Năm 1929, tôi nghèo cúng lắm. Trong nhà thiếu trước hụt sau, mắc nợ ba trăm đồng bạc thôi, mà quanh đi quẩn lại tháng nầy qua tháng kia, vẫn vá víu mãi không trả nổi. Hỏi mượn một trăm của nầy, của Khôn, Khanh, anh em bạn tốt trong sở, đem đắp chỗ kia, cứ quây quần như vậy không khác đắp bờ đê, chung qui nước vỡ bờ vẫn tiếp tục.
Ác nghiệt nhứt là trong tay có sẵn tiền mới là nguy hiểm, vì tiền ấy là của công, tiền trong kết bạc toà bố, chánh phủ giao tôi giữ với chức vụ ký lục phát bạc (comptable, agent de paiement).
Chức nầy trước kia giao phó cho quan lại lang-sa đứng hàng thứ ba trong tỉnh sau vị tỉnh trưởng Pháp gọi Chánh Tham biện (ông Chánh) và sau vị Phó Tham biện (ông Phó). Qua đến thời bình, nhiệm vụ bớt gay cấn, chức nầy mới phó thác cho người Nam coi, vì vậy còn lại danh từ nôm na gọi ký lục phát bạc là ông công táp.
Thỉnh thoảng trong cơn gấp rút, tôi có ký bông khi mượn mười đồng làm vốn đi đánh bài, khi khác mượn hai chục để mua đồ xưa, nhưng tôi cân làm sao số tiền mượn không quá lương tôi lãnh, có bề gì, rủi thanh tra xét tủ, mất mát đôi ba chục, đổ thừa làm mất, bất quá thường tiền chớ không đến nỗi bắt tội hà lạm thụt két.
Cái năm 1929 ấy tuy vậy mà tôi hạnh phúc nhứt đời duy không biết để mà tận hưởng: ngoài sở chúng bạn yêu vì, quan trên trọng dụng, trong nhà có vợ đẹp, gia đình tuy thiếu hụt nhưng đầm ấm, cái hoạ ngoại tâm vẫn chưa nẩy mầm.
Nhưng cũng bởi nghèo túng, cho nên tinh thần thường dao động. Mặt khác bản tánh vốn ngay thẳng nhờ cha mẹ khéo dạy từ nhỏ, rốt lại không được sự dao động xưa. Tôi xin thuật lại như sau một vụ toan ăn hối lộ may thời đến phút chót ngưng lại kịp.
Nguyên từ lâu, ông cai tổng cao niên trên Cái Tàu thượng, L.H.H., làm mất lòng tín nhiệm của ông chánh phủ tỉnh tên là F.Barloli. Trước khi về nghỉ bên Pháp, ông nầy để mật thư lại cho ông chánh kế nhiệm là ông L. Pech đề nghị nên giải nhiệm ông cai tổng, viện cớ là tuổi già, khả năng chống cộng kém. Tôi quên nói lúc ấy là lúc bắt đầu có nạn cộng sản tại Sa Đéc, nhứt là ở Cao Lãnh và Cái Tàu thượng, nhưng nhẹ thôi, như bày cho dân không đóng thuế, xin bớt thuế, vân vân. Tụ tập la ó ban đêm bởi ban ngày lặn mất, để chờ tối hôm sau tuyên truyền thuyết mới nơi một làng khác. Họ dùng ớt chín kết làm tràng hoa cờ đỏ búa liềm thả trôi sông trên bè chuối hoặc treo băng-đơ-rôn phản đối nơi chỗ hẻo lánh chớ chưa hề có bạo động lớn đến xảy ra án mạng. Sở dĩ có mật thư cũng vì chút tư thù, ông cai không dâng lễ mễ nào trong khi ông chánh F. Barloli, có tiếng là người ham ăn của đút. Thậm chí mấy thầy ở toà bố, trừ những người có khả năng không sợ bị hớp hồn, chớ thầy nào yếu bóng vía đều phái cúng kiễng lễ vật mới được bình an. Ông chánh cũ có mượn của một thầy cai tổng một con bò sữa để mỗi sáng có sữa tươi cho ông pha cà phê; khi ông về xứ mời thầy cai đến lãnh bò về, ông cũng tìm cách khen thầy cai hào hiệp bằng cách ép thầy cai mua giùm hai cái xe đạp của con ông thôi dùng; bao nhiêu ấy đủ thấy thủ đoạn cao cường của một ông chăn dân có nhiều mánh khóe. Cũng vì thầy cãi L.H.H. không chịu dùng kế “cho mượn bò lấy sữa” mà biến ra cai hoạ tâm thư đề nghị sa thải ông.
Trong hồ sơ để lại, ông Cai H. đã 54 tuổi, cũng đáng tuổi về hưu, nhưng tôi không tin nơi hồ sơ và có ý muốn biết mặt ông cũng như muốn biết thêm về ông để dễ bề định đoạt; nghiệt nỗi ông ít đến toà bố, mỗi tháng lãnh lương do tay tôi phát, ông cũng ít năng đến lãnh hoặc nhờ người khác lãnh thế thành thử giữa ông và tôi cuộc tiếp xúc dường như không có.
