Hơn nửa đời hư

7 (tt)

Nhớ NGUYỄN HÁO ĐÀNG - Tôi quen với Nguyễn Háo Đàng từ trong trường Chasseloup, Đàng học trên tôi một lớp nhưng ăn chung một bàn ngủ chung một lầu. Quê anh ở Cần Thơ, quê tôi ở Sốc Trăng, lúc đó mỗi lần bãi trường hay nhập trường hai tôi thường gặp đi chung một tàu và ngồi chung một xe lửa trên con đường Sài Gòn đi Mỹ Tho bằng xe hoả và về xứ bằng tàu thuỷ. Ngoài ra Đàng với tôi thêm có mối tình liên lạc thầm kín và kính mộ vì cả hai đều có nhúng tay hay nói văn chương từng tham gia cuộc bỏ trường làm reo (grève) lần thứ nhất ở Nam Kỳ khi còn học trường Xách Lu năm 1921.

Đàng rất đẹp trai. Tuy cận thị, anh khéo kiếm một cặp nhỡn kính kẹp pince-nez rất ăn với bộ mặt anh. Môi son, tóc dợn sóng, cặp kính làm tôn vẻ đạo mạo học giả non, Đàng rất ăn khách, tôi muốn nói các cô áo tím đều mê mệt với anh chàng khao khao giọng thổ nầy. Đây là một nhà dẫn đường dẫn đạo, một chỉ huy tiếc thay hỏng bét (ùn meneur man qué), vì Đàng nói học trò nhiều đứa nghe, lúc bãi học Đàng dẫn đầu, nhưng rủi ro vì chút ăn ở kỹ không dám hy sinh, nên Đàng kết cuộc đứng bán cho nhà thuỷ Bùi Văn Sách ở Cần Thơ để chết kẹt năm 1945 lúc trong nước xáo trộn, xác vùi ở đâu không rõ.

Anh em chia tay biệt tích lúc ra trường, bỗng sáng bữa thứ năm 18-3-1926, tôi đi ngang nhà in Nguyễn Hảo Vĩnh, là anh của Đàng, trên con đường Bonard (Lê Lợi), khoảng nhà sách Khai Trí ngày nay, bỗng một người từ trong nhà in chạy ra giúi vào túi tôi một mảnh giấy màu máu đỏ lòm rồi thoạt chạy trở vô, đó là Đàng, anh em chưa kịp một lời hàn huyên hỏi thăm.

Tôi đi luôn một mạch về nhà trọ là tiệm vàng bác Cao Văn Hy, 108 Bonard, ở cùng một dãy gần Chợ Mới, bước thẳng lên lầu, móc tờ giấy ra xem. Đây là một loại truyền đơn quốc cấm, rộng khổ 14 x 25, nay còn giữ và còn như mới tuy xưa trên bốn mươi tám năm. Chữ nhỏ đẹp, in một mặt, nguyên văn như sau:

“Đồng bào! Đồng bào!

Đã bảy mươi năm mắc đòng nô lệ. Nay lại được nghe cái chánh phủ ép chết từ bảy chục năm nay nói yêu thương ta, đem văn minh qua cho ta, giúp cho dân ta mau tân hoá, bảo kẻ thắng trận với ké thất trận nay phải hoà hợp nhau làm một nhà.

Chánh phủ ép chế nay lại nói ra mấy câu ấy thì là rộng rãi, cao thượng vô cùng. Dẫu ông cha ta trước vì ái quốc và bỏ mình nơi chiến trường, dẫu trong bảy mươi năm ta bị sự ép chế là như hằng hà sa số, ta cũng phải quên chuyện cũ mà điều hoà với chánh phủ, yêu thương chánh phủ.

Nhưng mà muốn có điều hoà tương ái, ít nữa chánh phủ phải không được muốn bỏ tù ai thì bỏ, phải để cho ta làm báo quốc ngữ tự do. Đã lập ra có luật có quan toà, thì sao lại còn phải làm ngang? Đã bảo điều hoà tương ái sao lại không cho ta cãi đổi lại?

Còn muốn bỏ tù ai thì bỏ, thì là còn ép chế. Không được ngôn luận tự do thì không thể điều hoà tấn hoá được.

