Oanh Nhi nghe những câu của Bảo Ngọc, không hiểu ra sao, định bỏ đi, bỗng Bảo Ngọc gọi lại bảo :
Cô bé ngây ngô ơi, để ta nói cho mà nghe ? Cô của cô đã có phúc phận, thì cô đi theo cô ta tức là cũng có phúc phận rồi, không nhờ cậy chị Tập Nhân được đâu. Vậy từ nay về sau cô hãy hết lòng hầu hạ cô ta nhé. Ngày sau mà có điều gì hay, thì cũng không uổng công cô đã chịu khó theo hầu cô ta mấy lâu.
Oanh Nhi nghe câu nói, đoạn đầu thì có vẻ có nghĩa, đoạn sau hình như vô nghĩa, liền nói :
Tôi hiểu rồi, cô tôi đang chờ tôi đấy. Khi nào cậu muốn ăn quả, thì sai a hoàn nhỏ đến gọi tôi.
Bảo Ngọc gật đầu. Oanh Nhi đi ra Bảo Thoa và Tập Nhân đều về phòng nghỉ.
Mấy hôm sau đến ngày vào trường thi. Mọi người chỉ trông mong hai chú cháu Bảo Ngọc làm văn bài cho hay, để được đậu cao ; còn Bảo Thoa thì nhận thấy Bảo Ngọc tuy học tập chăm chỉ, nhưng những lúc vô tình hoặc hữu ý, lại tỏ ra lạnh nhạt. Chị ta để ý đến Bảo Ngọc sắp vào trường thi, việc thứ nhất là hai chú cháu đều đi thi lần đầu, ra chỗ đông người chen chúc, sợ bị thất lạc; vì hai là Bảo Ngọc sau khi ông sư đi rồi, vẫn không ra khỏi cửa, học hành lại vui vẻ. Thấy sự thay đổi quá nhanh chóng và quá tốt đẹp như thế, chị ta cũng có phần ngờ vực, sợ lại có biến cố gì chăng. Vì vậy trước khi vào trường thi một hôm, chị ta một mặt sai Tập Nhân dẫn các a hoàn nhỏ cùng bọn Tố Vân sắp đặt đồ đạc chu đáo cho hai chú cháu. Chị ta nhìn qua một lượt, bảo cắt đặt cẩn thận đâu vào đấy. Một mặt lại đi sang Lý Hoàn, cùng Lý Hoàn đến trình Vương phu nhân, chọn mấy người lão thành biết việc trong nhà theo hầu, cứ nói là sợ người ngựa chen chúc dẫm phải.
Hôm sau Bảo Ngọc và Giả Lan mặc quần áo không cũ, không mới, vui vẻ đến chào Vương phu nhân.Vương phu nhân dặn :
Hai chú cháu mầy vừa mới đi thi lần đầu. Nhưng chúng mầy đã lớn đến chừng ấy, vẫn chưa bao giờ rời ta. Dù có những lúc không ớ với ta, cũng có bọn a hoàn, người hầu quây quần chung quanh, chứ có đêm nào nằm ngủ riêng một mình đâu ?
Ngày nay chú cháu ra đi, cô quạnh lủi thủi, xung quanh không có bà con, cần phải giữ gìn cẩn thận đấy. Gắng làm văn bài xong cho mau mà ra trường, rồi tìm người nhà về cho sơm sớm, để mẹ và vợ các con được yên lòng.
Vương phu nhân nói xong, không khỏi thương xót. Giả Lan nghe đến đâu vâng dạ đến đấy; còn Bảo Ngọc không hề hé môi, đợi Vương phu nhân nói xong, liền đến quỳ xuống, nước mắt đầy tròng, gục đầu lễ ba lễ rồi thưa :
Mẹ sinh con ra, đời con không có gì báo đáp. Chỉ có lần nầy vào trường, con xin cố sức làm văn trài, may đậu được cử nhân, để mẹ được vui mừng. Thế là việc cả đời con được trọn vẹn rồi. Dù con có điều gì không hay, cũng có thể chuộc lại.
Vương phu nhân nghe xong, càng thấy thương tâm, bảo :
Con có bụng nghĩ như thế là giỏi. Chỉ tiếc rằng bà không sống để trông thấy mặt con nữa.
Bà ta vừa nói vừa kéo Bảo Ngọc dậy, nhưng anh ta cứ quỳ mãi, rồi lại thưa :
Dù bà trông thấy hay không, người cũng vẫn biết rõ. Đã biết rõ, đã vui mừng, thì dù người không trông thấy cũng như đã trông thấy. Chẳng qua hai bên chỉ cách biệt về thể xác, chứ không cách biệt về tinh thần.
Lý Hoàn thấy Vương phu nhân cùng Bảo Ngọc như thế, một là sợ lại gây ra bệnh cũ của Bảo Ngọc, hai là xem tình hình nầy cũng không có vẻ tốt lành lắm. Nên vội vàng đến trình :
Thưa mẹ. Đây là việc rất vui mừng, sao mẹ lại thương tâm như thế ? Vả lại chú Bảo gần đây đã hiểu lẽ phải trái, dốc lòng hiếu thuận, lại chịu ra sức học hành. Chỉ mong chú ấy đem cháu vào trường thi. lo làm văn bài cho hay, thu xếp về nhà cho sớm, rồi sao lại bài thi đem nhờ các bậc thế giao xem hộ, chờ cho đến khi hai chú cháu đều có tin mừng là được.
Đoạn chị ta gọi người đến đỡ Bảo Ngọc dậy. Bảo Ngọc quay lại vái Lý Hoàn và nói :
Xin chị cứ yên tâm. Hai chú cháu chúng tôi nhất định sẽ đậu cả. Sau này cháu Loan còn làm nên, rồi chị sẽ được đội mũ cánh phượng, mặc áo ráng đỏ (1) nữa đấy.
Lý Hoàn cười :
– Chỉ mong được như lời chú nói, cũng không uổng công !
Chị ta nói đến đó, lại sợ gây ra mối thương tâm của Vương phu nhân, liền dừng lại.
Bảo Ngọc cười, nói :
Chỉ cần có đứa con nối nghiệp tổ tiên là được. Dù anh Cả không trông thấy, cũng coi như là việc đời sau của anh ấy đã đầy đủ rồi.
