Giả Liễn đến châu Bình An gặp lúc quan Tiết Độ ở đấy đi tuần ngoài biên, chừng một tháng mới về. Chưa nhận được tin đích xác, hắn đành phải chờ lại ở nhà trọ. Đến khi gặp quan Tiết Độ mới thu xếp xong công việc, về đến nhà thì đã mất gần hai tháng.
Phượng Thư tính thầm trong bụng: chờ cho Giả Liễn đi rồi, liền truyền các hiệp thợ, thu dọn ba gian phòng bên đông, bày biện sửa sang như nhà của mình ở. Đến ngày mười bốn, Phượng Thư trình Giả mẫu và Vương phu nhân, nói sáng ngày rằm phải đến dâng hương ở miếu cô, chỉ đem bốn người là Bình Nhi, Phong Nhi, vợ Chu Thụy và vợ Lai Vượng đi thôi. Lúc lên xe, Phượng Thư nói hết duyên cớ cho mọi người biết; lại dặn bọn con trai, mặc áo trắng che dù trắng, cùng đi đến đó. Thằng Hưng dẫn đường, đến nhà gõ cửa. Vợ Bào Nhị mở cửa, thằng Hưng cười nói: – Đi trình mợ Hai, mợ Cả đến đấy.
Vợ Bào Nhị nghe vậy sợ hết vía, vội chạy về báo chị Hai. Chị Hai tuy sợ thực, nhưng đã đến nước này, đành phải theo lễ ra chào, vội sửa sang áo xiêm ra đón. Đến trước cửa, Phượng Thư mới xuống xe. Chị Hai nhìn thấy: trên đầu cài đồ bạc trắng xóa, mình mặc áo đoạn nguyệt bạch, áo khoác bằng lụa xanh viền chỉ bạc và chiếc quần lụa trong. Thật là mày liễu cong vắt đôi nhành, mắt phượng rõ rành ba ngấn; thướt tha như đào mùa xuân, trong trắng như cúc mùa thu. Vợ Chu Thụy và vợ Lai Vượng đỡ Phượng Thư lên trên nhà. Chị Hai một điều gọi là “chị” rồi nói:
Hôm nay thực không biết chị sang chơi, không kịp ra đón, xin chị tha lỗi cho em! Nói xong sụp xuống lạy. Phượng Thư cười đáp lễ, rồi dắt tay chị Hai cùng vào trong buồng. Phượng Thư ngồi trên. Chị Hai sai trải nệm, rồi nói:
Em còn trẻ tuổi, từ khi về đây, mọi việc đều do mẹ và chị em lo liệu. Nay may được gặp chị, nếu chị có lòng thương kẻ hèn mọn này, mọi việc nhờ chị dạy bảo cho, em xin hết lòng hết dạ hầu hạ chị!
Nói xong sụp xuống lạy. Phượng Thư vội đáp lễ và nói:
Cũng vì chị đây hãy còn ít tuổi, lại là kiến thức đàn bà. Chị thường khuyên cậu Hai
phải giữ gìn thân thể, không nên đắm đuối trăng hoa, để cho ông bà phải bận lòng. Đó đều là lòng ngây thơ của chị em chúng ta. Ai ngờ cậu hai hiểu lầm ý chị. Nếu đi lấy người ngoài thì giấu chị cũng được, nhưng nay lại lấy em làm vợ hai, việc chính đáng như thế cũng là lễ giáo trong nhà, thế mà cậu ấy không hề nói gì cho chị biết. Chị vẫn thường khuyên cậu ấy nên lấy thêm người nữa, may ra sớm sinh được chút con trai hay con gái, chị cũng có phận nhờ. Không ngờ cậu Hai lại cứ cho chị là người ghen tuông quá mức, lén lút lo liệu một mình, thật làm chị bị oan không có chỗ kêu. Bụng chị chỉ có trời đất thấu cho thôi. Mười hôm trước đây, chị đã thoáng nghe thấy chuyện này, nhưng sợ cậu Hai hiểu lầm, nên không dám nói ra. Gặp lúc cậu Hai đi vắng, nên chị đến đây thăm em. Mong em thể lượng nỗi lòng đau khổ của chị, lên xe về bên nhà, chị em chúng ta cùng ở với nhau, một lòng một dạ khuyên bảo cậu Hai, phải cẩn thận chăm lo công việc, giữ gìn thân thể. Thế mới đúng lễ giáo nhà ta. Nếu em ở bên ngoài, chị lại ở bên trong, em nghĩ mà xem, chị yên lòng sao được? Người ngoài họ biết, không những chị mang tiếng, mà em cũng chẳng tốt đẹp gì. Vả chăng thanh danh cậu Hai là lớn, chứ chị em chúng ta