Với chức công táp toà bố, tôi coi về phát lương bổng cho công chức trong tỉnh, nếu tôi có tiền sẵn, nghề nầy cho vay đặt nợ là tuyệt vì mỗi đầu tháng chân lương khi phát, không ai khất hay giựt của mình được xu nào. Nhưng lúc ấy có bao nhiêu tiền tôi mua đồ cổ hết, và tuy tôi không ưa giữ bạc sợ thất thoát, sợ bị ám ảnh lấy tiền tủ là có ngày vào tù, nhưng cũng nhờ nghề nầy tôi biết nhiều về nhân vật và địa dư tỉnh Sa Đéc đáng yêu nầy. Tôi kiêm nhiệm luôn chức đi thâu thuế và đóng dấu cân lường trong tỉnh, mỗi năm mỗi thay con dấu, tỉ dụ năm 1929 con dấu khắc chữ L thì năm 1939 là chữ M, cứ thế chuyển đến hết chữ thì trở lại chữ A v.v...; sau khi đóng dấu rồi thì giao cho cò bót đi xét và phạt nhưng nhà buôn mà cân hay lít chưa có đóng dấu chịu thuế.
Trước khi thừa hành phận sự, theo luật tôi phải xuống toà án Vĩnh Long tuyên thệ vì Sa Đéc lúc đó chưa có toà, nhưng toà đã giản dị hoá cho phép tôi gởi lời thề viết, thay vì hiện diện đi hầu, và sau khi nhận giấy toà án nhìn nhận tôi trở nên chánh thức thay mặt luật đi xét cân lường và được tịch thâu nhưng lít non, cân thiếu, giúp đỡ cho người dân quê khỏi bị gian thương bóc lột lường thăng, tráo đấu, đong giạ nhỏ dùng cân non.
Kể ra mỗi khi đi như vậy, tốn công linh và mất nhiều thì giờ, công việc trong sở bị bê trễ; nhưng bù lại mấy khi được ngao du làng nầy qua làng nọ, lục lạo tìm món đồ xưa trong giờ làm việc khỏi bị quở trách?
Đường gần, như tổng Châu Thành thì gởi trát cho cai tổng chi thị các nhà buôn trong tổng nạp cân, giạ, lít tựu tại công sở sở tại cho chúng tôi đến đó kiểm xét, đóng dấu chứng nhận và thâu thuế. Mấy lúc ấy chúng tôi làm việc không hở tay vì sợ con mắt tọc mạch của cò bót dòm ngó và tâu lại chủ tỉnh. Gặp đường xa như lên Cao Lãnh hay qua Lai Vung thì phải dùng xe hơi hoặc tàu máy, khi lấy xe sở công chánh chạy cà rịch cà tang khi nào ông chánh vui lòng cho mượn xe tàu của chủ tỉnh thì đi mau về lẹ và khỏi sợ ăn banh dọc đường.
Thuế cân lường thâu vô không có là bao, mỗi lít thâu một cắc mốt (0$11) mỗi cây cân tạ cân lúa gọi cân bùn còn miễn cưỡng thâu hai đồng ngoài bạc, vị chi mỗi làng thâu độ hai chục đến hai trăm bạc thuế, nhưng có lẽ phải ép nhà buôn đóng dấu cân lường để tránh nạn cân thiếu lít non và tệ đoan làm giạ nhỏ không đủ ni tấc để gạt dân quê trong việc mua bán lúa, kỳ thật tiền thâu vô trừ ra tiền xăng nhớt và tiền vãng phản của chúng tôi, gọi tiền xúp (supplément) thì không còn lại bao nhiêu. Về cơm nước dọc đường, khi thì chúng tôi bốn người: một anh cai phu thuyền, anh đội Lê Kim Đơn trước học trường máy, tài công tàu, thầy ký Lê Văn Tốt và tôi, hùn nhau lại mua thức ăn, khi gà rô-ti khi vịt quay, xá xíu, rượu chát trà ngon, đánh chén dưới tàu trên sông cái dưới bóng mát cây bần, cây ngừa, những lúc ấy mới thấy đời công chức lớp đó có nhiều thú vị, nên nay bị chỉ trích cũng vừa, và cũng đáng. Nhưng phần nhiều, dọc đường vẫn có tay nghĩa hiệp, thầy cai tổng hay thầy bang biện đưa chúng tôi về nhà thết đãi, tôi riêng không chú trọng việc ăn nhưng có ý đi tìm đồ cổ và tìm hiểu phong tục mỗi nơi nên ít chối từ. Lúc ấy ông chánh Esquivillon vừa bị công táp ở Cần Thơ thụt két rồi tự vận, khiến ông bị vạ lây nay đổi về Sa Đéc thấy tôi có bộ ngay thẳng nên có cảm tình, ông duyệt sổ xăng nhớt thấy tốn kém quá vì đường gần mà trưa nào chúng tôi cũng đều về nhà ăn cơm nước rồi mới ra đi nữa, bởi thế muốn cho đỡ tốn và đo nhọc, ông ra chỉ thị dạy tôi khi đi xa đường cứ neo xe hay tàu lại đó chờ chiều xong việc hãy về cho đỡ tốn xăng, được lịnh ấy không khác nào ông cho phép chúng tôi cứng hư và bắt đầu cho chúng tôi lợi dụng dùng tàu đi chơi tuỳ thích lại được tiếng là biết tiết kiệm của công nho!