Cái hoạ sau lưng ông cai và càng cấp bách nguy hiểm hơn là ông có một phụ tá cộng sự viên là bang biện phó tổng H.T.S. rấp ranh giành chỗ ông mà ông chẳng hay biết.
Nay nói về nguyên tắc, muốn cho về hưu một vị cai tổng thì ít nữa phải viện khá nhiều lý lẽ vững vàng, tỉ như tuổi già, sức yếu, khả năng làm việc thiếu kém v.v... Trong hồ sơ tôi cầm trên tay, các lý lẽ ấy đã hội gần đủ: tuổi về hưu theo nguyên tắc là 55 mà ông đã tuổi 54; ông thường xin nghỉ việc để đi chơi khi Đà Lạt, khi Vũng Tàu, sau mấy giấy phép sao lục ngờ ngờ còn trong hồ sơ lại là những chứng cớ hùng hồn rằng ông thường bịnh hoạn, tuy mấy lần làm quan chánh đến tổng giản dân ông đều có mặt ứng hầu, nhưng những lần có tụ tập hay bạo động chỗ nào, thường thầy bang H.T.S. lãnh đi thế, ngờ đâu mấy việc vặt ấy nay trở thành cáo trạng tố cáo ông cai ít hoạt động, không bằng thấy phó xốc vác hơn. Ông phố không lánh nặng, ông cai ưa tìm nhẹ. Còn một phần thừng điểm của ông cai già là ông có uy thế dân trong tổng kính vì.
Trong khi ấy, ông bang biện phó tổng tuy trẻ hơn một chút nhưng gia thế sự nghiệp cũng tương đương chẳng kém sút gì ông cai. Cái thua điểm của ông nhỏ nầy là uy tín không bằng ông lớn, kể về hành chánh và kỉnh nghiệm thì ông trẻ vẫn thua ông già.
Trong những buổi tôi tiếp xúc với anh em trong sở, tôi hỏi thăm kín thì phần đông cho là ông cai có tánh kiêu, hơi khó chịu, thua ông bang biện biết đãi bôi chiều chuộng dễ chịu hơn; dễ chịu với khó chịu đây tượng trưng, sau tôi rõ lại, là một ông ưa cho trái cây trong vườn làm quà (thầy bang S.) còn một ông tánh sẵn rít lại có nho phong, không muốn nhờ lễ mễ bấc cầu giao thiệp gây cảm tình. (ông cai H.); Cái sẩy nẩy cái ung là vậy.
Một chi tiết nhỏ làm tôi giựt mình là cả hai đều: một ông S. là cha vợ của giáo sư cử nhân khoa học, anh Cang vốn cùng tôi người đồng xứ, và cũng đồng song, còn ông H., vốn thân phụ của anh Lê Hồng Đô, một bạn đồng trường Đô học ban lang-sa (quartier européen), tôi học ban bản xử (quartier indigène) nhưng cả hai cùng học đờn vĩ cầm cùng một thầy là Sersot; về điểm cảm anh đồng song, tôi cho cả hai đều cùng một điểm không ai hơn kém.
Cân đi xét lại, tôi thấy thầy bang chạy chọt quyết làm cho ông cai về vườn để thầy lên thay thế làm cai tổng thực thụ. Ông cai vô tình, không biết mình suýt mất chức, việc giải nhiệm còn giữ kín, tuy ông không tìm giáp mặt tôi nhưng có lẽ sao chiếu mạng của ông còn tốt khiến nên gặp tôi sẵn tánh quân tử Tàu muốn học đòi tế khổn phò nguy hơn là trợ Trụ trợ Kiệt, để mà vi bạo, vi ngược.
Cho hay kẻ cố tình rình người vô ý, trong khi thầy cai thụ động, thì trái lại thầy bang tinh khôn hơn, nên cậy người thân tín là anh Tám Hoài dọn đường trước bằng cách đưa thầy đến nhà tôi, ban đầu nhắc lại việc thầy là nhạc gia của Cang để “nhìn bà con” xưng hô bác cháu; kế đó thầy đi ngay vô đề hứa xong việc sẽ dâng tôi ba trăm bạc mặt xài chơi, và sau rồi đánh một đòn tâm lý thật nặng là đinh ninh việc rồi tôi sẽ có một cặp choé sơn thuỷ không ai có. Đó rồi thầy tả sự tích cặp chóe làm cho tôi thêm mê mẩn tâm thần, nào là nét vẽ tinh vi đúng là cổ vật đời Kiền Long, nào là trước kia cặp chóe vốn của ông huyện Đước là một danh sĩ cựu trào đàng ta, sau ông Đước thiếu nợ nên gật nó qua tay ông bang Sển tức ông Thái Viêm Thành, nhột hào trường trong vùng. “Nếu thầy, ủa cháu, muốn chơi chóe thì chỉ có cặp nầy là tối nhứt hạng trong xứ không ai hơn. Để thủng thỉnh bác rảnh, bác sẽ nói với ông Sển nhường cặp chóe lại cho bác thì thế nào nó cũng về tay cháu. Cháu chưa biết ông bang Sển, để rồi bữa nào bác sẽ rước cháu lên nhà ông ấy chơi một chuyến để làm quen. Ông Sển có cái duyên lạ lùng về đồ cổ là ông thừa hường, vì gật nợ, bao nhiêu của sưu tập của ông huyện Đước, mà mỗi món đều có chạm nơi đáy hai chữ tử âm “H.Đ” “(Huyện Đước)”.
