Đặng Tiểu Bình tiếp tục chuyến công du được quảng bá rầm rộ ở miền Nam Trung Quốc vào tháng 2/1992. Tại Thẩm Quyến, ông ta nói rằng trong hai mươi năm nữa Quảng Đông nên bắt kịp bốn con rồng châu Á (Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan) không chỉ về mặt kinh tế mà còn về trật tự và môi trường xã hội nữa. Trung Quốc nên làm tốt hơn những quốc gia trên về các vấn đề này. Chỉ khi đó, đất nước này mới có những đặc điểm riêng biệt của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc. Đặng nói tiếp: “Ở Singapore, trật tự xã hội tốt. Họ cai trị đất nước bằng kỷ luật. Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của họ và thậm chí phải làm tốt hơn họ.” Ở Trung Quốc, lời ca ngợi của Đặng là tiêu chí cao nhất về những gì là tốt đẹp.
Vào năm 1978 ở Singapore, tôi đã nói với Đặng trong bữa tối rằng chúng tôi, những người Singapore gốc Hoa là hậu duệ của những nông dân không đất đai mù chữ đến từ các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến miền Nam Trung Quốc, trong khi đó những người học rộng, quan lại và giới trí thức đã ở lại và để lại dòng dõi của họ ở Trung Quốc. Không có việc gì Singapore làm được mà Trung Quốc không thể làm được, và thậm chí còn làm tốt hơn là khác. Lúc đó ông ta im lặng. Khi tôi đọc được rằng ông ta kêu gọi người dân Trung Quốc hãy làm tốt hơn Singapore, tôi hiểu ông ta đã chấp nhận thử thách mà tôi lặng lẽ đặt cho ông ta vào cái đêm 14 năm về trước đó.
Sau khi được sự cho phép của Đặng, hàng trăm đoàn đại biểu, đa phần là không chính thức trang bị băng hình, máy quay phim và sổ ghi chép đến từ Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm ở chúng tôi. Singapore bị đem ra mổ xẻ dưới sự cho phép của vị lãnh tụ tối cao của họ. Họ đã đặt chúng tôi dưới ống kính hiển vi và nghiên cứu những thành phần khu vực mà họ cho là thu hút và mong muốn mô phỏng trong các thành phố của họ. Tôi tự hỏi không biết các đối thủ cộng sản trong những năm 60 của tôi như Plen, lãnh tụ Đảng Cộng sản Malaya ở Singapore và Lim Chin Siong, lãnh tụ Mặt trận Cộng sản Thống nhất sẽ nói gì. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từng là nguồn cảm hứng của họ mà.
Các lãnh đạo Trung Quốc khổ sở vì “tình trạng ô nhiễm xã hội” như nạn mại dâm, sách báo khiêu dâm, ma túy, cờ bạc và tội ác đang tăng nhanh ở những đặc khu kinh tế. Những người theo chủ nghĩa ý thức hệ thuần túy đã chỉ trích tính đúng đắn của chính sách mở cửa. Phản hồi của Đặng rằng khi cánh cửa sổ được mở ra, cùng với luồng không khí trong lành nhất định sẽ có một vài con ruồi nhặng bay vào, song có thể đối phó chúng được.
Ngay sau bài phát biểu của ông Đặng, người đứng đầu Cục Hợp tác Quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hỏi viên Đại sứ của chúng tôi ở Bắc Kinh rằng liệu chúng tôi có thể vắn tắt cho họ nghe về cách “làm thế nào chúng tôi duy trì được những tiêu chuẩn đạo đức và kỷ cương xã hội vững vàng như vậy”. Cụ thể, họ muốn biết “Phải chăng Singapore đã trải qua những mâu thuẫn trong quá trình tiếp nhận nền công nghệ phương Tây vốn cần cho sự phát triển kinh tế, và làm thế nào duy trì được tính ổn định xã hội”. Họ đã quan sát chúng tôi trong vài năm. Các bài tường thuật của giới truyền thông của họ ca ngợi Singapore về mặt cơ sở hạ tầng, tình trạng nhà ở, sự sạch sẽ, trật tự, xanh tươi, sự ổn định và hòa hợp xã hội cũng như tính cách lịch sự của người dân Singapore.
Một phái đoàn do thứ trưởng về tuyên truyền Từ Vệ Thành dẫn đầu đến dự một đợt hướng dẫn trong 10 ngày. Gọi “thứ trưởng tuyên truyền” là không đúng, thật ra ông ta là thứ trưởng về ý thức hệ. Chúng tôi giải thích sự tin tưởng của mình rằng việc kiểm soát xã hội không chỉ phụ thuộc vào kỷ cương. Người dân phải có một cuộc sống tử tế với nhà cửa hợp lý và những tiện nghi xã hội nếu như họ muốn hướng đến đời sống đạo đức và chính trực. Họ phải chấp nhận những nguyên tắc cơ bản của hệ thống chính quyền của chúng tôi, chẳng hạn như tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm giúp cảnh sát ngăn chặn và điều tra tội phạm.
Phái đoàn này đến tham quan mọi ban, ngành có liên quan đến trật tự xã hội như sở cảnh sát (đặc biệt là những bộ phận giải quyết các vấn đề ma túy, mại dâm và cờ bạc); những cơ quan chịu trách nhiệm kiểm duyệt những băng video, phim ảnh, sách báo, tạp chí đồi trụy; đến các cơ quan báo chí và đài phát thanh, truyền hình để tìm hiểu về vai trò của họ trong việc truyền thông và giáo dục công
chúng; và các cơ quan NTUC cùng Hiệp hội quần chúng nhằm tìm hiểu những cơ cấu chăm lo quyền lợi người lao động.
Tôi gặp Từ vào cuối chuyến viếng thăm của anh ta. Anh ta cho tôi biết anh ta quan tâm đến cách chúng tôi sử dụng thị trường tự do để nhanh chóng đạt được sự tăng trưởng kinh tế; đến cách chúng tôi pha trộn văn hóa Đông – Tây khi tiếp thu khoa học và công nghệ phương Tây; và quan trọng hơn hết là cách chúng tôi đã gìn giữ được sự hài hòa sắc tộc. Phái đoàn của anh ta chịu trách nhiệm về ý thức hệ và muốn học hỏi cách trừ tiệt những vấn nạn xã hội.
Chúng tôi đã thẳng thắn nói về những vấn đề mà chúng tôi không thể giải quyết được, chẳng hạn như nạn mại dâm, cờ bạc, ma túy và rượu chè chỉ có thể kiểm soát chứ không thể trừ tiệt được. Lịch sử là một thành phố cảng của Singapore đồng nghĩa với nạn mại dâm phải được kiểm soát và kìm hãm ở một số khu vực nhất định trong thành phố, nơi những phụ nữ này phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cờ bạc thì không thể cấm hoạt động được bởi nó là một cơn nghiện mà những di dân người Hoa đã mang theo bên mình đến bất cứ nơi nào họ định cư. Song chúng tôi đã loại bỏ được những Hội Tam Hoàng hay những tổ chức bí mật và giải tán các băng đảng tội phạm có tổ chức.
