HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

Chương 9

Từ buổi nghe lão bộc nói rõ lai lịch việc đi cầu hòa của Đỗ Khắc Chung. Trải đến việc Khắc Chung được ban quốc tính. Bỗng nhiên trở thành người đồng tông với mình, trong lòng Huyền Trân dấy lên sự kiêu hãnh. Lạ thay, công chúa thấy có cái gì đáng muôn ngàn lần cảm phục ở con người này. Nàng chỉ muốn gần gũi, muốn trò chuyện, muốn khám phá xem trong đầu óc con người ấy có gì khác với người thường. Như lão Dương nói, thì rõ ràng là ông ta không bon chen danh vọng, không tham lam của cải, không úy tử tham sinh. Đích thị là một anh hùng chân chính. Nếu như quan đại an phủ sứ không có được đầy đủ những đức tính đó, thì ít ra cũng là sự đắp điếm thêm vào của công chúa, để con người hùng nàng vẽ ra mà phục, mà cảm cho riêng nàng đó được toàn bích.

Đã bao lần nàng toan mượn cớ thăm đông cung thái tử, họa may có cơ hội được diện yết quan đại an phủ sứ. Đông cung thái tử với Huyền Trân là chỗ cô cháu ruột, nàng có ghé thì cũng là chuyện trong nhà, chẳng có điều chi đáng ngại. Tuy vậy, nàng cũng vẫn chưa dám đường đột xông pha. Một phần e bà kế mẫu Tuyên từ là người hết đỗi nghiêm khắc, đến quan gia cũng không dám cưỡng lời bà. Nhưng người mà công chúa cho là khó vượt qua được lại chính là nhũ mẫu. Nhũ mẫu nuôi nấng, săn sóc nàng từ khi mới lọt lòng. Về vị thế trong cung cấm, bà chỉ là một kẻ hầu hạ. Song về tình thương, bà ngầm xem công chúa như con ruột bà. Ấy là bà mạo muội nghĩ vậy. Kể cũng đúng thôi. Trong cuộc đời bà, ngoài công chúa ra, bà còn có ai để mà yêu, mà thương, mà hờn giận. Tủi cho bà là tất cả tình cảm chân thực của bà dành cho công chúa, lại chỉ được bày tỏ một cách thầm lén. Còn về phía công chúa, nàng coi sự săn sóc, tình yêu và cả lòng tôn kính của nhũ mẫu đối với nàng là bổn phận. Công chúa phải nể trọng nhũ mẫu là bởi có lời thác của bà Khâm từ thái hậu, mẹ đẻ của nàng, trước giờ lâm chung. Và cả lời ủy của thượng hoàng trước khi nhà vua xuất gia. Cũng bởi sự tin cậy đó, nhũ mẫu càng thấy mình có trách nhiệm lớn lao, đôi khi bà mơ hồ cảm thấy, dường như bà có cả chút uy quyền nào đó đối với nàng. Song chưa bao giờ bà dám vượt quá khuôn khổ cho phép của một nhũ mẫu.

Ít bữa nay nhũ mẫu thấy cô chủ của mình có gì hơi khang khác. Biếng ăn, biếng học, biếng cả đọc sách nữa. Khác hẳn với trước, không lúc nào nàng có thể dời được quyển sách ra. Đến nỗi bà phải lo sợ về sự ham mải đọc sách và học hành của công chúa. Đêm khuya, giật mình tỉnh giấc, các chuyện yêu quái nghe từ đời nảo đời nào, bỗng dưng hiện về, sợ đến lạnh buốt cả sống lưng. Lẩn thẩn, có lúc bà sợ cô chủ lại biến thành một cuốn sách, nằm lăn lóc, lẫn lộn với hàng trăm ngàn cuốn khác. Và tới một lúc nào đó, cô lại từ cuốn sách chui ra như kiểu các cô tiên trong chuyện cổ. Nhũ mẫu lấy làm lo lắng hỏi công chúa. Nàng nói là không có bệnh tật gì. Không yên tâm, nhũ mẫu thốc tháo chạy sang gặp trung quan (danh xưng của quan hoạn thời Lý-Trần) Nguyễn Hoán bên nội cung. Nhũ mẫu còn đứng ngoài rèm chưa kịp lên tiếng, đã nghe thấy giọng nói the thé:

- Ai đấy! Ai hỏi gì đấy?

