Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng

Chương 2

Docsach24.com

hà văn Lê Ðạo leo bốn tầng lầu của khu tập thể và đứng thở dốc trước cửa căn phòng nhỏ bé của mình.

Khi cánh cửa phòng mở ra, anh giật mình khi nhìn thấy một người thanh niên ăn mặc xoàng xĩnh, đầu đội chiếc mũ vải sờn rách đang ngồi im như tượng nơi chiếc ghế mây đặt cạnh bàn viết của mình. Anh ta không đứng dậy và cũng không chào chủ nhà, không nói một lời. Anh ta nhìn Lê Ðạo bằng đôi mắt mệt mỏi, buồn bã. Lê Ðạo hỏi:

-Anh làm gì ở đây?

-Tôi muốn gặp ông.

-Nhưng ai cho phép anh vào nhà tôi trong khi tôi đi vắng? Anh định giở trò gì thế?

-Ông đừng nổi nóng, người khách lạ nói, tôi không phải là kẻ trộm đâu.

-Thế anh vào nhà tôi để làm gì?

Người lạ lấy thuốc lá ra hút rồi đứng lên, đi đi lại lại trước mặt Lê Ðạo, hai ngón tay vàng khè kẹp điếu thuốc vung lên trong khoảng không.

-Ông xem xét lại đồ vật trong nhà đi. Tất cả còn nguyên vẹn. Nếu tôi là kẻ trộm thì tôi đã ra đi trước khi ông về.

-Nhà tôi cũng chẳng có gì để anh ăn trộm đâu, nhưng anh không được quyền vào nhà tôi một cách lén lút như thế.

Người lạ dừng trước tấm lịch, lật lên coi và nói:

-Tôi chẳng lén lút. Tôi đợi ông về mà.

-Nhưng lẽ ra anh phải đứng đợi tôi ngoài hành lang. Chìa khóa đâu anh mở cửa phòng tôi?

Người lạ thọc tay vào túi quần lấy ra chiếc chìa bằng đồng dài như cây bút bi đưa cho Lê Ðạo.

-Tôi tìm thấy nó trong chậu hoa ngoài hành lang.

Lê Ðạo cởi giày, ném mạnh xuống sàn:

-A, té ra anh đã theo dõi, rình rập tôi từ lâu rồi. Anh là ai? Và anh muốn gì?

Người lạ trở lại chiếc ghế mây lúc nãy:

-Ông yên tâm, tôi không phải là công an đâu.

-Có là công an tôi cũng chẳng sợ vì tôi sống trong sạch. Nhưng này, anh phải nói cho tôi biết anh là ai chứ. Tôi không có thói quen tiếp những người mà tôi không biết.

Người lạ không có vẻ gì là nao núng. Anh ta chậm rãi mở khóa kéo xách tay, lôi ra một cái phong bì, đưa cho Lê Ðạo. Nhà văn tiếp lấy mở ra, thấy bên trong có một tấm ảnh cỡ sáu chín.

-Ông nhận ra người trong ảnh chứ? Người lạ hỏi.

Lê Ðạo lặng thinh nhìn tấm ảnh rất lâu. Anh hỏi:

-Anh chụp lén hình tôi để làm gì?

-Ông đang ngồi buồn bã, ngồi một mình nơi ghế đá trong công viện vắng người. Ông đang nhớ, đang khóc thầm phải không?

Lê Ðạo đập bàn giận dữ:

-Chuyện đó không liên quan tới anh! Tôi nhớ ai mặc xác tôi. Anh có quyền gì?

Người lạ cười khô một tiếng, ngắm nghía cơn giận của chủ nhà một cách thích thú.

-Tôi là một nhà nhiếp ảnh tài tử, nhưng tôi rất thích săn những tấm ảnh nghệ thuật, nhất là những ảnh diễn tả nội tâm. Ông thấy nó có đẹp không? Ông có muốn xem nữa không. Có một bức tôi rất thích. Chụp hai người đứng trú mưa dưới một mái hiên trong một buổi sáng ảm đạm.

