Đại Ngọc gọi người hầu gái nhà Bảo Thoa vào. Chị ta hỏi thăm sức khỏe Đại Ngọc, rồi đưa bức thư của Bảo Thoa. Đại Ngọc bảo chị ta ra ngoài phòng uống nước, rồi bóc thư Bảo Thoa ra xem. Trong thư viết:
“Chị sinh ra gặp lúc chẳng may, cửa nhà rắc rối. Chị em xa cách, mẹ chị già yếu; đã thế trong nhà lại chửi bới mắng nhiếc từ sớm đến chiều, không lúc nào hết. Nay lại mang tay bay vạ gió, mưa dập gió dồn. Canh chầy trằn trọc, buồn bã khôn khuây. Ai người đồng tâm hẳn phải rủ lòng thương xót! Nghĩ lại “Hải Đường thi xã”, thu nọ vừa qua, ngắm cúc ăn cua, chung tình vui vẻ. Nhớ lại câu thơ: Ngất ngưởng cùng ai đi náu đó.
Hoa đều nở chậm, chậm vì đâu?
Chị không khỏi bùi ngùi than thở cánh hoa tàn tiết lạnh như hai đứa chúng mình. Lòng buồn man mác, tạm gửi bài phú bốn đoạn, phải đâu không bệnh mà, cũng là hát để thay khóc:
Buồn vì nỗi tiết trời thay đổi,
Thấm thoát đà thu lại tới đây!
Thương nhà gặp bước không may,
Một mình vò võ đêm ngày xót xa.
Trên nền bắc mẹ già mòn mỏi,
Biết quên sao được mối ưu sầu!
Ưu sầu biết tính làm sao?
Lòng ta luống những nao nao bấy chầy.
Gió hiu hắt mây bay lơ lửng,
Dạo trong sân, sương đọng lá rơi.
Vì đâu, vui cũng mất rồi,
Nỗi niềm nghĩ lại bời bời ruột gan!
Cá về bể, hạc ngàn bay vút,
Cá giương vây, hạc mượt màu lông;
Ngước trông trời đất mịt mùng,
Thảm thương ai biết nỗi lòng cho ta?
Trời lạnh ngắt, ngân hà vằng vặc,
Trăng chếch soi, giọt ngọc trầm trầm!
Hát lên lòng luống âm thầm,
Hát rồi lại hát tri âm nhắn cùng.(1)
Đại Ngọc xem xong, khôn xiết thương cảm, nghĩ bụng: “Chị Bảo không gửi cho ai mà chỉ gửi cho mình, cũng là nghĩ người cùng hội, cùng thuyền đây”. Chợt nghe ở ngoài có người nói: “Chị Lâm ở nhà không?” Đại Ngọc vừa xếp thư của Bảo Thoa lại, vừa trả lời: “Ai đấy?”
Đang hỏi thì thấy Thám Xuân, Tương Vân, Lý Văn và Lý Ỷ bước vào. Hai bên hỏi thăm nhau. Tuyết Nhạn pha trà bưng lên. Mọi người cùng uống và nói chuyện phiếm. Sực nhớ đến câu chuyện “Thơ hoa cúc” năm trước. Đại Ngọc nói:
Chị Bảo từ khi dời ra ở ngoài, chỉ sang chơi hai lần; giờ có việc cũng không sang nữa, thật là lạ! Để rồi xem chị ấy có tới đây nữa không?
Thám Xuân mỉm cười:
Việc gì mà không sang? Thế nào rồi chị ấy cũng sang chứ. Bây giờ người chị dâu của chị ấy tính khí chẳng ra gì, bà dì thì đã có tuổi, lại thêm có việc anh Cả, chị Bảo phải ở nhà trông nom, có đâu được rảnh rỗi như trước.
Đang nói chuyện bỗng nghe tiếng gió vù vù thổi mạnh, lá cây rơi đập vào những giấy dán trên cửa sổ. Một chốc lại thấy thoang thoảng mùi hương. Mọi người đều nói:
Mùi hương này ở đâu bay lại thế? Nó giống mùi hương gì nhỉ?
Đại Ngọc nói:
Giống mùi hương hoa quế. Thám Xuân cười:
Chị Lâm vẫn còn nói như là ở phương Nam vậy. Ở đây về tháng chín, làm gì còn có hoa quế nữa?