chỉ là việc nhỏ thôi. Những bọn tôi tớ tiểu nhân, thấy chị ngày thường trông nom việc nhà nghiêm ngặt, mới đặt điều nói vụng sau lưng. Đó cũng là chuyện thường. Em thử nghĩ xem, ngày xưa có câu nói: “Người đứng lo việc nhà là thùng nước bẩn”. Nếu chị thực là người hẹp hòi thì trên có mấy bực cha mẹ chồng, giữa có các cô, các chị em dâu, khi nào lại dung cho chị đến bây giờ? Ngay như việc cậu Hai lấy em để ở bên ngoài, đáng lẽ chị không muốn gặp em, nhưng sao chị lại phải đến. Chính như Bình Nhi đây, chị cũng khuyên cậu Hai lấy chị ấy về đấy. Việc của em đây cũng là nhờ trời đất, thần phật không nỡ để cho bọn tiểu nhân làm hại chị, nên mới cho chị biết. Nay chị đến đây mời em về cùng ở với chị một nơi. Nhà ở, đồ dùng, áo quần, kẻ hầu người hạ, hai chúng ta đều như nhau. Em là người tinh lanh sắc sảo như thế, nếu chịu thực lòng giúp chị, thì chị cũng nhờ được một tay. Như vậy chẳng những lấp được miệng bọn tiểu nhân, mà chính cậu Hai khi về trông thấy, chắc cũng hối lại, biết chị không phải là hạng người ghen tuông tráo trở. Rồi ba chúng ta càng thêm hòa thuận với nhau, thì em lại là đại ân nhân của chị đấy. Nếu em không chịu về, chị xin tình nguyện dọn ra đây cùng ở với em, chỉ mong trước mặt cậu Hai, em nói khéo hộ chị, để chị có chỗ yên thân. Dù được gội đầu hầu hạ em,
chị cũng xin vui lòng.
Nói xong Phượng Thư nghẹn nào nức nở. Chị Hai thấy cũng nhỏ nước mắt.
Hai người vái chào nhau, theo thứ tự ngồi xuống. Bình Nhi vội đến vái chào. Chị Hai thấy chị ta ăn mặc lịch sự, cử chỉ nhã nhặn, đoán đúng là Bình Nhi, liền đứng lên giữ lại, và nói:
Em đừng xử thế, chúng ta cùng như nhau cả. Phượng Thư vội đứng dậy cười nói:
Đừng làm thế. Em cứ nhận lễ đi. Chị ấy là người hầu của chúng ta đấy.
Nói xong lại sai vợ Chu Thụy lấy trong bao bốn tấm đoạn màu tốt, bốn đôi vòng, trâm bằng vàng ngọc để làm lễ gặp mặt. Chị Hai vội lạy rồi nhận lấy. Hai người uống nước, cùng nhau kể lại chuyện cũ. Phượng Thư luôn miệng oán trách mình: “Chị không dám trách ai. Chỉ mong em thường chị thôi.”
Chị Hai là người thực thà, cho Phượng Thư tốt dạ. “Tôi tớ không được vừa lòng thì oán trách chủ, đó là lẽ thường”. Nghĩ vậy, chị ta cởi lòng cởi dạ nói hết cả chuyện ra, lại cho Phượng Thư là người tri kỷ. Bọn vợ Chu Thụy đứng ở bên cạnh tán dương Phượng Thư xưa nay là người rất tốt, chỉ vì nhẹ dạ làm cho người ta oán trách. Lại nói: “Đã sửa soạn nhà cửa rồi, mợ về bên ấy sẽ biết”.
Chị Hai trước cũng muốn về, bây giờ thấy thế, làm gì mà không bằng lòng. Liền nói:
Đáng lẽ em đi theo chị về là phải, nhưng còn bên này thì làm thế nào?
Việc ấy có khó gì? Những rương hòm và đồ đạc của em cứ sai bọn người hầu dọn sang. Còn thứ lềnh kềnh không dùng đến sẽ cho người đến trông nom. Em thấy đứa nào cẩn thận thì bảo nó đến đây giữ.
Hôm nay được gặp chị, em dời về bên ấy, mọi việc nhờ chị lo liệu hộ cho. Em đến đây mới được ít ngày, chưa từng trông nom việc nhà, không hiểu gì cả, còn lo liệu sao được. Mấy cái hòm này xin mang cả sang. Em cũng chẳng có gì. Đây toàn là của cậu Hai cả.
Phượng Thư sai vợ Chu Thụy ghi lấy, trông nom cẩn thận, cho khiêng sang bên nhà phía đông. Lại giục chị Hai mặc áo rồi hai người dắt tay nhau lên xe cùng về.
