Huyết Y Kỳ Thư

Chương 55: Vào tửu điềm dò la Hoạt Phật

Thiếu bảo chúa Chu Kiệt lớn tiếng hỏi:

- Các hạ muốn sao bây giờ?

Ngô Cương lạnh lùng đáp:

- Quật mộ mở quan để chứng nghiệm thi thể.

Chu Kiệt tức giận hỏi:

- Các hạ dám làm thế ư?

Ngô Cương lặng lẽ đáp:

- Chẳng có gì là dám với không dám.

Chu Kiệt gầm lên:

- Rút kiếm ra đi!

Ngô Cương vẫn lạnh lùng đáp:

- Ngươi không đáng đâu.

Chu Kiệt giơ kiếm lên nhằm Ngô Cương chém xuống nhanh như chớp…

Thiếu phụ vội quát lớn:

- Kiệt nhi! Ngươi hãy lui ra.

Tiếng quát chưa dứt tiếng rú đã vang lên! Chu Kiệt loạng choạng lùi lại mấy bước miệng ứa máu tươi.

Ngô Cương đã đến đây dĩ nhiên chàng ra tay chẳng nể nang gì.

Chàng mới vung tay một cái, nội công ghê gớm đã xô ra thì Chu Kiệt không chết mà bị trọng thương.

Tổng quản Khâu Văn Thành hai mắt đỏ sọc. Hắn quát lên một tiếng thật to.
Thanh trường kiếm trong tay hắn đã đâm xéo tới cực kỳ lợi hại.

Ngô Cương quát to:

- Nằm ra!

Chàng vung tay một cái. Luồng chưởng phong nặng như núi hất ra khiến cho Khâu Văn Thành cả người lẫn kiếm bị bắn văng ra xa hơn trượng rồi ngồi phịch xuống đất không đứng dậy được nữa.

Chu phu nhân run lên hỏi:

- Sách Huyết Nhất Kiếm! Ngươi nhất định đòi quật mộ để đánh vào thây người chết hay sao?

Ngô Cương lạnh lùng đáp:

- Đúng thế!

Chu phu nhân nói:

- Như vậy ngươi không đáng là một tay võ sĩ…

Ngô Cương ngắt lời :

- Tại sao vậy?

Chu phu nhân đáp:

- Tiên phu và ngươi dù có oán hận tày trời đi nữa thì người đã chết rồi là thù tiêu giải mới phải.

Ngô Cương hững hờ nói:

- Không tiêu giải được.

Chu Kiệt gầm lên một tiếng toan nhảy xổ lại…

Chu phu nhân vội lạng người ra nắm lấy ta gã quát lên:

- Ta không cho ngươi động thủ!

Chu Kiệt ngập ngừng:

- Má má! Hài nhi là nam tử hán…

Chu phu nhân ngắt lời:

- Đó là dũng của kẻ thất phu. Huống chi ngươi lại không địch nổi người ta.

Chu Kiệt nói:

- Nhưng hài nhi không nhịn nổi nữa rồi…

Chu phu nhân gạt đi:

- Không nhịn nổi thì cũng phải nhịn.

Chu Kiệt trợn mắt cơ hồ rách cả mí ra. Gã tức quá không sao được, hai hàng nước mắt chảy đầm đìa.

Ngô Cương cất giọng lạnh như băng:

- Tại hạ muốn động thủ quật mồ…

Chu phu nhân nghiến răng nói:

- Sách Huyết Nhất Kiếm! Ngươi động thủ đi!

Chu Kiệt cố giẫy dụa mà không sao thoát khỏi tay mẫu thân. Gã gào lên:

- Má má! Má má nhẫn tâm để phụ thân…

Ngô Cương giơ tay lên nhằm đánh xuống ngôi mộ…

Giữa lúc ấy, bất thình lình một luồng cương khí mãnh liệt vô cùng xô tới hất Ngô Cương lùi ra một bên chàng lớn tiếng hỏi:

- Ai?

- A Di Đà Phật!

Một nhà sư lem luốc từ trong rừng cây xuất hiện.

Ngô Cương hằn học kêu lên:

- Vong Ngã tiền bối!


Võng Ngã hòa thượng nhìn Ngô Cương bằng con mắt hiền hòa nói:

- Hài tử! Không nên thế!

Ngô Cương nghiến răng ken két hỏi:

- Tại sao đại sư lại ngăn trở hành động của vãn bối?

Vong Ngã hòa thượng đáp:

- Hài tử! Người chết là hận tiêu. Có lý đâu lại lôi thây người ra bao giờ?

Ngô Cương hỏi:

- Đại sư! Mối hận này tiêu tan thế nào được?

