HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

Chương 6

Vua Nhân tôn đọc đi đọc lại tới cả chục lần bức điệp của vua Chiêm. Người rất hài lòng về lời lẽ ôn nhu của Chế Mân, một vị vua trẻ tuổi mà trong bang giao lại tỏ ra chín chắn, cao nhã đến vô cùng. Nhà vua suy nghĩ mãi về lời mời của Chế Mân:

…Tôi nghe nói đức vua đã xuất gia. Vậy tôi phái vị hòa thượng trưởng lão Phật giáo của nước tôi sang kính thỉnh nhà vua qua thăm vương quốc bé nhỏ của chúng tôi. Tôi cũng mong có dịp hầu tiếp đức vua về chuyện miền đất mà các tiên đế của chúng tôi đã cắt về cho Đại Việt. Nhưng trải mấy đời nay lại xảy ra sự tranh chấp quyết liệt giữa hai nước chúng ta, khiến cho mối hòa hiếu bị tổn thương…

… Hòa thượng của chúng tôi sẽ tâu bầy với nhà vua về phong thổ, thời tiết, sản vật và nền văn hiến của Chiêm quốc. Nước Chiêm Thành tuy bé nhỏ, nhưng dân nước chúng tôi cũng biết giữ lễ, hiếu hòa và hiếu khách. Nếu đức vua quá bộ ghé thăm vương quốc của chúng tôi, chắc hẳn con người, cảnh vật và nắng ấm của đất phương nam sẽ làm nhà vua hài lòng…

… Thư nói chẳng hết lời. Tận đáy lòng tôi kính dâng lên đức vua lời chào ngưỡng mộ, và lòng khâm phục của triều đình chúng tôi đối với chiến thắng mà nước Đại Việt hùng cường thu được, trong sự nghiệp bảo tồn nền độc lập của quí quốc…

Với ánh mắt tươi rói, vua Nhân tôn trao bức thư cho Trần Anh tôn và nói:

- Quan gia đọc đi, rồi cho ta biết đối sách của quan gia với lân quốc phương nam này?.

Đoạn nhà vua quay hỏi tá thánh thái sư Trần Nhật Duật:

- Thưa thái sư, trên mặt bắc có động tĩnh gì không ạ?

Trần Nhật Duật xòe bàn tay ra vuốt ngược mái tóc lại phía sau để lộ vầng trán cao và khuôn mặt quắc thước, rồi tươi cười, nói:

- Tâu thượng hoàng, mặt bắc tĩnh lắm. Thượng hoàng cứ an tâm. Dù người có đi thăm Chiêm quốc tới cả năm cũng chưa có gì đáng quan ngại.

- Còn mặt nam thế nào, điện súy?. Vua Nhân tôn lại quay ra phía Phạm Ngũ Lão hỏi.

Dáng người to khỏe, nhưng cử chỉ nhanh nhẹn, thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão đứng phắt dậy vái Nhân tôn hai vái rồi nói:

- Trình thượng hoàng, mặt nam tĩnh. Người Chiêm từ sau khi Toa-đô đại bại, họ không đóng quân trên miền đất hai Châu nữa.(Năm 1069 vua Lý Thánh tông thân chinh đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm Rudravarman Đệ tam (Chế Củ). Để đổi lấy tự do, Chế Củ phải dâng ba châu: Đại Lý, Ma Linh và Bố Chánh (thuộc Quảng Bình, Quảng Trị). Đó là vùng đất cùng với Châu Ô, Châu Lý sau này trở thành miền đất tranh chấp kịch liệt giữa hai quốc gia Chiêm - Việt.)

Thuyền bè của dân chài lưới, thuyền buôn của hai nước trên vùng biển giao lưu không xảy ra nạn hải tặc như trước.

Để đáp lại thiện chí của họ, thần chỉ để một vài đồn canh ngoài biên ải. Quân triều đình cho rút cả về Châu Ái, Châu Hoan.

Nhân tôn tỏ vẻ hài lòng. Nhà vua gật đầu khen:

- Khanh quả là sáng suốt. Quan gia sai khanh trấn biên thùy mặt nam rất hợp ý ta.

Vua Anh tôn đọc xong bức thư rồi đưa cho mọi người truyền tay nhau đọc. Trần Khắc Chung, Đoàn Nhữ Hài là hai người đọc cuối cùng.

