ồi, Prendick, bây giờ tôi sẽ giải thích cậu nghe” bác sỹ Moreau nói, sau khi chúng tôi đã dùng xong bữa “Cậu là khách mà cứ như chủ vậy. Nói trước, đây là lần cuối tôi nhượng bộ cậu. Lần sau muốn tự tử thì cứ tự nhiên. Cùng lắm tôi nhỏ cho vài giọt nước mắt.”
Bác sỹ ngồi trên ghế, điếu xì gà hút dở kẹp trên tay. Những ngón tay ông trắng trẻo, trông có vẻ khéo léo lắm. Ông đăm đăm nhìn ra bầu trời sao bên ngòai cửa sổ, tóc như bạc thêm dưới ánh đèn soi. Tay thủ sẵn súng, tôi ngồi phía bên kia bàn, cố cách xa ông càng xa càng tốt. Montgomery không có mặt, giá mà hắn ở đây.
“Giờ đã thấy tận mắt rồi, cậu công nhận cái “người” bị mổ thật ra là con báo chứ?” Moreau hỏi. Lúc nãy ông đã cho tôi vào phòng mổ xem.
“Đúng là con báo” tôi nói “Nó chưa chết, nhưng bị cắt xẻ ghê quá. Từ nay tôi chẳng dám nhìn thịt sống nữa.”
“Thôi đi, đừng có nói với tôi là sợ này sợ nọ. Ngày xưa Montgomery cũng sợ y như cậu vậy. Ít ra cậu cũng đã thừa nhận nó là con báo. Giờ thì ngồi yên, tôi giảng cho nghe 1 bài sinh lý.”
Bắt đầu với giọng điệu buồn chán, nhưng sôi nổi dần lên, Moreau kể tôi nghe mọi chuyện. Ông nói đơn giản mà thuyết phục, đôi khi pha chút mỉa mai. Càng nghe, tôi càng thấy xấu hổ vì đã hiểu lầm. Lũ quái đản kia không phải người, chưa bao giờ là người. Chúng là thú đã được nhân hóa, là thành tựu của phẫu thuật.
“Cậu không biết đâu, 1 phẫu thuật gia giỏi có thể làm biết bao điều với sinh vật sống”, Moreau tiếp “Tôi thì tôi cứ thắc mắc, những gì tôi làm ấy, tại sao trước giờ chưa có ai thử? Ờ thì cũng có cưa chân tay, cắt lưỡi, tiểu phẫu, nhưng những cái đó là chuyện nhỏ. Cậu có biết là mắt lé có thể tạo ra hoặc chữa khỏi bằng phẫu thuật không? Phẫu thuật còn làm được khối chuyện khác: Thay da này, nhiễu sắc tố này, sửa đổi xúc cảm này, chỉnh sửa được cả sự điều tiết mô mỡ nữa. Chắc là cậu cũng nghe nói rồi chứ?”
“Tôi biết, nhưng bọn người thú…”
“Cứ từ từ, tôi chỉ mới bắt đầu thôi” Moreau khoát tay “Những cái kể hồi nãy chưa đáng gì. Phẫu thuật làm được những chuyện lớn hơn thế. Cậu nghe chuyện làm mũi giả chưa? Nếu bị mất mũi, cứ lấy da trên trán đắp vào rồi chỉnh hình là ra mũi mới ngay. Muốn tạo hình mới cho con vật, cứ cắt chỗ này đắp vào chỗ khác. Thậm chí ghép con này với con kia cũng được nữa. Người ta vẫn thường ghép da và ghép xương để chữa bệnh đấy. Phẫu thuật gia có thể dùng da con này đắp vào giữa vết thương của con kia, với xương cũng vậy. Ông Hunter (1) ngày xưa thí nghiệm, ghép cựa gà vào cổ trâu, cựa gà đã phát triển to ra. Lính bộ binh ở Algeria cũng từng tạo ra những con “chuột tê ngưu”, bằng cách cắt đuôi chuột ghép lên mõm nó.”