Lý Hoàn thấy trời đã muộn nên không chịu nói hết lời với Bảo Ngọc, chỉ có gật đầu. Bảo Thoa nghe nói, rất là sửng sốt nghĩ bụng : “Không những lời nói của Bảo Ngọc mà những câu của Vương phu nhân và Lý Hoàn cũng đều là những điềm không tốt.” Nhưng chị ta không dám thật thà nói ra, chỉ ứa nước mắt không nói gì.
Bảo Ngọc đến trước mặt chị ta, vái một vái dài. Mọi người thấy anh ta làm điều quái gỡ như vậy, không hiểu sao, cũng không dám nói. Bỗng thấy Bảo Thoa nước mắt ròng ròng, ai cũng lấy lại lạ. Rồi lại nghe Bảo Ngọc nói :
Thưa chị ? Tôi phải đi đây. Chị nên chăm lo hầu mẹ, đợi tin mừng của tôi.
Đến giờ ra đi rồi. Cậu không cần nói những câu lảm nhảm ấy nữa.
Chị lại giục tôi gấp. Tôi cũng tự biết là phải đi rồi.
Anh ta quay lại thấy mọi người đều đông đủ cả, chỉ thiếu Tích Xuân và Tử Quyên, liền nói :
Nhờ thay lời tôi nói hộ với cô Tư và chị Tử Quyên. Dù sao cũng sẽ gặp lại là được. Mọi người nghe lời của Bảo Ngọc hình như đúng, lại hình như điên. Họ chỉ cho rằng anh ta xưa nay chưa ra khỏi nhà, chỉ vì mấy câu nói của Vương phu nhân gợi ra cả, chi bằng thúc giục anh ta đi mau là xong việc. Họ bèn nói :
Đã có người chờ sẵn cậu ngoài kia rồi, nếu còn dùng dằng nữa, sợ lại lỡ mất thì giờ. Bảo Ngọc ngửa mặt cười to:
Đi thôi, đi thôi ! Không cần dùng dằng lôi thôi. Xong việc rồi.
Mọi người cũng cười, bảo :
– Đi mau lên thôi.
Chỉ có Vương phu nhân và Bảo Thoa thì lại thấy như cảnh sinh ly tử biệt, nước mắt không biết ở đâu cứ chảy ròng ròng, khóc không ra tiếng. Còn Bảo Ngọc lại có vẻ hí hớn như người điên, từ đó bước ra cửa đi mất. Thế là :
Danh lợi đi tìm nơi tột bực !
Củi lồng thoát khỏi cửa đầu tiên.
Khoan nói việc Bảo Ngọc và Giả Lan đi thi. Hãy nói Giả Hoàn trông thấy hai chú cháu họ ra đi thì vừa tức giận, lên giọng thánh tướng, nói thầm :
Ta cũng phải báo thù cho mẹ ta mới được ! Nay trong nhà không có một người đàn ông nào, nếu bác Cả bên kia cũng nghe lời ta thì còn sợ gì ai !
Hắn nghĩ rồi liền chạy đến bên Hình phu nhân hỏi thăm và tâng bốc mấy câu. Hình phu nhân tất nhiên vui thích, liền nói :
Cháu như thế mới là hiểu lẽ phải chứ ? Như việc con cháu Xảo Thư, đáng lẽ do ta làm chủ, thế mà anh hai Liễn cháu cứ lẩn thẩn, lại bỏ mẹ đẻ đi nhờ người khác ?
Ở bên kia họ cũng đã nói. Họ chỉ biết có nhà bác đây thôi, nếu xong việc thì sẽ sắp sửa một món lễ vật to để đưa biếu bác đây. Bác được người cháu rể như đức vương ấy thì còn lo gì bác Cả không làm quan to chứ. Không phải là cháu nói xấu mẹ cháu đâu, bên ấy họ có chị cả là Nguyên Phi, nên họ ra cách khinh rẻ người ta, khiến ai nấy rất là khó chịu. Sau này cháu Xảo Thư không nên mất hết lương tâm như thế. Để cháu hỏi nó xem.
Cháu cũng nên nói cho nó biết, nó mới hiểu rõ lòng tốt của cháu. Dù cha nó ở nhà e cũng không thể tìm ra được mối nhà thông gia sang trọng như thế ? Vậy mà cái con Bình u mê kia lại bảo là không được. Nó nói mẹ cháu cũng không bằng lòng. Xem ra chỉ vì họ sợ chúng ta lại được sung sướng đấy thôi. Việc nầy nếu để chậm, đến khi anh Hai cháu về, anh ấy sẽ nghe người ta, lại không xong đâu.
Bên kia đã nhất định rồi, chỉ chờ bác đưa canh thiếp sang là được. Theo khuôn phép của vương phủ, chỉ trong ba ngày là rước dâu về. Nhưng còn một điều, sợ bác không bằng lòng; bên kia họ bảo không nên cưới cháu gái một viên quan phạm tội về làm vợ, chỉ có thể lặng lẽ đón đi thôi ; đợi khi bác trai được tha, lại làm quan, hai bên sẽ mở tiệc mừng vui vẻ.
Việc ấy có gì mà không được ? Theo lễ cũng phải làm như thế.
Đã thế thì xin bác giao canh thiếp cho cháu là được.
Cháu rõ lẩn thẩn ! Trong này đều là đàn bà cả, cháu ra bảo cháu Tường viết cho một cái thiếp là xong.
Giả Hoàn nghe nói, vui mừng khôn xiết, vội vàng vâng dạ đi ra, kiếm Giả Vân nói
chuyện. Lại nhờ Vương Nhân đến công quán đức vương ấy làm giấy tờ, để nhận số bạc. Ngờ đâu những câu chuyện vừa rồi đã bị a hoàn hầu Hình phu nhân nghe được. A hoàn này trước đây nhờ Bình Nhi mới được chọn vào hầu, nay nhân lúc rảnh, nó chạy đến chỗ Bình Nhi kể lại rành mạch.
Bình Nhi biết việc này không hay, và nói rõ với Xảo Thư. Xảo Thư khóc suốt đêm, chỉ nói chờ cha về làm chủ, chứ không thể nghe theo lời bà được. Nay lại nghe nói thế, nó khóc òa lên, định đến cãi lại với bà. Bình Nhi ngăn nó lại :
Cô hãy khoan đã ? Bà là bà nội của cô. Bà bảo cậu Hai không ở nhà, thì bà đứng làm chủ được . Đã thế lại còn có ông cậu ruột đứng làm mối nữa. Họ vào bè với nhau, một mình cô nói làm sao lại ? Tôi thì đã đành là bậc dưới, không thể nói nổi. Bây giờ cô nên nghĩ cách nào, chứ nhất thiết không được nông nỗi.