Vua Nhân tôn chậm rãi cất lời hỏi:

- Theo ý các khanh, vua Chiêm mời ta sang Chiêm quốc có chủ đích gì? Ta có nên đi không, hay chỉ nên cử một đoàn sứ giả sang đáp lễ?.

Điện súy thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão là người am tường về biên ải phía nam, liền nói:

- Tâu thượng hoàng, cứ xem ý tứ trong thư, đủ thấy chúa Chiêm là người khôn ngoan. Ông ta thấy được cái nhẽ mạnh yếu ở đời. Đây là một người xuất, xử, tiến, thoái đều có kế sách, chứ không phải người hồ đồ. Lời lẽ trong thư tuy nhún nhường, nhưng vẫn giữ được thể diện quốc gia. Chiêm quốc hiện nay không phải là nước mạnh. Cũng chưa hẳn là một nước yếu. Theo ý thần, thượng hoàng nên đi một chuyến. Chắc chắn là vị vua Chiêm này sẽ làm thượng hoàng đẹp ý.

- Ý chú Chiêu Văn thế nào?. Vua Nhân tôn bỗng chốc quên mình đang điều hành công việc triều chính, hay nhà vua muốn tỏ ý thân mật và kính trọng đối với vị chú ruột đứng đầu tướng văn, tướng võ trải ba triều.

Thượng tướng, thái sư Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật mỉm cười đáp lại:

- Tâu thượng hoàng, ta đã xử với Chiêm Thành như một nước có nền văn hiến cao. Nhẽ ra, sau khi đã ba lần đánh bại quân Nguyên, ta chỉ cần cử một đạo binh nhỏ tới thu hồi miền đất hai châu, mà quốc vương Chiêm là Chế Củ đã dâng cho Đại Việt từ thời Lý Thánh tông. Nhưng chúng ta đã không làm thế. Chúng ta cũng không có một thông điệp nào nhắc vua Chiêm về chuyện đất đai hai bên tranh chấp. Quan điện súy còn tỏ lòng cao thượng lui hết quân triều đình về tận Hoan, Ái. Thần cho rằng vua Chiêm vì cảm mến cái đức nhân nghĩa của thượng hoàng và quan gia, nên thực tâm muốn hòa hiếu. Thượng hoàng đi chuyến này ắt thành công. Ngừng một lát, như tỏ ra cân nhắc kỹ lưỡng lắm, quan thái sư lại nói tiếp:

- Tâu thượng hoàng, còn một điều thần đang băn khoăn, không hiểu trong chuyện thông hiếu giữa hai nước này, người Nguyên có xen vào mưu đồ gì không? Thần trộm nghĩ, dù họ có mưu ma kế quỉ gì cũng không lừa nổi chúng ta.

Vua Anh tôn vốn sẵn lòng ưu ái với viên quan trẻ nhất triều, mà nhà vua cho rằng mưu lược không kém gì các vị lão thần. Quay về phía Đoàn Nhữ Hài, nhà vua hỏi:

- Chẳng hay ý quan ngự sử trung tán thế nào?

Thoáng đỏ mặt như một cậu học trò hay xấu hổ, Đoàn Nhữ Hài đứng lên chắp hai tay vái hai vua, rồi nói, giọng xúc động:

- Tâu thượng hoàng, tâu quan gia. Theo thiển ý của thần, vua Chiêm mời thượng hoàng sang là để thương lượng trả ta miền đất hai châu. Sở dĩ Chế Mân chưa làm ngay được, là vì triều đình của ông ta còn nhiều người có thế lực chống lại. Đây mới là chỗ mà vừa rồi quan thái sư ngờ có bàn tay của người Nguyên xen vào. Nếu thượng hoàng đi chuyến này, sẽ giúp cho Chiêm quốc có thời cơ giao hảo lâu dài với ta. Dù bản chất của người Chiêm có tráo trở đi nữa, họ vẫn chưa đủ mạnh để làm điều họ muốn. Cho nên thượng hoàng cứ sang Chiêm là thượng sách.

