BÍ QUYẾT 48: Sử dụng ngôn ngữ để báo hiệu rõ rằng bạn đang kết thúc bài diễn thuyết
Đã đến lúc phác thảo phần kết luận của bạn. Khi bạn đưa ra một dấu hiệu rõ ràng cho thấy mình đang tiến đến phần kết của bài diễn thuyết, khán giả sẽ chú ý nhiều hơn. Do đó, ngôn ngữ bạn sử dụng ở phần này rất quan trọng. Chắc chắn bạn sẽ chẳng gặp vấn đề gì với một câu chốt như, “Kết lại là...” Tuy nhiên, bạn có thể làm tốt hơn thế. Ví dụ, bạn có thể nói: “Chúng ta đang tiến đến cuối hành trình của ngày hôm nay và khởi đầu cho tương lai của các bạn...” hoặc “Giờ là lúc bạn phải ra quyết định...”
Brené Brown, giáo sư khoa Công tác Xã hội thuộc Đại học Houston, đã truyền tải một trong những phần kết uy lực nhất mà tôi từng được nghe trong các bài diễn thuyết trên TED. Dàn ý bài diễn thuyết của chị được trình bày trong Bảng 7.1.
Mục tiêu của Tiến sĩ Brown là thay đổi quan điểm của mọi người từ chỗ coi sự tổn thương là nguồn gốc của đau khổ sang một nguồn sức mạnh. Chị hướng dẫn khán giả của mình chấp nhận sự tổn thương để sống một cuộc sống trọn vẹn, viên mãn, và đã củng cố thông điệp đó trong phần kết của mình bằng câu:
Nhưng vẫn còn một cách khác, và tôi sẽ để các bạn tự suy ngẫm về nó. Sau đây là những gì tôi nhận ra: hãy để bản thân chúng ta được nhìn thấu, nhìn thấu một cách sâu sắc, nhìn thấu cả sự tổn thương; hãy yêu thương bằng cả trái tim dù chẳng có gì đảm bảo và dù điều đó thực sự rất khó, và với tư cách một người mẹ, tôi có thể nói với bạn rằng chúng ta rất, rất khó thể hiện lòng biết ơn và niềm vui trong những khoảnh khắc hãi hùng ấy, khi chúng ta tự hỏi: “Em có thể yêu anh nhiều đến thế không? Em có thể tin tưởng điều này nhiệt thành như vậy không? Em có thể quyết liệt đến thế vì nó không?” – để có thể dừng lại và, thay vì xem những sắp xảy ra là thảm họa, hãy chỉ đơn giản nói rằng: “Em rất cảm kích, vì cảm thấy được sự yếu đuối này nghĩa là em đang tồn tại.” Và điều cuối cùng, điều tôi nghĩ có lẽ là quan trọng nhất, đó là hãy tin rằng chúng ta có đủ rồi. Bởi khi chúng ta bắt đầu từ đoạn mà tôi tin là: “Với tôi thế là đủ,” thì khi đó chúng ta sẽ ngừng kêu gào và bắt đầu lắng nghe, chúng ta sẽ trở nên tử tế và dịu dàng hơn với những người xung quanh, cũng như tử tế và dịu dàng hơn với chính bản thân mình.
Đó là tất cả những gì tôi muốn nói. Xin cảm ơn.
Bảng 7.1. Dàn ý bài diễn thuyết The Power of Vulnerability (tạm dịch: Sức mạnh của sự tổn thương) của Brené Brown trên TED
Xin lưu ý rằng Tiến sĩ Brown không chỉ sử dụng một mà những ba cụm từ chuyển tiếp để báo hiệu rằng chị đang tiến đến phần kết của mình: “Nhưng vẫn còn một cách khác”, “Tôi sẽ để các bạn tự suy ngẫm về điều này” và “Sau đây là những gì tôi nhận ra”. Những cụm từ này được phân biệt bằng các khoảng ngừng nhằm thu hút sự chú ý.
Dưới đây là ví dụ về cách 10 diễn giả được yêu thích trên TED báo hiệu họ đang tiến đến phần kết luận trong bài diễn thuyết. Khi đọc, bạn hãy chú ý đến cách từng người áp dụng một hoặc nhiều hướng sau: “suy nghĩ” hoặc “ví dụ cuối cùng”, “điều rút ra được”, “lời kêu gọi hành động” và “tương lai tươi sáng hơn”.
