Hồng Bào Quái Nhân

Chương 76: Người thiếu niên lúc nãy là gái giả trai

Tâm Di hòa thượng gật đầu đáp:

- Tiền lão nhi dù giỏi đến đâu e rằng cũng phải nộp đầu dưới Hàn Băng chưởng của Đoan Mộc Dũ.

Du Hữu Lượng cười khẩy nghị bụng.

- Người tính không bằng trời định. Các ngươi có biết đâu Thiên Lôi Khí của lão Tiền còn ghê gớm hơn Hàn Băng chưởng. Đoan Mộc Dũ và bọn Tôn Công Phi năm người thất bại đã bỏ đi rồi...

Tâm Di hòa thượng lại nói:

- Vạn nhất Tiền lão nhi chống lại được Đoan Mộc Dũ, bình yên đến cầu Táp Lạp thì bần tăng đã có cách khác để đối phó.

Hắn nói tới đây rồi đưa thị tuyến nhìn về phía bàn gần cửa. Du Hữu Lượng vội quay đi nhưng hắn đã thấy nửa mặt chàng.

Tâm Di hòa thượng đưa mắt ra hiệu. Nguyên Nguyên Tăng cũng nhìn thấy Du Hữu Lượng rồi. Hắn hắng dặng một tiếng đứng phắt dậy khẽ phất tay một cái.

Du Hữu Lượng cảm thấy một luồng ám kình xô tới trước ngực. Chàng thản nhiên như không thấy gì, co ngón tay lại bật ra một cái, Người Nguyên Nguyên Tăng hơi run lên. Chân ghế của Du Hữu Lượng ngồi cắm xuống ván lầu sâu đến hai tấc. Chàng ngấm ngầm kinh hãi nghĩ thầm:

- Nguyên Nguyên Tăng xuất thân ở chùa Thiếu Lâm. Công lực của lão quả nhiên không phải tầm thường.

Chàng đứng lên, cất tiếng dõng dạc:

- Du mỗ quên chưa chúc mừng đại sư chết rồi sống lại.

Nguyên Nguyên Tăng biến sắc nhìn Tâm Di hòa thượng nói:

- Chúng ta đi thôi!

Hai người liền cất bước tiến về phía trước. Đột nhiên cầu thang lầu có tiếng chân vang lên. Một nhà sư đứng tuổi đi đến cầu thang thì đứng lại.

Du Hữu Lượng trống ngực đánh thình thình, miệng lẩm bẩm:

- Pháp Minh thiền sư ở phái Thiếu Lâm cũng đến đây rồi.

Hai nhà sư chùa Thiếu Lâm chạm trán nhau. Hai bên đều lộ vẻ kinh ngạc.

Pháp Minh thiền sư sửng sốt một chút rồi trầm giọng:

- Tuệ Nguyên hãy dừng bước.

Nguyên Nguyên Tăng lạnh lừng đáp:

- Tránh ra!

Hắn xoay tay phóng chưởng. Một luồng chưởng phong ào ạt xô ra. Pháp Minh chờ chưởng tới gần, phất tay áo đón tiếp.

Tâm Di hòa thượng đứng bên Nguyên Nguyên Tăng nhân cơ hội này đánh ra một chưởng.

Pháp Minh thiền sư trở tay không kịp, bị đánh chuyển đi nửa vòng.

Tiếp theo bóng người thấp thoáng. Nguyên Nguyên Tăng và Tâm Di hòa thượng kế tiếp xuống lầu.

Pháp Minh ở đằng sau quát:

- Chưởng môn phương trượng thân hành hạ sơn rồi. Tuệ Nguyên! Ngươi còn u mê chưa tỉnh ư?...

Tiếng quát chưa dứt, Tâm Di và Nguyên Nguyên Tăng đã đi xa rồi.

Trong tửu lâu ba nhà sư kế tiếp tiến vào, mới nói chưa được hai câu đã động thủ khiến cho tửu khách kinh hãi ngơ ngác. Có người sợ vạ lây đã tới tấp bỏ đi.

