Thái sư mỉm cười rồi vuốt chòm râu bạc dài tới ngực, ông dịu dàng hỏi Huyền Trân:
- Cháu thấy việc học hành khó lắm sao?.
Giọng nũng nịu, công chúa thỏ thẻ nói với thái sư:
- Cháu có nói việc học hành khó đâu. Cháu chỉ muốn nói cái tiếng Chàm ấy, sao mà nó kỳ cục, nó trủng trẳng rất khó nghe. Người mình chỉ nói một tiếng họ phải nói mấy tiếng. Ví như nói về các con vật. Ta bảo: ngựa. Họ nói: a theh (a thé). Dê: pa pề. Lợn: pa pùi. Gà trống: mơ nụ kho. Gà mái: mơ nụ pì nài. Đến các chữ của họ mới buồn cười. Chữ gì mà ngoằn ngoèo cứ như là con giun uốn khúc, hoặc như các đường dế dũi. Nhưng làm thế nào, thượng phụ bầy cho cháu cách học để mau biết nhất, có được không?.
Thái sư cười rung cả chòm râu trước ngực, nom ông hiền từ như một vị tiên. Ông nói:
- Hồi mới học tiếng các nước, ta cũng học như cháu. Cũng lăn lên lộn xuống mãi chẳng nói, chẳng viết được. Ta đã định bỏ không học. Nhưng mỗi lần tiếp sứ nước ngoài như người Tống, người Mông Cổ, người Chà-và, người Lão Qua, khổ về cái việc tìm thông dịch. Nếu không, lại phải bút đàm. Mà bút đàm thì thông qua chữ Hán. Có phải người nước ngoài nào cũng biết chữ Hán cả đâu. Bút đàm chậm lắm. Viết cả buổi không hết một ý mình muốn nói. Ta chỉ nghĩ đến lợi ích của quốc gia nên ta phải học. Cứ học thật tinh tường một thứ tiếng ngoại quốc, khi đó học sang một thứ tiếng khác rất nhanh, cháu ạ. Cháu bảo ta chỉ cho cháu con đường nào nhanh nhất hả? Trong học vấn không có đường tắt. Nhưng con đường dài ngắn là ở nơi cháu. Không ai học thay cháu được. Vậy là nếu ta dậy cháu một giờ, cháu phải học bốn, năm giờ. Phải biến được sự hiểu biết của ta thành hiểu biết của cháu. Cháu phải tận tâm tận lực học như người xưa nói: "Học như trác như ma, như thiết như tha, như…". Học vất vả khổ sở là thế, nhưng lại không được nóng vội. Phải dần dã như một đứa trẻ tập nói. Cháu phải tâm niệm một điều rằng, cháu không thể không biết tiếng Chàm trước khi về xứ Chàm. Cứ chịu khó học đi một vài tuần nữa, ta sẽ đưa ít người Chàm về đây hầu hạ cháu. Hàng ngày chung sống với họ, cháu sẽ tập nói mau hơn. Rồi cháu sẽ thấy tiếng Chàm, và cả ngôn ngữ lẫn văn tự, chẳng khó lắm đâu.
- Ôi nếu quả như lời thượng phụ dạy bảo thì cháu sung sướng quá. Nhưng phụ hoàng cháu lại bảo, cháu còn phải học nhiều thứ lắm.
