HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

Chương 22

Cuộc tiễn đưa công chúa thật là long trọng. Suốt từ hoàng thành đến bến Đông bộ đầu cờ xí rợp trời, người đứng đông nghịt hai bên vệ đường. Dẫn đầu là sứ đoàn Chiêm Thành, kế đó là kiệu của công chúa. Đi bên tả công chúa là kiệu của Văn Túc vương Trần Đạo Tái, bên hữu là nhập nội đại hành khiển Trần Khắc Chung. Tiếp đó là tri khu mật viện sự Đoàn Nhữ Hài, rồi trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn. Đoàn tùy tùng và quan lại cùng người trong hoàng tộc đưa tiễn công chúa kể tới cả ngàn người. Còn dân chúng kinh kỳ vừa ái mộ đức hạnh, vừa ngưỡng mộ nhan sắc của công chúa, theo đi tiễn đông không kể xiết. Đi tiễn công chúa, người ta còn trông thấy cả viên chánh sứ người Nguyên. Dù đã tự nhủ lòng phải gắng gỏi, nhưng khi bước chân xuống thuyền, công chúa không khỏi bùi ngùi rơi lệ. Huyền Trân không nói được điều gì, chỉ kịp chắp hai tay vái tạ những người đưa tiễn. Hẳn là công chúa còn có hàm ý vái lạy cả kinh thành trước giờ vĩnh biệt. Một phát pháo hiệu nổ vang, rồi tới cả chục cây pháo bông cùng một lúc phát hỏa. Bến Đông bộ đầu chìm ngợp trong khói pháo. Đoàn thuyền căng buồm lướt gió xuôi về hạ lưu.

Người Thăng Long từ buổi được xem các đồ sính lễ của Chiêm Thành và các của hồi môn của công chúa, lại hôm nay đưa tiễn công chúa về Chiêm, ai nấy tự nhiên đều có mối thiện cảm với đất nước Chiêm Thành xa vời vợi ấy. Dân chúng vốn dễ xúc động, mà rồi họ cũng mau quên. Nhưng kinh thành Thăng Long sẽ còn ghi nhớ mãi sự kiện này.

Vả lại, Huyền Trân công chúa đâu biết rằng, bước chân đầu tiên nàng bước xuống thuyền là nàng đã bước vào lịch sử.

Xuôi nước, xuôi gió, đoàn thuyền vừa ra tới cửa biển Đại Hoàng cũng là lúc hoàng hôn ập xuống. Mặt biển nhuốm một màu đỏ nhạt rồi chuyển dần sang màu vàng xỉn, màu tro xám. Đêm xuống. Công chúa nằm thao thức một mình trong khoang thuyền. Lúc này nàng không muốn có bất cứ một người nào bên cạnh. Dù là những người hầu thân cận như Bích Huệ, Thúy Quỳnh. Bích Huệ đã mấy lần ló đầu vào, công chúa đều ra hiệu cho lui. Lòng bồi hồi, Huyền Trân nghĩ về vua cha, nghĩ về bà kế mẫu Tuyên từ, bà nhũ mẫu, lão Dương cùng không biết bao nhiêu người thân thuộc khác trong hoàng gia, trong triều nội. Công chúa nhớ như in từng cuốn sách trong thư phòng, nhớ từng lối mòn quen thuộc trong khuôn viên mà sáng sáng chiều chiều nàng thường dạo gót. Nhớ mấy khóm huệ nở sớm, nhớ cây quất lưu niên. Nhớ dãy xuyên đường và những chùm khánh nhạc treo dưới hàng hiên, gió đung đưa phát ra những âm thanh kỳ ảo. Tất cả những năm tháng ấu thơ và cả những năm tháng đã trưởng thành, đều diễn lại một cách đầy đủ đến từng chi tiết nhỏ, giống như một cuốn “Tạp biên thực lục” (Ghi chép các chuyện xảy ra thường ngày, tựa như nhật ký ngày nay) mở ngỏ trong đầu nàng. Rồi nàng lại trở về với buổi chia tay cùng nhũ mẫu. Công chúa không thể ngờ được cuộc ra đi của mình lại làm nhũ mẫu đau buồn đến thế. Người bà héo hon, buồn thảm như cái cây đã hết nhựa. Bà chỉ nức nở chứ không kêu gào, không than van oán trách một lời nào. Công chúa an ủi bà hết lời, và nàng cũng chỉ hiểu ngầm, đây là nỗi đau của người mẹ, khi cảm thấy vĩnh viễn mất đi đứa con yêu của mình. Bà từ chối mọi thứ tiền bạc, của nả mà công chúa ưu ái ban cho. Công chúa thật không yên lòng, nàng tự nhủ: “Có lẽ ta đi, chỉ ít lâu sau là nhũ mẫu qua đời”. Linh cảm đó ám ảnh nàng như một đám mây u tối bao phủ trước mắt nàng. Còn kế mẫu Tuyên từ lại thương nàng ở một dạng khác. Bà là người nghiêm khắc, vốn không quen bộc lộ tình cảm ra ngoài. Nhưng trước giờ ly biệt bà cũng không cầm lòng được.

