Lễ đăng quang, thật ra chỉ vui trong triều đình và phủ đệ của các quan đầu triều, vui trong hoàng gia, hoàng tộc thôi, chứ dân chúng có dự phần gì. Còn như lễ cưới công chúa Chà Và cũng không có gì đặc biệt. Bà tuy xinh đẹp, giàu sang nhưng nom bà cũng chẳng khác gì người Chàm, cũng nói tiếng Chàm, đi lễ đền tháp và hát múa như người Chàm. Nhưng với công chúa Huyền Trân tức hoàng hậu Paramecvari thì lại khác. Chỉ mới nghe đồn về sắc đẹp của nàng, cả kinh thành xôn xao. Còn hoàng hậu thì mất ăn mất ngủ, mặt võ mình gầy, lúc nào cũng rầu héo như nhà có tang. Ngoài ân sủng mà nhờ có nàng về Champa mới có lệnh này, như cả kinh thành được nhà vua chẩn cấp suốt ba ngày khánh hạ. Các án tù nhất loạt được ân giảm từ sáu tháng đến ba năm. Ngoài những thứ đó ra còn biết bao điều hấp dẫn khác mà những kẻ tò mò đồn đại, khiến mọi người háo hức đợi chờ.
Sau buổi các quan trong triều đến bái kiến hoàng hậu Paramecvari, thì tin đồn về hoàng hậu ngày một sôi nổi và người ta đã có những mẩu chuyện kể về bà. Nào là hoàng hậu có nước da trắng như bông. Miệng cười tươi như một đóa phù dung. Tóc dài và mềm mại như một suối nước. Nào là hoàng hậu nói tiếng Chăm lịch lãm như một người Chăm cao quí. Nhưng phải đợi tới buổi hoàng hậu đứng ra điều hành cho cả ban vũ nhạc của Đại Việt, trình diễn trước công chúng Chà Bàn, thì tiếng tăm của hoàng hậu và đoàn tùy tùng Đại Việt mới nổi như cồn. Ngay việc trình diễn trước công chúng của đoàn Đại Việt cũng là một biệt lệ. Vì từ trước tới nay, chưa từng có chuyện công chúng được xem như vậy.
Hoàng hậu Paramecvari ra mắt công chúng Chà Bàn, với nguyên cốt cách của công chúa Đại Việt. Nàng vận gần giống như buổi tiếp kiến đầu tiên với đức vua Yaya Sinhavarman, làm cả đám công chúng ngất ngây về sắc đẹp. Người ta kính trọng bà, biết sử dụng màu trắng là màu dành cho các đấng vương giả của đất Champa, một cách cực kỳ khéo léo, và nó được khuôn trong các kiểu trang phục truyền thống của Đại Việt. Người ta cũng kính phục những bàn tay cắt may, thêu thùa tinh tế của người Đại Việt. Nhất là những tay thợ kim hoàn đã đẽo, gọt, khắc trạm một cách tinh vi những đồ trang sức như vòng cổ, hoa tai, trâm, hài, mũ mãng... mà mỗi sản phẩm là một kỳ công tuyệt sảo. Với trang phục như vậy, hoàng hậu nói vài lời cảm tạ công chúng, đã có lòng ái mộ đức vua và những người Đại Việt, hiện có mặt tại kinh kỳ. Nàng nói bằng tiếng Việt, rồi lại tự dịch sang tiếng Chiêm làm công chúng vô cùng sửng sốt, nhưng nó cũng xác định lời đồn đại về hoàng hậu bấy lâu nay là đúng đắn.