Nay Trương Cao Động bị chánh phủ bắt ngang, một lần nữa ta phải thừa dịp nầy mà gỡ cái mặt nạ của kẻ nói láo. Ké nầy biết rằng nay dùng cường lực mà ép chết, rút rỉa của non sông dân sự trong xứ ta, thì khó mà làm chủ ta lâu dài nữa. An Nam ta làm trâu ngựa cho người hơn bảy mươi năm, nay đã có ý chán rồi.

Ta đã thấy rõ ràng rằng ta không thể làm cho cảm tình được kẻ mạnh quyền. Ta đã thấy rõ ràng nếu ta không lo cho ta thì không có ai lo cho ta. Ta sống nhằm trong một đời không thê dùng giọng cảm tình, lời nhơn nghĩa mà đối với người được, vả lại ông Tagore có nói: “Á Đông ta không phải người ăn mày theo xin Âu Tây”.

Nay dân ta còn yếu nhát, làm chi không nói chánh phủ, thì ta hội nhau lại mà cho chánh phủ biết rằng dân ta không chịu chánh phủ ép thêm ta nữa, không bằng lòng cho chánh phú muốn bắt ai thì bắt. Bao nhiêu người chí khí nhiệt thành của dân ta phải bị chánh phủ giết trói tinh thần hết; như vậy thì còn gì dân Nam Việt? Đã bảy mươi năm nay nào là giết, nào là đầy, nào là cấm cố, nào là phá khuấy biết bao nhiêu anh hùng của nòi giống ta. Bao nhiêu đấy không đủ hay sao?

Ớ đồng bào! Ớ đồng bào! Gục đầu mãi mà làm trâu ngựa hay sao? Ai đâu là người biết thương, biết giận, biết tức, còn giữ một chút đứng đắn làm người.

Xin ngày chúa nhựt 21 Mars nầy đây, tám giờ sớm mai, đến tại miếng đất của bà đốc phủ Nguyễn Tân Tài, đường Lanzarotte (xóm Lách), chỗ đãi tiệc tiễn chân ông Momn hôm trước.

E. Lejean de la Bâtie.

Nguyễn An Ninh etc, etc, etc.

“Ông Phan Văn Trường, Nguyễn Phan Long, Trương Văn Bền, Nguyễn Tấn Văn, có hứa sẽ đến mà đồng sức với ta”.

Imp. XƯA NAY, Nguyễn Háo Đàng, 62-64 Boulevard Bonnard, Saigon.

Ấy đó là một tờ truyền đơn với giọng văn, cách đặt đề và chánh tả thuở đó, cách nay gần đúng nửa thế kỷ. Rõ là khẩu khí của một người miền Nam, quen tánh ăn sao nói vậy, không cầu kỳ cũng không cần giồi mài gọt giũa, miễn hiểu được thì thôi, nhứt là rất ít dùng chữ Nho. Có lẽ theo tôi định, tờ nầy do Nguyễn Háo Vĩnh hoặc em là Nguyễn Háo Đàng thảo ra. Chính ông Nguyễn Háo Vĩnh trước đây có gởi đăng báo Nam Phong một bài nói nặng vua Khải Định, và Phạm Quỳnh lúc ấy binh vua, không tiếc lời xài xể ông Vĩnh, rằng giọng nói du côn dám phạm thượng khi quân tội đáng chém đầu. Nguyễn Háo Đàng cũng thế vốn bất mãn từ ghế nhà trường, đứng trong hàng ngũ cầm đầu bãi học để phản đối một vụ bất công, nay trông nom nhà in cho anh, nên viết giọng nầy được lắm.

Tôi đọc tờ truyền đơn rồi, hôm sau tôi vội xách lên dinh thượng thư (nay là trụ sở bộ kinh lễ), tìm anh em bạn học cũ, tụi bãi học năm xưa, để rủ đi nghe diễn thuyết. Các anh L.M. Thọ (sau tàm đốc phủ chết vì bịnh). T.H. Phục, Nguyễn Chỉ, cả hai lên tới đốc phủ rồi bị ám sát những năm 1945-1946, nhưng anh nào cũng kiếm cớ thối thác, người mắc đi khỏi, người mắc việc nhà, miệng thì hưởng ứng nhưng lòng vẫn mê say đường công danh, muốn trung thành để được điểm son và rất sợ có tên trong sổ bìa đen mật thám mà chậm đường gia quan tấn tước. Không rủ họ được, tôi về rủ anh em cùng chỗ trọ. Tôi chừa ra chú nhỏ Nguyễn Văn Lư, tôi gọi Lư tiên sinh, vì chú còn đi học mình rủ đi nghe việc quốc sự không nên. Một bạn nay đã từ trần là Công, hãng Denis Frères, thì chúa nhựt nào cũng phải đi xem lễ, nên tôi không ép. Lão Dân làm cho báo Trung lập và báo Impartial, thì khỏi mời nó cũng dự vì phận sự là đi lấy tin tức. Còn lại anh Hai Cự thì thứ bảy nào anh cũng trông mãn giờ, trưa về Cây Cui thăm nhà. Anh Cự hứa chắc chắn sẽ trở ra sáng chúa nhựt 21-3-1926 thật sớm để kịp đi với tôi và căn dặn đôi ba lần tôi đừng đì một mình thất vui. Có biết đâu vì giữ lời hứa mà xôi chè đầu hỏng. Nói có vong linh bác Năm Hy, chủ nhà trọ, khi nghc chúng tôi bàn soạn, thì thầm hác hỏi: “Vườn bà đốc phủ Tài ở chỗ nào, tụi bây chỉ cho tao đi với”. Tôi thưa.

