Phần IV: HÀNH TRÌNH ĐẾN SÂN KHẤU VÀ HƠN THẾ NỮA
CHƯƠNG 19: ĐỂ ĐƯỢC CHỌN DIỄN THUYẾT TRÊN TED
BÍ QUYẾT 100: Sống với đam mê
“Tôi phải làm sao để được chọn diễn thuyết trên TED?” là câu hỏi tôi thường được nghe nhất, đặc biệt là từ các diễn giả chuyên nghiệp. Dù vậy, tôi phải thừa nhận đây là chương mình không muốn viết bởi tôi cho rằng nó dựa trên một giả thiết nguy hiểm. Khi hỏi câu này, bạn đã không nhìn ra những điều thực sự quan trọng – tức sống một cuộc đời đích thực để theo đuổi một ý tưởng đáng lan tỏa. Nếu bạn diễn thuyết trên TED nhưng không sống với đam mê của mình, bạn đã thua trắng. Nếu bạn sống với đam mê nhưng chưa bao giờ diễn thuyết trên TED, bạn đã chiến thắng. Và không ngạc nhiên khi sống với đam mê chính là con đường trực tiếp nhất để được diễn thuyết trên TED.
Xuyên suốt cuốn sách này, tôi đã cố gắng gửi đến bạn những bí quyết rõ ràng giúp bạn truyền tải một bài diễn thuyết đáng nhớ trên TED; nhưng trong chủ đề đặc biệt này, tôi xin giới thiệu bạn với những người đủ tư cách hơn tôi, chẳng hạn như Seth Godin cho “chinh phục đam mê sự nghiệp”, Oprah Winfrey cho “sống với đam mê của bản thân” hay Tony Robbins, người hòa hợp cả hai mục tiêu trên. Tôi cũng muốn bạn nghĩ đến ba nhóm người – nhà giáo dục, nghệ sĩ giải trí và tác nhân thay đổi – với 15 vai trò tương ứng mà tôi đã nhấn mạnh trong Chương 1. Hầu hết những người này đã dành hàng thập kỷ nghiên cứu và thành thạo một lĩnh vực duy nhất, một lĩnh vực uyên thâm. Và trên hành trình của họ, việc diễn thuyết trên TED chỉ đơn giản là một dấu chấm câu, và câu văn ấy cũng chỉ là một phần nhỏ bé trong câu chuyện về cuộc đời họ.
Có lẽ câu chuyện của riêng tôi sẽ làm sáng tỏ điều này. Xin nói một chút về bối cảnh, tôi đã học và luyện nói trước công chúng hơn 10 năm. Trong suốt thời gian đó, tôi luôn làm theo lời khuyên rằng hãy nỗ lực trở thành một chuyên gia có thể diễn thuyết thay vì một nhà diễn thuyết lão luyện. Những người ở nhóm trước sở hữu nội dung sâu sắc, còn những người ở nhóm sau thì lại có tài ăn nói. Tuy nhiên, mặc dù khám phá nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng tôi vẫn gắn bó trở lại với nghiệp diễn thuyết. Theo tất cả những gì tôi biết, diễn thuyết về cách diễn thuyết nhìn chung sẽ không đem lại nhiều tiền, nhưng may thay, tôi đã có một công việc thường ngày.
Tháng Mười hai năm 2011, Sarah Goshman bạn tôi đã nhờ nhóm thành viên tại Toastmasters giúp cô tổ chức một sự kiện TEDx. Khi đó, Sarah đang cáng đáng vô số việc tại Jacob’s Cure, một tổ chức phi lợi nhuận nhỏ đang dốc sức góp phần điều trị bệnh Canavan. (Canavan là một bệnh rối loạn thần kinh do di truyền làm mất năng lực của trẻ rồi cướp đi mạng sống của các bé trong mười năm đầu đời). Ngoài công việc ban ngày, Sarah là một người ham muốn trải nghiệm. Cô biết các nhà tổ chức TEDx tuyệt đối không được phép tự tiến cử, nhưng vẫn hứng thú với hiện tượng TED và muốn làm gì đó để giúp lan tỏa ý tưởng trong cộng đồng địa phương của mình.
Dù không biết gì về tổ chức sự kiện, nhưng tôi vẫn tình nguyện giúp cô lên danh sách diễn giả từ mạng lưới tức thời và rộng khắp của mình. Khi sự kiện sắp diễn ra, Sarah phải lui về vai trò hỗ trợ để có thời gian chăm sóc một người thân đang ốm. Là người phụ trách thứ hai sau cô, tôi phải bước lên lấp chỗ trống với vai trò người chỉ đạo tổ chức và MC.
Trong số các khán giả tại ngày diễn ra sự kiện, có một nhóm “tuổi chừng đôi mươi” đang làm việc cùng nhau tại Hartford, Connecticut, gồm cả chuyên gia phân tích bảo hiểm doanh nghiệp Brian Waddell. Vào cuối ngày, Brian và bạn bè quyết định tổ chức một sự kiện TEDx riêng và muốn mời tôi nói về nghệ thuật diễn thuyết.