Miên man nàng lại nghĩ đến Trần Khắc Chung. Thật ra nàng đã cố quên đi mà không quên được. Với con người này, đã có một thời nàng say đắm đến mê mệt. Ông là người mà nàng tôn thờ và ước ao chiếm lấy. Cái hào quang ông là một vị anh hùng, một tay kiệt liệt dám xông vào trại giặc trong lúc thế nước ngàn cân treo sợi tóc, càng đốt cháy khát vọng được hiến dâng cuộc đời mình cho chàng. Khắc Chung như một cái bóng, nàng càng đuổi càng xa. Cuối cùng nàng nhận ra không phải ông ta cao đạo gì. Mà vì có những chuyện gia đình bê bối, ông ta phải giữ mình. Và chuyện ông ta vào trại giặc cũng không có gì là ghê gớm. Chẳng qua thời thế tạo anh hùng. Chính vì Khắc Chung lẩn tránh, khiến nàng tức giận, và quyết phải làm một việc gì đây để chàng hối hận. Trong việc nàng chấp nhận hợp hôn với Chế Mân, bên ngoài ai cũng nghĩ rằng nàng là một người con thuận thảo. Và nàng cũng ý thức được trọng trách mà thượng hoàng trông đợi. Đúng như vậy, Huyền Trân cảm nhận được việc làm thiện, đức của vua cha, nên nàng tự nguyện gánh lấy phần việc mà vua cha phó thác. Nhưng trong sâu thẳm của suy tư, nàng ra đi còn là một sự trêu tức, một sự trả thù đối với Trần Khắc Chung. Không những thế, thái độ của nàng, còn là một sự thách thức đối với triều đình. Chính việc triều đình ngăn cản lại là một cái cớ đẩy nàng tới quyết định dứt khoát. Dù sao thì Huyền Trân cũng không tránh khỏi được chuyện thường tình nhi nữ. Đôi lúc nàng giật mình kinh sợ vì chuyện phải xông pha ngàn dặm tới một xứ sở mà ở đấy đầy rẫy sự phản trắc và thù hận. Chính cái buổi xông vào dạ yến để tìm Trương Phóng - một thám hoa lang mà nàng tưởng sẽ là dịp để nàng từ hôn với Chế Mân. Nhưng khi trông thấy vị thám hoa, nàng đã có ngay một cảm giác khó chịu. Không hiểu sao, nàng cứ nghĩ rằng khuôn mặt của Trương Phóng được đắp đầy sáp. Đó là một thứ mặt nạ hóa trang. Vậy là nàng quyết về Chiêm, nhưng với tâm trạng hoang mang rối bời. Cuối cùng, để trấn an, nàng tự nhủ: tử sinh hữu mệnh!

Trong khi công chúa đang đắm chìm vào suy tư và hồi ức, thì Bích Huệ và Thúy Quỳnh ở dưới khoang thuyền cũng rí ráu trò chuyện. Giống như cô chủ mình, hai cô thuần ôn lại các chuyện cũ trong cung cấm. Những gương mặt quen thuộc trong các đài, sảnh, viện cũng được các cô nhắc tới. Dường như chưa thể dứt được cái tình của mình với mảnh đất quê hương. Với các cô, từ nay trong ký ức, Thăng Long choán một chỗ cực lớn, Thăng Long sẽ là quê hương của quê hương.

