Trong một chương trên tôi đã nói hồi học trường Bưởi, có lần ngồi trên đường Cổ Ngư ngắm mây nước hồ Tây với bạn, tôi cao hứng ngâm câu: “Nhập thế cục bất khả vô văn tự”. Nhưng đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua, nhiều lắm thì cũng chỉ như một mơ mộng ngông của chung các thanh niên khi nhớ một áng văn hay đứng trước một cảnh đẹp. Chưa gọi là một ý muốn, một quyết tâm được.
Tổ tiên tôi, bên nội cũng như bên ngoại không có ai viết sách cả. Bác Hai tôi còn muốn tôi đừng học văn thơ nữa mà chuyên tâm vào khoa học. Và tôi đã lựa một ngành kĩ thuật thuộc về khoa học. Tôi cũng không được một giáo sư nào khuyến khích viết văn như hai bạn Võ Phiến, Nguyễn Hữu Ngư. Và ở trường Công chánh ra, tôi đã quên từ lâu câu: “Nhập thế cục bất khả vô văn tự” rồi.
Hai năm lênh đênh trên sông rạch miền Tây, sở dĩ tôi chép hồi kí và nhật kí chỉ là để giải muộn, tiêu cho hết 24 giờ mỗi ngày, cho nên chép xong rồi bỏ, không hề đọc lại.
Từ năm 1938, về Sài Gòn làm việc, tôi không được rãnh như hồi đi đo mực đất nữa, nhưng việc nhà chẳng có gì, nên mỗi ngày có cả một buổi tối và mỗi tuần cả một ngày chủ nhật ở không. Tôi không có khiếu về âm nhạc, học đờn ít tháng rồi bỏ, không thích đánh cờ, rất ghét đánh bài, cũng không ưa họp bạn tán chuyện, nhậu nhẹt hoặc rủ nhau nhảy đầm – thời đó có phong trào nhảy đầm, nay gọi là vũ, nhưng theo tôi vũ và nhảy đầm khác nhau xa. Rốt cuộc, chỉ còn có cách là đọc sách, học thêm. Cho nên, một anh bạn trường Công chánh, sau bốn năm xa cách, gặp tôi ở Sài Gòn, thấy tôi dịch Hán văn, ngạc nhiên hỏi: “Anh học chữ Hán hồi nào vậy”, tôi đáp: “Học trong khi các anh nhảy đầm”. Anh ta cười.
Nhiều người, từ bạn bè đến độc giả bảo tôi sống như một nhà tu khổ hạnh. Tôi không biết các nhà tu khổ hạnh có thấy khổ hay không khi họ nhịn ăn, nhịn uống, nhịn ngủ, tự quất vào thân cho đến rớm máu, hoặc khi họ tĩnh toạ cả chục năm quay mặt vào tường, nắm chặt bàn tay tới nỗi móng tay mọc dài xuyên thấu lòng bàn tay (?) (chắc phải có người đút cho họ ăn, đổ nước vào miệng cho họ uống?); chứ riêng tôi, chẳng tu hành gì cả, không thấy lối sống của tôi với sách vở là khổ.
Năm 1946 hay 1947[1], tôi làm đôi câu đối:
------Trị ái thư, loạn ái thư, thư trung hữu hữu,
------Bần dĩ đạo, phú dĩ đạo, đạo ngoại không không.
mà một ông bạn dịch là:
------Trị yêu sách, loạn yêu sách, trong sách chi chi cũng có,
------Nghèo giữ đạo, giàu giữ đạo, ngoài đạo thảy thảy đều không.
“Thư trung hữu hữu”. Trong sách có nhiều cái thú lắm chứ.
Trong cuốn Tự học, một nhu cầu của thời đại, tôi đã trích nhiều danh ngôn về thú đọc sách, như:
“Sự tiếp xúc với sách an ủi tôi trong cảnh già và cảnh cô độc (...) Những nỗi đau khổ nhờ nó mà bớt nhói. Muốn tiêu khiển, tôi chỉ có cách đọc sách” (Montage).
“Sự học đối với tôi là phương thuốc công hiệu nhất để trị những cái tởm ở đời, vì tôi chưa lần nào buồn rầu đến nỗi đọc sách một giờ mà không hết buồn” (Montesquieu).
“Sự học trang hoàng đời sống và làm cho ta mến đời hơn. Nó là một thú vui không khi nào giảm” (J. Viênnt).
Còn Khổng tử thì suốt đời “học bất yếm” (học không chán) và “triêu văn đạo, tịch tử khả hỉ (Sáng được nghe đạo lí, tối chết cũng không hận).
Tôi cũng như Montaigne, muốn tiêu khiển chỉ có cách đọc sách và cũng như Khổng Tử, học bất yếm. Etiemble, tác giả cuốn Confucius (Gallimard – 1966), bảo đã mang ơn Khổng tử ngang với Montaigne, chắc cũng là hạng ham đọc sách. Bác Hai tôi từ hồi tôi 16-17 tuổi, bảo rằng tôi “đam thư” nghĩa là mê sách. Chữ đam đó dùng theo nghĩa gốc là “quá mức”, ham quá mức. Đó là một tính bẩm sinh có lẽ do di truyền của ông nội, bà nội tôi. Tôi nghĩ không có gì đáng khen cả, ở đời thiếu gì người mê sách.
