Những quan điểm của tôi về người châu Âu đã bị ảnh hưởng nhiều bởi những thái độ của người Anh ở thập niên 50 và 60. Người dân châu Âu có vẻ khác biệt và có gì đó lạ lùng, không đoàn kết như những người trong cùng một quốc gia, cũng chẳng có đầu óc hiến pháp như người Anh. Người Pháp lại có ý ngả về những cuộc bạo động hoặc những cuộc cách mạng và lật đổ hiến pháp; người Đức có xu hướng sử dụng vũ lực để giải quyết những cuộc tranh cãi. Nhưng vào năm 1962, khi Harold Macmillan, với cương vị là Thủ tướng, cố gắng để được gia nhập vào Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC, bây giờ đã phát triển đến một hình thức liên kết cao hơn là Liên minh châu Âu – EU) và bị từ chối, thì tôi tin đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi đơn xin thứ hai hoặc thứ ba sẽ thành công. Sau khi nước Anh tuyên bố rút khỏi Đông Suez vào năm 1968, Thủ tướng Harold Wilson đưa ra lời đề nghị với Tổng thống Charles de Gaulle. Một lần nữa, nước Anh bị từ chối, nhưng nó nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Âu đối với Anh.
Nước Anh muốn gia nhập để thoát khỏi những khó khăn kinh tế cứ tái diễn bởi mức tăng trưởng chậm so với sự phát triển ngày càng nhanh của Đức, Pháp, các nước vùng Benelux và thậm chí cả Ý nữa – tất cả đều là thành viên của EEC. Rõ ràng là thị trường lớn hơn đã thúc đẩy sức tăng trưởng. Tôi muốn thiết lập các mối quan hệ với một châu Âu mới này để Singapore không bị loại trừ khi nước Anh được gia nhập.
Giống như với hầu hết những tổ chức quan liêu, những tuyên bố mang tính nguyên tắc của người đứng đầu không đảm bảo cho quan hệ trôi chảy. Tôi đã va chạm với chính sách “Pháo đài châu Âu” của những người ủng hộ bảo hộ mậu dịch vào những năm 70 đối với các mặt hàng xuất khẩu của chúng tôi. Vào tháng 10/1977, tôi đến Brussel để gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Roy Jenkins, người mà tôi đã từng quen biết từ những năm 60, khi ông ta còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trước đó, tôi đã viết thư nói với ông ta rằng sự áp đặt của họ đối với Singapore trong các quy tắc chính sách thuế quan ưu đãi chung (GSP – the General Streme of Preferences – chính sách cho phép các nước đang phát triển được miễn thuế nhập khẩu ở một mức độ giới hạn)31 đã gây nhiều khó khăn cho các mặt hàng xuất khẩu của chúng tôi như máy tính điện tử, dù, máy chiếu và ván ép. Gần đây, ngay cả mặt hàng hoa tươi cũng đang gặp phải những rào cản từ phía những người trồng hoa ở Hà Lan và Pháp. Tôi cũng nói thêm là tôi đã dự trù những khó khăn sẽ xảy ra cho mặt hàng dệt và dù, nhưng không nghĩ là máy tính điện tử và hoa tươi cũng vướng phải. Ông Jenkins rất thông cảm và hứa sẽ xem xét vấn đề này, nhưng ông ta đã không thể nào làm được gì cho mặt hàng dù. Có vẻ như chúng được sản xuất ngay tại vùng tranh cử của Tổng thống Giscard d’Estaing.
Với những ủy viên khác, tôi bàn bạc xem làm thế nào để tránh sản xuất những sản phẩm mà các nước khối EEC coi là “nhạy cảm” vì có khả năng gây ra tình trạng thất nghiệp dai dẳng ở mức cao. Thật chán nản khi tôi khám phá ra rằng danh sách này thật không có giới hạn. Bất kỳ quốc gia thành viên nào có một chút ảnh hưởng với Brussels, khi cảm thấy có sự thiệt hại dù nhỏ nhất cũng có thể đệ đơn yêu cầu bảo hộ và họ luôn được chấp thuận. Tuy nhiên, EEC đã phủ nhận họ bảo hộ mậu dịch mạnh mẽ nhất trong tất cả các khối mậu dịch. Tôi nêu ra kinh nghiệm của Philips và Siemens, hai trong số những công ty đa quốc gia châu Âu nổi tiếng nhất; họ xuất khẩu những mặt hàng điện tử sản xuất tại Singapore sang châu Âu khó hơn sang châu Mỹ và châu Á.