Vong Ngã hòa thượng đáp:

- Bất cứ việc gì cũng nên lùi lại một bước là hơn.

Ngô Cương trợn mắt lớn tiếng:

- Vãn bối không muốn lùi bước mà muốn giết hết Liên Vân Bảo. Cả con gà con chó cũng không để sống sót.

Vong Ngã hòa thượng xuất hiện tại Liên Vân Bảo là một việc mà Ngô Cương
không thể nào nghĩ tới. Hành vi của nhà sư này thật không biết đâu mà
lường. Hiển nhiên lão đã tính đúng từng bước nên mới chờ sẵn ở đây chứ
không phải là chuyện ngẫu nhiên mà gặp.

Ngô Cương tự hỏi:

- Tại sao nhà sư này lại ngăn trở hành động báo thù của ta, chẳng lẽ
thằng cha Chu Oai chết rồi thật! Hay đây chỉ là một trò giả dối bày ra
để khiến ta tiêu giải cừu hận.

Chàng nghĩ vậy liền hỏi:

- Đại sư có quen biết người đã chết này rồi chăng?

Vong Ngã hòa thượng đáp:

- Đúng thế!

Ngô Cương nói:

- Nếu vậy thì thật là kỳ…

Vong Ngã hòa thượng ngắt lời:

- Hài tử! Chẳng lẽ ngươi lại cho là bần tăng nói dối hay sao?

Ngô Cương thẳng thắn đáp:

- Vãn bối nghĩ thế thật!

Vong Ngã hòa thượng nói:

- Vậy thì ngươi lầm rồi.

Ngô Cương nói:

- Vãn bối muốn chứng thực…

Vong Ngã hòa thượng hỏi:

- Chứng thực cái gì?

Ngô Cương đáp:

- Chứng thực lời nói của đại sư.

Vong Ngã hòa thượng nói:

- Người chết đã nhập thổ từ bảy ngày trở lên là không nhận ra được nữa.

Ngô Cương lẳng lặng một lúc rồi sát khí lại nổi lên, chàng nói:

- Lưỡi kiếm của vãn bối mà không thấy máu thì quyết chẳng chịu rời khỏi nơi đây.

Vong Ngã hòa thượng hỏi:

- Ngươi định giết người chăng?

Ngô Cương đáp:

- Đúng thế!

Vong Ngã hòa thượng hỏi:

- Ngươi muốn giết ai bây giờ?

Ngô Cương xoay mình nhìn mẹ con Chu Kiệt từ từ giơ Phụng kiếm lên. Bầu không khí trong trường biến thành khẩn trương vô cùng!

Vong Ngã hòa thượng niệm phật hiệu rồi nói:

- Hài tử! Một người có tội không làm lụy đến thê nhi.

Ngô Cương cất giọng oán độc hỏi:

- Đại sư nói thế là lầm. Tại hạ thiết tưởng những trường sát kiếp xưa
nay ít ai là tội nhân chân chính? Vả lại người vô tội bị giết trả thù
vào đâu? Bọn họ có tội phải di lụy đến vợ con.

Vong Ngã hòa thượng nói:

- Mỗi trường hợp một khác, không thể nói chung như thế được.

Ngô Cương hỏi:

- Tại sao vậy?

Vong Ngã hòa thượng đáp:

- Ngươi phải nghĩ tới nguyên nhân từng vụ một.

Ngô Cương nói:

- Vãn bối tự có lập trường của vãn bối chứ?

Vong Ngã hòa thượng nói:

- Chu bảo chủ đã bị chết một cách bất ngờ, bần tăng khuyên ngươi nên xóa bỏ mối hận này đi.

Ngô Cương hỏi:

- Làm thế nào để chứng tỏ Chu Oai đã chết thực rồi?

Vong Ngã hòa thượng nói:

- Bần tăng bảo đảm vụ này.

Ngô Cương hỏi:

- Phải chăng đây là lòng từ bi thương người của đại sư?

Vong Ngã hòa thượng đáp:

- Hài tử! Bần tăng theo thuyết nhân quả mà thôi.

Ngô Cương run lên nói:

- Mục đích của vãn bối là báo thù thì dù có phải xuống mười tám tầng địa ngục cũng muốn tìm cho đến nơi.