Về Sài Gòn dễ kiếm sách báo để đọc. Sách báo Việt thời đó không có bao nhiêu, tôi lựa mua hết thảy những gì đáng đọc được: báo Ngày Nay, Thanh Nghị, Tri Tân, Tao Đàn, Phụ nữ Tân văn; sách của Tự lực Văn đoàn, nhà Tân Dân, nhóm Hàn Thuyên…
Sách Pháp, vì ít tiền, tôi chỉ mua một số nhỏ còn thì mượn của Thư viện thành phố. Chính ở Thư viện này, tại phòng cho mượn sách, tôi thường gặp ông Nguyễn Ngọc Thơ mà tôi đã quen ở Rạch Giá, hồi ông còn làm tri huyện. Cùng mắc một bệnh đọc sách nên chúng tôi lần lần thân với nhau, nhưng chỉ thân trong tình sách vở thôi.
Sách Trung Hoa thì mỗi tháng độ một lần, tôi vào Chợ Lớn, đường “Thuỷ Binh” (rue de Marins nay là đường Đồng Khánh, sau 30-4 đổi là Trần Hưng Đạo) mua. Muốn tiết kiệm, tôi mua những sách rẻ tiền, in mờ, nhiều lỗi, hoặc không có chú thích. Đó là một lầm lớn: vừa tốn tiền, vừa mất thì giờ đọc. Cũng có một vài nhà xuất bản đứng đắn, in những sách hay, không lỗi, có chú thích, mà tương đối rẻ tiền như Thương vụ ấn thư quán ở Thượng Hải, nhưng thời đó tôi chưa biết. Tôi cũng không biết viết thư xin mục sách của các nhà xuất bản lớn ở Trung Hoa, Pháp.
Tóm lại trên con đường tự học, tôi chẳng có chút hiểu biết, kinh nghiệm nào cả, phương tiện thật thiếu thốn, tốn công nhiều mà kết quả rất ít. Vì nghĩ vậy mà sau này tôi viết cuốn Tự học để thành công (sau sửa chữa, đổi nhan đề là Tự học, một nhu cầu của thời đại) để hướng dẫn thanh niên tránh những lỗi lầm của tôi.
Khi thế chiến xảy ra, sách ngoại quốc không vô được nữa, mỗi chủ nhật tôi lại một tiệm sách cũ ở đường Gia Long[2] và mấy quán sách cũ ở trước Nhà hát Thành phố, thỉnh thoảng kiếm được một cuốn lí thú, như cuốn Le Roman russe của E.M Vogué; nhưng không có sách Trung Hoa. Ở những nơi đó gặp nhiều người ham đọc sách, nhưng tôi chỉ biết mặt họ chứ không tìm cách làm quen. Đó cũng là một sở đoản của tôi: vì ít giao du nên không học được kinh nghiệm của người.
Tôi vào hạng đọc sách chứ không chơi sách, không mua những sách đẹp, quí, hiếm[3], muốn mua cũng không đủ tiền, chỉ lựa những cuốn có ích hoặc tôi thích thôi. Sau này, vào khoảng 1960, tôi thấy lối chơi sách khá đặc biệt: một độc giả lại thăm tôi bảo bất kì tác phẩm nào của tôi ông cũng mua, chẳng những vậy, cuốn nào tái bản mà tôi có thêm bớt, sửa chữa dù ít, cũng mua đủ; như vậy phải đọc các báo, phải đều đều lại tiệm sách để theo dõi sự xuất bản sách của tôi. Dĩ nhiên ông ấy để sách tôi vào một chỗ và không cho ai mượn. Tôi lấy làm hân hạnh lắm nhưng nghĩ bụng có những cuốn tầm thường thì giữ làm gì. Ông ấy chỉ lại chỗ tôi một lần đó thôi. Trong nước không biết có được ba người như ông không. Từ đó tôi không gặp lại ông, cũng không nhận được bức thư nào của ông. Tôi cũng vô tình không hỏi tính danh, địa chỉ của ông nữa. Không biết hiện nay ông ở đâu mà tủ sách của ông còn không?
Sách nào mua về, tôi cũng đọc hết, dù chán tôi cũng rán, để biết qua nội dung. Tôi biết nhiều người mua về, lật coi qua rồi để đó, rất ít khi đọc, rồi lần sau lại mua thêm nữa, số sách mỗi ngày một nhiều, số sách chưa đọc mỗi người một tăng tới lúc quên không biết mình có những cuốn gì nữa. Đặc biệt nhất là một ông bạn tôi, cử nhân luật, cứ ít tháng lại gởi mua một chồng sách ở Pháp, nhận được sách ông xếp thật ngay ngắn trên một cái bàn gần đầu giường, rồi ngắm nghía, một lát thiu thiu ngủ. Ngày nào cũng vậy, mà không hề đọc được mười trang. Mỗi cuốn ông chỉ coi cái bìa, trang có nhan đề và bảng mục lục. Hễ gói sau ở Pháp tới, ông dẹp chồng sách cũ đi mà bắt đầu ngắm chồng sách mới. Kiểu chơi sách này thật kỳ cục.
Tôi coi sách chỉ là một phương tiện để học, để tra cứu. Khi đọc tôi luôn luôn có một cây viết chì để đánh dấu những chỗ đáng nhớ, hoặc có thể dùng tới sau này; cuốn nào thường phải đọc lại thì tôi ghi những ý quan trọng cùng số trang lên mấy trang trắng (page de garde) ở đầu sách.