Tôi đưa ra hai vấn đề: thứ nhất, sự “chuyển cấp” (coi như đã đạt được sự phát triển) dẫn đến việc tước bỏ những lợi ích của GSP không nên vội vàng áp dụng đối với Singapore, và thứ hai, những biện pháp bảo hộ nhằm hạn chế các mặt hàng nhập khẩu không chắc có hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề của EEC. Tôi đã cố gắng thuyết phục Jenkins, với cương vị là chủ tịch EEC, rằng ông ta nên chính thức hóa mối quan hệ đầy triển vọng giữa EEC và Asean trong một hiệp ước hợp tác kinh tế, và rằng một chuyến viếng thăm đến các quốc gia Asean sẽ đưa đến sự tán thành của hội đồng (EEC) về mục đích này. Thay vì vậy, ông ta lại cử Viscount Davignon, ủy viên hội đồng phụ trách về công nghiệp. Jenkins không thích hành trình về phương Đông, nơi những triển vọng của nó không được ông đánh giá cao. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, Hans–Dietrich Genscher, vào năm 1980, Asean đã thành công trong việc đạt được thỏa thuận với EEC về một ủy ban hợp tác chung để thúc đẩy và đánh giá các hoạt động. Tuy nhiên, các nước Asean vẫn phải đương đầu với vô số những vấn đề về bảo hộ với tổ chức đa thành viên này. Thuế quan và trợ cấp nông sản chống lại các mặt hàng dầu cọ; các tiêu chuẩn y tế và an toàn, việc dán nhãn sinh thái cùng với các tiêu chuẩn lao động và môi trường khác đã hạn chế một cách hữu hiệu hàng xuất khẩu của Asean. Như trường hợp của Singapore năm 1986, là một phần của chương trình xem xét lại những đặc quyền GSP, EEC đưa ra một hạn ngạch nhập khẩu đối với mặt hàng vòng bi của Singapore.
Các công ty đa quốc gia châu Âu không hoạt bát và năng động bằng người Mỹ và Nhật Bản. Họ đang bỏ lỡ những cơ hội cho sản xuất hợp tác toàn cầu, chế tạo các bộ phận khác nhau của một sản phẩm ở các nước khác nhau. Đó là tình hình trong những năm 80 và vẫn còn khá đúng trong những năm 90.
Để thiết lập các mối quan hệ với Pháp, nước có vị trí quan trọng trong EEC, vào tháng 5/1969, tôi sắp xếp một cuộc gặp với Tổng thống De Gaulle, người mà đã từ lâu tôi ngưỡng mộ như là một nhà lãnh đạo tài ba. Ngay trước chuyến thăm, các sinh viên Pháp tràn ra đường, yêu cầu cải cách hiến pháp và đòi có thêm trường đại học, nhưng thật ra là thách thức tính hợp pháp của De Gaulle. Chuyến viếng thăm bị đình hoãn. De Gaulle kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý nhưng không được dân chúng ủng hộ nên ông đã từ chức. Tôi không bao giờ được gặp người đàn ông cao lớn, ngay thẳng và nghiêm khắc này, người đã khôi phục lại niềm tự hào của người Pháp về bản thân họ và đất nước của họ và là người mà tôi rất ấn tượng về tiểu sử, ngay cả trong bản dịch tiếng Anh.
Thay vào đó, tôi đã gặp người kế nhiệm ông ta, Georges Pompidou, vào tháng 9/1970. Ông này rất thân thiện và vui vẻ, một người rất thích trao đổi với một vị khách đến từ đất nước xa xăm tên Singapore. Ông ta nhấn mạnh rằng nước Pháp không chỉ có quần áo thời trang cao cấp, nước hoa đắt tiền và rượu vang tuyệt hảo. Ông ta muốn những sản phẩm hóa học chất lượng, máy móc kỹ thuật cao, kỹ thuật xây dựng và máy bay của Pháp sẽ trở thành biểu tượng để thế giới nhớ về nước Pháp của những năm 70. Ông ta có phong thái bình thản và thảo luận với tôi 20 phút về thái độ của châu Á về vàng. Liệu nó vẫn còn được xem là quý báu và được tích trữ nếu nó trở thành một loại hàng hóa thông thường và không còn là vật đảm bảo cho tiền tệ nữa? Tôi tin chắc là có. Vài nghìn năm đã qua đi, kinh nghiệm lịch sử về sự tàn phá và nạn đói do hạn hán, lũ lụt, chiến tranh và những tai họa khác gây ra đã dạy cho người Trung Hoa biết được giá trị của tiền vàng: không hư hỏng, không biến dạng và dễ dàng hoán đổi. Ba năm rưỡi Nhật chiếm đóng Singapore là một kinh nghiệm gần đây. Tôi nói với ông ta rằng với một tahil vàng (tương đương hơn một ao–xơ vàng một chút, khoảng 30g), mặc cho lạm phát có ở mức cao, người ta vẫn có thể nuôi sống gia đình trong suốt 1 tháng kể cả thuốc men và những nhu yếu phẩm khác. Những gì tôi nói dường như càng củng cố thêm niềm tin của ông ta. Tôi nói đó là bản năng sơ khai trong con người. Thông dịch viên của ông ta, Hoàng thân Andronikov, người Pháp gốc Nga thì dịch là nguyên thủy. Tôi phản đối: “Không, sơ khai, những ngày đầu tiên của thế giới con người chứ?” Người phiên dịch lạnh lùng nhìn tôi nói: “Vâng, trong tiếng Pháp nguyên thủy tức là sơ khai”.
Tôi cảm thấy mình đã kiềm chế đúng lúc.