Du Hữu Lượng nhìn Pháp Minh vẫy tay cười nói:

- Lâu nay mới gặp đại sư...

Pháp Minh uể oải gật đầu tiến vào bàn ngồi, mặt buồn rười rượi không nói gì.

Du Hữu Lượng tưởng kêu Pháp Minh lại trò chuyện, không ngờ nhà sư dường như có tâm sự băn khoăn chẳng lý gì đến chàng khiến chàng cũng buồn lây. Miệng lẩm bẩm:

- Được gặp Pháp Minh ở đây cũng là một chuyện may.

Chàng nghĩ tới cảnh ngữ của nhà sư vừa rồi tâm thần không khỏi chấn động, bụng bảo dạ:


- Phương trượng chùa Thiếu Lâm trước nay ít ra khỏi chùa mà nay lão thân hành hạ sơn thì cục diện võ lâm càng ngày càng rối loạn...

Giữa lúc ấy có tiếng hò hét từ góc phố vọng lại:

- Kim... Ngô... Ưng... dương...

Tiếng hò hét vang dội trên không. Số đông tiêu sư ào ào tiến lên lầu.

Một hán tử đen sì đi đầu đập bàn la:

- Đường quan! Có gì ăn đem ra đây mau cho chúng ta lót dạ để còn thượng lộ.

Hán tử thấp lùn nói:

- Hay dở gì cũng phải uống say một bữa. Đường quan! Có bao nhiêu đồ ăn đem cả lên đây.

Vạn Đại Hùng vừa cười vừa nói:

- Gặp phải con quỷ say sưa như ông bạn, e rằng cả hũ sành cũng bị nhai ngấu nghiến.

Gã thấp lùn cũng không chịu kém, hỏi lại:

- Vạn Đại Hùng! Ngươi đã đổi tính không uống rượu bằng bát lớn rồi chăng?

Lát nữa ta không cho ngươi uống.

Tòa tửu lâu này không rộng mấy, chỉ có chừng hai chục chỗ ngồi. Một lũ hán tử kéo ùa lên chật ních. Tiếng động đũa chén ầm ầm.

Cục chủ Tiền Kim Ngô và tổng tiêu đầu Hà Thất Mãnh lên sau cùng. Hai người phát giác ra Du Hữu Lượng ngồi ở bàn bên cửa sổ.

Hà Thất Mãnh trầm giọng nói:

- Cục chủ đã trông thấy chưa? Gã tiểu tử này vẫn bám sát chúng ta.

Tiền Kim Ngô hắng đặng một tiếng đáp:

- Chắc gã không dám đâu.

Du Hữu Lượng không muốn đa sự. Chàng giả vờ như chẳng thấy Tiền Kim Ngô nheo mắt nhìn chàng rồi cùng Hà Thất Mãnh lục đục ngồi xuống.

Hà Thất Mãnh hạ thấp giọng xuống hỏi:

- Cục chủ liệu chuyến tiêu này sau khi ra ngoài quan ải có xảy ra chuyện gì không?

Tiền Kim Ngô đáp:

- Chúng ta để xảy chuyện mà yên được ư? Hà tiêu đầu! Nên nhớ kỹ một câu:

"Tiêu còn thì người còn, tiêu mất thì người chết".

Hà Thất Mãnh run lên hồi lâu mới nói:

- Đã có cục chủ thân hành áp giải chắc các bạn trên đường không dám dòm ngó.

Tiền Kim Ngô mắt lóe hàn quang hỏi:

- Hà tiêu đầu! Tiêu đầu có biết trong tiêu xa chở gì không?

Hà Thất Mãnh ấp úng đáp:

- Cái đó... tiểu đệ... hoàn toàn không biết...

Tiền Kim Ngô nét mắt sáng lên, cầm chung rượu đứng dậy lớn tiếng tuyên bố:

- Anh em hãy uống chung này đi! Tiền mỗ có việc trình bày.