Như chợt nhớ ra một điều gì quan yếu. Bích Huệ rướn người về phía trước làm ra vẻ hệ trọng, nàng nói:

- Chị Thúy Quỳnh ơi, chị không tin thì thôi nhé. Cảnh tiễn đưa công chúa hôm nay, em đã mơ thấy từ năm năm trước rồi. Cái bữa em với chị đi theo công chúa về Thiên Trường ấy, chị còn nhớ chứ? Tức là đúng cái đêm đầu tiên ở Thiên Trường về Thăng Long, em mơ thấy cảnh công chúa và chị em mình bị người ta dồn xuống thuyền. Nghĩa là buộc phải ra đi, cứ như là bị ép ấy. Em sợ quá, hét lên cơ mà. Lạ nhỉ, chị Thúy Quỳnh. Đã bao giờ chị mơ như thế chưa?

- Ừ lạ thật, làm sao lại có thể mơ thấy một cảnh từ trước năm năm. Mà chị nhớ được rõ ràng như thế cũng là chuyện lạ đấy, chị Bích Huệ ạ. Em ấy à, mơ luôn đấy, nhưng vừa tỉnh giấc đã quên tịt không biết là mình mơ cái gì nữa.

Cả một đêm thao thức, nghĩ ngợi triền miên hết việc nhà đến việc nước, rồi biết bao cảnh núi sông hùng vĩ cứ hiện lên rõ mồn một trong tâm trí, lại cảnh đêm trên biển mới đẹp làm sao, Huyền Trân bèn lấy giấy bút làm thơ. Gần sáng, công chúa đã viết tới chục bài thơ ức sự và thơ tức cảnh. Mệt quá, nàng thiếp đi.

Qua hai ngày đêm, đoàn thuyền vào tới cửa Hội. Quan quân neo thuyền lại cho mọi người lên bờ nghỉ ngơi. Hòa thượng sửa sang áo mũ sang thuyền công chúa vấn an. Sau một hồi thăm hỏi và căn dặn lại công chúa phải giữ gìn sức khỏe, chăm sóc dung nhan, hòa thượng nói:

- Trình công chúa, nếu xuôi gió thì chỉ sớm ngày kia là hết vùng biển Đại Việt. Theo như sở vọng của công chúa, người sẽ đi bộ trên vùng đất hai châu?

Vừa lúc đó, viên quan hướng đạo người Chiêm cũng vào phủ phục tâu:

- Muôn tâu đức bà chí kính. Chỉ tới ngày kia là đoàn thuyền của đức bà sẽ tới miền địa đầu của Chiêm quốc.

Nghe giọng nói líu ríu như tiếng chim của người Chàm, công chúa suýt bật cười. Nàng gật đầu nói:

- Ta biết. Khanh gắng làm tròn phận sự, ta sẽ có ban thưởng. Khi đoàn thuyền nhổ neo đi tiếp thì lòng dạ công chúa bồi hồi đến xao xuyến. Nàng tươi cười trò chuyện rồi chơi bài với đám tì nữ. Ấy là những nét vui đang biểu hiện ra ngoài, còn trong lòng công chúa đang xốn xang hướng về miền đất mà vì nó nàng phải xông pha. Nhưng nghĩ nhiều hơn cả là về đấng phu quân.