Valéry Giscard d’Estaing được bầu làm Tổng thống vào tháng 5/1974, kế vị Pompidou. Tôi ở Paris trong một chuyến viếng thăm riêng tư nhưng ông ta đã bỏ ra ít thời giờ ngay trong khoảng thời gian chỉ vài ngày sau bầu cử để đón tiếp tôi. Đó là một buổi gặp gỡ rất thú vị kéo dài hơn một giờ đồng hồ ở điện Élysée. Không như Pompidou biết tiếng Anh nhưng chỉ nói bằng tiếng Pháp, Tổng thống Giscard quyết định sử dụng tiếng Anh. Cao lớn, với khuôn mặt dài vẻ quý tộc, trán hói cao, ông ta nói bằng giọng Pháp nặng, lựa chọn cẩn thận ngôn từ với độ chính xác cao.
Ông ta tỏ ra rất Pháp trong cách tiếp cận, khôn ngoan, logic và có hệ thống. Tại sao Singapore phát triển còn các nước khác thì không? Các nước khác còn thiếu điều gì? Tôi chỉ có thể nói với ông ta những gì tôi nghĩ là ba lý do chính; thứ nhất, xã hội ổn định và đoàn kết; thứ nhì, một động cơ văn hóa để đạt thành công và một dân tộc cần kiệm, siêng năng, luôn biết đầu tư cho tương lai, biết tiết kiệm cho những bất trắc và cho thế hệ mai sau; thứ ba, rất tôn trọng giáo dục và tri thức. Ông ta không thỏa mãn, nghĩ rằng đó chưa phải là câu trả lời đầy đủ.
Thủ tướng của Giscard, Jacques Chirac, lại có các mối bận tâm hoàn toàn khác hẳn. Ông ta không phí thời giờ cho những cuộc thảo luận triết học về những gì đang xảy ra ở châu Á mà chỉ muốn biết giữa Pháp và Singapore còn có thể làm gì. Tôi cố gây chú ý với ông ta không chỉ về Singapore mà ở lĩnh vực rộng hơn, sử dụng Singapore như là bàn đạp. Điều này lại tốn thêm 10 năm nữa, dưới thời một vị Tổng thống khác và sau nhiều vị Thủ tướng, trước khi tôi thuyết phục được chính phủ Pháp và các doanh nghiệp Pháp rằng Đông Nam Á là thị phần đầy hứa hẹn của thế giới để đầu tư vào.
Raymond Barre, kế vị Thủ tướng Jacques Chirac vào tháng 8/1976. Barre, một người mập mạp với chiều cao trung bình, là một giáo sư môn kinh tế và là một thính giả đáng mến. Ông hưởng ứng việc thành lập các công ty liên doanh của Pháp và việc đầu tư ra nước ngoài. Ông ta ủng hộ đề nghị của tôi để phát triển Singapore thành một trung tâm dịch vụ kỹ thuật và nói rằng nước Pháp có thể hợp tác với chúng tôi về thương mại và dịch vụ trong khu vực. Ông ta đề xuất một hiệp định hợp tác song phương 5 năm Sing – Pháp về thương mại, đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và giao lưu văn hóa với những mục tiêu cụ thể. Ông ta thực tế và có hệ thống trong việc giải quyết những khó khăn, quan tâm đến kết quả công việc. Nhưng các nhà tư bản công nghiệp Pháp lại không sẵn lòng cho việc hợp tác này. Tôi có nói chuyện với một nhóm trong số họ trong Liên đoàn các nhà quản lý quốc gia Pháp (French National Employers’ Federation). Cuối cuộc thảo luận một giờ đồng hồ, phát ngôn viên của họ nói với cánh báo chí rằng các nhà đầu tư đều nhận thức được những cơ hội ở Singapore, nhưng nhiều vị lại có vẻ như không thích đứng dậy và đi tới “vì nó xa xôi quá và ở đó lại sử dụng tiếng Anh”, và thêm rằng nước Pháp không thể có mặt ở mọi nơi vì nó đang tập trung vào Phi châu. Thực vậy, Pháp tập trung vào cộng đồng các nước nói tiếng Pháp ở châu Phi. Ngay cả ở châu Á, Pháp cũng chỉ quan tâm đến Việt Nam vì tin rằng Việt Nam vẫn còn là nước nói tiếng Pháp và hướng về Pháp. Mãi đến giữa thập niên 80, khi Tổng thống thuộc phe xã hội chủ nghĩa Mitterand và Thủ tướng theo trường phái De Gaulle của ông ta là Jacques Chirac đều quyết định rằng châu Phi không sẵn sàng phát triển như châu Á, thì những nỗ lực của tôi mới được đền đáp.
Vào tháng 7/1981, trên đường đi London tham dự lễ cưới của Thái tử Charles, tôi ghé qua Paris với hy vọng gặp được vị Tổng thống mới được bầu Francois Mitterand. Nhưng Quai d’Orsay, văn phòng ngoại giao Pháp, lại chuộng nghi thức và không chấp nhận một chuyến viếng thăm tạt ngang. Tổng thống bận rộn nhưng vì ông ta cũng đi dự đám cưới nên ông sẽ gặp tôi ở London tại dinh thự đại sứ của họ. Để xoa dịu sự khước từ, Thủ tướng Pierre Mauroy mời tôi dùng bữa trưa.