Còn về nạn tham nhũng, Từ bày tỏ mối nghi ngại liệu có những cơ quan giống như Cơ quan Điều tra chống tham nhũng và Cục thương vụ Singapore có thể đối phó được “vấn nạn” lớn này trong một xã hội như xã hội Trung Quốc không, nơi mà guanxi (những mối quan hệ cá nhân) rất phổ biến. Ở Trung Quốc định nghĩa tham nhũng rất khác. Hơn nữa – ông ta nhấn mạnh – Đảng là tối cao và các đảng viên chỉ có thể bị kỷ luật nội bộ trong Đảng (Điều này có nghĩa là khoảng chừng 60 triệu đảng viên không phải là đối tượng của điều luật thông thường trên đất nước Trung Quốc. Kể từ lúc đó đã có một vài nhà hoạt động xã hội lâu năm của đảng bị kết án tử hình về tội buôn lậu, còn những người khác bị tù dài hạn vì tội tham nhũng. Tuy nhiên, các lãnh đạo Đảng có thể can thiệp và thay đổi hoàn toàn những quyết định của tòa án). Từ nói rằng không phải mọi phương pháp của Singapore đều có thể sao chép được vì thể chế của Trung Quốc rất khác với Singapore. Có lẽ những thành phố mới, nhỏ giống như Thẩm Quyến có thể đi theo kinh nghiệm của Singapore một
cách hữu ích. Trung Quốc sẽ luôn duy trì chủ nghĩa xã hội. Phương cách duy nhất của họ là thử nghiệm các chính sách ở từng thời điểm một, vì không giống như Singapore, Trung Quốc phải áp dụng các chính sách của họ cho những điều kiện khác nhau ở 30 tỉnh thành.
Ông ta bị ấn tượng mạnh bởi nền hành chính rõ ràng và hiệu quả của chúng tôi. Làm thế nào chúng tôi gìn giữ được những giá trị đạo đức và xã hội của nhân dân? Tôi đáp lại rằng tất cả những gì chúng tôi làm là tăng cường củng cố những tài sản văn hóa vốn có của người dân, những giá trị mà họ kế thừa và ý thức về những điều thiện, ác của họ. Những phẩm hạnh nho giáo như hiếu thảo với cha
mẹ, lương thiện và chính trực, cần kiệm, trung thực với bè bạn và trung thành với đất nước là những hỗ trợ quan trọng cho hệ thống pháp lý. Chúng tôi củng cố những giá trị truyền thống bằng cách tưởng thưởng cho hành động cư xử phù hợp với những giá trị này và trừng phạt cách cư xử ngược lại. Đồng thời chúng tôi bắt tay vào việc xóa bỏ những thói hư tật xấu như dung túng, thiên vị và tham nhũng vốn là mặt trái trong đạo Khổng của người Hoa, đạo giáo này bắt buộc mọi người phải giúp đỡ gia đình mình. Singapore là một xã hội chen chúc và những nhà lãnh đạo đất nước phải làm gương với phẩm cách trung thực và liêm khiết. Chúng tôi xem đó là điều tối quan trọng để người dân cảm thấy tin tưởng rằng chính phủ sẽ không lừa gạt hay làm hại họ. Rồi cho dù những chính sách của nhà nước không hợp lòng dân đi chăng nữa, thì người dân cũng thừa nhận rằng chúng không phải là kết quả của sự vô đạo đức, dung túng và tham nhũng.
Từ thắc mắc một chính phủ nên đối phó với những ảnh hưởng bên ngoài vốn thay đổi thể chế trong nước của một quốc gia ra sao. Tôi nói rằng vấn đề không phải ở các thế lực bên ngoài can thiệp trực tiếp vào những chính sách trong nước của chúng tôi, mà chỉ là những can thiệp gián tiếp và ngầm thông qua giới truyền thông của họ, cũng như qua việc giao tiếp cá nhân làm ảnh hưởng và thay đổi quan điểm cũng như cách cư xử của người dân. Vấn đề này sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát bởi vì công nghệ truyền thông qua vệ tinh ngày càng tiến bộ. Chúng tôi chỉ có thể giảm bớt tác hại cho cơ cấu xã hội bằng cách nhấn mạnh và củng cố những giá trị truyền thống của dân tộc. Tôi nghĩ gia đình có ảnh hưởng lớn nhất về mặt giá trị đạo đức đối với một đứa trẻ trong 12 đến 15 năm đầu đời của
nó. Những giá trị đạo đức lành mạnh nếu sớm in sâu trong đời thì sau này có thể cưỡng lại được những ảnh hưởng và áp lực đối ngược lại. Nếu những vị linh mục Thiên chúa giáo La Mã được giao phó dạy dỗ một đứa trẻ trong 12 năm đầu đời của nó thì thường có thể tin chắc rằng đứa trẻ sẽ luôn mang chất Thiên chúa giáo trong mình cả cuộc đời.
Khi phái đoàn này trở về Trung Quốc, những báo cáo của họ được truyền bá dưới hình thức “Bản tin tham khảo” và được các đảng viên xem xét. Trong một ấn bản tường trình về Singapore, Từ trích dẫn những gì ông ta coi là đường lối của tôi: “Cần có những nỗ lực lâu dài để quản lý tốt một đất nước, cũng như thay đổi những thói quen lạc hậu của người dân; cần có một số áp lực ban đầu nhất định về mặt thể chế, nhưng quan trọng nhất vẫn là giáo dục.” Một năm sau đó tôi sang thăm Bắc Kinh, Lý Nhuệ Hoàn, ủy viên Bộ chính trị phụ trách tư tưởng, văn hóa cho tôi biết rằng ông ta đã mở đầu sứ mệnh học hỏi. Ông ta đã đến thăm Singapore khi còn là thị trưởng thành phố Thiên Tân và cho rằng đáng để học hỏi.
Một lĩnh vực khác mà họ quan tâm là hệ thống luật pháp của chúng tôi. Tiêu Thế, Chủ tịch ủy ban thường trực Hội đồng dân tộc và là một nhà lãnh đạo đứng hàng thứ ba của Trung Quốc chuyên về việc ổn định pháp chế cơ bản nhằm lập ra đạo luật. Ông ta đã sang thăm Singapore hồi tháng 7/1993 để nghiên cứu những luật lệ của chúng tôi. Ông ta nói các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã hủy bỏ tất cả những luật lệ cũ khi họ tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10/1949. Về sau, họ cai trị bằng sắc lệnh. Chính sách của Đảng, thay cho pháp luật. Chỉ sau khi có chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, họ mới nhận thấy cần phải có pháp luật để điều hành những mối quan hệ thương mại. Tiêu Thế nói không quốc gia nào muốn hợp tác với Trung Quốc nếu Trung Quốc bị đánh giá là bất ổn và rạn nứt. Trung Quốc cần có những đạo luật để duy trì sự ổn định lâu dài. Tôi nói Trung Quốc nên thành lập một hệ thống pháp luật trong 20 hay 30 năm, nhưng để người dân đồng lòng chấp nhận luật pháp và thi hành đúng luật thì cần có thời gian lâu hơn. Ông ta đáp lại rằng không phải ai cũng phải hiểu biết
luật. Miễn là những người lãnh đạo thi hành thì luật pháp sẽ hoạt động. Ông ta tạo ấn tượng là một người nghiêm túc và suy nghĩ kỹ những vấn đề của mình.
