ra tụi mình, không phải là những thằng mất dạy, thế là quí lắm rồỉ. Ông từng bật cười vì lời của Nhẫn. Ði cách mạng, những thằng như ông và Nhẫn là những thằng mất dạy được sao? Giờ ông mới hiểu: thế mà có đấy. Ông đốt một nắm nhang. Gió chướng thổi lồng lộng trên đồng. Cái quẹt chật vật lắm mới phát lửa. Cầm nắm nhang trong tay, ông cầu mong mẹ được an nghỉ, được siêu thoát. Ông cầu mẹ tha thứ cho những gì sai quấy ông đã gây ra. Rồi như có điều gì thúc giục, ông đi lang thang đến những gò đất gần đó, thắp nhang cho cả những nấm mồ vô chủ. Ông không chủ định làm chuyện này, xưa nay ông chưa từng làm thế.
Chỉ có Nhẫn là làm thế và vẫn thường làm thế. Vụ đốt nhang nổi tiếng của Nhẫn, đến nỗi bị đưa ra ra tổ chức phê bình, xảy ra vào những ngày cuối đất nước toàn thắng 30 - 4 - 1975. Quân của ông và Nhẫn sắp giải phóng Cần Thơ, tức Vùng Bốn thời ấy. Vị tướng trẻ, tổng chỉ huy của quân đội Sài Gòn cũ tử thủ đến cùng, chống cự cách mạng đến cùng. Khi biết không thể đi ngược lại với lịch sử đất nước này được nữa, ông tự sát bằng một khẩu R16 xổ thẳng một băng đạn vào ngực, ngay tại bàn làm việc của bộ chỉ huy, quyết không đầu hàng. Trong hàng ngũ quân giải phóng, Nhẫn là thằng quái lạ. Nó đốt mấy cây nhang tưởng niệm vị tướng kia! Nó nói đơn giản công khai?Tao đốt nhang cho người chí khí. Họ chỉ mắc sai lầm là không đi cùng hướng với mình. Tao tôn trọng họ vì chí khí. Theo tao người như vậy trong hàng ngũ của mình cũng khó kiếm. Tao biết đa phần tham sống sợ chết?. Ủa, nó nói ai vậy? Nó nói giống y như nó đang chửi thẳng vào mặt mình vậy. Nó đi trong gan trong ruột mình hồi nào vậy ta? Vậy là đủ cho Nhẫn nhận hàng đống búa rìu của tổ chức. Tổ chức nói trắng ra là ông, là cá nhân ông lúc đó chứ ai. Mượn uy quyền của tập thể, của số đông, ông tha hồ?truy sát? Nhẫn, hạ Nhẫn xuống tới cùng, để nâng mình lên tới cùng. Sự sơ hở, non dại của kẻ khác là cơ hội tuyệt vời trên đường thăng tiến của ta! Ha, ha, ha! Ông đã từng hả hê biết nhường nào, đã từng cho rằng mình khôn ngoan biết nhường nào! Ðạp lên danh dự và thân xác đồng đội là khôn ngoan!... Sau này, khi nhắc đến chuyện đó mẹ ông bênh Nhẫn.?Chiến tranh là chiến tranh. Chết chóc là chết chóc. Người ta chống mình là vì người ta đi lạc đường. Vậy mà đến khi người ta chết rồi mình vẫn không khoan dung, không tha thứ cho người ta. Thử hỏi tụi bây chí khí ở chỗ nào? Bây tệ ở chỗ không dám la lớn lên: Nhẫn ơi, mày đúng. Ðất nước hùng mạnh là nhờ ở nhân nghĩa, chứ không nhờ ở bạo lực, ở oán thù?. Mẹ ông đã mắng ông như vậy. Khói của những đám đốt đồng nương theo gió chướng làm cay mắt ông. Ký ức cứ dội về từng đợt như những gáo nước dội vào tâm trí làm ông cảm thấy nóng mặt có, gai gai da thịt có, thậm chí mềm nhũn cả người cũng có. Gió của Tết quê ông. Khói đốt đồng của quê ông? Một tiếng thở dài kéo đến trong làn gió. Những điều đơn sơ và man mác tâm hồn này bao lâu rồi không đến bên mình nữa nhỉ?
Mây đen bỗng kéo về càng lúc càng đông. Những hạt mưa trái mùa trong gió chướng bắt đầu nhảy nhót trên đám đất ruộng khô nẻ. Chúng vẽ nên những ngôi sao nho nhỏ trên đất khô. Có lẽ ông phải về thôi.?Mưa vào tháng chạp, lạ chưa!? Ông lẩm nhẩm rồi bước gấp trên đồng, hướng về những rặng cây trong xóm.
Vào đến vườn cây, ông thấy cô Hồng và hai đứa con đã lớn tồng ngồng còn ngẩn ngẩn ngơ ngơ lội trong cái đìa đã tát cạn nước. Bùn đen sền sệt vẫn lộ ra những con cá lóc đen thủi, những con cá rô xòe kỳ dương vây, giãy đành đạch trên vách ao tìm đường thoát thân. Ðùi trắng thanh xuân của Hồng dạo nào vẫn thấp thoáng trong bùn. Hồng nhìn ông cười cười.