Trước năm 1950, tôi không có ý chuyên viết sách, sống về nghề văn, càng không có ý khảo cứu, mà số sách trong nhà lại ít, độ năm trăm cuốn trở lại, cho nên tôi thấy không cần phải làm thẻ cho mỗi cuốn, cũng không cần đóng tủ riêng để chứa. Tôi chỉ có mỗi cái tủ nhỏ cao độ một thước, bề ngang độ nửa thước, bề sâu độ bốn tấc, với một cái giỏ mây lớn bằng cái rương, mua ở Chợ Cũ. Những sách có giá trị tôi sắp vào trong tủ, còn bao nhiêu cho cả vào trong giỏ mây. Về sau sách mỗi ngày mỗi nhiều, tới ba ngàn cuốn, mới thấy bất tiện vì không có thẻ cho mỗi cuốn; nhưng lúc đó tôi bận công việc viết lách, không thể bỏ ra vài ba tháng để làm thẻ, mà cũng không thể nhờ ai được, nên đành để như cũ. Tuy nhiên, sách nào thường dùng tôi để riêng, sắp theo từng loại, không cho ai mượn cả; vợ con muốn coi cũng phải hỏi tôi. Có những cuốn cả năm tôi không dùng tới, nhưng bất thần tôi chỉ cần tra trong mươi phút thôi mà kiếm không ra thì bực lắm; có cuốn mất rồi, không sao mua được nữa, dù có cả ngàn vàng[4]. Như vậy sách đối với tôi hơn cái cày đối với người làm ruộng, cái búa cái đe đối với thợ rèn, cho nên không cho mượn được. Tôi phải nhắc đi nhắc lại với người nhà như vậy, và phải nhiều năm họ mới hiểu được.
Những sách tôi đã đọc rồi mà cho là không quan trọng, hoặc không dùng tới nữa thì tôi để riêng, nhưng cũng sắp sơ sơ vào từng loại.
MUỐN HIỂU RÕ MỘT NGOẠI NGỮ THÌ PHẢI DỊCH
Đó là việc về sau, chứ trước năm 1945, tôi không có chương trình vì chưa có chủ đích viết sách, chưa có hướng đi.
Như trên tôi đã viết, tôi đọc sách chỉ để tiêu khiển và vì tò mò, nhân đó mà học thêm. Môn tôi muốn học thêm làm môn chữ Hán, đạo Khổng và văn thơ Trung Hoa. Năm 1938-1939, tôi đã lem nhem đọc được vài cuốn cổ văn dễ dễ và vài cuốn Bạch thoại, mười phần hiểu được sáu bảy. Học một ngoại ngữ, khi còn “ba chớp ba nhoáng” như người miền Nam nói, thì đọc sách ai cũng mắc cái lỗi tưởng mình hiểu rồi mà thực ra là chưa hiểu. Muốn kiểm soát sự hiểu biết của mình, muốn hiểu cho rõ thì phải dịch ra tiếng Việt. Khi dịch, bắt buộc ta phải tra tự điển; câu nào dịch rồi mà ý nghĩa không xuôi, có điểm nào vô lí hoặc mâu thuẫn với một số câu ở trên thì bắt buộc ta phải soát lại xem mình dịch sai ở chỗ nào, phải tra tự điển lại, suy nghĩ, lí luận, tìm xem dịch sai ở đâu. Dù cẩn thận tới mấy cũng có chỗ sai sót, vì mình không ngờ. Cái khổ tâm của người tự học là ở đó. Tục ngữ có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Tôi không có thầy - vì không ở gần bác tôi mà hỏi thường được - lại không có sách hướng dẫn, toàn là tự mò lấy, cho nên mệt sức lắm mà sở học có nhiều khuyết điểm.
Để học Bạch thoại, tôi tập dịch Nam du tạp ức và bài Tam bất hủ trong tập Văn tuyển, cả hai đều của Hồ Thích. Văn Hồ Thích giản dị, minh bạch, nên tôi dịch không sai lắm. Tập trên chép những điều Hồ Thích mắt thấy tai nghe khi ông đi từ Thượng Hải xuống chơi Quảng Tây theo lời mời của các nhà cầm quyền Quảng Tây: Lí Tôn Nhan, Bạch Sùng Hi… Hồ khen cảnh thịnh trị của Quảng Tây, trên dưới thân với nhau, trên làm gương cho dưới, cần kiệm và giản dị, dưới kính yêu trên; Hồ lại tả phong cảnh rất đẹp ở Quảng Tây, chép một số bài dân ca nữa. Bản dịch đó tôi còn giữ.
Bài Tam bất hủ là một áng văn hay của Hồ Thích, sau đó tôi cho in vào phần Phụ lục cuốn Nghệ thuật nói trước công chúng. Trong tập Hồ Thích văn tuyển, ngoài bài đó ra còn hai truyện ngắn nhưng không hay, kém xa truyện ngắn của Lỗ Tấn nên tôi không dịch.
Đọc cổ văn Trung Quốc tôi dùng bộ Cổ văn quan chỉ. Nhờ có lời chú thích và bản dịch ra bạch thoại nên tôi mò lần cũng ra. Và tôi cũng dịch độ một trăm bài ra tiếng Việt, không phải để tập dịch mà để học, cho nên bản dịch đó sau này bỏ, không dùng. Công việc thật mệt, mỗi ngày tôi dịch được một bài thôi. Nhờ dịch mà tôi thấy được cái hay của cổ văn: bài nào bố cục cũng kĩ, mở thường đột ngột mà kết thường gọn, mạnh; ý nhiều khi khoáng đạt, có chút triết lí mà lời thì gọn, hàm súc, du dương. Sau này mỗi khi muốn có cái cảm giác nhẹ nhàng của người mới tắm dưới suối lên rồi đứng hóng gió trên ngọn đồi thì cứ phải lật bộ cổ văn ra, chứ không tìm được trong một tác phẩm hiện đại nào cả. Cho tới bây giờ, tôi vẫn cho những bài Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú, Hĩ vũ đình kí của Tô Đông Pha, Tuý ông đình kí của Âu Dương Tu, Lan Đình tập tự của Vương Hi Chi, Nhạc Dương lâu kí của Phạm Trọng Yêm… là những viên ngọc nhỏ trong văn học Trung Hoa.