Trung Quốc dưới thời ông Đặng cởi mở và sẵn sàng học hỏi thế giới hơn so với trước đó. Trong hàng ngũ Đảng và chính phủ, ông Đặng là người can đảm và có nghị lực khi thẳng thắn công nhận Trung Quốc đã bỏ phí nhiều năm để theo đuổi một cuộc cách mạng không tưởng. Đây là thời điểm dễ chịu cho những suy nghĩ cởi mở và sự phát triển năng nổ, một sự thay đổi triệt để sau những năm dài với những khẩu hiệu hoang đường và những chiến dịch tai hại. Ông Đặng bắt đầu những thay đổi mang tính cơ bản giúp Trung Quốc bắt kịp những nước còn lại trên thế giới.
Vào tháng 9/1992, cùng với Phó Thủ tướng Ong Teng Cheong, tôi sang thăm Tô Châu, thành Venice của Trung Quốc. Thành phố này đang trong tình trạng đổ nát với những kênh đào dơ bẩn và ô nhiễm. Thế nhưng ý tưởng phát triển lại Tô Châu, biến nó thành một thành phố đẹp và xây dựng một khu công nghiệp và thương mại lân cận đã thôi thúc chúng tôi. Tô Châu có những khu vườn Trung Quốc đẹp bao quanh những tòa biệt thự với mỗi cửa sổ và hành lang đều trông ra những khu vườn đầy đá, nước và cây cảnh. Những tàn tích vương giả xưa vẫn còn được nhìn thấy ở những dinh thự đã được phục hồi.
Một hôm, sau bữa ăn trưa, thị trưởng Tô Châu Trương Tân Sinh kéo tôi sang một bên và nói:
“Singapore có 50 tỷ đôla Mỹ trong ngân khố dự trữ.”
“Ai nói với anh vậy?” tôi hỏi lại. Ông ta đã đọc được điều đó trong các báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Ông ta thêm vào: “Tại sao các ông không đầu tư 10% số đó vào Tô Châu? Các ông sẽ công nghiệp hóa Tô Châu giống như Singapore chứ? Tôi sẽ bảo đảm đối xử đặc biệt để cho những nhà đầu tư của các ông đạt thắng lợi.”
Tôi đáp: “Những thị trưởng có năng lực và nhiệt huyết sẽ thăng tiến nhanh; rồi sau đó thì sao?”
Ông ta ngừng một lát rồi đáp: “Vâng, các ông có thể sẽ gặp rắc rối với người kế nhiệm tôi, nhưng anh ta cũng không còn lựa chọn nào ngoại trừ đi theo con đường mà tôi đã vạch ra. Người dân Tô Châu muốn những gì họ đã nhìn thấy về Singapore trên ti–vi và báo chí, chẳng hạn như việc làm, nhà ở và thành phố vườn.”
Tôi đáp lại: “Các anh không có thẩm quyền cho chúng tôi một địa điểm tốt để chúng tôi có thể xây dựng một Singapore thu nhỏ trên đó. Các anh cần sự cho phép của chính quyền trung ương để làm điều đó.”
Tôi không suy nghĩ về vấn đề này nữa. Tháng 12 năm đó, ông ta xuất hiện ở văn phòng tôi để nói rằng ông ta đã đệ trình kiến nghị của ông ta lên Đặng Tiểu Bình. Cơ hội phê duyệt rất khả quan. Tôi có thể trình bày kiến nghị đó thành một bản kế hoạch được không? Ông ta thân với con trai Đặng Tiểu Bình là Đặng Bất Phong. Thế nên Ong Teng Cheong đã tạo một vài ấn tượng nghệ thuật về những gì mà Tô Châu cổ kính có thể mang lại sau khi phục hồi, cộng với một thị trấn công nghiệp hiện đại lân cận. Sau đó vài tháng, khi Đặng Bất Phong sang thăm Singapore, tôi đã cho anh ta xem những kế hoạch phác thảo thành phố sau khi được phục hồi cùng với thị trấn công nghiệp mới lân cận. Anh ta rất năng nổ. Ảnh hưởng của anh ta thông qua chức vụ của bố anh ta đã làm cho dự án này tiến thêm
một bước. Khi Thủ tướng Goh sang thăm Bắc Kinh vào tháng 4, ông đã bàn thảo đề xuất này với Thủ tướng Lý Bằng và Giang Trạch Dân.
Vào tháng 5/1993, tôi gặp Phó Thủ tướng Chu Dung Cơ ở Thượng Hải. Trước đây tôi đã viết cho ông ta về dự án Tô Châu. Tôi giải thích đề nghị hợp tác của mình, đó là một hiệp ước hỗ trợ kỹ thuật giữa chính phủ với chính phủ nhằm chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm (mà chúng tôi gọi là “phần mềm”) trong việc thu hút đầu tư và xây dựng các khu công nghiệp, cộng thêm các khu dân cư và trung tâm thương mại cho một địa điểm chưa xây dựng khoảng chừng 100 kilômét vuông ở Tô Châu. Dự án này sẽ được một tập đoàn tài chính thương mại Singapore và các công ty nước ngoài liên doanh với nhà cầm quyền Tô Châu hỗ trợ. Mất khoảng 20 năm để hoàn thành dự án này và sẽ có những khó khăn khi áp dụng những phương pháp của chúng tôi vào những điều kiện khác biệt của Trung Quốc.
Thoạt đầu, Chu nghĩ rằng đề nghị của tôi là một ý tưởng kiếm tiền khác của các nhà đầu tư của chúng tôi. Tôi giải thích rằng đề xuất của tôi nhằm để đáp lại nhiều phái đoàn từ Trung Quốc đến Singapore để học hỏi chúng tôi theo cách thức từng phần một, rnà sẽ không bao giờ hiểu được cách vận hành toàn bộ hệ thống của
chúng tôi. Khi những nhà quản lý Singapore và Trung Quốc cùng làm việc bên nhau, chúng tôi có thể trao đổi những phương pháp, hệ thống và kiến thức của chúng tôi. Chu cũng cho rằng rất đáng thử nghiệm. Ông ta còn lưu ý rằng Tô Châu đã mở đường đến Trường Giang và gần Thượng Hải (90 km hay khoảng 56 dặm về phía Tây) vốn là trung tâm quốc tế lớn nhất Trung Quốc.
