Hơn nửa đời hư

29 (tt)

Tong Yeou-ki

(Saigon - Taipei - Tokyo)

(28 Aout - 12 Septembre 1963)

Đông du ký (Sài Gòn - Đài Bắc - Đông Kinh (28-8 đến 12-9-1963)

Đây người Tàu ăn.

Tháng 9 năm 1963, tôi lại được chánh phủ Trung Hoa Cộng Hoà, do lời mời của phó tổng thống nay đã mất là ông Trần Thành, cho tôi sang viếng Đài Loan để bổ túc sự học hỏi về đồ gốm và đồ sứ cổ Tống Nguyên Minh Thanh, lúc ấy còn chôn dấu trong bụng núi ở Đài Trung. Luôn tiện tôi xin xuất tiền túi, sang viếng trong bảy ngày xứ Nhật Bản, để hiểu biết thêm về đồ đất nung của cựu kinh đô Tây Kinh (Kyodo) và viếng một làng nhỏ nhưng hết sức quan trọng đối với tôi là làng Imbé, chuyên chế tạo đồ đất nung theo phương pháp cổ truyền học được từ đời Tống Kể ra, về khoa khảo cổ thì tôi sút kém hơn nhiều người duy nếu nói đến cái ăn cái uống, thì ai đi tới đâu tôi đi tới đó, và nhờ trời cho, bấy lâu há dễ chịu thua ai. Tôi đã nếm cơm Tây từ sang đến hèn, từng thưởng thức món thịt trừu nướng theo kiểu Hồi ăn với cà chua (tô mát), duy chừng bước chân lên cù lao Đài Loan, là quê hương của Trình Thành Công, vì được ăn họ theo vua Minh, quốc tính, nên Pháp và hoàn cầu gọi Koxinga (Quốc tính gia), Đài Loan cũng là thuộc địa cũ của Nhựt, đến đây vì ăn khía nhiều ngày thịt và mỡ dầu của đầu bếp Tàu, thú thật khi ấy tôi mới sáng mắt học được chút gì về khoa ẩm thực và ý nghĩa cuộc sống của Đông Phương. Ở Đài Loan, ăn toàn thịt mỡ, xì dầu, ngày nào như ngày nấy, khiến bắt nhớ nước mắm hòn Phú Quốc và nhớ mấy bữa đạm bạc cơm đỏ, và rau của nước nhà quá xá. Có ai dè, trót sanh ở xứ mắm bò hóc xứ Xoài Cả Nả (Sốc Trăng), nên làm gì thì làm, cái gốc khó quên, và dẫu đi đến đâu, ăn được nếm được thức gì ngon cách mấy, tôi vẫn không quên tô bún nước lèo đất mẹ, nhứt là khó quên cọng bông súng Phụng Hiệp (Cần Thơ), khi thèm không có súng chỉ, dẫu bông súng trâu lớn cọng và cứng, thậm chí bây giờ ở xa Phụng Hiệp, hôm trước tạm dùng bông súng kiểng, đồng bào hụt tiền, cắt bông súng trồng làm cảnh, đem ra chợ Gia Định bán, bà xã mua về, tôi lùa một hơi bốn chén cơm gạo lức và hai tô súng óc nhóc, ngon lành, có cần gì bông súng chỉ. Kể về món mắm và rau, vừa cỏ lá hẹ, rau đắng, bông súng, bắp chuối hột xắt ghém, một điều kiện cần nhứt là phải có rau dừa mới đúng là ăn mầm và rau. Thứ rau gì quái gở vầng ăn thì thèm, nhưng khi dọn lên bàn, thấy ngán ngán. Có thứ rau dừa trơn tru sạch sẽ, lại có thứ, ác nghiệt thay ông trời, là rau dừa nầy mỗi bẹ, mỗi kẹt nách lá, đều kèm chêm một thứ bông trắng trắng xốp xốp, mỗi lần ăn, tuy vẫn rửa thật sạch, có khử thuốc tím, nhưng khi lùa vào miệng bắt nhớ chừng và tưởng tượng, nhớ mấy cục bông gòn đã dùng rồi và thường thấy trôi lều bều cạnh khu Dưỡng lão viện ruộng cỏ hoang, ruộng rau muống vùng Thị Nghè, ngồi xe buýt đi ngang thấy họ vẫn hái và mình vẫn ăn, mà chưa thấy ai chết vì nhiễm vi trùng rau dừa có kèm cục bông gòn trắng trắng, của trời xanh. Biết ăn, nếu thiếu món rau dừa, nách lá có kẹp cái gì lốp đốp trăng trắng ấy, thì bữa cơm mắm và rau dẫu ngon cách nào, tôi cũng cho là vô vị và còn thiếu.