Đến lượt quan đại an phủ sứ của kinh sư Trần Khắc Chung lên tiếng. Ông có giọng nói trầm, ấm. Lại là người khéo nói, nên ai đã nghe ông nói chuyện một lần là mến mộ ngay. Với hàng ngũ quan lại trong triều hiện nay, ông được nhiều người kính nể. Người ta nể không phải vì ông có tài lạ, chức cao. Mà nể bởi sự hiện hữu của nhân cách ông. Ví như trong lúc nhiều các quan đua nhau xây dinh, lập phủ, thì ông hầu như là một ông quan nghèo, thanh liêm. Ông không có nhà riêng. Ông làm việc và ở ngay tại công đường. Đôi khi sang giảng kinh sách bên Đông cung, ông ăn, ngủ luôn tại đó với thái tử. Bởi ngoài chức đại an phủ sứ, cai quản cả kinh thành Thăng Long, ông còn kiêm chức Trừ cung giáo thụ nữa.

(-Đông cung:Chỗ ở của một người con vua được lập làm thái tử, sau sẽ lên ngôi vua. Theo truyền thuyết Trung Hoa, ngoài biển Đông có núi Đông minh, trên núi có cung điện xây bằng đá xanh, có biển đề sáu chữ Thiên địa trưởng nam chi cung (Cung điện con trưởng của trời đất). Vì thế mới gọi thái tử là Đông cung.

-Trừ cung giáo thụ: chức của quan dạy thái tử học)

Ông là người sống hào phóng, giao du rộng. Nhưng điều làm mọi người trọng ông hơn cả là việc ông đi cầu hòa với người Nguyên. Ông nói:

- Muôn tâu thượng hoàng! Muôn tâu quan gia! Theo thiển ý của thần, qua hai lần đánh quân nguyên xâm lấn gần đây, sức quân mỏi mệt, sức dân kiệt quệ. Người dân lúc này không mong gì hơn là một cuộc sống thái bình. Cho nên, bằng mọi giá, triều đình phải lập được một nền hòa bình bền vững. Dẫu rằng trong tay ta có dư binh lực, có thể tiến sâu về phương nam, mà vẫn không lo mặt bắc, thì cũng không nên động binh. Nếu Đại Việt ta muốn thu hồi miền đất hai châu, đâu có phải là chuyện khó không thể làm được. Nhưng động binh lúc này sẽ làm cho nhân tâm ly tán. Tránh sao được sự dòm ngó của ngườii Nguyên. Động binh là hạ sách.

Có người hỏi:

- Quan đại an phủ sứ nói không động binh mà vẫn thu hồi được miền đất hai châu, vậy ngài có sẵn sàng làm một kẻ thuyết khách, đem ba tấc lưỡi của Trương Nghi, Tô Tần đi du thuyết người Chiêm chăng?(Trương Nghi,Tô Tần: Hai nhà thuyết khách nổi tiếng thời Chiến quốc ở Trung Hoa cổ đại.)

Nhìn xem đó là bạn đồng liệt nào rồi Khắc Chung mới đáp:

- Té quan tả thị lang ngờ tôi là một kẻ ngoa ngôn chăng? Tôi đã vào hang ổ giặc, trong lúc thế giặc đang cường. Tôi đâu có sợ đem ba tấc lưỡi sang Chiêm. Nếu triều đình có mệnh, dù có phải đạp chông gai đi vào nước, lửa, tôi sẵn sàng sả thân chịu mệnh, chứ không phải chỉ là một tên hủ nho nhút nhát. Nhưng tôi chắc thượng hoàng và quan gia đã có kế sách rồi.

Thấy cuộc đàm luận có chiều hơi căng, vua Anh tôn bèn vẫy tay cho tả hữu ngồi xuống rồi nói:

- Những điều các khanh bầy tỏ đều hợp ý quả nhân. Nên nhớ một điều, thượng hoàng dạy ta khi người xuất gia, bây giờ ta nhắc lại để các khanh cùng biết. Người nói: Giang san gấm vóc đã thấm không biết bao nhiêu máu, xương của tổ tiên mới có được. Nay trăm họ giao cho ta gìn giữ, một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ngẩng nhìn các quan đại thần khắp một lượt, nhà vua lại nói:

- Các khanh ăn lộc triều đình, gắng hoàn thành trách vụ cho tốt. Còn việc có vào Chiêm hay không, đó là quyền quyết định tối hậu của thượng hoàng.

