Hơn nửa đời hư

15

(Kể về hào phu thê, khi lập hai gia đình trước).

Lấy bình tâm mà xét, cho tới năm tôi được bốn mươi hai tuổi (năm 1946), năm nầy là năm chạy tản cư vô Hoà Tú (Sốc Trăng), đời tôi gồm một chữ HƯ to tướng, và vì năm nay tôi viết hồi ký đã được bảy mươi bốn tuổi, cũng đôi năm nữa là khoá sổ, chớ không lâu, cho nên tôi tạm gọi lập hồi ký nầy là: HƠN NỬA ĐỜI HƯ

Trong khoảng hơn nửa đời người ấy, tóm tất lại:

a) Hai lần cưới vợ, có làm hôn thú đàng hoàng nhưng đều hỏng bét:

Với bà Trần Thị Thố, cưới nhau vì tiền, chín tháng, keo tan hồ rã.

Tôi không biết lựa người. Hai đứa hoàn toàn không hiểu nhau. Cưới theo xưa, đủ lễ, có coi ngày coi buổi, thế mà cưới ngày 16-6-1924, chín tháng sau, ngày 12-4-1926, thì ly dị trước toà: chưa nát một chiếc chiếu. Đổ lỗi cho nhau làm gì? Tôi chỉ ghi lại, tôi đã làm buồn cho Ba tôi và bên vợ. Tiền Ba tôi xuất ra không kể, nhiều lắm, nhưng thôi, nói làm gì. Chỉ nhớ tôi còn thiếu nợ tiền đi hồ, đến nay chưa trả, mà các ân nhân đã từ trần từ lâu.

Sau khi để vợ, còn lại một căn phố, số 214 La Grandière, tôi bán và sang luôn bàn ghế và phố được một ngàn bạc, không dám giữ trong mình mà gởi cho một bạn thân cùng làm một sở ở trường máy đường Đỗ Hữu Vị, vì tôi nghĩ mình có tánh ăn xài lớn, không nên giữ tiền trong túi nhiều. Nhưng tôi đã lầm, gởi trứng cho ác.

Đến khi tôi có chuyện cần dùng, hỏi, thì tên Nguyễn Văn Xuân đã đánh tứ sắc thua sạch rồi. Thế là tôi ở giữa hai thế kẹt: trước quá tin với vợ trẻ, thì vợ cho mọc sừng, trong tuổi thanh niên; tiếp theo vì quá tin nơi bạn thì bị bạn lừa; tình nghĩa phu thê không có, mà tình bằng hữu chi giao cũng không ra gì; duy tôi còn một chút lương tri, không muốn thành sát nhơn, một mình mình HƯ cũng đủ! Từ đó tôi đâm ra chơi bởi còn hơn trước. Tập uống rượu, thường nằm tiệm hút để đo lưng giấc trưa, vì tôi bán đồ đạc bàn ghế và sang phố rồi thì chở rương sách gởi nhà quen cho khỏi mất, chớ thân tôi, tôi không ở nơi nào định chắc: ăn thì ăn nhà hàng sang, Yeng-Yeng, Quảng Hộp, còn tối lại, tôi đi tìm gái, vui đâu chúc đó, đêm nay phòng ngủ nầy, đêm sau ở khách sạn khác, phòng sang chỉ có hai đồng rưỡi bạc một ngày, còn thuốc phiện chinh cống trong hộp thau chỉ có hai các mỗi ngao, hoặc hộp nhỏ mười gram một đồng mốt mỗi hộp hoặc hộp lớn hai chục gram hai đồng mỗi hộp, gái ăn chơi xóm nào tôi cũng quen, cô Mười tóc đỏ, cô Chín Quế Anh, cô Sáu Ngọc Anh, cô Ba Cù Là, ối thôi kể không hết. Thân xác xếp ve, mặt mày xanh mét, tôi là Vương Tái Sển chớ đâu xứng Vương Hồng? Một hôm ghé Solirène mua thuốc nhảy lên cân thấy còn có bốn mươi hai ký, giựt mình lúc đó, nhưng khi bước xuống cân, thì vẫn đi theo đàng cũ, cái hư thân mất nết không chừa. Nay tôi nặng sáu mươi ba ký, và nhớ lại các bạn trác táng năm xưa thảy đều xuống lỗ, ghê quá,