Phượng Thư khẽ bảo:
Khuôn phép nhà ta nghiêm lắm. Việc này cụ và bà Hai chưa biết gì cả; nếu biết, cậu
Hai đương lúc có tang lấy vợ, sẽ bị đánh chết. Nay chưa nên đến chào cụ và bà Hai
vội. Nhà chúng ta có một cái vườn hoa rất to, các chị em đều ở đấy, không mấy người
vào được. Bây giờ em sang ở tạm trong vườn mấy hôm, để chị nghĩ cách trình rõ ràng
trước, lúc đó em sẽ đến chào mới ổn.
– Xin tùy ý chị định liệu.
Phượng Thư đã dặn bọn người hầu rồi, nên bây giờ không vào cửa trước mà cứ đẩy xe đi thẳng vào cửa sau. Tới nơi, Phượng Thư cho mọi người về, tự mình dẫn chị Hai đi vào cửa sau vườn Đại Quan, đến chào Lý Hoàn.
Lúc đó, trong vườn Đại Quan, mười người đã có chín người biết chuyện. Nay thấy Phượng Thư dẫn chị Hai về, họ đều xúm lại xem. Chị Hai chào hỏi khắp lượt. Thấy chị Hai là người phong nhã dịu dàng, ai cũng khen ngợi. Phượng Thư dặn mọi người: – Không được hở tiếng ra ngoài. Nếu cụ và bà biết thì ta đánh chết!
Bọn bà già và a hoàn trong vườn, xưa nay vẫn sợ Phượng Thư, lại biết Giả Liễn đương có tang nước, tang nhà mà làm chuyện này, quả là việc rất quan hệ, nên không ai dám vướng đến.
Phượng Thư khẽ nhờ Lý Hoàn nuôi chị Hai ít hôm và bảo:
– Chờ khi trình xong, chúng tôi sẽ về nhà.
Lý Hoàn thấy Phượng Thư đã sửa soạn nhà cửa bên ấy rồi, lại đang lúc có tang, không nên để lộ ra ngoài, như thế cũng đúng, nên đành để cho ở tạm nhà mình. Phượng Thư lại đuổi hết a hoàn của chị Hai đi, đưa một người hầu của mình đến cho chị Hai sai khiến và ngầm bảo bọn đàn bà hầu trong vườn: “Phải trông coi nó cẩn thận, nếu để nó trốn đi thì ta sẽ kể tội cho!” Rồi ngấm ngầm đi bố trí công việc. Mọi người trong nhà đều lấy làm lạ và nói vụng với nhau:
– Không biết vì sao mợ ấy lại trở nên hiền hậu như thế?
Chị Hai được chỗ ở tốt, lại thấy chị em trong vườn đối đãi tử tế, tưởng là được chốn yên thân, nên không lo lắng gì. Ngờ đâu ba ngày sau a hoàn là Thiện Thư đã không chịu hầu hạ nữa. Chị Hai nói:
Hết dầu bôi đầu rồi. Cô sang nói với mợ Cả(1) cho một ít mang về. Thiện Thư liền nói:
Mợ Hai ơi, mợ sao lại không biết điều. Người không có mắt hay sao? Mợ Cả chúng
tôi ngày nào cũng phải hầu hạ cụ, hầu hạ bà Hai bên này, hầu hạ bà Cả bên kia; rồi các mợ, các cậu, các cô trên dưới hàng mấy trăm người, chỗ nào cũng cần đến mợ ấy. Một ngày ít ra cũng có một vài chục việc quan trọng, dăm ba chục việc bình thường. Bên ngoài thì kể từ trên quí phi đến các vị vương công hầu bá, bao nhiêu việc đi lại thăm nom; trong nhà lại phải thù ứng những bạn bè thân thích; hàng ngày chi tiêu tiền nghìn bạc vạn, đều phải qua ý mợ ấy và qua miệng mợ ấy truyền ra, chứ đâu có những việc nhỏ mọn cũng phải phiền đến mợ ấy? Tôi khuyên mợ hãy thôi đi. Mình chẳng phải hạng vợ cái con cột gì. Mợ ấy là người hiền lành xưa nay chưa từng có, thì mới đối đãi với mợ như thế đấy. Nếu là người khác, hơi một tý là chửi mắng ầm lên, tống cổ ra ngoài, sống chết bỏ mặc, thì mợ đã dám làm gì?
Nó nói một hồi, làm cho chị Hai gục mặt xuống, thôi đành bỏ mặc cho xong. Thiện Thư dần dần đến cơm cũng chẳng buồn mang đến cho chị Hai ăn; được bữa sáng mất bữa chiều, những thứ mang đến đều là đồ ăn thừa cả. Chị Hai có nói, nó lại trừng mắt kêu ầm lên. Chị Hai sợ người ta cười mình không biết thân biết phận, đành phải nhịn đi cho xong chuyện.
Cách dăm bảy ngày chị Hai mới gặp Phượng Thư một lần. Phượng Thư vẫn vui vẻ
hòa nhã, một điều “em” hai điều “em”.
