HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

Chương 4

Vẫn nguyên trong bộ y phục hòa thượng mặc khi thuyết pháp, vua Nhân tôn ngồi trầm ngâm trong thế tọa thiền. Mắt ngài khẽ nhắm lim dim như khi ngài nhập định. Quan trung tán Đoàn Nhữ Hài mặt còn non choẹt như một gã thư sinh. Nhưng những nét lo âu và sương gió, đã gieo lờ mờ trên vầng trán cao của vị quan nhỏ tuổi này vài vết nhăn. Đoàn Nhữ Hài vẫn chắp tay cung kính đứng phía sau nhà vua. Lâu lắm không thấy Nhân tôn dạy bảo điều gì, quan ngự sử bèn nghĩ lại những điều mình đã tâu trình với đức vua, xem có gì sai sót khiến ngài giận. Miên man, Đoàn Nhữ Hài lại nghĩ tới hai năm về trước, cũng ở phủ Thiên Trường này. Bữa đó Nhữ Hài phải quì trước sân để dâng biểu tạ tội cho vua Anh tôn, suốt từ sáng sớm tới xế chiều. Trải mưa gió, sấm chớp mãi rồi thượng hoàng mới thương tình nhận biểu. Ấy là nhân ngày tết Đoan Ngọ. Có người dâng rượu xương bồ cất đã ngót trăm năm. Nhà vua vốn là người sành rượu, nhưng chưa hề được nếm một thứ rượu nào tinh khiết, thơm tho, ngọt dịu mà đậm đà đến thế. Ngài dùng hơi quá chén. Nên khi thượng hoàng từ phủ Thiên Trường về hỏi đến, cung nhân mới vào trong đánh thức, mãi nhà vua cũng không tỉnh được. Thượng hoàng giận bỏ về Thiên Trường ngay lập tức. Người xuống chiếu cho các quan trong triều, ngày hôm sau phải có mặt ở Thiên Trường để điểm mục. Ai trái lệnh sẽ xử tội. Lúc nhà vua tỉnh dậy đã quá nửa chiều. Khi biết mọi việc xảy ra, nhà vua hốt hoảng bỏ ra ngoài cung. Cơ may run rủi thế nào, vua lại gặp Nhữ Hài ở cửa chùa Tư Phúc. Biết Nhữ Hài là học trò, nhà vua bảo làm cho bài biểu tạ tội. Làm xong, nhà vua dẫn Nhữ Hài xuôi thuyền thâu đêm về đây. Bữa đó Nhữ Hài mới được thấy dung nhan thượng hoàng. Và cũng được thấy đức nghiêm khắc của người đối với việc nước, việc nhà. Thượng hoàng thét mắng nhà vua:

- Ta còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Ta còn sống mà ngươi đã dám như thế, huống chi sau này?…

Chính từ sự việc đó mà Nhữ Hài - một anh học trò chân trắng được cất nhắc lên làm ngự sử. Cũng từ đó, Anh tôn suốt đời không bao giờ uống rượu nữa.

Chợt nhà vua mở bừng mắt ngoái lại nhìn Nhữ Hài:

- Vậy là khanh vẫn không chịu ngồi. Sao khanh không quì như năm trước dâng biểu cho quan gia. Đức vua mỉm cười vẫy Nhữ Hài ngồi xuống sập.

Nhữ Hài khép nép vái ba vái rồi mới ghé ngồi.

- Khanh có thấy thư phúc đáp của quốc vương Chiêm Thành gửi cho ta không?. – Nhà vua hỏi.

- Tâu thượng hoàng, theo như thần được biết thì có. Nhưng đường xa, lại e có con mắt của người Nguyên nom dòm, nên quan gia muốn thỉnh thượng hoàng về kinh để thượng hoàng coi xét và chỉ giáo cho. Bẩm thượng hoàng, vì thế mà đoàn cống sứ vẫn còn nghỉ ngoài dịch quán, quan gia chưa tiếp.

- Cầm đầu sứ đoàn là ai, khanh có biết không?

- Bẩm thượng hoàng, cầm đầu sứ đoàn là quan Bồ-đề (quan tể tướng), cậu ruột của quốc vương Chế Mân. Nhưng linh hồn của sứ đoàn lại ở nơi hòa thượng Du Già, chủ sự phái Phật giáo Đại thừa Chiêm quốc.