Khởi hành từ Paris, chiếc xe chở tôi được lực lượng cảnh sát mở đường hộ tống từ khách sạn đến sân bay Charles de Gaulle lao đi vun vút giữa dòng xe cộ đông đúc. Đó là một ngày hè đẹp trời. Những đường cao tốc với những hàng cây và những bờ tường phủ dây leo là một cảnh tượng tuyệt vời. Sân bay Charles de Gaulle rất hiện đại và được bố trí có hiệu quả. Sau đó, tôi đáp xuống phi trường Heathrow, hết sức lộn xộn, những con đường rối rắm đưa tôi từ máy bay đến phòng đợi dành cho VIP (nhân vật quan trọng). Sau đó, tôi được đưa đến khách sạn Knightsbridge qua những con đường dơ bẩn với những vòng xoay, những bờ cỏ bỏ hoang không tỉa tót và cỏ dại mọc um tùm. Một sự trái ngược rõ rệt giữa Paris và London. Tôi nhớ lại chuyến viếng thăm Paris đầu tiên của tôi với Choo vào tháng 6/1948. Đó là một thành phố sau thời bị chiếm đóng, nhếch nhác, bẩn thỉu, ít được kính nể hơn so với London tuy bị bom dày đạn xéo nhưng vẫn xanh sạch, thành phố của những con người tự tin, tự hào về thành tích đứng vững trước phát xít và giải thoát loài người khỏi sự chuyên chế. Tôi cũng nhớ lại sự hỗn loạn ở Paris vào tháng 5/1958, ngay trước khi Charles de Gaulle trở lại với cương vị Tổng thống thành lập nền cộng hòa thứ 5. Qua vị Bộ trưởng văn hóa, Malraux, ông ta bắt đầu gột rửa Paris, chà sạch bồ hóng trên những tòa nhà và khiến nó trở lại là thành phố ánh sáng. Họ khôi phục lại niềm tự hào Pháp quốc, tạo ra những hy vọng mới trong khi London vẫn loay hoay vì nền kinh tế cứ vấp từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Tôi tin rằng có nhiều ưu điểm trong sự thay đổi mang tính cách mạng của Pháp so với sự phát triển trong khuôn khổ hiến pháp chậm chạp của Anh. Người Anh liên tục mở những cuộc họp xung quanh chuyện xây dựng những sân bay mới quanh London bao gồm cả Stansted và Gatwick, tất cả chẳng đi đến đâu vì người dân địa phương quyết định duy trì những tiện nghi mà họ đang có đã ngăn trở các cơ quan thực hiện kế hoạch. Điều này đã phải trả giá bằng sự chậm tiến của đất nước. Ngay cả sau thời gian Thatcher nắm quyền, Heathrow vẫn đứng đó như một tượng đài cổ kính biểu tượng cho sự thiếu táo bạo và xông xáo.
Trong số những lãnh đạo nước Pháp mà tôi đã gặp, người nhạy bén nhất trong việc đánh giá những xu hướng chính trị và bản chất của các xã hội khác nhau chính là Tổng thống Mitterand. Ông ta bàn về mối nguy hiểm nảy sinh từ sự can thiệp hung hăng của lực lượng Xô Viết ở Afghanistan. Ông thừa nhận Liên bang Xô Viết đã thành công ở Việt Nam và ở Trung Đông, cụ thể là ở Syria, nhưng ảnh hưởng của nó ở những nơi khác đang suy giảm. Họ nhiều lần chìa tay ra nhưng không mấy người muốn hợp tác với họ. Ông cũng tự tin rằng, nếu liên kết lại thì phương Tây sẽ có khả năng khôi phục lại cán cân quyền lực chung.
Trong hai năm đầu làm Tổng thống, với Thủ tướng Dierre Mauroy, Mitterand theo đuổi những chính sách xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn. Ông giảm lãi suất, mở rộng tín dụng để giải quyết vấn đề thất nghiệp và quốc hữu hóa nhiều ngành công nghiệp và ngân hàng then chốt. Nền kinh tế Pháp bị thương tổn. Già cỗi ở độ tuổi 70 nhưng tư tưởng của Mitterand không hề cứng nhắc. Ông thay đổi Thủ tướng và theo đuổi chính sách kinh tế cổ truyền để kiểm soát nguồn cung ứng tiền tệ và lạm phát, khôi phục lại một cách vững chắc sự phát triển đều đặn tuy không ngoạn mục. Một thành tựu trong suốt 14 năm làm Tổng thống của ông là rèn luyện những người theo chủ nghĩa xã hội Pháp và biến họ trở thành một đảng có chỗ đứng trong chính phủ.