Người ta nhớ mãi điệu múa đèn mà hoàng hậu sắm vai chính, trong đó cây tọa đăng như dính chặt trên đầu nàng, khiến công chúng vô cùng kinh ngạc. Và cả điệu múa đèn với cách biến ảo đội hình, cùng những động tác múa cực kỳ sinh động, gây hứng thú cho người xem tới mức có lúc công chúng phải nín thở, thóp bụng và tự nhiên hai tay giơ lên đỡ lấy đầu, tưởng như ngọn đèn trên đầu hoàng hậu và các vũ nữ Đại Việt sắp nghiêng đổ. Và khi các ngọn bấc lại bùng lên, các cây đèn chụm lại tỏa sáng như một ngọn hải đăng, thì công chúng hò reo đến lạc cả giọng. Hoàng hậu còn trình diễn một điệu múa tự nàng sáng tác, nói về một bà già bán quán bên sông, đã chỉ đường cho giặc Nguyên sa vào bẫy chông và hầm hố, khiến chúng chết gần hết. Quân giặc thất trận trở về chặt hai tay bà rồi phóng lửa đốt quán. Nội dung điệu múa Huyền Trân dựa vào sự thật về một bà lão mà nàng đã bắt gặp nơi quán chợ, hồi về Thiên Trường. Nàng diễn tả cực kỳ sinh động, trong cả các vai địch và vai bà lão. Nhất là khi bà lão với hai cánh tay cụt vung lên, dường như bà không còn cảm thấy đau đớn nữa, và khi bà ném ánh mắt vào ngọn lửa đang bùng cháy, thì người xem cảm thấy như ngọn lửa cháy lên từ ánh mắt bà, chứ không phải từ chiếc quán tranh. Điệu múa kết thúc giữa sự bàng hoàng của người xem. Đó cũng lại là một sự lạ đối với công chúng Champa. Vì rằng ở Champa, đánh giặc là việc của triều đình, của lính tráng, chứ làm gì có chuyện người dân tự giác tham gia như ở Đại Việt.
Ban nhạc cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người xem, với các tiết mục múa săn thú theo nhịp trống đồng. Rồi trình diễn dàn cồng, với đủ các tiết tấu diễn tả mọi sinh hoạt trong đời sống của con người. Tiếng cồng mừng em bé ra đời, mừng ngày hội xuống đồng, tiếng cồng xua đuổi thú rừng, tiếng cồng gọi bạn tới nơi hò hẹn vào những đêm trăng sáng, tiếng cồng đưa tiễn người già tới nơi an nghỉ... Những âm thanh lúc bổng, lúc trầm, lúc thưa thớt, nỉ non, lúc dồn dập, sục sôi diễn tả mọi trạng huống tình cảm và tâm linh của con người Đại Việt, vừa phong phú đa dạng, vừa phức tạp. Những âm thanh đó, khiến người ta có thể hình dung đầy đủ một xã hội đang bận mải với mọi sự sinh sôi. Nó không hề giống với tiếng trống pa-ra-nưng của Champa, dẫn dắt hồn người vào cõi giới tâm linh huyền bí.
Bích Huệ, Thúy Quỳnh ngoài những tiết mục múa, thể hiện sự uyển chuyển, mềm mại của đôi cánh tay và thân hình người con gái Đại Việt, bỗng chuyển sang trình diễn tiết mục múa song đao, khiến người xem đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt. Và cũng là chuyện chưa từng thấy ở Champa. Còn hòa thượng Minh Thái lại đặc sắc ở dạng khác. Hòa thượng vừa đánh đàn, vừa leo cột ngược, chỉ bằng hai bàn chân. Hòa thượng lại vừa thổi ống tiêu vừa leo thang xuôi, ngược đan mình qua các bậc thang, cứ như người không có xương sống, mà tiếng tiêu vẫn du dương, réo rắt đưa người xem vào cõi mộng.
Chính buổi đoàn tùy tùng của hoàng hậu Paramecvari trình diễn vũ nhạc dân gian Đại Việt đã gây một ấn tượng không bao giờ phai nhạt trong đầu óc dân chúng kinh đô Chà Bàn. Người ta bắt đầu hiểu đất nước và con người của Đai Việt chan chứa tình yêu. Người Chiêm Thành chuyển cảm tình của mình về hướng Thăng Long. Song cũng vì thế người không có thiện chí tỏ ra bực tức. Họ tìm cách bài xích và gây không khí chống đối Đại Việt.
Người ta thấy quan Bố-đề chạy tớn tác hết dinh này sang phủ nọ. Ông ra vào nơi sứ bộ nhà Nguyên chẳng kể ngày đêm. Người ta cũng thấy viên chánh sứ nhà Nguyên ở Thăng Long cũng đã có mặt ở Chà Bàn. Nom sắc mặt cũng đủ biết y đang có điều gì hậm hực trong lòng. Mắt y lúc nào cũng ngầu đỏ, đằng đằng sát khí.