Tôi thích quá, mua một bộ tặng ông bạn Pháp lai, Paul Schneider[5], lúc đó mới bắt đầu học chữ Hán; và mới rồi ở Pháp ông viết thư cho tôi bảo thỉnh thoảng vẫn mở bộ đó ra đọc lại. Ông đã dịch một số thơ Việt Nam ra tiếng Pháp và đương nghiên cứu về chữ Nôm, hiện đã xuất bản được vài cuốn có giá trị về thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ở trung học tôi không được học cách luyện văn, viết một bài luận cho có nghệ thuật; đọc cổ văn tôi mới tìm được nghệ thuật của cổ nhân, và tôi bất giác bắt chước các viết của cổ nhân. Trong mấy năm đầu thế chiến, tôi tập viết mười bài tuỳ bút, và trên mười bài luận về các nhân vật lịch sử như: Hồ Quý Li, Trần Danh Án, Anh em Tây Sơn… Một số bài được bác Ba tôi bảo đáng được “bình”, riêng bài Hương và Sắc, bác tôi phê “ưu” với hàng chữ: “Hạ bút thành văn, bút cũng thơm”. Bài này tôi đã cho in vào tập Hương sắc trong vườn văn (1961). Đa số những bài khác gần đây đọc lại tôi không vừa ý vì lí luận thiên lệch, quá bất công với cổ nhân, có giọng một hủ Nho, không chịu hiểu hoàn cảnh, tâm lí người xưa mà cứ đưa đạo lí ra để bắt bẻ. Tật đó tôi lây của cổ nhân nhưng đã biết sớm bỏ.
Về Triết học Trung Quốc, tôi chỉ đọc được bộ Tứ thư, Chu Hi chú giải; tôi không có bản dịch ra Việt văn và bộ giúp tôi nhiều nhất là bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim. Tôi cũng mua những cuốn Lão Tử, Mặc Tử của Ngô Tất Tố (Mai Lĩnh xuất bản).
Tôi mừng khi kiếm được những cuốn về Văn học sử Trung Quốc như: Trung Quốc văn nghệ tư trào sử lược của Chu Duy Chi, Trung Quốc văn học sử đại cương của Dương Triệu Tổ[6], Tân trứ Trung Quốc văn học sử của Hồ Vân Dực[7], Bạch thoại văn học sử của Hồ Thích, Histoire de la litérature chinoise của Margouliès, La Littérature chinoise của O.Kaltenmark Ghéquier.
Nhờ những cuốn đó mà tôi thoả mãn được lòng tò mò của tôi khi học chữ Hán với bác Hai tôi vì sách Việt chưa có cuốn nào viết về văn học Trung Quốc cả, trừ cuốn Hán văn khảo quá sơ lược của Phan Kế Bính.
Đọc những sách chữ Hán kể trên, mới đầu tôi hiểu được ít thôi vì sách không có chú thích; mà đọc hai cuốn chữ Pháp thì không cuốn nào in chữ Hán, chỉ phiên âm ra tiếng Pháp, lối này tôi chưa quen, không sao nhận ra được tên người và tên tác phẩm chữ Hán, nên hết hứng thú. Nhưng lần lần rồi cũng quen và hiểu được gần hết.
DỊCH SÁCH
Cũng vào khoảng đầu thế chiến, một số nhà văn ở Hà Nội đã bàn đến giáo dục như Vũ Đình Hoè trên tờ Thanh Nghị, Thái Phỉ trong cuốn Một nền giáo dục Việt
Tôi quan tâm ngay đến vấn đề đó vì hồi ấy con tôi đã được vài tuổi. Một người bạn cho tôi mượn cuốn L’Éducation des sentiment của P. Félix Thomas, được giải thưởng của Học viện Luân lí - Chính trị ở Pháp.
Khi phân tích một tình cảm nào, tác giả cũng xét qua lại hết thảy những thuyết của các triết gia cổ kim, rồi dùng những kinh nghiệm, những hiểu biết của ông về trẻ em – ông là một nhà giáo dục – để xét những thuyết đó chỗ nào sai, chỗ nào đúng, rồi bày tỏ chủ trương của mình, chủ trương này có tính cách trung dung, không quá thiên về trí dục – và khuyên ta cách thực hành ra sao trong sự giáo dục trẻ.
Lòng yêu trẻ của ông thật nồng nàn, nên văn ông có nhiều chỗ cảm động, chỗ nào cũng sáng sủa, có khi hoa mĩ, đọc rất thú. Cho nên tôi hăng hái dịch ngay, chỉ lược dịch thôi, có chỗ tóm tắt đại ý, chỉ cốt sao không phản ý tác giả là được. Tuy nhiên, những đoạn hay tôi đều dịch sát, không bỏ một câu, cốt lột được nghệ thuật viết của tác giả. Nhờ vậy bản dịch đầu tay đó[8] được anh em trong nhà đều khen là trôi chảy, sáng sủa mà có văn chương. Về sau tôi giữ lối đó khi dịch những sách trong loại Học làm người.
Tôi còn dịch một chương trong cuốn Un Art de vivre của A. Maurois nhưng không nhớ chương nào vì không giữ được bản thảo.