- Dạ, bác cứ gọi xe kéo trả nó năm cắc hạc, biểu nó chạy lên đường Lanzarotte, chỗ nào có người ta tụ tập đông là chỗ đó đó.

Và như đã nói, xôi chè hỏng bét tôi không dự được buổi diễn thuyết ngày 21-3-1926 nầy. Sáng chúa nhựt ấy, tôi thức thật sớm, xuống ăn điểm tâm nhà hàng Vĩnh Lọt ở gần bên, rồi về nhà ngồi chờ anh Hai Cự. Vả chăng vườn bà đốc phủ Tài ở tới Lanzarotte (đường Đoàn Công Bửu), xóm Lách, còn nhà chúng tôi ở là Chợ Mới Sài Gòn, cái ga xe lửa điển thì ở mé nhà thương đô thành, chỗ bót Lê Văn Ken ngày nay. Đồng hồ đã gõ tám tiếng, rồi tám tiếng rưỡi, tôi sốt ruột ra vô ngóng chờ mà trông hoài không thấy bóng anh Hai Cự. Gần chín giờ sáng, anh Cự lù lù từ ga xe điện bước qua, tôi không đợi anh vô nhà, lật đật kéo anh chạy kiếm hai xe kéo nhờ kéo lẹ lẹ lên đường Lanzarotte. Xe chạy đến đầu đường d' Arfèuilles (Nguyễn Đình Chiểu) thì bị chận lại. Thiên hạ rần rần tuôn về như nước chảy vì cuộc diễn thuyết đã bi giải tán.

Ngoài đường người ta đông nghẹt, lớp thì lính phú lít, lớp lính ma tà xúm nhau hối thúc bộ hành đi cho mau, không được tùng tam tụ ngũ, giùm năm giùm ba, ác nhứt là biện Tây, biện Chà, đứa cầm roi gân bò, đứa thổi tu-hít, roi nghe vùn vụt, tiếng síp-lê hoót hoót nghe muốn són đái. Tôi lấy mắt lườm anh Cự mà không nói lời nào, kéo tay anh cố chen đám đông bước tới. Bỗng gặp anh Nguyễn Văn Lạc Khám Lớn, thấy tôi, anh lôi ngoắc lại mà rằng: “Đừng vô nữa thất công. Đã bị cò bót giải tán tự nãy giờ. Người ta đông quá xá đông, diễn giả nói nhỏ quá không nghe gì được (lúc ấy thưa có máy phóng thanh, cũng chưa biết dùng loa để nói). Đ.M, Tây phách quá, mấy thằng Chà đáng ghét cứ rượt theo dân nào ăn mặc lùi xùi mà đánh chửi hoài”.

Lạc, Cự và tôi dắt tay nhau trở về đường Catinat, ghé vào quán uống mỗi đứa một cái bốc (la-ve) hai cắc bạc rồi chia tay, tôi và Cự cùng về nhà trọ.