“Chế tạo quái vật”, tôi nói “Thế có nghĩa là…”
“Đúng rồi. Bọn người trên đảo toàn là thú đã được chỉnh hình. Cả đời tôi, tôi dâng hiến cho khoa phẫu thuật tạo hình. Tôi nghiên cứu trong nhiều năm, càng nghiên cứu càng học được nhiều điều. Trông cậu có vẻ khiếp sợ, nhưng thật ra chẳng có gì mới cả. Trong ngành giải phẫu, người ta biết đến các nguyên lý tạo hình từ lâu, có điều chưa ai dám làm thôi. Mà tôi không phải chỉ biết thay đổi hình dạng bề ngoài của con thú đâu. Ngay nhịp điệu hóa học và những quá trình sinh lý khác trong cơ thể chúng cũng đổi được luôn, 1 ví dụ đơn giản nhất là tiêm vắc xin đấy. Truyền máu cũng là 1 cách. Năm xưa tôi nghiên cứu nhiều về truyền máu, đó chính là nền tảng cho thành tựu hôm nay. Thật ra, ngay từ thời Trung Cổ, người ta đã tạo ra được những chú lùn, rồi các quái nhân kỳ lạ, què quặt để đem đi biểu diễn hoặc ăn mày, có lẽ đều nhờ giải phẫu. Bí thuật ấy nay còn lưu truyền ít nhiều trong giới Sơn Đông mãi võ, như Victor Hugo (2) đã mô tả trong tiểu thuyết “Người Cười”. Tôi nói thế chắc cậu đã hiểu rồi. Tóm lại là có thể cấy mô từ bộ phận này tới bộ phận khác của 1 con vật, hoặc từ con này sang con khác. Ta có thể thay đổi các phản ứng hóa học trong cơ thể sinh vật, thay đổi hình thức phát triển, chính sửa các khớp tứ chi, cả những cái vi tế nhất cũng sửa được tất.
Ấy vậy mà trước tôi, các nhà bác học hiện đại không ai để ý nghiên cứu môn này cho tới kỳ cùng. Những kẻ hay mổ xẻ thì toàn là tay mơ, như các bạo chúa, tội phạm, hay mấy thằng thiến chó, gây giống ngựa. Bọn này không kiến thức, có mổ xẻ cũng chỉ để phục vụ mục đích riêng, chứ phải nghiên cứu gì đâu. Tôi là người đầu tiên thực hiện phẫu thuật tạo hình theo phương pháp khoa học, với đầy đủ kiến thức chuyên môn. Có thể có người đi trước tôi, nhưng họ không dám công khai. Cặp anh em dính nhau người Xiêm (3) nhiều khả năng là sản phẩm tạo hình. Rồi trong những hầm ngầm của tòa dị giáo (4) ngày xưa, cũng có mổ xẻ. Dĩ nhiên, mục đích chính của họ là tra tấn, song chắc cũng có sự hiếu kỳ khoa học nào đấy.”
“Nhưng” tôi vẫn thắc mắc “Thú mà cũng biết nói ư?”
1 lần nữa, Moreau giải thích cho tôi: Giới hạn của giải phẫu không dừng ở việc thay đổi hình dạng bên ngoài. Ngay 1 con heo cũng có thể dạy được. Cấu trúc tinh thần thậm chí còn bất định hơn thể xác. Trong ngành khoa học thôi miên, ta thấy rõ ràng có khả năng xóa bỏ những bản năng sẵn có, thay vào đó những bản năng mới, Cái gọi là luân lý giáo dục, ông nói, chỉ là sản phẩm tự tạo của con người, 1 sự xuyên tạc bản năng tự nhiên: Tính hiếu chiến được nâng lên thành đức dũng cảm hy sinh, trong khi bản năng tính dục bị đè nén thành ra xúc cảm tôn giáo. Sự khác biệt lớn giữa người và khỉ là thanh quản, ông giải thích. Vì cấu trúc thanh quản khác, nên khỉ không thể phát được những ký tự âm thanh vốn khác biệt cách tế vi, và do đó, không suy nghĩ được như người. Về điểm này thì tôi không đồng ý. Nhưng Moreau chẳng để tâm đến sự phản đối của tôi, ông nhấn mạnh rằng mình đúng, và tiếp tục câu chuyện.