- Thế thì hay lắm! Nhà vua reo lên. Người không nén nổi niềm vui.

- Bẩm thượng hoàng, nhà sư lại cải dạng làm người thường.

- Sao khanh biết?.

- Bẩm có tá thánh thái sư dò xét trong đám tùy tùng. Và có người của ta nhận mặt được nhân chuyến sang sứ Chiêm mấy năm trước.

- Ta chắc có duyên do uẩn khúc gì đây, chứ người Chiêm sai đủ thâm sâu như người Tống, người Nguyên để lừa ta? Khanh thất sắc diện của họ ra sao?

- Trình thượng hoàng, thần không dám võ đoán. Nhưng cứ xét vẻ ngoài thì họ đến ta với ý đồ chân thực.

- Ta cũng nghĩ như khanh.

Đêm ngược thuyền về kinh, vua Nhân tôn cho Nhữ Hài đi cùng với thuyền ngự. Công chúa Huyền Trân được phép ở lại đi ngoạn cảnh vài bữa rồi thu xếp về sau. Vốn có lòng mến Nhữ Hài từ buổi y đội biểu tạ tội cho quan gia. Nhà vua muốn đàm đạo với gã thiếu niên này, xem kiến giải của y cao thấp ra sao mà được quan gia sai khiến.

Đêm hạ tuần, không trăng, không sao. Gió đông bắc tuy không gào thét như trong buổi trọng đông, nhưng cũng đủ lạnh tê tái cho những ai thiếu áo, thiếu chăn. Ngược nước lại ngược gió. Hai chục tay chèo vẫn không đẩy được con thuyền đi nhanh hơn. Người trưởng cơ hộ giá bèn phái bốn lực sĩ lên bờ kéo dây. Thấy người chèo người kéo vất vả, nhà vua bèn bảo với trưởng cơ rằng:

- Chỉ có một mình ta đi, mà hàng chục các ngươi vất vả. Hãy neo thuyền lại, cho lính ngủ, sáng mai dậy đi cũng chưa muộn. Được nhà vua tỏ lòng thương cảm, tốp lính chèo thuyền càng chèo hăng hơn. Người trưởng cơ xin với nhà vua cứ cho đi, rồi ngày mai sẽ cho lính nghỉ. Dường như chưa an tâm, nhà vua lại truyền cho trưởng cơ hay rằng:

- Ngươi nói với mọi người đi hộ giá đêm nay, ta sẽ thưởng cho mỗi người một tấm lụa đem về may cho vợ con. Trong các người ấy, có ai có cha mẹ già yếu phải phụng dưỡng, hoặc như có con nhỏ mà gia đình neo đơn, cứ thực tình tâu lên, ta sẽ cho về quê quán làm ăn.

- Người trưởng cơ và cả tốp lính hộ giá, tưởng như trước mặt mình là đức Phật hiện ra cứu khổ cứu nạn, chứ không phải đức vua nữa.

Nhà vua sai pha trà rồi gọi Nhữ Hài tới hỏi chuyện:

- Ta biết khanh không phải là kẻ xu phụ. Nên ta muốn hỏi khanh vài việc, có thế nào khanh nói vậy, không phải lựa ý tìm lời để làm đẹp lòng ta.

- Muôn tâu thượng hoàng, thần xin lĩnh ý - Nhữ Hài nói mà trong dạ vẫn chưa yên. Quan ngự sử quá trẻ so với tước vị này, tuy có học nhưng chưa qua khoa cử đỗ đạt, lại chưa từng trải việc đời mà nhiều kẻ độc miệng cứ gọi là "làm quan tắt", nên chỉ mỗi khi nhà vua hỏi đến, vẫn có ý thèn thẹn, làm khuôn mặt đỏ ửng lên.

- Trong tình thế hiện nay, khanh có nghĩ rằng người Nguyên lại có ý dòm dỏ thôn tính Đại Việt ta nữa không?

