BÍ QUYẾT 93: Dùng bục diễn thuyết khi cần thể hiện quyền uy
Tuy hiếm xuất hiện trên sân khấu TED, nhưng các bục diễn thuyết không hẳn là tốt hoặc xấu. Một số diễn giả xuất chúng như Chimamanda Adichie và Karen Thompson Walker vẫn dùng đến chúng. (Như tất cả những ai bình luận về chủ đề này trước tôi, tôi xin nhắc lại rằng bục giảng [podium] là bục mà bạn đứng trên đó, còn bục diễn thuyết [lectern] là bục để bạn đứng phía sau.)
Đầu tiên, hãy giả sử rằng bạn đã luyện tập với tài liệu của mình và chốt xong nội dung cũng như cách truyền tải. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần ra một quyết định về phong cách trình bày, xem liệu bạn có nên dùng bục diễn thuyết hay không. Chọn lựa tốt nhất đa phần là tránh dùng nó từ đầu đến cuối vì nó sẽ tạo thành một rào cản hình thể và tâm lý giữa bạn và khán giả. Nếu mục tiêu của bạn là động viên và truyền cảm hứng, thì chiếc bục diễn thuyết sẽ là kẻ thù của bạn.
Lý do đầu tiên để dùng bục là khi bạn cần thể hiện sức mạnh và quyền uy một cách có chủ ý. Trước đây, các giám đốc luôn phát biểu từ phía sau bục. Ngày nay, họ để dành chiếc bục cho những dịp long trọng như chia sẻ tình hình tài chính hay công bố tin xấu. Khi mục tiêu của bạn là thể hiện quyền uy, hãy nhớ luôn giữ sự nhất quán trong các hành động khác. Khi không sử dụng bục diễn thuyết, Tổng thống Barack Obama thường bỏ áo khoác và xắn tay áo lên. Tuy nhiên, khi đứng sau bục và phát biểu, ông luôn mặc com-lê trang trọng, thắt cà vạt và cài nút áo khoác.
Để giữ được vẻ quyền uy, hãy chắc rằng bạn và bục diễn thuyết hoàn toàn nằm ngoài phạm vi tia chiếu của máy chiếu hay máy phóng ảnh. Một khó khăn nữa là việc phải thể hiện quyền uy trong khi bạn khá thấp so với bục diễn thuyết, nên hoặc hãy đứng trên một chiếc ghế gấp vững chãi, hoặc tránh dùng bục nói chuyện.
Lý do thứ hai để dùng bục diễn thuyết lại phụ thuộc vào những quy định của sự kiện hoặc từ khán giả. Chẳng hạn, một số nhà thờ yêu cầu diễn giả phải phát biểu sau bục để toát ra phong thái uy nghi khi thuyết giảng. Trong trường hợp này, bục diễn thuyết cũng giúp bạn đọc những đoạn kinh sách dài dễ dàng hơn. Nguyên lý này cũng đúng khi bạn đọc diễn văn ca ngợi.
Lý do thứ ba để dùng bục diễn thuyết là khi bạn cần dựa vào các ghi chép nhưng không có sẵn máy phóng chữ. Đa phần đây là một lời bào chữa tồi – nếu luyện tập đầy đủ, bạn sẽ không cần đến ghi chú. Tuy nhiên, nếu phát biểu thường xuyên và với nhiều chủ đề đa dạng, bạn đơn giản sẽ không có thời gian để diễn tập đầy đủ. Ngoài ra, còn những trường hợp mà đòi hỏi của phần phát biểu rất cao và từ nào cũng quan trọng, như khi một CEO lên tiếng xin lỗi do sản phẩm tiêu dùng bị thu hồi vì lý do an toàn.
Từ những gì tôi quan sát được, phần lớn các diễn giả chưa qua đào tạo bài bản thường nắm chặt cạnh bục. Thậm chí có những diễn giả làm quá hơn nữa là nắm chặt lấy cạnh trước hoặc cạnh sau của bục, hoặc tựa khuỷu tay vào bất kỳ chỗ nào trên bục.
Nếu đó là những động tác tệ hại nhất, thì đâu là phương cách tốt nhất? Mỗi khi phát biểu, bạn nên xác định trước vị trí đặt tay mặc định hoặc cơ bản. Có nghĩa rằng bạn cần biết chính xác nơi mình sẽ đặt tay khi không ra cử chỉ gì. Tôi khuyên bạn nên để tay thoải mái trên bục, đặc biệt khi bạn đang tham khảo ghi chú. Cách nào trong ba cách sau đây cũng đều chấp nhận được. Cách thông thường nhất là siết tay chặt vào nhau với các màng ngón tay trái chạm vào các màng ngón tay phải. Hãy cẩn thận đừng siết quá chặt. Cách vừa phải hơn là đan tay với các ngón chạm vào phần màng tay, nhưng hai lòng bàn tay không chạm nhau. Hầu hết diễn giả áp dụng cách này thường để hai đầu ngón tay cái chạm nhau. Trang trọng hơn là chụm đầu ngón tay này với đầu ngón tay kia, ngón út với ngón út, ngón trỏ với ngón trỏ, và cứ thế.
Nếu bạn không cần tham khảo ghi chú, thì vị trí cơ bản chấp nhận được là đứng cách bục diễn thuyết khoảng một bàn chân và dùng tư thế tháp chuông với hai bàn tay chụm lại ngang bụng.
Bất kể bạn chọn thả lỏng tay trên bục hay giữ chúng ngang bụng, hãy thể hiện cử chỉ đó bình thường và tự tin, hoặc để tay phía trên ngực. Để tham khảo, cách này sẽ giúp bạn trông cao hơn một chút so với khi thuyết trình mà không có bục, do có sự cản trở rõ ràng. Ngoài ra, trừ khi bạn là một nhà độc tài điên cuồng, xin đừng đập tay lên bục. Nhưng nếu bạn là một nhà độc tài điên cuồng, thì hãy đập tay từ sớm và đập thường xuyên.