Tôi hỏi Moreau vì sao lại chỉ tạo hình người. Ông trả lời chẳng qua do ngẫu nhiên “Tôi có thể tạo con cừu từ lạc đà, và lạc đà từ cừu. Có lẽ tôi tạo hình người vì cơ thể người đẹp hơn thú. Nhưng tôi không chỉ tạo người không đâu, có mấy lần…” Ông dừng lại 1 lúc, rồi đổi đề tài “Những ngày tháng cũ đã qua mất rồi. Giờ đây tôi lại phí mất 1 ngày để cứu cậu, và 1 giờ chỉ để giải thích mấy chuyện này.”
“Nhưng tôi vẫn không hiểu. Ông gây biết bao đau đớn cho loài thú, rốt cuộc để làm gì? Chỉ có thể chấp nhận phẫu thuật sống, nếu nó đem lại ứng dụng hữu ích…”
“Đúng rồi. Nhưng cậu phải hiểu là chúng ta khác nhau về căn bản. Cậu là người duy vật.”
“Tôi không duy vật gì cả”.
“Theo tôi thôi, theo tôi thấy thì cậu là duy vật. Chúng ta khác nhau chính vì quan niệm về nỗi đau. Hễ thấy hay nghe được nỗi đau thì bản thân cậu đau theo, rồi cậu chịu không nổi. Với cậu thì đau đớn gắn liền với tội lỗi. Nhưng tôi bảo này, cậu không phải con vật, sao cậu biết con vật cảm thấy những gì?”
Nghe ngụy biện quá. Tôi nhún vai.
“Đau là chuyện nhỏ. Đã làm khoa học thì phải thấy đớn đau là chuyện nhỏ. Không biết bên ngoài trái đất này, có cái gì gọi là “đau” không? Mà trái đất thì là gì? Chẳng qua chỉ là 1 hạt bụi trong vũ trụ. Chưa kịp đi đến ngôi sao gần nhất, ngoảnh lại đã không thấy trái đất đâu rồi. Ngay cả trên trái đất, ngay cả giữa những sinh vật sống với nhau, cũng chẳng biết cái đau nó thật sự nằm ở đâu?”
Moreau rút từ túi 1 con dao nhíp nhỏ, ngồi xích ra 1 chút cho tôi thấy được bắp đùi. Đoạn, chọn 1 chỗ thích hợp trên đùi, ông đâm vào 1 nhát rồi rút ra.
“Cậu chẳng lạ gì phải không?”, ông nói “Chỉ nhói 1 chút thôi. Nhưng thế nghĩa là sao? Là cái đau nó không nằm ở cơ bắp hay ở da. Trên bắp đùi có những chỗ đâm vào không hề thấy đau. Đau chỉ là 1 phản xạ của cơ thể nhằm cảnh báo và kích thích chúng ta. Không phải vùng da thịt nào cũng cảm nhận được cái đau đâu, ngay dây thần kinh, thậm chí là thần kinh giác quan cũng thế. Lấy thí dụ dây thần kinh thị giác nhé, nó không làm sao mà đau được hết. Nếu thần kinh thị giác của cậu tổn thương, đơn giản cậu chỉ thấy ánh sáng nhập nhòe trước mặt. Tương tự như vậy, khi thần kinh thính giác có vấn đề, cậu chỉ thấy lùng bùng lỗ tai. Có đau gì đâu? Thực vật không biết đau, động vật bậc thấp cũng thế. Nhiều khả năng những con như sao biển và tôm không hề biết đau. Còn con người chúng ta, ta ngày càng thông minh hơn. Càng thông minh thì càng biết cách tự lo cho bản thân, chứ không cần đến cái phản xạ cảnh báo nữa. Không có thứ gì vô dụng mà lại không bị đào thải trong quá trình tiến hóa. Cái đau ngày nay vô dụng rồi.