Năm 1944, tôi không thoả mãn về cuốn Một nền giáo dục Việt Nam mới của Thái Phỉ nên viết một cuốn khác dày khoảng trăm rưỡi trang đánh máy, mới đưa cho bác Ba tôi và thi sĩ Việt Châu (con trai thứ của bác tôi) coi, rồi sau thất lạc trong Đồng Tháp Mười, hồi tản cư năm 1946. Tôi không nhớ tên tác phẩm đó nữa. Thời đó tôi viết bản nháp trong những vở học trò 100 trang, xong rồi mới sửa lại và chép tay trên giấy đánh máy, chép một mặt thôi mà cũng chỉ chép một bản vì khan giấy. Thời chiến tranh, các nhà máy giấy trong nước chỉ sản xuất được một thứ giấy rất xấu, đen, dày, một mặt láng, một mặt nhám; rồi sau thứ giấy đó cũng hiếm, các nhà xuất bản phải dùng thứ giấy bản của làng Bưởi (gần Hà Nội).
°
Làm ở sở Thuỷ lợi, tôi có dịp đi kinh lí nhiều nơi, được biết, thác Khône ở Lào, Đồng Tháp Mười, Long Hải, thác Trị An, Đế Thiên Đế Thích (1943). Thấy cảnh nào đẹp tôi đều chép vào nhật kí hay du kí.
Tôi tiếc không giữ được nhật kí thác Khône, nay chỉ nhớ đại khái. Sở phái tôi đi lên đó để đo lưu lượng (débit) sông Cửu Long cuối mùa nắng, lúc mực nước thấp nhất. Từ Sài Gòn, chúng tôi đi xe hơi của sở hai ngày mới tới, làm việc ba ngày rồi về.
Không phải chỉ có một cái thác mà có tới sáu bảy cái nằm ngang một dãy. Ở đó lòng sông toàn đá nổi lên ngăn dòng nước, nước sông ứ lại ở phía trên rồi trút xuống thành thác, cái cao nhất có thể tới chục thước. Vì là mùa cạn nên nước không chảy xiết lắm, nhưng tiếng nước ầm ầm dội cũng rất xa. Bên bờ sông là những ngọn núi cao, đầy cổ thụ, cảnh thật hoang du. Có một đường xe lửa nhỏ dài bảy cây số nối quãng trên với quãng dưới thác. Tàu thuỷ Luang Prabang xuống phải ngừng ở quãng trên, chuyển hành khách và hàng hoá lên xe lửa để xuống quãng dưới, từ đây có tàu khác đón để đưa xuống Nam Vang.
Khône có một nhà bưu điện và một nhà thương, một sở Hiến binh, vài biệt thự cho công chức, còn toàn là nhà sàn bằng gỗ, lá của người Lào. Có mỗi một cái quán của Hoa kiều[9] bán sữa, cà phê và vài thứ bánh ngọt. Cảnh rất buồn.
Một nhân viên công chánh ở đó, coi đường xe lửa mời tôi về nhà thầy ta ở và tổ chức một buổi nhạc của người Lào cho tôi xem. Có hơn một chục người Lào lại nghe, họ ngồi xổm cả xuống sàn, bà già cũng nhai trầu như mình, thiếu nữ thì không. Họ gầy, yếu, đen đủi, y phục xấu xí - không có chiếc xà rông nào rực rỡ cả - khác xa hình ảnh các phù sảo xinh tươi, tình tứ trong các tiểu thuyết Pháp tả xứ Lào. Chủ nhà bảo tôi muốn thấy mĩ nhân Lào thì phải lên phía Bắc, ở Vientiane, Luang Prabang. Tiếng khèn (một thứ sáo có nhiều ống) không réo rắt mà cứ đều đều một điệu buồn buồn, giọng hát cũng không hay, tôi chỉ nghe một lát là chán.
Tối hôm sau, chủ nhân dắt tôi đi coi “bun” ở một ngôi chùa. Chùa nhỏ, rất ít tượng Phật. Một ông Lục ngồi trên cao, độ hai chục thanh niên nam nữ Lào tay cầm cây nến đỏ nhỏ, nối nhau chạy theo một vòng tròn trước mặt ông Lục. Ông như nhập định, không hề nhúc nhích. Đứng coi độ mười phút rồi tôi ra về. Tôi nghĩ mỗi năm lên bờ thác Khône độ vài tháng viết sách thì thú, ở lâu chắc chịu không nổi.
Khi về Sài Gòn, ngoài cảnh thác hùng vĩ, tôi chỉ còn giữ được vài hình ảnh này: một đám thiếu nữ Lào để cả xà rông tắm, lội trên dòng sông, khi tà dương gần tắt chỉ còn ít ánh vàng trên ngọn cây rừng.
Như trên tôi đã nói, bác Ba tôi từ năm 1913 hay 1914, phải lẻn về làng Tân Thạnh ở ven Đồng Tháp Mười để tránh bọn mật thám Sài Gòn, rồi sau lập nghiệp ở đón nên biết được cảnh hoang vu của Đồng Tháp hồi đầu thế kỉ, kể cho tôi nghe nhiều chuyện về dân tình, lối sống, thổ sản miền đó; sau tôi lại đi đo trong Đồng Tháp một thời gian, rồi đi kinh lí nhiều lần từ Hồng Ngự tới Tân An; về Sài Gòn tôi đọc thêm được nhiều tài liệu của sở Thuỷ lợi, mua được cuốn La Plaine des Jonc[10] của V. Delahaye, nhờ vậy tôi biết được khá nhiều về Đồng Tháp.
Sau khi nhận lời anh Vũ Đình Hoè viết giúp tờ Thanh Nghị, tôi khảo cứu thêm các cuốn sử, địa phương chí, các số báo Courrier de Saigon năm 1865-1866, đọc tất cả những gì liên quan đến Đồng Tháp để viết cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, nhưng sau sáu bảy tháng viết xong thì sở Bưu Điện Sài Gòn không còn nhận đồ bảo đảm ra Hà Nội nữa vì đường giao thông trắc trở, tôi đành cất bản thảo đi, đợi một cơ hội khác. Cuốn đó tôi viết công phu, nhưng sau bản thảo mất ngay trong Đồng Tháp Mười hồi tôi tản cư về đó, năm 1946. Tôi rất tiếc, và tám năm sau tôi phải viết lại. Tôi sẽ trở lại việc này trong một chương khác.