Ông S., và anh Tám Hoài ra về, tôi không hứa điều gì với ông duy với anh Tám tôi đã nói hai tiếng thòng đầy ý nghĩa là để coi Đại phàm lòng dục vọng của mỗi người có giới hạn. Nếu bao nhiêu chưa đủ xiêu, thêm cứ thêm nữa thì có ngày cũng đến.
Với người thường, một tô mì đã đủ no, nhưng gặp đứa khỏe, năm ba tô cũng chưa vừa, cái dạ dày, cái bao tử của thằng nầy nó thun giãn không chừng; khéo tâm lý là người có mắt để đo lường cho đúng. Cái tham của ông bộ trưởng chê hút thuốc lá thì hãy biếu ông xì gà nguyên hộp. Đứa nào tham gái thì hãy lấy sắc giục lòng.
Với kẻ không hám tiền, một cặp chóe đã gieo vào đầu óc tôi một món thuốc độc còn lợi hại dữ tợn bằng mười thuốc phiện. Ai có qua cầu mới hay, và người chưa hút xin hãy khoan cười người ghiền gập. Đối với tôi, tiền bạc tôi không ham nhưng chỗ yếu của tôi là ham đồ cổ. Một con đĩ không khác, thập thò muốn đi khách mà chỉ đợi giá cao.
Bù qua chế lại, vụ nầy nếu tôi làm xong tức cho về hưu một ông cai mà hồ sơ đã chín mùi, và cất nhắc ông Sum nầy, thì tôi vừa có tiền ba trăm bạc trả nợ, thêm có hai món vật ao ước bấy lâu, vì tiếng đồn về ông huyện Đước vang dội trong trí óc tôi từ thuở nhỏ. Nói chi đáng lương tâm tôi lúc đó đã đi vắng, nói đúng hơn tôi chưa thấy gì là cắn rứt, dĩ nhiên làm theo hồ sơ có sẵn mà tội vạ gì. Tôi vừa là phạm nhơn vừa là quan toà, tôi xử lấy tôi, thảo nào tôi không cho tôi trọng án.
Khi ông chánh Bartoli rời tỉnh Sa Đéc thì giấy ở Sài Gòn gởi ông chánh mới là ông Louis Pech đến thay. Ông Pech trước có làm chủ tỉnh ở Sốc Trăng, ông có một trai út đến học riêng với ông đốc Gros. Phòng cậu học ăn thông với lớp nhì của ông giáo Chức mà tôi đang từng học, và hai đứa tôi từng quen biết nhau vì cậu thường qua mượn tôi cục tẩy mực. Một hôm thay vì trả, cậu rán mất bỏ vào mồm nhài luôn cục tẩy, và cho đến nay tôi còn nhớ mãi anh Tây con ăn gôm tẩy mực. Bữa bàn giao công việc giữa hai ông đầu tỉnh cũ và mới, thừa dịp tôi hỏi thăm tin tức cậu ấm bây giờ ra sao. Ông Pech có thiện cảm nhiều với tôi từ đó, ông tuổi chưa đến lục tuần, người có phong độ quân tử, tôi chưa gặp người chủ nào ăn nói hiền lành nhã nhặn như ông nầy. Ông có cách làm việc cũng mới. Thường lệ công văn mỗi thầy phải đem lên tận văn phòng quan chủ tỉnh đãi lịnh và hầu chữ ký; đàng nầy ông bổn thân sớm và chiều hai buổi đi đến bàn làm việc từng người, ôn tồn hỏi han rối ký lên tại chỗ, việc nào cấp bách mấy thầy được lên trình bày và ông giải quyết tức thì, nhờ vậy người dân không chờ đợi và cả thảy đều bằng lòng. Từ ngày ông đến trấn nhậm, cứ đúng mười lăm giờ là có ông đến phòng bút toán, tôi nhường chỗ tôi cho ông ngồi, ông đàm đạo với tôi ngót nửa giờ rồi mới lên văn phòng ở lên lầu toà bố. Cử chỉ thân mật ấy làm cho các bạn tôi đều lé mắt nể tôi, vì thuở nay muốn được thân thiện thì phải đút sáp, chỉ có ca tôi như nầy, chính tôi cũng lấy làm lạ, sau tôi hỏi, ông cười đáp: “Thầy đồng chạn với con tôi nên tôi nhớ con mà thương thầy?”