Đến đây, tôi không viết theo thứ tự, vẫn viết lẫn lộn nhớ thương nhớ thầy và nhớ bạn tuỳ hồn dao động khi khóc, khi hứng tuỳ trái tim đập mạnh, xin người đọc thông cảm
Những người lớp trước tôi hay đồng chạn với tôi, nếu là dân cố cựu tỉnh Sóc, ắt còn nhớ anh Nguyễn Văn Sâm, người cao lêu khêu nghều nghêu, sau nầy thân làm chánh trị mà không nhà ở để phải đi ở đậu, mặc áo nhín, xài tiền của anh em trợ giúp mặc dầu bên vợ Sâm là tỷ phú nhưng ông nhứt định không nhờ nhói, và sau nầy ông bất đắc kỳ tử, chết bị ám sát oan uổng trên chiếc xe buýt chạy đường giữa Sài Gòn Chợ Lớn, và phải nhờ anh em chôn cất hộ. Sâm chết vì bụng tốt, mãi tin người như tin mình, và vì có quan niệm hễ trọn đời không nhơ bợn và trọn đời biết chia khổ sớt nghèo với anh em lao động thì đã có anh em làm hậu thuẫn và ắt không ai ghét để giết mình làm chi. Xuất thân ở trường Công chánh Hà Nội, đồng một lớp với những Châu Quang Phước, Nguyễn Văn Vui, và vài ba ông tiền bối lỗi lạc Tây đặc phong đạo lộ cán sự viên (agent voyer) kế về tài tuy có kém kỹ sư kiều lộ Pháp (ingénieur des ponts ét chaussées) nhưng tục ngữ nói: “Ở xứ bọn mù, dách cô ngạn (độc nhãn) làm vua”. Nguyễn Văn Sâm lìa bỏ quang trường trong lúc đường mây đang nhẹ bước, dấn thân vào chánh trị, viết bài Pháp văn tranh luận cho báo La Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ) của ông Nguyễn Phú Khai, và cho báo Đuốc Nhà Nam của đảng Lập Hiến do ông Bùi Quang Chiêu làm lãnh tụ, Sâm sau ra tranh và đắc cử Hội đồng Quản Hạt để rồi vào ngồi tù vì tội làm thủ lãnh hội báo chí (AJAC) chống chánh phủ đô hộ Pháp, tiếp theo bị bắt lưu trú, tức giam lỏng tại Châu Thành Sốc Trăng. Nơi đây Sâm ăn nhờ ở đậu nhà bạn học cũ là Lương Cư Cường, trước là cộng sự viên của ông Nguyễn Phan Long, kế đến Sâm làm Khâm sai chánh phủ Trần Trọng Kim quyền coi hết đất Nam Kỳ để rồi nghèo sặc máu, bị ám sái trên xe buýt mà cho đến nay hồ sơ án mạng vẫn nằm êm không tìm ra thủ phạm. Sự nghiệp của Sâm chỉ tồn còn lại một tên cho con đường Sài Gòn và một cây cầu Ba Cẳng gần nhà anh vợ cũ trong Chợ Lớn. Khi người vợ trước của Sâm mất, ông Sâm bị lưu trú ở Sốc Trăng và có một vợ trẻ theo phụng sự. Năm 1967 tôi ra Huế, trong một đám giỗ tôi được trình diện với một mạng phụ xưng quả phụ Nguyễn Văn Sâm. Tôi chỉ nhớ Sâm để lại chiếc cầu bê-tông cốt sắt đường Phùng Hưng, nối liền ba ngả trên con kinh ba nhánh, gọi cầu Ba Cẳng, xe cộ không đi được vì cầu toàn nấc thang dành cho khách bộ hành qua lại, nay con kinh đã lấp đi một phần, cây cầu còn dùng miễn cường phân nửa thôi, và đây là tượng trưng cuộc đời của Sâm, dở dang nhưng không thay thế được, y như chiếc cầu, khéo vô song nhưng nếu ngày kia mở rộng khúc đường lầy thì chiếc cầu có còn tồn tại mãi chăng? Sâm là người tỉnh Sóc, quê ở Bang Long (Giếng nước) lúc nhỏ học trường tỉnh Sóc Trăng có tiếng là học giỏi. Lối năm 1913, có thợ nhiếp ảnh Pháp tên Crespin, xuống chụp hình chung học trò và thầy giáo cùng ông đốc học què tên Francois Gros.
Nhà nhà trường cũ. Lúc tôi học, trường tỉnh là một thành sơn đá sửa lại. Lô cốt nầy do Tây xây cất để chống cự với binh cựu trào đời trước, khi Tây rút đi hết thì thành trở nên trường học tỉnh.
Trường có một từng lầu. Từng trệt vách dày cả thước Tây, từng trên cửa sổ hai lớp và vách dày, chúng tôi đứng núp trên bệ cửa còn được, dày độ cũng có ba tấc. Khi biến làm trường học thì xây vách ngăn lại, mỗi lớp học khá rộng có bốn cửa sổ và một cửa cái, bất đầu từ trong kể ra là hai lớp tư, một lớp năm, kế một căn chừa làm thang lầu xây bằng gạch rất rộng rồi tới hai lớp dành làm trường nữ học tạm. Phía trên thang lầu có treo một cái trống lớn để ra hiệu lịnh cho học trò, khi tựu, vô lớp, hay tan học. Từ trong kể ra thì có lớp ba nhì, ba nhứt kế đến một phòng chứa dụng cụ văn phòng do ông đốc Hồ Văn Đoàn làm quản thủ, rồi đến thang lầu khỏi thang là lớp nhứt và lớp nhì. Căn chót day mặt ra con lộ Bạc Liêu, hướng mặt trời mọc thì dọn làm phòng ngủ của ông đốc Tây tên Francois Gros. Tuy nhà của ông vẫn có nơi sân trường và giao cho bà coi sóc. Bà nầy dạy trường nữ và lên Odonie. Chúng tôi gọi bà là Bà Chằng vì quả thật bà dữ như chằng tinh. Ván lầu làm bằng gỗ giá tị rất bền. Chung quanh vách thì ván lầu làm rời ra và lấy lên được phòng khi bị binh địch bao vây thì quân lính đứng trên bắn xuống. Chúng tôi lợi dụng vị trí nầy mà mỗi kỳ bãi trường vẫn chia nhau chơi trò đánh giặc bắn nhau bằng đạn giấy vò viên. Chung quanh trường là một vuông đất rộng lớn trồng toàn cây bông sứ ma xen kẽ với một cây dầu đại thọ và một cái trộm lưu lại thời đàng cựu, gốc hai cây nầy to đến mấy ôm. Một nhà bánh ếch ngó ngay mặt trường là nhà riêng quan đốc học.