 

Ngày thứ nhứt trên đường đi Đài Bắc, 11-9-1963

- Buổi đầu, trước khi lên đường, không thấy gì là hứng thú. Trước một ngày, vào chiều tốt trời, hai anh bạn học cũ trường Chasseloup đãi một bữa cơm Cầu Bang Ky, ăn chạo tôm, ngon mà phá bụng. Thứ tư 11 tháng chín, tám giờ sáng, xuống hãng CAT lấy vé máy bay, ghé cám ơn ông Nguyễn Hữu Nhứt ở Air France đã chu đáo lo lắng giùm mọi việc. Trưa về nhà ăn cơm dằn bụng trước khi bay, có gỏi cháo gà ngon đến, mà không dám gắp săn đũa, sợ nó lỏng bỏng bất tiện. Đúng 11 giờ, sau một trận mưa lớn, mẹ con nó đưa xuống nhà hàng Caravelle rồi chia tay từ giã, mình ăn xách hành lý theo xe ca của hãng lên sân bay Tân Sơn Nhứt. 13 giờ 35, máy bay cất cánh, bay thẳng thét đến Hương Cảng là 16 giờ 50, xuống sân, chờ thủ tục khám hành lý xong, lên xe về khách sạn Golden Gate, tôi đã nói rồi trong bài trước, duy phải nhắc bữa cơm Nga hôm ấy. Tôi ăn hai món, một món canh Nga và một thứ bánh nướng có phó mát rắc trên mặt, đã lạ miệng thêm nhẹ bụng. Khi tôi lồng khẩu một hớp Vodka, mặt vừa hứng, nhớ buổi xưa ông Tào thường trăng trước trận Xích Bích và râu chưa cháy, dòm trước nhìn sau, hai anh bồi bàn không cần biết đỏ hay trắng, duy thấy áo ủi thẳng thơm, cổ gài nút tới cằm, đứng thẳng lưng hầu hạ lễ phép, cách phụng sự tới bực nầy chớ không hơn nghĩ cho Ô Nam Dành (người Việt Nam) như mình làm vầy, nay được người Nga chính cống đứng dọn ăn, không hãnh diện ra mắt, nhưng tự khoái trong lòng, ai thấy.

 

Bữa thứ nhì trên đường xuất ngoại Đông Du, 12-9-1963

- Kể từ ngày biết viễn du, khi ở Pháp, khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, không bước nào khổ tâm bằng khúc đường Hương Cảng đi Đài Bắc- Con đường chỉ cách có 1 giờ 15 bằng phản lực cơ, thế mà chờ chờ đợi đợi, mất gần trọn một ngày ở sân bay Cảng Thơm, lóng nhóng như chực cơm khách. Sáng sớm ở Golden Gate, vừa điểm tâm xong thì xe ca lại rước ra sân bay rồi bỏ trơ lại đó. Theo chương trình 11 giờ là máy bay cất cánh, như ai khác giàu tiền, thì cứ đi dạo cho đã, rồi đúng giờ đi xe có trả tiền ra ga còn kịp chán. Sau mới biết vì có bão nên chưa cất cánh được. Trong bụng thầm lo không biết một tiếng Anh lót đường, cũng không sẵn một tiếng Tàu chỗ vốn, cuộc hành trình xa diệu vợi, thời tiết lại xấu, thì giờ của mình vả chăng có hạn định, mà bắt đầu phí phạm kiểu nầy, thì uổng tiếc quá 12 giờ 30, có loa mời hành khách đi Đài Bắc qua phòng kế bên dùng bữa trưa, tuy không ngon nhưng phải nuốt phòng hờ. Cơm rồi có loa gọi hành khách hãng CAT đi Đài Bắc, hãy túc trực ra sân chực lên phi cơ. Đến phiên mình trình vé ra cửa, một cô chiêu đãi con cháu ông Tưởng, đầu đội mũ lệch, trâm một hơi tiếng Quan hoả xập xí xập ngầu, sau có người dịch lại mới hiểu cô bảo mình nán chờ phiên sau, rõ sướng chưa? Có mấy cha dòng Jésuite (dòng Tên), vừa quen trong bữa cơm ban nãy, đi được chuyến nầy, lấy mắt ngó mình và cười, duy lão I Pha Nho (Tây Ban Nha) ngồi chung bàn, đã lên được tàu bay, khi không thấy dạng mình, thì lật đật xuống thang trở lại tìm, hỏi han và an ủi hết lòng, khiến mình cảm động và có dịp so sánh, trên bước khách địa tha hương, kẻ tu hành lại không giàu lòng bác ái bằng một phàm phu lạ hoắc. Mãi đến 15 giờ chiều, mới đến lượt mình lên chuyến CAT-74, nhưng máy nổ nghe lớn và bay rì rì quá chậm, dòm ra ngoài cửa kính, mây bay vun vút, hột mưa đều đều, bụng càng thêm ngao ngán 17 giờ 15, đến sân bay Đài Bắc, mưa còn ướt sân. Có chư huynh đệ ở đây, Bác vật sử quán và Khuê viện chực từ lâu, rước về khách sạn đã dặn sẵn, dọc đường thấy cảnh ngập lụt nóc nhà tróc ngói, tường sập, cây đổ, thì quả phen nầy mình không biết lựa ngày phiếm du. Đến khách sạn thì gặp cảnh thành phố không có điện, dây đèn đứt, trong nhà đốt đèn cầy (nến) leo lét như có tang. Lát sau dọn cơm tối, bữa tiệc khá sang, nhưng chỉ bốn món; một tô canh giò heo chưa chuốt Bắc (thú), một đĩa nấm Đông cô (thảo), một đĩa gà luộc (điểu), một đĩa cá chiên (ngư), rất vừa miệng, nhưng món nào như món nấy, nêm toàn xì dầu có khoả một lớp dầu mè nặc mùi Trung Quốc. Lạ miệng, bụng đói, ăn ngon, xức đến bốn chén, nhưng nhớ lại ngại cho lá gan và bao tử. Đất chưa quen, đường chưa rõ, ngày mai và ngày mốt ra sao, chưa biết. Đương ăn đèn bỗng tắt, đốt đèn cầy trong, như bữa cơm ma. Tiệc xong, định từ giã để lên lầu nghỉ một giấc lấy sức, nhưng nào có được. Một ông xưng đại diện cho bộ Quốc gia giáo dục, mời ra xe chờ sẵn, dạo phố một vòng. Mình thối thác vì đã thấm mệt, vả lại trời đã về khuya, mười giờ gõ rồi, để sáng mai phải điệu hơn. Nhưng ông mặt mày buồn xo, thú thật một phen được ăn tiệc ngon, ông được chỉ định dùng ô tô chánh phủ đưa mình đi chơi và ông tháp tùng cùng đi cho sướng, nay mình từ chối, hoá ra ông thiệt thòi mất bữa được ngồi ô tô. Thôi thì vị bụng, lên ngồi cho ông vui, xe chạy vù vù, ông thì thích thú, tôi thì ngủ gục!