. Một bữa nọ, ông gọi tôi lên văn phòng nói chuyện tâm tình và ướm lời mời tôi vô ở chung trong dinh. Ông lấy cớ dinh quá rộng, ông sống độc thân, có bịnh đau tim, vì vậy mỗi lần từ dinh ra toà bố ông phải ghé văn phòng tôi để nghỉ mệt, gia đình ông đều ở lại bên Pháp, phu nhân đã từ trần, tiểu thơ còn đang học và cậu ấm mà tôi quen thì đang tuổi thi hành quân dịch. Gặp người khác, tôi dám chắc, nếu được mời như vậy ắt đã lập tức nhận lời ngay, để mặc tình tác oai tác phúc, vì có mấy thuở tôm dựa cửa rồng, thơ ký quèn mũi tẹt ở chung một dinh với quan tham biện chủ tỉnh. Nhưng tôi điềm nhiên xin để vài ngày suy nghĩ. Trong thâm tâm mặc dầu u tôi là thằng hư, nhưng lúc ấy tôi sáng suốt và lý luận thầm, cái chỗ ấy bất quá là vai tuồng đày tớ ruột gẫm không sang trọng gì. Thêm là ai sao được tự do vì lúc đó tôi mê lâm bài thín cầu và đêm nào không chà bài đêm ấy tôi ngủ không ngon giấc. Vài ngày sau tôi lên thú thật, một lẽ quan trọng tôi xin nói và ông Pech cũng nhìn nhận tôi có lý là tôi còn trẻ quá, vợ tôi còn nhỏ hơn tôi nữa, nay hai đứa ở chung với ông, đỡ tốn đã đành rồi, nhưng sợ thiên hạ đàm tiếu dị nghị.
Chớ chi tôi độc thân thì khỏi nói. Việc ông sống cô thân, sau đó tôi giải quyết bằng cách chọn hai người bồi trung tín vào phụng sự sớm tối và rất may hai người nầy không phụ lòng tôi tiến dẫn.
Từ ngày tôi biết ông chủ tỉnh có lòng ái đới, tôi dạn dĩ thêm và đã trực ngôn nhiều lần và tôi nói gì ông nghe nấy. Một việc như sau, tôi chắc không ai dám làm và nay nhắc lại tôi còn ghê rợn cho cái liều lĩnh của tuổi trẻ: Tôi chờ ông chủ quận châu thành Sa Đéc gởi công văn nhắc lại vụ cho về hưu cai tổng Cái Tàu thượng vì kém khả năng và già yếu khi ấy tôi lấy hồ sơ ông cai H., ra dọn lại tử tế sấp xếp giấy tờ có thứ tự phân minh, xong rồi tôi để hết tâm tư thảo nảo thơ đề nghị cho ông về hưu y như lời quan chủ quận yêu cầu với lý lẽ ôn hoà nhưng bố trí đanh thép. Tôi đọc đi đọc lại nảo thơ nhiều lần, chép lại sạch sẽ rồi ôm hết lên trình quan chánh chủ tỉnh. Ông Pech đọc chăm chỉ, phê y không sửa đổi chữ nào. Tôi mừng và hãnh diện về lối hành văn đắc thể của mình, lật đật đem xuống qua phòng khác bổn thân đánh máy chớ không giáo cho đả tự viên vì đây là công văn mật phải giữ nhẹm.
Chiều nội ngày ấy tôi dâng lên lần chót cho ông chánh ký tên, xong rồi tôi ôm xuống lầu thì đã bốn giờ chiều, chỉ còn vô sổ đánh số thứ tự và cho tuỳ phái đem qua sở bưu điện gởi lên cho quan thống đốc chấp thuận, ra chỉ thị ban hành quyết định giải nhiệm theo thủ tục hành chánh là dứt khoát vụ nầy. Nếu xong tôi sẽ co ba trăm bạc trả nợ và có một cặp chóe, sướng quá.
Nhưng thay vì gởi đi, tôi lại đổi ý, cất hết hồ sơ luôn bức thơ có mang chữ ký của ông Pech ký rồi vào tủ sắt, nói dối với thầy Giỏi nơi văn phòng là công văn “ông chánh chưa ký tên” rồi bỏ đó về nhà.