Ông nầy bại xui, đi đâu có chống hai cây gậy, nên chúng tôi lén gọi ông là ông đốc què. Ông tánh nghiêm và nóng, dạy học trò mau giỏi, thêm hai cây gậy của ông là hai ông thầy thiết thực hiệu nghiệm.hơn ông nhiều. Không khăn đầu thì đánh sau bàn toạ một cách bất ngờ, chữ Tây dầu khó nhớ cách mấy cũng rán nhớ để khỏi bị đòn. Mỗi lần ông đi viếng lớp thì một đứa học trò phải xách ghế theo sau lưng, khi ông dừng lại thì đúi ghế cho ông ngồi, đút trễ hay đút sai không ngay mông ông, ông lấy gậy ngoéo cổ thường cho vài cây để đừng lơ đãng nữa. Năm đảo chánh 1945, trường bị đốt chạy rụi nóc, thay vì sửa chữa lại, trường bị phá vỡ nhường chỗ cho một đại lộ ngó ngay mặt toà hành chánh tỉnh lỵ và nhường chỗ cho một sân rộng để khi biểu tình hay ngày đại lễ có nơi nhóm họp. Trường từ lâu đã là một chướng ngại vật che mắt toà hành chánh nên khi có dịp, thì mấy ông giỏi san bằng hơn xây dựng, sẵn quyền trong tay, đã phá quách ngôi trường cổ tích, đốn luôn cây dầu cây trộm di tích trào xưa, để các ông ngó mát con mắt. Mấy ông thầy cũ, mấy bạn học đồng lớp năm xưa nay còn lại không mấy người. Mỗi lần có dịp về quê thăm nhà, đi ngang qua nền trường cũ, lòng như se lại, bồi hồi. Một chứng tích độc nhất còn lại là một cái giếng rất to và rất sâu, nước rất ngon đã từng cung cấp nước ngọt cho khắp châu thành trước khi có đặt nước máy, đó là một thế giới thuỷ phủ tôi rất kiêng sợ từ lúc ấu thơ và từ lúc say mê truyện Tàu, say chuyện Thuỷ Liêm động của Tề Thiên đại thánh và chuyện Thuỷ Hử trại của một trăm lẻ tám vị anh hùng Lương sơn bạc. Không biết vì sao, lúc chín mười tuổi đầu mấy phút trước khi vào lớp học, như có gì quyến rũ, tôi ưa lại gần miệng giếng, móc cây dù vào cổ cẩn thận, kìm cặp sách vào tay thật chắc, ngón chân cái ngoéo vào thềm gạch cho đừng té, rồi thì đầu dòm xuống mặt nước, đinh ninh chớ chi chậm đánh trống ra lịnh vào lớp, có lẽ giờ phút nầy ông Tôn Ngộ Không sẽ xuất hiện dưới động Thuỷ Liêm, hay là lát nữa lão Lý Quỳ sẽ xuống giếng khô ôm ông Sài Tấn lên, hoặc ông Giảo Kim trong Thuyết Đường, sẽ xuống giếng tìm của báu, rồi lạy cây cờ nằm dưới đất cho cờ đứng dậy, rồi được anh em tôn lên làm vua giữa đám lục lâm, vinh vang nhứt thời, sướng quá! Tuổi giàu thơ mộng ấy nay không còn nữa; đã ra đi mất dạng bao nhiêu tuổi hồng tuổi xanh. Chỉ cái già vô dụng còn lại!
Nhớ Võ Thế Ngân - và thầy Nguyễn Trung Thanh - Nhớ ân sư Trần Tấn Chức
Năm 1909, tựu trường, Ba tôi dắt tôi vào trình thầy giáo Trần Văn Vận, xin ghi tên học lớp đồng ấu, thuở ấy gọi lớp năm. Ông vốn quen biết với Ba tôi, và không cần gởi gắm. Ông là người hiền lành và không có tánh đánh đập học trò. Duy lớp quá đông, đến gần năm chục đứa, ông dạy không xiết nên trường cấp cho ông một phụ tá là ông Nguyễn Trung Thanh, ngoài gọi “ông thầy Huế”, và cũng gọi “Thầy mo-ranh”, vì ông lãnh dạy phong hoá (morale) cho các lớp trên. Ông nầy tinh thông chữ Nho, làm thơ bát cú mau lẹ có bộ Nông cổ mín đàm năm 1904 còn chứa đựng nhiều bài của ông đáng để đời. Ông Thanh rất hiền nhưng cộc. Ông không biết phương pháp dạy dỗ trẻ em, và thường làm bộ dữ cho học trò thêm sợ. Sắp hàng không ngay thẳng thì ông lấy búa cây gõ đầu đến u cả cục. Vô lớp nói chuyện bắt được, ông cho quỳ gối; còn tái phạm ông vừa bắt đứng vừa nắm hai chót tai và nhún lên nhún xuống, rã gối mà ông chưa tha. Bữa nào ông thế ông giáo Vận, thì chúng tôi sợ thất thanh. Ông không biết dạy, ông nói khó nghe quá, thầy trò không đồng ngôn ngữ thét rồi ông ngã lòng chỉ gác lớp cho học trò tập đồ. Khi nào cao hứng ông dạy thì cả thầy lẫn trò đều khổ. Ông không phát âm được chữ “r”, ông dạy con cá rô, ông đọc con cá gô, chúng tôi nhái lại y, ông thường cho một củ roi mây. Cá trê, ông đọc cá tê, đứa nào sớn sác nói y hệt thầy, ông cũng cho ăn đòn. Thét rồi, vô lớp ông bảo chúng tôi lấy tập đồ ra tập viết còn ông ông lấy hộp phấn làm gối xuống ghế trống kiếm chỗ nằm. Để đề phòng ông đốc què bắt gặp, ông cẩn thận sai một đứa chúng tôi gác cửa xem chừng. Vì thế mà tôi biết được tài tháo vát của một bạn cùng lớp là Võ Thế Ngôn, con chú Ba Vị. Ngôn với tôi không xa lạ vì ở phố đối diện nhau trên con đường Đại Ngãi. Ngôn lanh lợi từ lúc bé, cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ, tôi chưa quên anh học trò con nhọn có cái xoáy trâu nơi trán, là Ngôn.
Lúc nhỏ khôn lanh hơn chúng tôi nhiều, tại sao con người tinh ranh ấy lại không thọ, đã chết yểu lúc lên học trường trung học Mỹ Tho. Và tại sao, cứ để ý xem, đứa nào khôn lanh lúc nhỏ, quá quắt hơn ai, thì lớn lên đần lại, cái khôn kia kém đi, hay là có một luật bù trừ?
Thầy Huế sai Ngôn giữ cửa. Ngôn thừa dịp ra sân, lấy gạch chọi khế, may thời bà chằng đi chợ, ông đốc không có mặt ở bu-rô, không vậy còn gì thầy mo-ranh?
Tôi thường bị Ngôn húng hiếp. Mua bảnh xây phải chừa Ngôn con tép, ăn bánh quà phải cho Ngôn cắn một chút xíu mới nghe, nhưng tôi vẫn lết đầu theo chơi với Ngôn vì Ngôn có nhiều thao lược trong đãy.
Thầy Nguyễn Trung Thanh ở độc thân trong một căn phố nhỏ nơi đường Bồ Đề trổ ra đường Đại Ngãi là con đường chánh học trò năng lui tới. Chiều nào thầy cũng ra đón học trò giờ tan học, bất xâu, đứa thì sai quét dọn, đứa thì mua dầu châm đèn cho thầy ve vãn chị Phù Dung. Thầy tôi hút thuốc phiện. Một buổi chiều kia tan học, Ngôn và tôi lơn tơn ôm cặp về. Còn một trăm bước nữa thì lời nhà, tôi nôn về gấp vì nhớ lại lúc trưa đi học quên đậy nắp ve, sợ thằn lằn thừa dịp câu mất con cá thia thia. Bỗng có thầy mo-ranh chân đường gọi lại:
- Sển, mấy để cái cặp lại đó, qua trại thợ mộc hốt cho tao một mớ dăm bào. Còn mầy là thằng Ngôn, hai xu và chai dầu đây. Đi mua cho thầy dầu phộng.
Tôi thuở nay chưa từng giao thiệp với người nào khác hơn là với mẹ để xin xu, với Ba để đi ăn mì và với năm ba đứa bạn học một xóm. Thầy mo-ranh sai như vầy tôi lấy làm ngại ngùng, nhưng vì nể sợ nên hoá ra dạn, thầy sai tôi rắc rắc vâng lời, được lịnh đi hốt dăm bào, tôi lấy thúng chạy một hơi lại nhà chú thợ mộc Quảng Đông hối lấy hốt để một thúng đầy dăm thứ tốt, ém lại chặt chẽ đội về đem nạp thầy đổi lấy cái cặp sách ôm về. Còn số phận thằng Ngôn ra sao tôi không biết. Nhưng Ngôn vẫn không chịu bị lường công như vậy, Ngôn nó khôn hơn mà không nói ra.
Sáng hôm sau Ngôn không đi học và qua ngày kế đó Ngôn cũng nghỉ học luôn. Báo hại thầy mo-ranh vô lớp chờ không được, phải sai tôi kiếm Ngôn và trục Ngôn vô lớp.
- Sao trò hôm trước thầy sai đi mua dầu phộng rồi không đem dầu về cho thầy?
- Bẩm thầy, bữa ấy con mua dầu về nhưng vì lật đật con chạy và té bể chai. Con sợ thầy đánh nên không dám lại cho thầy hay!
- Mấy nói láo! Rồi hai xu của thầy đâu?
- Dạ, con đưa cho các chú bán dầu rồi!
- Còn cái chai của thầy đâu?
- Dạ, nó bể rồi mà? Thầy không tin, để mai con đem trả cái cổ chai cho thầy.