Hoàng hậu Tapasi sau lễ tương kiến đầu tiên đã nhìn hoàng hậu Paramecvari có phần độ lương. Với tấm lòng chân thực và với tình cảm nồng nàn, hoàng hậu Paramecvari đã dâng lên hoàng hậu Tapasi chuỗi ngọc trai mầu hồng với những viên ngọc lớn khác thường. Đây là một loài ngọc quí, mà biển phương nam không có.
Mới vào chuyện, hoàng hậu Tapasi đã bị sức trẻ trung duyên dáng của hoàng hậu Paramecvari cuốn hút khiến những nghi ngờ, bực tức, đố kị, ghen tuông chất chứa bấy lâu nay biến đi như sương giá trước bình minh. Bà say sưa ngắm nghía khuôn mặt của Trần Huyền Trân, rồi lại liếc nhìn chuỗi ngọc và thầm so sánh: “Cô bé có khuôn mặt đẹp đẽ, trong trẻo hơn cả những viên ngọc quí kia”. Hoàng hậu Tapasi tự nhủ: “Vẫn ngỡ như quan Bố-đề nói, nàng được phong hoàng hậu thì ta phải loại xuống hàng thứ phi hoặc bị phế truất. Còn hoàng tử sẽ bị bức hại. Nhưng nay đã rõ ràng ta và nàng cùng là hoàng hậu, cùng trong bậc mẫu nghi thiên hạ. Con ta đã lớn mà nàng chưa có con, vậy ta còn lo nỗi gì”. Hoàng hậu Tapasi nghĩ tới đó bỗng rùng mình như người lên cơn sốt. Vừa lúc đó, hai tì nữ bưng hai chiếc khay bạc, trên mối khay là một chiếc chén bằng vàng, đựng một thứ nước màu xanh sẫm, đặt phía trước hai hoàng hậu.
Đoạn các nàng khẽ cúi đầu lui ra, và sáp luôn vào một điệu múa dâng trà. Những vũ nữ Chiêm này được chọn lọc cẩn thận, tập luyện chu đáo nên biểu diễn khá thành thạo. Múa xong một điệu, các nàng vào bưng khay quỳ xuống dâng tận tay hai hoàng hậu. Hoàng hậu Tapasi đỡ lấy chén nước, tay run run liếc nhìn hoàng hậu Paramecvari với ánh mắt hơi dài dại. Cử chỉ của Tapasi không lọt qua mắt Huyền Trân được. - Nhất là những ngày về Chà Bàn, nghe ngóng binh tình, hòa thượng Minh Thái đã căn dặn Huyền Trân đủ điều. Kể cả việc ăn uống, không được khinh suất. Vì vậy, Huyền Trân đang lo cách đối phó sao cho hợp lý. Lập tức nàng quay ra hỏi Tapasi một cách đột ngột, tay giơ lên đụng luôn vào khay trà, khiến tì nữ tuột tay rơi luôn cả khay và chén nước đổ lăn ra sàn nhà.
Hành động của Paramecvari cũng không qua được mắt Tapasi, bà khẽ nhếch mép, rồi cau vừng trán, bà ra lệnh phạt:
- Pansi! Ngươi có hai bàn tay không dùng vào việc gì nữa rồi. Mi dám đánh đổ nước trước mặt ta và hoàng hậu Paramecvari. Tội mi đáng chết chém. Nhưng ta nể hoàng hậu Paramecvari là người theo đạo Phật, cấm sát sinh, nên ta chỉ sai chặt cụt hai bàn tay mi thôi. Mi phải biết, thế là ta đã gia ân với mi nhiều rồi đấy.
Pansi rụng rời, lặng đi như người chết đứng.
Chưa biết luật lệ và hình phạt trong hoàng gia Champa quy ước như thế nào, Huyền Trân trong lòng áy náy bội phần. Nàng chỉ sợ khinh suất, sẽ bị hoàng hậu Tapasi cho là lộng hành. Mà không can thiệp, chắc Chiêm nữ kia sẽ trở thành tàn phế suốt đời. Huyền Trân cũng biết, đây không phải là hoàng hậu Tapasi giả vờ làm nghiêm. Vì cứ nom sắc mặt bà cũng đủ biết, cơn giận đang bốc lên ngùn ngụt, như một đám cháy rừng.