Như đã nói tôi có thần hộ mạng. Đang tiếc buổi diễn thuyết bỗng vài hôm sau gặp anh Đàng, anh trao một tờ truyền đơn màu lá cây dợt, khổ 14x21, bản in một mặt, chữ rất dễ đọc, nay còn để dành, và nguyên văn như vầy:

CHO CHÁNH PHỦ BIẾT

Ngày 21 Mars 1926, chúng tôi là ba ngàn người An Nam hội tại đất của bà đốc phủ Nguyễn Tấn Tài đường Lanzarotte Sài Gòn, mà đồng ý quyết định sau này:

Nếu Chánh phủ thật muốn Pháp Việt đề huề, thật muốn cho dân An Nam tấn hoá, thì ít nữa phải ra luật vững vàng mà:

1) Bỏ các luật định về tội riên g của người bản thổ (indeginat), bỏ cái luật cho phép người mướn công được xin bỏ tù người làm công, bỏ cái luật cho phép người phép người bản thổ và người ngoại quốc được xin giam thâu những người bản thổ thiếu nợ; buộc chánh phủ, ngoài các tội mà luật đã định, không được động đến sự tự do của người dân An Nam của định tội phạt thật nặng những kẻ làm trái phép. Chánh phủ phải trả ngay Trương Cao Động cho đất Nam Kì, đặng Trương Cao Động chống án về việc bị bắt ngang và đặng làm bằng rằng Chánh phủ không còn ép chế như thế nữa.

2) Cho dân An Nam làm báo tự do như làm báo Tây;

3) Cho dân An Nam hội hiệp tự do như bên Pháp;

4) Cho dân An Nam lập trường dạy học tự do như khi trước;

5) Cho dân An Nam đi du học và đi làm ăn tự do ở ngoại quốc;

Bằng Chánh phủ cứ không chịu cho dân An Nam các điều cần nhứt này thì chúng tôi xin không tin lòng tốt của Chánh phủ cùng nhau thề nguyện đồng tâm hiệp lưc mà giải thoát cho dân Nam Việt.

Ba ngàn người An Nam.

Imp. Xưa NAY, Nguyễn Háo Đàng, 62-64, bd Bonard, Saigon.

° ° °

Cái năm 1926 coi vậy mà rất quan trọng. Dân ta mở mắt và biết chống đối đòi hỏi quyền lợi cũng từ đây.

Qua ngày 24 tháng 3 năm 1926 nầy, vào 9 giờ rưỡi đêm, có tin cụ Phan Châu Trinh nhắm mắt từ trần, xác đem về quàn tại dãy phố đường Pellerin (nay là Pasteur) số nhà 54 nơi nhà ông Huỳnh Đình Điển, đối diện khu Trường Tiền và gần bên hông Trường Máy. Đến ngày mồng 4 tháng 4 dương lịch, lại một dịp xuống đường êm tịch, thiên hạ rần rần hằng muôn hằng vạn sắp hàng tư hầng năm theo đưa đám tang, đông nghẹt các ngả đường. Cò bót lại một phen rộn rịp theo giữ trật tự, tôi cũng lén theo, nhưng đó là việc khác sẽ nói nơi đoạn sau.

Như đã thấy, nếu tôi là người xem giấy má và báo hằng ngày xem rồi vụt bỏ, hoặc cất dấu không kỹ, nhất là những truyền đơn dưới thời Pháp thuộc, sợ xét nhà, sợ bị bắt bớ rồi vì vậy không có gan để dành, thì hôm nay bà con cô bác không còn đọc hai tài liệu gần như duy nhứt kể trên. Sở nạp bản (dépôt légal) nay thuộc Thư viện quốc gia cũng không có, vì đó là tài liệu chống Pháp nên sở Pháp có cất làm chi để hòng giao lại cho mình? Cái nghề sưu tập đồ bá láp như những giấy tờ lụn vụn mà tôi quen làm gần suốt một đời người, ai cũng cười tôi hư, coi vậy mà ngày nay có chỗ dùng rồi đó. Tôi nói làm vậy là có ý chỉ cho các bạn nhỏ, xin nối nghiệp tôi, rán sưu tập và giữ gìn lấy mình mà làm đồ nghề riêng, muốn được lạ và không ai có thì tự mình biết khéo giữ khéo khai thác, đừng trông cậy vào văn khố chung, vì của chung thì ai ai cũng xem được còn gì mà nói.

(1) Nguyên văn chỉ dụ bổ nhiệm:

Số 2334 Le Gouverneur de la Cochinchine

Commandeur de la Légion d'Honneur

Vu le décret du 20 octobre 1911 Fixant les pouvoirs du Gouverneur de la Chochinchine et des Résidents Supérieurs en Indochine,

Vu l'arrêté du 17 aot 1923 portant nomination de quatre secrétaires stagiaires des bureaux du Gouvernement et des Provinces de la Cochinchine; Vu les besoins du service,

ARRETE:

Article primier - Sont désignés pour servir ;

3) sous les ordres du Directeur de l'Ecole des Mécaniciens Asiatiques, en remplacement du secétaire Pham Công Nghiep en congé:

Le secrétaire VƯƠNG HỒNG SẾN, nouvellement nommé.