Chúng tôi có một cuộc thảo luận quan trọng kéo dài hơn một giờ đồng hồ vào tháng 9/1986 khi chiếc Concorde của ông ta ngừng lại ở sân bay Changi để nạp thêm nhiên liệu. Theo nghi thức ngoại giao, tôi không cần gặp ông, nhưng tôi nhận thấy ông là một người rất nghiêm túc. Với sự hiểu biết sâu rộng, Mitterand nói rằng cường quốc Xô Viết đang trong tình trạng mà chỉ cần một sự cố cũng đủ để tách biệt Trung Âu với Liên bang Xô Viết, rằng sự kiểm soát của Xô Viết dựa trên một thế cân bằng quyền lực nghiêng về phía Xô Viết.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng cán cân ấy luôn luôn dịch chuyển và sức mạnh hệ tư tưởng của Liên bang Xô Viết bắt đầu sụt giảm. Những người cộng sản thế hệ thứ ba tin rằng họ có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm của thế giới phương Tây, và điều này đang tạo ra điểm yếu trong hệ thống Xô Viết.
Ông ta hoàn toàn đồng ý với tôi rằng châu Âu sẽ trở thành một lực lượng hùng mạnh hơn trong các vấn đề quốc tế nếu có chung tiếng nói. Đây là tham vọng lớn của ông ta – một châu Âu 320 triệu dân với tiềm năng kỹ thuật to lớn. Ông ta tin rằng tiếng Anh và tiếng Pháp có thể dùng như những ngôn ngữ chung của châu Âu, tiếng Pháp cũng ngang bằng với tiếng Anh. Nhưng sự hợp nhất phải diễn ra từ từ. Nếu gặp một vấn đề sống còn thì châu Âu chắc chắn sẽ hoàn toàn hợp nhất. Mặt khác, châu Âu sẽ luôn chống lại việc bị nền văn minh Mỹ nuốt chửng; nó phải chiến đấu để duy trì đặc tính riêng biệt của châu Âu. Sự Mỹ hóa với thức ăn nhanh, nhạc pop và phim ảnh đang xâm nhập vào lối sống cơ bản của người dân châu Âu.
Tôi gặp lại Mitterand vào tháng 5/1990 trong một chuyến viếng thăm chính thức. Ông bước xuống những bậc thềm điện Élysée để chào đón tôi, một vinh dự mà vị đại sứ của chúng tôi chú ý. Mitterand trở lại đề tài về sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và với khả năng huyền bí tiên đoán về sự xuất hiện trở lại của “tất cả những lực lượng dân tộc chủ nghĩa mà lâu nay bị đàn áp”.
Một thủ tướng có năng lực của Pháp là Edouard Balladur, người lãnh đạo chính phủ theo chủ nghĩa De Gaulle cùng tồn tại với Tổng thống theo phe xã hội chủ nghĩa Mitterand. Trước đây, chúng tôi đã có vài dịp gặp nhau, cố vấn ngoại giao của ông đã từng là đại sứ ở Singapore và là một người bạn nên tôi biết Balladur là một người rất có tài. Do vậy, tôi rất ngạc nhiên là ông ta lại có những lý thuyết thật lạ lùng về thương mại. Trong văn phòng của mình, ông trình bày lý thuyết của ông với những người ghi chép rằng sự xóa bỏ rào cản cho mậu dịch tự do có thể chỉ diễn ra giữa những nước có cùng hình thái kinh tế xã hội, bằng không, những sự khác biệt có thể dẫn đến sự lệch lạc và cạnh tranh không công bằng. Ông nêu ví dụ về trường hợp nền công nghiệp dệt của Pháp có thể mất đi trong vòng 10 đến 15 năm tới vì sự cạnh tranh từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Tôi không đồng ý với ông ta và tranh luận rằng sự bảo hộ công nghiệp của bất kỳ quốc gia nào sẽ không còn có thể thực hiện được nữa ngoại trừ chấp nhận trả một giá rất đắt. Các công ty có phạm vi hoạt động toàn cầu, đó là kết quả tất yếu của sự tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống thông tin toàn cầu. Các công ty nhập nguồn nhiên liệu từ một nước, sử dụng lao động ở một nước khác, xây dựng công xưởng ở một nước thứ ba và tung sản phẩm ra thị trường ở nước thứ tư.
Mặc dù nói chung, ông ta đồng ý với những quan điểm của tôi, ông ta không thể từ bỏ quan điểm bảo hộ mậu dịch vì nỗi lo sợ việc làm bị mất đi bất cứ khi nào các công ty dời các công xưởng ra khỏi nước Pháp. Ông ta đồng ý rằng sự cạnh tranh kinh tế là phải trung thực và công bằng, thêm vào đó, các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản đã không cạnh tranh lành mạnh vì họ nắm được một vài ưu thế. Tôi nhận thấy lời giải thích này thật kỳ quặc và lạ lùng ở một người rõ ràng rất hiểu biết.