A hoàn ấy bảo :
Các cô nên định liệu mau mau, không thì họ sẽ đón đi đấy !
Bình Nhi ngoảnh lại, thấy Xảo Thư quỵ khóc sướt mướt, vội vàng đỡ dậy nói :
Cô ơi, khóc cũng không ăn thua gì đâu ! Hiện nay không thể đợi cậu Hai được. Nghe câu chuyện họ nói…
Chưa nói dứt lời, thấy bên Hình phu nhân đã sai người sang báo :
Việc vui mừng của cô tới nơi rồi ? Bảo chị Bình soạn sửa tất cả những đồ vật gì cô cần dùng. Còn lễ vật tư trang sẽ đợi khi cậu Hai về mới sắm sửa.
Bình Nhi đành phải vâng lời. Lúc ấy lại thấy Vương phu nhân đến, Xảo Thư liền ôm chặt lấy bà ta cứ lăn vào lòng mà khóc. Vương phu nhân cũng khóc và nói :
Cháu không cần nóng nảy ! Ta vì cháu đã phải chịu bao nhiêu câu nói của bà cháu, nhưng xem chừng thì không thể xoay chuyển lại được nữa. Chúng ta cứ nhận lời rồi tìm cách tạm hoãn, và lập tức sai người đi đến nơi cha cháu nói rõ việc ấy.
Bình Nhi thưa :
Bà còn chưa biết sao. Sớm nay cậu Ba đã trình với bà Cả là khuôn phép trong Vương phủ chỉ trong ba ngày phải rước dâu về. Bây giờ bà Cả đã bảo cậu Vân viết thiếp rồi, như thế đợi cậu Hai sao kịp .
Vương phu nhân nghe đến tiếng cậu Ba, tức quá, nói không ra lời, ngẩn người ra một lúc, giục bảo đi tìm Giả Hoàn.
Một hồi lâu, có người vào trình :
Sáng hôm nay cậu Ba cùng cậu Tường và ông Vương Nhân đi đâu rồi .
Còn thằng Vân đâu ?
Không biết ạ.
Mọi người đều trợn trừng trợn trạc không còn cách gì.
Vương phu nhân cũng khó cãi nhau với Hình phu nhân, nên ai nấy đành ôm đầu mà khóc. Trong lúc đang bối rối, chợt có bà già vào trình :
Người canh cửa sau báo tin bà Lưu lại đến. Vương phu nhân nói :
Nhà chúng ta đang gặp lúc bối rối như thế này, còn rảnh rang đâu mà tiếp khách, nói thế nào đó cho bà ấy về đi thôi.
Bình Nhi thưa :
Bà lớn nên cho mời vào. Bà ấy là mẹ nuôi của cô Xảo, cũng nên nói qua cho bà ấy biết.
Vương phu nhân không nói gì. Người nhà dẫn bà Lưu vào. Hai bên chào hỏi xong, bà Lưu trông thấy người nào con mắt cũng đỏ hoe, chẳng hiểu ra sao, bà ta chậm rãi một lúc rồi hỏi :
Làm sao thế ? Chắc là bà lớn và cô lại nhớ đến mợ Hai?
Xảo Thư nghe nhắc đến mẹ mình, càng khóc to lên. Bình Nhi nói :
Bà đừng nói chuyện suông nữa. Bà đã là mẹ nuôi của cô, cũng nên biết việc này. Rồi chị ta kể hết đầu đuôi, làm bà Lưu khiếp sợ sửng sốt.
Một lúc sau bà ta bỗng phá lên cười :
Chị là người lanh lợi như thế mà chưa nghe khúc “Cổ nhi từ” (2) à. Việc ấy còn có nhiều cách, khó khăn gì đâu.
Bình Nhi vội hỏi :
Bà ơi. bà có cách gì, xin nói mau lên ?
Việc ấy có gì khó khăn đâu ? Không để cho một người nào trong bọn họ biết, rồi thình lình trốn đi lã xong.
Bà nói bậy rồi ? Con nhà chúng tôi thể diện như thế nầy, trốn đi đâu được ?
Chỉ sợ các cô không chịu đi thôi, nếu đi thì cứ đến chỗ quê tôi. Tôi sẽ dấu kín cô
Xảo đi, rồi bảo cô ấy tự tay viết một bức thư. Tôi lập tức bảo anh rể tôi tìm người, mang ngay đến chỗ cậu Hai, chắc cậu ấy sẽ về ngay, như thế không được ư ?
Nếu bà Cả biết thì sao ?
Khi tôi đến bà lớn biết không ?
Bà Cả ở nhà phía trước. Bà ta đối đãi với người dưới rất khắc nghiệt, có tin tức gì không ai báo cho bà ấy cả. Nếu bà đi vào cửa trước thì họ biết ; nhưng bà lại đi cửa sau, thì không can gì.
Các cô định bao giờ đi, thì tôi bảo anh rể tôi đem xe đến đón.
Còn đợi đến bao giờ nữa ? Thôi mời bà hãy ngồi đây đã.
Rồi chị ta vội vàng đi vào, tránh những người đứng xung quanh, trình rõ những lời bà
Lưu vừa nói với Vương phu nhân. Vương phu nhân nghĩ một lúc, thấy không ổn.
Bình Nhi nói :
Chỉ có cách ấy thôi. Vì là bà lớn nên cháu mới dám nói rõ. Bà lớn cứ giả làm như không biết, rồi cứ vờ hỏi bà Cả. Còn chúng cháu ở bên này sẽ sai người đi, chắc cậu Hai cũng về nhanh.
Vương phu nhân không nói gì, chỉ thở dài. Xảo Thư nghe vậy, liền thưa với Vương phu nhân :
Xin bà cứu lấy cháu ! Dù sao lúc cha cháu trở về, cũng chỉ biết ơn bà mà thôi.
Không cần phải nói nữa, xin mời bà lớn về đi thôi. Chỉ nhờ bà lớn sai người đến coi nhà cho.
Vương phu nhân nói :
Phải kín đáo một tí. Nhớ mang theo áo quần chăn nệm của chúng cháu đấy.