Đêm ấy tôi không nhẩm mắt. Cờ đã về tay không chịu phất lại đâm ra suy nghĩ nát óc, trong lòng muốn đổi cuộc thế lại khác, bản tánh tôi thuở nay là vậy. Tôi trằn trọc trằn xa, lăn lộn không yên mà cũng không dám cho vợ biết. Trí óc rối loạn: một đàng lương tri bừng dậy, bây giờ việc đã gần xong, mới thấy việc mình làm là lếu; một đàng thì lòng dục vọng xui quấy, ba trăm bạc và cặp chóe tuy chưa thấy nó ra sao, nhưng cứ nhảy lung tung trong mắt như tôm tươi đựng trong rổ, lẩn quẩn tôi cứ nhớ: có tiền trả dứt nợ thêm có vật lạ để chơi cũng thích, nhưng làm sao quên cha mẹ mình thuở nay chưa làm điều gì quấy, nay sanh ra mình, có nên vì chút hối lộ đành chôn vùi danh giá dòng họ hay chăng? Dẫu người ngoài không biết, nhưng còn lương tâm nữa chi? Cái lẩm cẩm tánh quân tử Tàu tôi chưa dứt khoát.
Khổ tâm nhứt là việc đã rồi, giấy tờ đã ký xong, mới làm sao đây? Phải làm cách nào, phải trình bày lập luận làm sao cho thuận tai ông chánh, xin huỷ bức công văn đã ký, đổi lại bức phúc trình khác đề nghị phản ngược lại vừa khác ý kiến quan chủ quận vừa trái mật thư quan chánh cũ Bartoli, nay đổi lại xin cho ông cai tổng H., được tiếp tục làm việc y như cũ. Bạc và chóe, tiền và đồ xưa, chúng mi là giống gì hại ta thế nầy?
Qua bữa đó, vô sở tôi định cầm hồ sơ lên ông chánh nhưng ông không ra khách trọn buổi sáng. Trưa về tôi nuốt cơm không vô.
Lúc đó tôi còn đủ thì giờ gởi bức thơ kia đi, mặc cho sự việc trôi theo định mạng, nhưng tôi cũng không làm như vậy. Chiều mười sáu giờ, ông Pech có mặt, tôi đánh liều xách hồ sơ lên và bình tĩnh trình bày tự sự với ông như vầy:
- Thưa ông, đây là hồ sơ ông cai tổng H, mà ông đã xem xét rồi. Sở dĩ tôi trình lại là vì trọn đêm tôi không ngủ, nghĩ lại tôi còn quá ngây thơ e không đủ tư cách để quyết đoán về khả năng ông cai H., trong khi tôi chưa tường tận về sức khỏe và cách làm việc của ông nầy. Thú thật tôi chưa biết mặt ông H, mà chỉ vội xin cho ông về hưu chiếu theo giấy tờ trong hồ sơ. Nay tôi đến yêu cầu ông nhơn một dịp mai đi giãn dân sẽ đến tận Cái Tàu thường lấy theo kinh nghiệm của ông sẵn có mà coi mặt ông cai tổng và tự ông quyết đoán lấy việc nầy.
Tôi định chắc ông Pech sau khi nghe tôi nói như vậy, sẽ nổi lên một trận lôi đình và bắt tội tôi vi lịnh của người, ngờ đâu ông để tôi nói dứt lời rồi ông đứng dậy bắt tay tôi, vỗ vai tôi mà rằng:
- Tôi khen thầy đó. Xin thầy giữ y tánh nết tốt ấy mà ăn ở đời. Thầy là một công chức trẻ tuổi mà đã có một quyết đoán nhứt là một can đảm khác thường. Tôi đây là một công chức già đã từng bị người ta vì phe đảng cho tôi về hưu một cách oan ức. Tôi đã bỏ ra hai năm tranh tụng và nay thắng kiện mới được trở vô làm sau mấy năm bị treo giò vô cớ. Nhờ thầy gan dạ giúp tôi ngày nay khỏi lầm lạc và có dịp giải oan cho một công chức có lẽ ở trong tình trạng bị hàm oan, bị hiểu lầm như tôi thuở nọ. Thầy hãy để hồ sơ đó lại cho tôi.