Trả lời xuôi rót, thầy giận ấm ách, nhớ lại vì chờ nó mà ghiền suốt mấy giờ, muốn đánh nó ít roi mà sợ cha mẹ nó mét ông đốc khó lòng. Rồi Ngôn về, xin phép nghỉ học thêm hai bữa vì nhà có chuyện. Hai bữa ấy, Ngôn ân cần hỏi thăm tôi tin tức về ông thầy Huế, thăm chừng muốn biết ông có đau ốm gì chăng, có ở nhà nghỉ phép gì chăng? Nhưng tôi vẫn trả lời ông mạnh giỏi, không thấy đau ốm gì và ông vẫn đi dạy như thường.
Hết hai bữa xin nghỉ, Ngôn ôm cặp vô lớp, cái mặt héo queo không bằng hai ngón tay tréo. Lại gần tôi, Ngôn nói nhỏ: “Hai bữa rày tao xé tập đồ làm tàu, tao thả hình thầy mo-ranh cho thầy trôi ra sông cái chết chìm nhưng nay thầy chưa chết có lẽ chiếc tàu của tao còn kẹt dưới cống chưa trôi ra sông chăng?”.
Tôi nghe làm vậy sợ quá vì thầy đâu đáng tội chết trôi, mà giác đắt làm sao được với Ngôn? Mẹ tôi cho tôi mọi bữa hai đồng xu để mua bánh ăn, má Ngôn không cho Ngôn xu nào, vì vậy Ngôn thường ăn khăn ăn lót của tôi. Tôi mua một gói xôi một xu thì Ngôn ăn nửa gói; tôi mua một cái bánh xây, tôi chịu lép ăn bột và đậu còn con tép chiên là ngon nhứt thì phải chừa cho Ngôn mà có khi nó còn chưa vừa lòng, thường làm mặt giận mặt hờn. Biết tôi nhẹ bóng vía, Ngôn càng làm tới, và theo nhát tôi: “Bữa nào tao ra ngoài đồng móc đất sét tao nặn hình ông thầy Huế đem chôn hình trong hộc cát, tụi bay nhổ nước miếng vào đó sẽ làm cho thầy Huế chết ngột? Không thôi tao bong hình giấy để ngoài đường cho xe ngựa cán lên thì thầy Húế thế nào cũng chết”. Sau rốt, tôi nói dối, xin mẹ được năm xu, đưa hết cho Ngôn và năn nỉ nó rằng: “Thôi tha cho thầy Huế đi. Cho tao xin tội. Năm xu đây tao cho mầy đó. Mà cho tao hỏi mầy có thật đã té và làm bể chai dầu hôm nọ không?
- Đâu có? Tao đập bể chai, để dành cái cổ chai cho thầy coi và lấy hai xu mua lục tàu chúc (chè đậu xanh) ăn hết rồi. Ai dại gì cho ổng lường công sai khỉa mình mỗi ngày làm vậy.
Té ra chỉ có tôi ngu, dầu cứu được mạng sống của thầy, nhưng không đủ chuộc tội, tôi đút lót lo hối lộ từ nhỏ, tội dối mẹ gạt lấy năm xu.
Ngôn dạy tôi nhiều mánh lới: phải tập ăn ớt cay, vì món nào của chú bác nhậu đều có nêm ớt; phải tập uống nước trà Tàu, vì trưa nào mấy chú thợ đi quảnh xúi (uống trà giấc trưa) mình tháp tùng ăn bánh bao sướng lắm; phải biết ăn của đút, khỏi xin tiền mẹ (việc nầy tôi làm không được); và khi nào bị thầy đánh, đừng nằm xa trúng ngọn roi rát lắm, cứ lăn xả vô ôm chân thầy, ngọn roi trúng ra ngoài gạch hết và roi phớt chút ít nên ít đau. Nhứt là phải khóc la cho lớn để thầy thôi đánh.
Học được gần hết năm, ông giáo Vận dạy bọn tôi thuộc lòng một câu tiếng Tây “Monsieur, permettez-moi d' aller au cabinet” để xin phép đi tiêu, đi tiểu. Chỉ có Ngôn làm phách không học nên không thuộc nhưng Ngôn đã có thùng cây dành cho học trò nhổ nước miếng và Ngôn bất chấp vệ sinh chung.
May cho tôi, Ngôn học ít năm rồi được gởi lên nhà bà con ở Mỹ Tho học tiếp; nhờ vậy tôi chậm hư. Ấy, con người như Ngôn, cũng xuất thân trường tỉnh Sốc Trăng cũng được đào tạo một lò với Nguyễn Văn Sâm, kẻ thì lớn lên gan dạ hy sinh cho xã hội, kẻ thì láu cá, giỏi tài ăn của lót, Ngôn chết sớm, không thì chưa biết ra sao.
Ông Nguyễn Trung Thanh là một thi gia có hạng, không biết dùng tài học chữ Hán của ông và bắt ông chăn trẻ nít, ông trở nên người bất đắc chí cũng phải. Sau ông đau bịnh thiên thời, đã đem ông vào nhà xác nhưng ông gượng lại sống thêm mấy chục năm nữa.
Trong cuốn sách Pháp “La Cochinchine” của P. Gastaldy, Sài Gòn 1931, trang 12 có ảnh của ông Nguyễn Trung Thanh chụp chung với ông Lý Ni và Trần Chuông, dưới ảnh chua câu “Evolution - les trois âges 1890- 1920- 1930” (Tiến hoá: ba thế hệ) và đó là ba đời thầy giáo, hai ông kia đều học trò cũ của ông.
Nhớ ông Trần Tấn Chức - thầy cũ dạy lớp nhì trong nhiều thế hệ ở Sốc Trăng.
Tôi có tật ưa nói xấu người khác. Hỏi tôi có tật xấu gì nữa không? Nhiều lắm, nhưng tôi chưa khai ngay ra bây giờ và xin chịu khó đọc hết cuốn nầy thì biết. Tôi học đến lớp nhì (1914-1915). Sợ lên lớp nhứt học không lại chúng bạn sẽ bị đòn nhiều, nên tuy học khá mà tôi tính ở học thêm lớp nhì một năm nữa.
Năm đó tôi đã thuộc bài, làm bài viết suôn sẻ, premier trong lớp nên được thầy thương, thường sai làm việc vặt; đem thơ về cho thím giáo, xin thím pha cho thầy một tô trà Huế nóng, bưng tô ấy vô cho thầy. Mỗi lần như vậy tôi đều làm vừa ý thầy nên thầy ghi một điểm “đít bon” răn rắt. Một sáng thứ hai nọ, thầy vô lớp cặp mắt đỏ chạch, đưa tôi một cắc bạc dạy ra quán mua cho thầy một ổ bánh mì bốn xu, còn lại mua một tô cà phê sáu xu cho ngon và cho đặc biệt. Tánh thầy tôi ưa sự tinh khiết và tôi vẫn biết ý thầy hơn ai: bánh mì phải gói giấy thật sạch sẽ, và tô cà phê phải thân sạch nhứt là không có bợn đóng trên liệng trên vành. Từ đầu chí cuối đều làm tròn. Duy cái tánh của tôi kỹ lưỡng cho đến nay vẫn còn nên tôi đã làm như vầy và xin các bạn cứ lấy công tâm mà phê phán: Tôi chạy một mạch ra tiêm chú Xâu bán bánh mì cung cấp cho các quan Tây, lựa một ổ bánh thật ngon, vàng lườm giá bốn xu y như lời thầy dặn, xin thêm một miếng giấy nhựt trình lớn, nhưng thay vì gói cái bánh e lát nữa mồ hôi tay làm ướt giấy thầy chê, tôi bèn xếp và thồn tấm giấy vào túi áo, kẹp nách ổ bánh mì còn nóng hổi, về nhà lấy tô của Ba tôi dùng, lau thật sạch, chạy lại tiệm “Cẩm Đường” có tiếng là bán và pha cà phê ngon nhứt, mua sáu xu cà phê sữa gần đầy tới mé, rồi hai tay bưng tô, nách kẹp ổ bánh, tôi đi chậm chậm đếm bước một, từ quán cà phê đường Đại Ngãi trực chỉ vô trường, không khác Tiết Đinh San bưng khay trầu rượu đi cầu Phàn Lê Huê buổi Đại Đường. Mỗi bước đi là cái tô cà phê mỗi chao động, thế là tôi phải dừng lại, đợi hết chao hết lắc tôi mới bước thêm bước khác. Đi như vậy được một khúc đường, kế phải qua cầu bon (pont); nhưng đến đây gió sông thổi hiu hiu, hơi cà phê sữa nóng bay vào mũi thơm phưng phức, thiệt là khó chịu! Vừa đi vừa nghĩ trong bụng: Không nên! Của nầy là của thầy mình! Tội chết! Đi được một đỗi thì tới nhà dây thép, rồi tới băng-ga-lô (bungalow), còn không đầy một trăm bước nữa thì tới cổng trường. Nhưng chịu không nổi nữa. Trong bụng nó sôi rốt rột. Trong miệng bao nhiêu nước dãi cứ tuôn ra: nước ở kẹt rừng nước ở dưới lưới, nước ở đóc giọng, nước ở đâu không biết, bữa nay nhiều quá, cứ chảy ra hoài. Con mắt cũng thèm, lỗ mũi là thèm nhạt. Ngó quanh ngó quất không có một ai đi trên đường. Thây kệ, làm đại, kê miệng vô tô húp một miếng cà phê; trời đất ơi, nó ngon làm sao. Nhịn không nổi nữa, tôi húp thêm một miếng khá lớn, rồi một ngụm to to. Tới khúc quanh vô cửa trường sát cổng có một dãy nhà canh lúp xúp che khuất các lớp học bên trong. Tôi ngồi bẹp xuống đó đặt tô cà phê trên bệ gạch đỏ, lật vạt áo chùi miệng chùi mồm liếm môi liếm mép thật sạch, cũng lấy tuôn vạt áo lau miệng tô, kỳ mài thật kỹ không còn một vết hoen đoạn rút tờ giấy trong túi áo ra phong kín ổ bánh, đứng thẳng người lên, rồi tay mặt bưng tô, tay trái cầm gói bánh, chậm chậm đi êm ru vô lớp. Thầy cho mười điểm, tôi xuống chỗ ngồi, lương tâm chưa nở, cái tuổi mười bốn trinh bạch như gương.