“Cậu Prendick à, tôi cũng có đạo như mọi người. Tôi hẳn phải hiểu rõ Hóa Công hơn cậu, vì từ khi cậu còn đi bắt bướm, tôi đã, theo cách riêng mình, bắt đầu dày công nghiên cứu những quy luật tạo hóa. Tôi cho cậu biết: Lạc thú và đớn đau chẳng có gì liên quan với thiên đàng hay địa ngục. Trạng thái xuất thần của các nhà thần học chẳng qua cũng giống như ảo ảnh thiên đàng của Mahomet (5) mà thôi. Người vốn tiến hóa từ loài vật, và cái cảm giác biết đau biết sướng là bản năng loài vật còn sót lại. Lạc thú với chả đau đớn, 1 khi chết rồi thì còn biết gì không?
“Cậu thấy đấy, tôi đeo đuổi môn tạo hình vì niềm đam mê. Khoa học chân chính luôn xuất phát từ đam mê. Tôi đặt câu hỏi, tìm cách trả lời, rồi lại đặt câu hỏi mới: Cái này có thể chăng, cái kia có thể chăng? Cậu không làm nghiên cứu thì không hiểu được: Càng nghiên cứu lại càng mê mải. Cái cảm giác khám phá, chinh phục nó vô hình vô vị, nhưng khoái cảm cực kỳ. Cái trước mặt cậu không còn là con thú mà là đối tượng nghiên cứu. Ngày xưa tôi cũng cảm thông trước nỗi đau con vật, nhưng mục đích đối thượng của tôi là tìm hiểu xem đâu là giới hạn của việc chỉnh hình sinh vật sống.”
“Nhưng” tôi nói “Vẫn không thể chấp nhận được…”
“Cho đến tận hôm nay, tôi chưa bao giờ bị dằn vặt về đạo đức. Tôi hỏi cậu: Tự nhiên có thương xót ai không? Đã nghiên cứu tự nhiên, thì phải vô cảm như tự nhiên. Khi tôi nghiên cứu, tôi không quan tâm gì sất. Tôi chỉ biết đã đặt ra câu hỏi, thì phải tìm mọi cách kiếm được câu trả lời. Những thành quả của tôi hiện đang sống trong khu lều ngoài kia. Tôi đến đảo này vậy là cũng gần 11 năm rồi. Lúc đầu chúng tôi có 8 người: Tôi, Montgomery và 6 thổ dân Ka nác (6). Hòn đảo khi ấy còn hoang sơ, vắng lặng, như đang chờ người đến khai phá. Mọi chuyện cứ như mới hôm qua.
“Vừa đến nơi, chúng tôi liền dỡ hàng, dựng nhà. Bọn Ka nác thì dựng lều gần hẻm núi. Tôi ngay lập tức bắt tay vào công việc. Ban sơ, mọi việc không mấy suôn sẻ. Tôi thí nghiệm với con cừu, nhưng mới được 1 ngày rưỡi, nó đã chết vì tôi đi dao mổ quá tay. Tôi lại kiếm con cừu khác, lần này thì phẫu thuật thành công. Khi tháo băng, trông nó cũng tàm tạm giống người, nhưng sau khi quan sát kỹ, tôi hoàn toàn thất vọng. Hóa ra nó vẫn nhớ tôi, mỗi khi thấy tôi thì sợ đến kinh hồn. Hơn thế nữa, trí tuệ của nó vẫn chỉ là trí tuệ con cừu mà thôi. Càng nhìn nó càng chán, nên rốt cuộc tôi cho nó đi theo con trước. Đã tạo người, ai lại tạo những đứa nhút nhát, chết giẫm, không có dũng khí đương đầu với đớn đau?