Benjamin Zander: “Và bây giờ, tôi còn một suy nghĩ cuối cùng: điều thực sự làm sự khác biệt trong những điều chúng ta nói – tức từ ngữ mà chúng ta thốt ra…”
Bunker Roy: “Tôi sẽ kết thúc bằng những lời sau: các bạn không cần tìm giải pháp từ bên ngoài…”
Cameron Russel: “Nếu có điều cần rút ra từ bài nói này, tôi hy vọng đó sẽ là ‘tất cả chúng ta đều cảm thấy thoải mái hơn khi thừa nhận sức mạnh của ý niệm trong thành công và thất bại dựa trên cảm nhận của chúng ta.”
Deb Roy: “Tôi muốn gửi lại các bạn khoảnh khắc đáng nhớ cuối cùng về gia đình tôi. Đó là lần đầu tiên con trai chúng tôi bước được hai bước liên tục – và chúng tôi đã quay được lên phim…”
Jamie Oliver: “Và xem này, tôi biết thật lạ khi có một người Anh đứng trước mặt các bạn và nói về tất cả những điều đó. Tôi chỉ có thể nói rằng: ‘Tôi quan tâm.’ Tôi là một người cha, tôi yêu đất nước này, và tôi thật lòng, thật tâm tin rằng nếu đất nước này có thể thay đổi, thì những điều tốt đẹp sẽ diễn ra trên khắp thế giới.”
Jill Bolte Taylor: “Vậy chúng ta là ai? Chúng ta chính là sức mạnh thúc đẩy sự sống trong vũ trụ, với đôi bàn tay khéo léo và hai bộ óc nhận thức. Chúng ta có sức mạnh lựa chọn trở thành ai và như thế nào trong thế giới này, trong từng khoảnh khắc...”
Richard St. John: “Vậy nên, điều quan trọng – và cũng là câu trả lời cho câu hỏi này – thực ra khá đơn giản…”
Rory Sutherland: “Có hai trích dẫn ít nhiều sẽ kết thúc được phần phát biểu này. Một là…”
Salman Khan: “Ngay lúc này, hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra ở…”
Susan Cain: “Và giờ tôi sẽ để lại cho các bạn ba lời kêu gọi hành động dành cho những ai có cùng quan điểm…”
Một trong những cách báo hiệu phần kết khá hiệu quả chính là rút ngắn câu từ và tăng thêm nhiệt huyết trong giọng điệu của bạn. Hãy chuyển cách diễn đạt sang bạn hoặc chúng ta, đối với chúng ta, của chúng ta. Kẻ thù của “tốt” chính là “vĩ đại”; do đó, tôi đã rất thận trọng khi xáo trộn bài diễn thuyết gần như hoàn hảo của Tiến sĩ Brown. Nếu có điều gì đó mà tôi muốn thay đổi, thì đó là thay thế ngôn ngữ diễn đạt hướng đến bản thân của chị sang sử dụng đại từ bạn ở ngôi số ít.
Karen Thompson Walker đã ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô, The Age of Miracles (tạm dịch: Kỷ nguyên phép màu), vào đúng ngày cô trình bày bài diễn thuyết trong sự kiện TEDGlobal. Được kể lại từ góc nhìn của một cô bé chưa đến 13 tuổi, cuốn sách là câu chuyện trải dọc quá trình trưởng thành của nhân vật chính, đặt trong bối cảnh thế giới đang đi đến hồi kết. Về mặt chủ đề, câu hỏi đặt ra là liệu tình yêu và hy vọng có thể đánh bại sự bất ổn có nguy cơ gây diệt vong hay không.
Trong khi cuốn sách lý giải những hàm ý hư cấu tối nghĩa, thì bài diễn thuyết trên TED của cô lại tập trung vào những suy xét thực tiễn khi đánh giá rủi ro để có thể đưa ra những quyết định tốt hơn. Ý tưởng đáng lan tỏa của cô, được thể hiện trong Bảng 7.2, là “hãy xem nỗi sợ hãi như một món quà thay vì điểm yếu để chúng ta có được cái nhìn đúng đắn về tương lai.”