Đại Ngọc nói:
Chính thế đấy! Vì thế nên tôi không nói mùi hoa quế mà là giống mùi hoa quế. Tương Vân nói:
Chị Ba cũng đừng nói thế, chị có nhớ câu: “Hoa sen mười dặm, hoa quế ba thu” hay không? Ở phương Nam, lúc này tháng chín chính là lúc hoa quế muộn nở đấy. Chị chưa được thấy đó thôi. Sau này chị đến phương Nam sẽ biết.
Thám Xuân cười, nói:
Tôi có việc gì mà đến phương Nam? Vả lại cái đó, tôi cũng thừa biết, không mượn các chị nói.
Lý Văn, Lý Ỷ chỉ nhoẻn miệng cười. Đại Ngọc nói:
Em ạ! Nói thế không chắc cả đâu. Tục ngữ có câu: “Người là tiên đi trên đất”, nay đây, mai không biết ở đâu; cũng như tôi đây là người phương Nam, tại sao mà đến ở đây!
Tương Vân vỗ tay cười nói:
Hôm nay chị Ba bị chị Lâm hỏi vặn nên bí. Chẳng những chị Lâm là người phương Nam đến ở đây mà cả mấy đứa chúng mình cũng mỗi người mỗi nơi; cũng có người vốn là người phương Bắc; cũng có người quê ở phương Nam mà sinh trưởng ở phương này. Hôm nay mọi người đều gặp nhau ở một nơi, đủ biết con người ta đều có số mệnh. Người ta sống ở cõi đời, ai nấy đều có duyên phận cả.
Tất cả nghe nói, đều gật đầu. Thám Xuân chỉ ngồi cười. Mấy chị em lại nói chuyện phiếm một chút nữa, rồi ra về.
Đại Ngọc tiễn mọi người ra cửa. Ai cũng nói:
Chị vừa mới đỡ, đừng đi ra nữa kẻo lại bị cảm đấy.
Đại Ngọc vừa nói vừa dừng chân ở ngõ, ân cần chuyện trò với bốn người, chờ họ ra khỏi mới trở vào. Lúc đó mặt trời đã lặn, chim bay về rừng. Đại Ngọc sực nhớ vừa rồi Tương Vân có nói đến miền Nam, liền nghĩ: “Nếu cha mẹ mình còn sống, thì mình đã được xem phong cảnh phương Nam, hoa xuân, trăng thu, non xanh nước biếc, hai mươi bốn cầu và di tích Lục triều… Mình thiếu gì kẻ hầu người hạ, thích gì làm nấy, không cần phải giữ ý giữ tứ. Mình sẽ đi xe hương, ngồi trên thuyền vẽ; rèm đỏ màn xanh, chẳng còn ai hơn mình nữa. Bây giờ ở nhờ nhà người ta, dù được săn sóc, nhưng bạ gì cũng phải để ý gìn giữ. Không biết kiếp trước ta phạm tội gì, mà kiếp này phải hiu quạnh và cô độc thế này! Đúng như Lý Hậu chủ nói: “Ở đây hàng ngày chỉ
lấy nước mắt rửa mặt!”(2) Trong lòng nghĩ ngợi, tâm hồn dường như phiêu diêu đi nơi nào mất.
Tử Quyên lại gần, thấy thế, nghĩ bụng, có lẽ là vì vừa rồi nói đến chuyện phương
Nam, phương Bắc, nên cô ta động lòng, liền hỏi:
Các cô đến nói chuyện lâu, chắc cô mệt. Vừa rồi cháu sai Tuyết Nhạn bảo nhà bếp làm cho cô một bát canh thịt nấu rau, thêm ít bột tôm và măng. Cô thấy thế nào?
Tốt đấy.
Cháu còn làm thêm bát cháo gạo Giang Nam nữa.
Đại Ngọc gật đầu, rồi lại nói:
Cháo thì hai em nấu lấy, đừng mượn nhà bếp nấu nữa.
Cháu cũng sợ nhà bếp làm không được sạch, cho nên tự mình nấu lấy. Còn bát canh, cháu cũng sai Tuyết Nhạn bảo thím Liễu phải làm cho sạch sẽ. Thím Liễu nói: Chị đã sắm sửa đầy đủ rồi đem về nhà bảo con Năm(3) nấu.
Ta không phải là sợ họ bẩn thỉu, mà là vì ốm đau lâu ngày, sắm sửa gì cũng nhờ người ta làm cả, bây giờ lại còn canh, còn cháo, sai khiến lung tung, thế nào người ta cũng đâm ngấy.
Nói đến đó, quầng mắt Đại Ngọc lại đỏ lên.