Năm 1930 chúng tôi dùng trọn tháng năm đi xét cân lường, mỗi ngày đi vài ba làng, như hôm 22-5-1930 chúng tôi xét làng Mỹ An Bình, đến trưa ở lại dùng cơm nhà ông xã trưởng vì ông mời mọc quá, nay quên mất tên ông để mà tưởng niệm, âu cũng là một phần sơ sót. Chiều xét cân làng Mỹ Trà cho đến năm giờ xuống tàu ra về, tới giữa sông lấy cơm nguội và mắm sống ra tự tay xé mắm và bốc cơm ăn, bất giác tự hỏi cái kiểu ăn cơm “xi đay” nầy của ông bà ta truyền lại hay hễ ăn mắm sống thì phải dùng cơm nguội mới thấy ngon và phải bốc tay mới thấy thú, và cái mốt nầy thịnh hành nhứt là ở Cao Miên, Thái Lan và Ấn Độ, tức một văn minh “ăn bốc” khác hẳn với văn minh Trung Hoa, Việt Nam và Nhựt Bản là văn minh “ăn đũa”.
Bữa sau là 23-5- 1930, tiếp tục dùng canot quan chánh cho mượn đi xét cân lường ở Mỹ Xương. Chúng tôi khởi hành thật sớm, mua theo bánh mì nóng và xá xíu mới ra lò, tàu vừa chạy chúng tôi lấy ra dùng điểm tâm, uống cà phê phin, cười giỡn dưới làn gió mát sông cái quên hết nỗi cực nhọc hằng ngày, rõ lại cái hạnh phúc thường theo bén bên mình chỉ tại mình không đủ thông minh để mà tận hưởng. Ở Mỹ Xương chợ búa lèo tèo, nên xét rất mau, có một mụ xẩm trình một cây cân và mười mấy trái cân, có một cái không đúng cân lượng, tôi đã có ý định tịch thâu, nhưng mụ nói một câu ngây thơ với cô gái xinh xinh đi theo: “Tại thằng cha mày, động chút cũng lấy “trứng dái cân” làm búa, đóng đinh cũng nó, đóng guốc cũng nó, báo hại cục chì văng mất, kiếm không ra nay ông nầy đòi xiết cái trứng dái nầy đi, về nhà tao làm sao có mà dùng?”. Tôi không nhịn cười được và không đành tịch thu “của quí” của bà, nên nhờ anh em thay cục chì, cân xét lại kỹ càng đóng dấu chứng nhận và trả trái cân lại cho mụ, xem mụ bằng lòng lắm, chỉ nhìn cặp mắt long lanh của cô gái tuỳ tùng cũng đủ biết hai mẹ con mừng rỡ đến bực nào, và cái làm phúc làm đoan không phải duy cho tiền nhiều là được. Vừa chín giờ sáng, công việc đã xong xuôi, chúng tôi xuống tàu trực chỉ ra sông cái, mười giờ chúng tôi đậu tàu lại giữa sông nơi đuôi cồn, chỉ giữ mỗi người một y phục ngắn gọn để tầm và mò ốc gạo. Đây là một cuộc vui khó tả, biết bao giờ trở lại?
