Hùng Karô

Chương 11

Docsach24.com

ột cái hang hẹp, sâu và dài như cái địa đạo thời chiến mà dân ở đây thường kêu bằng Hang Cổ nuốt gọn lấy hai thằng. Tất nhiên là thằng Khánh đi trước, dáng nó lúc thẳng lúc khom, thỉnh thoảng lại chửi tục một tiếng vì vấp vì chạm. Tối hun hút. Ngọn đèn đất gắn trên trán cũng chỉ hắt được một quầng sáng vàng vọt về phía trước chừng nửa thước. Càng vào sâu càng nhớp nháp, càng đi tới không khí càng ngột ngạt. Bắt đầu thấy khó thở. Lòng hầm hẹp dần có đoạn phải bò thậm chí phải trườn. Đó đây phía trước phía sau có nhiều tiếng ừng ực của sắt thép ngoạm vào đất đá xoáy lèn vào màng tai. Chốc chốc lại vang lên một tiếng nổ mìn phá đá tắc nghẹn như tiếng nấc cụt của thần đất nhưng cũng đủ làm rung chuyển đến tận ngách cuối cùng.

Đến gần, dưới ánh đèn, từng tốp từng tốp người hiện ra, chuyển động, ở trần, nhẫy nhụa, lầm lỳ, hổng hộc. Y hệt những đoàn quân thợ mỏ mà hồi nhỏ một lần tôi đã được chú một đứa bạn vốn là thợ đào lò Cẩm Phả dẫn đi chơi. Chỉ khác kia là đá, than đá còn đây là đất, đất chứa li ti những bụi vàng. Đất bửa xuống ào ào từng tảng từng thớ được nhồi vào thùng vào sọt chuyển lên, kéo ra, xàn xạt, hừ hự như có cả một cơn địa chấn hồng hoang nguyên thuỷ đang xảy ra trong lòng sâu địa tầng.

Trận say cuồng mưu sinh này có khác gì với sự cuồng say của trận giặc. Cũng đổ máu cũng hiếu sát cũng nhào lên tụt xuống, cũng hy vọng và tuyệt vọng tận cùng.

Càng đi hút vào trong hang càng mở ra nhiều xương cá. Mỗi xương cá là mỗi xương vàng. Vàng của đất của trời nằm im lìm ngàn năm, triệu năm trong thế thiên la điạ võng. Mênh mang mênh mang. Nhắm mắt lại, cái máu tham sâu thắm trong tôi như mường tượng ra mình đang tiến vào một khu kho cổ tích toàn vàng bạc châu báu mà sự lấp lánh của nó đang hiện ra chơi vơi, chập chờn, hư ảo như muôn ngàn đom đóm bay.

Bỗng có tiếng gì nghe đổ vỡ đến ầm một cái như hai xe tảị húc đầu vào nhau rồi sau đó là im lặng. Im lặng ma quái. Và tiếp liền là một tiếng người thét toác ra như tiếng thú, đau đớn, lăn tròn, tạo sóng cộng hưởng lan toả khắp hang, méo đi, rú rền, hãi hùng như âm thanh của quỷ. Chắc là lại một sinh mạng nửa ra đi rồi. Tôi thoáng nhợn người. Nhưng phía trước thằng Khánh vẫn bước lầm lì, chẳng tỏ ra thái độ gì như thể cái chuyện này diễn ra là bình thường, ngày nào chả có.

Đến một chỗ có vẻ cao ráo, thoáng đãng hơn một chút, thằng Khánh thả người ngồi phịch xuống, móc thuốc ba số định hút nhưng rồi lại nhét vào.

Tiết học thực địa tạm dừng, giờ là lúc dành cho lý thuyết qua cuộc hỏi đáp giữa lòng sâu ẩm ướt. Nó nói như giảng đạo:

Để ý này, nẹp nào có cả đất, cả cát, cả đá cuội đen là vàng nhiều. Vàng ở đây được định giá là cao tuổi nhất nước, có khi nhất cả Đông Dương, chín tuổi chín. Trữ lượng của nó đo bằng tấn chứ không phải tạ. Cho nên cái anh Pháp là mê cái vùng này lắm, còn vẽ cả bản đồ, sơ đồ gửi về Paris nữa.

Nghe bảo người Pháp ra đi, hang đã bị bỏ quên chìm trong cỏ lậu hàng nửa thế kỷ, vậy ai là người đầu tiên đã tìm ra nó?

Mày hỏi xúc phạm nhỉ?

Ông?

Chả lẽ lại là mày?

Thế thì xin bái phục!

Khi mới đến tao có biết hang hốc gì đâu, chỉ cắm đầu làm thằng cửu vạn nhục như chó. Thế rồi một ông già người Dao do muốn trả cái ơn tao chữa cho cô con gái khỏi căn bệnh sốt rét ác tính đã đưa tao cái bản đồ rách nát, bẩn như hủi ấy. cầm bản đồ, tao một mình lặn lội đúng một tháng, rắn cắn hai lần, sốt rét ba ngày, ngã vực giắt cành cây suýt đi đời, đinh bỏ nhưng rồi lại nghĩ: Hang này là của người Pháp, tức là của dân tộc tao tìm ra thì tao, một hậu duệ của người Pháp phải bằng mọi giá để tiếp tục khai thác và thụ hưởng nên chỉ có một con đường là đi tới cùng. Mãi rồi cũng tìm ra.