Bọn tiêu sư ngửa cổ lên uống cạn xong đồng thanh hỏi:

- Tiêu cục chủ có điều chi xin cho hay?

Tiền Kim Ngô đảo mắt nhìn quanh rồi đáp:

- Kể cả các tiêu cục toàn quốc thì Kim Ngô tiêu cục của chúng ta đứng vào số nhất số nhị. Công việc tiến triển hoàn toàn trông vào các vị ra sức tương trợ mới nổi tiếng như ngày nay.

Bọn tiêu sư tranh nhau đáp:

- Cục chủ dạy quá lời.

Tiền Kim Ngô hắng đặng nói tiếp:

- Mấy năm nay chỉ cần đề cao cờ hiệu có chữ "Kim" trên tiêu xa là đã được thiên hạ trọng vọng rồi. Nhưng chuyến này tình hình không giống trước.

Mọi người đều im lặng lắng tai nghe.

Tiền Kim Ngô nói tiếp:

- Chuyến này chúng ta cho xe tiêu ra, trên chốn giang hồ liền có phong thanh đồn đại yêu cầu các vị bỏ tiêu chạy lấy người, không thì đại họa lâm thân. Tiền mỗ cũng biết các vị chẳng ai không có gia quyến, chỉ vì mưu sinh mà phải đi làm, nói rõ các vị hay chuyến này chúng ta phải tiếp nhận món hàng một cách bất đắc dĩ. Hiện giờ đã nhận hàng rồi thì bất luận gặp nguy hiểm gì cũng không thể quay lại được nữa. Tiền mỗ mong các vị đừng quan tâm gì đến lời đồn đại, hết lòng áp tải món hàng đưa tới đích một cách an toàn. Sau khi xong việc Tiền mỗ thề rằng đối đãi với các vị không để khiếm khuyết.

Lão ngửa cổ lên uống cạn chung rượu rồi lớn tiếng nói tiếp:

- Các vị sẽ được Lợi Đạt tiền trang ở Kinh Đô thưởng tấm ngân phiếu năm ngàn lạng làm tiền thù lao.

Cây này nói ra khiến các tiêu sư đều kinh ngạc.


Nến biết món tiền năm ngàn lạng bạc quá lớn. Mọi người cực khổ suốt đời cũng không thể dành giật được lấy một nửa số tiền này. Bọn tiêu sư nghe Tiền Kim Ngô nói cơ hồ không dám tin ở tai mình.

Một số đông tiêu sư đã chuẩn bị bỏ tiêu chuồn đi, nhưng vì món thù lao trọng hậu lại nổi lòng tham đồng thanh đáp:

- Chỉ cần Kim lão gia bảo một câu là bọn thuộc hạ có phải nhảy vào dầu sôi lửa bỏng cũng chẳng lùi bước.

Tiền Kim Ngô thở phào một cái, lại ngửa mặt lên uống một chung.

Hà tổng tiêu đầu bỗng nhiên ghé tai Tiền Kim Ngô thì thầm mấy câu. Tiền Kim Ngô biến đổi sắc mặt mấy lần quay sang nhìn Pháp Minh thiền sư lên tiếng:

- Tại hạ xin chào đại sư...

Pháp Minh đáp lễ nhưng không hề nói gì. Tiền Kim Ngô lại hỏi:

- Phải chăng đại sư ở chùa Thiếu Lâm đến đây?

Pháp Minh lắc đầu đáp:

- Thí chủ nhận lầm rồi. Bần tăng là một kẻ dã tăng vân du khắp nơi.

Du Hữu Lượng rất lấy làm kỳ lạ nghĩ bụng:

- Người xuất gia không khi nào nói dối. Hiển nhiên Pháp Minh làm kinh đường chủ ở chùa Thiếu Lâm mà sao lại lên tiếng phủ nhận.

Tiền Kim Ngô nét mặt âm trầm bất định, ngẫm nghĩ một chút rồi từ từ trở về chỗ ngồi.

Đột nhiên một thanh âm trong trẻo dịu dàng cất lên:

- Sao bữa nay tửu lâu tụ hội đông người thế? Thật là một thịnh hội.