Thưa thầy, ngày nay con đã thú tội rồi, thầy có tha không. Mặc dầu lỗi nặng, thất lễ với thầy, nhưng canh cánh bên lòng đeo đấng trên năm chục năm dư, thầy cũng nên ân xá.
Bình sanh thầy làm ơn cho nhiều thế hệ trẻ, đào tạo thảy đều nên người. Có đứa nào húp lén cà phê của thầy nữa không? Học trò cưng của thầy năm xưa ăn ở như vậy đó. Lại còn một tội, có thú thì thú luôn. Một buổi chiều thứ năm, qua nhà thầy để thầy dạy phép làm luận văn, thầy bảo quét nhà. Thằng Ân quét nhà trước, ở trần vận chăn đỏ, tôi quét nhà sau; quét rồi hai đứa chơi cút bắt, tôi bắt được Ân dộng nó một thoi trên lưng, day lại té ra là thầy vì thầy cũng vận chăn đỏ và cũng ở trần. Tội như vậy thầy còn tha thay! Ơn đức thầy thật rộng. Sau năm đảo chánh 1945 thầy nghe tiếng gọi lòng xuất sĩ ra làm chủ quan Bang Long; mộng giúp nước không thành, thầy xuất gia về ẩn nơi chùa đường đi Bố Thảo. Năm ấy đến thăm thầy, cùng đi với Nguyễn Hoài Trang, thấy thầy tuy yếu nhưng quắc thước, thầy nói chuyện hăng say, mừng thầy trường thọ. Dè đâu năm sau thầy đau mà không về thăm được. Rồi thầy mất, cũng không về đưa được một tấc đường. Có những lúc về Sốc Trăng còn khó đi hơn sang Pháp!
Sám hối thì đã muộn. Cái kiếp ngày nay phải viết lách mới đủ sống, phải chăng phát nguyên từ tội bất kính đối với ân sư Trần Tấn Chức.
NHỚ PHAN MINH THẬP
(tưởng niệm ân sư Trần Văn Điền, thầy dạy lớp nhứt)
Cái gì mình không ưa vẫn lẽo đẽo lẩn bẩn chung quanh, trước sau gì rồi cũng vướng, “làm cho khốc hại chẳng qua vì già”.
Ghét răng giả, gặp răng giả, ghét ba ton, gặp ba ton. Bỗng nhớ những việc năm sáu chục năm xưa tưởng chừng như mới xảy ra hôm qua hôm kia đây, không biết tại thời gian trôi quá mau, hay tại nhớ dai, cái máy ảnh trong trí óc chưa nhoà.
Nhớ lẫn lộn, cái năm Tân Hợi (1911) mình được chín tuổi, các chú cắt bì bí xưng Trung Hoa dân quốc.
Nhớ cây sao chổi mang tên người lìm ra gọi sao chổi Halley, nhớ mà không biết mọc năm nào, duy nhớ sau đó thì có trận giặc Âu châu đệ nhứt thế chiến (1914- 1918). Nửa đêm đang ngủ ngon, cha mẹ gọi thức dậy, nhường mắt không lên, ra trước nhà thấy một chòm sao dài gần giáp vòng từ Đông sang Bắc, mờ mờ sáng sáng, vô ngủ lại, nay mới nhớ đó là sao chổi!
Nhớ ba căn nhà trệt của tổ phụ, lợp ngói âm dương, thấp la đà nhưng che ấm biết bao tình thương: tình mẹ hiền vắn số, tình ba hy sinh nhiều cho chúng con.
Nhớ con lộ mé kinh chạy ra Bãi Xàu, tuy trải đá đỏ nhưng đi êm chọn, thuở nhỏ qua nhà ông Nhứt Dõng để thăm Truyện và Kế, tưởng là xa lắm nay dòm lại non cây số ngàn. Xưa cuốc bộ, nay đi xe nên thấy gần. Mấy lần lội qua miều Tiên sư sau trại lính ma tà để xem ngắm con lính: Cự. Hai. út, Mười, mấy lúc ấy thật là xa lại thấy gần, chẳng qua vì có hơi gái.
Lúc ấy đi chơi mà không biết mỏi. Nay đi xe lại thấy đau lưng. Cái già đã chiếm bản thân mất rồi.
Dân tình buổi đó quê mùa chất phác, không như nay tranh đấu chụp giựt. Sống tầm thường mãi rồi không biết đó là hạnh phúc để mà tận hưởng. Nay sống quá chật vật cũng đừng than van.
Các anh nào có làm ơn cho tôi, lay đã rất hết rồi biết sao mà trả?
Nhớ Hồ Văn Lắm, sau gọi Mau, rồi gọi Tiền. Lúc nhỏ là bạn chọi và đánh đáo. Lắm đã mất.
Nhớ Nguyễn Văn Tiền, con ông Phủ Tây. Sang Pháp đậu bác sĩ về không mây năm, tài chưa thi thố, kế từ trần.
Nhớ anh Bùi Văn Khá, lớn buổi hơn tôi, kể như thầy. Ơn chưa đền, anh đau ruột dư, bác sĩ bất tài để cho chết.
Nhớ bác sĩ Nguyễn Văn Sang, đồng hương và đồng song. Khi chạy lên Sài Gòn một mình anh săn sóc còn thêm giúp tiền bạc, giúp xe đạp để đi làm xa. Sau anh đi tu theo khất sĩ, anh mất năm biển lửa Mậu Thân (1968) xác hoả táng mà tôi không hay để khóc tiếc người quân tử.
Rồi nhớ lại Phan Minh Thân và nhớ một buổi dự kiến Sơn Đông nhổ răng, anh diễn tuồng, tôi là khán giả hồi hộp lo cho anh từ phút. Chuyện ấy như vầy:
Khoảng năm 1914, giặc đánh bên Tây, Tây thua xiểng liểng trối kệ. Ở bên nầy, tôi đã đến tuổi nhổ giò, bể tiếng, nói tiếng mái, tiếng trống. Tôi lên lớp nhứt, học đà được nửa năm có hơn. Lúc ấy chương trình học gồm nhiều giờ dạy tiếng Pháp. Ông Trần Văn Điển, trước học với ông giáo sư Nguyễn Văn Duyên, dạy có phương pháp, chúng tôi tiến rất mau, công ông dạy tôi trót ba năm ngồi một, lớp nhứt, tôi chưa đáp đền. Nay ông đã về chầu Chúa. Tiện đây xin khấn ông một nén hưởng lòng. Thú thật buổi ấy đọc nhiều hơn nói, viết đúng mẹo luật duy nói chưa thành câu, vì tật mắc cỡ miệng, khiến cho khi lên trung học gặp giáo sư Pháp, đối đáp luống cuống ngượng nghịu, mỗi lần tìm được ý, nghĩ ra câu, dịch lại rồi mới trả lời, thành thử chậm đi mấy lần. Bài vở thầy chọn và cho làm đã cao, tuy học lớp nhứt cuối năm thi tiểu học, thưa trình độ pháp văn gần như ban trung học ngày nay. Mỗi' đêm bóp trán mà học thuộc lòng, dồn chữ cho nhiều thức khuya dậy sớm còn sợ học dở làm buồn lòng cha mẹ.