b) Lần thứ hai, tôi cưới cô Dương Thị Tuyết, phen nầy lúc ban sơ rõ là vì tình, vì khi gặp nhau, cô là bạch thủ; anh tôi khéo thu xếp cô ăn gia tài của bà Phủ An, nhưng rồi cũng đi đến ly dị. Cô ôm một ô xoàn, bỏ tôi với mớ đồ cô cho là vô dụng: chén bát cũ và sách rách bìa xác xơ như chủ nó. Cô bỏ tôi từ năm 1947, cưới nhau ngày 9-11-1927, án toà cho ly dị đề ngày 7-7-1958, ăn ở cùng nhau chia ngọt xớt bùi được mười chín năm, chen hoẻn không con,

“Mình ơi tôi nói mình nghe

Không thương nhau nữa, thà rằng mình thôi.

Muốn thôi, tôi cũng cho thôi.

Hồ san tát cạn, ai thôi mặc mình”

Mấy câu nầy không phải của tôi, và do một anh mật thám Tây, Le Corre, gặp ở Cần Thơ đọc cho tôi nghe, nay còn nhớ.

Đám cưới thật lớn, tiệc đãi linh đình. Cái nhạo rượu lễ, cậu Bảy Cảnh. Ông thân Hữu Phước, làm rể phụ, làm đổ hồi nào khi rót, không còn một giọt, điềm gì vậy? Phòng tân hôn: đêm cưới, lấy làm chỗ hốt me, đây thật điềm gở, nhưng tôi mê nhan sắc cô Tư nên nhắm mắt, cũng như chiều ngày nhập phòng vừa lạy xong mâm tơ hồng và cô bác, thì hai tôi phải để y đại phục cô dâu áo đỏ chàng rể áo thụng xanh bông hạc, đi rước tay bài: cậu Ba Qui, công tử Bạc Liêu, bác sĩ Lê Quang Trinh, hội đồng quản hạt, cô Ba Trà, Sáu Nhiều, huyện Đước v.v... và đêm ấy xâu được trót ngàn bạc. Ông via và bà via đều ăn trụm và giữ luôn mớ tiền hồ.

Ông Cò-mi Lân có mua biếu hai va-li da, một dùng đựng quần áo một chứa dao cạo và đồ nghề trang sức, hai vật nầy, chạy giặc mấy lần không mất, nay vẫn còn tại nhà tôi.

Ông Dương Văn Hai, cậu vợ, Dương Văn Tây và Dương Văn Giáo, cậu bên vợ, mỗi người cho một trăm đồng; anh Nguyễn Trinh Tường, anh vợ, đi hồ 50$. Nhưng thầy tôi là ông Kính, cho biết lễ vật đáng 550$ và bạc mặt 715$ thầy tôi cất giùm và hứa sau nầy sẽ trao lại hai tôi dành làm vốn khi ra riêng. Nói làm vậy, nhưng tôi không thấy mặt số tiền nầy, khi bà nhạc ban phần. Mấy chương kể lể nầy, không phải vì tiểu tâm, kỳ thật muốn ghi lại cho thừa kế biết mà đáp lại,

Đau lòng nhứt và nay tôi tiếc nhứt, là của lễ sính - lúc đó bị ông nhạc bà nhạc chê lên chê xuống vì chẳng phải kim cương hột xoàn, và chỉ có mười lạng vàng đôi. Nhưng đối với tôi, đây là vốn tiếng mẹ ruột tôi khi chết để lại, gồm mười đôi vàng do một tay Ba tôi chế tạo: chắt mót dành dụm từ li từ chút, lựa vàng thật cao tuổi, tự nấu lấy rồi cán ra móng, uốn thành vòng, mấy chỗ giáp mối thì cháy chớ không hàn vì hàn mất khéo và chỗ có vảy hàn vàng trở nên thấp (xấu), và bản thân trổ tài tự chạm ra mười kiểu khác nhau, kiểu chạm nào cũng xuất sắc, nay xin kể ra để cho biết cách gọi:

1) Chạm kiểu tứ linh tức long lân qui phụng;

2) Chạm bát tiên kỵ thú, tức mỗi ông tiên đều cỡi một con thú khác nhau;

3) Chạm nhứt thi nhứt hoạ, tức cảnh tứ thời “mai-lan-cúc-trúc” kèm thơ ngũ ngôn, nhưng mỗi giống hoa vịnh trong một câu năm chữ vắn tắt mà thôi;