Nghe cái giọng nói rất khó chịu ấy, bà cũng đã biết là ai rồi?

Một người gầy đét, có khuôn mặt choắt như mặt khỉ. Mũi quặp, sống mũi gẫy, lông mày thưa gần như trụi. Nước da xanh mét như chàm, ló ra nhìn nhìn ngó ngó. Biết trung quan vốn là người khó tính, hách dịch, lại hay đòi quà cáp. Nhưng là đối với các hàng phi, tần người ta cần cầu cạnh, chứ nhũ mẫu có cầu chi, nên bà bình tĩnh chắp tay vái:

- Bẩm trung quan!.

Nguyễn Hoán gật gật cái đầu nhỏ thó, cả chiếc mũ bình thiên khá rộng cũng gật gật xoay xoay, nom như một con rối. Trung quan tóp tép nhai trầu, vừa nhai vừa nói, nước trầu phun cả vào mặt nhũ mẫu:

- Vậy chớ ngươi có việc gì sang bẩm đấy?

- Trình quan, mấy bữa nay công chúa biếng ăn, biếng ngủ, chẳng biết bệnh tật thế nào, xin ngài bẩm giúp vào đức Tuyên từ.

- Hí, hí… Lão quan hoạn đổi giọng cười. Đột nhiên lão ngừng. Nói như gắt – Có việc gì lớn mà phải bẩm lên đức Tuyên từ. Để đó, ta báo sang viện thái y. Về đi!.

Lão nói như người đuổi. Không thêm một lời nào, nhũ mẫu quay ngoắt về cung. Bà không có cảm giác gì buồn, vui hoặc mất mát. Nhưng sao bà lại thấy trong lòng có gì như hụt hẫng.

Nhũ mẫu về cung hồi lâu thì có quan thái y đến. Công chúa nói chuyện vui vẻ với quan thái y, khiến ngài cũng phải thừa nhận rằng nàng không có bệnh tật gì. Trước khi quan thái y về viện, công chúa ngỏ lời:

- Phiền quan thái y cho ta xin vài ba đồng cân “A ngùy”. Để ta gọi tì nữ theo ông về bên đó lấy.

Quan thái y trợn tròn mắt kinh ngạc:

- Thưa công nương, chẳng hay công nương dùng vị thuốc đó làm chi?. Rồi ông mỉm cười.

Công chúa đỏ mặt, trả lời bằng một câu hỏi:

- Vậy chớ ông có biết ta dùng nó vào việc gì không?. Rồi nàng quay ra truyền Bích Huệ lên hầu.

Bích Huệ từ bữa được công chúa gia ân, lại cho tiền bạc về quê thăm nhà, tỏ ra một người mẫn cán, tận tụy hết mức. Bích Huệ thường nói với bạn bè:

- Không những công chúa cứu sống tôi mà còn cứu sống cả gia đình tôi. Ơn cứu tử đó, ngoài tấm thân tôi ra, còn biết lấy gì đền đáp.

Bích Huệ được quan thái y trao vị thuốc cho và dặn:

- Người về thưa lại với công chúa, dùng vị thuốc này phải cẩn trọng lắm, nghe chưa?.

Bích Huệ nói lại điều quan thái y dặn. Huyền Trân chỉ tủm tỉm cười:

- Ta đoán chắc là quan thái y không biết ta dùng vào việc gì, nên chỉ đoán già đoán non đó thôi. Rồi Bích Huệ và Thúy Quỳnh đem sao, tán nhỏ để dùng có việc.

Từ lúc quan thái y sang chẩn bệnh, tự nhiên công chúa nảy ra một ý nghĩ tinh nghịch. Tâm trí nàng bị hút vào một trò chơi, nên nàng hết cả buồn, hết cả ốm. Không khí trong cung lại đầm ấm trở lại. Nhũ mẫu thấy nàng tươi tỉnh, hoạt bát cũng hết lo hết buồn. Nỗi vui buồn của bà cũng hồn nhiên như công chúa, song nó phụ thuộc vào công chúa.