Nhớ lại mà thương Ba tôi nhịn ăn nhịn mặc, muốn cho con sau nầy vào bực trung lưu thôi, làm thầy thông thầy ký “cầm bút cầm viết với người ta”, Ba tôi đã chán nghề là ai thủ công thường bị hiếp đáp, làm xâu, đóng thuế chuộc công sưu nặng nề. Muốn cho con bọc nhiều tới Hà Nội lại e không đủ sức.
Một bữa chiều thứ năm, có lệ nghỉ trọn ngày, ở nhà làm bài vở vừa xong, độ bốn giờ chiều, tôi lại rủ bạn học cùng xóm, Phan Minh Thân, thả một vòng chợ cho đỡ tù chen. Đến sân trống gần chợ thịt, thấy một chú Sơn Đông mãi võ đang bày hàng chiêu khách. Một mình chú vừa đánh trống vừa gõ phèng la nghe cũng rậm đám. Hai đứa tôi chen vô hàng đầu để xem cho mãn nhãn.
Một bà già trầu má sưng húp, bỗng ra giữa sân nhờ lão Sơn Đông xem thử có nhổ được một cái răng cửa, mấy ông thầy kia đều chạy và khuyên để hết nhức sẽ hay. Lão ra giá trước như thuộc lòng: “Nhổ một cái răng phải hai đồng bạc”. Bà vừa ừ chịu, lão biểu há miệng lão xem. Lão rờ mạnh chiếc răng, bà già bụm miệng la “oái” một tiếng lớn và xô tay lão Sơn Đông không cho đụng đến cái răng đau. Nhưng lão nầy, miệng la “Không sao! Không sao! Đừng sợ! Đừng sợ!”, tay trút lọ lấy một chút thuốc cho vào một tờ giấy súc lớn cỡ bàn tay, cuốn tròn giấy lại như điếu thuốc và nhét vào chân răng cho bà già ngậm. Đoạn lão xách phèng la biểu diễn hai vòng, phô trương tài nghệ, nào nhổ răng không biết đau, có thuốc tiên gia truyền v.v., lão đi giáp một vòng tròn đến trước mặt bà lão, đưa phèng la tới trước như để hứng vật gì, lồi lão ra lịnh cho bà già: “Bà tằng hắng đi! Bà tằng hắng cho mạnh hơn nữa đi!”. Qua tiếng thứ hai thì bỗng nhiên cái răng có giấy súc bao lại lúc nãy đã rớt luôn cả giấy và răng vào phèng la. Một chúi nước da dính theo đo đỏ, vì máu và cổ trầu pha lộn. Cử toạ và khán giả đứng dậy vỗ tay khen rùm te ra lúc bà già la ú ớ là lúc lão thầy y giá bộ xem răng nhưng đã nhổ rồi là không ai hay biết. Thật ra từ bà già đau nhức đến khán giá khỏi tốn tiền bao chung quanh sân không một ai tin lão nhổ răng tài tình đến thế. Mà khán giả khâm phục nhiều hơn hết có lẽ là bạn của tôi, anh Phan Minh Thân. Thân đứng dậy vừa vỗ tay cổ võ vừa nhe hai hàm răng xều xáo mọc không đều. Lão thầy Sơn Đông để ý tự nãy giờ nhưng không nói, lão xít lại gần, lật ngửa mặt Thân lên, lấy tay chỉ cái răng lồi xỉ vừa nói:
- Răng nầy xấu lắm, để vậy lâu ngày nó mọc dài đâm lủng môi mấy. Có hai đồng bạc không, tao nhổ cho?
Thân xụ mặt tỏ vẻ thất vọng, vừa trả lời lễ phép như van lơn:
- Chú ôi? Tôi không có tiền. Chú làm phước nhổ răng thí giùm tôi, đi chú.
Lão Sơn Đông nhăn mặt khi nghe nói Thân không có tiền, nhưng lão nghĩ ra một kế, đổi buồn làm vui và nói nửa đùa nửa thật:
- Mấy nói mấy không tiền à. Tao chịu nhổ thí nhưng bù lại mẩy phải giúp tao trọn buổi nầy, chịu không? Cũng chẳng khó chi đậu, tao hát mấy đánh phèng la, lấy công thế tiền mà.
Bởi muốn không còn cái răng lồi xỉ xấu xí và bởi không liền, nên Thân ưng chịu. Tức thời Thân lìa chỗ ngồi, ra xách phèng la gõ nhịp theo lời lão Sơn Đông chỉ bảo. Năm phút sau, Thân nghiễm nhiên trở nên một tiểu công thuần thục. Lão Sơn Đông bước vòng quây thì Thân bước vòng quây, lão dừng lại thì Thân cũng dừng theo, lão ngồi Thân ngồi, lão múa Thân múa, hai thầy trò ra bộ giống nhau như hệt, duy lão thủ vai chánh thiệt thọ còn Thân là kép vá nhứt thời. Tôi ôm bụng cười lăn chiêng bỗng nghe lão thầy hét lên một tiếng lớn, một tay bất ấn, một tay vẽ bùa giữa thinh không, và bảo Thân quỳ xuống ngay giữa sân. Lão là một kép lành nghề, lão chế giễu, nào ở dơ, nào không biết dùng bàn chải răng, miệng nói làm xàm, tay lão mò trong miệng Thân.
Thân la ú ớ y như mụ già ban nầy, kế lão cũng lấy giấy súc và thuốc gói một gói cuốn kèn nhét và nồm bảo Thân quỳ một chỗ chờ cho thuốc thấm. Bây giờ tôi thấy lão với lấy cái phèng la, tự tay vừa gõ keng keng vừa rảo chân chào hàng... Đi đúng hai vòng lão dừng lại chỗ Thân quỳ, bảo Thân tằng hấng y như bà già ban nãy. Thiệt là mầu nhiệm! Cái răng lồi xỉ dài nhằng của Thân, giá thử ngày nay đến các bác sĩ nha y cũng phải trần ai mới nhổ được, thế mà lúc ấy vẫn theo gói giấy súc dơ rớt tõm vào phèng la như ý muốn của lão Sơn Đông y như có tà thuật yểm trợ.
Thân mừng quá, vừa cám ơn vừa chạy về chỗ ngồi kế bên tôi, tưởng đã hết chuyện. Nhưng lão thầy há dễ buông tha. Lão kéo tay Thân ra sân hát, cười mà rằng: “Chạy nợ hả mầy? Còn hát thí trả tiền nhổ răng nữa chớ!”
Nói rồi lão bắt Thân nằm dài giữa sân gạch lão trùm đầu và thân thể Thân che kín mít bằng một cái mền đỏ lòm. Đoạn lão lấy trong rương ra một cây dao băng tô. Băng tô: couteau (Pháp thật lớn, thứ các chú bán thịt bò thịt heo chặt và sả thịt). Lão vừa liếc lưỡi dao xuống nền gạch tiếng kêu sột soạt, bóng ngời lạnh mình, miệng không ngớt rao hàng:
- Anh em cô bác hãy xem cho kỹ. Cây dao nầy lát nữa sẽ hành hình thằng nhỏ nầy chặt nó đứt làm hai khúc. Rồi tôi sẽ lấy thuốc dán gia truyền chánh gốc Thiếu Lâm Tự của tôi có sẵn, tôi dán chỗ bị thương, giây lát sẽ liên lạc như cũ, cho cô bác thấy một môn thuốc thần.