Cố nhiên ông H, khỏi bị cách chức, nhưng tôi mất cặp chóe và ba trăm bạc. Nhưng đổi lại trong lòng tôi thấy sảng khoái, dường nhưcởi nhẹ một sức nặng ngàn cân đè trên tim. Về sau ông S., vẫn được lên làm cai tổng, ông H., rồi cũng đúng lệ về hưu thâm niên vô sự và cả hai không người nào biết việc tôi đã làm. Việc nầy tôi chỉ tâm tình nói lại với một bạn quá cố là anh Lâm Văn Khôn quê ở Bình Thuỷ (Cần Thơ). Khôn dạy tôi như vầy:
- Mầy lớn gan lắm, dám nói đi rồi nói lại với ông chủ tỉnh. Rủi ông bắt tội mới làm sao gỡ? Mầy chưa biết để tao nói lại cho nghe. Tại toà bố Sa Đéc như hiện nay thì:
- Sở thuế thân là ngon nhứt và no đủ nhứt. Cứ tính mỗi bài chỉ (lá thuế) thầy Quì xin năm cắc thôi, trong tỉnh mỗi năm tỷ dụ có hai chục ngàn dân đinh đến tuổi chịu thuế, trong số kể sơ mười ngàn đứa biết điều thì Quì sơ sơ cũng có năm chục ngàn đồng là tệ nhứt, còn sướng hơn làm chủ quận;
- Sở sanh ý, mỗi tiệm đầu năm đi xét ba tăng, không kể phần ông phó tham biện làm chủ tỉnh ông ta ăn bao nhiêu, bẫm hay nhẹ, không cần biết tao đây tao làm thơ ký Uỷ ban, tao kiếm cũng có từ mười lăm đến hai chục ghim;
- Sở xuất khẩu, thuế thân chức, với bảy bang các chú và chà-và anh Quới rồi anh Lễ. Anh Quới ốm vì ít ăn, anh Lễ mập vì táp dữ, cũng đều có mỗi năm một số huê lợi sướng hơn chủ điền, vì mấy chú Ba Tàu có tiếng là ngọt nhứt;
- Sở đo lường, mỗi chiếc xe hơi thôi không kể, chỉ kể mấy ngàn chiếc ghe trong tỉnh, mỗi chiếc muốn nhập bộ đều có lệ sẵn, chú Năng rồi chú Nam mập thầy, nhưng họ xách thước đi đo rồi tính thuế mà không được bao nhiêu khó bì tụi tao làm bài chỉ thuế thân và làm sanh ý ba tăng;
- Sở giữ bộ trâu bò, cũng thế. Thầy ký Có coi về bộ nầy có tiếng là ke ré cắc rắc nên thiên hạ gán cho thầy danh từ “thầy ký bộ trâu”, thì đủ hiểu; tiếng tuy nghe xấu nhưng được nhiều tiền; quanh năm có mấy trăm ngàn, đổ đồng mỗi con một đồng bạc.
- Sở công nho làng thì ai cũng biết làng muốn khỏi bị làm khó dễ vì làng có cách ăn của làng thì cũng phải chia lại với ông phán Kinh, tuy ông là người có đạo đức, mỗi sáng mỗi đọc kinh mỗi chiều mỗi đạp xe đi nhà thờ;
- Sở hành chánh về ông huyện Học, là oai nhứt vì tay mặt của ông chánh tức gầnmặt trời tuy nấng táp có khi có chừng nhưng tâu ra lâu vô cũng do ông huyện. Xin giấy sắm súng xin vô bộ dân Tây thì chai vì đều người biết chuyện, nhưng mấy ông hương chức muốn được vinh thăng huyện hàm, phú hàm, hoặc muốn tiến cử làm hội đồng tỉnh hay cử làm sung biện, ban biện, phó tổng đều phải đội mâm có sấp nhiều bộ lư hoặc cỡi voi đến nói chuyện, lư và voi là giấy bạc một trăm buổi ấy, không dám dùng tiếng lì xì sợ nhẹ thể quan, và dùng danh từ “dâng bánh sáp”, nghe như lễ cúng thần;
- Sở điền thổ gọi là sở địa bộ, ông huyện Đảnh có tiếng là thanh liêm, nhưng cũng không tránh được nhà giàu họ tự dâng quà cáp khi gạo thơm đầu mùa, khi khác cam bưởi, xa-cu-chê hoặc cho mượn xe hơi hay khi ông lên chức đi lễ thăng quan thật hậu; ông không đòi nhưng tại dân muốn, từ chối là thất sách vì e nỗi mếch lòng, mất tiền thì có, mấy lấy dư tụi nó la làng. Lâu lâu có một dịp thì hưởng, mấy lại làm cao không chịu táp, mấy thằng làm mặt thanh liêm là mấy thằng dại. Mấy tưởng mấy ở sạch, sẽ có người khen, mấy không biết ông Bartoli táp có danh, ông đã úp bộ cho rằng từ chủ quận đến lon-ton toà bố đều ăn hối lộ. Chính ông chánh Bernard trước kia có vợ Việt còn ăn công khai hơn nữa, ông có sắm một chiếc tam bản cho linh chèo để dành rước từ bên sông mé chợ những ai muốn sang sông qua “nói chuyện” với ngài thì khỏi tốn tiền đò, và ngài nhận lễ tại trong dinh cho thêm phần kín đáo, ngài mập cho đến mặt bàn phải khoét lỗ chứa cái bụng nước lèo ngài mới với ký tên tới mặt giấy tờ, khi đi tiêu phải dùng khăn bàn lông kéo như kéo đờn cò chớ tay ngài với không tới trôn, và khi lên thang lầu phải có hai tên tuỳ phái đỡ cái bụng phệ nâng lên thì ngài mới bước lên nấc thang được, y như trên sân khấu lúc Đổng Trác bước lên xe loan hay lên ngai rồng. Riêng ông chánh Le Strat vẫn ngạo mạn, gọi mấy thầy toà bố là lòng tong cá chốt và gọi mấy ông chủ quận là cá xà cá mập toàn loại hoặc ăn dơ hoặc ăn hám. Một mình mầy muốn sạch quả là ngu hết chỗ nói. Muốn sạch muốn tu thì lên núi Tà Lơn hay núi Cô Tô. Ở chợ phải theo chợ và ở đâu cũng vậy luôn luôn phải biết tuỳ thời. Mầy muốn sạch trong đám dơ thì hoặc mấy sẽ bị chúng ám hại cho á khẩu, hoặc thét rồi mầy phải dơ theo chúng thì mới được yên thân.