- Tâu thượng hoàng, theo thiển kiến của thần, không lúc nào người Nguyên thôi dòm dỏ nước ta. Nhưng trong lúc này thì họ chưa thể nghĩ đến chuyện khởi binh thôn tính Đại Việt ta được. Là vì các tướng soái giỏi giang đã lần lượt qua Đại Việt, kẻ bị giết, kẻ bị bắt làm tù binh, kẻ thua đại bại, cho tới nay vẫn còn ngao ngán. Lòng thì căm uất muốn phục thù, nhưng trí chùng, lực kiệt. Còn loại tướng trẻ mới lên, tuy có hung hăng nhưng chưa trải qua chiến trận, cũng chưa dám nghĩ đến việc tiến binh sang Đại Việt. Vả lại Trung nguyên tuy có tạm thời khuất phục, nhưng dễ gì người Trung Quốc cam tâm chịu làm thân chó lợn cho người Thát mãi. Tuy họ thống trị Trung Hoa, nhưng thực ra họ đang cưỡi trên lưng cọp. Sao có thể rảnh tay mà nhìn về phương nam. Tâu thượng hoàng, ấy là chưa nói đến hai lần động binh gần đây, họ hao tổn không biết bao nhiêu tiền của, lấy gì mà động binh lần nữa.

- Khanh nói rất hợp ý ta. Nhưng ta còn thấy một điều nữa khiến họ chưa thể động binh được, là các kế sách của họ đều thấp, đều lỗi thời và đã bị quân ta phá, mà kế sách mới thâm sâu, ảo diệu thì họ chưa kiến tạo được.

- Tâu thượng hoàng, quả đúng như lời thượng hoàng nói. Họ thua ta là thua về kế sách, chứ binh lực họ còn hùng hậu lắm. Kiến thức của thượng hoàng quá ư thâm viễn, kẻ tiểu sinh này còn nông cạn chưa hiểu được.

- Khanh thấy quan gia là người thế nào? Các quan đại thần văn võ từ việc cất nhắc, bổ dụng đến năng lực, tư cách của mỗi người, ngươi thấy có gì đáng nói.

- Tâu thượng hoàng, việc thẩm định năng lực và tư cách các đại thần là việc quá lớn, tiểu sinh không đủ tư cách bàn tới, xin thượng hoàng tha tội. Nhưng có một việc thần xin thượng hoàng lưu tâm. Ấy là việc mở khoa thi chọn người tài để giúp rập nhà vua. Trước đây tiên đế từ năm Bính ngọ (1246, nhà Trần định lệ thi tiến sĩ cứ bảy năm một kỳ) đã định lệ thi tiến sĩ cứ bảy năm một lần. từ đó mở được bốn khoa. Khoa cuối cùng là vào năm Ất hợi (1275), tới nay đã ngót ba chục năm. Kẻ sĩ trong nước chán nản không muốn tiếp tục đi sâu vào con đường học vấn nữa. Vì họ không có chỗ tiến thân. Một nước mà kẻ sĩ không được coi trọng, làm sao có thể khai phóng được dân trí. Dân trí không khai phóng được thì làm sao có văn hiến? Các quan đại thần thì ở cương vị quá lâu mà không có sự thay đổi.

Lệ khảo khóa đã định mà không được tiến hành, để loại bỏ bớt những kẻ bất tài vô dụng. Thành thử những người già yếu, bất lực vẫn cứ khư khư nắm giữ quyền hành, người trẻ trung tài cán không được cất nhắc, nhân tài ngày một hao mòn, thưa vắng.

Vua Nhân tôn gật gù như người nhấm nháp từng giọt mật đắng, mà viên ngự sử trẻ tuổi này đã dũng cảm hiến dâng. Không phải nhà vua không nghĩ tới những điều Đoàn Nhữ Hài nói. Số người nắm quyền bính cao nhất trong triều hiện nay là những ai? Thực chất là các bậc cao niên vào hàng cha chú của đức vua. Những người này trong quá khứ thật sự có tài, có công lao lừng lẫy đánh giặc giữ nước. Nay lấy cớ gì xô hất họ đi được. Nhà vua đủ sáng suốt nhận thấy hàng ngũ quan lại trong triều, những người giữ các cương vị chủ chốt, hầu như không còn đủ năng lực điều hành bộ máy nữa. Họ nghĩ đến tư lợi quá nhiều, đua nhau xây dinh, lập phủ, sống xa hoa, đúng như lời lão bộc Đặng Dương nói. Còn việc mở khoa thi kén người tài, cũng là chuyện làm nhà vua khổ tâm. Đúng là kẻ sĩ lâu nay không có chỗ đua tài. Nhưng nếu mở khoa thi kén được người tài, phải bổ dụng họ vào các chức xứng với học vấn, học vị của họ. Một điều làm nhà vua đau lòng không kém, là người trong hoàng tộc ít chịu học hành rèn giũa. Nếu có mở khoa thi, lại người ngoài chiếm hết tam khôi (Các chức danh cao nhất trong hàng đại khoa: trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa). Nhà vua cố kìm nén những điều suy ngẫm đến lao lung. Người khẽ mỉm cười rồi thấp giọng phán:

- Các điều khanh nói, thuần là những sự thật đau lòng. Ta sẽ lưu ý quan gia. Song điều làm ta boăn khoăn nhất vẫn là việc bên ngoài. Phương bắc, như khanh đã nói, lúc này tạm thời không lo ngại lắm. Nhưng với ta, cái họa phương bắc là họa bao trùm. Họ là kẻ thù dai dẳng tiềm tàng của Đại Việt. Họ cũng là kẻ thù tri kỷ của ta nữa. Cho nên tâm lực của ta thường để vào mặt bắc. Còn mặt nam, theo ý khanh, nên như thế nào? Ta muốn mở đường hòa hiếu ở mặt nam để rảnh tay đối phó mặt bắc?.

- Bẩm thượng hoàng, thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng với kế sách: Bắc cự Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền, nên đã giữ được thế chia ba thiên hạ. Nhưng lực của Ba Thục không hòa được, còn lực của Đại Việt ta dư sức tiến về phương nam. Thần thường thấy các bậc lão tướng, các bậc cân quắc bàn chuyện thừa thắng Đại Việt nên tiến về phương nam để mở mang bờ cõi. Chẳng hay ý của thượng hoàng thế nào?.

Vua Nhân tôn sầm mặt lại. Người ngoảnh nhìn ra sông. Lúc này trăng hạ huyền đã soi ánh lạnh mờ mờ trên dòng nước đỏ nhờ. Những người chèo thuyền chừng như đã thấm mệt, họ chèo uể oải. Mấy sợi dây kéo thuyền chùng võng xuống. Hẳn những người ở trên bờ cũng không còn đủ sức chạy bộ nữa. Nhà vua thầm nghĩ: "Ban tối ta mới bảo những người này, ai gặp cảnh ngộ khó khăn, ta cho về quê quán làm ăn. Nhưng nếu lại có chiến tranh, chắc ta phải nuốt trôi lời hứa. Mà họ thì có tội tình gì đâu".

Một thoáng im lặng, ngọn bạch lạp cháy gần tàn, ánh sáng leo lét làm cho cảnh trong khoang thuyền lung linh huyền ảo. Đoàn Nhữ Hài không nhìn thấy nét giận dữ hiện trên khuôn mặt nhà vua. Cũng may mà Nhữ Hài không nói tiếp cái ý tiến về phương nam. Phút im lặng nặng nề khiến Đoàn Nhữ Hài lờ mờ nhận ra, mình đã làm nhà vua phật ý.

Vua Nhân tôn lại lên tiếng. Giọng nói của nhà vua như lạc đi:

- Ta không chấp nhận việc tiến về phương nam! Ngươi thử nghĩ xem, nếu bây giờ người Nguyên cũng đặt chuyện tiến xuống phía nam, tiến vào Đại Việt thì sao? Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân. Chữ Hán, nghĩa là: Điều gì mình không muốn thì đừng bắt người khác muốn). Người nhân nghĩa không thể vô cớ cất quân đi xâm lấn bờ cõi người khác. Ngừng một lát, giọng nhà vua lúc này vang lên ấm áp như lúc ngài thuyết pháp. Ngài nói với vẻ như răn dậy:

- Nhữ Hài, khanh còn trẻ mà đã được cất nhắc. Song khanh đừng sớm vội ỷ vào tài năng mình mà quên điều nhân nghĩa. Ta khuyên khanh phải tĩnh tâm lại. Phải hằng tâm suy nghĩ về điều thiện. Phải làm nhiều việc thiện. Nếu không lấy cái thiện để chính tâm, thời ở vào vị thế quan chức như khanh, dễ sa vào bể dục, để tự mình biện hộ cho mình mỗi khi làm điều ác.

Nhà vua như cảm thấy mệt mỏi, ngài tựa vào khuôn gối xếp thiu thiu ngủ. Ánh nến tắt lịm. Khoang thuyền tối om.