Tôi ngờ rằng nỗ lực xuất hiện ở mức tối thiểu, giới thiệu đơn giản và kết nối diễn giả với chủ đề của tôi đã không giấu được rằng tôi là một kẻ nghiện diễn thuyết. Nếu từng gặp tôi, bạn sẽ thấy tôi phải rất vất vả mới kìm mình được.
Điểm chính trong câu chuyện của tôi không phải là xem việc tổ chức một sự kiện TEDx như một cách hay để diễn thuyết trên TEDx hay TED. Thực ra, đó là ý rất tồi vì TED luôn cấm ban tổ chức diễn thuyết tại các sự kiện của họ. Hơn nữa, lên kế hoạch và điều hành một sự kiện là công việc rất tốn thời gian, căng thẳng và phải dành nhiều công sức.
Tôi muốn nói rằng tôi hoàn toàn không có ý định diễn thuyết tại một sự kiện TEDx. Tôi chỉ sống với đam mê của mình, và các quân domino thình lình đổ xuống như phản ứng dây chuyền: một nhà tổ chức TEDx mời tôi nói chuyện, và tôi đã đồng ý. Hãy thay thế đam mê này bằng một nỗi ám ảnh đặc biệt, và bạn sẽ thấy hầu như mọi diễn giả trên TED hay TEDx đều có một câu chuyện giống nhau.
Khi phải đi tìm diễn giả cho sự kiện TEDx đầu tiên mình tổ chức, tôi đã đặt mục tiêu cao và gửi cho Seth Godin – một chuyên gia marketing nhìn xa trông rộng – e-mail như sau:
Chào ông, Seth: Tôi đang sắp tổ chức một sự kiện TEDx tại Stamford, Connecticut vào ngày 28 tháng Tư. Tôi biết số lượng khán giả hơi ít với ông (tầm 100 người), nhưng ông có muốn chuyển cơ hội này cho diễn giả nào đó mà ông đang hướng dẫn gần khu vực tàu điện ngầm của thành phố New York không?
Trân trọng, Jeremey
Tôi gửi e-mail lúc 9 giờ 54 phút tối thứ Ba. Tuy tôi cứ đinh ninh rằng Seth và tôi không quen biết nhau, thế nhưng ba phút sau đó, ông đã hồi đáp và kết nối tôi với “chiến binh văn hóa” Al Pitampalli. Al giới thiệu một người khác, và người này lại giới thiệu một người khác nữa. Đến khi chúng tôi chốt xong lịch trình của mình, Seth vẫn giới thiệu thêm hai diễn giả nữa – Lauryn Ballesteros và Ishita Gupta – và sau này tôi đã giới thiệu họ với những nhà tổ chức TEDx khác. Al, Lauryn và Ishita không hề tìm kiếm cơ hội diễn thuyết, mà chính cách họ sống với đam mê của mình đã giúp họ lọt vào mắt xanh của một người nhận được quá nhiều lời mời diễn thuyết và luôn hết lòng giúp người khác thành công.
Đối với các sự kiện TED lẫn TEDx, khả năng bạn được một nhà tổ chức chú ý đến rồi mời diễn thuyết sẽ cao hơn là khả năng bạn được lựa chọn qua một quy trình đăng ký công khai. Tuy nói vậy, nhưng việc đăng ký cũng chẳng hại gì vì điều tệ nhất mà nhà tổ chức có thể làm với bạn là nói “không”.
Như bạn có thể hình dung, phát biểu ở TED hay TEDGlobal khó khăn hơn nhiều so với diễn thuyết tại một sự kiện được tổ chức độc lập như TEDx. Trước đây, Hội thảo TED chính thức thường tổ chức tuyển chọn công khai, nhưng quy trình này lại thay đổi qua từng năm. TED có biểu mẫu “Đề xuất diễn giả” để mọi người có thể tự đề cử hay được người khác đề cử. Để giúp bạn xác định mức kỳ vọng cho mình, xin nói rằng tôi chưa bao giờ gặp một diễn giả nào có hành trình đến với sân khấu mở đầu bằng cách điền vào mẫu này. Dù lý do khi đến với TED không đúng lắm, nhưng có một vài diễn giả bao gồm nhưng không giới hạn như Becky Blanton, Richard St. John và Cindy Gallop; họ ban đầu là người tham dự, nhưng sau đó lại được mời trình bày.