Phải đi nhanh mới kịp, nếu để họ giao giá xong trở về thì rắc rối đấy. Câu nói ấy như giục giã Vương phu nhân. Bà ta nói :
Phải rồi, các cháu cứ soạn sửa nhanh lên ! Đã có ta đây !
Sau đó Vương phu nhân trở về, lại sang bên Hình phu nhân nói chuyện suông, để giữ bà ta lại. Bên này Bình Nhi bảo người sắp sửa ra đi, và dặn dò :
– Đừng giấu diếm gì. Nếu có người trông thấy thì cứ nói là bà Cả truyền bảo, cần một
cỗ xe để đưa bà Lưu về.
Rồi lại đem tiền lót cho người canh cửa sau, bảo thuê xe đến. Bình Nhi cải trang cho
Xảo Thư giả làm con Thanh, cháu gái bà Lưu, rồi vội vàng lên xe đi ngay. Sau đó
Bình Nhi làm bộ tiễn khách, nhân lúc người ta không để ý, cũng nhảy lên xe đi
luôn. Số là gần đây cửa sau phủ Giả tuy mở, nhưng nhà rộng, đầy tớ ít, nên chỉ một
vài người canh, trông nom không xuể, rất là trống trải. Vả lại Hình phu nhân là người
không biết thương kẻ dưới. Người trong nhà tuy biết việc ấy không hay, nhưng họ lại
nhớ ơn Bình Nhi ăn ở tử tế, nên thông đồng với nhau, để mặc cho
Xảo Thư đi. Hình phu nhân vẫn còn ngồi nói chuyện với Vương phu nhân, có để ý gì đến việc ấy. Riêng Vương phu nhân là không yên tâm chút nào. Bà ta nói chuyện một lúc, rồi lặng lẽ sang ngồi bên phòng Bảo Thoa, lòng lo ngay ngáy. Bảo Thoa thấy Vương phu nhân sắc mặt hoảng hốt, liền hỏi : – Trong bụng mẹ nghĩ việc gì phải không ?
Vương phu nhân nói thầm việc ấy với Bảo Thoa, Bảo Thoa nói :
Làm liều quá. Bây giờ phải sai cháu Vân mau mau sang đình chỉ bên kia đi mới yên chuyện.
Ta cho tìm thằng Hoàn không thấy đâu cả.
Mẹ cứ vờ như không biết, để con tìm người sang nói cho bác biết mới được.
Vương phu nhân gật đầu; mặc cho Bảo Thoa tìm người. Số là đức vương này muốn mua mấy người con gái để hầu hạ, vì chưa tin lời người mối, nên mới sai người đi xem mặt. Người đi xem về bẩm rõ. Đức vương hỏi đến con nhà dòng dõi
thế nào, họ không dám dấu đành phải nói thực. Đức vương nghe xong, biết rõ nhà ấy đã mấy đời có công và có họ ngoại với nhà vua, nên bảo :
Không xong đâu ! Việc ấy phạm lệ cấm đấy, suýt nữa làm hỏng việc lớn ! Vả lại ta về chầu vua đã xong, phải chọn ngày lên đường. Nếu có người nào nói đến việc ấy nữa, phải đuổi đi ngay.
Hôm ấy vừa lúc Giả Vân và Vương Nhân đưa canh thiếp đến, bỗng thấy người trong cửa phủ ra nói : “vâng mệnh đức vương truyền, người nào còn dám đem
người trong phủ Giả mạo nhận là con gái nhà thường dân thì phải bắt lấy để trị tội. Hiện nay đương đời thái bình, ai dám to gan như vậy.” Nghe vậy, Vương Nhân khiếp
sợ, cúi cổ bỏ trốn, oán trách người đã nói lộ chuyện, rồi cả bọn cụt hứng ra về. Giả
Hoàn ở nhà chờ tin, nghe Vương phu nhân truyền gọi, hắn lo cuống quít. Bỗng thấy
Giả Vân về một mình, hắn vội đón lại hỏi :
– Đã xong chưa ?
Giả Vân hoảng hốt dẫm chân nói :
Không xong rồi. không xong rồi ! Chẳng biết đứa nào đã để lộ chuyện ra. Rồi hắn kể lại chuyện đã bị mắng nhiếc. Giả Hoàn tức giận sửng sốt, nói :
Ban sáng tôi đến trình với bác việc tốt đẹp như thế, giờ biết xử trí ra sao đây ? Thực là bọn các anh chôn sống tôi rồi ?
Bỗng nghe phía trong có tiếng kêu ầm lên, gọi tên bọn Giả Hoàn và nói :
Bà Cả và bà lớn đang gọi đấy .
Hai người đành phải thất thểu đi vào. Liền thấy Vương phu nhân nổi giận hầm hầm nói :
Chúng mày làm việc giỏi nhỉ ? chúng mày bức bách con Xảo Thư và con Bình chết đâu rồi. Mau mau tìm thấy chúng về ngay cho ta.
Hai người đều quỳ xuống. Giả Hoàn không dám nói gì. Giả Vân cúi đầu thưa :
Chúng cháu không dám làm việc gì. Chỉ tại cậu cả Hình và cậu Vương nói là làm mối cho em Xảo Thư, chúng cháu mới dám trình với các vị. Bà Cả bằng lòng, mới gọi cháu viết canh thiếp đưa đi. Người ta còn không muốn lấy nữa là, sao lại buộc cho chúng cháu là bức bách em ?
Vương phu nhân nói :
Chúng Hoàn đã thưa với bà Cả là nội trong ba ngày họ sẽ đón đi. Lại có cái thói làm mối làm manh như thế à ? Thôi ta cũng không cần hỏi nữa, chúng mày phải đem cháu Xảo Thư trả ngay cho ta, đợi ông lớn về đây rồi sẽ nói chuyện !
Hình phu nhân cũng không nói được một câu, chỉ chảy nước mắt. Vương phu nhân mắng Giả Hoàn :
Cái dì Triệu ấy là đồ bậy bạ sinh ra thằng con cũng bậy bạ nốt !
Bà ta nói xong bảo a hoàn đến đỡ, rồi đi về phòng. Giả Hoàn, Giả Vân và Hình phu nhân chỉ oán trách lẫn nhau. Mấy người bảo nhau :
Bây giờ chưa cần oán trách vội. Chắc Xảo Thư không đến nỗi chết đâu, lại con Bình đem nó trốn đi ở một nhà bà con nào đó thôi.