Đột ngột Huyền Trân quì sụp xuống trước Tapasi, hai mắt đẫm lệ, nàng nói:
- Muôn tâu hoàng hậu Tapasi đức hạnh. Lỗi tại thiếp. Thiếp đã vô ý chạm vào khay trà nên bị rớt. Xin hoàng hậu hãy trị tội thiếp mà tha cho tì nữ kia.
Hoàng hậu Tapasi luống cuống đỡ Trần Huyền Trân dậy. Bà lắp bắp nói:
- Hoàng hậu Paramecvari, sao nàng lại làm thế. Hoàng thượng trông thấy cảnh này, ắt người phải chém đầu ta.
Huyền Trân nhất định không chịu đứng lên, nàng khẩn nài:
- Nếu hoàng hậu không tha thứ cho Pansi, tức là thiếp không được hoàng hậu gia ân.
- Thôi được, ta bằng lòng. Hoàng hậu Tapasi với vẻ miễn cưỡng, rồi khoát tay nói thêm:
- Con tiện tì kia, nếu ta không nể mặt hoàng hậu Paramecvari xin cho, ắt mi phải chết. Tại sao mi còn đứng đấy mà không lạy tạ người.
Pansi cảm động khóc nức nở, sụp lạy cả hai hoàng hậu.
Chợt lóe lên trong đầu một dự liệu, hoàng hậu Tapasi nói luôn:
- Con Pansi đã đội ơn cứu tử của hoàng hậu. Nếu hoàng hậu không ngần ngại nó đã là nô tì của ta, ta xin biếu. Âu cũng là lưu một chút tình cho sự tương kiến của chị em ta.
Không hiểu có mưu sâu chước lạ gì trong tấn trò này, nhưng cảnh ngộ buộc Huyền Trân không thể chối từ. Nàng tự nhủ: “tương kế tựu kế”. Đoạn nàng quay ra nói với hoàng hậu Tapasi:
- Đội ơn hoàng hậu. Rồi nàng bảo Pansi:
- Ta với em chắc có duyên nghiệp chi đây. Hãy lạy ta hoàng hậu rồi theo ta.
Bích Huệ, Thúy Quỳnh phải chờ ngoài đại sảnh. Lâu quá không thấy chủ ra, hai cô đâm nghi. Bích Huệ tung chiếc quạt thước lên không rồi bắt lấy, hai tay múa tít như người múa côn. Dừng lại đột ngột Huệ nói:
- Chị Thúy Quỳnh ơi, em phải đi xem hoàng hậu thế nào nhé. Chị cứ ngồi đây chờ em một chốc.
- Chắc là hai hậu gặp nhau, tỏ bầy tình cảm thôi chứ không có chuyện gì đâu. Hãy nán lại một chút, nếu không thấy người ra, hai chị em ta cùng đi, chị Bích Huệ ạ.
Một lát sau Huyền Trân bước ra dẫn theo tì nữ Pansi. Pansi mặt mày tươi tỉnh, vừa đi vừa nói líu ríu những lời biết ơn.
Bốn thầy trò lên kiệu về cung. Cung hoàng hậu là một tòa nhà không lớn lắm, nhưng được xây cất đẹp đẽ, thoáng mát, nằm ở phía bắc một quả đồi. Ngay sát cung hoàng hậu, thiết lập một chiếc am vừa là nơi thờ Phật, vừa là nơi thờ cúng tổ tiên, có hòa thượng Minh Thái giữ việc đèn nhang kinh kệ sớm chiều.
Trần Huyền Trân lập tức thuật lại câu chuyện vừa xảy ra bên cung hoàng hậu Tapasi cho hòa thượng nghe.
Hòa thượng suy nghĩ rất lao lung. Nhà sư không ngờ sự chống đối quyết liệt xảy ra quá sớm. Ông thầm đoán: đây là một vụ đầu độc không thành. Nhưng là một vụ có dự mưu, tức là có tính toán sắp đặt từ trước. May mà công chúa sáng suốt. (Ông vẫn coi Huyền Trân như một nàng công chúa, mà thượng hoàng Nhân tôn phó thác cho ông phải coi sóc). Một lát, ông hỏi Huyền Trân:
- Lệnh bà có nghĩ rằng hoàng hậuTapasi có dự mưu hạ độc thủ chăng? Việc này phải hết sức tỉnh táo.