Lại nói:
Nếu người hầu có chỗ sơ suất, em không bảo được nó thì cứ mách chị, chị sẽ đánh cho.
Rồi mắng đám bà già con hầu:
Ta biết chúng bay mềm thì nắn, rắn thì buông, vắng mặt ta thì chúng bay còn sợ ai! Nếu dì Hai có điều không được như ý, nói đến tai ta, ta sẽ tuốt xác chúng bay ra!
Chị Hai thấy Phượng Thư tốt như vậy, nghĩ bụng: “Chị ấy đã vậy, ta còn bới việc ra làm gì nữa? Kẻ dưới không biết điều hay lẽ dở cũng là thường tình. Nếu ta mách, chúng nó bị chửi mắng, sẽ bảo ta là ác”. Vì vậy chị Hai lại che chở cho chúng.
Phượng Thư sai Lai Vượng ở ngoài dò xét, biết rõ chị Hai trước đã có nhà chồng rồi. Anh chàng này tên là Trương Hoa, mười chín tuổi, suốt ngày cờ bạc, không chịu làm ăn, phá hết cơ nghiệp, bố mẹ đuổi đi, hiện giờ hắn la cà ở sòng bạc. Bà già Vưu cho bố hắn hai mươi lạng bạc để thoái hôn, hắn vẫn chưa biết. Phượng Thư liền đưa cho
Lai Vượng hai mươi lạng bạc, bảo nó đến dỗ dành Trương Hoa, dẫn Trương Hoa về nhà, bảo hắn viết một cái đơn đưa đến quan sở tại kiện Giả Liễn lúc có tang nước, tang nhà, dám trái lệnh vua, dối bố mẹ, cậy của dựa thế, bắt ép người ta phải thoái hôn, đã có vợ rồi lại lấy vợ nữa.
Trương Hoa biết việc này rất quan hệ, nên không dám hấp tấp. Lai Vượng về trình
Phượng Thư. Phượng Thư tức quá, mắng:
Cái đồ chó ghẻ, đun đít cũng không dám nhảy qua tường! Mày nói rõ cho nó liết, dù nó kiện nhà ta làm loạn cũng chăng can gì. Chẳng qua mượn nó bày trò để cho họ bẽ mặt đấy thôi; nếu bới chuyện ra to thì ta đã có cách dẹp yên được.
Lai Vương vâng lời, lại đành phải đi nói với Trương Hoa. Phượng Thư dặn với:
Nếu có kiện mày, thì mày cứ việc đi hầu kiện, cứ thế mà làm, rồi ta sẽ có cách.
Lai Vượng thấy vậy, liền bảo Trương Hoa viết thêm cả tên mình vào đơn kiện và nói:
– Anh cứ kiện tôi là người đứng giữa đã xui giục cậu Hai làm những việc ấy.
Trương Hoa vững tâm cùng Lai Vương bàn bạc, viết một lá đơn, ngày hôm sau đến viện đô sát khiếu oan. Quan đô sát ra công đường, trông thấy lá đơn kiện Giả Liễn, trong đó có cả tên người nhà là Lai Vượng, đành phải sai người đến phủ Giả đòi Lai Vượng tới đối chất. Người lính không dám thiện tiện vào, chỉ nhờ một người đưa tin. Lai Vương đang chờ việc ấy, thấy người lính đến, liền chào hỏi, bất chấp cả người đưa tin, cười nói:
Làm phiền đến anh em, tất là việc tôi bị kiện. Anh chẳng cần phải nói nữa, cứ xích tay tôi lại.
Bọn lính không dám, chỉ nói:
Thôi mời anh đi, đừng đùa nữa.
Lai Vượng đến trước sân quỳ xuống. Quan đô sát sai mang lá đơn cho hắn xem. Lai Vượng cố ý xem một lượt từ đầu đến cuối, rồi lại thưa:
Việc này con biết hết, chính chủ con có làm. Nhưng Trương Hoa xưa nay vẫn thù con, cố ý kéo con vào trong đơn, thực ra còn có người khác nữa, xin quan xét kỹ cho. Trương Hoa lạy nói:
Tuy có người khác, nhưng con không dám kiện nên chỉ kiện người hầu hạ thôi.
Lai Vượng giả vờ nói:
Thằng hồ đồ này! Sao mày không nói ngay ra. Đây là nơi công đường của triều đình, dù là chủ nữa cũng phải nói ra.
Trương Hoa liền khai ra Giả Dung. Quan đô sát không biết làm thế nào, đành phải cho đòi Giả Dung đến.