Bốn ngày sau, tôi gặp Phó Thủ tướng mới được đề bạt là Lý Thành
ở Bắc Kinh. Ông ta đến từ tỉnh Giang Tây, sinh trưởng ở một thị trấn không xa Tô Châu. Ông ta hoàn toàn ủng hộ dự án này bởi lẽ Tô Châu có những người dân có trình độ và có thể tiếp thu cũng như áp dụng kinh nghiệm của Singapore. Lý nói sự hợp tác Singapore – Trung Quốc có những mặt thuận lợi là có cùng nền văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ. Là một người thực tiễn, ông công nhận rằng dự
án này cần phải đứng vững về mặt kinh tế và sinh lợi đáng kể. Khi ông ta còn là Phó Thị trưởng Thiên Tân, nguyên tắc cơ bản về việc hợp tác của ông ta là “công bằng và cả hai cùng có lợi”.
Vào tháng 10/1993, Bắc Kinh đã gửi hai phái đoàn đến nghiên cứu hệ thống của Singapore, một phái đoàn của hội đồng chính phủ, còn phái đoàn kia là của tỉnh Giang Tây. Chỉ sau khi họ công nhận những thành phần trong hệ thống của chúng tôi phù hợp với Trung Quốc, họ mới tán thành công cuộc “chuyển giao phần mềm” này.
Vào tháng 2/1994, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Lý Bằng và Thủ tướng Goh, tôi ký hiệp ước Tô Châu với Phó Thủ tướng Lý Thành ở Bắc Kinh. Tôi gặp Giang Trạch Dân để khẳng định rằng công trình ở Tô Châu sẽ sớm khởi công, nhưng sẽ mất hơn 10 năm để đạt được sự phát triển đáng kể. Thành phố Công nghiệp Jurong ở Singapore chỉ với 60 kilômét vuông mà chúng tôi phải mất 30 năm.
Dự án Khu Công nghiệp Tô Châu (Suzhou Industrial Park – SIP) đã cất cánh với sự hăm hở của cả hai phía, nhưng chúng tôi sớm gặp phải những khó khăn. Đã xảy ra một sự bất đồng về mục tiêu giữa trung ương (Bắc Kinh) và địa phương (Tô Châu). Các lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh hiểu rằng bản chất của dự án là sự chuyển giao kiến thức của chúng tôi về phương cách hoạch định, xây dựng và quản lý một khu công nghiệp, thương mại và dân cư tổng thể vốn có thể thu hút những nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Các quan chức Tô Châu đã đi chệch khỏi mục tiêu chính này và bị lạc lối bởi những nguồn lợi thiển cận. Chúng tôi muốn chỉ cho họ cách thức mà
Singapore đã làm, chú trọng vào kỷ cương tài chính, việc quy hoạch tổng thể dài hạn và dịch vụ liên tục cho những nhà đầu tư. Đó chính là phần mềm của chúng tôi. Họ muốn “phần cứng” như nhà cửa, đường sá, cơ sở hạ tầng mà chúng tôi có thể xây dựng và những đầu tư giá trị cao mà chúng tôi có thể thu hút bằng những quan hệ và uy tín toàn cầu của chúng tôi. Họ không chú trọng vào việc học và tạo ra một môi trường kinh doanh nhà nghề; cũng như không
chọn những quan chức đầy hứa hẹn được đào tạo để thay thế chúng tôi. “Phần cứng” mang lại trực tiếp và ngay tức thì những lợi ích cho Tô Châu và công trạng cho các cán bộ của họ; Bắc Kinh muốn “phần mềm” nhằm mở rộng những nguồn lợi của Tô Châu ra các thành phố khác thông qua việc áp dụng những thực tiễn kinh doanh nhà nghề của Singapore.
Thay vì trao cho SIP sự quan tâm và hợp tác hoàn toàn như đã hứa hẹn, họ dùng mối liên kết với Singapore để đẩy mạnh khu công nghiệp riêng là khu quận mới Tô Châu (Suzhou New District – SND) do họ kiểm soát, chào giá đất đai và cơ sở hạ tầng thấp hơn SIP. Điều này làm cho SIP ít hấp dẫn hơn SND. Rất may là nhiều công ty đa quốc gia (MNC) lớn đánh giá cao sự liên doanh của chúng tôi và chọn SIP mặc dù chi phí đất đai cao hơn. Nhờ vậy, tuy khó khăn, SIP đã thực hiện được những tiến bộ đáng kể và trong vòng ba năm
đã thu hút hơn 100 dự án với tổng giá trị đầu tư xấp xỉ 3 tỷ USD. SIP đứng đầu Trung Quốc về giá trị bình quân của mỗi dự án đầu tư. Những dự án này sẽ tạo ra hơn 20.000 việc làm, 35% số việc làm này sẽ dành cho những người có trình độ đại học. Chủ tịch Cơ quan đặc khu kinh tế bình luận rằng: “Chỉ trong ba năm từ lúc khởi công, tốc độ phát triển của SIP và tiêu chuẩn chung thuộc vào hạng nhất Trung Quốc”.
Tiến bộ này được thực hiện trong sự đương đầu với khó khăn đang gia tăng. Sự ganh đua giữa SND và SIP làm các nhà đầu tư triển vọng bối rối và làm chệch mối quan tâm của các quan chức Tô Châu ra khỏi mục tiêu chuyển giao phần mềm. Những sự việc này dẫn đến tình trạng căng thẳng giữa năm 1997, khi Phó Thị trưởng Tô Châu và cũng là người điều hành SND phát biểu tại một cuộc gặp gỡ với những nhà đầu tư Đức ở Hamburg rằng Chủ tịch Giang không ủng hộ SIP, rằng họ hoan nghênh SND và không cần đến Singapore.
Điều này đã làm cho uy tín chúng tôi lung lay. Chúng tôi đã bỏ ra quá nhiều thời gian, năng lực và tiền của để đấu tranh với chính quyền địa phương.
Vào tháng 12/1997, tôi đưa vấn đề này ra với Chủ tịch Giang. Ông ta cam đoan với tôi rằng SIP vẫn là dự án ưu tiên hàng đầu của ông ta và rằng những vấn đề ở cấp địa phương sẽ được giải quyết. Thế nhưng bất kể sự đảm bảo này của chính vị đứng đầu ở Bắc Kinh, Tô Châu đã không ngừng cổ vũ SND trong cuộc cạnh tranh chống lại SIP. Chúng tôi có những lý do để cho rằng họ đã vay mượn quá nhiều đến nỗi nếu ngưng ủng hộ SND thì sẽ gây ra những khó khăn về mặt tài chính nghiêm trọng. Sau nhiều cuộc thảo luận, chúng tôi đã đồng ý vào tháng 5/1999 sẽ có một sự thay đổi về trách nhiệm trong liên doanh hiện có giữa tập đoàn tài chính Singapore và chính quyền Tô Châu. Tập đoàn tài chính Singapore vẫn sẽ là phần hùn chiếm đa số trong việc kiểm soát dự án và hoàn tất 8 kilômét vuông đầu tiên vào cuối năm 2000; khi đó chính quyền Tô Châu sẽ tiếp quản phần hùn đa số, nắm quyền kiểm soát dự án và hoàn tất 70 kilômét vuông còn lại bằng cách sử dụng 8 cây số vuông đầu làm mô hình tham khảo. Ít nhất trong ba năm nữa cho đến năm 2003, chúng tôi sẽ duy trì với tư cách là những phần hùn thiểu số và giúp hướng dẫn một đội ngũ quản lý người Trung Quốc trong việc phục vụ những nhà đầu tư trong SIP.