Hình phu nhân cho gọi mấy người canh gác cửa trước, cửa sau đến, mắng và hỏi :
Chúng mày có biết Xảo Thư và Bình Nhi đi đâu không ?
Bà Cả không cần phải hỏi chúng con. Xin hỏi mấy ông quản gia sẽ rõ. Xin bà Cả đừng nóng nảy, đợi khi bà lớn chúng con hỏi đến, chúng con sẽ có lời thưa lại. Nếu cần đánh, cần phạt, chúng con đều sẵn sàng xin chịu. Từ khi cậu Hai đi vắng, ở ngoài kia họ làm bậy bạ vô cùng. Tiền gạo hàng tháng của chúng con họ không phát. Họ đánh bạc uống rượu, chơi trai, lại còn dắt cả gái ở ngoài về nữa. Đó chẳng phải các ông ấy làm hay sao ?
Những câu ấy làm cho bọn Giả Vân ngậm miệng không nói lại được. Bên Vương phu nhân lại sai người sang thúc giục :
Các cậu phải đi tìm về mau .
Bọn Giả Hoàn cuống quít chỉ giận không có lỗ nẻ để chui xuống.Chúng lại không dám tra hỏi những người bên nhà Xảo Thư. Chúng biết người ta đều căm ghét, chắc là họ đã đem Xảo Thư giấu di đâu rồi, nhưng điều đó không dám trình với Vương phu nhân. Chúng đành phải đi đến các nhà thân thích để nghe ngóng, vẫn chẳng ăn thua gì. Trong mấy ngày liền, bên trong thì Hình phu nhân, bên ngoài thì bọn Giả Hoàn, đều rối rít lên, đêm ngày không yên.
Đến ngày ra trường thi, Vương phu nhân trông đợi Bảo Ngọc và Giả Lan về nhà. Đợi mãi đến trưa cũng không thấy về. Vương phu nhân, Lý Hoàn và Bảo Thoa hoảng hốt, sai người đến nhà trọ nghe ngóng. Một bọn đi, bặt không tin tức.
Sau đó lại sai bọn khác đi, cũng không thấy về nốt. Ba người ruột nóng như lửa, đợi mãi đến xế chiều, mới thấy một mình Giả Lan về. Mọi người vui mừng hỏi : – Còn chú Bảo đâu ?
Giả Lan không kịp chào hỏi mọi người, liền khóc oà :
– Chú Bảo lạc mất rồi !
Vương phu nhân nghe vậy, ngẩn người đi một lúc lâu, không nói năng gì, rồi ngã sóng sượt giữa giường. May có bọn Thái Vân ở phía sau đỡ dậy, cố hết sức mới gọi tỉnh lại
được. Bà ta cứ khóc. Bảo Thoa thì trợn ngược mắt lên Bọn Tập Nhân đều nước mắt đầm đìa. Lý Hoàn khóc và mắng Giả Lan :
Đồ ngốc ! Mày ở với chú Hai một chỗ. Sao chú ấy lại lạc mất ? Giả Lan nói :
Ở nhà trọ, con với chú Hai cùng ăn cùng ngủ một nơi. Khi vào trường, hai người lúc nào cũng gần gũi nhau. Sáng hôm nay chú Hai làm bài thi xong sớm, còn chờ cháu. Chúng cháu đi nộp quyển một lần, rồi cùng ra cửa. Nhưng đến khi chen nhau ở cửa long môn, cháu ngoảnh lại không thấy chú ấy đâu nữa. Người nhà đi đón đều lại hỏi cháu. Anh Lý Quý còn nói, có trông thấy cậu Hai chỉ cách nhau vài bước, không biết làm sao chen một cái rồi không thấy đâu cả. Hiện giờ bọn Lý Quý đang chia nhau đi tìm. Cháu cũng đem người đi tìm khắp các nơi, không thấy, nên đến bây giờ mới về.
Vương phu nhân khóc lóc, không nói được ra lời. Bảo Thoa trong bụng đã hiểu rõ tám, chín phần. Tập Nhân thì cứ gào khóc mãi. Bọn Giả Tường không đợi ai sai bảo, cũng chia nhau đi tìm. Đáng thương cho mọi người trong phủ Vinh, ai ai cũng dỡ sống dỡ chết, uổng công sửa soạn bữa tiệc để đón tiếp người đi thi về.
Giả Lan cũng quên hẳn mỏi mệt, muốn tự mình đi tìm. Nhưng Vương phu nhân ngăn lại nói :
Cháu ơi ! Chú đã lạc mất rồi, lại còn để mất cả cháu nữa sao ? Thôi cháu cứ đi nghỉ ngơi đã.
Nhưng Giả Lan nào chịu nghe ? Bọn Vưu thị phải hết sức khuyên can mãi. Trong mấy người đó chỉ một mình Tích Xuân là hiểu rõ, nhưng không chịu nói ra, cô ta vờ hỏi Bảo Thoa :
Anh Hai có mang viên ngọc đi không?
Đó là vật tùy thân của cậu ấy, sao lại không mang đi ?
Tích Xuân nghe xong không nói gì.
Tập Nhân nhớ lại việc mất viên ngọc lúc trước, cũng đoán chừng là vị hoà thượng tác quái, nên bụng đau như cắt, nước mắt chảy ròng ròng, nghẹn ngào khóc mãi. Chị ta nghĩ lại mối tình Bảo Ngọc đối với mình khi trước. Có lúc mình trêu tức
cậu ta, tuy cậu ta giận, nhưng cũng có chỗ tốt làm cho người ta phải hồi tâm lại, còn tấm lòng thể tất ôn tồn thì không cần phải nói nữa, có lúc mình trêu quá, cậu ta thề sẽ
đi tu, không ngờ ngày nay lại ứng với câu nói ấy.”
Hãy gác chuyện Tập Nhân nghĩ ngợi bực mình. Hôm ấy đã đến canh tư, vẫn không được tin gì về Bảo Ngọc cả. Lý Hoàn sợ Vương phu nhân thương xót sinh ốm, nên hết sức khuyên giải và đưa bà ta về phòng. Mọi người đều theo đến hầu, chỉ một
mình Hình phu nhân về nhà. Giả Hoàn thì trốn tránh không dám ra. Vương phu nhân bảo Giả Lan về và nằm suốt đêm không ngủ.