- Đúng như phụ hoàng cháu dạy bảo. Cháu không phải là một người con gái thôn dã đi lấy chồng dị tộc, mà là bậc cao sang quyền quý của một quốc gia có nền văn hiến cao. Vậy trong những dịp tết lễ của Chiêm quốc, người ta trình diễn âm nhạc, ca vũ cung đình, ca vũ dân gian, cháu không biết thưởng thức thì làm thế nào? Muốn thưởng thức được thì phải hiểu biết. Muốn hiểu biết thì phải học. Lại tới những dịp tết, lễ của Đại Việt ta, có khi cháu cũng phải lo thết khách trong triều ngoài nội. Thế là cháu phải biết ca, vũ, nhạc của Đại Việt ta nữa. Phải có một ban hát với những vũ nữ, nhạc công, nhạc khí của dân tộc mình, và chính cháu phải đứng ra điều hành chứ. Thành thử cháu cũng phải hiểu biết tường tận về âm luật và vũ đạo dân tộc. Lại cả những món ăn cao quý, những trò dân dã của Đại Việt ta, cháu cũng phải am tường. Với người con gái khác, chỉ cần biết một, riêng với cháu, cái gì cũng phải biết hai, ba mà phải biết tới mức thông thạo. Khó đấy cháu ạ. Học tập rèn dũa cho tường tận bằng ấy thứ, có đầu óc thông tuệ, sức lực dồi dào, cũng phải mất vài ba năm. Ta chỉ ngại, chưa lo cho cháu được đến nơi đến chốn, mà bên Chiêm đã vội sang cầu hôn thì lỡ hết.
Huyền Trân cảm thấy nỗi băn khoăn của thái sư có phần hơi quá. Nàng hỏi luôn:
- Lạy thái sư thượng phụ, người lo cho cháu nhiều thứ quá. Với đầu óc quê mùa thế này, cháu làm sao mà thâu nhận hết được!.
Thái sư nói với giọng nghiêm trang có pha phần lo lắng:
- Ta nói rồi. Cháu không phải là một thôn nữ đi lấy chồng làng. Cháu về Chiêm là mang theo cả quốc hồn, quốc túy và quốc thể nữa. Bởi thế bắt buộc cháu phải thông tuệ như một bậc trí giả. Riêng về phần thi, thư, lễ, nghĩa, cháu học, hiểu như thế là được, ta tạm yên tâm. Còn về các mặt khác, nhất định ta đòi cháu phải tận dụng mọi thời gian và cơ hội để mà học. Chẳng hay ý cháu ra sao?.
- Bẩm thượng phụ, cháu xin một lòng một dạ nghe theo lời dạy của thượng phụ.
Từ sau bữa Tá thánh thái sư Trần Nhật Duật giáo huấn cặn kẽ, công chúa để tâm học hành cẩn tắc lắm. Mới có ba tháng tròn mà nàng đã hội thoại tiếng Chàm được với thái sư. Nàng có giọng nói uyển chuyển, lại có khuôn mặt hơi tròn, mũi thẳng, nom nàng cũng có vẻ hao hao giống các Chiêm nữ, được tạc thành hình vũ nữ dưới chân các bệ đá thờ tượng thần Shiva. Công chúa Huyền Trân là một người thông tuệ. Về mặt thi, thư, lễ, nghĩa nàng xướng họa, giao tiếp với bất cứ lứa lớp nào cũng không sợ đuối kém. Nhưng còn các mặt ca, vũ, nhạc nàng thật sự chưa am tường lắm.
Việc dạy dỗ công chúa, thượng hoàng giao hẳn cho thái sư lo liệu. thái sư cũng vừa đưa một vũ nữ đã luống tuổi, cùng một bầy Chiêm nữ từ thôn Bà Già bên Kinh Bắc về, để giúp rập thêm vào với việc học tiếng Chàm, và học nghệ thuật ca, vũ, nhạc của công chúa. Ngay từ phút đầu, công chúa đã làm bà vũ nữ già kinh ngạc. Trông thấy Huyền Trân lộng lẫy trong bộ y phục Chàm, lại chào hỏi bằng thứ tiếng Chàm gốc mà từ mấy chục năm nay, bà mới được nghe lại. Bà có cảm giác như những kỷ niệm quê hương thời thơ trẻ vừa được thức dậy trong lòng. Bà thấy cả vị mặn chát của nước biển quê hương, và nắng trải vàng như mật rải khắp cả một miền quê bao la, quanh năm ấm, sáng. Bà sụp xuống ôm lấy chân công chúa, gạt hai hàng nước mắt, ngửng nhìn nàng và khe khẽ hỏi bằng một thứ tiếng mẹ đẻ, không hề có chút pha tạp một chất giọng nào khác, mặc dù bà đã ở mấy chục năm ròng trên đất Đại Việt.