 

Bữa thứ ba trên đường Đông du

- Dè đâu theo lịch bữa nay là ngày đại kỵ vendredi 13, nhưng trái lại đi đến đâu cũng thành công mỹ mãn, buổi sáng làm gan tắm nước lạnh, mà không sổ mũi. Thay y phục rồi lên lầu có bán đủ món điểm tâm Tây, Tàu, Mỹ, kêu một tách trà và một đĩa nho tươi và bánh mì nướng thoa bơ, xong rồi chưa thấy ai lại rước, bèn xuống phố thả bách bộ trước nhà hàng. Thấy bày bán, nào thịt bò khoả hủ tiếu, mỡ rán, tào hũ chiên, y như trong Chợ Lớn không khác, đặc biệt là có thứ đậu hũ mùi rất hăng, đánh hắc vào mùi khi đi ngang hỏi ra đây là đậu hũ để lâu (đến có giòi), nghe nói biết ăn thì khoái khẩu lắm, định bụng muốn ngồi xề lại làm thử cho biết, nhưng ngấm trước xem sau, không chi đến đây kể như phương diện quốc gia, làm như vậy coi sao đặng? Ôi, cũng là sĩ diện hão, mình chưa biết hưởng hạnh phúc. Nếu trời cho có dịp, phen khác mấy sẽ biết tao! Trong chương trình, bữa nay phải viếng Bộ giáo dục, Bộ ngoại giao, Bác học viện, Á châu đồng minh hội. Sử quán Việt Nam. Khoa học quán, Khổng học hội, Trung ương thơ viện, cũng may: đến đâu đáp ứng không vấp váp. Trưa cùng anh em đồng nghiệp Quốc sử quán và Bác vật quán cùng dự tiệc; cũng gà hấp, nấm xào, canh dê, cá chiên, cũng dầu mè nổi trên mặt xì dầu. Tối lại, tiệc long trọng hơn, có tám người và tôi, đãi tại Bộ ngoại giao gồm; 1) Bao Tôn Bành (Ignatius Pao), giáo sư kiêm Bác vật quán quán trưởng (mất); 2) Vương Du Thanh, Quốc sử bác vật quán chủ sự (sau thế cho ông Bao); 3) Trang Phục Tổng (Choang Fu Trung), Trung ương đồ thư quán quán trưởng; 4) Cheng Cheng, tác giả một tiểu thuyết Pháp văn “La mère" (ông nói trùng tên với tôi, và ông xưa là "Sển Thành"); 5) Một quan viên cao cấp Bộ ngoại giao, khuyết danh; 6) Trương Long Đình (Loan Chang), giáo sư nhân viên của hội Unesco; 7) Trần Chí Hoàng (Chen Chinh Hoang), Đài Loan tỉnh lập Bác vật quán quán trường; 8) Diệp Hải Minh, sinh viên đại học canh nông, đã đậu kỹ sư, người Đà Nẵng, thạo Quan hoả, giỏi tiếng Anh và nói được tiếng Phước Kiến, làm thông dịch cho tôi suốt buổi Đông du (ông Minh bây giờ ở đâu?); 9) Và kẻ hư nầy.

Tiệc dự chín người, dọn chín món vĩ vèo; bốn món ăn chơi, chả cá, cá chiên, bí đao hầm, cơm rau, chè ngọt, rồi trở lại món mặn, hột vịt chiên dùng với bánh bao to tổ nái và đặc ruột, ăn một bánh đủ no trọn ngày, hơi lên tới cổ.