Đấy là cô hay nghĩ thế thôi, chứ cô là cháu ngoại và là khúc ruột của cụ, họ mong muốn chiều chuộng cô còn chưa được, có đâu lại oán trách?
Đại Ngọc gật đầu rồi lại hỏi:
Chị vừa nói con Năm, có phải là người con gái hôm nọ chơi với em Phương Quan bên nhà cậu Bảo đấy không?
Chính nó đấy.
Nghe nói nó sắp vào làm a hoàn ở đấy phải không?
Phải đấy, nhưng vì nó bị ốm một dạo, sau khỏe rồi, vừa muốn vào ở thì lại gặp lúc bọn Tình Văn gây chuyện rắc rối, thành ra còn phải chậm lại.
Ta xem con bé mặt mũi sáng sủa dễ thương đấy!
Đang nói thì bà già ở ngoài đưa canh đến. Tuyết Nhạn đỡ lấy. Bà già nói:
Thím Liễu bảo thưa với cô, đây là em Năm nấu đấy. Nó không dám nấu ở bếp lớn, sợ cô ngại bẩn.
Tuyết Nhạn vâng lời, rồi bưng vào.
Đại Ngọc ở trong nhà đã nghe nói rồi, nên bảo Tuyết Nhạn:
Em dặn bà ta về nói rằng ta cám ơn thím ấy. Tuyết Nhạn ra nói rồi bà ta ra về.
Tuyết Nhạn đem thìa, bát của Đại Ngọc bày trên ghế nhỏ và hỏi:
Còn có thứ rau thơm từ phương Nam đưa đến, trộn lẫn với dầu dấm, cô có muốn ăn không?
Cũng được. Nhưng đừng có rềnh ràng quá.
Khi đem cháo lại, Đại Ngọc ăn hết nửa bát, và húp hai thìa canh rồi đặt xuống. Hai a hoàn dọn đi rồi lau sạch cái ghế cất đi, và cái ghế khác vào. Đại Ngọc súc miệng, rửa tay xong, nói:
Chị Tử Quyên đã đốt thêm hương chưa?
Để cháu đốt thêm.
Các chị ăn canh và cháo đi, đang còn ngon và sạch sẽ, để tôi đốt thêm hương cho. Hai người vâng lời, ra ngoài ngồi ăn.
Đại Ngọc ở trong, đốt thêm hương, rồi ngồi một mình.
Đang muốn lấy sách xem, bỗng nghe tiếng gió trong vườn, từ tây thổi sang đông, thổi qua cành cây, tiếng kêu vi vu. Một chốc mấy con thiết mã(4) treo ở thềm cũng kêu loảng xoảng.
Một lúc sau Tuyết Nhạn ăn xong, vào nhà hầu. Đại Ngọc nói:
Giời lạnh rồi. Hôm trước ta bảo các em đem mấy cái áo lông mỏng phơi ra, đã phơi chưa?
Phơi rồi ạ!
Em đưa đây một chiếc, ta quàng.
Tuyết Nhạn chạy đi, rồi mang lại một bao đựng các thứ áo lông mỏng, mở ra để Đại Ngọc chọn. Đại Ngọc thấy trong ấy có để lẫn một cái bao bằng lụa, cầm lấy, mở ra xem, thì ra cái khăn lụa lúc Bảo Ngọc ốm đưa tặng và mình đã đề thơ vào, dấu nước mắt còn hoen ố. Trong bao ấy lại có một cái túi đựng hương, một cái túi đựng quạt cùng với cái dây đeo viên ngọc của Bảo Ngọc. Thì ra khi phơi áo, nhặt được vật này ở trong rương. Tử Quyên sợ rơi mất, nên cất lẫn vào trong gói áo này.
Đại Ngọc không thấy thì thôi, khi đã thấy thì quên cả mặc áo, chỉ cầm lấy hai mảnh khăn lụa ấy, ngơ ngẩn xem bài thơ cũ. Xem một chốc, bất giác nước mắt chảy ròng ròng.
Tử Quyên ở ngoài vào, thấy Tuyết Nhạn bưng gói áo đứng ngẩn ngơ một bên. Trên ghế con thì để cái túi hương và hai ba mảnh túi quạt và cái dây bị cắt rời ra. Đại Ngọc thì cầm hai mảnh lụa cũ trên có đề chữ, đang ngắm nghía và ứa nước mắt. Thật là: Việc buôn đến quấy người buồn sẵn;
Lệ cũ hòa thêm lệ mới vào.