Khôn dứt lời cười xoà rồi bỏ qua. Nghe vậy tôi nhớ lại mới đó có một hôm, tôi làm thơ ký thị sự đấu giá cung cấp xăng nhớt cho địa hạt, có ông bang Lý Ứng thay vì đóng vào ngân khố tiên ký quỹ hai chục đồng, bởi gấp quá nên ông ghìm một tờ giấy bạc trong bao thơ như vậy là thạp lệ, khi mãn cuộc đấu, ông Lý Ứng không thầu được nên xuống phòng bút toán đòi tờ giấy bạc lại; tôi trả lời rằng tôi không thấy, ông và tôi nói chuyện dang ca rồi đưa lên ông chánh đối nại, tôi ỷ y không nhận số tiền nầy, nhưng ông Bartoli đưa chúng tôi trở lại phòng đấu giá, chỉ giỏ rác, tôi cúi xuống lượm phong bì Lý ứng thì quả trong bao thơ đã xé còn tờ giấy 20$ ràng vàng. Ông Bartoli cười bước trở về phòng, vừa nói: “Je croyais que c'était pour vous?” (Tưởng đây là tiền dành cho thầy!) Cha mẹ ôi! Té ra ông lại hiểu tiền ấy không phải là tiền ký quỹ mà vốn là tiền lo lót cho thầy thơ ký Uỷ ban và vì ông có cảm tình với tôi nên cố làm như không thấy để tôi có thì giờ thâu lượm lại, nếu ông ghét tôi thì đã dựng chứng và làm khó dễ tôi lúc khui mở bao thơ kia rồi.
Bức công văn xin sa thải, ông Pech ký ngày 23 tháng mười một, đến cuối năm ông còn mở tiệc tiếp tân đãi sâm banh nhơn viên toà bố và chủ quận. Nhưng sau tết tây ông ngả bịnh rồi đột ngột từ trần trên dưỡng đường Grall ngày 11-2- 1930, vì bịnh đau tim bộc phát.
Từ đó tôi dửng dưng. Tôi vẫn hư, nhưng chỉ muốn hư một mình và không muốn kéo ông bà cha mẹ hư theo. Nămi 1931 tôi được ăn một phần gia tài của bà Phủ An để lại. Tôi trở nên khá đến dư giả thì còn ăn lúc nhúc làm chi? Tôi muốn án cho đáng ăn ngặt nỗi không ai cho. Sau nầy muộn rồi nên từ chối luôn chớ cái hư vẫn còn chất chứa trong bụng.
Những trang trên tôi viết về vài cách thức nhận hối lộ của cuộc đời công chức trào Pháp thuộc. Tại tôi sống dai chưa chết, nay nghe tiếng bấc tiếng chì cũng đáng, nhưng cũng phải để cho minh oan, không phải cả thảy đều hỏng hết. Ngày nay tôi đã về hưu, không khác một thằng chết đuối được cứu sống, cho mặc quần áo ám ngồi dựa mé sông xem ke khác còn chới với trong cuộc ba. Đọc lại bài “Lão kỵ qui y” của ông Tôn Thọ Trường, tôi lấy làm cảm xúc với hai câu kết thúc: “Ngoảnh lại lầu xanh thương những kẻ, Trầm luân chưa thoát nợ hồng nhan”, bất giác tôi xót thương cho thân phận các cán bộ quốc gia bây giờ, quả là cười đau khóc hận. Ngày xưa công chức đú đởn mập thây, bơ sữa tràn trề, lương tuy ít nhưng nhờ đồng bạc lớn, sống còn hơn điền chủ bậc trung. Ngày nay tội nghiệp cho ai, lương mấy chục ngàn nghe lớn mà bao gạo đã hơn hai chục. Xáp ve như rệp đói mà khi cần, nắm đầu bắt gác phòng bầu cử, cơm nước tự túc lấy, đông quá ai nuôi cho hết; đến khi tức giận, nắm đầu ra chửi. Cũng may chửi đổng vì còn phòng sau nầy xin mầy một lá thăm. Ai ăn bám ở đâu no béo thì nhờn công chức thấp bé giả như không biết và chỉ biết nghe chung. Cũng may khi chửi, nói động đến con Lạc cháu Hồng, thì đứa chửi với đứa nghe cũng cùng một dòng giống. Tôi nay xót xa muốn hiểu được nỗi lòng của suốt hơn hai trăm ngàn công chức nhỏ, sống tăm tối tạm bợ khổ cực khắp nơi trong xứ, từ anh phu quét đường, ăn sáng một gói xôi NĂM CHỤC ĐỒNG BẠC không đủ nhét kẽ răng, trưa uống nước lã chiều về thồn ba hột cơm nguội, đến anh khá hơn một