Bích Huệ, Thúy Quỳnh hì hụi sao sao tán tán. Bột thuốc với mùi thơm hắc của nó làm cả hai cô ho sặc sụa. Công chúa tưởng có chuyện gì do vị thuốc gây nên, bèn chạy lại. Nàng kéo ghế nhích lại gần hai tì nữ thân cận mà nàng tin yêu nhất. Mỗi đứa một tính một nết. Thúy Quỳnh thùy mị, ít nói, siêng học. Bích Huệ hoạt bát, linh lợi, gặp việc xử trí rất nhanh. Huệ có tật lười học, nhưng lại là một đứa tì nữ thông minh nhất trong đám nữ tì của công chúa.

Ngồi cạnh mấy nàng hầu, công chúa cảm thấy giữa mình với họ có gì thân thiết ràng buộc. Thực tình công chúa là người có lòng bao dung, độ lượng, không chấp nhặt, nên các nàng hầu cũng dễ ăn ở. Đột nhiên nàng hỏi Bích Huệ:

- Ngươi về nhà thế nào mà không thấy nói lại với ta điều gì nhỉ?.

- Bẩm công nương, từ hôm con lên kinh, thấy công nương có vẻ ủ ê tư lự, nên con chưa dám trình lại với công nương.

- Ngươi kể đi. Làng quê ngươi có đẹp không? So với quê ta ở Thiên Trường thế nào? Cha mẹ ngươi có mạnh khỏe không? Các em thế nào? Số tiền ta cho có chi tiêu được việc gì không? Ở quê ngươi có bị bọn xã quan nhũng nhiễu lắm không? Công chúa liên tiếp đặt ra những câu hỏi.

Bích Huệ đang sắp xếp ở trong đầu để trả lời, nhưng sao khó quá. Công chúa lại hỏi quê mình có đẹp không?Ôi, cuộc sống của ta từ đời này qua đời khác đã gắn bó với mảnh đất quê hương. Biết bao vui buồn, khổ đau, hoạn nạn cũng xảy ra trên mảnh đất quê hương. Nhưng lại so với quê hương của công nương ở nơi phủ Thiên Trường, thì sao mà so được? Dù ở nơi phủ Thiên Trường thì cũng có phải là quê mình đâu. Dẫu có đẹp cũng là cái đẹp của người, quê người. Thấy Bích Huệ băn khoăn, công chúa lại hỏi:

- Sao, ngươi không cho ta nghe được điều gì sau chuyến thăm quê ư?

- Thưa công nương, vì có nhiều điều muốn tâu với công nương quá, nó cứ bề bộn lên ở trong đầu, con phải sắp xếp lại đã. Bẩm công nương, trước hết là cha mẹ con và các em con, nếu không nhờ có số tiền của công nương ban cho, chắc là hôm nay đã chết cả.

- Sao vậy? – Công chúa ngạc nhiên hỏi.

- Dạ, bẩm công nương, chả là ở quê con mất mùa. Đói to. Làng con không mấy nhà không có người chết đói. Có nhà chết hết không còn một người nào. Khu bãi tha ma ở cánh đồng làng con, mả mới cỏ chưa kịp mọc, xếp liền nhau như bát úp. Cha mẹ con cùng mấy đứa em con đã nhịn đói trong, mất hai ngày. Cả nhà đang lả dần. May thay, đi đường con lại mua được gói xôi, hai chị em mệt quá chẳng ăn được miếng nào. Mẹ con chỉ còn thoi thóp thở, gắng gượng bảo em con đem xôi nấu cháo. Nấu xong, con đổ cho mỗi người một bát, hồi lâu mới tỉnh.

Con Tẹo, em con, bữa nó gặp công nương mới ở phủ Thiên Trường về ngoài bến Đông bộ đầu ấy, là nó liều lĩnh trốn nhà đi tìm con. Chứ ở nhà có ai biết nó đi đâu. Mẹ con thường răn dạy nó: “Không được lên kinh quấy quả công nương”. Lệ vua cũng đã cấm:”Con nhà dân không được bén mảng đến chốn kinh kỳ”. Con hỏi nó:”Sao em liều vậy?”. Nó bảo:”Đằng nào mà chẳng thế. Nếu bố mẹ cùng chúng em chết hết, chị cũng chẳng sống được. Mấy lại em nhớ chị lắm. Dẫu trước lúc chết, em được nhìn thấy chị, còn hơn ở nhà chết đói nhăn răng mà chị em vẫn muôn trùng cách biệt”.