4) Chạm nhứt cách nhứt chiếu (chiếc vòng chia ra tám khúc có bốn mặt trơn xen kẽ với bốn mặt chạm),

5) Chạm hạ cát, tức chạm hình nổ, dưới chân hình thì chạm bấm xuống cho hình thêm rõ nét và nổi hột thật đều y như hột cát sắp đầu cật kề nhau;

6) Chạm hạ láng, tức chạm hình nổi, dưới chân hình thì chạm bấm xuống và phải lăn mũi ve làm sao cho thật láng bóng nhứt là không được lủng rách; (đừng lầm với chạm lông, tức lấy giống lủng ra cho thấy lỗ trống);

7) Vàng nghiêng cũng gọi vàng niễng, tức cắt khữa sợi chí vàng như hình con cuốn chiếu. Người nào chạm đều tay đều nét là hay;

8) Vàng trơn, tức chiếc vòng để trơn, nhá thật bóng, không trầy, không móp;

9) Vàng neo chữ ngũ (nói chữ ngẫu mới hợp thời) tức vấn dây vàng cho đâu mặt nhau lại như hình ngũ trên hột lúc lắc,

10) Một đôi vàng đáp, tức để lá vàng trên khuôn mẫu bằng thép có chạm bông hoa sẵn, rồi xếp giấy để lên vàng rồi dùng búa “đáp” hay là đập mạnh lên giấy cho đến khi nào mặt vàng ăn lún xuống mặt khuôn, trổ ra hình mong muốn, xong rồi mới uốn cong ghép miệng, hoặc cháy hoặc hàn rồi làm khoá v.v...

Cưới vợ kỳ nầy, về ở chung với gia đình bà nhạc. Nực cười tôi muốn trụ mình cải hối, nhưng mấy cô nhân tình nhân ngãi vẫn chưa buông tha, tháng nầy một cô, tháng khác một cô, tiếp tục lên nhà số 260 đường Richaud (nay Phan Đình Phùng) kiếm để phá đám. Phần sợ vợ, vừa mười sáu tuổi đầu, biết được ghen tuông khóc lóc, phần sợ ông via đâm thọc kể kẻ vạch với bà via, nhưng nói có vong hồn ông và bà, mẹ vợ tôi rất lượng thứ, còn cha vợ, vốn là chắp nối, ông ăn chơi khét tiếng, thấy gái đến nhà như mèo thấy mỡ. Thèm thuồng thì có, la rầy vốn không!

Trong nhà không có tiền mà ăn xài như nước lở bờ. Nào bồi bếp nào sốp-phơ, lương thông phán của thầy tôi chỉ tám chục bạc mà mướn nhà đến một trăm sáu chục mỗi tháng ở đường Richaud được vài tháng, kế dọn về số 69 đường Taberd, cho đỡ tốn, vì phố nầy mướn tám chục bớt được tám chục. Nhưng nào có đủ. Mẹ vợ tôi tánh rất hào hiệp, trong nhà có tiệc đãi liền liền thầy tôi thì khỏi nói, kiếm được chút ít lì xì, thì lén đi nhảy đầm ôm gái. Vợ tôi và tôi thì không biết lo hậu. Lương tôi tám chục thêm tiền dạy Việt ngữ cho Tây kiếm mỗi tháng bốn anh trả mỗi anh hai chục, vị chi là tám chục nữa, thì cúng hết cho xi-nê, lúc ấy vừa có loại parlant (chớp bóng nói), thêm cải lương, lại còn coi đánh bốc. Cơm ở nhà không ăn, có máy với nhau làm giận làm hờn, bà via phải một tật mê tứ sắc tam hường, đánh mỗi lên mỗi cây đến một hai đồng, chiều về thấy hai đứa mặt héo ngồi chù ụ thì vứt năm đồng cho đi ăn Yeng-yeng, bà đâu biết rằng hai tôi giận giả, và rút rỉa bà mỗi tháng như vậy có trên hai chục ngày. Bất thình lình, mẹ vợ tôi xán bịnh, đánh tứ sắc ngồi một ngày một đêm gần cửa sổ làm qua ho ròi sưng phổi, ngày bớt ngày không, bỗng đêm 8-11-1928, bà đột ngột tắt hơi, trong khi tôi đã lìa Trường Máy, đổi về toà bố Sa Đéc từ 15-10-1928, phó thác vợ ở lại Sài Gòn nuôi mẹ đau chờ ngày tái hợp.