Mọi người hoa mắt lên vì nhìn thấy một vị cô nương xinh đẹp xuất hiện ở cửa lâu. Thiếu nữ này không tô son điểm phấn nhưng được trời cho tấm dung nhan cao quý diễm lệ.

Thiếu nữ đảo cặp mắt xinh đẹp nhìn vào bàn Du Hữu Lượng thoăn thoắt bước tới. Trên môi nàng hé lộ nụ cười. Ánh dương quang do cửa sổ ánh vào mặt nàng rất khả ái càng khiến cho người ta rạo rực tâm hồn.

Du Hữu Lượng động tính hiếu kỳ chú ý nhìn lại thì dung mạo thiếu nữ rất quen thuộc. Trong đầu óc chàng lóe lên một tia sáng như người chợt tỉnh ngộ. Song bề ngoài chàng vẫn thản nhiên.

Thiếu nữ bước tới trước mặt Du Hữu Lượng dừng lại hỏi:

- Ủa! Tướng công ngồi đây một mình uống rượu có buồn không?

Du Hữu Lượng giả vờ đáp:

- Cô nương là ai? Tại hạ không nhận ra?

Thiếu nữ tức mình đáp:

- Tướng công là người chậm chạp như vậy không hiểu làm sao lại học được võ công.

Du Hữu Lượng hỏi:

- Cô nương có điều chi dạy bảo?

Thiếu nữ bĩu môi hỏi:

- Chàng ngốc kia! Ngươi còn chưa nhận ra được ta ư?

Du Hữu Lượng vẫn làm bộ không biết đáp:

- Vừa rồi tại hạ được biết một ông bạn rất tuấn tú, diện mạo giống hệt cô nương. Chắc y là lệnh huynh.

Thiếu nữ giậm chân nói:

- Ngốc tiểu tử! Ngốc tiểu tử!

Du Hữu Lượng "Ủa" lên một tiếng rồi nói:

- Một chàng công tử bảnh trai mới hồi nãy mà bây giờ lại...

Thiếu nữ nói:

- Kiến thức ít thì cái gì cũng cho là lạ. Con người ngốc dại như tướng công mà qua lại giang hồ không có người chiếu cố, e rằng chỗ nào cũng bị thua thiệt.

Du Hữu Lượng nghe cô lên giọng giáo huấn không khỏi cười dở khóc dở.

Thiếu nữ đi thẳng đến ghế bên Du Hữu Lượng ngồi xuống hỏi:

- Ngươi uống thứ rượu gì?

Du Hữu Lượng đáp:

- Tại hạ uống Bạch Can.

Thiếu nữ nghiêm nghị nói:

- Uống rượu nhiều làm thương tổn sức lực, nhất là thứ Bạch Can nóng cháy càng không nên uống. Những nhân vật bôn tẩu giang hồ tối kỵ là uống rượu vô tiết độ, uống đến say túy lúy thường mắc vào cạm bẫy của người ta.

Du Hữu Lượng vâng dạ luôn miệng. Mọi người trong tửu lâu thấy thiếu nữ và Du Hữu Lượng to nhỏ thì thầm như chỗ không người đều ra chiều tức giận.

Thiếu nữ diêm dúa vẫn lờ đi như chẳng thấy gì tiếp tục chuyện trò với Du Hữu Lượng.

Du Hữu Lượng nói:

- Tại hạ uống rượu tự biết hạn chế. Cô nương bất tất phải nhọc lòng.

Thiếu nữ diêm dúa tức giận nói:


- Ai nhọc lòng làm cóc gì? Ngươi cứ uống say bí tỷ để người ta ám toán.

Ngươi sống chết cũng chẳng ai can thiệp.

Cô lộ vẻ tức mình quay đầu đi, không lý gì đến Du Hữu Lượng nữa.

Du Hữu Lượng mỉm cười không nói gì. Thiếu nữ đã tưởng chàng sẽ xin lỗi cô, không ngờ hồi lâu chẳng thấy chàng lên tiếng. Cô không nhịn được liếc mắt ngó trộm chàng.