-Hai người nào?

-Một trong hai người là ông. Ông có muốn xem không?

-Anh cút đi. Chẳng xem xiếc gì cả. Tôi đang bận.

Lê Ðạo ném tấm ảnh lúc nãy trả lại cho chàng trai lạ mặt và thay quần áo. Người lạ lại nói:

-Tôi chưa đi được. Tôi còn nhiều chuyện muốn nói với ông.

-Nhưng tôi chẳng có chuyện gì để nói với anh cả. Anh đi đi!

Người lạ lại lôi từ trong xách tay ra một cây bút bi.

-Cây bút này của ông?

Lê Ðạo nhìn cây viết Parker có khắc tên mình. Ông nói:

-Dường như tôi đã bỏ quên nó ở đâu đó.

-Trong quán cà phê Hồng phải không?

-Có lẽ. Anh muốn tôi chuộc lại chớ gì?

-Tôi trả lại cho ông.

Và anh ta đặt cây bút trước mặt nhà văn.

-Cám ơn, Lê Ðạo nói, bây giờ thì anh có thể đi.

-Tôi sẽ đi. Nhưng xin hỏi ông câu này. Tối thứ bảy tuần rồi, lúc mười giờ ba mươi lăm phút ông có dắt chiếc xe PC đi ngang qua căn nhà số 324 đường Ðiện Biên Phủ phải không?

-Tôi không nhớ. Nhưng anh hỏi cung tôi đấy à?

-Sao ông lại không nhớ được. Ông không nhớ căn nhà ấy thì ai nhớ. Ông đã dắt xe đi rất chậm và nhìn lên cửa sổ, chỗ có ánh đèn. Ðúng không?

-Có thể lúc ấy xe tôi bị chết máy.

-Không chết máy. Bằng chứng là sau đó, khi đi qua khỏi căn nhà một đoạn thì ông lại lên xe và chạy đi.

Nhà văn bắt đầu thấy mệt mỏi vì cái con người lì lợm quái đản này. Anh lên giường nằm và nhắm mắt lại. Nhưng bên tai ông cái giọng hỏi cung lạnh lùng ấy lại vang lên:

-Sáng thứ năm tức là ngày hôm qua lúc chín giờ kém năm phút ông có mặt trong chợ Bến Thành. Ðầu tiên ông mua một cái kẹp tóc bằng đồi mồi giá một ngàn đồng, sau đó ông mua một bàn chải đánh răng hiệu Colgate giá hai trăm và cuối cùng ông đến cửa hàng quần áo mua một chiếc áo pull có vẽ hình một con chim ruồi giá bốn ngàn phải không?

Nhà văn vẫn nhắm mắt, rồi anh xoay người úp mặt vào gối, lấy tay bịt cả hai tai lại. Tuy vậy cái giọng lạnh lùng kia vẫn vang lên:

-Lúc chín giờ sáng ngày…

-Thôi, thôi! Nhà văn vùng dậy. La lớn. Rồi bỗng nhiên lòng anh chợt nguội lạnh, dửng dưng như không có chuyện gì, như những điều nãy giờ diễn ra chỉ là một trò đùa dai.

Nhà văn đến bên cạnh chàng trai, vỗ vai anh ta và nói:

-Thôi, dẹp những chuyện ấy đi nhé. Ðể tôi pha cà phê cho bạn uống. Tôi có cà phê chồn ngon tuyệt vời.

Người lạ im lặng, không tỏ vẻ bằng lòng mà cũng không phản đối. Anh ta lấy cái mũ mềm xuống cầm nơi tay, vuốt vuốt những chỗ sờn rách rồi nhíu mày, gương mặt hằn lên nét khắc khổ, đau đớn. Và trong khi nhà văn lui cui pha cà phê, anh ta lấy chiếc dép da lên săm soi cái gót đã mòn vẹt, rồi khi nhận ra có một cái đinh đã lung lay, anh ta cố sức nhổ nó ra, bỏ vào lòng bàn tay, trở qua trở lại, thảy thảy mấy cái rồi bỏ nó vào cái gạt tàn thuốc.