Công chúa thở dài não nuột:

- Ôi cái đạo cốt nhục sâu dầy vậy thay! Chị em ngươi con nhà bần bách mà trọng nghĩa lắm thay! Đáng quí. Đáng quí! Công chúa không nén nổi xúc động, bèn quay mặt đi.

Bích Huệ lại dẽ dàng nói:

- Bẩm công nương, hai nén vàng công nương cho. Con để một nén lại cho cha mẹ độ thân. Còn một nén con cúng vào chùa, để nhà chùa mua gạo về bố thí cho dân làng. Sư cụ, người cũng tận tâm lắm. Con thưa thật tình với sư cụ về tấm lòng độ lượng của công nương. Con vừa được tha tội chết, lại được ban phát vàng bạc cho trở lại thăm quê. Sư cụ tỏ lòng ngưỡng mộ công nương. Người đã mở cửa chùa bố thí ba ngày liền. Lại lập một tiểu đàn tràng để làm lễ cầu mát cho công nương.

- Đa tạ - Công chúa nói với giọng cảm kích chân thành.

Ngừng tay giã. Thúy Quỳnh nhón một chút xíu bột A ngùy lên hai đầu ngón tay, rồi bóp ra xem. Bột nhuyễn mịn. Nàng đem đến trước công chúa:

- Bẩm công nương, con giã như thế này được chưa ạ? Công chúa gật, và dặn:

- Hai người bỏ bột này vào một chiếc lọ, miệng nhỏ, rót thêm một chén tống rượu, nút thật khít lại, lắc một lúc cho rượu ngấm đều vào thuốc rồi cất đi, khi nào dùng đến, ta sai lấy.

Hai tì nữ răm rắp làm theo, lòng tự hỏi: Không biết công chúa dùng thứ thuốc này làm gì?

Đoạn công chúa truyền Bích Huệ vào hầu. Nàng bảo Bích Huệ:

- Em vào xẻ lấy một ít thứ thuốc vừa rồi, tẩm trong một miếng vải, đi vào viện thái y, bôi thật kỹ lên tấm cửa thứ ba bên hữu. Nhớ phải xoa thật lâu vào một chỗ, rồi đem miếng vải về cho ta.

Bích Huệ ngẫm nghĩ: Không biết công chúa chơi trò nghịch ngợm gì đây. Từ trước, người có thế đâu.

Trong lòng Bích Huệ không khỏi lo lắng.

Huyền Trân lại hỏi:

- Em có dám làm điều ta sai bảo không?

- Dạ, con làm được. Nhưng thưa công nương làm thế để làm gì ạ?

- Hãy làm điều ta muốn. Không nên biết việc em làm.

- Dạ, thưa công nương, nếu như con đang làm mà quan thái y bắt được thì sao ạ?.

- Chính là điều ta cần hỏi em. Vì em đi làm việc đó chứ không phải ta.

Ngẫm nghĩ một lát, Bích Huệ đáp:

- Bẩm công nương, con sẽ nói:”Trình quan thái y, con trông thấy vết bẩn trên cánh cửa, con lau đấy ạ”.

- Giỏi. Em biện bác khá hay. Nhưng nếu quan thái y hỏi em tới đó có việc gì thì em nói sao?

Bích Huệ đáp luôn:

- Con sẽ nói:”Bẩm quan thái y, công nương sai con cảm tạ quan thái y đã cho vị thuốc”.

Trần Huyền Trân cười sung sướng:

- Em quả là sáng dạ hơn người. Ta chắc, em sẽ còn giúp ta được nhiều việc. Ngừng một lát, như để đắn đo cân nhắc thêm, công chúa lại nói:

- Em vào thư phòng của ta, có phong thư viết sẵn để trên án. Em đem sang bên Đông cung cho thái tử. Ta không giấu em. Đây là thư ta nói thái tử hẹn với quan giáo thụ, để ta sang nghe ngài giảng kinh sách. Em nhớ, sang Đông cung xong, lúc về mới ghé viện thái y.

- Dạ. Con xin làm tròn phận sự công nương giao phó.