Article 2 - Les Administrateurs chefs de province intéressés, l'Administrateur Chef de Cabinet et le Directeur de l'Ecole pratique des mécaniciens asiatiques et le Directeur de la Prison Centrale de Saigon sont chargés, chacun en ce qui le concerne, de l'exécution du présent arrêté.

Saigon le 17 aot 1923.

Signé: COGNACQ Pour copie conforme,

Le Chef du Bureau du Personnel Signé: MERLE

P.C.C

Le Directeur de l'Ecole des Mécaniciens, Signé: EMMANUEL ROSEL.

(2) Nguyên văn chỉ dụ bằng Pháp văn:

Số 3263 Le Gouverneur p.i.de la Cochinchine, Chevalier de la Légion d'Honneur,

Vu le décret du 20 octobre 1911 fixant les pouvoirs du Gouverneur de la Cochinchine et des Résidents Supérieurs en Indochine ;

Vu l'arrêté du 16 septembre 1920 portant réorganisation du personnel indigène des Bureaux Gouvernement et des provinces de la Cochinchine;

Vu les arrêtés des 17, 24, 29 aot et 12 septembre 1923 portant nomination des secrétaires stagiaires Le Van Qui, Nguyên Ngoc Thach, Vu'ong Hong Sen, Nguyên Van Lac, Nguyên Van Moi, Trân Chi Lâu, Trân Van Chi, et Lâm Van Tho;

ARRETE:

Article 1er. - Sont titularisés à l'emploi de secrétaires de 6è classe des bureaux du Gouvernement et des provinces de la Cochinchine, pour compter du:

20 aot 1924, le secrétaire stagiaire Nguyên Van Lac, N.MIe 434 (Maison Centrale),

22 aot 1924, - Le Van Qui, N. Mie 435 (Gia Dmh)

27 aot 1924, - Vuong Hong Sén, N.MIe 436 (Ecole des Mécaniciens).

28 aot 1924, - Nguyên Van Moi, N.MIe 437 (Bien Hoa) 1er septembre 1924 - Nguyên Ngoc Thach, N.MIe (Bà Ria) ' 13 septembre 1924 - Lâm Van Tho, N.MIe 440 (3è bureau) 15 septembre 1924 - Trân Van Chi, N.MIe 441 (1er bureau)

Article 2. - L'Administrateur, Chef de Cabinet, est chargé de l'exécution du présent arrêté.

Saigon le 19 septembre 1924

Signé: Tholance Visé au Contrôle Financier le 18 septembre 1924 N.2598

Pour copie conforme le Chef du Bureau du Personnel du Gouvernement de la Cochinchine

Signé: Merle P.C.C

Le Chef du Service de l'Enseignement Signé: Grandjean

Pour copie conforme Le Directeur de l'Ecole des Mécaniciens Signé: Rosel

(3) Tức tướng Nguyễn Khánh lúc ấy cầm đầu chỉnh quyền Sài Gòn, sau bị đảo chánh và lưu vong ở Pháp.

(4) Ông Mai Thọ Truyền có lúc làm Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá.

(5) Về tiểu sử nhân vật nầy xem trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam NXB KHXH, 1992 Hà Nội

(6) Về tiểu sử nhân vật nầy xem trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam NXB KHXH, 1992 Hà Nội

(7) Về ông P.Baudet. Ông dạy kỹ như ông Duyên nên học trò rất mến. Ông có làm tổng giám thị một thời gian thay cho ông Victori về nghỉ bên Pháp. Anh bạn quá cố Nguyễn Thành Phát (hội đồng Phát) có biệt tài nhái chữ ký của ông y hệt, anh gác cửa nhìn lầm hoài, vì vậy bọn bị phạt lợi dụng, phát làm giấy cho ra rồi tối chúa nhựt Phát thâu lại, đến nay tôi nói mới biết.

(8) Về tiểu sử nhân vật nầy xem trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam NXB KHXH, 1992 Hà

(9) Về tiểu sử nhân vật nầy xem trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam NXB KHXH, 1992 Hà

(10) Bây giờ là thư viện Tổng hợp thành phố