Thân nằm trong mền nghe lão hăm chặt đứt làm hai khúc thì cục cựa, định chừng nó hoảng hồn toan chạy trốn, lúc ấy tôi ngồi ngoài nầy nghe lão nói quả quyết thì tưởng thật, vừa hồi hộp đánh trống bụng lo cho Thân, vừa bối rối không biết phải làm gì để giải vây cho thằng bạn lâm nguy không khéo lúc nãy ra đi có cặp, và lát nữa về không có Thân biết trả lời lành sao cho cô bác nó vì Thân là học trò nghèo ở nhờ nhà ông Quách Sên sau đến ở nhà ông Kinh Lịch Cư, nuôi cho ăn học và không nghe nói Thân có cha mẹ ở châu thành. Giữa lúc lão Sơn Đông cầm dao liếc sột soạt càng căng thẳng nỗi lo sợ của tôi và khách hàng quen, bỗng lão tay trái đè đầu Thân không cho nhúc nhích, tay mặt lão hơi dao chặt pháp ngay hông Thân, máu từ lưỡi dao phun tóe ướt cái mền đỏ thêm nhiều vết đỏ sậm bầm. Tôi thấy rõ ràng lưỡi dao to lớn cắm lút ngập mất nửa vành ôm sát thân hình bé tí của Thân trong cái mền đỏ, mặt tôi không còn một chút máu, thôi rồi còn gì thằng bạn mỗi ngày đi học và cùng chơi gian với nhau. Tôi ôm mặt khóc lớn, không kể mắc cỡ chạy lại níu áo lão thầy một hai đòi đền mạng. Mà thú thật cả bàng quan khán giả ai ai cũng xanh mặt và đều nín thở với lão thầy, sợ có khi mắc làm chứng một án mạng bất ngờ.
Trong khi ấy lão Sơn Đông vẫn bình thản như thường, gỡ từ miếng thuốc lựa một miếng lớn lòn tay vào mền dán vào mình Thân, rồi đứng dậy đọc một câu thần chú rồi dỡ tốc mền ra, và ồ may quá, thằng Thân của tôi sống nhăn đứng phắt dậy theo cái mền, miệng cười lỏn lẻn, mất hết một cái răng, mà có vẻ sung sướng. Khi ấy tôi mừng quá, buông áo lão thầy, lật đật nắm tay Thân chạy một mạch về nhà, vừa mừng cho thằng bạn thoát chết vừa nín thinh không dám hò hé nửa lời, một là sợ cha mẹ hay bữa nay mình đi chơi quá lâu, hai là sợ cha mẹ biết mình dám giao thiệp với lão thầy Sơn Đông tà thuật. Trong lòng tôi lúc ấy bị kích thích đến tột độ, đêm nằm mơ không hiểu Thân bị chém thật và nhờ thuốc dán trị lành hoặc nhờ một trò thuật mà con mất thế gian. Sau nhờ cô bác dạy lại cây dao kia vốn bộng ruột trong có lò xo và có chứa huyết heo tươi đầy dậy. Khi chém lưỡi dao biết xếp lại ôm sát thân thể người bị chém và người ấy tức nhiên không hề hấn chút nào. Có chút trò ma giáo như vậy mà hại mình lúc nhỏ hết hồn.
Duy có phương pháp nhổ răng bằng tay không là có thật. Không biết ngày nay còn duy trì hay không, nhưng thuở đó quả chinh mắt tôi ngó thấy. Theo nhiều người luận, Sơn Đông luyện nghề nhổ răng bằng tay một cách tử công phu. Ban đầu họ tập nhổ đinh hai phân đóng trên miếng gỗ mềm. Sau đổi và đóng đinh hai phân trên gỗ cứng hơn. Khi nào cây đinh đóng lút còn chừa một chút đầu ngó thấy mà tay không nhổ được thì khi ấy họ mới hành nghề nhổ răng thiệt thọ. Họ lý luận rằng răng hư răng đau đều mục giòn và dễ nát, dễ vỡ theo kềm bằng thép cứng, cho nên nhổ bằng tay có lẽ “êm” hơn nhiều.
Chỉ tội một điều, các cha Sơn Đông nhổ răng không có học khoa giải phẫu về răng miệng, họ bất chấp vệ sinh, họ không dùng thuốc tê cho người bịnh bớt đau, họ nhổ càn bừa chẳng qua vì ham tiền, bạ đâu nhổ đó, răng sót chưn, răng bể chỉ còn chút chưn kẹt trong xương hàm, sau làm độc, ra huyết đến chết người, đều do thầy Sơn Đông nhổ răng dạo.
Về sau, Thân đi học trường Sư phạm Sài Gòn, nửa chừng bỏ, ra thi đậu làm thông ngôn toà án, đến năm 1945-1946 bị ngộ sát sau cuộc đảo chánh.
Nơi đoạn đầu, tôi có nhắc ông Trần Văn Điền, dạy lớp nhứt trường tỉnh Sốc Trăng trong nhiều năm kế tiếp. Khoảng năm 1912-1919, ông lấy sách nhà làm phần thường phát cho học trò có khả năng, vì lúc ấy sách khan hiếm lắm vì nạn chiến tranh Pháp không gởi qua. Trong những đứa được ân sủng có Nguyễn Văn Công sau làm nơi hãng Denis Frères Sài Gòn và tôi. Khi chúng tôi lên học trường lớn, ông Điền thôi dạy nơi trường tỉnh để ra kế tiếp ông Nguyễn Tích Thiện, điều khiển một trường tư thục rồi ít năm sau ông làm hội trưởng hội canh nông tương tế (Syndicat Agricole) tại Sốc Trăng ông cũng không ở lâu trong chức vụ nầy và ông thôi về, an phận tuỳ duyên với gia đình trong một cảnh không sung túc lắm, nhưng nhờ người nội trợ là bà Nguyễn Thị Võ trước học cùng lớp với chúng tôi, khéo đảm đương và hy sinh, nên con đều thành tài và hiện làm công chức cao cấp.
Ông Điền có một sở học Pháp văn rất vững chắc, ông viết chữ Tây rất “cứng”, đúng mẹo luật, nhưng tiếc thay ông không gặp thời. Sự kết cuộc của ông không xán lạn vinh quang bằng hai thầy cũ của chúng tôi khác là ông Nguyễn Văn Dương (anh vợ của ông) và ông Trần Tấn Chức.
Nhớ các thầy cũ Nguyễn Văn Dương, Cao Đắc Lý, Phan Thanh Viên.
Khóc thầy - Thầy tôi tên Nguyễn Văn Dương, con ông Nhứt Nguyên Văn Dõng, là thầy cũ lớp xưa đồng liêu với ông Hồ Văn Đoàn sau làm đốc học trường tỉnh, thay cho ông đốc Tây Francois Gros về hưu và là ông đốc Nam trước liên trong tỉnh. Ông Dõng trước dạy lớp nhứt nên gọi ông Nhứt Dõng và ông Đoàn trước dạy lớp nhì gọi ông Nhì Đoàn. Ông Dương dạy tôi ba năm một lớp, là lớp ba nhì (cours élémentaire B), và lớp ba nhứt (cours élémentaire A) tại trường tỉnh Sốc Trăng vào năm 1912-1913-1914 của một đời đã lui vào dĩ vãng từ lâu. Sở dĩ tôi học hai năm một lớp tư nhứt, tuy tôi học thuộc hạng ưu, hạng giỏi trong lớp, một là vì thuở ấy không có bôn chôn như ngày nay, cũng không biết tiếc thì giờ cho lắm, và một lẽ khác, xin nói nhỏ cho các bạn trẻ đời nay đừng chê tôi gà ri, là vì tôi có tật nhát đòn, và cũng nói nhỏ, thuở ấy thầy đánh học trò đủ cách và đủ thế. Có lẽ nhờ vậy mà học trò thuở trước nên nhiều nhưng đó là việc khác. Tôi thấy mặt thầy lớp nhì oai qua, đằng đằng sát khí, nên tôi xin ở lại lấy cái ngao đầu “premier” lớp ba mới lên ngồi ghế lớp nhì với ông giáo Chức mà tôi đã khóc tiếc trong một bài nơi đoạn trước.
Thầy tôi, ông giáo Dương, tôi còn nhờ rõ như mới hôm qua, cũng gọi thầy Hai Dương hay thầy Ba Nhì kế đó gọi thầy Ba Nhứt, khi thầy lên dạy lớp trên lớp Ba Nhứt của trường tỉnh Sốc Trăng.