Tử Quyên thấy thế, biết những vật này làm cô ta nhớ đến chuyện cũ, có khuyên cũng chẳng ăn thua gì, đành phải cười, nói:
Cô còn xem những cái ấy làm gì? Đó đều là những vật buồn cười mấy năm trước lúc cô và cậu Hai đang còn nhỏ, khi vui khi giận bất thường, mới xảy ra như thế. Nếu được như ngày nay, hai bên đều biết kính trọng nhau, thì làm gì mà đến nỗi làm hỏng mất những vật ấy.
Tử Quyên nói thế có ý để làm Đại Ngọc khuây khỏa, không ngờ lại làm cho Đại Ngọc nhớ lại những câu chuyện cũ giữa hai người khi Đại Ngọc vừa mới đến, thành ra nước mắt cô ta lại càng đầm đìa.
Tử Quyên lại khuyên:
Em Tuyết nó chờ mãi. Cô khoác lấy một cái áo đi thôi.
Đại Ngọc bèn vứt khăn lụa xuống. Tử Quyên vội vàng nhặt lên, rồi đem cả mấy vật kia gói lại cất đi.
Đại Ngọc khoác một cái áo da, buồn bã đi ra nhà ngoài ngồi xuống. Ngoảnh lại thấy thư của Bảo Thoa còn để trên bàn chưa cất, Đại Ngọc đem ra xem lại hai lần, rồi than: “Cảnh ngộ không giống nhau, mà lòng cùng chung đau xót. Ta hãy làm một bài thơ bốn đoạn phổ nhạc, để có thể hát theo tiếng đàn, và ngày mai viết gởi cho chị ta, để thay bài họa”.
Nghĩ vậy Đại Ngọc gọi Tuyết Nhạn đưa bút nghiên ở nhà ngoài vào, chấm mực vẩy bút, làm thành bốn bài, lại giở sách nhạc ra, mượn hai khúc “Ỷ lan” “Tư hiền”(5) hợp thành âm vận hợp với bài của mình làm cho đều đặn rồi viết ra, để gởi cho Bảo Thoa. Đại Ngọc bảo Tuyết Nhạn mở rương lấy cái đàn ngắn trước kia mang đến đưa hòa bốn
dây, rồi lại tập gẩy. Đại Ngọc vốn là người thông minh tuyệt vời, lại nhờ lúc ở phương Nam đã từng học qua nên tuy chưa gẩy mấy nhưng chỉ một lúc là thạo. Đêm khuya, Đại Ngọc gọi Tử Quyên sắp xếp đi ngủ.
Một hôm, Bảo Ngọc ngủ dậy, chải đầu rửa mặt xong, cùng đi với Bồi Dính qua phòng học, bỗng thấy Mặc Vũ cười hì hì chạy lại nói:
Cậu ạ, hôm nay may mắn quá. Cụ đi vắng nên cho nghỉ cả.
Thật à?
Cậu không tin à! Kìa, chẳng phải cậu Ba và anh Lan đã về đấy là gì?
Bảo Ngọc nhìn thì thấy Giả Hoàn và Giả Lan có mấy đứa hầu trẻ theo từ đường kia đi lại. Hai người vui cưới hớn hở, trong miệng thì thầm, chả biết nói gì. Trông thấy Bảo Ngọc, họ buông tay đứng lại. Bảo Ngọc hỏi:
Hai đứa mày tại sao lại về? Giả Hoàn nói:
Hôm nay cụ có việc nói cho nghỉ một hôm. Ngày mai hãy đến.
Bảo Ngọc nghe nói, quay lại chỗ Giả mẫu và Giả Chính thưa chuyện rồi về Viện Di Hồng.
– Tại sao cậu lại về?
Cậu đi đâu mà vội thế? Theo ý tôi, được nghỉ học thì cũng nên tĩnh dưỡng cho khoan khoái.
Bảo Ngọc dừng chân lại, cúi đầu ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
Chị nói cũng phải, nhưng không mấy khi nghỉ học một ngày, lại không dạo chơi tiêu khiển hay sao? Chị cũng nên thương tôi một chút với!
Tập Nhân nghe nói thấy tội nghiệp, liền cười, hỏi:
Thôi, cho cậu đi.
Đang nói thì người hầu đã đưa cơm đến. Bảo Ngọc không biết làm thế nào, đành phải ăn cơm. Bảo Ngọc ăn vài ba miếng, vội vàng súc miệng, rồi một mạch chạy sang phòng Đại Ngọc.