Trong đời tôi đã mục kích mấy lần “cồn hoá vực, vực hoá cồn”. Tại chợ Cồn, năm 1930 còn lộ đá và cầu tàu, năm 1974 cầu tàu đã rơi xuống sông và nước đã khoét con lộ lở mất không dùng được nữa, cũng như mới đây (1974) báo chí đăng tin chợ Kế Sách trọn một dãy phố rớt tõm xuống sông không còn thấy vết tích viên gạch nào. Hôm ấy (23-5-1930) tại nơi nầy, tôi lại thấy cảnh “cồn nổi”, tức là cảnh “thương hải biến vi tang điền” như đã đọc trong sách truyện diễn tả. Năm ấy (1930) thuộc địa phận tỉnh Sa Đéc, vừa mọc thêm ngoài sông cái Tiền Giang, hai hòn cù lao nhỏ đứng ra là hai đuôi cồn có tên nhìn nhận là Cồn Cát và Cồn Chà. Mỗi lần có cù lao nổi như vậy, khi nước vừa lấp xấp lội với bụng tới rún (độ sáu bảy tấc bề sâu), đến khi nước ròng giựt uống còn lội tới nửa ống chân, có chỗ tới mắt cá (độ hai, ba tấc sâu) có chỗ khác thấy được đất lé đẻ lên mặt nước, tuy cù lao vừa nổi làm vậy thế mà đã có người đến xin khẩn nơi toà bố rồi, họ là những người có thế lực, hoặc là hội đồng quản hạt hay là tay giàu gộc trong xứ, nghe gia nhơn đi làm ruộng về hay đi thuyền đánh lưới nơi sông cái về đồn có cồn nổi, tức thì họ làm đơn vô quan chánh xin khẩn trước tiên. Cũng có khi chính những người sở tại biết chuyện, giỏi lo lót cùng làng tổng xin được giấy chứng lận đem lên trình quận và quan đầu tỉnh rằng họ là người khai thác từ nhiều năm những cuộc đất mới nầy. Khi ấy tỉnh bộ trát về quận hỏi lại cho có lệ rồi cấp phát một biên lai tạm thế vì bằng khoán để tránh sự tranh giành của kẻ khác. Sau nầy hoặc vài chục năm hoặc lâu hơn nữa cù lao nổi cao thành ruộng tốt, khi ấy sẽ có cuộc phát mãi mà chủ tạm được quyền ưu tiên mua với giá đấu cao nhứt và làm chủ vĩnh viễn. Trong khi lo chạy giấy lờ hợp lệ, thì người chủ tạm lo bồi bổ cuộc đất và giúp một tay với thợ trời bằng cách cấm ranh cho phân biệt “đất cũ đất mới” và trồng cây dừa nước cho đất phù sa có chỗ mau kết tụ thành đất bồi. Những dừa nước nầy họ mua thật rẻ của các thợ làm rừng, bọn nầy ra công đi vớt trái dừa đã mọc mộng trong rừng lá rồi đem về bán lại cho chủ đất, lúc ấy mỗi cây dừa còn nhỏ chỉ độ một xu hai xu một cây là cùng.