“Kế đó, tôi thí nghiệm với khỉ đột. Phải bỏ bao công sức, vượt biết bao khó khăn. Tôi làm ngày làm đêm cả tuần mới được thành tựu. Tạo hình bên ngoài thì dễ, cái chính là phải chỉnh sửa não bộ: Bao nhiêu thứ phải thêm vào, bao nhiêu thứ phải thay. Rốt cuộc cũng xong, nó nằm trước mặt tôi, bất động, khắp người đầy bông băng, nhìn khá giống 1 người da đen thông thường. Đến khi biết chắc nó không chết, tôi mới dám bước ra ngoài phòng này để gặp Montgomery. Montgomery cũng giống cậu, cứ tưởng tôi mổ người, vì khi khỉ đột đã được nhân hóa thì nó khóc như người mà. Tôi lúc ấy chưa tin hẳn Montgomery. Bọn Ka nác thì bắt đầu ngờ vực, mỗi lần thấy tôi, họ rất sợ. Khi Montgomery đã trở thành tâm phúc của tôi, tôi giao cho hắn việc thuyết phục bọn Ka nác đừng bỏ trốn. Nhưng rồi cũng có đứa trốn, và tôi mất toi chiếc thuyền.
Tôi bỏ nhiều thời gian dạy dỗ khỉ đột: Dạy nói, dạy đếm, dạy cả bảng chữ cái nữa. Nó tiếp thu chậm, nhưng so với nhiều tên người thú khác về sau thì còn khá hơn. Sau khi thành người, đầu óc nó như tấm bảng trắng, không còn ký ức gì về quá khứ. Đến khi các vết mổ đều lành, nó đã nói được kha khá rồi. Tôi bèn dắt nó ra, cho bọn thổ dân Ka nác xem. Họ hoảng hồn, làm tôi bực cả mình, vì nó là niềm tự hào của tôi. Nhưng về sau, thấy nó hiền và đáng thương, họ đón nhận và thay tôi làm thầy nó. Nó bắt chước rất giỏi, chẳng bao lâu đã tự mình dựng được lều, mà lều còn đẹp hơn cả lều thổ dân nữa. Trong số người Ka nác có 1 anh chàng theo đạo, hắn dạy người khỉ đọc chữ, giảng cả về luân lý đạo đức cho nó. Tuy nhiên, người khỉ của tôi dẫu sao vẫn còn khuyết điểm.
Sau thắng lợi đầu tiên, tôi giành thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị viết tường trình gửi về để thức tỉnh học giới nước Anh. Bỗng 1 hôm, tôi phát hiện tên người khỉ ngồi chồm chỗm trên cành cây, miệng không nói mà khẹc khẹc liên hồi. Thì ra nó bị 2 gã Ka nác đứng bên dưới chọc ghẹo. Tôi vội dọa nó, dạy nó đã là người thì không được làm những chuyện xấu hổ như vậy. Rồi tôi đành gác lại việc viết tường trình, chờ đến khi nào tạo được con người thật hoàn chỉnh. Tay nghề tôi ngày 1 tiến bộ, nhưng dự định vẫn không sao đạt được, không làm sao dập tắt được thú tính. Cứ sau 1 thời gian, bọn người thú lại thoái hóa trở về như xưa. Nhưng 1 khi đã quyết, tôi phải làm cho bằng được. Tôi tin mình sẽ làm được.