Hang này dài bao nhiêu?

Không biết nhưng muốn đi hết phải mất hai ngày hai đêm.

Ông đi hết chưa?

Rồ à? Làm cái gì cũng vậy, đi một biết mười.

Nó lại dạy dỗ mình rồi. Tôi cười nhạt trong bóng tối nhá nhem, vậy thì cho mày dạy tiếp:

Trong này hàng ngày thường có bao nhiêu người đào đãi?

Toàn Bưởng.

Là bao nhiêu?

Bưởng có từ hai trăm đến hai trăm ba mươi mạng tùy theo thời vụ, tỷ lệ là cứ một thằng ở trên phục vụ cho hai thằng ở dưới, vậy trong hang lúc nào cũng là trên một trăm rưởi, ở trên năm chục làm bảo vệ, vận chuyển, nấu nướng.

Cả vùng có bao nhiêu Bưởng?

Mày hỏi vùng nào? Nếu tính cả dãy làng Tòi dọc theo sông và các bãi mới hình thành thì phải hàng trăm, dân số lên hàng chục ngàn, hàng triệu, bằng cả số dân một tỉnh. Còn tính riêng khu bản Than này chỉ có chục Bưởng.

Và Bưởng ta lớn nhất?

Nói lớn không đúng (Lại chỉnh sửa) mà phải nói là hùng mạnh, là hoành tráng nhất. Còn các Bưởng khác chỉ là vệ tinh, là chư hầu, là tầm gửi, là ăn theo. Rõ chửa?

Chưa rõ! Đã gọi chư hầu là phải cống nạp chứ?

Vậy mày mới ngu! (Ái chà, nó bắt đầu chửi mắng mình rồi đấy, không sao) Quan hệ các Bưởng là quan hệ cá lớn nuốt cá bé. Không ai bắt nó cống nạp nhưng phải biết phận. Phát hiện ra miếng nào béo bở ngon ăn, tốt nhất là đừng có tranh giành mà có tranh cũng chả nổi. Chỉ một đêm là chỗ đó thành chiến địa và đêm sau tự khắc thuộc về mình. Còn nhân công? Mình đang cần quân để khai thác một vỉa mới, thương lượng, thương lượng không xong thì vây bắt. Nếu giở trò chống trả là ăn đòn đủ, thậm chí sạt nghiệp, bán sới. Chỉ cần vài thằng bưởng bị biến mất hay bị cáng vào trạm xá là những thằng khác đố dám ho he. Hồi đầu năm nếu mày lên sớm thì sẽ được chứng kiến một trận thư hùng có một không hai xảy ra giữa các Bưởng. Quần nhau suốt ba ngày ba đêm, súng nổ như vãi trấu, người chết không kịp chôn. Ba cái biệt danh tầm bậy như Thần Chết, Vua bãi... gắn với tao từ sau cú đó - Ngáp một cái rõ to, một cái ngáp chả ra vua ra thần tẹo nào - Hỏi gì nữa không? Về! Bắt đầu thèm bắn vài bi rồi đây.

Còn. Chém giết nhau dữ dội vậy mà công an, chính quyền họ cứ để yên?

Chả để cũng chẳng được. Bắt đầu họ quyết định giải toả, rùng rùng kéo lên gọi loa, đặt cự mã, phân loại, vung dùi cui muốn thiết lập trật tự, ra quy chế thuế má nọ kia gắt gao dữ lắm nhưng miết rồi, phần thiếu lực lượng, thiếu cả kinh phí, phần dân bãi hầu hết là cứng đầu cứng cổ, coi chết sống như bèo bọt, thì đó, đã có một ông đồng chí không hiểu vô tình hay cố ý thế nào mà bị xơi đạn vào giữa ngực, đưa được xuống phố thì chết, nên họ cũng nản, bàn tay pháp luật lỏng lẻo dần rồi buông trôi, giao cho từng Bưởng tự quản, hàng tháng xuống nộp thuế, đóng môn bài. Hồi ấy, nếu mày nghe đài, mà cái đầu đất của mày có bao giờ chịu nghe, chính thằng BBC cũng phải đưa tin nhắn lên là một tỉnh phía bắc Việt Nam đang có bạo loạn, oách không?

Quá oách! - Tôi đưa đà - Nhưng sao bây giờ mọi việc có vẻ yên ắng đâu vào đấy thế?

Sau, họ đưa cả quân đội, cả lính đặc công lên mới dẹp yên được. Rắn mặt với ai còn khả dĩ, rắn mặt với quân đội là chỉ có mà bốc cứt. Đến Mỹ đến Tàu họ còn chả ngán nữa là ba cái thằng cùn này. Thì mày cũng là bộ đội, mày còn lạ gì. Nhưng cũng chỉ là yên giả vờ, có dịp lại bùng lên cho mà xem.