Với những trái dừa nước mọc được đôi ba lá ấy, người khẩn đất cù lao mua đem về cấy lưa thưa nơi đất cồn, và độ chừng vài ba năm những cây ấy đã bắt rễ trổ đọt, mọc khỏi mặt nước cao nghêu. Những chỗ đất còn trống, sau đó họ cấy thêm lác và khi lác bén rễ mọc nhiều thì họ cắt lá phơi khô dệt chiếu, tức đã có một hoa lợi nho nhỏ ăn cầm canh chờ vài chục năm sau đất có chưa đứng rồi trở nên ruộng tốt, thêm ít chục năm nữa là trồng cây ăn trái lập vườn dựng nhà trở nên khá giả giàu có được rồi. Tính ra từ cồn nổi đến thành điền, cũng phải một đời người hoặc hai ba đời chớ không chơi. Nhưng người dân lấy củi lục làm ăn, theo luật “trời sanh trời dưỡng” đâu có sợ chuyện thời gian lâu dài, chỉ biết sống vui vui niềm hy vọng có đất tự tay mình đào tạo. Tôi đã nói trong bài về “bò giá tréo”, về bến tàu Chợ Cồn bị nước ăn dưới chưn lo đứt một khúc lộ quan dài hơn ba cây số ngàn, ngày nay con lộ còn lại bị nước khoét dưới chưn trống bộng, xe cộ đều không dám qua lại trên lộ nầy vì sợ rủi ro, còn nhà cửa phố xá hai bên lộ nầy đều không còn cái nào, lớp bị sụp xuống nước, lớp tự chủ nhà dỡ dọn đi xây dựng nơi khác, Chợ Cồn nay cảnh tiêu sơ coi buồn không chỗ nói, trong khi ấy nơi đối diện cù lao ngang Chợ Cồn lại đất bồi ngày càng thêm lớn rộng và dân ta cứ theo câu tục ngữ xưa “đất bồi thì ở, đất lở thì đi”, và câu khác “lúa tới đâu bồ câu tới đó” dân ta nay qua cù lao ở ngày càng đông là vậy.
Nhắc lại ngày 23-5-1930, sau khi làm phận sự xét cân lường tại làng Mỹ Xương xong cả, khi ấy trời còn sớm quá, độ mười giờ sáng, nên chưa tính chuyện cơm nước dằn bụng gì được, vả lại ông cai sở tại có lời dặn trước, nên hôm nay đã cho người thân quyến đón chúng tôi và lên canot của tỉnh dẫn đường đưa chúng tôi chạy trở ra sông cái, đến một nơi gọi là Đuôi Cồn, nhưng đến nay khi thuật lại đây, việc lâu đời quá nên không biết rõ đây là cồn nào; người nầy phát cho mỗi người chúng tôi một cái thùng thiếc cũ và dạy cách vừa tắm sông vừa mò ốc gạo. Y phục chúng tôi cởi trụi và gởi hết lên chiếc tàu neo kề bên, vì người đâu của đó xin chớ quên chúng tôi còn số bạc trót ngàn tiền xét cân Mỹ Xương buổi sớm. Chúng tôi mỗi đứa chỉ còn một mảnh vải che thân, đều nhảy xuống sông cái lặn hụp và tắm mát ngày ấy trên dòng nước Cửu Long giang. Ngày nay ốc gạo ta mua về luộc hay ăn ngoài phố do các người mang trong rổ đi bán dạo, phần nhiều đều là loại ốc gạo nuôi trong hồ đầm, không được mập béo và không ngon bằng ốc gạo thiên nhiên sanh và lớn tại sông cái, nhứt là ở vùng Sa Đéc, Vĩnh Long nầy. Ngày xưa đó là một món ăn lạ, được dâng lên vua ngự thiện và được các quan hộ tống chở ra tận Huế dưới danh từ “cống phẩm của Nam kỳ lục tinh”. Năm tôi còn học tại trường Chasseloup tôi còn giữ được một bài thi xưa về ốc gạo, xin sao lục ra đây, nhưng không biết rõ tác giả là ai, vì bài thi nầy do anh em cho mượn tập thi lục, sao đi chép lại vần công, mà không đề rõ danh tánh người trước tác:
Bãi hạc cồn nhàn thả rạng danh,
Cháu con gò đống nhóm nên thành;
Xa cừ đồng tánh tôn như chú,
Thô mễ trùng danh cứng bẵng anh;
Tây chẳng phải thời nam phải tiết,
Xuân sang vừa nghén hạ vừa sanh;
Hàm rồng ngon ngọt bao là đáng,
Tuy cũng đồng loài khí chẳng tanh.