Mọi chuyện là thế đấy. Bọn thổ dân Ka nác giờ chết cả rồi: 1 chết đuối, 1 trúng độc, 3 ăn cắp thuyền bỏ trốn, hy vọng là chúng cũng đã chết đuối luôn. Còn lại có 1 gã thì bị giết. Nhưng giờ cũng chẳng cần ai, bọn người thú cũng biết lao động…”
“1 gã Ka nác bị giết?” tôi ngắt lời “nhưng ai giết?”
“Chả là sau khi tạo người, tôi còn tạo thêm 1 con…” Moreau có vẻ không muốn nhắc chuyện cũ.
“Con gì?”
“Nó cũng chết rồi.”
“Tôi chẳng hiểu gì cả. Ý ông là…”
“Con đấy đã giết gã Ka nác. Nó giết bất cứ thứ gì bắt được. Tôi và Montgomery phải truy lùng nó suốt mấy ngày. Chỉ là tai nạn thôi, tôi vẫn chưa tạo hình xong cho con quái đó thì nó xổng đi mất. Nó không có chân tay gì hết, cứ trườn trên mặt đất như rắn. Nó khỏe kinh hồn, và vì đang đau nên cực kỳ dữ tợn. Chúng tôi phải chia nhau vào rừng tìm nó, tôi đi cùng Montgomery, còn gã Ka nác đi 1 mình. Gã mang theo khẩu súng trường, song khi gặp nó lại không bắn kịp. Lúc phát hiện xác gã, tôi thấy nòng súng cong vòng như chữ S, thậm chí bị cắn gần thủng. Cuối cùng thì Montgomery bắn chết được con quái. Từ đó trở đi, tôi ít làm thú lạ, nếu có cũng chỉ làm những con be bé thôi.”
Moreau trầm ngâm 1 lúc. Tôi cũng ngồi yên lặng nhìn ông.
"Nếu tính cả 9 năm ở Anh, đến nay tôi đã nghiên cứu tạo hình suốt 20 năm trời, nhưng vẫn không sao vươn được tới đỉnh. 20 năm đầy những thăng trầm, nhưng mộng ước vẫn chẳng thành. Tạo hình bề ngoài thì dễ rồi, muốn mềm mại yếu đuối, hay cứng cáp khoẻ mạnh, chỉ cần phẩy cái là xong. Nhưng vẫn còn vấn đề khi tạo hình bàn tay và ngón tay, chưa thể nào làm theo ý muốn được. Khó hơn nữa là điều chỉnh não bộ. Trí tuệ của bọn người thú hiện giờ còn rất thấp, có nhiều lỗ hổng kiến thức không thể nào lấp đầy. Tôi cũng chưa tìm ra chỗ nào trong não là nơi điều khiển cảm xúc, khiến ta giận, ghét, hay sợ hãi. 1 khi tìm được thì sẽ dễ dàng dập tắt hoàn toàn bản năng thú tính của chúng.
Cậu thấy bọn người thú xấu xí kỳ lạ lắm, phải không? Nhưng khi tôi vừa tạo ra chúng, chúng giống gần y người thường. Có điều, càng theo thời gian, chúng càng thoái hoá. Nét thú của chúng cứ dần dần lộ ra. Tuy vậy, tôi chưa đầu hàng đâu, mỗi lần cho ra đời 1 con người mới, tôi lại tự nói với bản thân "Lần này tao sẽ diệt hẳn con thú trong mày, lần này mày sẽ trở thành con người hoàn chỉnh." Nói cho cùng thì 10 năm đâu đã là dài. Quá trình tiến hóa của loài người chẳng phải kéo dài hàng trăm ngàn năm ư? Tay nghề tôi đã khá hơn trước nhiều rồi, con báo này đây..."
Ông không nói gì thêm. Im lặng kéo dài.
"Ông dựng lều cho chúng ở trong động à?" Tôi hỏi.