Lúc nầy thân tôi như chiến thuyền bé gặp cảnh bão táp, tai hoạ dập dồn.

Vì không lo xa nên không biết dành dụm xu nào, có bao nhiêu xài bằng hết. Lìa Sài Gòn, mất trước tiên tám chục bạc tiền dạy Tây, cũng mất luôn tiền phụ cấp đắt đỏ mười lăm đồng bạc mỗi tháng, về Sa Đéc lương tháng chỉ còn không tới sáu mươi ngoài đồng bạc (lúc nầy nếu có ai cho hối lộ thì nhận liền). Tôi ngây thơ trông cậy nơi mười lượng vàng của mẹ để lại và đã gởi cho cha mẹ của Tư cất giữ, tính lấy đó cầm vào nhà mont-de-piélé (tiệm cầm đồ) cũng có một số vốn nhỏ dọn nhà lập nghiệp, chớ không lòng nào tưởng tới việc bán đứt cho qua cơn túng ngặt. Ngờ đâu ngày l0-11-1928, lên Sài Gòn dự đám tang và khi chôn cất xong xuôi trở về nhà, trầu rượu lạy ông Trần Văn Kính trước mặt Ba tôi và trước mặt họ hàng cô bác bên vợ chứng kiến xin lãnh hộp gỗ đựng mười lượng vàng sính lễ năm trước, ông via tôi lấy trong tủ sắt cái hộp gỗ trống không và lấy thêm trong tủ một xấp giấy cầm đồ, rơi nước mắt cá sấu đổ thừa vì thua bạc, bà via tôi đã cầm gởi hết rồi, ông thề thốt sẽ chuộc lại trả tôi, nhưng lời hứa ấy như nước đổ lá môn, ông và tôi chia tay và bặt tin nhau từ đó.

Tiền đám tang bà nhạc mẫu, tôi làm sổ sách đàng hoàng và tính ra tiền điếu được tất cả 503$.

Sau khi tống táng, thầy tôi xét sổ, thấy còn 503$00 - 458$00 = 45$00, nên trả sổ và nói: “Ba cho hai con số tiền dư lại đó”.

Ngoài ra, thầy tôi có cho tôi hay rằng Ba tôi lên chia buồn có cúng số bạc một trăm đồng, tuy nói vậy mà thầy tôi nín luôn không trao số tiền nầy để biên vào sổ phúng.

Sáng ngày, hai tôi đưa Ba tôi lên xe đò về Sốc Trăng, hai tôi ôm một mớ áo quần cũ, một cái ô trầu bằng bạc, kỷ vật của bà nhạc mẫu, từ giã ông via, lên xe đò về Sa Đéc, trong túi còn lối năm chục đồng làm vốn, từ đây tranh đấu với đời, tự bay nhảy bằng cánh của mình, nhứt quyết không nhờ cậy ông nầy nữa.

Đời ấy tiền bạc mắc mỏ và có giá trị vô ngần. Tỷ dụ, tiền vãn phản đi từ Sài Gòn xuống Sa Đéc, đến toà bố lãnh nhiêm vụ mới kế ăn một bữa cơm buổi trưa ngoài nhiệm sở, tôi cũng cố đòi cho được và sau rối, nhà nước phải làm thủ tục cấp cho tôi một ngân phiếu, ngày nay tôi còn cất giữ để làm kỷ niệm đời làm tôi mọi năm xưa. Đó là ngân phiếu số 32.306 đề ngày 5-11-1928 có tất cả năm chữ ký: Denya, khu trưởng phòng nhì ký phái phiếu ngày nói trên 5-11-1928, Friqucgnon, trưởng phòng nhì, ký ưng thuận ngày 13-11-1928, Quên nói, khi lập xong ngân phiếu, phải gởi qua sở kiểm soát ước chi phê nhận, chữ ký ông Morieul và con dấu đề ngày 7-11-1928, xong rồi gởi trình tổng nha ngân khố, xin chữ ký (đọc không được) và rốt hết phải có chữ ký thứ năm của quan coi về đương sự có thiếu nợ chánh phủ hay không, và nhờ sở nầy phê “sans opposition” (không chi ngăn trở, tức không thiếu nợ) tờ ngân phiếu mới hợp lệ rồi còn chờ tôi lãnh tiền, nhưng tôi quyết giữ làm kỷ niệm cho con cháu biết đời công chức cho chánh phủ Pháp là vậy.