Đây là một kinh nghiệm để uốn nắn. Đôi bên đã tin tưởng rằng nhờ vào những tương đồng rõ rệt về mặt ngôn ngữ và văn hóa thì sẽ có ít vấn đề hơn trong giao tiếp với nhau – mỗi bên đều mong đợi bên kia cư xử giống như mình. Nhưng tiếc thay, trong khi ngôn ngữ không thành vấn đề thì những văn hóa trong kinh doanh lại hoàn toàn khác nhau. Đối với người Singapore, hợp đồng là bất khả xâm phạm. Khi chúng tôi ký một thỏa ước, đó là một lời cam kết trọn vẹn và cuối cùng. Mọi bất đồng so với ý nghĩa của văn kiện đã thảo ra sẽ do các quan tòa hoặc một thẩm phán giải thích. Chúng tôi rất thận trọng đến nỗi các văn kiện chúng tôi chuẩn bị cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Hoa, cả hai bản có hiệu lực như nhau. Đối với chính quyền Tô Châu, một thỏa ước đã ký kết là một sự diễn đạt ý định nghiêm túc và chân thành, nhưng lại là văn kiện không nhất thiết phải bao hàm toàn diện và có thể được sửa đổi hay giải thích lại tùy theo hoàn cảnh thay đổi. Chúng tôi lệ thuộc vào pháp chế và hệ thống, còn họ
thì được dẫn dắt bởi những chỉ thị chính thức; thông thường đây là những chỉ thị không văn bản và việc giải thích chúng thay đổi tùy vào quan chức có chức năng thi hành công việc.
Chẳng hạn vấn đề cung ứng điện. Mặc dù chính quyền Tô Châu đã hứa trong văn kiện là cung cấp một số lượng điện nhất định, nhưng khi yêu cầu những vị có trách nhiệm liên quan thực hiện lời hứa đó thì lại thất bại. Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi được chính quyền Tô Châu cho phép xây dựng một nhà máy điện diesel. Sau khi nhà máy điện xây xong, chúng tôi lại được bảo rằng các nhà máy diesel bị cơ quan điện lực cản trở và cấm hoạt động. Các quan chức thành phố giải thích rằng họ không có quyền hành đối với cơ quan điện lực. Khi họ đồng ý để chúng tôi xây dựng nhà máy điện diesel, họ biết cơ quan điện lực có quyền hành về vấn đề năng lượng mà không cho chúng tôi biết rằng chúng tôi cần có sự đồng ý của cơ quan điện lực. Chúng tôi mất nhiều tháng trời thương lượng và vấn đề được giải quyết chỉ khi khu công nghiệp này bị đe dọa đóng cửa. Năm năm ở Tô Châu đã dạy chúng tôi về những rắc rối của bộ máy hành chính nhiều cửa cũng như cung cách làm việc hay thay đổi của họ. Chúng tôi càng hiểu rõ hơn về hệ thống của họ cũng như biết cách vượt dần qua những khó khăn và trở ngại để cuối cùng làm cho họ nghĩ đến dự án của chúng tôi là một sự thành công từng phần chứ không phải là một thất bại hoàn toàn.
Trung Quốc có một thể chế hết sức phức tạp. Sau hai thế kỷ tụt hậu bắt đầu từ triều đại nhà Thanh, các lãnh đạo Trung Quốc phải đương đầu với nhiệm vụ to lớn là thiết lập những hệ thống quản lý hiện đại và thay đổi nếp nghĩ cũng như những lề thói của các quan chức vốn ăn sâu trong cung cách làm việc có từ thời quan lại phong kiến.
Trung Quốc vẫn còn là một nước nghèo với nhiều tỉnh lị lạc hậu. Để giải quyết những vấn đề trong nước cần phải có sự tăng trưởng kinh tế không ngừng. Khi sự phát triển của Trung Quốc tiến gần đến giai đoạn mà họ có đủ sức để thúc khuỷu chen chân vào khu vực, họ sẽ thực hiện một quyết định mang tính định mệnh – trở thành bá chủ, sử dụng sức mạnh để tạo vùng ảnh hưởng trong khu vực phục vụ cho nhu cầu kinh tế hoặc an ninh, hoặc tiếp tục là một công dân
tốt của quốc tế thì họ có thể đạt sự tăng trưởng tốt hơn bằng cách tuân theo những quy luật quốc tế.
Trung Quốc liên tục tuyên bố rằng họ sẽ chẳng bao giờ trở thành bá chủ. Một vấn đề liên quan đến lợi ích của tất cả các bên là trước khi thời khắc chọn lựa này xảy ra, Trung Quốc luôn phải được khích lệ để chọn một sự hợp tác quốc tế vốn sẽ đón nhận tích cực các khả năng khổng lồ của nó trong 50 đến 100 năm nữa. Điều này có nghĩa là Trung Quốc phải có những cơ hội về mặt kinh tế để thực hiện vấn đề này một cách nhẹ nhàng, mà không cần phải chen lấn giành tài nguyên như dầu hỏa, và có thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của họ. Có những điều lệ công bằng và hợp lý trong các tổ chức đa phương như tổ chức WTO về tự do trao đổi hàng hóa và mậu dịch sao cho mỗi quốc gia đều có thể ở trong phạm vi lãnh thổ của mình và cải thiện đời sống người dân thông qua mậu dịch, đầu tư và những trao đổi khác. Đây là cách mà người Đức và người Nhật đã có thể tái xây dựng sau Thế chiến Thứ hai. Các lãnh thổ của họ thu nhỏ lại khi họ phải chấp nhận rút kiều dân của họ ra khỏi những lãnh thổ mà họ chiếm đóng làm thuộc địa. Mặc dù các lãnh thổ thu nhỏ lại và tài nguyên thiên nhiên giảm bớt, song cả hai nước này đều trở nên thịnh vượng như chưa từng có trước đây bởi vì họ đã thâm nhập vào các thị trường thông qua IMF và GATT. Nếu con đường này không rộng mở cho Trung Quốc thì thế giới phải sống cùng một Trung Quốc hung hãn. Khi đó, Hoa Kỳ sẽ không còn lẻ loi trong việc quan ngại đến những gì Trung Quốc sẽ làm một khi họ có đủ khả năng thách thức trật tự thế giới hiện nay đang do Mỹ và các
thành viên châu Âu dàn xếp.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đương đầu với một thử thách gay go. Chủ nghĩa cộng sản đã thất bại trên toàn thế giới và nhân dân Trung Quốc biết điều này. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc không thất bại. Họ đã giải phóng Trung Quốc, thống nhất đất nước và đem lại cho người dân cơm no áo ấm. Mặc cho thảm họa của phong trào Đại nhảy vọt (1958) và Cách mạng Văn hóa (1966–1976), người Trung Quốc tự hào vì không còn người nước ngoài nào có thể xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc mà không bị trừng phạt như họ đã từng thực hiện khi thi hành những đặc quyền ngoại giao trong các tô giới.