"Chúng tự làm. Khi chúng lòi thú tính ra, tôi đuổi đi hết. Chúng lang thang chỗ này chỗ khác, hiện tại thì định cư trong cái động ấy. Cả lũ đứa nào cũng sợ tôi và cái nhà này. Montgomery cho tôi biết chúng vẫn còn ít nhiều tính người. Giờ Montgomery cai quản chúng. Hắn huấn luyện 1,2 đứa làm gia nhân, phục vụ các chuyện lặt vặt. Nói ra thì hắn xấu hổ, nhưng tôi biết hắn rất khoái lũ thú. Tôi mặc hắn làm gì với chúng thì làm, tôi không quan tâm nữa. Chúng là những thành phẩm đầy lỗi, nhìn chúng càng tức thêm.
Ngày xưa, gã Ka nác theo đạo có dạy chúng ít lễ nghĩa, nay chúng vẫn theo. Xã hội của chúng cũng hơi có quy củ. Chúng tuân theo Giới Luật, tụng kinh ca ngợi "Ngài". Chúng tự làm lều, kiếm ăn, kết vợ kết chồng. Nói chung chúng là những sinh vật phức tạp, hơi có ý chí vươn lên, nhưng vẫn sống theo bản năng quá nhiều. Nhìn kỹ vào tận tâm hồn chúng, thì vẫn là hồn thú. Bọn chúng coi như bỏ đi rồi, nhưng tôi còn hy vọng ở con báo này. Tôi đã bỏ bao công sức cho bộ não của nó."
Lại im lặng. Mỗi người chìm trong dòng suy tư riêng.
"Chuyện là vậy", Moreau đứng lên "Cậu nghĩ thế nào? Còn sợ tôi không?"
Tôi nhìn thẳng bác sỹ. Từ khuôn mặt trắng, từ vầng tóc bạc, từ đôi mắt điềm tĩnh, từ thân hình cường tráng, tất cả đều toát ra 1 vẻ nghiêm nghị, oai nghi. Cả trăm quý ông Anh Quốc cũng chưa được 1 người oai nghi như thế. Chợt tôi phát run. Thay cho câu trả lời, tôi cầm khẩu súng, cung kính bằng cả 2 tay, đưa lên cho ông.
"Cứ giữ đi", ông ngáp dài, và cười "Cậu đã trải qua 2 ngày đầy sự kiện rồi. Nghe lời tôi, ngủ đi 1 lát. Mọi chuyện giải quyết xong hết rồi nhé. Chúc ngon giấc."
Sau khi Moreau đã ra, tôi khóa cửa ngoài rồi gieo mình xuống ghế. Mệt! Mệt quá! Mệt cả thể xác lẫn tinh thần. Không thể suy nghĩ được gì thêm. Cánh cửa sổ như đang trố mắt ra nhìn tôi. Tôi gắng gượng đi tắt đèn rồi trèo vào võng. Giấc ngủ đến ngay.
(1) John Hunter (1728 – 1793): Bác sỹ người Scotland, 1 chuyên gia hàng đầu về giải phẫu.
(2) Victor Hugo (1802 – 1885): Đại văn hào Pháp, tác giả các tiểu thuyết: Nhà Thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris – 1831), Những Người Khốn Khổ (Les Misérables – 1862), Người Cười (L'Homme qui Rit – 1869)…và các tập thơ Hình Phạt (Les Châtiments - 1853), Trầm Tư (Les Contemplations - 1856), Sử Thi Ngàn Đời (La Légende des Siècles – 1859)…
(3) Tức Chang và Eng Bunker, cặp anh em sinh đôi dính liền nổi tiếng vào thế kỷ 19.
(4) Tòa án của giáo hội công giáo La Mã thời trung cổ, chuyên xử những người bị cho là dị giáo. Tòa này thường dùng nhục hình, tra tấn nghi phạm rất dã man.
(5) Mahomet (570 – 632): Tiên tri, nhà sáng lập Hồi giáo.
(6) Nguyên văn “kanakas”, chỉ thổ dân trên các đảo thuộc Thái Bình Dương.