Đến đầu cửa thì thấy Tuyết Nhạn đang phơi lụa giữa sân. Bảo Ngọc hỏi:
Cô ăn cơm chưa?
Sáng dậy, cô tôi ăn nửa bát cháo, không muốn ăn cơm, giờ đang ngủ trưa đấy. Cậu hãy đi đâu một chốc rồi trở lại.
Bảo Ngọc đành phải trở ra. Bảo Ngọc không biết đi đâu, sực nghĩ mấy hôm nay không thấy Tích Xuân, liền rảo bước đi tới Lục Phong hiên. Vừa đến dưới cửa sổ, thấy im lặng, không có một tiếng người. Bảo Ngọc tưởng cô ta cũng ngủ trưa, mình vào không tiện. Đang định trở ra thì nghe có tiếng động nhè nhẹ, không biết tiếng gì, Bảo Ngọc đứng lại. chỉ nghe có tiếng cắc cắc trong nhà. Bảo Ngọc vẫn chưa biết là tiếng gì. Bỗng một người nói:
Chị đi nước này thì nước kia chị bỏ đi à?
Bảo Ngọc mới biết là họ đang đánh cờ. Nhưng không thể nhận ngay được người mới nói đó là ai. Ngay lúc đó thì Tích Xuân nói:
Sợ gì kia chứ, chị ăn như thế này nhé, tôi đi như thế này nhé, chị lại ăn như thế này nhé, tôi lại đi như thế này nhé. Còn chậm một nước đấy, nhưng cuối cùng cũng sẽ theo được.
Lại nghe người kia nói:
Tôi ăn như thế này thì sao?
Nghe tiếng Tích Xuân nói:
– Ái chà, té ra còn cái nước đánh quay lại phía kia mà mình không đề phòng.
Bảo Ngọc lắng tai mãi. Tiếng nói của người kia rất quen, nhưng không phải là người trong bọn chị em. Chắc rằng trong phòng Tích Xuân không có người ngoài, nên Bảo Ngọc nhè nhẹ vén màn bước nào. Nhìn ra chẳng phải ai xa lạ mà là ni cô Diệu Ngọc ở chùa Lũng Thúy. Bảo Ngọc thấy là Diệu Ngọc nên không dám làm giật mình. Diệu Ngọc và Tích Xuân chính là đang lúc trầm ngâm nghĩ ngợi nên cũng không nhìn đến. Bảo Ngọc đứng một bên xem cách đánh của hai người như thế nào. Thấy Diệu Ngọc cúi đầu hỏi Tích Xuân:
Chị không cần góc này nữa à?
Sao lại không cần? Nhưng quân của chị ở đó đều là quân chết cả rồi, tôi sợ gì?
Hãy khoan nói láo, thử xem đã.
– Để tôi đánh lên, xem chị làm thế nào.
Diệu Ngọc mỉm cười, cầm quân cờ bên góc trên, đánh quật trở lại, ăn sạch quân cả một góc của Tích Xuân, rồi cười nói:
– Đây gọi là thế cờ “Đảo thoát hoa” (Cởi ngược giày).
Tích Xuân chưa kịp trả lời. Bảo Ngọc đứng một bên, nhịn không được, cười ha hả làm cho hai người giật nẩy mình. Tích Xuân nói:
Làm cái gì thế? Đến cũng không lên tiếng, chơi ác, làm người ta giật mình! Anh đến đây từ lúc nào thế?
Tôi đến từ lúc nãy, xem hai cô giành nhau cái góc cờ.
Cô Diệu không mấy khi ra khỏi cửa thiền, hôm nay có duyên nợ gì lại xuống trần chơi thế?
Diệu Ngọc nghe nói bỗng dưng đôi má ửng đỏ, cũng không trả lời, chỉ cúi đầu xuống nhìn bàn cờ.
Bảo Ngọc tự nghĩ mình láu táu quá, liền cười và nói lấy lòng:
Con nhà tu hành thật không giống như bọn người trần tục chúng tôi. Trước hết là giữ lòng cho yên tĩnh; yên tĩnh thì thông minh; thông minh thì sáng suốt.
Bảo Ngọc nói chưa xong, thấy Diệu Ngọc nhè nhẹ ngước mắt lên, nhìn Bảo Ngọc một cái, rồi lại cúi đầu xuống, đôi má dần dần ửng đỏ. Bảo. Ngọc thấy cô ta không để ý gì đến mình, liền thẫn thờ ngồi xuống một bên.