Công chúa đã vẽ qua trí tưởng tượng của mình khá nhiều lần khuôn mặt của Chế Mân, nhưng chưa lần nào trọn vẹn. Có lần nàng đã suýt thành công, nhưng rồi có một nét gì đó mờ mờ cứ loang dần loang dần, và ập một cái xóa đi toàn bộ bức chân dung nàng vừa phác họa ở trong đầu. Công chúa cứ vẽ đi vẽ lại như vậy với sự kiên nhẫn của một con dã tràng. Lại đêm xuống, công chúa thiếp đi trong giấc ngủ ngon lành. Trong mơ, nàng thấy đức lang quân hiện ra với những nét hao hao giống như nàng đã tưởng tượng. Và cuộc tiếp rước vào đất Chiêm long trọng không thể nào tả xiết. Giấc mộng đang đằm thắm nàng bỗng mơ hồ nhận ra tiếng trống quen thuộc. Tiếng trống cứ rõ dần rõ dần, làm công chúa tỉnh hẳn. Nàng ngồi dậy và nhận ra tiếng trống hakăr prong (Trống cái có giá treo, giống như trống đại lược của Đại Việt) từ đoàn thuyền đi trước. Công chúa tự nhủ: “Sắp vào đất Chiêm”.

Bình minh rực hồng từ mạn biển phía đông. Công chúa vội đánh thức đám tì nữ. Việc đầu tiên của họ là trang điểm. Ánh bình minh lan nhanh trên mặt biển. Vầng thái dương như một quả cầu lửa khổng lồ càng lên cao, màu đỏ càng nhạt dần và cuối cùng chỉ còn là màu sáng chói. Bỗng một tiếng nổ rầm trời, rồi người ta thấy hiện ra một đoàn thuyền rồng trắng toát, những cánh buồm đỏ thắm no gió căng phồng, đang phăng phăng rẽ nước tiến về phía đoàn thuyền Đại Việt.

Ai cũng biết đó là đoàn thuyền do Chế Mân phái đi đón Huyền Trân. Chừng nửa giờ sau, hai đoàn thuyền đã gần nhau. Mắt thường cũng trông thấy lá cờ hiệu trắng toát của đoàn thuyền Chiêm Thành, trong đó thêu tên hiệu của nhà vua bằng chữ đỏ: “ Yaya Sinhavarman III”.

Đoàn thuyền của Đại Việt sơn đỏ, buồm trắng như màu nắng, cờ hiệu cắm trên thuyền công chúa thêu chữ TRẦN màu vàng trên nền đỏ. Khi hai đoàn thuyền sát nhau thì đoàn thuyền Chiêm nhất loạt nổi nhạc. Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng đàn, tiếng sáo làm rộn lên cả một vùng biển đẹp. Nhạc vừa dứt, đoàn thuyền Đại Việt đốt pháo lễ. Những tràng pháo dài tù các thuyền nổ ròn rã, khói bốc xanh nhuốm lam cả những cánh buồm. Xác pháo bay đỏ rực một vùng biển. Hòa thượng Du Già là người làm mai xúng xính trong bộ áo cà sa màu vàng, đội mũ hoa sen đứng ra mũi thuyền vái chào đoàn thuyền Đại Việt. Hòa thượng Minh Thái vận giống như hòa thượng Du Già (Y phục của hai hòa thượng giống nhau là bởi cùng theo một trường phái đạo - phái Phật giáo Đại thừa), tiến ra mũi thuyền đáp lễ. Thi lễ xong, hai đoàn thuyền song song tiến về phía bờ biển - nơi biên giới đất liền giữa hai nước.

Thuyền vừa cập bến, công chúa như hoa mắt về cờ xí, như ù tai về tiếng trống, tiếng kèn, tiếng pháo. Ngay từ lúc còn ở dưới thuyền, công chúa đã tự nhủ: “Phải thật bình tâm”. Thế nhưng lúc này lòng dạ lại cứ bề bộn. Mọi thứ đều tối mò, đều bù rối như một mớ bòng bong. Nhớ lời lão Thái dặn: “Nếu khi nào trong người tỏ ra mệt mỏi hay rối trí, hãy hít thật sâu rồi thót bụng thở ra chầm chậm. Tự nhiên trong lòng sẽ được thư thái”.

Vừa bước đi, công chúa vừa hít thở như lão Thái chỉ bảo. Quả thật nàng cảm như mình vừa được tiếp thêm sức mạnh. Đầu óc lại sáng tỏ như thường.