Phượng Thư lại sai Khánh Nhi đi dò xét, thấy Trương Hoa đã kiện rồi, liền gọi Vương Tín đến bảo cho hắn biết việc này, rồi sai hắn đến nói với quan đô sát là chỉ nên dọa dẫm cho họ sợ thôi. Lại sai lấy ba trăm bạc đưa hắn đi lo liệu. Đêm hôm ấy Vương Tín đến nhà riêng quan đô sát, đút lót món tiền. Quan đô sát đã biết rõ nguyên ủy, nhận ngay. Hôm sau ra công đường, chỉ mắng Trương Hoa là đứa vô lại vì nợ tiền của phủ Giả, mới bầy việc vu vạ nói xấu người lành. Quan đô sát vẫn chơi thân với Vương Tử Đằng, nên Vương Tín chỉ phải đến nhà nói qua một lời thôi, vả chăng họ cũng đều là người phủ Giả cả, cũng muốn chóng êm chuyện, nên chỉ cho đòi Giả Dung đến đối chất.
Giả Dung đương bận việc, chợt có người đến báo tin:
Có người kiện các cậu đấy! Phải lo liệu sớm đi.
Giả Dung lo sợ vội trình Giả Trân. Giả Trân nói:
– Ta đã đề phòng trước rồi. Khen cho nó cả gan thật.
Liền gói ngay hai trăm bạc sai người đến đút lót cho quan đô sát, lại sai người nhà đi đối chất. Đương bàn định thì có người vào trình: – Mợ Hai bên phủ Tây sang đấy.
Giả Trân nghe nói giật mình, định cùng Giả Dung tránh đi, không ngờ Phượng Thư đã vào đến nơi, nói:
Ông anh tốt quá, đưa các em đi làm những việc hay đấy! Giả Dung ra chào, Phượng Thư kéo tay hắn đi vào.
Giả Trân lại cười nói:
Phải hầu thím mày cẩn thận đấy. Bảo chúng nó giết gà vịt làm cơm. Nói xong sai người đóng ngựa rồi lánh mặt đi chỗ khác.
Phượng Thư dắt Giả Dung lên nhà trên. Vưu thị ra đón, thấy Phượng Thư có vẻ giận, liền nói:
Có việc gì mà thím vội vàng thế?
Phượng Thư nhổ toẹt một bãi nước bọt vào mặt Vưu thị rồi mắng:
Con gái nhà họ Vưu không ai thiết, chị lén lút gán cho người họ Giả. Có lẽ chỉ có người nhà họ Giả mới đẹp, còn thiên hạ chết hết cả con trai hay sao? Chị muốn gả chồng cho em, cũng phải có mối manh chứng cớ hai năm rõ mười, mọi người đều biết cho có thể thống chứ. Chị mê rồi, lú ruột lú gan rồi. Đương lúc có cả tang nhà, tang nước, chị lại cho em về nhà chồng để cho người ta đi kiện chúng tôi. Chúng tôi nào khác con cua không càng. Tiếng ghen tuông đanh đá của tôi đến cả tai quan. Họ đích danh đòi tôi. Họ định bỏ tôi. Từ khi về nhà này, tôi làm những điều gì không phải, mà chị lại độc ác như thế? Hay là cụ và bà Hai đã dặn ngầm chị, bảo chị bày ra cách này để đuổi tôi đi? Bây giờ tôi với chị cùng ra cửa quan đối chứng rõ ràng; sau về mời họ hàng họp lại, hai mặt một lời, nói rõ đầu đuôi, rồi cho tôi giấy tờ, tôi sẽ về ngay!
Phượng Thư vừa nói vừa khóc ầm lên, nhất định kéo Vưu thị ra hầu quan. Giả Dung hoảng sợ quỳ xuống lạy lục kêu van:
Xin thím nguôi giận cho.
Quân trời đánh thánh vật không có lương tâm này! Không biết trời cao đất dày thế nào, mà suốt ngày chỉ xui người này, bẩy người kia, làm những việc tan cửa nát nhà, không giữ thể diện, không trọng phép vua. Linh hồn mẹ mày có chết đi, chắc không tha mày, tổ tiên không dung túng mày! Thế mà mày còn dám đến can ta à!
Mắng xong, Phương Thư giơ tay đánh luôn. Giả Dung sợ quá lạy như tế sao, nói:
Xin thím chớ nổi giận. Thím hãy khoan tay để cháu tự đánh lấy. Xin thím hãy nguôi giận.
Hắn giơ hai tay lên tát lấy tát để vào hai má, rồi tự hỏi mình:
Từ sau làm việc gì còn không nghĩ trước nghĩ sau nữa thôi? Từ sau còn chỉ nghe lời chú không nghe lời thím nữa thôi?