Trong lúc nhất thời tòa tửu lâu yên tĩnh lại.

Thiếu nữ diêm dúa trong lòng tức giận nói:

- Này! Ngươi không có mồm có miệng hay sao...? Kẻ khác hết sức xu phụ ta còn không được... Ngươi tưởng ngươi quý lắm chăng?...

Du Hữu Lượng cười đáp:

- Cô nương nói rất đúng! Rượu nhiều làm rối loạn tâm thần. Chẳng uống nữa là hơn. Tại hạ uống hết chung này rồi cũng ăn cơm.

Thiếu nữ diêm dúa đổi giận làm vui:

- Phải đạo thì càng bôn tẩu giang hồ càng lão luyện. Ta là người từng trải, nếu ngươi chịu nghe theo, nhất định không xẩy điều lầm lỡ.

Du Hữu Lượng lại lại vâng dạ khen phải.

Thiếu nữ tiếp tục lên mặt giáo huấn. Du Hữu Lượng biết đối phương tính tình cổ quái, cô muốn nói gì thì nói chàng cũng gật đầu lia lịa.

Thiếu nữ tiếp tục nói hoài. Du Hữu Lượng phát ngán. Chàng đảo mắt nhìn quanh bỗng ngó thấy hai hán tử đứng trước cửa tửu lâu đang nhìn chàng chằm chặp.

Chàng vội đứng dậy chắp tay nói:

- Đỗ đại hiệp! Bạch đại hiệp! Hai vị cũng tới đây. Thật là hạnh hội.

Hai đại hán này chính là lão đại và lão nhị trong Hoa Sơn ngũ hiệp. Du Hữu Lượng đã có mối giao tình thâm hậu với phái Hoa Sơn. Bây giờ chàng gặp bọn họ dĩ nhiên trong lòng phấn khởi. Không ngờ vẻ mặt hai người tỏ ra lạnh lẽo khác thường.

Lão nhị đưa thị tuyến nhìn qua thiếu nữ, miệng hắng dặng luôn mấy tiếng.

Đỗ, Bạch hai người tìm vào góc lầu ngồi xuống. Cả một câu khách sáo tầm thường cũng nói đến.

Du Hữu Lượng không hiểu tại sao đối phương lạnh nhạt với mình bất giác chàng ngơ ngẩn ngẩn ngơ.

Thiếu nữ diêm dúa nhìn rõ hết, khẽ hắng đặng một tiếng nhìn chàng hỏi:

- Người ta không hỏi đến mình thì thôi. Hà tất phải với lên cao? Họ là chỗ cựu giao hay sao?

Du Hữu Lượng khẽ gật đầu.

Thiếu nữ diêm dúa lại nói:

- Bây giờ càng rõ bọn anh hùng thảo mãng, một khi họ phát tích liền quên hết những người hoạn nạn ngày trước. Có thế mới biết qua một quãng đường học một sàng khôn...

Đỗ, Bạch hai người ở phái Hoa Sơn nghe cô nói vậy biến sắc. Đỗ Nguyên Xung máy môi, nhưng cũng nhẫn nại không lên tiếng.

Du Hữu Lượng chau mày hỏi:

- Cô nương ít lời đi một chút được không?

Thiếu nữ diêm dúa đáp:

- Hợp thì đến không hợp thì đi. Ngươi còn sợ đắc tội với họ ư? Có ta đây ngươi lo gì thiếu bạn?...

Cô tiếp tục nói nữa, Bạch nhị hiệp không chịu được đứng phắt dậy, nhưng Đỗ Nguyên Xung giữ hắn lại khẽ nói:

- Nhị đệ nên lấy đại sự làm trọng, chớ có động nộ một cách lỗ mãng.

Lúc này cục chủ Kim Ngô tiêu cục cất bước đến trước mặt Đỗ, Bạch hai người tự chắp tay giới thiệu:

- Lão hủ là Tiền Kim Ngô chào hai vị tráng sĩ.