 

Bữa thứ tư trên đường Đông du

- Ngày nay kể ra là ngày thứ hai ở Đài Bắc. Lại thành công nhột phen nữa. Sáng 9 giờ 30, có công xa đến rước tại Viện Hành chánh ra mắt phó Tổng thống, Vương Vân Ngũ tiên sinh. Ông thay thế cho phó Tổng thống Trần Thành tiên sinh, mặc dầu sức khỏe không tốt nhưng Trần đại nhân cố gương đi chẩn bần và vấn an dân chúng các nới bị lụt, tôi vô phúc không chào và cám ơn người được, nay người đã tạ thế. Vương phó Tổng thống, người quắc thước, trông giống Clémenceau trong tương vẽ với cặp chân mày bạc trắng, chuyện trò niềm nở. Đến trưa Trần Chí Hoàng mùi dùng bữa riêng. Vì ông là người Quảng Đông, nên tôi gặp lại heo quay, xá xíu, vịt quay và nhiều món khác y hệt bữa cơm tàu trong Chợ Lớn.

Cơm rồi là 2 giờ chiều, về phòng nằm chưa nóng lưng, 3 giờ có xe rước đi Dương Minh Sơn, ra mắt cụ Trương Kỳ Quân, trước là Bộ trưởng giáo dục, nay là Chủ tịch viện quốc phòng, trên có Tưởng Tổng thống rồi kế là ông. Tiên sinh bổn thân đưa tôi đi xem khấp Viện Quốc phòng, đưa lên lầu ngắm cảnh Dương Mình Sơn. Một mùi khẳn khăn khai khai bỗng bay lại, khiến tôi bất kính, ngầm tưởng đó là mùi đặc biệt Ba Tàu, ở đâu cũng có. Sau rõ lại là tôi lầm to, có tư tưởng không tốt. Dưới Dương Minh Sun có mỏ diêm sanh, lưu hoàng. Vì ban nãy có mưa nên hơi diêm bốc lên, nên có mùi đặc biệt thum thủm. Tôi là thằng hư, nghĩ bậy. Chỗ nầy, sơn thanh thuỷ tú, có suối nước nóng trị được các bịnh ngoài da nhứt là ghẻ chốc. Một danh thắng, ngày lễ và chúa nhựt, trai thanh gái lịch dập dìu, mấy ông Mẽo đến đây tắm ghẻ. Buổi tối, Trương tiên sinh thết tiệc, đãi bảy người, gồm chủ nhân là ông Trương Kỳ Quân, ông hiệu trưởng Hành chánh, ông Bao Tôn Bành, ông Diêu Cốc Lương, thông dịch viên Diệp Hải Minh, một người bạn riêng của Trương chủ nhân, xưa ở Hải Phòng, mẹ là người Hà Nội, thế là ông lai Tàu, và tôi Tàu lai. Tự Trương đại nhân đứng vẻ cá, gắp từ món ăn, để vào chén riêng rồi trao cho hiệu trưởng Hành chánh kiêm bí thư, trịnh trọng dâng tận tay tôi. Thật là quá ư trọng thể, làm tôi ngượng nghịu, những thẹn thuồng, nghĩ cho mình đâu có xứng đáng được một học giả kể đồng hàng với Hồ Thích, biệt đãi như vầy. Nhưng họ đã vẽ viên như vậy, mình biết làm sao? Bữa cơm không có rượu. Lạ một điều là ăn năm món mặn xong, kế dọn một món ngọt, thịt quay nấu đường, mình tưởng là chè, lúc nhỏ ở Bãi Xàu, đã từng nếm và biết đó là món "ngào bà", ăn ngà bà rồi, mình mừng tơn, cũng vừa đủ no, ngờ đâu chủ nhân sai dẹp đĩa chén cũ và bày đĩa chén mới và bày thêm năm món mặn khác nữa, trong số có một đĩa mì to tướng và một đĩa có bảy cái bánh bao đặc ruột lớn bằng trái bưởi Tân Triều (Biên Hoà), thứ trộng. Khách đứng dậy lễ phép hỏi ăn ngọt rồi sao trở lại ăn mặn, chủ nhân cả cười, trả lời rằng nửa tiệc trước là ông thay mặt Trần Tổng Thống đãi người khách Miền Nam, còn nửa tiệc sau là của ông chào người bạn mới, Trần Tổng Thống là người phương Nam nên ban nãy dọn thức ăn phương Nam, nay ông là người phương Bắc, xin khách hạ cố nếm cho biết hương vị của món ăn tệ phương. Cha mẹ ôi! Tôi đâu có được hai cái bao tử như loài nhơi là bò hay lạc đà. Nay chủ nhân đã quá yêu, dâng tận tay một cái bánh bao nguyên làm vầy, và tôi đã cúc cung nhận lãnh, tôi phải ăn dộng làm sao cho hết cái bánh thì làm, cha chết mẹ chết rồi, nay có tử mạng sa tràng thì cũng phải ráng chịu. Có người đã căn dặn trước, phong tục xưa tại xứ nầy không cho phép từ chối và không cho phép bỏ mứa, bỏ mứa và từ chối là vô lễ không vô lễ nào bằng. Hèn chi, bây giờ nhớ lại tôi mới hiểu, năm ngoái có một ông bạn thân (ông Phan Thế Hi), ông từng sang đây trước tôi, ông ăn có mấy bữa cơm Tàu như vầy, rồi chuyến về, nhớ đâu ông vô nhà thương Grall, nằm mấy tháng gì đó rồi đi nằm luôn nơi Bắc Kỳ nghĩa trang, không chờ dậy. Ông có thổ lộ với tôi, đang giữa tiệc mặn, ông cũng tưởng biết chữ Hán; ông bút đàm, lấy viết viết mấy chữ, tưởng xin một tô mì chay, nào dè đọc rồi, thấy dọn ra nguyên một cỗ tiệc khác toàn là rau nấm, xối toàn dầu phộng dầu mè. Rồi cũng vì rán thủ lễ, ông nhậm trọn bữa tiệc nầy rồi cớ sự như đã biết. Phan cố nhân đã cho tôi một bài học, gương bánh xe trước gãy, xe sau nhớ hoài. Mãn tiệc, Trương đại nhân sang thư viện lấy một cuốn của ông soạn, nói về địa dư và phong tục Việt Nam, đề tặng tôi ông hứa chừng nào bộ biển khảo về Gia Cát Vũ hầu ông viết xong, sẽ gởi qua làm kỷ niệm, độ chừng bốn chục tập, nay chỉ rồi nửa bộ. Ơn người quân tử, đến nay chờ chực nào thấy tin. Chúc ông bình an vô vạn. Tiệc mãn rồi, ông sai người nhà chụp vài bức ảnh, rồi tự đưa tôi ra cửa, mở cửa xe cho lên, thiệt là quá trân trọng. Đến nay áy náy chưa quên.