Jacques Chirac lúc còn là thị trưởng thành phố Paris cũng có cùng quan điểm với Balladur khi ông ta gặp tôi ở Singapore cuối năm 1993. Ông ta đã đọc bài diễn văn của tôi ở Diễn đàn Asahi vào tháng 10 năm đó khi ông ở Tokyo. Ông ta nhận thấy tuyên bố của tôi rằng châu Âu bảo hộ mậu dịch thật vô lý. Châu Âu là thị trường tự do nhất trên thế giới với thuế suất thấp nhất. Ông lập luận những nước bảo hộ thật sự chính là Nhật và Mỹ. Thật là bất công khi đổ lỗi cho Pháp hoặc Ủy ban châu Âu là ngăn cản thi hành các thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (Round Uruguay) bởi lẽ họ đã từ chối xóa bỏ chính sách nông nghiệp chung châu Âu. Tôi phản đối rằng nếu không có mậu dịch tự do, thì thế giới sẽ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến nữa. Dân tộc Trung Hoa đã dựng nên đế chế cổ vì họ cần thiết lập trật tự dựa trên sự bành trướng lãnh thổ và dân số để hàng hóa và dịch vụ có thể được tự do trao đổi mua bán trong đất nước của họ. Khi tất cả các khu vực của địa cầu bị chia nhỏ cho nhiều cường quốc khác nhau như trước Thế chiến thứ hai, thì chính sự cạnh tranh để có nhiều nguyên vật liệu thô hơn, nhiều thị trường hơn và nhiều của cải hơn đã dẫn đến chiến tranh.
Kế đến, chúng tôi bàn luận về nền nông nghiệp Pháp và Vòng đàm phán Uruguay. Tôi có nghe đài BBC về hoàn cảnh bi đát của nông dân Pháp và chuyện miền quê nước Pháp đã phải chịu cực khổ như thế nào. Nhưng đây là một phần của cuộc cách mạng kỹ thuật. Các nông dân Pháp không thể được che chở lâu dài để giữ lối sống của họ không bị thay đổi. Chirac đáp lại rằng Pháp cần bảo vệ nền nông nghiệp của nó, nhưng ông ta muốn tôi biết rằng ông ta đồng quan điểm với tôi về mậu dịch tự do. Vì lợi ích lâu dài cho nền nông nghiệp Pháp, không có lối nào khác hơn là mậu dịch tự do, vì thế Pháp là quốc gia ít ủng hộ bảo hộ mậu dịch nhất.
Tôi trích dẫn lời của vị cựu Tổng Giám đốc GATT Arthur Dunkel với tư cách là một nhân chứng tinh thông rằng Pháp là quốc gia bảo hộ mậu dịch. Vị Tổng giám đốc đương thời, Peter Sutherland, cũng nói như vậy. Chirac xen vào nói rằng ông ta không tin Sutherland. Tôi nói Chủ tịch EEC, Jacques Delors, rất tin cậy Sutherland thì Chirac trả lời ngay rằng ông ta cũng không tin Delors!
Chirac nói rằng chúng ta không thể thuyết phục lẫn nhau, vì vậy tốt nhất là chúng ta đồng ý gác lại các bất đồng. Cuối cùng, ông ta đã thay đổi lập trường của chính phủ Balladur để đạt được sự thỏa thuận về Vòng đàm phán Uruguay. Kể từ lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau vào năm 1974, Chirac và tôi đã thành bạn và đã có thể nói chuyện một cách thoải mái và thẳng thắn với nhau mà không gây xúc phạm hay bị xúc phạm.
Tôi bị ấn tượng bởi sự quan tâm sâu sắc của cả Chirac và Thủ tướng Đức Helmut Kohl đối với Trung Quốc và Đông Á. Tôi đã thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Goh Chok Tong và đề nghị rằng ông ta khởi xướng các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Đông Á. Người Mỹ đã có những cuộc gặp gỡ thường xuyên với Đông Á thông qua APEC và với EU thông qua nhiều tổ chức. Nhưng EU và Đông Á không có những cuộc họp chính thức vốn có thể thuận lợi cho thương mại, đầu tư và trao đổi văn hóa. Goh đã bắt tay thực hiện cùng với Thủ tướng Pháp Edouard Balladur, và cuộc họp Âu – Á đầu tiên của các nhà lãnh đạo đã được tổ chức ở Bangkok vào tháng 2/1996. Viếng thăm các quốc gia châu Á nhân dịp đó hoặc sau cuộc gặp gỡ đó, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã khám phá ra mức độ biến đổi công nghiệp ở châu Á, và quyết định việc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo EU và Đông Á cứ 2 năm một lần.
Lần giáp mặt đầu tiên của tôi với người Đức là ở sân bay Frankfurt vào tháng 4/1956. Công ty hàng không hải ngoại Anh “Argonaut” đã dừng lại ở Rome nơi tôi nghe những thông báo ngọt ngào nhưng uể oải qua loa phát thanh trong khi những phu khuân vác người Ý đẩy hành lý một cách thong thả. Vài giờ sau, khi đến Frankfurt, tôi cảm nhận được bầu không khí mát mẻ hơn và sinh động hơn, như thể để phù hợp với vẻ cấp bách trên loa phóng thanh, tiếp theo sau là các hướng dẫn thuyết phục và quả quyết trong khi những phu khuân vác người Đức xúc tiến công việc một cách nhanh nhẹn. Hình ảnh ấy làm tôi nhớ đến sự khác biệt giữa quân đội Đức và Ý được mô tả trong các bản thông báo chính thức từ mặt trận của Thế chiến Thứ hai. Tôi đã đọc được chúng trong các bản báo cáo do các hãng thông tấn của đồng minh truyền đi khi tôi chỉnh sửa điện báo cho họ trong suốt thời gian Nhật chiếm đóng.