Từ lúc Vong Ngã hòa thượng xuất hiện, Chu phu nhân không mở miệng. Dường
như giữa mụ và quái hòa thượng kia có mối liên quan gì khiến cho Ngô
Cương không sao giải được mối ngờ vực. Trên nguyên tắc báo thù thì chỉ
tru lục những kẻ chủ hung ngày trước chứ không giết càn giết bậy. Nếu
không thế thì mẹ con Chu Kiệt chẳng thể sống được tới lúc này. Vong Ngã
hòa thượng muốn cho Ngô Cương nghĩ tới nguyên nhân chủ yếu là ngày trước bào huynh chàng đã tàn sát rất nhiều cao thủ phái lớn cùng võ sĩ nổi
tiếng trong võ lâm, mới gây nên công phẫn rồi xảy ra cuộc tàn sát Võ lâm đệ nhất bảo.

Điều mà Ngô Cương suy tính là không để những hung thủ ngày trước lọt lưới.

Vong Ngã hòa thượng đã có ơn cứu mạng cho chàng lại cùng chàng sóng vai tử
chiến mấy phen nên chàng vẫn nể nang lão. Nếu là người khác thì chàng
chẳng nghe nào.

Vong Ngã hòa thượng lại nói:

- Hài tử! Ngươi hãy thu kiếm về để bần tăng đưa ra khỏi trang viện.

Ngô Cương hỏi:

- Sự việc kết thúc thế này ư?

Vong Ngã hòa thượng đáp:

- Người chết là hận cũng tan. Kể như xong rồi.

Ngô Cương hỏi:

- Nếu sự thực không phải thế này thì sao?

Vong Ngã hòa thượng hỏi lại:

- Ngươi không tin lời của bần tăng nữa ư?

Ngô Cương đáp:

- Chẳng phải vãn bối không tin lời đại sư mà không muốn kẻ thù lọt lưới.

Vong Ngã hòa thượng nói:

- Bần tăng trịnh trọng bảo chứng. Chu bảo chủ đã đi vào giấc ngủ ngàn thu rồi.

Ngô Cương hỏi:

- Đại sư! Xin miễn thứ cho vãn bối vô lễ hỏi một câu: vụ này có phỏng theo một thiên cố sự của Võ Đang chưởng giáo không?

Vong Ngã hòa thượng cười khanh khách đáp:

- Hài tử! Ngươi thật quá đa nghi!

Ngô Cương hỏi:

- Đại sư nhất định bảo đảm chứ?

Vong Ngã hòa thượng đáp:

- Phải rồi!

Ngô Cương lại hỏi:

- Chính mắt đại sư đã trông thấy Chu bảo chủ chết rồi hay sao?

Vong Ngã hòa thượng đáp:

- Chẳng khác gì chính mắt mình trông thấy.

Ngô Cương hỏi:

- Đại sư nói thế là nghĩa làm sao?

Vong Ngã hòa thượng đáp:

- Bần tăng tin được lời của Chu phu nhân.

Ngô Cương tra kiếm vào vỏ lạnh lụng nói:

- Đại sư! Vãn bối mong rằng đây là lần can thiệp cuối cùng của đại sư vào công cuộc báo thù của vãn bối.

Vong Ngã hòa thượng ngơ ngác đáp:

- Hài tử! Kẻ xuất gia mà phải tiêm nhiễm bụi trần là có chỗ khổ tâm
không thể dừng được, chứ chẳng có ý gì ngăn trở hành động của ngươi cả.

Ngô Cương hỏi:

- Đại sư có mối khổ tâm thế nào?

Vong Ngã hòa thượng đáp:

- Ngươi đừng vặn hỏi đại sư về điểm này?

Ngô Cương cố nhịn nói:

- Đại sư! Đã thế thì vãn bối hãy tin lời đại sư một phen. Vãn bối xin cáo từ.

Vong Ngã hòa thượng nói:

- Hài tử! Bần tăng đưa ngươi ra…

Ngô Cương gạt đi:

- Không dám phiền đại sư.

Dứt lời chàng đã vọt ra ngoài vườn rồi theo lối cũ vượt qua bảo lâu mà ra.

Ngô Cương ra khỏi Liên Vân Bảo chàng lên ngựa nhằm phía Dự Trung mà tiến.
Chàng lại dự định từ đây qua Nam Dương, vượt núi Phục Ngưu đến Nhữ Châu
rồi lên thẳng chùa Thiếu Lâm và núi Tung Sơn. Xong việc ở chùa Thiếu Lâm chàng quay về Phàn Thành yết kiến U Linh phu nhân trả lời về hôn ước
ngày xưa. Sau đó chàng sẽ qua sông Hán Thủy đến núi Long Trung tìm tới
Võ Minh để báo thù.

Dọc đường chàng vào quán trọ như là một sĩ tử du học không ai biết chàng chính là Sách Huyết Nhất Kiếm đã làm chấn động võ lâm.