Nhưng thích nhất là cuộc du lịch Đế Thiên Đế Thích. Năm 1943, viên kĩ sư thấy tôi làm việc đắc lực, tạo cơ hội cho tôi đi kinh lí ở ngay trong vùng có những cổ tích hoang tàn của Cao Miên đó mà có người gọi là “kì quan thứ tám của thế giới”.
Tôi mang theo cuốn Guide Groslier rồi lên xe đò đi Nam Vang. Ở Nam Vang một ngày coi chùa Vàng, chùa Bạc, làm vài việc cỏn con cho sở rồi năm giờ chiều lên xe đi Siemreap, khoảng hai giờ khuya tới Siemreap. Hồi đó vào hạ tuần tháng giêng dương lịch năm 1943, mùa tốt nhất để đi coi cảnh Đế Thiên Đế Thích vì trời rất trong, không mưa và hơi có gió bấc, không khí không nóng lắm, đêm hơi lạnh.
Ở Siemreap, tôi ghé nhà anh Hách – anh đã đổi lên trên đó để xây một cái đập cho công cuộc thuỷ nông – và anh và hai bạn công chánh nữa[11] đưa tôi đi thăm các di tích hoang tàn.
Trong hai ngày, chúng tôi đi coi thành phố Siemreap và một khu rừng chu vi trên ba chục cây số, chỗ nào cũng có phế tích. Không thể đi coi hết được, chúng tôi chỉ thăm độ 15 ngôi đền lớn, nhỏ, kiến trúc đẹp nhất và ba cái hồ, mà lại coi vội vì không có đủ thì giờ.
Trong suốt cuộc du lịch đó, lòng tôi lúc nào cũng phơi phới, nhẹ nhàng, như nghe một bản nhạc êm đềm. Cảnh thật thanh tĩnh, nên thơ, gây biết bao nỗi hoài cảm. Tôi thích cảnh stung (sông) Siemreap dưới trăng với những cầu gỗ khom khom có tay vịn, như cầu Thê Húc ở hồ Hoàn Kiếm nhưng dài hơn. Trăng vằng vặc[12] chiếu qua cành lá thưa, lấp lánh trên một dòng nước con con - mùa này nước stung cạn – thỉnh thoảng có mùi hương dịu và tí tách có tiếng nước nhỏ giọt từ các guồng nước – thứ guồng dùng ở Quảng Nam – cứ đều đều, chậm chạp quay, như gạn từng giọt nước pha lê vào những máng nước dài đưa vào vườn hoa của các biệt thự trên bờ.
Tôi mê cảnh đền Bayon mà Doudart de Lagrée bảo là “thần tiên lạ lùng”, với 50 ngọn tháp[13], 43 đầu Phật, mỗi đầu có bốn mặt, mặt nào cũng có nụ cười hiền từ, khoan hoà, bí mật.
Đền Angkor Vat dưới ánh nắng tà dương làm tôi xúc động mạnh. Khi qua cái hào rộng trên 200 thước mà lục bình như muốn giữ mây chiều lại, vừa bước tới cửa Tây thì đền hiện lên, đè nặng lên tâm hồn tôi. Tôi thấy ngộp gấp mấy lần khi đi thăm đền Hùng ở Phú Thọ. Ở đây, kiến trúc Miên đã đạt tới tuyệt đỉnh: hàng triệu phiến đá hợp thành một khối cân đối, rất hài hoà để diễn một ý tưởng vừa hùng vừa diễm.
Nhưng hợp với tâm hồn tôi nhất là đền Ta Phrom, kiến trúc khác hẳn các đền kia, không cao, không đồ sộ mà trải rộng ra trong một khu rừng, và ở sâu trong rừng, có một lối đi lát đá dài 500 thước đưa vào. Chỉ riêng đền này còn giữ vẻ hoang vu. Trường Viễn Đông Bác Cổ đã có sáng kiến lựa nơi đây mà bảo tồn cảnh thiên nhiên để ta được hưởng cái cảm giác rùng rợn của các nhà thám hiểm thời trước.
“Ở đây mới thực là cảnh hoang tàn. Ở đây ta mới thấy sự chiến đấu giữa cây và đá, giữa loài người và hoá công. Có những rễ cây lớn mấy tấc, dài hàng chục thước, uốn khúc ôm lấy bệ của toà đền và nổi gân lên như muốn vặn cho nó đổ mới chịu được. Có cây lại ngạo nghễ ngồi xếp bằng trên một toà khác, ung dung thả hàng trăm rễ xuống, như hàng trăm tay của loài bạch tuộc, ghì chặt lấy mồi của mình, không cho nó cựa rồi hút dần tinh tuý của nó, cho thịt nó rã, xương nó tan, mà hiện nay ngôi đền cũng đã gần tan gần rã. Có cây độc ác hơn, đâm một rễ lớn từ đỉnh đền xuống như cắm lưỡi gươm vào đầu quân thù”.
Mấy chục năm nay, tôi vẫn ao ước chiến tranh trên bán đảo chữ S này chấm dứt, sẽ đi thăm lại Đế Thiên Đế Thích, cũng như tất cả cảnh đẹp ở Việt Nam, nhưng nay không còn hy vọng gì nữa.