Công chúa vừa ló ra khỏi khoang thuyền, tiếng xôn xao và cả tiếng nhạc tắt hẳn. Không gian im phắc, lại càng tôn cái mênh mông của biển, cái bao la vô tận của rừng. Nàng vừa định thần toan bước tiếp, chợt ngửng nhìn lên bờ thấy kiệu của nhà vua vừa dừng. Một chiếc kiệu vàng chói như đúc bằng vàng ròng, được bảy chiếc lọng trắng rủ tua vàng che nắng ở phía trên. Một người cao lớn từ trên kiệu bước xuống, mình vận áo bào trắng, quần chẽn trắng. Ngoài khoác áo giáp đan bằng sợi vàng. Chân nhà vua đi đôi hia đen thêu chim thần Garuda bằng vàng. Ngang bụng, thắt chiếc đai ngọc, bên hông đeo thanh bảo kiếm khắc hình thần Ganesa (Thần đầu voi, mình người, tượng trưng cho sức mạnh) dài gần quét đất. Vỏ kiếm bằng vàng, chuôi bằng ngà voi nạm hồng ngọc. Trên đầu, nhà vua đội chiếc mũ trụ bằng vàng chóp nhọn. Đỉnh chóp đính một viên kim cương to bằng quả trứng chim sâu, luôn tỏa ra thứ ánh sáng bảy sắc như ánh sáng cầu vồng. Nhà vua có khuôn mặt trẻ, đôi mắt nâu, ánh lên những tia sáng lấp lánh như có thần nhãn. Nước da sạm như một người dạn dày sương gió. Cốt cách nhà vua toát lên vẻ hào hoa phong nhã, oai nghiêm, đường bệ của một người văn võ toàn tài. Nhà vua săm săm đi về phía mạn thuyền, vừa lúc công chúa từ mũi thuyền bước lên. Nàng hơi ngước nhìn nhà vua rồi lại cúi xuống, lưng hơi khom, hai tay chắp lại:

- Thần thiếp xin cúi chào bệ hạ. Chúc bệ hạ trị vì muôn năm trên đất nước tươi đẹp của người. Công chúa nói bằng tiếng Chàm, với một bộ điệu tao nhã, và giọng nói trong trẻo lạ thường. Vị quốc vương của đất nước chan hòa ánh nắng lúc đầu không tin ở mắt mình, và sau đó ông cũng không tin ở hai tai mình nữa. Mắt ông nhìn thấy không phải một con người trần thế mà là một nàng tiên. Ông đã đi khắp vương quốc ông trị vì, chưa bao giờ ông được nhìn thấy một người con gái kiều diễm như thế. Biết bao thương nhân nước ngoài dã dâng cho ông gái đẹp; cả các sứ giả người Nguyên cũng đưa con gái Trung Hoa sang làm quà biếu. Nhưng tất cả chỉ là một lũ dơi. Chúng còn chưa thể so sánh với hoàng hậu Tapasi của ông, chứ nói gì đến nàng tiên Đại Việt này. Điều kinh ngạc nữa là nàng còn nói được cả tiếng Champa, như những người Champa quý tộc. Phải chăng nàng là hiện thân của nữ thần Áp-xa-ra (Nữ thần múa)? Đức vua để tay lên trái tim mình và ông thầm xin với thần Shiva (Thượng đẳng thần trong tôn giáo Bà-la-môn): “Lạy đức Shiva toàn năng, người hãy cho con sự bình tĩnh và sáng suốt”.

Sau mấy giây định thần, vị quốc vương Chiêm Thành vội vàng tiến về phía công chúa Trần Huyền Trân, ông khẽ nghiêng mình và mỉm cười chào nàng. Dường như để kiểm xét xem nàng có nói được tiếng Champa hay người ta chỉ dạy cho nàng học thuộc lòng được vài câu giao tiếp.

Nhà vua hỏi nàng:

- Hải đạo xa xôi, sóng gió bất thường, chẳng hay ngọc thể công chúa có được bình an?

Huyền Trân chưa kịp trả lời, Chế Mân lại hỏi:

- Ta nhận được thông điệp của công chúa, nên vội vã tới ngay. Đường xa chỉ sợ trễ. Mong công chúa thứ lỗi.