Sau hơn mười ngày hành trình, Ngô Cương đi tới thành Đang Phong, vào nghỉ
tại khách sạn Vạn An. Chàng buộc ngựa, tắm rửa xong thì trời đã gần tối, liền gọi tửu bảo lấy rượu nhắm ra rót uống một mình.

Gã tiểu nhị thấy Ngô Cương thuộc dòng phong lưu công tử nên hầu hạ rất chu đáo.

Ngô Cương uống một mình buồn tẻ liền bảo tiểu nhị ngồi chơi nói chuyện cho đỡ hiu quạnh.

Tiểu nhị ít hiểu chuyện giang hồ và gã thấy chàng có vẻ thư sinh nên kể toàn chuyện cổ tích về đạo đức. Những chuyện này đối với Ngô Cương thật là
đầu Ngô mình Sở, chàng ngồi nghe chỉ mỉm cười.

Rượu đã ngà ngà, Ngô Cương chợt nhớ ra điều gì liền hỏi:

- Tiểu nhị ca! Ngươi đã tới chùa Thiếu Lâm bao giờ chưa?

Gã tiểu nhị hớn hở đáp:

- Dĩ nhiên tiểu nhân tới rồi. Tiểu nhân không phải nói khoác: Trong chùa Thiếu Lâm có bao Phật tổ, Bồ tát, bao nhiêu cổ thụ, tiểu nhân nhắm mắt
cũng tính được.

Ngô Cương nức nở khen:

- Ái chà! Vậy ra tiểu nhị ca thông thạo lắm nhỉ?

Tiểu nhị đáp:

- Công tử quá khen rồi! Tình thực mà nói tiểu nhân sinh trưởng ở miền
sơn cước nên chùa Thiếu Lâm là nơi thường tới thưởng ngoạn.

Ngô Cương lại hỏi:

- Tại hạ muốn kiếm một người, chẳng hiểu tiểu nhị ca có biết không?

Tiểu nhị đáp:

- Trong chùa Thiếu Lâm trên từ chưởng môn phương trượng, dưới tới đầu
bếp, tiểu nhị quen hết, công tử nói ra là tiểu nhị biết ngay…

Ngô Cương nói:

- Tại hạ muốn hỏi một vị hòa thượng pháp hiệu là Đại Bi.

Tiểu nhị ngơ ngác vò đầu gãi tai, hồi lâu không nói ra được.

Ngô Cương lại hỏi:

- Sao? Chắc tiểu nhị ca còn vị hòa thượng này chưa quen biết.

Tiểu nhị giơ tay lên nói:

- Khoan đã! Công tử hãy để tiểu nhân nghĩ một chút. Chà! Đại Bi… Đại Bi… à có rồi.

Ngô Cương phấn khởi tinh thần hỏi:

- Sao?

Tiểu nhị ngập ngừng:

- Sao công tử lại kiếm vị Phong Phật đó.

Ngô Cương hỏi:

- Phong Phật là nghĩa là làm sao?

Tiểu nhị đáp:

- Y là một vị Phong hòa thượng.

Ngô Cương hỏi:

- Hiện giờ Đại Bi có ở chùa không?

Tiểu nhị đáp:

- Chắc y cũng chưa đi đâu xa. Năm ngoái tiểu nhân vào chùa có nghe người ta nhắc đến lão.

Ngô Cương hỏi:

- Vị hòa thượng này có địa vị gì ở trong chùa?

Tiểu nhị đáp:

- Địa vị… lão khá lớn. Chưởng môn phương trượng hiện nay Phật Ấn thiền sư kêu lão bằng sư thúc.

Ngô Cương hỏi:

- Lão hòa thượng đó là sư thúc của chưởng môn hay sao?

Tiểu nhị đáp:

- Đúng rồi! Mấy chú tiểu thường kêu lão bằng Phật sống.

Ngô Cương nói:

- Ồ! Tiểu nhị ca! Sáng mai vào lúc gà gáy tại hạ đi ra ngoài kiếm bạn,
nhờ tiểu nhị ca tắm rửa cho ngựa và chốn ăn cỏ non một chút.

Tiểu nhị hỏi:

- Được rồi! Công tử lấy thêm rượu nữa không?

Ngô Cương đáp:

- Đủ rồi! Ngươi hãy thu dọn đi.

Tiểu nhị dọn mâm bàn rồi lấy một bình trà đem vào. Đoạn gã chúc câu vạn phúc rồi trở ra khép cửa phòng lại.

Ngô Cương đã phải một vố, nay chàng không dám lơ đãng nữa. Chàng gài then
cửa sổ, cầm thanh Phụng kiếm gối xuống đầu giường rồi mới tắt đèn cởi áo lên giường nằm.