Vừa rồi ông nói đến thuế? Vậy thuế nộp theo kiểu nào?

Theo đầu người, cố định, một người một tháng năm phân, dù đãi được nhiều hay ít.

Còn nội bộ mình, trả lương hay trả theo năng suất?

Hắn cười ục một cái, phủi đít đứng dậy:

Mày càng nói càng ngu. Có khi phải xem lại cái chức phó Bưởng Trưởng sắp tới của mày có nên không?

Thì có ngu mới phải học thầy chứ.

Tôi nói mà không tin ở cái giọng nhẫn chịu đến hèn hạ của mình nữa. Thây kệ! Qua sông đấm b... vào sóng. Chấp nê làm gì. Ngày xưa Phạm Lãi còn phải nếm phân Câu Tiễn để mưu đại sự kia kìa.

Được thể, thằng con giời càng cao giọng, mà của đáng tội, nó cũng đáng để cao giọng thật:

Năng suất cái con mẹ. Đây không phải là chủ nghĩa xã hội, là doanh nghiệp nhà nước mà năng suất với chả năng... cái con cặc…. Trả lương đàng hoàng. Mỗi thằng mỗi tháng tao trả nửa chỉ, trúng quá đậm, tức là vàng về nhiều, cho thêm vài lai, thế thôi. Trả nhiều, chúng tưởng dễ xực, sinh nhờn. Thằng nào lười nhác, cáo ốm cáo bệnh, hoặc ăn cắp ăn nhặt, phát hiện ra, tao trừ sạch, nếu cần tống cổ về. Mẹ, về nhà có ăn cướp cũng chả được nổi một chỉ một tháng.

Thế một tháng tổng thu của toàn Bưởng hai trăm nhân mạng là bao nhiêu? Một trăm cây, một ngàn cây hay hơn nữa và trong cái trăm cây ngàn cây đó, mày và con nhân tình hoang dại của mày nhét túi được bao nhiêu? Bao nhiêu? Tôi định thả một câu hỏi sát ván như thế nhưng nghĩ sao lại thôi. Tốt nhất là đừng dại chọc vào cái thùng diêm sinh ấy lúc này,mất cả chì lẫn chài như chơi.

Tôi đứng dậy, đến lượt chính mình ngáp một cái to không kém:

Về! Nghe mỗi lúc một tý chứ nhét một lúc cả cục thế này vỡ mẹ nó đầu ra mất.

Còn là vỡ nhiều nếu muốn trụ được ở đây, nhóc ạ!

Mẹ! Bây giờ lại là nhóc nữa kia đấy. Tốt thôi.

Lên đến mặt đất, gió nắng ùa vào tỉnh cả người. Để ý thấy cái bóng chật chội của thằng Khánh xuất hiện đến đâu là ở đó tất cả cứ rạp xuống, rúm ró đúng theo kiểu thần dân rạp mình trước hoàng đế Ai Cập như tôi đã được coi trong phim.

Đi qua một dãy hàng quán bày bán đủ các thứ linh tinh hệt một phiên chợ quê như gạo, mắm, hoa quả, rau xanh, đường sữa, rượu bia, thịt thà, tôm cua, đồ hải sản, băng hình, đĩa nhạc... tôi bỡ ngỡ dừng lại. Đúng là một phiên chợ lạ, một phiên chợ độc đáo chỉ có ở đây. Người bán không ra giá, kẻ mua cũng chẳng cần mặc cả, đưa ra lấy liền, nhanh gọn, thơi thoáng như là đã có xếp đặt sẵn hết cả rồi. Chỉ có cái khác là thiên hạ không dùng tiền mà dùng vàng, vàng cốm. Vàng không cân đong đo đếm, không ngửi nếm thật giả, chỉ ước lượng cái này một nhúm, cái kia một vốc, cái kia nữa một ca, một chén thế thôi. Vụn vàng kêu lạo xạo, bụi vàng vương xuống đất, cốm vàng giắt lên tóc, lên áo quần mà chả ai để ý nhặt nhanh, thu gom. Kẻ mua đều là đàn ông, kẻ bán đều là phụ nữ, người còn trẻ, người đã sồn sồn nhưng đều giống nhau ở một nét là béo tốt, gợi tình.

Thằng Khánh nháy mắt rất đĩ:

Lực lượng hậu cần nhân dân của tao đó. Lúc nào cũng có mấy chục chị em tiếp lương tải gạo lên đây. Nắng cũng như mưa, không bao giờ lỡ. Ngày bán hàng, đêm bán... thịt, hai nghề.

Thịt gì? - Tôi buột miệng.

Thịt sống, thịt đùi thịt bẹn, thịt háng chứ còn thịt gì nữa. Cái thằng, mới tách khỏi xã hội có ít tháng mà đã lạc hậu như người tiền sử. Đêm nay mày muốn chén con nào, bảo, tao cho gọi đến, một phần tư chỉ vàng, quá bèo. Ô kê?

Tao không hứng.

Tôi nói và bước nhanh.