- Anh hai về lẹ đi, mưa tới đó. Ðể em bắt xong mấy con cá lóc đồng này về làm thêm mồi cho anh với anh Nhẫn nhậu.
Hai đứa bé trong thân xác người lớn cười ré lên khi tóm được một chú cá. Hai thằng vùi hẳn trong bùn, loi ngoi, đen nhẻm như hai con cá lóc lớn, vừa bắt cá vừa đùa giỡn ngây ngô. Chúng kêu ầm lên khi trông thấy ông.
- Bác hai! Ớ? bác hai!
Ông bất giác đứng tần ngần hồi lâu. Rồi ông chậc lưỡi, cúi đầu, không nói gì lầm lũi bước đi. Không nghĩ nữa, không nghĩ gì nữa. Ông đã mệt mỏi với những ý nghĩ của mình lắm rồi. Nhưng những bức thư ông đã viết giùm Nhẫn, gởi cho Hồng vẫn ào ạt bay tới. Thực ra mình có yêu Hồng. Thực ra mình đã trốn chạy Hồng, vì lý lịch của cô. Thực ra mình đã không tác hợp cho Hồng và Nhẫn mà mình đã đổ vấy cho họ. Thực ra mình vì cái gì hở trời! Ông bước vội hơn khi mưa đuổi sau lưng.
Vậy mà những trái chín như những đốm lửa đỏ của cây ớt hoang trong vườn vắng vẫn hiện rõ trong mắt ông. Vừa đi vừa chạy ông vẫn trông thấy nó. Một thoáng, ông liếc nhìn quanh. Ðã chắc không có ai quanh đây rồi, ông thò tay hái một túm cho đại vào túi. Mưa tới to hơn, nặng hạt hơn, ông chạy riết vào hướng nhà của Nhẫn.
Nhẫn đang ngồi chờ ông bên mâm rượu. Chai đế Gò Ðen rót ra hai ly. Bọt rượu li ti sủi tăm. Rượu mạnh đây. Nuốt qua khỏi cổ nó sẽ đốt cháy dài xuống tới bụng. Rượu đi tới đâu là biết tới đó. Rượu đổ vào dĩa khô mực. Nhẫn bật quẹt lên. Ngọn lửa xanh biếc như con mắt nhấp nháy tươi cười bốc lên. Lửa chồm lên thân mhững con khô đang uốn cong răng rắc. Hương thơm bựng lên mơ màng như một bâng khuâng.
- Tháng chạp mà mưa, kỳ quá hả mậy? Nhẫn chép miệng nhìn trời.
Ông ngồi xuống, thở hào hển vì mệt. Lôi túm ớt trong túi ra, ông bỏ cả vào mâm. Với tay đón ly rượu, ông định tợp một cái, định đẩy hết mọi ý nghĩ lúc nãy bay hơi theo men rượu. Ai ngờ ông bạn quí của ông kéo giật ông lại.
- Nhà có ớt thì ăn, không thì thôi. Ai mượn mày hái của người ta.
A, cái thằng này, càng già càng gàn. Thế này thì còn ai chịu nổi nó nữa. Ông đã mệt đừ cả hồn lẫn xác. Giờ còn thêm trò gàn này nữa. Ông sẵng giọng:
- Thì cái nắm ớt này có giá trị gì đâu, mà mày xài xể tao hả Nhẫn?
- Ừ. Có giá trị gì đâu. Vậy mà nó cũng hạ được giá trị của mày xuống một bậc đó. Mày thấy có tức không? Lính tráng gì kỳ vậy mậy? Trái cà, trái ớt của dân?
Ông sững người bừng sáng. Cả một đời, một sự nghiệp, rời quân ngũ mình vẫn còn là người lính. Người lính được làm việc này sao? Mà thôi, chỉ cần là người thôi, được làm việc này sao? Ông sai rồi, đúng là sai mất rồi. Ông sai từ cái nhỏ nhất, tầm thường nhất sai lên. Ông đã sai dài dài mới có hôm nay đây. Lấy cái gì không phải của mình là ăn cắp.
Tiếng vỗ một bàn tay! Công án Phật giáo ông nghiền ngẫm mãi giờ mới được đốn ngộ. Làm người khó! Làm người khó! Vi nhân nan? Nhẫn ơi, cái sách thánh hiền phong kiến của mày hay lắm!
Nhẫn bình thản uống rượu. Trời tối dần lúc nào không ai hay. Có tiếng đờn kìm lao rao vọng lên từ bến sông trước nhà. Ông tưởng như tiếng đàn làm chao chát, rơi rụng những cánh chim bay trong đêm. Ông nhắm mắt lại để nghe hương cá lóc nướng lâng lâng cất lên từ chái bếp sau nhà. Ông nuốt nhẹ hớp rượu. Ông nuốt luôn cả cái giọng ngang ngạnh của Nhẫn vào lòng.
- Không! Làm người không khó. Làm tiểu nhân để nhỏ nhen, để đê hèn vì danh lợi thì không khó. Chỉ có làm chính nhân quân tử mới khó, bạn ơi!
Thiện Phạm ( Vô Ngả)