Đỗ Nguyên Xung lạnh lùng hỏi:

- Tiền cục chủ có điều chi dạy bảo?

Tiền Kim Ngô hỏi lại:

- Mời hai vị dời gót cùng uống với tại hạ một chung được chăng?

Đỗ Nguyên Xung đáp:

- Tại hạ không dám quấy nhiễu.

Tiền Kim Ngô hắng đặng nói:

- Tiền mỗ mời hai vị cách này thật là không phải. Đáng tiếc ngày thường tại hạ bận việc tiêu cục, chưa rảnh để lên Hoa Sơn bái kiến năm vị.

Đỗ Nguyên Xung lắc đầu nói:

- Bọn tại hạ trà trộn vào chốn giang hồ kiếm chén cơm ăn, không dám mượn danh phái Hoa Sơn.

Tiền Kim Ngô sửng sốt một chút rồi cười nói:

- Nếu vậy Tiền mỗ kiến thức nông cạn. Trước đã nhận lầm một vị du phương tăng là tăng lữ chùa Thiếu Lâm. Bây giờ lại nhận lầm hai vị là đồ đệ phái Hoa Sơn...

Hắn nói tới đây, thị tuyến ngẫu nhiên ngó thấy Pháp Minh thiền sư ngồi bên cửa sổ. Nhà sư này vẫn nhắm mắt lẳng lặng không nói gì.


Du Hữu Lượng ngồi bên nghe cũng bực mình tự hỏi:

- Người võ lâm kỵ nhất là bội thầy quên tổ. Hoa Sơn, Thiếu Lâm đều là danh môn chính phái, vậy mà họ Đỗ, họ Bạch cùng Pháp Minh thiền sư đều không nhìn nhận môn phái mình, chẳng hiểu vì lẽ gì?

Đỗ Nguyên Xung đáp:

- Kim Ngô tiêu cục là một nhà bảo tiêu lớn nhất đương thời. Anh em tại hạ ngưỡng mộ đại danh từ lâu. Không hiểu quý cục chủ chuyến này tải hàng gì?

Tiền Kim Ngô sa sầm nét mặt hỏi lại:

- Phải chăng hai vị cũng vì món tiêu này mà tới đây?

Đỗ Nguyên Xung đáp:

- Không dám! Không dám! Bọn tại hạ thường nghe nói Tiền cục chủ trước nay không thân hành áp tải bao giờ mà bữa nay trái với thường lệ, thật là hân hạnh.

Tiền Kim Ngô lạnh lùng nói:

- Tiền mỗ phải xuất đầu lộ diện là để cho bọn người dòm ngó món hàng này biết rằng khó nuốt mà rút lui...

Hắn chưa dứt lời thì trên đường phố có tiếng vó ngựa dồn dập tựa hồ một đại đội binh mã đi tới.

Du Hữu Lượng nhìn qua cửa sổ ra ngoài quả thấy mười mấy người kỵ mã nối đuôi nhau chạy đến.

Đoàn kỵ mã tới trước cửa tửu lâu, tên đứng đầu và mấy kỵ sỹ nhảy xuống.

Tay cầm lá cờ lớn cắm xuống đất!

Du Hữu Lượng chú ý nhìn kỹ thấy bốn lá cờ bay phất phới, giữa cờ thêu hai con bạch hổ và một chữ "Hạ" lớn bằng cái đấu.

Đoàn kỵ mã lục tục xuống ngựa hộ vệ một võ tướng trung niên mặc áo bào nhẹ. Võ tướng này đầu báo mắt tròn. Cặp mắt lấp loáng rất oai nghiêm, y dừng lại liếc mắt nhìn những xe tiêu đậu ở trước quán rồi xoay mình cất bước lên tửu lâu.

Bốn tên thị vệ theo sau ngần ngừ một chút rồi cũng cất bước lên theo.

Võ tướng trung niên lên lầu rồi mắt nhìn quanh trầm giọng hỏi:

- Vị nào phụ trách áp tải đội xa tiêu này?