Sáng hôm sau tuy có người nhà trở về, nhưng ai nấy đều nói :
– Tìm khắp nơi không ai thấy bóng dáng Bảo Ngọc đâu cả.
Tiết phu nhân, Tiết Khoa, Sử Tương Vân và thím Lý lũ lượt đến thăm và hỏi tin. Qua mấy ngày liền như thế, Vương phu nhân khóc đến nổi bỏ cả ăn uống. Người đã sắp nguy. Bỗng có người nhà vào trình :
Có một người ở miền bể, nói là người nhà quan thống chế sai đến và thưa, cô Ba nhà ta ngày mai sẽ về kinh.
Vương phu nhân nghe nói Thám Xuân về kinh, tuy nhiên không khuây hẳn nỗi mong nhớ Bảo Ngọc, nhưng cũng hơi được yên tâm.
Đến hôm sau, quả nhiên Thám Xuân về. Mọi người ra đón từ xa, trông Thám Xuân lại càng xinh đẹp, ăn mặc lộng lẫy hơn trước. Thấy Vương phu nhân dáng người tiều tụy và ai nấy đều khóc sưng mắt lên, cô ta cũng khóc to một lúc lâu rồi mới
chào hỏi mọi người. Thám Xuân thấy Tích Xuân ăn mặc theo lối nhà tu, trong bụng rất là khó chịu. Lại nghe nói đến việc Bảo Ngọc bị lạc, trong nhà xảy ra nhiều chuyện không hay nên mọi người lại khóc. May có Thám Xuân khôn khéo, kiến thức cao, đem lời khuyên giải dần dần, bọn Vương phu nhân mới khuây khỏa ít nhiều.
Sáng hôm sau nữa thì chồng Thám Xuân đến, biết trong nhà xảy ra nhiều việc, nên để chị ta ở lại khuyên giải. Các a hoàn, bà già theo hầu Thám Xuân, nay được gặp lại, chị em cùng nhau kể lể tâm tình sau khi xa cách. Từ đó người trên kẻ dưới, ngày đêm chỉ chờ tin tức Bảo Ngọc.
Một hôm, đã quá canh năm, có mấy người nhà ở ngoài vào cửa thứ hai báo tin mừng. Mấy a hoàn nhỏ xô nhau chạy vào, không kịp nói với các a hoàn lớn, liền chạy thẳng vào nhà trong trình :
Xin mừng bà lớn và các mợ !
Vương phu nhân đoán chừng đã tìm thấy Bảo Ngọc, liền đứng dậy vui vẻ hỏi :
Tìm thấy nó ở đâu ? Bảo nó vào đây mau ! Người ấy thưa :
Đã đậu cử nhân thứ bảy.
Câu nói ấy lại làm cho Vương phu nhân khóc to lên. Lý Hoàn nói :
Từ xưa đã có nhiều vị thành Phật thành tiên, quả là vứt bỏ hết cả giàu sang chức tước.
Vương phu nhân khóc :
Nếu nó bỏ cha mẹ mà đi, tức là bất hiếu, sao lại thành Phật thành tiên được.
Người đời không nên có cái gì kỳ lạ quá. Anh Hai khi mới sinh đã có sẵn viên ngọc, ai cũng bảo là việc tốt ; nhưng nay xét lại cũng vì có viên ngọc ấy mà không tốt. Nếu mấy ngày nữa không tìm thấy, tức là có duyên cớ. Con nói xin mẹ đừng giận, mẹ cứ nên xem như không sinh ra anh ấy là được. Nếu quả anh ấy có duyên kiếp từ trước, tu được thành chánh quả, cũng là do mẹ tích phúc mấy đời đấy.
Bảo Thoa nghe xong không nói gì. Tập Nhân không nén được nữa đâm ra đau ruột, choáng đầu, ngã nhào xuống. Vương phu nhân thấy thế thương hại, sai người vực chị ta về nhà. Giả Hoàn thấy anh và cháu đều thi đậu, lại thêm việc Xảo Thư, nên trong bụng rất là khó chịu, chỉ oán trách Giả Tường, Giả Vân. Hắn lại nghĩ Thám Xuân nay về thăm nhà, tất không chịu bỏ qua việc ấy, nhưng cũng không dám bỏ trốn, vì vậy mấy hôm nay cứ như cá nằm trên thớt.
Hôm sau Giả Lan đành phải đi tạ ơn trước. Lại biết Chân Bảo Ngọc cũng thi đậu, mọi người cùng nhau tỏ tình đồng khoa. Khi nhắc đến việc Bảo Ngọc vì mê mẫn bị lạc, Chân Bảo Ngọc tỏ lời than thở yên ủi.
Quan chấm trường xem các quyển thi đậu, tâu tới nhà vua mở ra xem, thấy những bài văn lấy đậu đều là đúng đắn thông suốt. Thấy Giả Bảo Ngọc đậu thứ bảy là người Kim Lăng; Giả Lan đậu thứ một trăm ba mươi cũng là người Kim Lăng, nhà vua truyền chỉ xuống hỏi : “Hai người họ Giả ở Kim Lăng có phải cùng họ với Giả phi không ?” Quan đại thần vâng mệnh ra truyền gọi Gả Bảo Ngọc và Giả Lan vào hỏi. Giả Lan trình rõ việc Bảo Ngọc sau khi ra khỏi trường, đi lạc mất và khai rõ cha ông ba đời,
rồi quan đại thần thay lời tâu lên.
Nhà vua rất là thánh minh nhân đức. Người nhớ đến công ơn họ Giả, truyền xuống các quan đại thần xét và tâu lên. Các quan xét kỹ và tâu rõ. Nhà vua rất là thương xót, sai một vị quan xét lại bản án Giả Xá phạm tội đầu đuôi thế nào, rồi tâu lên. Nhà vua lại xem một bản tâu về “các việc sắp đặt sau khi đã dẹp yên bọn giặc ven biển và rút quân về”, trong bản án ấy nói rõ hiện nay bể lặng sông yên, muôn dân làm ăn vui vẻ. Nhà vua rất vui, truyền các quan cửu khanh kê rõ công lao để định thưởng, và ban ơn đại xá cả thiên hạ.
Bọn Giả Lan sau khi vào hầu xong ra về, liền đến chào lạy các quan chấm trường, lại nghe tin trong triều có ban ơn đại xá liền trình với bọn Vương phu nhân. Cả nhà đều vui mừng, chỉ mong chờ Bảo Ngọc trở về. Tiết phu nhân lại càng vui vẻ hơn, liền lo việc chuộc tội cho Tiết Bàn.