Chàng ngủ một đêm bình yên. Gà gáy ba dạo, chàng trở dậy tắm rửa. Tiểu nhị nghe tiếng chàng động lịch kịch liền đưa đồ

ăn sáng vào.

Ngô Cương lật đật ăn xong, tiểu nhị vừa dọn đồ vừa hỏi:

- Đêm qua công tử ngủ yên chăng?

Ngô Cương đáp:

- Ồ! Ngủ yên lắm!

Tiểu nhị nói:

- Tiểu nhân đã sắp ngựa để ở ngoài rồi.

Ngô Cương nói:

- Tiểu nhị ca được việc chưa.

Chàng nói xong lấy ra ít bạc vụn để trên bàn hỏi:

- Bấy nhiêu đã đủ chưa?

Tiểu nhị nghiêng mình đáp:

- Kể cả tiền giữ ngựa nữa cộng là bảy đồng bốn phân bạc.

Ngô Cương nói:

- Còn thừa thì thưởng cho tiểu nhị ca.

Tiểu nhị nói:

- Đa tạ công tử! Công tử kiếm bạn xong nếu còn ở đây xin lại chiếu cố cho tiểu điếm.

Ngô Cương đáp:

- Được rồi!

Ngô Cương ra khỏi điếm lên ngựa thì trời vừa tờ mờ sáng. Chàng gia roi cho
ngựa chảy thẳng đến núi Tung Sơn. Lòng chàng mừng thầm được tiểu nhị nói cho hay về Đại Bi. Như vậy đỡ cho chàng khỏi mất công thám thính. Rồi
chàng tự hỏi:

- Lúc lâm tử, Tôn thúc thúc (tức Thiết Tý Viên Tôn Cảnh) đã nói ra mấy tiếng: "Thiếu Lâm… Đại Bi…" là nghĩa là làm sao?
Chẳng lẽ lão bị truy sát cùng với Phụng kiếm chủ nhân có chỗ liên quan?

Chàng nghĩ không ra được vụ bí mật này.

Ngô Cương đi tới chân núi liền gửi ngựa vào trong một nhà nông dân rồi đi bộ lên núi.

Vừa đến cửa sơn môn, một nhà sư to béo tay cầm nguyệt nha sản chạy ra hỏi:

- Phải chăng thí chủ đến dâng hương?

Ngô Cương xoay chuyển ý nghĩ rồi đáp liền:

- Tại hạ kiếm người.

Nhà sư hỏi:

- Thí chủ muốn kiếm ai?

Ngô Cương đáp:

- Tại hạ muốn kiếm Đại Bi Hoạt Phật.

Nhà sư giữ cửa ra vẻ sinh nghi ngó Ngô Cương mấy lần rồi hỏi:

- Thí chủ muốn gặp Hoạt Phật ở tệ tự ư?

Ngô Cương đáp:

- Đúng thế!

Nhà sư hỏi:

- Xin lỗi thí chủ! Hoạt Phật không tiếp người ngoài bao giờ…

Ngô Cương ngắt lời:

- Nhưng bữa nay ra ngoài lệ đó.

Nhà sư hỏi:

- Thí chủ nói vậy là nghĩa làm sao?

Ngô Cương đáp:

- Tại hạ nhất định muốn gặp Hoạt Phật.

Nhà sư nói:

- Thí chủ không nhận lầm địa phương chứ?

Ngô Cương hỏi lại:

- Nơi đây có phải chùa Thiếu Lâm không?

Nhà sư đáp:

- Đúng rồi!

Ngô Cương nói:

- Thế thì tại hạ không nhận lầm đâu.

Nhà sư sa sầm nét mặt nói:

- Mời thí chủ xuống núi đi. Đừng nhiều lời vô ích.

Ngô Cương cười lạt hỏi:

- Đại hòa thường! Thời giờ của tại hạ rất quí báu, hòa thượng vào bẩm giùm hay tại hạ tự mình đi thẳng vào chùa?

- Thí chủ ỷ sức mạnh chăng?

Ngô Cương hững hờ đáp:

- Hòa thượng muốn nói sao cũng được.

Nhà sư mập tức mình đạp cây nguyệt nha sản xuống đất xẵng giọng:

- Này thí chủ! Chùa Thiếu Lâm đây không phải là nơi thí chủ phóng túng được đâu.

Ngô Cương lạnh lùng nói:

- Tại hạ nhất định phóng túng.

Nhà sư nói:

- Nếu vậy tiểu tăng đành đắc tội.

Ngô Cương nói:

- Đại hòa thượng không đáng đâu.

Chàng vừa dứt lời bóng người đã biến mất.