Công chúa chắp tay đáp lễ, nàng nói:

- Tâu bệ hạ, nhờ hồng phúc của bệ hạ, thần thiếp và mọi người đều được bằng an.

Ngừng một lát, công chúa ngửng nhìn thấy nhà vua tươi cười, ông chăm chú nhìn và lắng nghe từng lời công chúa nói. Lấy làm yên tâm nàng lại tiếp:

- Làm nhọc lòng bệ hạ, thần thiếp thật đắc tội.

Chế Mân cười thành tiếng. Giọng cười của ông oang oang như tiếng chuông. Chỉ có những người có tấm lòng trung hậu, thẳng ngay mới có được tiếng cười đó.

- Nhọc lòng ư? Không phải đâu. Đó là ân sủng đầu tiên nàng ban cho ta. Ta phải cảm tạ nàng nhiều lắm.

Tới lúc này Chế Mân không còn nghi ngờ rằng công chúa chỉ học thuộc lòng vài câu xã giao, mà nàng đã thông thạo tiếng Champa.

Cũng tới lúc này, Chế Mân mới đủ bình tĩnh để ngắm nàng.

Công chúa có khuôn mặt dễ thương như đóa bạch trà hé nở. Chiếc mũ nàng đội mớii duyên dáng làm sao. Đó là cả một công trình nghệ thuật của những người thợ dệt và thợ kim hoàn. Màu sắc hài hòa lại điểm thêm chín viên hồng ngọc kết giả thành chín chiếc nhụy hoa. Ánh sáng từ chín viên hồng ngọc tỏa ra, làm khuôn mặt nàng nhuốm một màu hồng phớt, khiến đôi má nàng hây hây mà không một thứ trái đào nào, dù là đào tiên, có thể so sánh được. Công chúa vận một chiếc áo dài trắng, thêu những con phượng trắng đang múa, mắt phượng được đính bằng những hạt kim cương nhỏ xíu, sóng sánh ánh mặt trời. Cả quần và hài của công chúa cũng một màu trắng, và điểm những viên kim cương nhỏ xíu cực khéo. Nơi cổ là một chiếc vòng ngọc bích. Toàn bộ y phục và trang sức của công chúa là cả một kỳ công tuyệt sảo của những người thợ thủ công Đại Việt. Nhưng tất cả những cái đó, cũng chỉ là một thứ nền bình dị. Không hiểu vì sao cứ nhìn vào công chúa, là người ta có cảm giác, từ khuôn mặt nhân ái kia, đôi mắt trong vời vợi kia, và từ nơi trái tim đôn hậu kia phát ra cái đẹp hồn nhiên, có sức rung động tất cả những tâm hồn trong sáng.

Chế Mân bàng hoàng, không hiểu niềm phúc hạnh từ những kiếp nào kết tụ lại, khiến cho cuộc đời ông có duyên may được gặp một nàng tiên trên cõi đời này. Ông tự reo lên ở trong lòng: “Ôi đóa bạch trà kiều diễm của ta!”.

Chế Mân bước sóng đôi cùng công chúa và dẫn nàng về kiệu. Nhà vua và công chúa đi trong tiếng nhạc rung, tiếng hô vang dội: “Đức vua vạn tuế!” của các quần thần đi đón. Nhà vua mời công chúa lên ngự trong chiếc kiệu dành cho hoàng hậu. Vua cùng đoàn tùy tùng trở về dịch đình.

Ngồi trong kiệu, công chúa vén rèm nhìn quang cảnh bốn phía. Một bên là trời và biển, còn một bên bạt ngàn là rừng rậm. Công chúa đã để ý, không thấy một chòm xóm, một nhà dân nào. Thỉnh thoảng lắm mới bắt gặp một đồn canh biên ải, một trạm đổi ngựa với một tốp lính lèo tèo. Đường sá gập ghềnh, nhiều đoạn phải xuống kiệu, đi cáng. Huyền Trân tự hỏi: “Phải chăng Thánh tông từ năm Ất dậu để đổi lấy tự do?”.