Tôi có một mẩu chuyện thú vị về sự thay đổi nhanh chóng ở Trung Quốc. Khi đó là vào tháng 9/1994, tôi đến sân bay Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam nằm sâu trong đất liền. Có một dãy xe limousine cờ đỏ đang đợi. Tôi biết Hà Nam không phải là một tỉnh giàu có như các tỉnh miền duyên hải, đồng thời không nghĩ là họ lại sử dụng xe limousine cờ đỏ nữa. Tôi thật sự ngạc nhiên khi họ hướng dẫn tôi và ông bí thư Đảng ủy Lý Trường Xuân đến một chiếc Mercedes 600 mới tinh. Tôi tò mò lắng nghe cuộc trò chuyện thân mật giữa ông ta với người tài xế. Sau này, khi còn một mình với người tài xế, tôi hỏi anh ta làm nghề lái xe kiếm được bao nhiêu. Anh ta trả lời rằng anh ta chính là chủ nhân của chiếc xe hơi. Bí thư Đảng ủy Lý muốn mượn chiếc xe cho cuộc viếng thăm của tôi và anh ta quyết định lái nó để được gặp tôi. Sáu năm trước, anh ta làm quản đốc trong một xí nghiệp, nhưng sau lời kêu gọi làm giàu của ông Đặng, anh ta đã đi vào hoạt động kinh doanh. Hiện anh ta đã có ba xưởng, thuê khoảng 5.000 công nhân lắp ráp sản phẩm điện tử. Anh ta sở hữu ba chiếc xe hơi kể cả chiếc Mercedes 600 này. Trung Quốc đang thay đổi nhanh không ngừng.
Chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng thay đổi, nhưng không nhanh bằng kinh tế và xã hội của họ. Để biểu dương sự ủng hộ của quần chúng, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép tổ chức các cuộc bầu cử tại cấp xã, huyện. Trong các cuộc bầu cử cán bộ cấp cao cấp tỉnh, các đảng viên Đảng Cộng sản không được Đảng đề cử có thể đọ sức với các ứng cử viên chính thức. Năm 1994, Tỉnh trưởng tỉnh Triết Giang là ứng cử viên đã đánh bại một người do Đảng Cộng sản đề cử. Lúc này, tính chính thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc dựa vào những lợi ích mà cuộc cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng năm 1978 đã mang lại cho nông dân và công nhân nhiều cơm ăn áo mặc, nhà cửa và hàng tiêu dùng và nhiều của cải hơn những gì họ từng có. Tuy nhiên, người dân cũng biết rằng người Hoa ở Đài Loan, Hong Kong và Ma Cao đã làm tốt hơn những gì người Trung Quốc ở chính quốc làm bởi vì họ có thị trường tự do. Miễn là Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tạo ra những thành quả và cải thiện đời sống nhân dân, thì tính chính thống của nó sẽ không bị lung lay. Điều này có thể còn tiếp diễn đến những thế hệ sau. Chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc là tiếp thu những thành phần tinh hoa và nhạy bén nhất vào trong đảng. Nhiều người vào
đảng để tránh đi những bất lợi của việc không phải là đảng viên, nhưng việc nghiên cứu những học thuyết chủ nghĩa Mác – Lê–nin – Mao của những người này qua loa, đại khái.
Trong 50 năm nữa, Trung Quốc sẽ phải hoàn tất ba cuộc chuyển tiếp, đó là chuyển tiếp từ một nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường, từ nền tảng nông thôn chuyển sang thị thành, từ một xã hội kiểm soát chặt chẽ chuyển sang một xã hội dân chủ. Nhiều nhân tố có thể làm cho Trung Quốc trật khỏi đường đua bắt kịp các nước công nghiệp hiện tại của họ. Nhân tố đầu tiên và tối quan trọng là Đài Loan. Nếu các lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy rằng Đài Loan sắp sửa độc lập và có thể mất nó, họ sẽ không còn khách quan và biết tính toán như cũ, và có thể hành động với những hậu quả khôn lường. Nhân tố kế tiếp là sự đô thị hóa nhanh chóng. Hiện tại, 30% đến 35% trong số 1,3 tỉ người Trung Quốc sống ở thị trấn và các thành phố. Tính đến năm 2050, con số đó sẽ là 80%, đó là những con người có kiến thức và khả năng huy động đại chúng thông qua các phương tiện điện tử. Họ có khả năng thực hiện điều này dễ dàng hơn giáo phái Falungong,47 một tổ chức hoạt động thông qua mạng Internet với khoảng 10.000 giáo dân từng nhóm họp bằng cách im lặng ngồi thiền quanh Trung Nam Hải, nơi trú ngụ của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản hồi tháng 4/1999 ở Bắc Kinh. Cơ cấu chính trị của Trung Quốc phải cho phép công dân họ tham gia và kiểm soát hơn nữa cuộc sống của họ, bằng không sẽ có những áp lực gây bất ổn cho xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế đang đi xuống.
Nhân tố thứ ba là những khác biệt quá lớn về mức thu nhập, tỷ lệ tăng trưởng và chất lượng sống giữa những tỉnh thành vùng ven sông, ven biển trù phú và những tỉnh lị nằm sâu trong đất liền không thuận lợi. Bất kể việc mở rộng đường sá, đường sắt, sân bay và những cơ sở hạ tầng khác do chính phủ trung ương xây dựng có thể mang đến những ngành công nghiệp, thương mại, đầu tư và khu du lịch, họ vẫn còn tụt hậu. Điều này có thể làm tăng thêm sự bất mãn ở nông dân, gây ra những căng thẳng và những sự di cư hàng loạt. Hơn nữa, khi ngày càng nhiều người Hán định cư ở các tỉnh thành biên giới như Tây Tạng, Tân Cương và Thanh Hải thì có thể có những vấn đề giữa họ với các dân tộc thiểu số.