Để phá bỏ rào cản hình thể cũng như tâm lý giữa bạn với khán giả, hãy đứng ra xa bục diễn thuyết nếu có thể. Tính trang trọng của sự kiện sẽ ngăn cản bạn làm thế do những điều phải tính đến trên phương diện nghe–nhìn cũng như mức độ chuẩn bị của bạn.
Với bối cảnh cực kỳ trang trọng, hãy bắt đầu, truyền đạt và kết thúc bài thuyết trình của bạn mà không mạo hiểm bước ra từ phía sau bục. Điều này có nghĩa là bạn cần đứng vững hai chân, để chúng song song với nhau và thẳng tắp vì bài diễn thuyết có thể sẽ kéo dài. Tất nhiên, thỉnh thoảng bạn có thể đổi chân trụ – ý tôi là thỉnh thoảng thôi – để cảm thấy thoải mái. Bạn cũng nên nhớ đừng ngả người ra phía trước, tì người vào bục diễn thuyết hay lắc người.
Những vấn đề cần quan tâm đến âm thanh và hình ảnh cũng có thể hạn chế khả năng di chuyển của bạn. Ví dụ rõ nhất là nếu chỉ có đúng một micro và micro đó được gắn vào bục diễn thuyết, thì bạn sẽ mắc kẹt ở đó. Thêm nữa, nếu bài diễn thuyết được phát qua một nguồn video đơn giản duy nhất, thì phạm vi di chuyển của bạn cũng bị giới hạn – nếu không nói là hoàn toàn không còn – do cơ chế lia máy và quay cận cảnh.
Nếu sự kiện không quá trang trọng, bạn có micro không dây và không cần video hay chuẩn bị quá công phu cho phần phim ảnh, thì bạn có thể tự do di chuyển đến phòng hậu đài. Bất kể bạn chọn bắt đầu hay kết thúc bài thuyết trình từ sau bục diễn thuyết, hãy di chuyển có mục đích với một sân khấu kịch tự hình dung trong đầu. Điều này đồng nghĩa bạn không chỉ di chuyển để thay đổi cho phong phú hay để thoải mái, hoặc chỉ để giải tỏa sự căng thẳng.
Nếu di chuyển, hãy di chuyển thật sự. Đừng bám dính lấy bục diễn thuyết một cách gượng gạo khi chỉ bước sang trái, sang phải hay ra phía trước bục. Một động tác nghiệp dư thừa thãi khác nữa là trở lại bục chỉ để chuyển slide hay để tham khảo ghi chú. Hãy dùng một thiết bị chuyển slide không dây, và tốt nhất là một thiết bị đơn giản để bạn lén nhấn vào nó trong túi quần. Nếu bạn đã bước quá xa bục và cần trở lại để xem ghi chú, hãy vừa làm việc đó vừa uống nước. Đây là một thủ pháp khôn ngoan nhằm đánh lạc hướng khán giả khỏi mục đích thực sự của bạn; nhưng nếu quá lạm dụng cách này, bạn sẽ tự làm mình xấu mặt và làm nảy sinh nhu cầu tìm phòng vệ sinh.
Khi rời bục, đừng cầm theo ghi chú, nước hay hay bất cứ vật gì khác để bạn có thể rời bục với sự tự tin và vẻ uy nghiêm. Bạn luôn có thể trở lại bục lúc tạm nghỉ hoặc nhận lại chúng từ người dẫn chương trình.
Như tôi đã nói từ trước, cách dùng ghi chú tốt nhất là đừng dùng đến chúng. Tuy nói như vậy, nhưng theo quan sát của tôi, có đến 99% diễn giả dùng ghi chú khi sử dụng bục diễn thuyết. Nếu kiên quyết đứng về phía đa số, bạn vẫn có thể sử dụng ghi chú sao cho đúng cách.
Lựa chọn tốt nhất của bạn là dùng đề cương một mặt với cỡ chữ thật lớn ở nửa trên của trang. Hãy tránh sử dụng TOÀN CHỮ IN HOA, vì như thế khó đọc hơn nhiều. Thêm nữa, hãy để những túi hồ sơ trong suốt ở nhà (hoặc cất nó trước khi bắt đầu) vì nó sẽ gây phản quang và làm bạn lóa mắt.
Nếu bạn cần nhiều trang ghi chú, hãy áp dụng cách xử lý tốt nhất như đối với một trang ghi chú. Ngoài ra, hãy dùng những trang rời (không bấm chúng lại hay gắn trong bìa hồ sơ móc ba vòng) và đánh số rõ ràng phòng khi đánh rơi chúng. Cuối cùng, hãy chuyển trang bằng cách trượt chúng lên trước thay vì lật trang nhằm giảm tối thiểu chuyển động và tiếng ồn, nhờ thế bạn sẽ không làm khán giả sao nhãng khỏi thông điệp.
Nếu bạn cần diễn thuyết và thể hiện phong thái quyền uy phía sau bục, tôi đặc biệt khuyến khích bạn hãy luyện tập ngay tại bục và tự bày ra các tình huống “chí tử” sao cho càng sát với thực tế càng tốt. Chí ít, hãy dự liệu từ sớm vị trí để tay mặc định và bất kỳ động tác khả dĩ nào khác. Nếu bạn chuẩn bị kỹ, trí nhớ cơ bắp của bạn sẽ tự động đảm đương mọi thứ và để bạn thoải mái tập trung vào thông điệp và khán giả.