Mọi người vừa can ngăn, vừa buồn cười, nhưng không dám cười. Phượng Thư lăn vào lòng Vưu Thị, kêu trời kêu đất, khóc lóc thảm thiết:
Việc chị lấy vợ cho em chị, tôi cũng không giận nhưng tại sao lại để cho em chị trái lệnh vua, dối cha mẹ, đổ tiếng xấu lên người tôi? Chúng ta đi lên phủ để lính tráng khỏi phải đến bắt. Chúng ta về gặp cụ, gặp bà Hai rồi họp họ lại để mọi người công
luận. Nếu tôi không tốt, không cho chồng lấy vợ lẽ thì cứ viết một tờ giấy cho tôi ra. Tôi sẽ đi ngay. Còn cô em của chị, tôi đã đón về nhà rồi, vì sợ cụ và bà Hai nổi giận nên chưa dám trình, hiện giờ ở trong vườn, ngày nào cũng cơm bưng nước rót, kẻ hầu người hạ tử tế. Ở bên nhà, tôi đã thu xếp một cái buồng cũng như buồng của tôi, chỉ chờ khi cụ biết rõ việc này thôi. Tưởng rằng đón về để mọi người yên phận làm ăn, tôi cũng chả cần phải nhắc lại chuyện cũ nữa, ngờ đâu cô ta đã có chồng rồi! Không biết các người làm ăn như thế nào, tôi không hiểu ra sao cả. Nay họ lại đi kiện tôi. Hôm qua tôi hoảng quá, nếu mà tôi đến hầu quan ngay thì chỉ xấu mặt người họ Giả thôi, nên bắt buộc phải ăn cắp của bà Hai năm trăm lạng bạc để đi đút lót. Hiện người nhà tôi còn bị giam ở trên ấy.
Phượng Thư nói xong lại khóc, khóc rồi lại mắng. Sau khi kêu gào ông bà cha mẹ, và định đập đầu tự tử, làm Vưu thị nhũn như sợi bún, quần áo đầy những nước mắt nước mũi, không hề nói được câu gì, chỉ mắng Giả Dung:
Quân khốn nạn! Mày và bố mày khéo bới việc. Tao đã bảo mà, làm thế không được đâu!
Phượng Thư nghe nói thế, liền khóc rồi trỏ vào mặt Vưu thị hỏi:
Chị mê rồi à? Có lẽ miệng chị ngậm hạt thị hay sao? Hay là họ khóa hàm thiếc vào mồm chị. Tại sao chị không đến bảo tôi trước? Nếu chị bảo tôi biết, thì bây giờ chẳng đã yên rồi hay sao? Làm gì phải đi hầu quan nọ phủ kia, gây ra nông nỗi này? Bây giờ chị lại còn mắng nó! Người xưa đã nói: “Vợ hiền chồng ít tội; tốt dạ hơn tốt lời”. Nếu chị là người giỏi, khi nào họ dám làm những chuyện này? Chị đã không có tài cán, lại không biết ăn nói, cứ như cái bầu cưa miệng chỉ biết một mực kính cẩn để lấy tiếng hiền lành.
Nói xong lại nhổ toẹt mấy cái. Vưu thị cũng khóc nói:
Đâu có phải như thế? Thím không tin cứ hỏi người hầu ở đây, tôi không khuyên mãi hay sao? Nhưng họ không nghe thì tôi làm thế nào được? Chẳng trách thím giận là phải, tôi đành cứ chịu ngồi nghe thôi.
Bọn hầu, bà già, a hoàn quỳ xuống đất van xin:
Mợ Hai là người rất sáng suốt. Mợ chúng tôi có điều không phải, từ nãy đến giờ mợ
đã giày vò đủ rồi. Xưa nay các mợ ăn ở với nhau tốt như thế nào? Xin mợ hãy để lại chút thể diện cho mợ tôi.
Họ bưng nước đến mời, Phượng Thư hất đi. Một lúc thôi khóc, vén tóc lên, lại quát mắng Giả Dung:
Ra mời bố mày vào đây để tao hỏi. Bác mới chết được ba mươi lăm ngày mà cháu đã lấy vợ, không biết lễ ở đâu thế, muốn hỏi rõ đề sau này còn dạy bảo con cháu!
Giả Dung quỳ lạy nói:
Việc này không dính dáng gì đến cha mẹ cháu, chỉ vì cháu một lúc dại dột, xui giục chú nhà làm như thế. Cha cháu cũng không hề biết đến. Hiện giờ cha cháu đương cư tang. Nếu thím làm ồn lên, thì cháu đến chết mất. Mong thím cứ trách phạt cháu, cháu xin nhận cả. Việc ra cửa quan xin thím thu xếp hộ, cháu không chịu nổi được đâu, chắc thím cũng hiểu câu tục ngữ: “Tay gãy giấu vào ống áo”. Cháu ngu ngốc đáng chết, đã làm việc dại dột khác nào giống chó má vậy. Lời thím dạy, cháu mới sáng ra. Xin thím hết sức dẹp chuyện ấy lại, khỏi vỡ lở ra ngoài. Thím cứ coi cháu như đứa con bất hiếu gây ra tai họa, nhưng thím cũng phải nén lòng mà thương đến nó!