Nhân tố thứ tư và là nhân tố có ảnh hưởng sâu rộng nhất sẽ là những giá trị đạo đức và nguyện vọng khác biệt của thế hệ kế tiếp. Nhân dân và chính phủ muốn xây dựng một Trung Quốc thống nhất, cường thịnh và hiện đại bằng mọi cách. Nền giáo dục tốt hơn và việc mở mang toàn cầu hơn sẽ tạo ra một dân tộc am hiểu về thế giới, cộng với những liên kết chặt chẽ và thường xuyên với những người cùng hoàn cảnh ở những xã hội khác. Họ sẽ muốn xã hội Trung Quốc sánh vai với các cường quốc khác về tiêu chuẩn sống, điều kiện sống và những tự do cá nhân. Ước muốn này là một động lực mạnh để các nhà lãnh đạo thắng cương lèo lái đất nước tiến lên phía trước. Cụ thể, cách thức điều hành của chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan với những văn hóa và truyền thống tương tự Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của giới trí thức Trung Quốc.
Nhiều vấn đề có thể gây ra những đổ vỡ nghiêm trọng, đó là sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng, nạn thất nghiệp hàng loạt theo sau những cải cách của các xí nghiệp quốc doanh mà không có chế độ an sinh xã hội đúng mức, một dân số nhiều người già sẽ đặt gánh nặng cho thế hệ gia đình chỉ có một con phải nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà của họ, và nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tuy nhiên, vấn đề tai hại nhất là nạn tham nhũng. Nó đã ăn sâu trong văn hóa chính quyền và khó xóa bỏ ngay cả sau khi có những cải cách kinh tế. Nhiều đảng viên Đảng Cộng sản và quan chức chính phủ ở các tỉnh, thành và thôn xã không thể vượt qua được nạn tham nhũng. Tệ hại hơn nữa là nhiều quan chức chính phủ được giao phó trọng trách bảo vệ và thi hành luật pháp như sĩ quan an ninh, kiểm sát viên và thẩm phán cũng ăn hối lộ. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do sự hủy hoại những tiêu chuẩn đạo đức thông thường suốt thời Cách mạng Văn hóa. Chính sách mở cửa của ông Đặng năm 1978 đã mở rộng cơ hội cho nạn tham nhũng.
Các nhà lãnh đạo muốn thành lập một hệ thống pháp lý với những thể chế đúng đắn. Bởi vì họ biết các thể chế này rất cần cho luật lệ trong một xã hội văn minh không thể tồn tại mà không có đạo lý, họ nhấn mạnh lại những lời giáo huấn của Khổng tử trong dân chúng. Họ còn phát động chiến dịch “ba trọng tâm” nhằm làm trong sạch hàng ngũ đảng, đó là bàn về việc học hỏi, về chính trị và về danh
dự, phẩm giá. Song vì lương bổng của các quan chức thấp một cách không thực tế, nên những lời kêu gọi như thế này ít có tác dụng, bất chấp cả hình phạt nghiêm khắc, thậm chí tử hình và tù chung thân.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo có năng lực, cương quyết và thực dụng đã lèo lái Trung Quốc vượt qua những hiểm họa này kể từ năm 1978. Họ có quyền lực và sự tín nhiệm. Họ có những người kế nhiệm phù hợp có năng lực và tháo vát, thậm chí còn có trình độ hơn họ. Nếu những nhà lãnh đạo tương lai giữ được tính thực dụng, họ sẽ có thể khắc phục được những khó khăn này.
Đã hai thập niên rưỡi trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi sang thăm Trung Quốc vào năm 1976, tôi đã chứng kiến Trung Quốc chuyển mình. Tôi ngạc nhiên không phải vì những công trình kiến trúc, những cao ốc, đường cao tốc và sân bay, mà là thái độ và tập tục đổi khác của người dân cùng với sự sẵn sàng bộc lộ suy nghĩ của họ. Có những cuốn sách được viết và xuất bản mà nếu như trong những năm 70 hay 80 hẳn đã bị coi là xúi giục nổi loạn. Thị trường tự do và phương tiện thông tin hiện đại đã mang lại nhiều sự cởi mở và minh bạch hơn. Họ sẽ còn làm cho Trung Quốc thay đổi thêm nữa trong hai thập niên tới.
Tôi đặt kỳ vọng về sự phát triển của Trung Quốc vào lớp người giỏi nhất và tinh thông nhất của họ, những người đã học hỏi, hay đi khắp đó đây trong những năm dễ học hỏi của họ. Hơn một trăm nghìn người trong số họ hiện đang học ở Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật Bản. Nhiều nhà lãnh đạo hiện nay là sản phẩm của cuộc chiến chống Nhật đã cuối tuổi 60, 70 và học lấy văn bằng sau đại học ở Nga. Tư tưởng của họ không thay đổi nhiều. Còn nhiều người trong số con cái họ lấy văn bằng tiến sĩ ở các đại học Mỹ có quan điểm hết sức khác lạ. Phó Thủ tướng Qian Qichen (Tiền Kỳ Tham), trước đây là Bộ trưởng Ngoại giao, có con trai là Qian Ning làm việc cho tờ People’s Daily (Nhật báo Nhân dân) và sau vụ Thiên An Môn một thời gian ngắn, anh ta đã sang Hoa Kỳ học ngành báo chí ở Ann Arbor. Anh ta đã ở Mỹ bốn năm và khi trở về, anh ta viết một cuốn sách thẳng thắn bộc lộ suy nghĩ của mình, được xuất bản và bán ở Trung Quốc. Cách nhìn của một con người có kiến thức hoàn hảo như thế rất có ý nghĩa trong việc phản ánh suy nghĩ của thế hệ trẻ hơn ở độ tuổi ba mươi: “Tôi nhận ra một sự thật đơn giản là người
Trung Quốc chúng ta, ít ra là thế hệ trẻ hơn, có thể có cách sống khác… Một lần nữa phụ nữ Trung Quốc được giải phóng, những gì mà họ đánh mất chỉ là những ràng buộc về tập tục, nhưng những gì họ đạt được là sự tự do.” Tôi nghĩ không chỉ có phụ nữ Trung Quốc thoát khỏi những ràng buộc sau khi sống ở Mỹ. Những thanh niên nam nữ ở độ tuổi hai mươi và ba mươi du học ở phương Tây là những người được trang bị kiến thức tốt nhất nhằm đáp ứng những nhu cầu cho công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc. Họ được tiếp xúc với những tư tưởng và kiến thức mới ở những xã hội khác xa với đất nước họ. Trong hai mươi đến ba mươi năm nữa, thế hệ họ sẽ thay đổi hình hài Trung Quốc. Chắc hẳn họ đã nhận ra rằng ngay cả sau khi Trung Quốc phục hồi thành một đại cường quốc công nghiệp, thì Trung Quốc sẽ không trở thành một “Vương quốc trung tâm” kiểu Hán Đường, là trung tâm của vũ trụ, mà chỉ là một trong những quốc gia tiên tiến.