Số liền cấp vãn phản đó là Ba cắc bạc (0,30$ - Và cũng là một vậy kỷ niệm giá đáng ngàn vàng là một tờ ngân phiếu khác màu vàng, số 42.165 cấp ngày 7-3-1930 cũng đủ năm chữ ký y một kiểu như trên, giá bạc cấp phát là bốn chiêm Tây (0$04). Đây là tiền công thưởng tôi làm phát ngân viên (agent de paiement) đã chịu khó mỗi tuần đi xe từ toà bố Sa Đéc lên làng Vĩnh Bình, xa độ hai mươi cây số ngàn, phát tiền cho người phu lục lộ coiviệc vớt cỏ lục bình không cho trôi tấp vào chân cột cầu bê-tông. Công làm phát ngân viên cứ phát một ngàn đồng bạc lúc đó thì được ăn thưởng một đồng tiền huê hồng bù trừ sự mất mát; thế mà trọn một năm 1929, công tôi tính được “bốn đồng xu”, các độc giả cứ nhân ra rồi biết tiền công anh phu lục lộ là bao nhiêu. Không kể tiền xăng nhớt và tiền vỏ xe mòn, tiền sốp phơ v.v., hèn chi chánh phủ thời Pháp thuộc có tiếng là chu đáo, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn! Ngân phiếu nầy tôi cũng không lãnh. Kể như chu đáo nhứt của chánh phủ đô hộ Pháp là năm 1944, tại Sốc Trăng, trong lúc binh Nhật hoành hành hống hách, anh em chúng tôi buồn quá nên tụ lại nấu một bữa cháo gà để lập đờn ca gọi yêu nghệ thuật, ngờ đâu sáng bữa sau có giấy đòi tôi lại hầu ông cò và ông bắt tôi chịu phạt về tội ban đêm làm mất trật tự (tapage nocturne), vì có người lân cận thưa về tội khuấy rầy. Biên lai số 1897 đề ngày 9-8-1944 (phạt 3$30 tức cinq frances d'amende thời đó, cộng với tiền tiêu tiền nghệ khác thành 11 francs như đã ghi trên biên lai. (Viên cò Tolsano phạt tôi, sau chết tại Cà Mau dưới gươm quân phiệt Nhựt năm 1945).

Ba tài liệu nầy tôi xem là rất quý, vì nhắc lại đời nô lệ của tôi.

Vợ chồng đưa nhau về Sa Đéc. Ở nhờ nhà ân nhân dượng và cô Thầy thuốc Phạm Văn Ngỡi suốt mấy tháng mới kiếm được một căn phố xây tổ uyên ương nơi số 106 đường Vĩnh Long, một năm sau, dọn về phố mới Thầy Ký Ngọc ở một đường nhưng gọi số 2 đường Vĩnh Phước, và sát dốc cầu sắt Sa Đéc, ngày nay có dịp đi ngang còn bùi ngùi cảm động. Duy ơn sâu Dì Tư và bác sĩ Ngỡi, nguyện suốt đời không quên. Nay hai ông bà đã mất.

Về Sa Đéc, chân ướt chân ráo, mẹ vợ chết, trong túi không tiền, quan chánh chủ tỉnh chưa biết cử chỉ khả năng mình ra sao, bỗng có giấy hãng xe Laurent Gay đòi tiền mua xe chịu và trả chưa dứt. Cái đó mới chết một cứa Tứ! Thân làm phát ngân viên tại toà bố, chữ Tín là trọng, thế mà hiển hiện có bằng cớ lúc trên Sài Gòn mình đã bội tín, nhứt là đã giựt tiền của Tây, và Tây với Tây cố nhiên vẫn binh vực nhau. Tuy vậy trời xanh có mắt, tôi trình chủ tỉnh bức thơ trả lời cho hãng, xe ông nhạc tôi mua và để tôi đứng tên. Nay tôi bằng lòng cho hãng lấy xe về trừ số nợ thiếu hoặc đòi ông nhạc tôi trả tiền, chớ tôi vốn vô can trong vụ nầy. Hãng ham bán mà không cẩn thận, bán lầm đòi tiền không được thì chịu lấy. Chủ tỉnh chấp nhận lời biện minh của tôi, thế là thoát nạn. Sau rõ lại, khi được thơ tôi, hãng rình một lúc lơ đễnh của anh lài xế, hãng nhảy phóc lên xe lái về ga-ra, dứt khoát. Nhưng ông nhạc vì vụ nầy, mất xe mà không dám cớ không dám đòi, duy thù thằng rể thấu xương. Nay mỗi khi lấy tấm cát chủ xe Fiat bốn chỗ ngồi, li-mu-zinh sáu mã lực, số mã tự kinh C.9032 do chánh văn phòng Renou ký ngày 13-12-1927, không khỏi khúc khích mình cười lấy mình.