Một hôm, người nhà báo có cụ Chân và chồng cô Ba đến mừng. Vương phu nhân sai
Giả Lan ra tiếp. Một lúc sau Giả Lan vào, cười vui vẻ trình với Vương phu nhân :
Thưa các bà, có tin mừng, cụ Chân ở trong triều nghe nói đã có chỉ truyền, ông Cả được tha tội hẳn. Bác Trân không những được tha tội, vẫn còn được tập chức Ninh quốc công hạng ba. Còn thế chức bên phủ Vinh thì vẫn do ông nội chúng ta tập, chờ khi hết hạn nghỉ tang rồi sẽ thăng chức lang trung bộ công. Bao nhiêu gia sản bị tịch thu, đều trả lại hết. Nhà vua xem văn chương của chú Hai, rất vui thích. Người ban hỏi biết rõ là em đức bà Nguyên phi, Bắc Vĩ anh vương lại tâu về phẩm cách chú Hai cũng tốt nên vua truyền chỉ đòi vào chầu. Các quan đại thần tâu : “Theo lời người cháu là Giả Lan đã trình, thì anh ta đã đi lạc mất sau khi ra khỏi trường, hiện đang tìm hỏi khắp nơi”. Nhà vua đã xuống chỉ, truyền các nha môn năm doanh đều để ý tìm tòi. Chỉ đã xuống rồi. Xin bà cứ yên lòng. Đội ơn nhà vua như thế, lẽ nào lại không tìm được !
Nghe nói, bọn Vương phu nhân mới chúc mừng nhau và tỏ vẻ vui mừng. Chỉ có bọn Giả Hoàn vẫn cuống quít đi tìm Xảo Thư khắp nơi.
Xảo Thư đi theo bà Lưu, cùng Bình Nhi ra khỏi thành. Khi về đến thôn trại, bà Lưu cũng không dám khinh rẻ Xảo Thư. Bà ta quét dọn gian phòng nhà trên, mời Xảo Thư và Bình Nhi ở. Hàng ngày bà ta cung cấp các món ở thôn quê, nhưng cũng sạch sẽ lại
có con Thanh làm bạn, nên họ cũng tạm khuây khỏa.
Trong thôn đó có mấy nhà giàu. Biết có một vị tiểu thư phủ Giả đến nhà già Lưu, ai nấy đều chạy lại xem. Họ cho là nàng tiên trên trời sa xuống. Rồi có người đưa món ăn thức quả đến, có người đưa các thứ dã vị đến, cũng khá nhộn nhịp. Trong
số ấy có một nhà rất giàu là họ Chu, gia tài tới hàng vạn, ruộng đất có đến nghìn khoảnh. Nhà ấy chỉ có một con trai, dáng người văn nhã thanh tú, mới mười bốn tuổi. Cha mẹ anh ta rước thầy về dạy học, khoa mới rồi thi đậu tú tài. Hôm nọ mẹ anh ta trông thấy Xảo Thư, trong bụng tấm tắc khen ngợi, nghĩ bụng : “Chúng mình là người
thôn trại, làm gì mà sánh đôi được với vị tiểu thư con nhà thế gia như vậy ?”. Rồi bà ta cứ ngẩn người ra.
Già Lưu đã dò biết tâng sự bà ấy. liền nói :
– Tôi biết bụng bà rồi, để tôi làm mối hộ cho. Bà Chu cười :
– Thôi bà đừng lừa tôi nữa. Họ là con nhà như thế nào, đời nào chịu gả cho chúng tôi là người ở thôn trại.
– Thì cũng cứ nói thử xem. Thế rồi hai người đi hai nơi.
Già Lưu nhớ đến phủ Giả, liền bảo Bản Nhi vào thành nghe ngóng. Một hôm vừa đi đến phố Ninh Vinh. Bỗng thấy có nhiều xe kiệu ở đó. Bản Nhi đến chỗ gần xung quanh lắng nghe. Hắn nghe nói hai phủ Ninh, Vinh đã được trả lại chức quan, trả lại gia sản. Nay trong phủ lại sắp trở nên thịnh vượng. Chỉ có cậu Bảo Ngọc thi đậu cử nhân, rồi không biết đi đâu mất. Bản Nhi trong bụng vui mừng, đã định trở về. Lại thấy có mấy con ngựa chạy đến rồi một người đến trước cửa xuống ngựa.
Bỗng thấy người canh cửa ra chào, hỏi thăm, và nói : “Cậu Hai đã về ! Mừng quá ?
ông Cả đã mạnh khỏe rồi chứ ?” Người ha hả cười bảo : “Khỏe rồi ? Lại vừa có ân chỉ
tha tội, người cũng sắp về đấy.” Cậu ta lại hỏi : “Mấy người kia làm chuyện gì đấy”. Người canh cửa thưa . “Đó là các quan đến truyền chỉ, cho đi nhận lại gia sản”. Người kia vui mừng cuống quít đi vào. Bản Nhi đoán chừng đó là Giả Liễn. Anh ta không nghe ngóng nữa, vội quay về thưa với bà ngoại.
Già Lưu nghe nói mừng rỡ, nở từng khúc ruột, đến chỗ Xảo Thư kể lại một lượt
những điều Bản Nhi vừa nói.
Bình Nhi cười bảo :
Thật là nhờ già bày ra cách ấy. Nếu không thì cô tôi cũng không còn gặp được dịp vui vẻ này nữa.
Xảo Thư lại càng vui mừng. Đang nói chuyện, thì người đưa tin cho Giả Liễn cũng về, và nói :
Cậu Hai rất là cảm kích, dặn tôi sau khi về đến nhà, phải đưa cô về phủ mau. Lại còn thưởng cho tôi mấy lạng bạc nữa.
Bà Lưu nghe nói rất mừng, liền cho người đi tìm hai cỗ xe, rồi mời Xảo Thư và Bình Nhi lên xe về. Bọn Xảo Thư ở trong nhà bà Lưu đã quen, nên cứ dùng dằng không chịu chia tay. Con Thanh lại khóc lóc, giận không sao giữ họ lại được nữa. Già Lưu thấy chúng không nỡ xa nhau, nên cho con Thanh đi theo vào thành, rồi mấy người đi một mạch về phủ Vinh.