 

- Bữa thứ năm trên đường Đông du Đài Bắc

- Bữa nay chương trình chừa cho vài giờ thong thả, nên thừa dịp, điểm tâm xong, tôi cùng ông bạn nhỏ Diệp Hải Minh, mua sắm vài món và dặn làm cho một bộ bài mã tước để về kỷ niệm. Cám ơn tân kỹ sư Diệp, có lòng tốt, tận tình phiên dịch và giúp đỡ trên bước đường xa lạ, ông bạn thanh niên lớp mới thú thật được cùng dạo chơi mấy bữa và bước chân vào những nơi thuở nay chưa được vào mấy ngày yến tiệc linh đình đã là toại kỳ sở vọng, ơn và nghĩa sau nấy có dịp tái ngộ sẽ hay. Từ ấy bặt tăm nhang cá, cuộc phong ba sau đó có vướng bận chân em chăng? Còn qua thì như trái chính Cũng bữa nay, gặp bảy cây ngọc Như Ý, đã nói rồi.

Trưa dự tiệc tại Trung ương thư viện, mình mặc bộ nhung y duy nhất đã phai màu, nhuốm bụi phong trần từ mấy tháng Tây du, dòm lại chung quanh, mười một vị tân khách, áo rộng thùng thình là cựu học giả lớp xưa, bộ đại phục thiệt kẻng là tân nhân vật đào tạo từ Mỹ hay Đức mới về, ông cầm quại lông, kính gọng đồi mồi là chuyên gia thâu thanh được đủ giọng loại chim biết hát, thảy đều học giả thứ thiệt, chạy từ lục địa qua đất Đài Loan nối chí Trịnh Thành Công, duy mình là gì, một con gà đem ra đấu trường, không nên khoe vảy khoe lông, chờ xáp trận sẽ biết. Cũng may, cha mẹ cho một gia tài chưa sút ai về nhứt ẩm nhứt trách. Mãn tiệc về phòng chưa thấy khỏe, đúng 15 giờ có công xa rước đi Đài Trung xem cổ ngọc, nhưng xe ô tô không thể chạy suốt và phải sang một đoạn đường qua tàu hoả, vì cầu kỳ bị trận bão vừa rồi đã hư sụp nhiều nơi. Thảm nỗi chưa có xe lửa nên phải chờ, mất thì giờ đáng tiếc. Lóng nhóng ở Tân Trúc đợi xe, thả một vòng chợ, thấy có một ngôi chùa cổ y hệt kiểu chùa ở Chợ Lớn hay chùa ông nơi ngay chợ Gò Vấp, Hóc Môn, có một quán đó, là lều phải hơn, che bòng bong vải Hoa Kỳ, hai chị má trái đào bán dưa, có trái xẻ hai, ruột đỏ lòm thấy bắt thèm. Ông bạn dẫn đường, nghị sĩ Diêu Cốc Lương mời thưởng thức một tô mì Tân Trúc. Nuốt chưa qua khỏi nóc giọng đã thấy kém mì Cây Nhãn Đa Kao và mì Cầu Hang Gò Vấp. Xét ra thuở nay mình quen nếm mì của người Quảng Đông, nay gặp mì Tân Trúc là một xóm quê của cù lao Đài Loan, chịu ảnh hưởng nhiều của tỉnh Phúc Kiến, xưa tụi lính Đài Loan theo gót binh Nhựt qua bên ta là Nhựt lô canh, chính là dân ăn mì dở nầy; muốn cho lịch duyệt phải nếm đủ mùi, từ mì Quảng Đông, mì sợi (mì sụa) Phúc Kiến, và qua xứ Tiều (Triều Châu) thì phải nếm tô hủ tíu cá gà có đủ giò heo phá lầu và chả cá dai với chả tôm cắn giòn trong miệng. Người Tiều cũng chuyên môn làm cọng bún dai, ta quen gọi bún Tàu, nhưng người Bắc đã giựt nghề với tô thang có nêm cà cuống và chút mắm tôm, quốc vị. Mảng bàn tán thầm một mình