Nói cho có vong linh thầy làm chứng, thầy tôi đã từ trần ngót một năm nay, trong khi đứa học trò của thầy là tôi đã được sáu mươi lăm tuổi đầu và trong khi thầy, vốn lớn hơn tôi từ tám đến mười tuổi, như vậy đã đếm bảy mươi ba hay bảy mươi lăm cái thu sương đông lạnh, cái tiếc hối như vậy cũng không nhiều lắm đâu, phải không thầy? Bây giờ đời tệ bạc lắm thầy ôi. Tuổi như con mà có kẻ đã rủa sao không mau chết để tránh chỗ cho họ lên ngồi, lên thay thế. Huống chi những người thất thập dĩ thượng như thầy. Họ ác đức lắm thầy ôi! Bọn già như mình đi phải lắm. Tôi cũng muốn đi như thầy phứt, hiềm vì phận sự chưa rồi, con cái chưa an phận nên đi chưa đành ấy thôi.
Nhớ lại thuở nào thầy là người hiền từ nhứt trong các nhà dạy dỗ. Bây giờ các thầy đã yên giấc dưới cỏ xanh. Nói chí riêng, thương thì để bụng, tôi xin chép lại chút ít mối tệ, chút ít thôi, gọi đánh dấu một thế hệ đã qua và nói đúng sự thật và theo tôi hiểu, có hai bên vai vác chứng minh.
Ông TRẦN VĂN VẬN - Năm 1909 tôi vô học vỡ lòng lớp năm với ông giáo Trần Văn Vận. Ông bận áo bành tô sáu nút bố trắng, hiền hậu. Ít đánh học trò. Giỏi tâm lý và có tính hay dỗ ngọt mà dàn xếp mọi việc đều khoa học trò nhỏ rất mến thầy và đều muốn được chính tay thầy dạy dỗ. Tôi vô lớp thầy, ôm theo tập Methode de lecture illustrée tác giả là ông J. C. Boscq đã bán cho tôi nhiều bộ sách ngày nay vô giá, nay tập sách Boscq đã mất rách nhiều trang vì đã chuyền tay qua các em tôi học thêm một thế hệ nữa rồi mới trở về tủ sách nhà. Tuy hư rách nhưng tôi giữ kỹ lưỡng như vật kỷ niệm buổi ấu thơ. Thưa thầy, bây giờ có cải nạn khinh rẻ những gì đã xưa. Nghe đâu bên Tàu, họ đang đập phá miếu ông Khổng Tử. Tin ấy có đúng chăng, dầu sao khi nghe tôi tiếc quá vì uổng công miếu được gìn giữ đã nhiều đời tôi có hình ảnh trước mặt đây, nếu vì một chủ nghĩa mới rồi hạ bệ cái cũ đến ngày nào đổi ý, kiếm cái cũ muốn o bế lại thì cái cũ đã tiêu mất đi đời nhà ma, đâu còn nữa mà o với bế, phải vậy hay không, thưa thầy?
Ngày xưa ở bên Pháp, có một lời cổ ngôn dặn khéo: “Hãy đốt những gì ngươi tôn thờ và hãy tôn thờ những gì ngươi đã đốt”.
Đời bây giờ tiếng Tây bị bỏ rơi, tôi cũng quên lần và nay nhớ thầy, muốn nhắc y nguyên văn mà không tài nào nhớ nổi, tự thấy thèn thẹn bên lòng. Chớ chi tôi còn đi học, chắc phải lục hết bốn năm tủ sách tại nhà để lìm cho ra một câu Pháp văn; nhưng thầy đã mệt, dầu tìm được, đọc lên thầy đâu còn nữa mà nghe?
Ông Cao Đắc Lý (Lợi) - Năm 1910 tôi chỉ thuộc cửu chương được có một bảng “nhân cho 5” thế mà thầy tôi ông Vận, cũng cho lên lớp tư nhì (cours préparatoire), đời xưa học trò đã ít thêm được thầy thương, nghĩ lại may quá!
Tôi còn nhớ lên học lớp tư, thầy giáo là ông Cao Đắc Lý, sau lên huyện hàm, rồi được cử làm hương chủ làng Khánh Hưng là làng sở tại tỉnh Sốc Trăng kể từ khi Tây trở lại sau năm 1945, ông được chọn làm nghị viên cố vấn, để rồi một đêm tối trời, vô trật tự, những ai đâu dậy lên kéo về đốt phá thành phố Sốc Trăng và giết thầy Nhứt Lý của chúng tôi, nghĩ thật ngậm ngùi thay cho con người sanh đời ly loạn.
Ông theo đạo Phật, tu tại gia hơn hai mươi năm về trước. Ông không có lòng a dua nịnh bợ ai, ông đốt mỗi tháng không biết bao nhiêu giấy tiền vàng bạc gởi về âm ty cho vào âm khốn. Tôi nghĩ đốt uổng phí tiền mà không dám nói ra lời nào bàn bạc khuyên thầy lúc còn sanh tiền.
Nhưng khi nghe thầy nhận chức nghị viên của Tây đề cử, tôi có nói rõ: “Thầy nhận e có việc không lành. Tôi biết tánh thầy hiền lương, nhưng thầy cứng cỏi ít che giấu sự thật và thầy hay rầy la kẻ dưới tay, e có đứa nó thù vặt”. Thầy ra làm hương chủ, cái chức không danh vọng gì, tôi có nói với thầy xa xôi: Đời bây giờ, phải du côn ra làm làng thì đám du côn mới sợ. Coi chừng thầy hiền, bị bọn bộ hạ nó bán đứng, nguy lắm!”. “Tôi bạo gan lấy gương một sư cụ ở Mỹ Tho làm tỷ dụ cho thầy cười chơi. Số là ba mươi ngoài năm về trước, ở Mỹ Tho vào những năm kinh tế khủng hoảng nhứt, có một anh xe kéo rất là ương ngạnh. Đường chạy từ chợ Mỹ Tho vô xóm Xoài Hột, lối mười ngoài cây số ngàn. Theo tà líp (treo giá hồi đó mỗi cuốc là hai cắc bạc (0$20), nhưng vì thiên hạ hết tiền nên ít ai đi. Thét rồi anh kéo xe bày ra một kế và vẫn thành công là anh rao mời nài nỉ từng người bộ hành quen biết, hạ giá mười lăm xu mỗi cuốc, người nào sớn sác ham rẻ, leo lên xe ngồi cho anh kéo, đến nửa độ đường, anh hạ hai gọng xe xuống, đòi tiếp một cắc rưỡi không đi nữa, báo hại bộ hành cuốc buộc mỏi chân chơi, bằng ai sợ mỏi, mượn cha phải trả đủ hai cắc bạc anh mới chịu kéo đến chợ Xoài Hột như lời giao kết. Đến lượt một bữa nọ, vỏ quít dày gặp móng tay nhọn, anh xe kéo gian hùng đụng đầu sư cụ chùa Xoài Hột. Sư cụ ra chợ Mỹ Tho có việc cần, rồi sư cụ gặp anh xè kéo đang kiếm mối, y mừng cũ mời ai đi Xoài Hột một cắc rưỡi bạc thì đi. Mời sư, sư đáp: “Nói thiệt, tôi chỉ còn đủ một cắc rưỡi thôi, nhưng tôi không lòng nào lợi dụng một người lao động như chú em. Thôi thà đi bộ mà khỏi mích lòng ai cả”.
Nhưng anh xe tường gặp mối bở, cứ kéo xe rề rề ép nài sư cụ, đinh ninh đi xe mau lẹ hơn và quả quyết bằng lòng chạy đến nơi đến chốn với giá mười lăm xu như giao kết. Sư cụ thầy anh gắn bó quá nên đành lên xe ngồi cho anh kéo. Nhưng chạy được nửa phần đường, anh xe ăn quen mấy kỳ trước nên kiếm chuyện quyết đòi tiền mười lăm xu là chạy tới đó chớ không chạy nữa, sư cụ xuống xe, xắn tay áo bên mặt, lòi ra một cánh tay gân guốc trên da có xăm một con hổ giỡn với rồng và một hàng chữ Nho li ti, đoạn vén tay áo trái, bày ra một cái thẹo to gần giáp cánh tay. Sư cụ cười gằn: “Mô Phật! Trước khi vào chùa ăn cơm của Phật, tôi đã từng ăn cơm Khám Lớn Sài Gòn và từng ăn mẫm mục Côn Nôn, vì tội sát nhơn, em à! Vậy em hỏi thử hai cánh tay nầy xem có chịu đi nữa hay không?” Anh kéo xe ríu ríu trả lời: “Thôi! Tôi biết rồi. Mời thầy lên!”. Nhưng khi đến chùa sư cụ vô lấy thêm năm chiêm nhập vô một cắc rưỡi cho đủ hai cắc, trả cho anh xe vừa cười, vừa khuyên: “Lấy hai cắc đây cho thấy nhà chùa không lường công ai cả, nhưng tự hậu đừng vậy nữa”.