Bảng 7.2. Dàn ý bài diễn thuyết What Fear Can Teach Us (tạm dịch: Nỗi sợ có thể dạy ta điều gì) của Karen Thompson Walker trên TED
Các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn thuộc thể loại giả tưởng, nằm trong số những diễn giả có bài diễn thuyết hiệu quả nhất và tỏa sáng trên sân khấu TED. Walker đã đan xen lập luận logic của cô về việc chấp nhận nỗi sợ với câu chuyện gần 200 năm tuổi về một vụ đắm tàu vốn là nguyên bản của cuốn tiểu thuyết Moby Dick (Cá Voi Trắng) do Herman Melville sáng tác. Từ đầu đến cuối, bài diễn thuyết của Walker đã vạch ra chuỗi tiền đề diễn dịch sau: chúng ta không dành đủ thời gian để suy ngẫm về ý nghĩa của nỗi sợ hãi; nếu làm điều đó, chúng ta hẳn đã xem chúng như món quà của trí tưởng tượng thay vì điểm yếu; món quà này cho phép chúng ta nhìn kỹ vào tương lai của chính mình; nhưng chúng ta phải kết hợp trí tưởng tượng sinh động cùng óc phán đoán khoa học để ra quyết định hiệu quả. Cô đã nêu rõ toàn bộ lập luận của mình trong một phần kết hùng hồn, và biến nó thành một thông điệp đầy cảm hứng, tập trung vào khán giả:
Và có lẽ nếu tất cả chúng ta cố gắng hiểu rõ nỗi sợ của mình, chúng ta sẽ ít bị chao đảo bởi những nỗi sợ hãi đê hèn nhất trong số chúng. Có lẽ khi đó chúng ta sẽ bớt phải lo về những kẻ sát nhân hàng loạt, tai nạn máy bay và dành nhiều thời gian quan tâm hơn đến những thảm họa khó lường và xảy đến chậm hơn mà mình phải đối mặt: như sự tích tụ âm thầm của các mảng xơ vữa trong động mạch hay những thay đổi dần dà của khí hậu. Nếu những câu chuyện nhiều sắc thái nhất trong văn học thường là những câu chuyện phong phú nhất, thì nỗi sợ hãi khó dò nhất của chúng ta cũng có thể là nỗi sợ chân thật nhất. Khi được hiểu đúng, nỗi sợ của chúng ta sẽ trở thành món quà tuyệt vời của trí tưởng tượng, thành năng lực nhìn thấu những điều thường nhật, thành cái hé mắt nhìn vào tương lai khi ta vẫn còn thời gian tác động đến cách thức tương lai đó diễn ra. Khi được hiểu đúng, nỗi sợ hãi có thể mang đến cho chúng ta điều gì đó quý giá chẳng kém những điều mà các tác phẩm văn học chúng ta yêu thích mang lại: một chút khôn ngoan, một chút sáng suốt và một phiên bản của thứ khó hiểu nhất – sự thật. Xin cảm ơn.
Xin lưu ý, kết luận của Karen Thompson Walker không phải là bản tóm tắt nhằm thuật lại một cuốn sách nhàm chán. Bên cạnh ngoại lệ là câu nói về những kẻ sát nhân hàng loạt, tai nạn máy bay và chứng xơ vữa động mạch, cô còn khôn khéo tránh được ham muốn giới thiệu cuốn sách mới ở phần cuối. Và cuối cùng, bằng cách bắt đầu với câu nói “Và có lẽ nếu tất cả chúng ta cố gắng hiểu rõ nỗi sợ của mình,” Karen đã truyền đạt một đoạn hồi tưởng mượt mà đến đoạn kết trong phần giới thiệu của cô: “Tôi không chắc chúng ta đã dành đủ thời gian suy ngẫm về ý nghĩa của nỗi sợ hãi.”
Khi bạn xây dựng một tình huống nói lên sự thay đổi trong bài diễn thuyết của mình, phần kết luận chính là cơ hội cuối cùng để bạn truyền cảm hứng cho người nghe và thay đổi quan điểm của họ, hoặc kêu gọi họ hành động. Để làm được điều này, bạn phải tạo ra cảm giác cấp thiết. Vì thay đổi là việc khó khăn, nên hãy cung cấp cho khán giả của bạn một bước tiếp theo dễ dàng mà họ có thể thực hiện ngay hôm nay để chuyển động theo hướng tích cực. Nếu cần, bạn có thể dùng chiêu gây lo sợ như sau: “Hậu quả nếu thất bại là...”
Kết luận của Brené Brown là một kết luận xuất sắc. Nó vừa mạnh mẽ, vừa mang tính cá nhân lại vừa đong đầy cảm xúc. Câu hỏi của chị đã làm tăng mức độ căng thẳng của khán giả bằng cách chạm đến rào cản thứ ba của sự ngờ vực bản thân. Sau đó, chị đưa ra ngay một lời khẳng định truyền cảm hứng có tác dụng như một liều thuốc xoa dịu: “Với tôi thế là đủ.” Khi bạn cảm thấy bị tổn thương, hãy nói: “Với tôi thế là đủ.” Câu nói ấy chính là lời kêu gọi hành động “đơn giản nhất có thể” mà mỗi khán giả đều áp dụng được ngay tức thì.