Tình duyên của tôi và Tư, đằm thấm như hai chim con vừa thoát ổ mẹ, ríu rít trên nhành, rất tự do, bụng đói mà vui, tuy nghèo mà hạnh phúc...

Ngày 20 tháng 11 Tây năm 1928, gặp cứu tinh và ân nhân là bà Phủ hàm Lê Văn An, nghiệp chủ ở Sốc Trăng. Bà lên Sa Đéc dự tiệc cưới nơi nhà thầy cai tổng Nguyễn Tấn Cao tự Keo. Tôi và Tư cũng có mặt trong tiệc nầy. Chốn tiệc trung ứa lệ, bà cháu nhìn nhau. Tôi còn ghi lời bà nói hôm ấy: “Tao nghĩ tội nghiệp cháu nội tao (Tư) nay côi cút mất mẹ, chớ mẹ nó nếu còn, ngậm ngọc mà nói, tao cũng không màng thằng Tư (tức là tôi), mầy không biết, chớ mẹ nó và ông Kính, lúc trước kiện bà đây tranh gia tài, nay bà còn tính giận. Duy nay thấy vợ chồng bây, bà động lòng thương. Bà lẫn biết ông nội của cháu (tức Sển) và cậu Hương cha của cháu, đều là người nhân đức, nên bà mừng hết đỗi và tán thành cuộc lương duyên của hai cháu đó. Bây rán ăn ở cho có hậu thì bà không bỏ”.

Ngày 6 tháng 5 năm 1931, bà Phủ An từ trần, làm chúc ngôn do một tay tôi viết và ký thác nơi phòng chưởng khế, cho Dương Thị Tuyết và Vương Hồng Sển cùng đứng tên làm chủ 220 ha ruộng tốt trong làng Hoà Tú, và cho riêng cháu gái gọi bà bằng bà nội (kỳ thật là bà cô) của tư trang gồm vô số hột xoàn, cái bâu cổ không cũng đã có ba trăm hai chục hột, bông tai và cà rá; và bạc mặt tám ngàn đồng (tám chục tờ giấy bộ lư). Nhưng than ôi, cũng vì có tiền nhiều, nên nhân tâm biến đổi. Sau mười chín năm từ 1927 đến 1946, vợ chồng ăn ở với nhau như bát nước đầy. Bỗng Tư sanh tâm và ôm cầm sang thuyền khác. Án ly dị đề ngày 7 tháng 7 năm 1958. Thế là hết duyên hết nợ với cô Tư. Nói nữa làm cái, gạt lệ đủ rồi. (Nay ruộng và xoàn, tôi để cho Tư trọn hưởng. Em có biết chăng?).

Thế là hai lần lập hôn thú, một lần nhục nhã vì ham tiền, một lần vượt quyền định đoạt của mẹ cha vì ham sấc, hai lần có hôn thú đều hư.

Qua lần thứ ba, thù người khác mà để người nầy chịu khổ: không làm hôn thú nữa. Thế mà ở đời với nhau cho đến nay, và việc còn dài, không nên nói trước. Xin Năm thứ lỗi cho tôi. Một khi đã có con trai nối dòng, tờ hôn thú vẫn là thừa.

Cho đến nay, nghĩ mình ân ít tội nhiều, nên cũng “bất oán thiên hề mạc vưu nhân”, ai ở xấu, có lương tâm và trên cao danh chứng kiến.

Duy có nước đồng, nước sông mới dấy. Không ơn bà (bà Phủ An) vừa giúp tôi làm sao có sự nghiệp nầy. Biết nhưng làm sao báo đáp.