Khuyết Danh (trước năm 1919)
Năm nay 1930, chính mình là một tên học trò không quen lặn lội thế mà được dự một cuộc bắt ốc giữa sông cái thiện là một chuyện bất ngờ. Tôi chỉ biết vui đùa vô tư lự. Gió thổi vù vù bên tai, mình trần trụi dầm nước mà không thấy lạnh, ngày thường vẫn tắm nước nóng và động động là ho hen sổ mũi nhức đầu. Trời nắng chang chang không thấy nóng, nước xăm xắp tới rún, và cẩn thận không biết lội nên không dại gì ra sâu để chết chìm, chúng tôi chùm nhúm một chỗ, đẩy thùng thiếc tới trước, dùng chân rà rà dưới bùn, khi nào đụng vật gì lạ lạ dưới chân thì cúi xuống thò tay mò và thế nào cũng lượm lên nhưng con ốc no tròn nhưng mình mẩy dính đầy bùn vì chúng sinh sống trong chất ấy. Tuy vậy, ốc nầy không nhiễm vi trùng vì sống giữa sông sâu nước chảy, và sợ nhứt là loại ốc nuôi trong chỗ thiếu vệ sinh, ăn vào thường lây bịnh hiểm nghèo như bịnh thương hàn, trong Nam gọi bịnh ban cua lưới trắng. Theo thủ tục, ốc mồng năm tháng năm là đúng lứa, vừa mập và không có con trong bụng, tức khi ăn không nhai gặp vỏ ốc nhỏ mất ngon. Ăn sái mùa hoặc gặp ốc còn ốm hoặc gặp ốc có con, mất thú, nhứt là gặp ốc chết thì bữa cơm ấy kể như bị phạt.
Vỏ ốc gạo khi được nhiều, ngày xưa đốt lấy vôi dùng têm trầu thì là tuyệt, vừa sang và miếng trầu thêm ngon. Ngày nay tục ăn trầu đã bớt nhiều, vỏ ốc chỉ còn dùng lót đường hoặc để mục làm phân bón cho gốc kiểng. Chúng tôi hôm ấy là tay ngang thế mà mò được khá nhiều, đến trưa gom góp lại cũng được trót nửa thùng thiếc, và người gia nhân ông cai tổng cắt nghĩa là vì sở đất đuôi cồn nầy có chủ, người mò ốc lén không dám lại đây bắt nên ốc có nhiều. Chúng tôi mừng rỡ đem về nhưng ông cai tổng nào cho ăn ốc mới mò được nầy, dạy rằng ốc mới còn ngậm bùn trong miệng, phải ngâm nó một ngày một đêm trong nước sạch cho nó nhả hết chất bùn ra thì ăn mới thú vị. Nói như vậy rồi ông cai lấy ốc cũ ra luộc và bày một tiệc vĩ vèo đãi khách. Ăn uống được nửa chừng, day qua bày cuộc thi uống rượu gọi là đánh tửu. Chủ gia đứng dậy thủ lễ phân trần cùng cử toạ, yêu cầu chúng tôi là người yếu rượu nên bước qua bàn kế, tiếp tục dùng bữa và nhìn xem các tay tửu lượng cao thi nhau đánh tửu. Nói đến đây, dòm lại tiệc giữa, tôi thấy chỉ còn ngồi sáu ông hương chức có tuổi, kể luôn ông chủ nhà là bảy người. Nhưng trong nhóm chúng tôi đại diện cho toà bố, có anh Ký Tốt, vỗ ngực xưng mình biết uống rượu “cũng như ai”, và không chịu lách rời bàn giữa. Chủ gia ân cần nhắc lại một lần nữa rằng bảy người nầy là tay thiện chiến đã quen biết nhau từ lâu nên hôm nay muốn biểu diễn một trận đánh tửu chơi, và thầy ký là khách mời, tốt hơn nên chứng kiến như giám khảo hơn là nhập trận rủi sơ thất thì e “tửu luật bất vị thân”. Nhưng một hai thầy ký không chịu rời chỗ ngồi và quả quyết “các ông đi tới đâu, tôi theo tới đó!” Sau hai lần khuyên và giác đát không nghe, bảy người kia nhập tiệc với thầy ký là tám, đủ bát liên