chút, làm việc nơi toà hành chánh hoặc đó là đả tự viên, hoặc đó là thơ ký biên chép, dầu là tổng trưởng bộ trưởng phương diện quốc gia, dầu là phu quét sân rút nước hầm cầu, cũng đều là công bộc của xã hội, nhưng tôi có cảm tình nhiều với kẻ thấp vì cốt tử tôi là một tên phán già với cuốn sổ hồi hưu tỷ lệ, những chức tôi kiêm nhiệm như giáo sư đại học, quản thủ Viện bảo tàng, tôi đã trả hoặc cho ngủ êm trong hồ sơ không nhắc tới nữa. Các anh nếu có bị chửi, có tôi nghe với, không chết chóc ai đâu mà sợ, chỉ thương hại giùm chúng càng lớn họng càng tổn đức. Tôi đã thấy gần hết rồi. Đứa giựt một ố bánh mì chó chê thì bị gởi vào trại cải huynh, ông bất tham nhũng mà quà tết đầy nhà, dưa hấu để thúi, bưởi ngon chất đến tháng hai vẫn còn, gà vịt đầy sân toàn là lễ mễ của môn sanh dâng thầy lấy thảo. Theo tôi, mồi thuốc rồi giữ luôn quẹt máy đắt tiền, mượn sách rồi quên trả, đều là cách thức hối lộ mà không cho nói trúng tên.
Đời nay không thiếu chi người cán bộ trong sạch vì bẩm sinh ghét ăn dơ cũng có, hoặc vì tánh nhút nhát “sợ ông cò” cũng có, hoặc vì tánh “rét-lô” cũng có, nhưng thảy đều kể chung một giỏ cá mè, vì dễ gì phân liệt nhơ và sạch.
Người nào hết tham lam được ngồi chung với Phật một bàn. Nhưng Phật gỗ trên bàn vẫn không tránh được bọn gian tham lại gần cúng vái. Chúng tưởng dâng hoa huệ trắng. hoa lai dơn đắt tiền rồi che đậy được lương tâm. Đời nay tà nguỵ dẫy đầy, phật Chúa đâu thèm ngó. Tu hành mà ăn yến ăn sâm phải đợi bàn tay xinh xinh của mấy bà goá phụ trốc đút tới miệng, tu mà thích tôm chua. Có ông trước đây tột phẩm trong hàng lại còn đòi phẩm cao hơn, mặc áo tía chưa chịu muốn đòi mặc hồng y. Mồm ngậm xì gà, ông ngồi xe tột từ xứ Vãng lên đây thăm em ở trong phủ nội, ông quở vang sao có trang trí vuông phòng dành cho ông tốn trên mười triệu bạc, chúng bay hãy đem ghế bố lại đây cho ta ngơi”. Đều là giả dối cả. Cũng cá mè được thể lại dám chê cá chốt ăn dơ. Hãy đi học lại thuyết nhân vị. Khi muốn xây dựng quốc gia, biết thương tiếc của công, ông tướng võ có phận sự giừ gìn bờ cõi, ông quan văn có trách nhiệm đem cưm no áo ấm cho dân, nhưng chớ quên bớt xa xỉ xuất dương, bớt tiếp tân lãng phí, một tên cu li biết khoá nước chảy dư là tắt đèn phải lúc cũng đủ được cám ơn. Nhưng người làm lớn rồi ca tụng gièm pha mà cả vú lập miệng em, quên mình trước khi hoá bướm vẫn là con sâu bò lúc ngúc. Nhưng phần tử tốt còn lại: mặc dầu bị lời nặng nhẹ, xin chớ ngã lòng; hãy nuốt tủi quên buồn, trách nhiệm với thê nhi còn đó. Thương hại thay cho kẻ nào nay ăn trên ngồi trốc, quáng mắt ăn tham để gây tiếng xấu mang chung trong giới quan trường.
Lại đành khinh miệt đám nhỏ đàn cai, giẻ rách đỡ nóng tay, lại quên rằng trong một xã hội không khác trong một cái máy đồng hồ, thiếu một con chốt nhỏ hay là khi bánh xe con không ăn khớp với bánh xe lớn, cả bộ máy tinh vi đều tê liệt, đừng tưởng mình là kim đàng trên mặt đồng hồ chạy được mình ên.
Sức chịu đựng là một đức tánh tốt của người công chức thấp hèn, quân bị hiếp, nhưng xin đừng thối chí. Vui với gia đình, một ngày kia trời lại sáng.
Tôi bình sanh ghét đạo đức giả mà đành hôm nay nói chuyện triết lý suông. Nhưng mấy ai nghe lời một công chức già đã vào tuổi phế thải.