Bài diễn thuyết Nỗi sợ có thể dạy ta điều gì của Karen Thompson Walker cũng tạo nên phản ứng động viên bản thân tương tự trước một cảm xúc khác vốn thường được xem là tiêu cực. Một lần nữa, khán giả có thể dễ dàng áp dụng lời khuyên này ngay lập tức để cải thiện mức độ hài lòng với bản thân.
Đây là lời cuối cùng về cách khép lại bài diễn thuyết của bạn. Bạn có thể nhận thấy rằng cả Brené Brown và Karen Thompson Walker đều kết thúc bài diễn thuyết của họ bằng lời “cảm ơn”. Từ lâu, người ta đã luôn tranh luận rằng đây có nên là những lời cuối cùng của bạn hay không. Về phía những người ủng hộ, họ cho rằng đây là hành động thể hiện lòng biết ơn cuối cùng nhằm thắt chặt mối ràng buộc của bạn với khán giả. Về phía những người phản đối, họ đáp trả rằng nó cướp lấy thông điệp trọng tâm của bạn và có thể tạo ra một vết nứt trên lớp áo giáp tự tin. Cả hai bên đều đúng, và thực ra không có câu trả lời chính xác. Tôi chỉ có thể nói rằng hầu hết các diễn giả trên TED đều kết thúc bài phát biểu bằng một lời cảm ơn, vì thế bạn chẳng thể làm sai khi tuân theo quy luật bất thành văn này. Một lựa chọn khác cũng được chấp nhận là cách Nigel Marsh kết thúc bài diễn thuyết của anh về việc đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống: “Thế nên tôi nghĩ, đó là một ý tưởng đáng lan tỏa.”
Đến lúc này, bạn đã được chứng kiến tất cả những phương thức tốt nhất và bài học kinh nghiệm hay nhất từ các diễn giả xuất sắc nhất trên TED, và nắm trong tay tất cả những gì bạn cần để phát triển nội dung cho ý tưởng đáng lan tỏa của mình.
Trước khi chuyển sang cách truyền tải bài phát biểu của bạn trên TED, tôi có một lưu ý quan trọng cần chia sẻ. Mặc dù không dựa trên nghiên cứu thống kê chặt chẽ nào, nhưng tôi tin chắc rằng nội dung luôn là yếu tố quyết định. Bạn nên đặt cho mình mục tiêu trở thành một chuyên gia biết diễn thuyết, thay vì một diễn giả lão luyện. Các chuyên gia tập trung chủ yếu vào nội dung, trong khi các diễn giả lão luyện lại dành phần lớn thời gian truyền đạt sao cho hoàn hảo. Như lẽ tự nhiên, cách truyền tải của bạn chỉ cần “đủ tốt” để nhất quán với nội dung và không gây mất tập trung. Quá bóng bẩy hay quá sơ sài đều sẽ kéo bạn xa khỏi khán giả. Điển hình là hầu như tất cả các bài diễn thuyết phổ biến nhất và tác động mạnh mẽ nhất trên TED đều được những người kiếm sống bằng nghề nghĩ và viết. Tôi không ngạc nhiên khi thấy nhiều người trong số này thú nhận rằng họ sống nội tâm và cực kỳ sợ nói trước công chúng.
Thế còn các nghiên cứu của Mehrabian, Ferris, và Wiener hồi năm 1967, vốn chỉ ra rằng quá trình giao tiếp phụ thuộc vào 7% nội dung, 38% giọng điệu và 55% ngôn ngữ cơ thể thì sao? Đáng buồn thay, những nghiên cứu này cứ liên tục bị hiểu sai. Trên thực tế, các nghiên cứu trên được xây dựng nhằm ước lượng tác động của ba yếu tố này đến cách người nghe đánh giá cảm giác của họ đối với người nói như yêu thích, trung lập, và không thích. Tiến sĩ Mehrabian sau này đã viết: “Các phương trình này chỉ được áp dụng khi người truyền đạt nói về cảm xúc hay thái độ của họ.” Điều chính xác cần rút ra từ nghiên cứu này đó là cách truyền tải của bạn nên hài hòa với nội dung. Và ý tưởng đáng lan tỏa chính là trọng tâm của chúng ta trong phần tiếp theo của cuốn sách này.