Tiền Kim Ngô biến sắc đáp:

- Chính là Tiền mỗ. Tướng quân có điều chi dạy bảo?

Võ tướng trung niên hỏi:

- Các hạ chở những tiêu xa này tới đâu?

Tiền Kim Ngô bật tiếng cười khô khan đáp:

- Chuyến tiêu này của bọn tại hạ quan nha không ai dính vào. Như vậy đã đủ trả lời tướng quân chưa?

Võ tướng trung niên nói:

- Từ đây ra ngoài quan ải, tiêu đội của quí cục chỉ có hai nẻo đường đi được...

Tiền Kim Ngô hỏi:

- Hai nẻo là những nẻo nào?

Võ tướng trung niên đáp:

- Một là theo đường lớn Tam Hà Loan thẳng đến thành Ninh Viễn. Hai là theo đường đê vượt qua Thiếu Lĩnh quanh đến Kiến Châu.

Y vừa nói câu này, bọn tiêu sư trên tửu lâu liền ghé tai thầm thì bàn riêng với nhau.

Tiền Kim Ngô cười lạt nói:

- Theo ý câu nói của các hạ thì mục đích chuyến tiêu này là tới Kiến Châu ở Nữ Chân?

Võ tướng gật đầu đáp:

- Sự việc rõ quá rồi, tưởng bản tòa bất tất phải trần thuật cho rườm lời.

Y nói rồi ngửng đầu lên một chút, thị tuyến nhìn về Du Hữu Lượng.

Thiếu nữ diễm lệ hơi lộ vẻ hoang mang, cô vội cầm ghế ngồi đổi qua góc khác, xây lưng về phía võ tướng.

Võ tướng đã phát giác ra cô buột miệng hỏi:

- Đại tiểu thư! Sao lại có một mình tiểu thư đến tòa tiểu điếm này?

Thiếu nữ hoa lệ quay lại ngạc nhiên hỏi:

- Ai bảo ta chỉ có một mình? Không nhìn thấy đồng bọn của ta đây ư?

Võ tướng trung niên liếc mắt nhìn Du Hữu Lượng một cái rồi ngó thiếu nữ đáp:

- Tổ tham tướng nhớ cô lắm. Từ ngày cô lén đi, chẳng lúc nào y không bồn chồn tựa hồ ngồi trên bàn chông.

Du Hữu Lượng nghe nói động tâm tự hỏi:

- Tổ tham tướng nào, phải chăng là Tổ Đại Thọ tướng quân ở bên cạnh Viên Sùng Hoán?

Thiếu nữ hoa lệ giơ tay lên vuốt mái tóc dài hỏi:


- Được rồi! Chẳng lẽ ta lại không chiếu cố được cho ta? Hà tất đại ca phải lẩn thẩn như vậy?

Cô dời gót sen đến bên võ tướng nói nhỏ mấy câu.

Võ tướng trung niên gật đầu, dạ một tiếng rồi đáp:

- Tiểu tướng quay về báo Tổ tham tướng, xin y lập tức cho quân tăng viện...

Y dừng lại một chút rồi tiếp:

- Xin đại tiểu thư đi theo một đường với tiểu tướng.

Thiếu nữ hoa lệ quay lại nhìn Du Hữu Lượng, ngần ngừ một chút rồi thủng thẳng nói:

- Về ư? Hay lắm! Hay lắm!

Cô nói câu này đột nhiên thấy hoang mang mà không nói ra được. Cô cảm thấy bâng khuâng như người mất của.

Võ tướng trung niên quay sang nhìn Tiền Kim Ngô hỏi:

- Trung thần hay gian nịnh chỉ là do ý nghĩ mà ra. Tiền cục chủ liệu lấy mà làm...

Y nói rồi vỗ tay một cái cùng bốn tên thị vệ hầu cận ra đi. Thiếu nữ hoa lệ tha thước theo sau, thỉnh thoảng còn quay lại ngó Du Hữu Lượng, máy môi muốn nói.