Nhà văn mời anh ta đến ngồi đối diện mình. Cà phê nhỏ xuống trong ly những giọt long lanh đen tuyền và chậm chạp. Lê Ðạo khui một gói Ruby đầu lọc mời khách. Khi cả hai điếu thuốc cháy lên và khói bay tản mạn trong phòng nhà văn mới ngắm nghía diện mạo của chàng trai trẻ.

Nếu như không có cái nhìn u ám kia thì đó là một khuôn mặt có thể nói là đẹp trai, nơi khóe miệng có một nét gì đó rất duyên dáng. Lê Ðạo hỏi:

-Năm nay cậu bao nhiêu tuổi rồi?

-Hai mươi lăm.

-Cậu đã có gia đình chưa?

-Có làm gì. Nhưng mà tôi không thích cách xưng hô của ông đâu.

Nhà văn cười:

-Xin lỗi. Uống cà phê đi. Anh là một nhà nhiếp ảnh thực đấy chứ?

-Có thể như thế.

-Anh nên tổ chức một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật. Anh còn trẻ mà, còn nhiều triển vọng. Nhưng dường như anh có điều gì buồn lắm phải không? A, chắc là chuyện tình yêu chớ gì?

-Không. Tình yêu đối với tôi vô nghĩa.

-Như thế chắc là anh rất chú tâm vào nghệ thuật nhiếp ảnh. Anh nghĩ gì về những nhà nhiếp ảnh lớn như Nguyễn Cao Ðàm, Võ An Ninh?

-Họ là những bậc thầy. Tôi rất mê những bức chụp cồn cát của Nguyễn Cao Ðàm.

-Anh có bức nào chụp cồn cát không?

-Nhiều lắm, tôi là dân Phan Thiết mà. Ðúng ra là dân Mũi Né. Tôi sinh ra và lớn lên ở đó. Ðó là xứ của biển và cồn cát. Chưa có cái gì trên đời này kỳ diệu bằng cồn cát đâu ông ạ. Nó mênh mông và biến ảo vô cùng. Buổi sáng vừa thấy nó lăn tăn như sóng biển, đến trưa nó đã nhấp nhô uốn lượn như thung lũng, như núi đồi, đến chiều khi hoàng hôn sắp tàn thì cồn cát mang đầy những đường nét gợi cảm của thiếu nữ khỏa thân. Ðó là chưa nói đến những đêm trăng và những cơn bão cát mù mịt. Ông không thể tưởng tượng được sự biến ảo kỳ lạ của cồn cát đâu.

Trong lúc anh ta say sưa diễn tả, cái vẻ u ám trong đôi mắt chợt biến mất và anh trở nên một con người dễ thương lạ lùng. Nụ cười của anh cũng khác, hồn nhiên như trẻ thơ.

Lê Ðạo nói:

-Anh là một người có tâm hồn, anh bạn ạ. Nhưng tôi vẫn thấy anh có một điều gì đó rất u uất. Bây giờ coi như chúng ta đã là bạn của nhau rồi, anh có thể cho tôi được chia sẻ phần nào nỗi u uất của anh không?

-Không. Không bao giờ. Giọng chàng trai chợt thay đổi hẳn. Chính tôi đã sống bằng sự u uất ấy đấy. Không có nó thì tôi sẽ chết.

Lê Ðạo cảm nhận một điều gì đó rất ghê gớm trong câu nói ấy. Lúc nãy anh tưởng là mình đã có thể hiểu được chàng trai còn bây giờ thì không. Nhưng thực sự lòng anh muốn chia sẻ điều bất hạnh bí mật của người khách lạ trẻ tuổi. Lê Ðạo nói:

-Anh còn trẻ lắm. Anh hãy quên nỗi buồn của mình đi. Nghệ thuật cũng là một điều kỳ diệu lắm. Nó có khả năng cứu rỗi, như đức tin vậy.