Tích Xuân còn muốn đánh cờ nữa, Diệu Ngọc chậm chạp nói:
Chốc nữa hãy đánh.
Cô ta liền đứng dậy sửa lại xiêm áo rồi lại ngồi xuống, vơ vẩn hỏi Bảo Ngọc:
– Cậu ở đâu lại đây?
Bảo Ngọc đang cố chờ Diệu Ngọc lên tiếng hỏi để chống chế câu nói của mình lúc trước, bỗng lại nghĩ: “Hay là câu hỏi của Diệu Ngọc có mưu mô gì chăng?” Liền đỏ mặt lên, nói không ra lời. Diệu Ngọc mỉm cười, đoạn nói chuyện với Tích Xuân. Tích Xuân cũng cười, nói:
Anh Hai này, điều đó có gì khó trả lời? Anh lại không nghe người ta thường nói: “Ở chỗ mình mà đến” à? Thế mà cũng đỏ mặt lên, giống như thấy người lạ ấy?
Diệu Ngọc nghe câu ấy, nghĩ thầm đến bộ dạng mình lúc vừa rồi, động lòng nóng má, tất nhiên là má cũng đỏ, cô ta cảm thấy ngượng, liền đứng dậy nói: – Tôi đến lâu rồi, phải về am đây.
Tích Xuân vốn biết tính của Diệu Ngọc, cũng không cố mời lại, liền tiễn chân ra ngõ.
Diệu Ngọc cười nói:
Lâu nay không đến, ở đây loanh quanh, đường về quanh co không khéo lạc mất. Bảo Ngọc nói:
Như vậy, tôi xin đưa cô về, có được không?
Không dám! Mời cậu đi trước.
Hai người từ giã Tích Xuân, từ Lục Phong hiên đi ra, quanh co khuất khúc, đi gần đến quán Tiêu Tương, bỗng nghe có tiếng “tưng tưng”. Diệu Ngọc nói:
Tiếng đàn ở đâu đấy?
Chắc là cô Lâm gẩy đàn đấy.
Thế cô ta cũng biết gầy đàn à? Sao ngày thường tôi không thấy cô ta nhắc đến?
Bảo Ngọc liền đem chuyện hôm nọ Đại Ngọc giảng giải về đàn, nói cho Diệu Ngọc nghe, rồi bảo:
Chúng ta đi đến xem đi.
Xưa nay chỉ có nghe đàn, ai lại xem đàn. Bảo Ngọc cười:
Tôi đã nói tôi là người tục mà.
Đang nói thì hai người đã đến ngoài quán Tiêu Tương, ngồi trên hòn đá bên núi lắng nghe, cảm thấy âm điệu trong trẻo, tha thiết. Nghe bên trong có tiếng hát nhè nhẹ. Gió vi vút chừ, khí thu già,
Người đẹp ngàn dặm chừ, một mình ngâm nga.
Trông vời quê hương chừ, đâu tá?
Đứng tựa lan can chừ, lệ nhỏ sa!
Nghỉ một chốc, lại nghe hát:
Non thăm thẳm chừ, sông dài,
Bóng trăng sáng chừ, dọi song mai.
Bâng khuâng không ngủ chừ, nhìn sông Ngân xa xôi,
Áo the run rẩy chừ, sương lạnh toát người.
Hát đến đấy lại nghỉ một chốc. Diệu Ngọc nói:
Vừa rồi là điệp thứ nhất, nay đến điệp thứ hai. Chúng ta rốn nghe xem. Trong nhà lại có tiếng hát vọng ra:
Cảnh ngộ ngươi chừ, không được tự do, Cảnh ngộ ta chừ, lắm mối buồn lo. Ngươi cùng ta chừ, lòng những hẹn hò, Nhớ người xưa chừ, đừng có đắn đo. Diệu Ngọc nói:
Đó lại là một khúc nữa, sao mà lo phiền lắm thế.
Tôi tuy không hiểu, nhưng nghe âm điệu, cũng cảm thấy buồn rầu quá. Lúc đó nghe trong nhà vặn lại dây đàn. Diệu Ngọc nói:
Dây chính cao quá, sợ không ăn khớp với luật vô xạ.(6)
Tại sao lại tự dưng đổi ra âm chủy,(7) âm vận này buồn quá, có thể làm cho vàng đá phải nứt. Thế này thì quá lắm!
Quá thì sao?
Quá thì không thể giữ được lâu.