mà không đủ giết thì giờ dư, mãi đến 8 giờ 30 tối, mới có tàu hoả đến rước và chạy suốt một hơi đến 1 giờ khuya mới đến ga Đài Trung. Anh em đưa về hội quán dành cho các giáo sư Đại học đến đây nghỉ hè. Tôi nhận thấy chánh phủ lưu vong Đài Loan rất sáng suốt, không phung phí tiền viện trợ Mỹ, nếu có hà lạm thì tôi chưa biết, duy đáng khen là họ không tham lam ích kỷ bỏ túi riêng, và biết cùng nhau cộng hưởng phần nước, lộc trời dành, tỷ như mời mọc nhau mỗi khi có quan khách xứ lạ đến đây, hoặc chia cắt phận sự cho các chức viên cao cấp, nghị viên đưa dắt dẫn đường quan khách xứ lạc để có dịp ngồi công xa, dự yến tiệc, cùng "nếm của chùa" và vì nước Pháp không có chùa và vì xưa có bà hoàng là ăn to xài lớn, nên Pháp có thành ngữ tương đương với phí phạm của bố thí nhà chùa là "aux frais de la princesse". Ham nói dài quá gần lạc đề, tôi muốn khen đây là chánh phủ Đài Loan biết xây cất nhà nghỉ mát cho nhân viên và cái cao lâu tôi tạm nằm trong vuông phòng khang trang mát mẻ nầy, lấy kiểu cung điện cổ nhà Minh Thanh, mái cong cội đỏ ngói xanh, rất đặc biệt Tàu, không như cái gọi là dinh Tổng thống cũ của ta, nói mà tủi, như cái bánh pa-tê bị mắc mưa, không giống Mỹ, không giống Tây, quên mất kiểu cung điện ngoài Huế, và chỉ văn minh ở nơi cầu xí tối tân, đã có người lầm rửa rau muống trong ấy, vì nó có vòi nước nóng vòi nước lạnh. Và "ối giời ơi", sao mà nước nó trong khe mát thế! Đánh một giấc tới sáng, trừ bữa cơm tối.

- Bữa thứ sáu trên đường Đông du, tại Đài Trung

- Xin cho phép nhấn mạnh hôm nay là 16-9-1963, ngày thứ sáu trên đường Đông du, nhưng đúng là ngày thứ tuổi trên đất Đài Loan, và cũng là ngày đặc biệt nhứt trong đời tôi, riêng trong việc khảo cứu cổ ngoạn, vì chính tôi được mắt thấy và tay rờ rẫm những gì ngày xưa các vua nhứt là Kiền Long, từng chạm thơ ngự chế, hoặc "ngự dụng", "ngự lãm"; viên ngọc ấn của Thanh Kiền Long, nói là năm viên quốc tỷ phải hơn, vì là một chùm năm hòn ấn ngũ sắc, cái màu ngọc bích, cái màu "dương chi", mỗi ấn khắc chữ khác nhau, và năm ấn liên lạc nhau bằng một sợi dây ngọc trong suốt như thuỷ tinh, năm ấn nầy quả là một món báu thế gian duy hữu nhứt. Ngoài ra, và tôi thích nhứt, là đồ gốm men ngọc (céladon) lưu truyền từ gốm Bắc Tống (960- 1127), trong, nặng, tiếng thanh như ngọc, gốc Nam Tống (1127 - 1279) quí báu không kém, thêm nhuộm mùi thiền, gia vị mùi chán đời (vì thua trận) của đạo Lão Trang, những báu vật nầy tôi đã nói rồi, duy cần nói thêm bữa ấy tôi được ngắm nhiều viên ngọc từ trước cho đến ngày ấy khách nước ngoài chưa được xem, và ắt ngày nay đã đem về triển lãm nơi bảo viện Tôn Dật Tiên ở Đài Bắc, thay vì cất giấu nơi Đài Trung nữa.