Huyền Trân thong dong đáp:
- Thưa hòa thượng, tôi đến với hoàng hậu Tapasi bằng tấm lòng trong sáng. Bởi vậy khi trò chuyện hoàn toàn thoải mái. Tôi linh cảm dường như có lúc bà ấy đã có cảm tình với tôi.Bỗng bà ấy giật mình và sắc mặt hơi ửng đỏ. Tôi chắc bà ấy nghĩ về một điều gì không lành mạnh. Câu chuyện lại trôi đi bình thường cho tới lúc bọn tì nữ dâng trà. Tôi thấy lòng vẫn thanh thản bình yên, lại tự trách mình cứ hay suy nghĩ vơ vẩn. Tới lúc bà ây bê chén nước, tay run lật bật, mắt nhìn tôi vẻ ngây dại. Bà ấy không vội uống, cũng không nài ép tôi. Chợt như có một dấu hiệu vô hình nào đó ngăn tôi lại không cho uống. Thay vì giơ tay ra đón chén nước tôi lại giơ tay ra để gạt cả khay trà. Và phần tiếp theo như tôi đã kể với hòa thượng từ đầu.
- Vậy chớ còn gì khiến lệnh bà hoài nghi nữa không?. Hòa thượng tự nghĩ: ‘Cũng không hiểu tại sao đúng lúc ấy, ta nghe văng vẳng bên tai như tiếng thượng hoàng nhắc nhở: “Hãy cứu con ta. Không được uống ăn gì. Ra lệnh cho nó ngay lập tức!”. Thế là ta định thần trong thế tọa thiền và ra lệnh cho nàng. Ta ngờ chẳng bao lâu nữa, thượng hoàng sẽ thành quả phúc. Suy nghĩ giây lâu, bỗng Huyền Trân “à” lên một tiếng:
- Tôi nhớ lúc bà ta ra lệnh chặt hai tay con nữ tì. Tôi quì xuống xin bà ta tha tội chết cho nó. Bà ấy hốt hoảng bảo tôi: ‘Hoàng thượng mà trông thấy cảnh này, ắt người phải chém đầu ta”.
Tôi nghĩ rằng bà ấy cho là nhà vua sủng ái tôi hơn, và vì thế bà ta nể sợ.
- Lệnh bà nghĩ như thế nào về việc hoàng hậu Tapasi tha tội chết cho tì nữ Pansi, rồi lại đem y tặng cho lệnh bà?.
- Tôi vẫn băn khoăn giữa cái thật và cái giả trong tâm địa và việc làm của hoàng hâu Tapasi. Nửa phần tôi cho đây là sự thật. Nửa phần tôi hồ nghi đây là kế khổ nhục, như Chu Du đã dùng Hoàng Cái trá hàng trong trận Xích Bích. Vậy nên như thế nào, xin hòa thượng chỉ giáo cho. Tôi không lường trước được những trạng huống phức tạp như vậy. Hiện tôi còn một chút băn khoăn. Nếu quả đây là khổ nhục kế, thì mưu ấy không phải xuất phát từ nơi hoàng hậu Tapasi.
- Lệnh bà vô cùng sáng suốt. Tôi không có cao kiến gì hơn. Tôi sẽ để tâm cứu xét việc này. Rõ ràng là kẻ thù không để cho ta yên. Họ đã khai đao trước ta. Tôi hết sức lưu tâm lệnh bà, việc đi lại, ăn uống nhất nhất thận trọng. Nửa bước không rời hai con Bích Huệ, Thúy Quỳnh. Tôi đã căn dặn chúng nó kỹ lưỡng rồi. Đối với con Pansi phải giám sát xem nó có thậm thụt gì không. Phải canh chừng cả ban đêm, có khi nó lẻn ra ngoài để gặp nhau. Nhưng lại phải đối xử với nó thân tình, có thể nó sẽ phản tỉnh. Tôi cũng báo để lệnh bà biết, tên chánh sứ Lý Quý, người Nguyên ở Thăng Long hiện đang có mặt ở Chà Bàn. Hẳn không phải là hắn đi chơi. Lệnh bà có nhớ bữa cả kinh kỳ đưa tiễn lệnh bà ở bến Đông bộ đầu, y cũng nhớn nhác đi theo.