Hai người đang bàn bạc, bỗng nghe “phựt” một tiếng, dây chính đứt mất. Diệu Ngọc
đứng dậy vội vàng chạy đi.
Bảo Ngọc nói:
Sao thế?
Ngày sau khắc biết, cậu cũng bất tất nói nhiều.
Nói xong Diệu Ngọc đi mất. Bảo Ngọc băn khoăn ngờ vực, ủ rũ đi về viện Di Hồng. Diệu Ngọc về đến nơi, có đạo bà ra đón, bèn đóng cửa chùa lại, ngồi một lúc, đem
kinh Phật hàng ngày đọc một lần. Ăn cơm chiều xong, thắp hương lên, Diệu Ngọc lạy các vị bồ tát rồi bảo với đạo bà đi nghỉ. Giường thiền và gối dựa đều sắp sửa sẵn. Diệu Ngọc buông màn, nín hơi, ngồi xếp tròn, bỏ hết mọi ý nghĩ lông bông, một lòng hướng về đạo chính. Ngồi như vậy đến sau trống canh ba bỗng nghe trên mái nhà có tiếng sột soạt, Diệu Ngọc sợ có kẻ trộm, vội xuống giường thiền, đi ra trước hiên, thì thấy bóng mây ngang giời, trăng trong như nước. Lúc bấy giờ tiết trời chưa lạnh lắm. Diệu Ngọc một mình đứng tựa lan can, bỗng lại nghe trên nhà hai con mèo vừa gù nhau vừa kêu.
Diệu Ngọc sực nhớ lời nói Bảo Ngọc lúc ban ngày, bỗng thấy động lòng nóng tai, vội vàng ổn định lại tâm thần, đi vào buồng thiền, lại lên giường ngồi. Nhưng khốn nỗi thần hồn bất định, hình như muôn ngựa ruổi rong, rồi cảm thấy như là cái giường cứ lắc lư, thân mình không còn ở trong am nữa. Cô thấy có rất nhiều vương tôn công tử đòi cưới mình làm vợ; lại thấy có nhiều bà mối lôi lôi kéo kéo, đẩy mình lên xe, mà mình thì không chịu đi. Một chốc lại thấy kẻ cướp, kẻ trộm cầm dao vác gậy đến bức bách mình. Diệu Ngọc đành phải khóc rầm lên và kêu cứu.
Bọn ni cô, đạo bà trong am nghe tiếng, đều thắp đèn đuốc tới xem, thì thấy Diệu Ngọc hai tay duỗi ra, miệng sè nước bọt. Họ vội vàng gọi tỉnh lại, thấy hai mắt Diệu Ngọc trừng lên, hai má đỏ thắm, miệng mắng:
Tao có bồ tát phù hộ, bọn kẻ cướp chúng bay dám làm gì? Mọi người hoảng sợ, chẳng biết làm thế nào, xúm xít gọi:
Cô mau tỉnh lại, chúng tôi đây mà.
Ta muốn về nhà. Các ngươi có ai giỏi thì đưa ta về. Đạo bà nói:
Phòng cô ở đây, chứ còn đâu nữa.
Nói rồi bà ta sai người cầu khấn trước tượng Quan Âm, và xin một quẻ thẻ. Mở thẻ ra xem thì nói là người này xúc phạm phải một âm hồn ở phía tây nam. Có một người nói:
Phải rồi! Góc tây nam trong vườn Đại Quan này xưa nay không có người ở, thế nào cũng có ma quỉ.
Thế rồi người chạy cách này, người chạy cách khác rối rít cả lên.
Một ni cô do Diệu Ngọc đưa từ phương Nam đến để hầu hạ mình, cho nên tận tâm hơn mọi người, cứ ngồi trên giường ôm lấy Diệu Ngọc. Diệu Ngọc ngoảnh lại hỏi:
Mày là ai?
Tôi đây.
Té ra chị đấy à?
Diệu Ngọc nhìn kỹ rồi ôm lấy ni cô, nghẹn ngào khóc nức nở mà nói:
– Chị là mẹ tôi, chị không cứu tôi thì tôi chết mất!
Người ni cô một mặt gọi Diệu Ngọc tỉnh lại; một mặt xoa bóp cho cô ta. Đạo bà múc nước cho uống, mãi đến trời sáng mới ngủ được.