Tôi nói tới đây, thầy tôi, ông họ Cao, cười và quở tôi sao dám bịa đặt, trong khi thầy bị ám sát, mới thấy hiền không không đủ, tu không cũng chưa đủ, phải già kinh nghiệm, từng đạp lửa lăn chai, nếu ham làm chức nọ chức kia, rủi thiếu kinh nghiệm bị kẻ tiểu nhơn bộ hạ xỏ mũi làm bậy thì cũng bị hại lây đó thầy ôi. Làm làng hay làm bộ trưởng, tổng trưởng cũng cùng một thế ấy.
Ông Phan Thanh Viên - Năm 1911, tôi lên lớp tư nhứt, gặp một ông giáo. Ông gốc người Bến Tre, họ Phan. Mượn tiền Ba tôi không được, quất tôi mấy roi có lằn, chiều mẹ tắm kỳ lưng thấy vết phải năn nỉ Ba tôi bằng lòng xa nhe (signer) ký tên cho thầy vay bạc Chetty năm chục đồng (mà sau thầy đổi về xứ không trả và Ba tôi phải gánh chịu nên chuộc giấy nợ về nay tôi còn giữ).
Có ký tên bảo lãnh nợ, thầy mới chịu tha đòn. Không phải hôm nay tôi khai tệ, ơn thầy một ngày dạy dỗ cũng là ơn, nhưng nếu thầy còn sống nghĩ lại coi, ngày nay học trò phản thầy không tưởng niệm cung kính như xưa không phải là không duyên cớ.
Ông bị hoả hoạn cháy nhà. Tôi đội một thau gạo xách một xâu khô cá lóc tại nhà không dám ăn, đến biếu thầy thầy không nhận, tôi phải đội gạo về, nặng chớ phải chơi. Cằn nhằn với mẹ sáng không dám đi học, mẹ tôi dỗ, lén nhét một tờ giấy “năm đồng bạc lớn của thuở ấy”, nhét vào túi áo lá liễu của tôi, dặn đừng làm rớt và nhớ vô lớp đưa cho thầy. Thầy cười nói gọn lỏn “về nói cám ơn anh Ba và chị Ba”. Té ra xâu cá lóc và thau gạo kia là để kiếng các cụ đồ chữ Nho đời xưa, chớ từ khi có chữ quốc ngữ, sức bực “con gà của Tú Xương còn biết ăn bạc” huống hồ thầy là người tuy dạy rất giỏi nhưng tánh ham bài bạc. Tôi nói hơi nặng lời, xin thầy tha lỗi, không phải một mình thầy. Đời nay, gà và gái, ai ai lại không thèm thuồng đô xanh, đô đỏ, ô tô đẹp, máy truyền hình, tủ ướp lạnh mới được, chớ lễ mễ ít ỏi, bọn nó làm cao bắt tôi ra toà để chứng minh trong sạch.
Tôi nói đến đây cũng vừa không nói nữa. Tại tôi già chuyện, chớ hôm nay tôi chỉ muốn thành thật khóc thầy cũ của tôi là ông giáo Nguyễn Văn Dương.
Về nết xấu ai lại không có, nhơn vô thập toàn. Thầy Dương có cái tật như đàn bà, ưa ngất véo. Thầy sắm một roi mây nhỏ xíu rất dài, khi viết đít tê (ám tả), thầy đứng sau lưng thấy lỗi, thầy quất nhẹ thôi nhưng đau điếng, đau một cách khó chịu vì thầy chỉ quất trên lưng, giữa xương sống, gãi trên vai gãi xuống thì gãi không tới, còn lòn tay xuống từ nách gãi lên, cũng vẫn không vòi tới chỗ bị đòn, thầy đánh thiện nghệ, lằn roi cấn ngay xương sống, chỉ có nước la “úi cha!” và hít hà cho đỡ rát. Nhưng chúng tôi không giận và nghĩ lại rất thương thầy. Thầy tánh vốn hiền, nghe la thì thôi quất, ngưng lại cắt nghĩa và nhờ có ăn roi nên lâu quên.
Thầy cũng ưa ngắt con chuột, thầy lấy hai móng tay bấm vào da non đau điếng hay thầy véo lỗ tai. Nay thầy đã không còn, muốn được hưởng cái lạc thú “bị ngắt con chuột” kia nào được? Ngoài ra thầy có nhiều nết tốt: không thọ của hối, không mượn hỏi tiền bạc cha mẹ học trò. Thầy dạy rất cần, chẳng kém ai, lại được thầy ít đánh nhừ tử như các thầy lớp khác. Học trò thầy đào tạo nay thành danh rất nhiều hạng như tôi không kể.
Thầy đã xe hạc về trời. Lượt bác sĩ Nguyễn Văn Sang, anh Ph., anh Tr., và cũng gần sắp đến lượt tôi. Mai nầy tôi bay ra Huế dạy học. Muốn viết “lên đường” thì trật lất, thêm cái một “lên đường xuống đường” ngày nay ngán quá. Ngày mai tôi đi vắng vài ngày, thế mà hôm nay còn có dịp tiếp ba học trò cũ Văn Khoa đến báo tin chẳng lành thầy đã qui tiên, tôi vội viết gấp mấy hàng nầy vĩnh biệt. Thầy đào tạo tôi, tôi may mắn gặp nơi Đại học Văn Khoa năm trước, một sinh viên gốc Sốc Trăng, té ra đó là Nguyễn Danh Sĩ, con của thầy.
Thầy mất mà danh tồn tại, tôi muốn được như thầy. Huy luỵ kính điếu.
(Sau đây một tờ vay bạc năm 1911 để thấy một chứng tích vay bạc chà).
Soctrang le 3 octobre 1911 B.P.$60.00
Bên hông có dán một con niêm 5 xu đề: “timbre proportionnel”
Effets de commerce 100$ ét au dessous.
Nous soussignés, paierons solidairement à l'ordre de Monsieur Sina-Ana-Sina-Sinnachetty, banquier indien, la somme de SOIXANTE PIASTRES, valeur reue comptant, en CINQ termes mensuels et égaux, à compter de ce jour. Faute de paiement d'un terme échu, ou bien en cas de départ de la colonie, la créance entière deviendra exigible avec un intérêt de. p.% par mois ; mais elle ne pourra être remoursée, par anticipation avant l'expiration des termes ci-dessus fixes, et sans le consentement dudit créancier.
Pour l'exécution des présentes, les parties déclarent élire domicile à Soctrang.
Ký tên: Ph. th. V, instituteur.
Ký tên: V. K. H
Dịch:
Sốc Trăng ngày 3 tháng 10 năm 1911
Tờ vay bạc: 60$00
Chúng tôi ký tên như dưới đây, liên đới ưng hoàn cho ông Sina-Ana-Sina-Sinnachetty, người cho vay bạc quốc tịch Ấn Độ, một số đã nhận đủ số, lời giao trả làm năm tháng bằng nhau, là bắt đầu kể từ ngày nay là ngày ký giấy nầy. Nếu quá hạn một kỳ đã qua mà chưa trả, hoặc giả vì (chủ ra bạc) phải rồi thuộc địa nầy, thì trọn số nợ có thể đòi làm một lần một với bạc lãi cuối tháng là... %.
Số bạc vay nầy không được bồi hoàn trước kỳ hẹn, nếu không có sự ưng thuận của người chủ nợ.
Cá hai đàng, chủ ra bạc và người vay bạc đều khai chọn Sốc Trăng làm nổi cư trú chánh thức
Ký tên: P. th. V., Giáo chức.
Ký tên: V.K.H (Vương Kim Hưng)