Vì dùng mãi dầu mỡ quá suốt mấy ngày ròng rã ngán quá, nên trưa hôm nay, tôi ngỏ ý xin cho tôi một bữa cơm đạm bạc đậu hũ dầm trong nước mắm Tàu và ớt, nếu thơm thảo thêm gà luộc cải bẹ xanh, hay vịt khía hay xông khói tuỳ ý chủ. Diêu Cốc Lương đại diện chánh phủ, gật đầu hứa chắc đàng hoàng, nhưng bữa trưa như buổi tối, vẫn y cựu lệ, gà dê heo vịt, con quay tươm mỡ, con nướng vàng lườm, tôi hỏi sao không thấy đậu hũ, Diêu tiên sinh nhe răng cưới và thối thác đậu hũ Đài loan không ngon nên không dám lấy ra đãi khách của Trần Phó tổng thống và dặn tôi ráng chờ khi nào về lục địa, sẽ mời tôi qua đền bù đậu hũ canh gà Tự Do.

12 giờ trưa, lật đật từ giã hai ông học giả giữ kho tàng giấu trong bụng núi hối hả ra chợ dùng một bữa xoàng hấp tấp, cho kịp lên xe về Đài Bắc. Rất may là chuyến về không trục trặc, cầu kỳ sửa xong, chạy một mạch 16 giờ 30 là xe tới chỗ. Bảy giờ rưỡi tối thay đồ lớn đi dự cơm khách nơi Bộ ngoại giao với mười một nhân vật danh tánh nghe như trong tiểu thuyết. Cũng y một thực đơn như mấy bữa trước, duy cách trình bày có khác. Nhưng cũng một kiểu với cao lâu sang Chợ Lớn; một bàn tròn rộng, mười hai người vây chung quanh. Bàn có hai từng, một từng sái với khách ngồi thì bày chén muỗng trên nấp trắng tinh, trung tâm có một từng cao hơn từng kia độ một tấc Tây và có trục xoay tròn như bàn thợ nắn đồ gốm Khi dọn tô canh hay đĩa cá, nếu chủ muốn mời khách hay khách muốn đáp lễ mời chủ, thì chỉ cần xây bàn giữa cho tô canh đĩa cá chực đúng ngay chỗ người được mời, khỏi cúc cung đứng thỉnh cầu theo lối xưa. Định cho cái bao tử hổm rày đã tập quen sực chứa, nên năm món mặn, cộng một chén chè ngọt xả hơi, thêm vào đó năm món mặn khác, là mười một món cả thảy mà chưa thấy ứ?

 

Bữa thứ bảy trên đường Đông du cũng là ngày chót trên đất Đài Loan.

Bữa nay rất rộn rịp, chạy xe từ giã các nơi. Trưa ăn cơm Tây nơi sứ quán Việt nam do ông Nguyễn Công Viên mời, và gặp lại cụ Trương Kỳ Quân.

Mãn tiệc 15 gỉờ, để luôn đại phục sang “Hội quán bác vật lịch sử quán”, ứng khẩu diễn thuyết bằng Pháp ngữ, thuật lại cái hay của đồ sứ men lam Huế (les porcelaỉnes anclennes decorées en bleu, surnomnées “bleus de Huế”). Không biết thính giả có hiểu hết chăng, và nghĩ cũng ngược đời; người Việt nói chuyện với người Trung Hoa bằng tiếng Tây? Nhưng cũng là một lần khỏi chuyển qua sự thông dịch của ông bạn nhỏ ở hết lòng Diệp Hải Minh. Tôi có đem theo và trình bày vài món sứ đặc sắc, họ chuyền tay nhìn, nhưng cũng trái cựa thay, đó là người Trung Hoa thế kỷ "Hai mươi" nhìn ngấm đồ sứ của nhà Mãn Thanh họ ghét, làm cho các hoàng đế nhà Nguyễn ở xứ Huế.

Sau buổi mạn đàm, ông Bao Tôn Bành trao tận tay bằng sắc Hán văn, tôi được mời làm cố vấn cho Bác vật quán Đài Bắc, thẹn và cười thầm thằng dốt lãnh vai quân sư! Tiếng Anh không thông, tiếng Hoa không biết, chữ nghĩa mù tịt rồi làm sao nói chuyện mí nhau? Nhưng ở đời chưa phải đó là một chuyện tréo cẳng ngỗng. Nhỏ như xứ mình mà lớn lối, xưng nào Bảo tàng viện, Tối cao pháp viện, cái nhà bé tí tẹo mà treo bảng "Nhà văn hoá”, người ngoại quốc giao trả một viện nghiên cứu về mấy con vi trùng sanh ra bịnh, từ ông bác sĩ đến cô giám đốc, bấn xúc xích, không biết dịch làm sao cho ổn, Institut National de microbiologie là "quốc gia tối trùng hay Vi trùng quốc gia?" Ôi cũng đều sâu dân mọt nước.