Về Sài Gòn, tôi chép ngay lại cảm tưởng khi du lịch, sợ để lâu quên mất, và trong khi viết tôi được sống lại những lúc vui đã qua, như được du lịch lần thứ hai. Khoảng giữa tháng hai năm 1943, tôi hoàn thành tập du kí Đế Thiên Đế Thích. Tập này viết cũng rất kĩ.
Ngoài những cuộc kinh lí kể trên, tôi còn thường xin nghỉ mỗi năm nửa tháng hay một tháng để về thăm quê hương hoặc đi thăm ông nhạc tôi ở Tuy Hoà, nhân tiện ghé thăm Nha Trang, Quy Nhơn. Chính trong những chuyến nghỉ đó mà tôi được thấy cảnh đẹp mê hồn của miền duyên hải Trung Việt. Và lần nào về nhà tôi cũng ghi vội lại, định cứ mỗi năm đi tiếp một quãng: Quy Nhơn – Tourane, Tourane – Huế, Huế - Nghệ An, Nghệ An – Thái Bình[14], khi nào đi hết bờ biển Trung Việt sẽ viết một cuốn nhan đề là Trên con đường thiên lí tả những cảnh đẹp, những cổ tích, phong tục trên dãy đất đó của Việt Nam; cuốn đó sẽ là cuốn tôi viết say mê nhất và sẽ là tác phẩm chính của tôi. Nhưng tôi chỉ mới ra được tới Quy Nhơn thì thế chiến đã nổ, không có dịp tiếp tục đi nốt những chặng sau; và tôi chỉ ghi vội được bốn tập - mỗi tập ba bốn chục trang nhỏ: Về Bắc lần đầu, Về Bắc lần nhì, Về Bắc lần ba và Nha Trang – Tuy Hoà – Quy Nhơn.
Cũng may mà các tập đó không thất lạc và tôi đã trích được ít đoạn tả cảnh đèo Cả, đèo Hải Vân, Đại Lãnh, Lăng Cô, toàn thể thành phố Nha Trang, sửa lại rồi đưa vào chương trên.
Viết xong tập nào tôi cũng đưa bác Ba tôi đọc. Bác tôi rất khen tập Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đế Thiên Đế Thích và tập trong đó tôi đưa ra một chính sách giáo dục cho nước nhà, khen tôi có tài viết văn và văn của tôi hơi chịu ảnh hưởng của cổ văn Trung Quốc. Người cho tôi hai câu đối:
----“Sơn thủy kì tung du thị học,
----Văn chương diệu phẩm thực nhi hoa”.
Nghĩa:
----Những nơi sơn thủy kì dị, đi chơi tức là học đấy,
----Văn chương diệu phẩm thì thành thực mà hoa mĩ.
--- “Học bản tu thân, thân tức quốc,
----Nhân năng bạt tục, tục nhi tiên”.
Nghĩa:
----Học gốc ở tu thân, thân mình tức là nước,
----Có tư cách bạt tục, tuy tục mà tiên.
Tôi cũng đưa ba tập đó cho thi sĩ Việt Châu coi - lúc đó anh giữ mục phụ trương văn thơ của một tờ nhật báo (tôi quên tên) do Bùi Thế Mĩ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Việt Châu bảo tôi nên xuất bản hoặc đăng báo đi; tôi đáp: “Để thủng thẳng, gấp gì”.
Tôi tin rằng ba tác phẩm đó với bản dịch cuốn Huấn luyện tình cảm không kém một tác phẩm nào đã xuất bản trong loại của chúng, nên lúc nào in cũng được, đợi chiến tranh kết thúc rồi, kinh tế thịnh vượng lên, in sẽ có lợi hơn.
BẢN THẢO VIẾT TỪ NĂM 1937 ĐẾN NĂM 1945
Tính lại thì trong những năm ở Sài Gòn - từ 1937 đến 1945 - tôi đã tự học mà biết thêm một ít chữ Hán, một ít văn học và triết học Trung Quốc; và đã viết được trên ngàn trang, mục đích chỉ là để tiêu khiển, tự học, chưa có ý xuất bản, tuyệt nhiên không phải vì lợi hay vì danh. Viết để tiêu khiển thì tất nhiên chưa có chủ trương, đường lối rõ rệt, thích cái gì viết cái đó, tuỳ hứng. Tuy nhiên cũng đã có xu hướng: tôi không làm thơ, không viết tiểu thuyết mà thích loại kí (du kí, hồi kí), nghị luận, cảo luận, tuỳ bút, và chú ý tới các vấn đề giáo dục và văn học. Nhưng chưa có ý bước vào khu vực biên khảo. Hồi đó tôi trên dưới ba mươi tuổi, sự hiểu biết còn hẹp, lí luận chưa vững, nhưng nhận định không đến nỗi hời hợt, mà bút pháp đã định rồi: văn cần sáng sủa, bình dị, nếu hơi hoa mĩ thì càng quí, cần nhất là xúc cảm phải chân thành; những nét đó sau này tôi vẫn giữ, nhờ vậy mà độc giả thích tác phẩm của tôi.
Đến năm 1945, tôi đã có được khoảng chục bản thảo.
Không kể những tập Hồi kí tuổi xuân (viết từ hồi đi đo đất ở Hậu Giang), Ba lần về Bắc (năm 1940, 1943, 1944), tập Du Kí Nha Trang – Qui Nhơn, tập dịch Cổ văn Trung Quốc, tập Tuỳ bút, Cảo luận, tất cả đều viết xong rồi không sửa lại, chỉ coi như những tài liệu; còn sáu tập nữa:
- Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (mất)
- Đế Thiên Đế Thích
- Bàn về giáo dục (mất)
- Huấn luyện tình cảm, dịch P. F. Thomas
- Nam du tạp ức, dịch Hồ Thích
- Dịch văn nước ngoài, dịch A. Maurois và bài Tam bất hủ của Hồ Thích tôi đều sửa chữa kĩ lưỡng định sau sẽ in, nhưng bản thảo Đồng Tháp Mười, bàn về giáo dục, dịch A. Maurois đã thất lạc trong hồi tản cư.