Giả Liễn trước kia được tin Giả Xá ốm nặng, liền đi đến chỗ bị đày. Cha con gặp nhau, khóc lóc một hồi, sau đó Giả Xá dần dần lành bệnh. Đến khi Giả Liễn tiếp thơ, biết rõ việc nhà, trình với Giả Xá rồi đi về, dọc đường nghe tin đại xá, lại đi gấp hai ngày nữa. Hôm nay về đến nhà, vừa gặp lúc vua ban ân chỉ. Trong nhà thì bọn Hình phu nhân đang lo không có người tiếp chỉ. Tuy có Giả Lan, nhưng vẫn còn ít tuổi. Bỗng nghe người báo tin, cậu hai Liễn đã về. Mọi người gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Chưa kịp nói chuyện, Giả Liễn liền ra nhà khách, vái chào quan khâm mạng. Vị quan ấy hỏi thăm sức khỏe Giả Xá, rồi bảo :
Ngày mai vào nội phủ lĩnh thưởng. Dinh thự bên phủ Ninh nay giao trả cho dọn về ở.
Rồi mọi người đứng dậy từ biệt. Giả Liễn tiễn họ ra cửa. Sau đó thấy có vài cỗ xe đến. Người nhà không cho đỗ lại. Đang cơn ồn ào thì Giả Liễn đã biết rõ đó là xe của Xảo Thư về, liền mắng bọn người nhà :
Bọn chúng bay là người vô lương ! Nhân lúc ta đi vắng, chúng bây sinh lòng lừa dối hại chủ, bắt buộc con ta phải bỏ đi ; bây giờ người ta đưa về, bay lại muốn ngăn cản à ? Có phải chúng bây thù oán gì ta không ?
Bọn người nhà vốn sợ Giả Liễn trở về làm lôi thôi, nhưng cũng tưởng ít lâu rồi việc
mới lộ, nào ngờ Giả Liễn lại nói ra rõ ràng như thế. Họ không hiểu ra sao, đành phải đứng lại thưa :
Sau khi cậu ra đi, bọn chúng cháu đứa thì ốm, đứa thì xin nghỉ. Việc ấy là do cậu Ba, cậu Tường và cậu Vân làm chủ, chứ không can gì đến chúng cháu cả.
Giả Liễn nói :
Đồ khốn nạn ! Xong việc rồi ta sẽ nói chuyện với chúng bây. Mau ra đưa xe vào ! Giả Liễn đi vào, thấy Hình phu nhân cũng không nói gì, lại quay sang bên Vương phu nhân gục đầu quỳ xuống thưa :
Việc này đều nhờ ơn thím đùm bọc cả ? Em Hoàn thì không cần phải nói nữa. Chỉ ghét cái thằng Vân, lần trước coi nhà, đã làm bậy bạ, nay cháu mới đi mấy tháng, nó đã gây ra chuyện như thế. Cháu xin trình trước với thím, cái giống người
ấy thì đuổi cổ đi, không cho nó đi lại nữa cũng đáng. Vương phu nhân nói :
Cái thằng Vương Nhân đốn mạt ấy không biết vì sao cũng hư tệ như thế ?
Thím không cần phải nói. Cháu đã có cách.
Đang nói thì bọn Thái Vân vào trình :
– Cô Xảo đã vào đây rồi.
Bấy giờ Xảo Thư vào chào Vương phu nhân. Tuy xa cách chưa bao lâu, nhưng nhớ lại tình cảnh lúc đi trốn, bất giác rơi nước mắt. Xảo Thư cũng khóc oà lên. Giả Liễn vội đến tỏ lời cảm tà bà Lưu. Vương phu nhân kéo bà cụ ngồi xuống, lại nhắc đến câu chuyện ngày trước. Giả Liễn trông thấy Bình Nhi, bề ngoài tuy không tiện nói, nhưng trong lòng rất là cảm kích, bất giác ứa nước mắt. Từ đó anh ta càng kính trọng Bình Nhi, định đợi Giả Xá trở về, sẽ lập Bình Nhi làm vợ chính. Đó là chuyện sau, chưa vội nhắc đến.
Về phần Hình phu nhân thì đang sợ Giả Liễn không tìm thấy Xảo Thư, chắc sẽ gây chuyện rắc rối ; lại nghe Giả Liễn đang ở bên Vương phu nhân, nên càng sốt ruột liền bảo a hoàn đi dò xem sao. A hoàn về trình :
– Xảo Thư cùng bà Lưu đang nói chuyện ở bên ấy.
Hình phu nhân như tỉnh giấc mơ, biết là bọn họ chơi khăm. Lại oán trách Vương phu nhân. Bà ấy chỉ xúi cho mẹ con mình bất hòa với nhau ? Nhưng vẫn không biết đứa
nào đã đưa tin cho Bình Nhi ? Đang tự hỏi thì thấy Xảo Thư cùng bà Lưu dẫn cả Bình Nhi đến, Vương phu nhân cũng đi theo sau. Trước hết họ đem những chuyện đó đổ tội cả cho Giả Vân và Vương Nhân, rồi nói :
Bà lớn nguyên chỉ nghe theo lời người ta, cũng muốn được việc tốt lành, biết đâu được bọn quỷ quái bên ngoài !
Hình phu nhân nghe nói, cảm thấy thẹn thùng, nghĩ lại ý định của Vương phu nhân là đúng, trong bụng cảm phục. Từ đó Hình phu nhân và Vương phu nhân lại vui vẻ với nhau. Bình Nhi trình với Vương phu nhân rồi dẫn Xảo Thư sang phòng của Bảo Thoa thăm hỏi. Mỗi người đều nhắc đến nỗi khổ của mình. Họ lại nói – Đội ơn hoàng thượng, phủ ta sẽ trở lại thịnh vượng. Chắc cậu Bảo cũng sẽ trở về.
Họ vừa nói đến câu ấy, thấy Thu Vân ra vẻ cuống quít sợ sệt chạy đến thưa :
Chị Tập Nhân nguy rồi ! Không biết đã xảy ra việc gì ?
Chú thích :
Ý nói được đội mũ mệnh phụ vì có con ra làm quan.
Cố nhi từ hoặc cổ tử từ – tên một từ khúc đời xưa, vừa dùng lời nói vừa hát, do nhiều khúc điệu và nhiều đoạn văn xuôi kết hợp lại.