quần tửu. Thế là sau khi an toạ xong, chủ gia đứng dậy giao kết một lần nữa rằng cuộc vui chơi không ai ép buộc ai, nhưng nay tám người nầy đã nhận là mình biết thưởng thức rượu ngon, thế thì phải giữ lời, thứ nhứt là mỗi người phải dĩ hà nhứt thể, uống bằng nhau cạn bôi, thứ nhì là không đặng nửa chừng bỏ cuộc, nếu vi lịnh sẽ chiếu tửu luật trừng phạt không tha. Nói đến đây, chủ gia tươi cười nhắc lại rằng lúc nầy còn dư thì giờ để suy liệu, nếu người nào biết mình bất kham theo dõi thì nên sớm tách ra khỏi bàn nầy để các tiên tử đánh chén. Nhưng sáu vị kia luôn anh ký nhà ta là bảy, không ai chịu mình là yếu rượu. Và cuộc đấu tửu bắt đầu. Trước tiên chủ gia sai triệt hết những ly rượu thừa, chỉ giữ lại một ly độc chiến, loại có chưn, nhưng ông đã cẩn thận bẻ gãy cái chưn bỏ đi, làm cho chỉ còn một cách cầm ly trên tay róc rượu uống và chuyền cho người khác làm y theo mình mà không thể nào đặt cái ly uống bàn được, vì chưn nó đã không còn nữa, đoạn ông mở tủ lấy ra tám chai rượu mới toàn nhãn hiệu “cognac Robin” là thứ đương thời được trọng dụng và thảy đều công nhận rằng ngon. Ông khui chai rượu thứ nhứt, một tay cầm chai một tay cầm ly, tự rót cho mình một ly đầy, kê miệng đánh tróc một cái, hà hơi nghe một tiếng khà sành điệu, gắp một con ốc chấm nước mắm bỏ vào mồm nhai ngon lành, rồi trao chai rượu và ly cho người kế tiếp cũng diễn hành lễ nhấm tửu y như ông ban nãy. Rồi đến lượt người thứ ba, thứ tư, khi đến người thứ tám thì đến phiên ông bắt đầu làm lại luân phiên nữa, và khi chai nầy hết thì khui chai khác tuần tự không cho thiếu rượu cũng không bỏ sót phiên của một người nào. Cuộc thi đua uống rượu tiếp tục vui vẻ và cứ thứ chuyển đệ vừa nói vừa cười, tám người nầy uống rượu cô-nhác cho chúng tôi xem không khác ta uống nước trà. Nhưng đến chai thứ sáu, tức mỗi người đã có hơn nửa phần chai lít rượu mạnh trong dạ dày, tôi ngồi ngoài nhìn kỹ thì người nào như người nấy thảy đều biến sắc, có kẻ mặt xanh như tàu lá, kẻ khác mặt đỏ phừng phừng, duy một ông chủ nhà cười nói hiên ngang đúng là một người tửu lượng phi thường. Bỗng anh ký toà bố nhà ta tuyên bố anh không uống nữa và mặc kệ ai, bỏ đó đi nằm dài trên một bộ ván. Còn lại bảy người kia, họ nào có chịu nghĩ cho. Họ vẫn để Tốt nằm yên trên ván ngựa, nhưng hễ họ uống đủ bảy người và tới lượt của Tốt thì họ kéo nhau lại cạy răng chú chàng và đổ trút ly rượu đầy vào mồm. Tốt không nuối cũng không được vì nếu Tối ngậm miệng khít lại đã có cái phễu thiếc lấy từ nhà bếp, thứ dùng dồn lạp xưởng, họ cạy răng nhét phễu và róc rượu như ta sang nước mắm từ tín nầy qua tín khác.
Uống được năm sáu tuần như vậy, bỗng Tốt vùng ngồi dậy, đỏ mặt như lên đồng, vì đã say quá độ và hết biết nhân sự, Tốt vịn ghế vịn bàn lết lại chỗ ngồi, và nói lớn: “Mấy người chơi không sướng! Tốt đã chịu thua, mà mấy người không dung tha. Nay Tốt làm như vầy đây, xem mấy người có bắt chước được không?”