Trong số những bản còn lại, năm 191, nhà xuất bản P. Văn Tươi in tập Huấn luyện tình cảm, năm 1968 nhà Thời Mới in tập Đế Thiên Đế Thích; bài Tam bất hủ của Hồ Thích tôi cho vô phụ lục cuốn Nghệ thuật nói trước công chúng (P. Văn Tươi, 1951), tập Nam du tạp ức để lâu quá, mất thời gian tính, tôi bỏ không dùng; còn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười tới năm 1954 tôi phải viết lại và xuất bản ngay năm đó.
Hồi đó tôi nghĩ rằng sẽ làm công chức tới khi về hưu, rãnh và có hứng thì viết, nếu về già góp với đời được độ mươi cuốn cũng là nhiều rồi. Nhưng rồi do thời cuộc biến chuyển, mùa thu năm 1945 tôi bỏ luôn nghề công chánh mà sống về nghề cầm bút và số tác phẩm ba chục năm sau gấp mười số tôi dự tính. Điều đó mẹ tôi, các bác tôi và chính tôi nữa cũng không sao ngờ được. Tới nay tôi cũng không biết cuộc đời của tôi, mấy phần do tôi quyết định, mấy phần do hoàn cành, thời thế xui khiến. Tôi cho rằng dù cho thời thế đưa đẩy thì vẫn phải có ý chí của con người.
[1] Cuối chương XV và trong chương XVI, cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết: ngày 10.10.1945 (tức ngày mùng 5 tháng 9 năm Ất Dậu), cụ NHL rời căn nhà số 50 đường Morceau Sài Gòn tản cư về Tân Thạnh. Cụ ở Tân Thạnh khoảng một năm rưỡi, trải qua hai cái Tết: Tết Bính Tuất (1946) và Tết Đinh Hợi (1947). Cụ bảo: “Tết trước, mới về Tân Thạnh, tôi còn vui vui, làm đôi câu đối này: Trị ái thư…”. Ta có thể suy ra rằng: “Tết trước, mới về Tân Thạnh” là Tết năm Bính Tuất, và nếu cụ làm đối câu đối đó vào ngày mồng một Tết thì ngày dương lịch là 2.2.1946. (Goldfish).
[2] Nay là đường Lý Tự Trọng. (Goldfish).
[3] Trong ĐVVCT, trang 38, cụ Nguyễn Hiến Lê viết: Tôi vào hạng đọc sách chứ không chơi sách như ông Vương Hồng Sển: không mua những sách đẹp, quí, hiếm…”. (Goldfish).
[4] Trong ĐVVCT, trang 40, ghi là: “ngàn đồng”. (Goldfish).
[5] Bút hiệu là Xuân Phúc (theo ĐVVCT, tr.43). (Goldfish).
[6] Trong ĐVVCT, tr.44, in là: Dương Triệu Tố. (Goldfish)
[7] Trong ĐVVCT, tr.44, in là: Hồ Văn Dực. Trong Đại cương văn học sử Trung Quốc (Nxb Trẻ - 1997) chỗ thì in Hồ Văn Dực, chỗ thì in Hồ Vân Dực. Theo bác Vvn thì tác giả cuốn Tân trước Trung Quốc văn học sử 新著中国文学史 (Bắc Tân thư cục ấn hành tháng 8-1936) là Hồ Vân Dực 胡云翼. (Goldfish).
[8] Bản dịch có nhan đề là Luyện tình cảm (Nxb Nguyễn Hiến Lê, năm 1951). Cụ NHL cho biết: “Cuốn này là cuốn tôi dịch trước hết, từ năm 1941, mười năm sau mới in” (Theo NHL, Mười câu chuyện văn chương). (Goldfish).
[9] Trong Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, cụ NHL cho biết người “Huê kiều” đó là người Triều Châu. (Goldfish).
[10] Tức Đồng cỏ lác. Theo cụ NHL thì, ở Đồng Tháp, “Đất chỗ nào có nhiều phèn thì chỉ thấy mọc nhiều năng, bàng, lác và đưng, tức những loại cỏ mà người Pháp gọi là Joncs, cho nên cánh đồng này mới có tên là Plaine des Joncs” (trích Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười). (Goldfish).
[11] Trong cuốn Đế Thiên Đế Thích, cụ NHL cho biết hai người bạn này là “anh Th.” và “anh T.”. Lúc ở Siemreap cụ “vào hỏi mua cuốn Guide Groslier mà không có, đành mượn của anh T.”. Tôi không hiểu tại sao cụ NHL đã “mang theo cuốn Guide Groslier rồi lên xe đò đi Nam Vang” mà còn tìm mua cuốn đó, và khi mua không được thì đành mượn của anh T.? Phải chăng khi cụ viết bộ Hồi Kí này cụ đã nhớ lầm? (Goldfish).
[12] Trong cuốn Đế Thiên Đế Thích, cụ NHL cho biết rời Sài Gòn ngày 21.1.1943. Tính ra ngày âm lịch là ngày 16 tháng chạp năm Nhâm Ngọ. (Goldfish).
[13] Theo Wikipedia thì ở Bayon có đến 54 tháp lớn nhỏ. (Goldfish).
[14] Trong ĐVVCT, tr.51, in là: Nghệ An - Ninh Bình. (Goldfish).