Từ một đời sống trong sáng ở chốn khuê các, chỉ lo tu sửa đức hạnh, trau dồi lễ, nghĩa, thi, thư, nay vừa bước ra khỏi nhà đã phải cùng một lúc đối phó với hàng trăm việc. Việc gì cũng hệ trọng. Xảy ra một tí, không mất mạng cũng mất thể diện quốc gia. Trần Huyền Trân giật mình lo sợ về trọng trách lớn lao. Và nàng mơ hồ nhận ra, dường như mình sống không phải cho riêng mình nữa. Chợt nhớ là mình đang đàm luận với nhà sư - người mà phụ vương tin tưởng phó thác. Huyền Trân tiếp:
- Dám xin hòa thượng chỉ giáo cho, hiện thời tôi cần phải làm gì?.
- Cũng khó nói, việc gì ta dự liệu, lại chưa xảy ra. Còn việc ta chưa dự liệu, nó lại đến. Tỉ như việc xảy ra trong cung hoàng hậu Tapasi chẳng hạn.
Cho nên tùy cơ ứng biến, như lệnh bà đã làm là cực kỳ mưu trí. Mưu trí của lệnh bà có được, là xuất phát từ cái tâm ngay thẳng hiền đức của mình. Song có một vài việc lớn, tôi thấy lệnh bà phải hiệp sức với quốc vương mới làm nổi. Ví như để cho hoàng hậu Tapasi và những kẻ âm mưu chống lại lệnh bà yên tâm, lệnh bà nên khuyên nhà vua sớm lập con trưởng làm thế tử.
Ngoài ra nhà vua phải đích thân dẹp bớt bọn âm mưu chống đối lại mình, và hạn chế các hành động ngông cuồng của sứ đoàn nhà Nguyên ở Chà Bàn. Với vị tể tướng, những ý kiến phản bác nhà vua trong từng chủ trương, từng công việc đôi khi là cần thiết. Vì không phải tất cả mọi quyết định của nhà vua đều đúng. Nhưng khi nó bành trướng ra như là một thế lực chống đối, lệnh bà phải làm cho nhà vua ý thức được, đó là mầm loạn. Lệnh bà hiện giữ một trọng trách cực lớn, trong việc mưu cầu hòa bình bền vững cho cả hai quốc gia. Đương nhiên lệnh bà được nhiều người yêu trọng. Song cũng không ít kẻ chống đối lệnh bà. Nếu không ý thức đầy đủ về các thế lực kình chống, chúng ta sẽ phí sức, uổng công mà rồi ân hận suốt đời, để lại tiếng cười cho hậu thế.
Cảm thấy đầu óc căng thẳng, Huyền Trân nói như để tự răn mình:
- Thưa hòa thượng, tôi thật ngây thơ quá đỗi. Tôi cứ tưởng về làm dâu xứ này, là tôi đã làm xong được một việc nghĩa đối với dân với nước. Ai ngờ việc ấy lúc này mới bắt đầu. Không ai nghĩ rằng đi làm dâu lại đi vào trường tranh đấu. Mà nếu không khéo lại là đi vào cõi chết.
Hòa thượng hết đỗi băn khoăn về lời nói của Huyền Trân. Đúng là nàng phải gánh một trọng trách quá lớn. Thật sự là nàng đã bước vào một cuộc chiến đấu. May mắn làm sao nàng đã sớm nhận ra. Và nàng cũng ý thức được bổn phận của mình. Một lát sau, hòa thượng lên tiếng:
- Tâu lệnh bà. Tôi vui mừng khôn xiết vì lệnh bà là người có nhãn quan thấu thị. Tôi thấy không cần phải nói gì thêm, và mọi lời an ủi lúc này cũng là thừa đối với lệnh bà. Tôi chỉ nêu một câu trong kinh Vệ Đà do Đức Phật răn dạy: “Nếu con không chiến đấu để bảo vệ lẽ phải, thì đương nhiên con đã phản bội nhiệm vụ, đức tính và vinh quang của con, và con là người có tội. Con không việc gì phải khóc cho sự chết, vì ai sinh ra thì chắc chắn sẽ chết, và ai chết thì chắc chắn sẽ sinh ra. Vì vậy, đối với những việc không thể tránh được thì không có gì phải buồn”.