Trong khi ấy, xứ nầy, chỗ nào cũng xài một chữ "quán"; Bác luật quán quán trưởng, Lịch sứ quán quán trưởng, thiệt là bể đầu. Khoa bảng xuất thân làm gì, gặp việc bỏ chạy có cờ. Một ông khác nếu còn ở đây, đã rắp ranh toan xưa "Thống chế" ôm vàng cả tàu bay chở không nổi, bây giờ ông ở đâu? Bắt tay từ giã và cám ơn mọi người, rồi mượn xe Bao quán trưởng, ra phố lựa mua năm ba pho truyện Tàu vài cục ngọc cổ, ống tiêu ống sáo và không quên bộ bài con chim. Quên nói ở đâu cũng có lính mật. Tôi mua được một chiếc nhẫn ngọc bạch bích kiểu cá rá "Chiêu Quân quá quan". Tối dự tiệc ông ngoại giao đã biết vì bác tài học lại. May thời, sau khi ông nói ngọc cho phép mua mà không cho phép đem ra khỏi nước, tôi hốt hoảng ông cười xin lượn chim nhẫn đeo chơi, và sáng bữa sau ông giả đò tiễn đưa trễ chờ khi máy bay gần rút thang, ông chạy vụt qua mặt nhà đoan và leo lên thang bắt tay từ giã tôi, lòng tay ông trả lại chim cà rá ngọc.

Tối dự bữa tiệc tiễn hành, thết tại Bộ giáo dục, bữa nay hội gần đủ mặt những người từng quen buổi Đông du nầy. Vì là việc chót, nên thật là cởi mở, riêng tôi rất mừng vì ngày mai là thoát nạn, khỏi lo cho cái dạ dày làm khó dễ hay lá gan chúng chứng, nhất là nhớ mai nầy sẽ sang xứ có mấy cô gái khẩy tỳ bà tóc giắt hoa anh đào. Bởi thích chí quá nên uống không thôi và ăn không ngừng đũa, cười cười dóc dóc rất là tự do. Mỗi lần nói được một câu ý vị là có một người đứng lên mời "can pei" (tức là cạn bôi). Theo lệ bắt buộc, khách và chủ đều đứng lên, uống cho cạn chén. Tiệc gần mãn, tôi chờ các quan viên đà khá khẳm, tôi bèn ứng khẩu tạ ơn và mời ngược mỗi ông đều cùng cạn bôi; hẹn một ngày tái ngộ, hoặc ở đây, hay ở lục đỉa hoặc ở Sài Gòn. Bao quán trưởng đáp từ, trong câu tiễn biệt ông cắt nghĩa sở dĩ đãi tôi liên tiếp heo dê gà vịt, cơm bánh, mì và mì v.v... Ông tiếc tôi ở đây có năm ngày mà Trung Hoa có đến mười tám tỉnh, chớ chi tôi nán và ở đủ mười tám ngày thì hoạ may tôi có thể thưởng thức đủ mười tám cách nấu và dọn của người Trung Quốc, cháu con Phàn Khoái, Hạ Hầu Đôn. Bao quán trưởng, mặt hừng hừng, hỏi vì sao không thấy tôi say và vì sao mời bao nhiêu tôi cũng nuốt vô hoài! Tôi khiêm tốn đỡ lời, không phải tại tửu lương mà chính nhờ rượu Đài Loan rất hiền chén ngọc ở đây cũng đinh và bé, và bí quyết bí mật của tôi là "thủ lễ", khác nào đi xứ la như gái về nhà chồng, phải tấl kính tất giới. Như chư huynh đệ vẫn thấy: gấp sẵn vào chén thì tôi lua chứ tôi chẳng bao giờ dám xúc com lia, nhất là mềm đũa. Từ ngày lìa khỏi nhà luôn luôn nhớ đường về còn xa, không nên khinh thường như lúc tại gia, lại nữa, ra đi đến xứ có người cao học hơn mình, thì nghe ngóng học hỏi chớ trai gì "Ban Môn lộng phủ". Cũng là tiệc chót, tôi đánh bạo khen rằng quý quốc vì nhiều lạnh hơn ấm, nên thích chiên xào thêm mỡ thêm nóng cho máu huyết. Nước Nam ôn đới, nên người dân quen lê hoắc, thậm chí bộ lòng con lợn, con gà con vịt, đều luộc chớ ít rán mỡ. Quý quốc là nước lễ, nên đứng gấp từng món ăn và nâng chén đưa đến tay người khác, khiến nhớ tích ngang mày Mạnh thị, làm sao đáp lễ cho vừa. Xứ tôi cởi mở thật tình, và bao tử nhà ai như của nấy? Tôi lại khoe con vịt sen ở miền Nam đất Việc. Nhờ ăn lúa non và tép mòng dưới ruộng, vịt sen mập và nhiều mỡ quá, nếu chiên hay quay đều hỏng, mỡ tươm ra ăn ngán, nên phải ăn vịt sen luộc, chấm với nước mắm gừng mới là người lịch duyệt, biết thưởng thức con vịt có tiếng là thịt mềm.

Tôi bắt tay từ giã, khách và chủ dường như bận bịu, lần chót tôi nói chữ, cũng là câu sáo: "Nhứt ẩm nhứt trác giai do tiền định".

(16-6-1978)