- Có phải công nương được đưa sang triều cống cho Đại Việt? Dám xin công nương cho già này biết được cội nguồn của công nương bên Chiêm quốc, họa may ta nhận được ra nhau. Xin công nương đại xá cho kẻ bé mọn này có hơi tò mò - Chẳng hay phẩm cấp của công nương, khi về làm dâu Đại Việt thuộc hàng thứ thế nào?. Trong lời nói, nhất là trong cử chỉ và ánh mắt bà Chiêm vũ già, bộc bạch hết nỗi cảm thông của mình với số phận của vị công nương mà dưới con mắt bà, được xem như đang ở vào tình huống bất hạnh. Dường như trong sâu thẳm của hồn bà, còn bộc lộ cả nỗi xót đau cho số phận của đất nước và giống nòi Chiêm quốc.
Huyền Trân là một người nhạy cảm. Nàng hiểu được tâm trạng của bà vũ nữ già, với tất cả nỗi niềm đau xót chân thực mà bà chia sớt - "Thật oái oăm, Huyền Trân tự nghĩ. Mình chỉ muốn tập nói vài tiếng Chiêm mà thái sư thượng phụ dạy bảo cho từ mấy tháng nay. Ai ngờ, bà ta lại tưởng mình cũng là một Chiêm nữ - một vật triều cống. Khá khen thay, bà già là một người yêu quê hương, yêu dòng giống dân tộc bà đến tận cùng xương tủy". Công chúa tự hỏi: "Chẳng hay khi về Chiêm, ta có còn giữ được tấc lòng son với cố quốc Đại Việt như lão bà này?". Nàng lại thầm trả lời: - "Ôi, nếu không giữ được tấc lòng son với nước non nòi giống, thì thà mục nát với cỏ cây chứ còn đeo đẳng làm chi một kiếp sống thừa…". Trong giây lát, nàng miên man với những ý nghĩ chợt đến, dường như nàng quên biến mất bà lão Chiêm đang trò chuyện với nàng.
Bà lão vẫn ngước cặp mắt nhòe lệ, môi mấp máy như đang chờ đón điều gì nơi công nương - người mà bà hy vọng là kẻ đồng tông. Huyền Trân ý thức được điều đó. Và trong lòng nàng cũng đang có sự đắn đo lưỡng lự. Nàng không thể tự lừa dối mình, càng không thể dối lừa một bà lão hiền thục dường kia. Nàng lấy sự thực để giải bày. Vì chân thực là điểm bắt đầu của một tâm hồn trong sáng.
Sau khi được công chúa kể cho nghe hết đầu đuôi câu chuyện, lão bà càng muôn phần kính phục người mà nay mai sẽ trở thành một bậc mẫu nghi Chiêm quốc. Bà cũng không thể ngờ một công nương mặt hoa da phấn, suốt đời ở chốn cung cấm mà lại đủ can đảm đi làm dâu xứ người. Ngạc nhiên hơn nữa, công chúa là con yêu của quốc vương một nước hùng mạnh như Đại Việt, lại ưng thuận làm thứ phi của nước Chiêm Thành bé nhỏ. Lão bà thật sự không hiểu được những điều mà bà thấy và nghe được trong khoảnh khắc mới đây. Nhưng bà tự nhủ lòng, sẽ làm tất cả những gì có thể làm được một khi công chúa có lời sai bảo. Và nếu như được nàng cho phép, bà sẽ theo hầu hạ nàng trở về Chiêm. Tự nhiên bà lại thấy rộn lên một nỗi nhớ quê. Vậy mà đã mấy chục lần các sứ đoàn Chiêm quốc qua thăm, được Đại Việt cho phép hồi hương, bà lại từ chối không về. Bà nhớ cách đây hơn bốn chục năm. Vào khoảng năm Nhâm tí (1252), trước cuộc xâm lấn của người Thát vào Đại Việt chừng năm sáu năm gì đấy. Ngày ấy, bà là vũ công chính trong đội vũ nữ cung đình, dưới triều vua Bố-la-đa. Bố-la-đa