Nói xong lại lạy lia lịa.
Phượng Thư thấy mẹ con Giả Dung như thế, lòng đã nguôi nguôi, đành dịu giọng xin lỗi Vưu thị:
Em còn ít tuổi chưa từng trải việc đời. Nay nghe thấy người ta kiện tụng đâm ra mê mẩn cuống cuồng, nói xúc phạm đến chị. Đúng như cháu Dung nói: “Tay gãy giấu vào ống áo”. Xin chị tha lỗi cho. Em lại nhờ chị nói với anh, làm sao cho yên việc kiện tụng ấy đi mới ổn.
Vưu thị và Giả Dung đều nói:
Xin thím cứ yên tâm. Thế nào cũng không liên lụy đến chú nhà đâu. Thím vừa nói tiêu mất năm trăm lạng bạc, mẹ con cháu tất phải thu xếp đủ số để bù lại cho thím, chứ lẽ nào lại để cho thím chịu thiệt? Nếu để thím chịu thì mẹ con cháu lại càng đáng chết! Nhưng còn một việc nữa; trước mặt cụ và bà Hai, nhờ thím liệu mà che chở cho, đừng nhắc đến những chuyện này thì hơn!
Phượng Thư cười nhạt:
Các người đè đầu tôi xuống để làm việc này, lại dỗ dành tôi phải che chở cho. Dù tôi
là đứa ngu đần cũng không đến nỗi thế. Em chồng chị với tôi là người thế nào? Chị còn lo cho hắn không có con, chẳng lẽ tôi lại không lo hơn chị hay sao? Em gái chị cũng như em gái tôi. Khi nghe thấy chuyện này, suốt đêm tôi vui mừng không ngủ được, vội vàng sai người thu xếp nhà cửa để mời dì ấy về cùng ở chung, ngay những bọn hầu hạ cũng nói: mợ nóng nảy quá, cứ như ý chúng cháu thì nên trình với cụ và bà Hai đã, xem thế nào rồi hãy thu dọn nhà cửa đón về cũng không muộn. Tôi nghe những câu nói ấy phải đánh mắng át đi, họ mới chịu thôi. Nào ngờ lại không được như ý, bỗng dưng như có người vả vào mặt, thằng Trương Hoa ở đâu đưa đơn đi kiện. Tôi thấy thế, sợ quá, hai đêm không chợp mắt được, lại không dám lộ tiếng ra ngoài, đành chỉ nhờ người đi dò xem Trương Hoa là người thế nào mà to gan thế. Dò xét hai ngày, té ra nó là một thằng ăn mày liều lĩnh. Tôi còn ít tuổi, nghe vậy cười nói: “Kiện tụng gì nó”. Nhưng bọn người hầu nói “Đó là người chồng mà chị Hai đã hứa lấy khi trước. Nay hắn kiết quá, ăn đói ở rét, chỉ còn chờ chết thôi. Hiện hắn nắm được cái lý ấy, dù có chết cũng còn hơn là chịu chết đói, chết rét. Như thế trách sao được hắn chẳng đi kiện? Việc này do cậu nhà vội vàng quá; một tội là còn tang nước; hai tội là tang nhà; ba tội là giấu cha mẹ đi lấy vợ; bốn tội là có vợ lại đi lấy vợ nữa. Tục ngữ nói: “Quân liều lôi vua xuống ngựa”. Nó là hạng cùng cực điên rồ, việc gì chẳng bạo gan làm? Vả lại nó đã nắm phần chắc, không đi kiện lại đợi người ta đến mời hay sao?” Chị thử xem, dù tôi có là Hàn Tín, Trương Lương, khi nghe thấy chuyện này cũng sợ hết hồn vía, không còn nghĩ ra mưu kế gì nữa. Em chị lại đi vắng, không có người để bàn bạc, tôi đành phải lấy tiền ra đắp điếm. Ngờ đâu càng dùng tiền lại càng làm cho người ta nắm được đằng chuôi, càng bới thêm nhiều chuyện. Tôi khác nào chuồn chuồn mỏng cánh, được bao hơi sức, vì vậy vừa hoảng, vừa giận, tôi đành phải sang nói với chị.
Vưu thị và Giả Dung không chờ Phượng Thư nói hết, ngắt lời:
Thím cứ yên tâm, tất nhiên tôi phải thu xếp cho xong. Giả Dung lại nói:
Trương Hoa chẳng qua chỉ vì nghèo kiết mới liều mạng đi kiện. Nay cháu nghĩ một cách, cho nó ít tiền, bắt nó nhận lấy cái tội kiện gian, rồi chúng ta đến cửa quan lo lót cho xong; mặt khác nó được tha về, ta sẽ cho ít tiền là yên chuyện.