-Ông không hiểu gì về tôi cả. Tôi chẳng cần sự cứu rỗi, cũng chẳng cần đức tin.

-Thế anh cần cái gì?

Người khách cười khẩy:

-Tôi cần cái gì làm sao ông biết được.

-Chúng ta lại lẩn quẩn rồi. Anh hãy nói tiếp về cái cồn cát của anh đi.

-Không. Lúc nãy tôi nói thế là tôi điên đấy. Tôi có những lúc giống như lên đồng, giống như có một người nào khác trong tôi đang nói.

-Nhưng tôi lại thấy lúc nãy khi anh diễn tả về cồn cát thì anh mới thực là anh. Còn bây giờ thì…

Chàng trai đưa tay ngăn nhà văn lại:

-Không. Bây giờ mới chính là tôi. Tôi không bao giờ quên, không bao giờ tha thứ…

-Tha thứ ai?

-Không bao giờ tha thứ.

Nhà văn thở dài. Tách cà phê đã cạn, anh rót trà cho chàng trai rồi nói:

-Tôi hiểu anh. Và hứa sẽ không xen vào chuyện riêng của anh nữa.

Chàng trai chợt bật lên cười ha hả như điên dại:

-Ước gì đó chỉ là chuyện riêng của tôi! Ông là nhà văn mà ông chẳng hiểu gì hết.

-Chẳng lẽ chuyện của anh có liên quan đến tôi à?

-Biết đâu đấy. Nếu ông viết chuyện này thành sách thì dĩ nhiên là có liên quan tới ông.

-Nhưng đó chỉ là chuyện văn chương, nào phải chuyện có liên quan thực sự ngoài đời.

-Thôi, tạm cho là như vậy. Chàng trai đứng lên đưa mắt nhìn ra cửa sau. Ông chỉ cho tôi cái toa-lét. Rồi tôi sẽ kể cho ông nghe chuyện một vụ án ly kỳ để ông viết tiểu thuyết. Hiện nay đang thịnh hành chuyện vụ án lắm mà.

Nhà văn vừa ngáp vừa nói:

-Tôi chẳng quan tâm đến các vụ án. Toa-lét ở cuối hành lang phía bên trái.

Tuy vậy chàng trai vẫn không rời khỏi ghế và không có vẻ gì là anh ta sẽ rời khỏi ghế. Lê Ðạo bèn nhắc lại lời chỉ dẫn của mình nhưng anh ta đã nói:

-Thôi, không cần toa-lét. Này ông, ông không thích những vụ án mạng à?

-Tôi không quan tâm.

-Ông sợ chúng chứ gì?

-Tôi ghê tởm.

-Ông nghĩ gì về cái chết?

-Những điều tôi suy nghĩ về cái chết tôi không thể chia sẻ với cậu được đâu.

-Ông đừng gọi tôi như thế. Ông cho rằng làm người phải chết cho hào hùng, chết cho có ý nghĩa, chết cho xứng đáng chớ gì?

Lê Ðạo lặng thinh. Và cứ ngồi lặng thinh như thế rất lâu. Rồi anh nói mà không nhìn chàng trai, vì anh không định nói với chàng trai:

-Cái chết chính là quê hương điêu tàn nhất của mỗi con người. Ðó là điều đáng nói. Chứ không phải chết như thế nào mới là điều đáng nói.

Chàng trai nhìn Lê Ðạo trân trối rồi cầm lấy cái mũ mềm. Nhà văn chìa tay cho anh ta bắt, anh ta nói:

-Nhưng rồi ông cũng sẽ chết. Cả tôi nữa. Phải không?

Lê Ðạo buông cái bàn tay lạnh lẽo kia ra, anh không trả lời câu hỏi ấy.