Hiện trên mạng có hơn 1.000 bài diễn thuyết TED và hơn 25.000 bài diễn thuyết TEDx. Với con số như thế, cơ hội để bạn được nói trên TEDx sẽ cao hơn 25 lần. Sau đây là nhận xét của John Jeffrey – đồng sáng lập TEDxVictoria – trên Quora.com về quy trình ứng tuyển không chính thức của TEDx:
Với những sự kiện TEDx, theo kinh nghiệm tổ chức của mình, chúng tôi sẽ không phiền nếu mọi người chào ý tưởng của họ cho chúng tôi. Tuy nhiên, hầu hết mọi người dường như không có thiện cảm với cách trình bày một bài nói ngắn theo “phong cách TED”. Nhiều người tiếp cận các nhà tổ chức TED và TEDx hóa ra lại là những người tự tiến cử. Những bài diễn thuyết tốt nhất thường thuộc về những người quá bận làm tốt công việc tuyệt vời của mình đến nỗi không thể đề xuất diễn thuyết. Chúng tôi phải đến tận nơi thuyết phục họ cống hiến thời gian đáng kể nhằm lan tỏa ý tưởng của mình.
Nếu bạn định ứng tuyển, thì đây là một số lời khuyên: Hãy tập trung. Hãy nói với chúng tôi về điều gì đó mà chỉ bạn mới nói được. Đừng nhắc đến dự án của bạn, hãy chỉ cho chúng tôi điều bạn biết nhờ nó.
Đừng nói với chúng tôi về những xu hướng chung trên thế giới, chẳng hạn như bình minh của kỷ nguyên nhận thức mới, nơi con người tìm cách tiến xa hơn chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tiêu dùng và bắt đầu yêu thương lẫn nhau, yêu thương hành tinh này. Điều đó có thể đúng, nhưng điều gì khiến bạn đủ tư cách để nói với chúng tôi như thế? Tuy diễn thuyết là về ý tưởng, nhưng cần có kinh nghiệm, nghiên cứu hoặc chí ít là câu chuyện đằng sau nó.
Kinh nghiệm của tôi giống với kinh nghiệm của Mardlin. Nhóm “những người tự tiến cử” theo mô tả của ông thường là các diễn giả và huấn luyện viên chuyên nghiệp. Một vài người bạn thân của tôi diễn thuyết để mưu sinh và mơ ước được phát biểu ở TED hoặc TEDx. Dù rất nể trọng họ, nhưng tôi phải cảnh báo họ rằng nội dung thuyết phục được những người chịu trả tiền cho các bài diễn thuyết thuộc khối doanh nghiệp thường không có tính mới lạ và chân thực mộc mạc cần có của một bài diễn thuyết trên TED. Lời khuyên tốt nhất của tôi dành cho họ là không nên thay đổi bản thân mình; xét cho cùng, họ đang theo đuổi đam mê của mình cơ mà! Tuy nhiên, khi họ ứng tuyển để diễn thuyết, tôi đã khuyên họ nên tập trung chia sẻ câu chuyện có ý tưởng đáng lan tỏa từ cuộc sống không diễn thuyết “đời thường” của họ.
Có lẽ lý do tồi tệ nhất để diễn thuyết trên TED là dùng nó như bệ phóng đến danh tiếng và tiền tài. Tuy bạn có thể tìm thấy ví dụ về những người thăng hoa sự nghiệp sau khi trình bày trên TED, nhưng khả năng xảy ra điều này trong điều kiện chủ tâm chẳng khác nào trúng số. Cuộc đời tôi không hề thay đổi sau bài diễn thuyết trên TEDx của mình, hay chí ít là không phải vì bài diễn thuyết. Chờ đã, bạn muốn nói rằng “chẳng phải nó dẫn tới việc ra đời cuốn sách này hay sao?” Buồn cười thật đấy, nhưng không phải đâu! Tôi đã tự phát hành phiên bản đầu của quyển sách này rất lâu trước khi diễn thuyết trên TEDx. Hơn nữa, buổi nói chuyện trên TEDx của tôi có lượng người xem không đáng kể, và nó chỉ cho thấy rằng việc diễn thuyết về diễn thuyết không phải là chủ đề được ưa chuộng nhất trần đời.
Tương tự, tôi đã nói chuyện với những người có các bài diễn thuyết với hàng trăm nghìn và thậm chí hàng triệu lượt xem. Một số người đã nổi tiếng từ trước khi bắt đầu phát biểu, và kinh nghiệm ở TED chỉ như khúc gỗ thêm vào để ngọn lửa bùng to hơn. Với những người khác, điện thoại họ reo liên tục và hộp thư cứ đầy ắp sau vài tuần, hay có thể sau một hoặc hai tháng; thế rồi, cuộc sống của họ trở lại bình thường và họ lại tiếp tục theo đuổi đam mê.
Một lần nữa, lý do đúng đắn để diễn thuyết trên TED là chia sẻ một ý tưởng đáng lan tỏa. Nếu một nhà tổ chức chọn bạn (hay nếu bạn có cơ hội diễn thuyết tại một nơi khác), bạn cần phải chuẩn bị. Chương tiếp theo sẽ giúp bạn làm điều đó.