Tôi đã đi thăm Willy Brandt ở Bonn vào tháng 9/1970 khi ông ta còn là Thủ tướng Đức. Trước đó, chúng tôi đã gặp nhau ở Brussels vào năm 1964, trong lễ kỷ niệm 100 năm Quốc tế Xã hội chủ nghĩa. Sau bài diễn văn của tôi tại buổi gặp gỡ ấy, ông ấy đã đến và bày tỏ thông cảm với tôi về các cuộc bạo động cộng đồng ở Singapore do những người ủng hộ chính quyền trung ương tổ chức để đe dọa người Hoa. Ông ta đã mời tôi thăm ông ta. Tôi đã so sánh Singapore với một Tây Berlin không có ưu thế được Cộng hòa Liên bang Đức hỗ trợ. Với tư cách là một cựu Thị trưởng Tây Berlin, ông ta thấu hiểu tình thế khó khăn của tôi. Trong số các nhà lãnh đạo châu Âu, ông ấy là người cảm thông nhất cho hoàn cảnh bi đát của Singapore. Tôi cố gắng thuyết phục ông ấy đừng loại bỏ Đông Nam Á bởi vì tôi tin chúng tôi sẽ khắc phục được sự nổi dậy của cộng sản đe dọa nhiều nước trong khu vực. Brandt trông quyến rũ – cao và to lớn, với khuôn mặt điển trai, thân thiện và một giọng nói hay. Ông ấy phản ứng theo bản năng hơn là lý trí. Có lẽ ông ta cho phép trái tim điều khiển khối óc của mình, ông ta là một người xã hội chủ nghĩa kiểu cũ, luôn ủng hộ việc san bằng các cơ hội và phần thưởng.
Helmut Schmidt, người kế nhiệm Brandt vào năm 1974, là người rất sáng suốt và cứng cỏi với những quan điểm rõ ràng về tất cả những vấn đề then chốt. Ông coi thường kiểu nói nước đôi về những vấn đề Đông – Tây của các nhà lãnh đạo các nước đang phát triển, những người không dám chỉ trích Liên bang Xô Viết. Từng là Bộ trưởng Quốc phòng, rồi Bộ trưởng Tài chính, với tư cách là một vị Thủ tướng, ông ta nắm vững các vấn đề về kinh tế, quốc phòng và chiến lược.
Ông ta và vợ, Loki, đã viếng thăm Singapore vào tháng 10/1978. Trong ba ngày lưu lại đây, chúng tôi thăm dò lẫn nhau và nhận thấy có rất nhiều điểm chung. Khi chúng tôi thu hình một cuộc phỏng vấn cho một đài truyền hình Đức, người dẫn chuyện rất ngạc nhiên vì dường như chúng tôi có cùng suy nghĩ và nói rất giống nhau về nhiều vấn đề.
Tôi đề nghị Schmidt rằng ông ta nên thành lập một Viện Đức – Sing để tổ chức những khóa đào tạo về sản xuất kỹ thuật cao và công nghệ thông tin, để giúp các doanh nghiệp Đức gầy dựng trong khu vực. Ông ta đồng ý. Việc đó hóa ra mang lại rất nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư Đức vì họ có thể tuyển chọn những kỹ thuật viên được đào tạo theo các tiêu chuẩn Đức. Sau này, Singapore trở thành nước chủ nhà đào tạo các công nhân thuộc các nước thế giới thứ ba khác tại viện này.
Sau chuyến thăm của tôi đến Bonn và Berlin vào mùa thu năm sau, tôi đã ghi lại cảm tưởng của mình cho nội các:
So với lần thăm gần đây nhất của tôi vào năm 1970 thì Berlin trông thịnh vượng hơn nhiều. Nhưng lại không có tinh thần tự do và thoải mái như ở Bonn.32 Những người theo chủ nghĩa cộng sản không mấy thiện cảm với những người Tây Berlin. Họ làm cho cuộc sống căng thẳng, điều này không đủ để gây ra sự chống đối cũng chẳng có gì đáng để được đưa lên báo, nhưng đủ là một áp lực thường xuyên và dai dẳng để nhắc cho người Đức nói chung rằng họ có những con tin ở Tây Berlin. Hệ thống của họ rất thiếu hiệu quả trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ mà người dân cần. Việc đưa vào khuôn phép càng khiến cho tinh thần của người dân nước họ mòn mỏi hơn và họ càng trở nên nghèo túng hơn về tất cả mọi mặt. Sự kém cỏi này, qua thời gian, sẽ ngày càng trở nên rõ rệt đối với hết thảy mọi người trên thế giới kể cả người dân của chính nước họ. Nếu như phía Tây không tạo cơ hội cho Liên bang Xô Viết khai thác tính ưu việt về quân sự của họ, thì vào thập niên 90 hệ thống của Liên bang Xô Viết sẽ bị khủng hoảng trầm trọng.
Và sự việc đã diễn ra đúng như thế.