( Người Chiêm có lực lượng hải quân mạnh, thường ra cướp phá vùng châu Hoan, châu Ái (Thanh - Nghệ). Nhà Lý tốn nhiều công sức đánh dẹp. Năm ất dậu (1069) đích thân Lý Thánh tông chỉ huy cuộc thảo phạt này, bắt được vua Chàm là Chế Củ. Để đổi lấy tự do,Chế Củ xin dâng vùng đất Việt Thường cũ. Miền đất này sau trở thành miền đất tranh chấp kéo dài hơn hai trăm năm từ 1069 đến 1306. Đất ấy cùng với vùng đất phụ vào làm sính lễ của Chế Mân kéo tới cả vùng Thuận Hóa).

Từ bấy tới nay, trải hơn hai trăm năm tranh chấp. Máu người Việt, máu người Chàm đã bao phen thấm mảnh đất này. Công chúa ý thức đầy đủ với sứ mệnh vua cha trao cho, là phải chấm dứt cho bằng được mọi mầm mống dẫn tới can qua giữa hai nước…

Một thoáng công chúa lại nghĩ về Chế Mân. Nàng phải tự thú nhận rằng, Chế Mân là mẫu người mà nàng mơ ước, và đã có lần trong tưởng tượng nàng đã vẽ suýt thành công bức chân dung vị hôn phu này. Còn đang miên man nghĩ, kiệu đã tới dịch đình. Chế Mân xuống kiệu, đón công chúa vào nghỉ tạm trong quán dịch.

Vừa xuống kiệu, công chúa đã sai lũ tì thiếp, thiết lập hương án giữa trời, để nàng vọng bái tổ tiên. Bích Huệ vừa đốt xong đỉnh trầm, khói thơm ngào ngạt. Hướng về phương Bắc, công chúa ngửa mặt vái trời ba vái, rồi nàng cúi đầu lầm rầm khấn khứa tổ tiên.

Chế Mân bước sát theo công chúa, nàng làm thế nào, ông cũng bắt chước làm theo với vẻ thành kính. Duy có việc nàng khấn tổ tiên bên Đại Việt thì ông không biết nói điều gì.

Công chúa lễ xong, hòa thượng Minh Thái đọc một bài kệ, cầu cho non sông Đại Việt trường tồn. Ông còn đọc một bài kệ cầu siêu cho vong hồn binh sĩ Đại Việt, đã bỏ mình trên mảnh đất này từ hơn hai trăm năm được siêu thoát. Tiếp đó, cả đoàn tùy tùng vào lễ. Nhà sư Du Già cũng đến trước bàn thờ nghiêng mình vái ba vái.

Thấy quốc vương và hòa thượng cùng kính cẩn nghiêng mình trước bàn thờ, các quan đại thần đi theo hộ giá cũng làm theo.

Ngoái trông về phương Bắc - nơi biên cương của Đại Việt chỉ cách có nửa ngày đường, công chúa thấy lòng bồi hồi xúc động. Nàng biết, mai đây vùng đất bao la này, cũng sẽ trở về với mẹ hiền Đại Việt một cách êm thuận. Các quan chức Đại Việt sẽ đến đây trị nhậm. Dân Đại Việt sẽ đi vào vùng đất Việt Thường xưa cũ. Và nàng sẽ xin với Chế Mân, nếu như con dân người Chàm, ai muốn ở lại mảnh đất quê hương mình, nhà vua cũng nên rộng lượng. Sao cho tình Chiêm-Việt chan hòa, muôn đời giao hảo.

Khi mọi người đã tề tựu trong quán dịch, nhà vua long trọng tuyên cáo: ‘Bắt đầu từ giờ phút này, công chúa Huyền Trân chính thức là phu nhân của trẫm, và tước vị của nàng sẽ là hoàng hậu, tên hiệu của hoàng hậu là Paramecvari. Hoàng hậu Paramecvari sẽ cùng với hoàng hậu Tapasi làm mẫu nghi thiên hạ. Nói xong, nhà vua sai viên hàn lâm phụng chỉ, thảo ngay tờ chiếu để nhà vua ký và đóng dấu ấn, rồi bố cáo cho thần dân trong nước thảy đều biết.