Ni cô liền cho người đi mời thầy xem mạch. Cũng có người nói là vì lo nghĩ tổn hại đến tỳ; cũng có người nói là nhiệt vào huyết thất; cũng có người nói xúc phạm ma quỷ; cũng có người nói là nội cảm ngoại thương, rút cục chẳng có gì là nhất định. Sau cùng mời được một ông thầy đến xem bệnh rồi hỏi:
Đêm ấy cô có ngồi nhập định không? Đạo bà nói:
Xưa nay đêm nào sư cô tôi cũng ngồi nhập định.
Có phải đêm qua bỗng dưng sinh bệnh không?
Chính thế.
Đó là vì tà hỏa nhập vào tim đấy.
Có cần gì không?
May mà ngồi nhập định chưa lâu lắm, tà hỏa chưa vào sâu, còn có thể chữa được. Nói xong thầy lang cho đơn “Giáng phục tâm hỏa” sắc thang cho Diệu Ngọc uống. Diệu Ngọc dần dần bình phục.
Tin này đồn ra ngoài, bọn chơi bời lêu lổng nghe được, liền bịa đặt ra nhiều chuyện không đâu. Chúng nói:
Người chừng ấy tuổi, chịu làm sao được? Vả lại hình dáng phong lưu, tính tình linh lợi, sau này chẳng biết lọt vào tay ai, thì người ấy tốt phúc.
Qua vài ngày, Diệu Ngọc đã hơi đỡ, nhưng tinh thần chưa thật bình phục, có lúc vẫn còn mơ màng, hoảng hốt.
Một hôm Tích Xuân đang ngồi, thì Thái Bình vào nói:
Cô có biết chuyện cô Diệu Ngọc không?
Cô ta có việc gì?
Hôm qua tôi nghe cô Hình và mợ cả nói chuyện: Cô Diệu Ngọc từ hôm đánh cờ với cô về, đêm ấy bị trúng tà, miệng kêu rầm lên, nói kẻ cướp tới bắt, đến nay vẫn chưa khỏe. Cô thử nghĩ xem, có lạ không?
Tích Xuân nghe nói, im lặng không đáp, trong bụng nghĩ thầm: “Diệu Ngọc tuy là trong sạch, nhưng trần duyên chưa dứt. Tiếc thay mình lại sinh ở nhà này, tu hành không tiện; nếu mình được tu hành, làm gì có tà ma nhiễu hại! Chắc chắn sẽ lửa lòng lạnh tắt, duyên nghiệp sạch không”. Nghĩ đến đó, Tích Xuân bỗng dưng tinh thần cảm thông, trong lòng như có sở đắc, liền ứng khẩu đọc câu kệ như sau:
Giời đất không bến bờ, Chỗ nào là nên ở? Vốn tự chỗ không ra, Nên về chỗ không đó.
Đọc xong, cô ta sai a hoàn thắp hương, một mình ngồi im lặng, rồi lục sách thế cờ ra xem mấy bài do ông Khổng Dung vào Vương Tích Tân làm ra.(8) Trong đó các thế “Hà diệp bao giải”(9), “Hoàng oanh bác thỏ”(10) đều không lạ lắm. Thế “Tam thập lục cuộc sát giác11), thì trong một lúc cũng khó lãnh hội và khó nhớ. Chỉ có thế “Thập long tẩu mã”(12) là rất có ý tứ. Tích Xuân đang nghĩ ngợi thì thấy ở ngoài có một người chạy vào trước sân, gọi:
Chị Thái Bình ơi!
————
1.Nguyên là thể phú, vì hạn chế vần, chúng tôi dịch theo thể này.
2.Tức Lý Dục, vua nước Nam Đường, bị Tống Thái Tông diệt mất nước.
3.Ở hồi 77, theo lời Vương phu nhân nói, thì con Năm đã chết rồi, có lẽ là lầm.
4.Một đồ dùng người xưa thường làm để treo ở ngoài mái nhà có gió thổi thì chạm nhau kêu leng keng.
5.“Ỷ Lan” đã chú thích ở hồi trên. “Tư hiền” là khúc đàn do Chu Văn Vương làm ra khi tìm được Lã Vọng.
6.Một trong mười hai luật đời xưa. Trong mười hai chi thì thuộc về tuất.
7.Chủy là một trong năm âm luật của đàn (cung thương giốc chủy vũ).
8.Khổng Dung người đời Tam quốc; Vương Tích Tân người đời nhà Đường đều là tay cao cờ.
9.Lá sen bọc cua.
10.Oanh vàng đâm thỏ.
11.Ba mươi sáu nước đánh góc.
12.Mười rồng ruỗi ngựa. Các chữ trên này là thế cờ tướng, do những tay cao cờ đặt ra.