Người Mỹ nên khôn ngoan để cho họ tự do lựa chọn. Người Trung Quốc là một dân tộc khác biệt với nền văn hóa và lịch sử khác biệt. Trong công cuộc truy tìm công nghệ và một nền kinh tế hiện đại, họ sẽ thay đổi với tốc độ của riêng mình, bảo tồn những giá trị và truyền thống của họ, đồng thời duy trì tính liên tục với quá khứ. Việc đánh Trung Quốc bằng cách thường xuyên chê bai họ thiếu dân chủ và nhân quyền chỉ gây ra làn sóng phản đối của cả một thế hệ Trung Quốc, và làm cho họ chống lại Mỹ cũng như bài ngoại mà thôi. Đây không phải là sự cường điệu. Khi thảm kịch ném bom tòa đại sứ Trung Quốc tại Belgrade xảy ra hồi tháng 5/1999, thoạt đầu tôi nghĩ rằng những cuộc biểu tình cùng các biểu ngữ gợi nhớ về cuộc Cách mạng Văn hóa mang tính sắp đặt. Thế nhưng đại sứ chúng tôi ở Bắc Kinh tường thuật rằng người Trung Quốc thật sự tức giận và căm phẫn vì những gì họ nhìn thấy là một nước Mỹ hay bắt nạt muốn hạ bệ Trung Quốc. Việc khuyến khích những phản kháng như thế này sẽ không giúp ích gì được cho nền hòa bình và ổn định. Người Mỹ phải hiểu rằng một vài cải cách cũng cần có thời gian để làm cho nó khả thi. Và những thay đổi như thế này sẽ do người Trung Quốc thực hiện vì mục đích của người Trung Quốc, chứ không phải để phục tùng những quy tắc Mỹ, theo sắc lệnh đạo đức hay kinh tế Mỹ.
Ngay cả trước vụ ném bom, những mối quan hệ song phương đã căng thẳng rồi khi Tổng thống Clinton không chấp nhận những nhượng bộ quan trọng của Thủ tướng Chu Dung Cơ trong nỗ lực xin gia nhập WTO hồi tháng 4 tại Washington. Khi tôi gặp ông ta ở Bắc Kinh hồi tháng 9, Chu nói tới nói lui rất lâu vấn đề này. Ông ta không rút lại những lời đề nghị của mình, nhưng đổi lại cũng cần có những nhượng bộ chính yếu của phía Mỹ. Bốn ngày sau, trong khi lưu lại Thượng Hải cho cuộc họp Diễn đàn thịnh vượng toàn cầu, tôi và Henry Kissinger đã thúc giục Robert Rubin, Bộ trưởng Ngân khố vừa mới từ chức hồi tháng 7 sau nhiệm kỳ sáu năm xuất sắc, đến bàn với Tổng thống Clinton. Vài ngày sau đó, tôi trình bày vấn đề này với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen khi ông này sang
thăm Singapore. Cohen, người không cần phải được thuyết phục về việc Trung Quốc có xứng đáng gia nhập WTO hay không đã đệ trình kiến nghị này lên Tổng thống.
Sau năm ngày thương thuyết căng thẳng ở Bắc Kinh, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa hiệp vào ngày 16/11/1999. Thật thoải mái, Thủ tướng Chu đến thăm Singapore sau đó nửa tháng. Ông ta cho rằng cuộc thương thuyết thành công là nhờ có sự can thiệp của Chủ tịch Giang. Ông ta nói với tôi việc gia nhập WTO không phải là không có những nguy hiểm của nó, song nếu các lãnh đạo Trung Quốc không tin tưởng liệu họ có vượt qua được khó khăn này không thì ông Giang đã không phê chuẩn việc đó. Nhiệm vụ của Chu là phải thi hành quyết định của Giang. Những biện pháp đau đớn nhưng cần thiết sẽ bớt khó khăn khi thực thi bởi vì đây là quyết định gia nhập của vị chủ tịch.
Đối với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, những cân nhắc mang tính chiến lược trong việc đạt đến thỏa hiệp này hẳn quan trọng giống như những lợi ích về mặt kinh tế. Việc Trung Quốc trở thành thành viên WTO sẽ giúp sắp xếp lại nền kinh tế của họ nhằm đạt được sự cạnh tranh và tăng trưởng về lâu về dài, tuy nhiên họ sẽ phải trở thành một thành viên tuân thủ luật lệ của cộng đồng quốc tế.
Trong 40 năm qua, tôi đã chứng kiến các quan chức chính quyền và các nhà điều hành kinh doanh Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản thay đổi. Từ những người bảo thủ, hướng nội và dân tộc chủ nghĩa, giờ đây họ tự tin và cởi mở với những tư tưởng của người Mỹ và
phương Tây. Nhiều người trong số họ đã được học hành tại Mỹ và không thù ghét người dân ở đó. Tôi nói lên điều này không có nghĩa rằng người Trung Quốc tại chính quốc vốn ý thức được uy thế đại cường quốc đầy tiềm năng của họ sẽ giống như người Đài Loan. Nước Mỹ có một chọn lựa là làm bạn hay trung lập thay vì trở nên thù nghịch với họ. Khi đối phó với một nền văn minh cổ, thật chẳng khôn ngoan chút nào nếu mong đợi có những đổi thay mau chóng.
Khó khăn lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là Đài Loan.
Đây là phần còn lại không thể lường được của cuộc nội chiến chưa có hồi kết của Trung Quốc. Đài Loan dưới thời Trần Thủy Biển, một tân Tổng thống mà Đảng của ông ta chủ trương độc lập, thì mối hiểm họa của việc tính sai nước cờ của ba bên có liên quan trực tiếp là Trung Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ sẽ gia tăng. Bất kỳ bước đi sai nào đều có thể làm đảo lộn sự tăng trưởng và phát triển ở Trung Quốc và Đông Á. Vấn đề này có thể kiềm chế được nếu hiện trạng này không thay đổi và sự thống nhất sau cùng là nguyện vọng chung cho cả đôi bên.
Trong khi đó, thông qua WTO, kinh tế Trung Quốc có thể hội nhập vào phần còn lại của thế giới. Với những mối quan hệ đặt trên sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, những am hiểu rập khuôn về nhau sẽ được thay thế bởi những đánh giá thực tiễn hơn. Khi kế sinh nhai của người dân Trung Quốc tùy thuộc vào thế giới thông qua mậu dịch, đầu tư, du lịch và trao đổi công nghệ và tri thức thì sẽ có một nền tảng tốt hơn cho một thế giới ổn định.
Trung Quốc có khả năng hiện thực hóa mục tiêu trở thành một nền kinh tế hiện đại vào năm 2050. Họ có triển vọng là một bạn hàng có trách nhiệm và bình đẳng trong mậu dịch và tài chính, và trở thành một trong những con bài chính trên thế giới. Nếu họ không bị lệch ra khỏi những trọng tâm hiện nay trong việc phát triển giáo dục và kinh tế, thì Trung Quốc có thể trở thành một quốc gia mậu dịch lớn ở
vào hàng nhất nhì thế giới với ảnh hưởng và tiếng nói mạnh hơn trong những vấn đề quốc tế. Đây là một viễn cảnh của Trung Quốc trong vòng 50 năm tới: hiện đại, đáng tin cậy và có tinh thần trách nhiệm.