Tan chầu, Anh tôn mời vua cha vào hậu điện. Anh tôn cảm thấy ấm áp tình cha con. Nhà vua tự nghĩ: Thì ra không phải vua cha xuất gia để cầu nhàn hoặc cầu đắc đạo. Mà chính vua cha xuất là để xử. Vì trong mỗi bước đi, mỗi việc làm của triều đình, vua cha đều kín đáo theo dõi và giám sát chặt chẽ. Nhà vua nói:

- Thưa phụ hoàng, con được thái sư cho biết, ông hòa thượng ấy chính là người tâm phúc của vua Chiêm. Còn quan tả bộc xạ tuy là cậu ruột Chế Mân, nhưng lại có ý tranh chấp với cháu.  Ông ta vào Đại Việt, là thay mặt Chiêm quốc làm việc bang giao, nhưng cũng có ý dò tìm xem Chế Mân có ngầm liên kết với Đại Việt không.

- Ta biết. Vua Nhân tôn nói. Ta đã trò chuyện kín đáo với vị hòa thượng đó ở chùa Diên Hựu (Nay là chùa Một cột). Chế Mân thực tâm cầu hòa. Ông ta là một vị vua anh minh. Ta vào Chiêm chuyến này làm việc liên kết phía nam để rảnh tay đối phó với mặt bắc. Quan gia ở nhà xem xét việc triều chính, việc biên ải cho ngặt. Cả phía biển đông nữa cũng không được lơ là. Quan gia kíp sai Nhữ Hài viết thư phúc đáp cho quốc vương Chiêm Thành. Bố cáo trước cho họ biết, đích thân ta cầm đầu phái bộ Phật giáo Đại Việt tới thăm Chiêm quốc, để trao đổi kinh sách và về sự đạo giữa hai nước. Tùy cơ ứng biến, vào đó ta sẽ làm cả việc đạo lẫn việc đời. Người Chiêm hiện thời kiêu ngạo về đội thủy binh của họ. Họ hung hăng cướp bóc tàu buôn các nước qua lại trên biển. Quan gia nên cho cái ông tả bộc xạ Chiêm quốc ấy đi xem hải đoàn của Nhân Huệ vương. Cho ông ta tận mắt thấy cảnh chiến diễn ra trên Bạch Đằng giang như thế nào. Cũng cho ông ấy xem cả tượng binh, kỵ binh của ta nữa.

(Cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, Chiêm Thành có lực lượng hải quân khá mạnh. Họ thường hay tổ chức cướp biển. Tàu buôn các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…thường bị họ cướp bóc tàn tệ. Người Pháp đã gọi họ là Pirate de mer = hải tặc.)

Có thể ta sẽ đi Chiêm trước khi sứ bộ Chiêm Thành về nước. Nhưng ta đi đường bộ, để còn xem mặt nam, quân cơ phòng vệ với dân tình ra sao. Họ về bằng đường thủy. Hẳn là họ sẽ tới Chà Bàn trước ta.

Có mấy việc khi ta đi rồi, ở nhà quan gia phải lưu tâm: Thứ nhất là tới lễ tịch điền ta chưa về, quan gia phải tiến hành như thường lệ. nhẽ ra ta phải tự tay cầy cấy lấy lúa gạo để thờ cúng tổ tiên. Ấy là tỏ lòng hiếu kính của ta với các bậc tiền bối. Ấy cũng là việc tốt để làm gương cho thiên hạ. Không làm được như vậy, ta cũng phải tỏ cái tình của ta đối với việc nông tang. Quan gia cầy một hai đường cầy, có phải là quan gia cầy ruộng đâu; chính là quan gia cầy vào lòng thiên hạ. Còn thiên hạ sẽ vì quan gia mà cầy ruộng. Đấy mới chính là cái gốc của lễ tịch điền. Cũng như ngày trước, tiên đế mở Đại hội Diên Hồng. Đánh giặc như thế nào, triều đình đã có kế sách. Đâu phải tới Diên Hồng mới bàn kế đánh. Diên Hồng chính là điểm tụ hội lòng dân, khích lệ toàn dân cố kết với triều đình đánh giặc.

Một việc quan yếu nữa, quan gia phải đích thân lo liệu. Phải cấp thời mở lại khoa thi tiến sĩ cứ bẩy năm một lần, mà tiên đế đã định lệ từ năm Bính ngọ (1246). Những năm trước không mở được còn nhiều lẽ để biện minh. Đến nay không mở nữa, sẽ làm nản lòng kẻ sĩ trong thiên hạ. Ngừng một lát, như để các lời nói của mình có âm hưởng sâu xa trong tâm trí người con đang kế nghiệp, trị vì thiên hạ, Trần Nhân tôn lại nói:

- Quan gia đã nhớ kỹ lời ta dặn rồi chứ?

- Bẩm phụ hoàng, con nhớ!