Phượng Thư bĩu môi cười nói:
Cháu nghĩ giỏi đấy! Chẳng trách được, cháu chỉ biết một mà không biết hai, nên mới gây ra cơ sự này. Té ra cháu thật là mê muội. Cứ như lời cháu nói, thì lúc này nó tạm bằng lòng đấy. Kể ra nó đi kiện vớ được món tiền, tất nhiên nó sẽ yên đi. Nhưng hạng vô lại ấy được tiền đến tay, ít lâu tiêu hết, nó lại tìm cách bới ra. Nó có giở mặt chúng ta cũng chẳng sợ, nhưng vẫn phải bận lòng, tránh sao khỏi nó không rêu rao “Không có lội cớ chi phải đưa tiền cho nó”. Rút cục vẫn không ổn.
Giả Dung là người tinh ý, thấy vậy cười nói:
Cháu có ý định “Người đã gây chuyện tất phải dẹp chuyện”. Việc này phải tự cháu đi thu xếp mới được. Bây giờ cháu sẽ đến hỏi Trương Hoa, hoặc là nó đòi lại người; hoặc là nó muốn xong việc được món tiền đi lấy vợ khác. Nếu nó nhất định đòi người, thì đành phải khuyên dì Hai trở về với nó, nếu nó đòi tiền ta sẽ cho nó một món.
Phượng Thư nói:
Cháu nói vậy nhưng ta không nỡ và cũng không chịu để dì Hai đi. Để dì ấy đi thì thể diện nhà ta còn ra làm sao? Cứ ý ta, thà cho nó thêm tiền là hơn.
Giả Dung biết rõ Phượng Thư ngoài miệng nói thế, nhưng trong bụng thì chỉ muốn tống dì Hai đi, mà mình vẫn được tiếng là người lử tế. Bây giờ Phượng Thư nói sao, Giả Dung đành phải nghe vậy.
Phượng Thư tươi hẳn lên, lại nói:
Việc bên ngoài thu xếp xong xuôi, còn việc trong nhà thì làm thế nào? Chị nên cùng đi với em sang trình cụ và bà Hai mới phải.
Vưu thị lại cuống lên, níu lấy Phượng Thư và hỏi nên nói dối thế nào cho phải. Phượng Thư cười nhạt:
Đã không có gan thì ai bảo chị gây ra việc này? Nhìn vẻ mặt, lại đáng thương. Tôi định không nói, nhưng mình là người hiền lành cả nể, dù ai lừa dối tôi vẫn giữ tấm lòng chân thực, thôi thì việc này để tôi nhận hết. Mẹ con chị đừng ra mặt vội, cứ để tôi đưa dì nó vào gặp cụ và bà Hai. Tôi chỉ nói dì ấy là em gái chị, trông cũng khá, vì tôi hiếm hoi, vẫn định mua thêm vài người về hầu trong nhà. Nay thấy dì nó người cũng xinh xắn, thân lại thêm thân, nên tôi muốn cưới làm vợ thứ hai. Nhưng vì bố mẹ chị em họ hàng người ta đều chết cả, đời sống chật vật, khó mà qua ngày, nếu chờ khi hết
tang, dì ấy không có nơi nương tựa, nên tôi cứ đón dì ấy về. Nhà cửa đã sửa soạn xong rồi, dì ấy hãy tạm ở đây, chờ khi hết tang sẽ làm lễ thành hôn. Để cho cái mặt dày này sống chết cứ nói dối bừa đi, nếu có xảy ra điều gì không hay cũng chẳng dính dáng gì đến các người. Mẹ con chị thử nghĩ xem làm thế có được không? Vưu thị và Giả Dung cũng cười nói:
Rút cuộc lại phải chịu thím là người độ lượng rất rộng, mưu trí rất nhiều. Chờ khi xong việc, mẹ con tôi thế nào cũng đến tạ ơn.
Vưu thị lại sai a hoàn múc nước, lấy hộp gương lược ra hầu hạ Phượng Thư chải đầu, rửa mặt rồi vội sai dọn cơm rượu. Vưu thị tự tay nâng rượu gắp thức ăn mời Phượng Thư. PhượngThư nhất đinh đòi về.
Đến vườn, Phượng Thư đem việc này nói cho chị Hai biết và nói:
Chị thật hết lòng lo lắng và thăm dò, lại nghĩ hết mọi cách. Em phải thế này, thế này thì mọi người mới khỏi mang tội. Thốt thì ta cứ phải giơ đầu chịu báng cho mọi người được yên ổn.
Không biết Phượng Thư lại nghĩ ra kế gì nữa.
————————-
(1). Tức Phượng Thư.