Vừa nói tới đó, Tốt giựt cái ly không chưn, cắn nghe cái rốp, cái ly bể ra một miếng lớn, Tốt nhai miếng ly như ta nhai bánh tráng nướng, rồi Tốt chụp chai rượu tu một hơi như rồng lấy nước? Cả mấy bàn tiệc đều sợ hoảng xúm nhau kéo tay không cho Tối uống nữa, nhưng Tốt đã nuốt miếng ly vô bụng hồi nào mất đi rồi! Bữa tiệc hào hứng bao nhiêu nay buồn tẻ bấy nhiêu. Đến đây bữa tiệc trở thành một bi hài kịch nửa cười nửa mếu và tự tan rã. Chúng tôi xin nước rửa mặt, chủ nhà lo lấy dầu nóng đánh lưng bắt gió cho Tốt phở lở. Tuy vậy đến mười lăm giờ chiều, qua làng Mỹ Long, Tốt vẫn đóng dấu cân lường y như không có việc gì xảy ra. Đến mười sáu giờ, phận sự chúng tôi làm xong, còn kéo qua nhà ông Xã Chỉnh (không biết nay còn hay mất?) ngồi đánh cắt-tê trâu cho đến mười tám giờ mới chia tay ông xã, xuống tàu trực chỉ Sa Đéc Xuống tàu vẫn chưa thôi, lại lấy ốc gạo của ông Cai biếu, rồi hết chai nầy qua chai khác, chúng tôi sáu người uống thêm hai chai la-ve Larue, một chai rượu chát Médoc, một chai vin du Bourdon... Đến hai mươi mốt giờ tàu cặp bến ngay nhà ông Tư Hanh gần toà bố, thì cả thảy đều say mèm, nương nhau về nhà.
May thời tôi không quên chiếc cạc-táp tiền và khi đến nhà tôi để y bộ y phục bèo nhèo, ngả lên giường đánh một giấc đến sáng, bất chấp tiếng đon ren của ai kia khiển trách bên tai.
Bữa sau tôi vẫn ngây ngất chưa tỉnh, và qua ngày kế vẫn còn lừ đừ hai bữa liên tiếp tôi rán đi làm cho có mặt nhưng cố tránh không dám đem giấy tờ cho quan chánh ký tên, sợ biết mình là bợm say thì không trông gì lên chức!
Từ đó tôi lĩnh hội được một bài học khôn: đấu tửu là giỡn với cái chết. Không tự sát thì cũng tự huỷ hoại sức khỏe của bản thân.
Vừa rồi (năm 1974) tôi đến nhà một ông bạn thân, nghe ông tự khoe lúc thiếu niên, khi còn dạy học tại Tây Ninh, ông đã từng ăn liên tiếp sáu lô mì nước và uống xen kẽ sáu trái dừa Xiêm. Nay ông vẫn còn mạnh, nhưng ông cũng như tôi, sống nhờ thuốc men và sống nhờ có bác sĩ tận tình, ông nghĩ sao tôi không biết, chớ riêng tôi, tôi rất tiếc đã phí phạm lúc nhỏ sức khỏe một cách thật là ngu dại. Chính ngày nay khi tôi thấy chúng bạn tranh nhau cạn ly nầy đến ly khác, và một khi chai rượu đã mở nút thì quyết cho cạn đến giọt cuối cùng, thiệt là một cảnh chẳng đặng đừng đáng tiếc. Nhưng mấy ai khuyên giải được đệ tử của Lý Bạch, Lưu Linh? Rượu uống vừa phải còn thảy ngon, uống quá hớp chỉ làm thân chủ cho bác sĩ và trại hòm.
Riêng anh bạn Tốt, đến nay vẫn mạnh và vẫn ở Sa Đéc, không nghe nói đau bao tử hay rách ruột non ruột già. Một bằng chứng ai ham giảng mo-ranh là bậy.
Cữ cũng chết, kiêng cũng vô hòm, hay là ta ăn uống vừa vừa và nhớ không nên nói thật với bác sĩ!
Tái bút. Ông cai tổng An Tịnh, cố nhân Lê Đình Quảng, sau thăng huyện hàm, ngày 7-4-1932, khi tôi từ giã đổi về Sốc Trăng, có biếu tôi một bình vôi sứ có quai, mục lục số 51, tôi có nói trong tập số 8 “Khảo về đô sứ men lam Huế”' tập hạ, chương nói về bình vôi.
Tốt, sau nầy tôi có gặp trên Sài Gòn. Nhắc lại chuyện mò ốc gạo năm xưa, chàng ta cười, thè lưỡi cho xem và khoe không bị miếng chai cắt. Hỏi đã học được phép gì, Tối cười thêm lớn và nói đó là phép say. Hỏi không rách ruột sao? Tốt ngó tôi và nói: “Nếu rách thì nay sao Tốt còn đứng đây. Và bao giờ tiên Lưu Linh vẫn phù hộ bọn đệ tử trung thành như Tốt!”.