là một ông vua của các vua nghệ thuật. Ông yêu ca vũ nhạc đến mức gần như bệnh hoạn. Nghĩa là suốt ngày đêm, ông có thể không ăn uống chỉ ngồi nghe âm nhạc và xem nhảy múa. Bản thân nhà vua cũng là một nhạc công nổi tiếng. Bà nhớ trong ban nhạc của cung đình, hễ có nhạc công nào ốm, là nhà vua lại đích thân kế vào chân đó. Lúc ông đánh đàn kaping(đàn một dây của Chàm) khi ông thổi kèn saranay(kèn bằng gỗ có ba phần: ống loe, thân gỗ, có 6 lỗ thoát hơi cũng là 6 cung bậc, và bộ phận thổi có lưỡi gà), và chơi cả đàn campi(đàn 36 dây). Nhạc cụ nào nhà vua cũng chơi rất điêu luyện. Và chính bà đã cùng nhà vua nhảy vũ khúc tamane hrung(Vũ khúc hoan ca). Hồi ấy bà còn là một thiếu nữ xinh đẹp trong đám vũ nữ của triều đình. Bà cũng còn là người hầu thân cận của hoàng hậu. Cho tới cuộc chinh phạt của Đại Việt tràn vào kinh đô Chà Bàn hồi giữa mùa xuân, đức vua đích thân chỉ huy chiến thuyền, bị thua bỏ chạy.
Quân Đại Việt vào hoàng cung bắt được hoàng hậu và cả đám vũ nữ tì thiếp đưa về Thăng Long. Nghe nói đích thân Trần Thánh tông cầm đầu cuộc thảo phạt này, cốt để người Chiêm không được quấy nhiễu vùng bờ biển giáp ranh và miền đất hai châu Bố Chánh, Ma Linh. Nhưng khi hoàng hậu Bố-đa-la về tới Thăng Long liền tự vẫn. Giận mình là kẻ hầu thân cận của hoàng hậu mà không giữ cho bà được tròn tính mệnh, tới khi bà chết, lại không được theo bà, nên người vũ nữ được cả cung đình sủng ái ấy thẹn với lương tâm, mà từ chối cả việc trở lại quê hương. Gần như cả tuổi trẻ của bà trôi đi chầm chậm với dòng nước sông Thương êm ả. Tuy chầm chậm, nhưng năm tháng đã lấy đi của bà dường như tất cả những gì mà tuổi xuân chắt chiu vun quén. Bà và những người đồng tông, sống trong một ấp trại, được sắp xếp y hệt một ngôi làng của người Chàm bên chính quốc. Tất cả các phong tục tập quán đều giữ nguyên lệ. Ví như nhà ở vẫn làm theo hướng tây. Người chết được thiêu xác. Con cái theo họ mẹ, và quyền biến trong nhà do người mẹ định đoạt. Tất cả những thứ đó, bà vũ nữ già cũng thấy là việc bình thường, khi sống chung lẫn trong một cộng đồng với người đồng tông. Song điều mà bà thích thú nhất là cái cộng đồng bé nhỏ của bà trên đất Đại Việt này, đã sáng tạo ra được một lối hát từa tựa như lối hát múa trong vũ khúc tamane hrung. Theo lối hát này, nam nữ chia thành bè riêng biệt, hát đối đáp nhau. Đêm đêm người Chiêm trong thôn ấp thường ra bờ sông hát. Giọng hát cũng êm êm dìu dịu như dòng nước sông Thương trôi chầm chậm. Mọi người hát về nỗi nhớ nhà, nhờ dòng sông chở tiếng hát ra biển. Biển sẽ đem tiếng hát của những người người con xa quê, để bồi đắp cho xứ sở thêm thịnh vượng.
Dứt dòng hồi ức, bà vũ nữ Chiêm ngước nhìn Huyền Trân, cặp mắt bà như cầu khẩn, như nài nỉ một ân huệ gì đó. Xúc động, công chúa đỡ bà dậy và nói:
- Tôi có nhiều việc cần đến sự dạy bảo, sự trợ giúp của bà, trước khi tôi về Chiêm quốc.
Người vũ nữ già gật nhẹ, mắt bà anh ánh niềm vui.