Lần kế tiếp tôi gặp Schmidt ở Bonn vào tháng 1/1980, sau khi Liên bang Xô Viết xâm lược Afghanistan. Tôi cùng một nhóm các nhà lãnh đạo, gồm Henry Kissinger, Ted Heath và George Shultz, có một cuộc thảo luận không được xếp đặt trước. Chúng tôi nhất trí rằng bằng mọi giá, chúng tôi phải chống lại Liên bang Xô Viết và người dân Afghan phải được ủng hộ.
Schmidt từ chức vào năm 1982 vì Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông không ủng hộ các chính sách khôi phục nguyên tắc tài chính mà ông nghĩ là cần thiết. Ông vẫn tích cực hoạt động, viết bài cho tờ báo Die Zeit và chủ trì các cuộc họp của Ủy ban hoạt động quốc tế (một nhóm các cựu lãnh đạo gặp nhau hằng năm để thảo luận những vấn đề lâu dài của thế giới theo một phong cách hoàn toàn khách quan và không đảng phái). Tôi cũng trở thành một thành viên trong nhóm họ sau khi tôi từ chức năm 1990.
Người kế nhiệm Schmidt, Helmut Kohl là một người khổng lồ, có lẽ là nhà lãnh đạo cao nhất và to nhất trên thế giới lúc bấy giờ. Trong chuyến viếng thăm Bonn của tôi vào tháng 5/1990, ông tỏ ra rất có sức thuyết phục trong việc hợp nhất Đức, vào lúc đó sắp sửa xảy ra. Ông nói, điều đó phải xảy ra và xảy ra trong bối cảnh sự hợp nhất châu Âu. Ông tự tin và lạc quan cho rằng ông ta có thể xoay xở với cái giá và các vấn đề của sự hợp nhất. Ông bác bỏ bất kỳ lời đề nghị nào về một “Pháo đài châu Âu”. Nước Đức sẽ không chấp nhận bảo hộ mậu dịch và ông tin là công nghiệp Đức sẽ có thể cạnh tranh được với Nhật Bản.
Tôi bày tỏ mối lo ngại là sự thống nhất Đức sẽ tiêu tốn rất nhiều nguồn tài nguyên, năng lượng và sức người và sẽ chẳng còn lại bao nhiêu cho khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ông cam đoan với tôi rằng ông sẽ vẫn tiếp tục lưu tâm đến Đông Á. Ông ta là người nhận thức sâu sắc nhất rằng một nước Đức thống nhất, với khoảng 20 triệu dân Đông Đức cộng thêm 60 triệu dân Tây Đức, sẽ phải khiến cho các nước láng giềng kiêng nể. Ông nói rằng mọi người đều muốn một nước Đức thống nhất duy trì chỗ đứng trong NATO, và mặc dù động cơ của việc mong muốn điều này của họ không phải luôn luôn mang tính “thân thiện”, nhưng kết quả cuối cùng là khả quan: “Châu Âu hợp nhất và nước Đức thống nhất là hai mặt của một tấm huân chương.”
Ông cũng có những quan điểm mạnh mẽ tương đương về Trung Quốc. Có rất nhiều kẻ ngốc nghếch ở Cộng hòa Liên bang Đức muốn cô lập Trung Quốc vì vụ Thiên An Môn. Đó là một phương án sai lầm.
Ông nhất trí với các chính sách của Singapore trong việc quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc muốn có một chỗ đứng ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức, nơi có số sinh viên Trung Quốc đông nhất so với các nước khác ở châu Âu và họ sẽ là những nhân vật hiện đại hóa tương lai của Trung Quốc.
Không giống Pháp, các ngành công nghiệp và ngân hàng Đức tích cực hoạt động với Singapore và khu vực từ những năm đầu thập niên 70, rất lâu trước thời gian Thủ tướng Kohl tăng cường mối quan tâm cá nhân của mình. Sau người Hà Lan, người Đức là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất ở Singapore và là đối tác thương mại châu Âu lớn nhất của chúng tôi. Kohl thăm Singapore vào tháng 2/1993, 30 tháng sau khi nước Đức hợp nhất, ông ta thừa nhận cái giá của việc hợp nhất Đông Đức lớn hơn ông tưởng. Tuy vậy, ông vẫn được 40 nhà công nghiệp hàng đầu Đức hỗ trợ. Tôi nài nỉ ông ta đừng bỏ thị trường Đông Á cho Mỹ và Nhật Bản. Kohl nói nước Đức nhất thiết phải nhìn xa trông rộng. Ông ta muốn liên kết kinh tế và văn hóa nhiều hơn với khu vực. Ông ta cũng mời tôi sang thăm Đức để giữ liên lạc. Ông muốn các doanh nghiệp Singapore và Đức cùng nhau đầu tư vào thị trường Trung Quốc, Việt Nam và thị trường các nước Đông Á khác. Tôi đã viếng thăm ông vào tháng 5/1994 để thông báo cho ông ta tình hình mới nhất. Ông ta cũng nói về Nga, rằng Liên hiệp châu Âu đang đối xử với các nhà lãnh đạo ở Moscow không đủ kính trọng. Người Nga có tinh thần tự hào dân tộc và họ cảm thấy bị coi thường và bị xem nhẹ khi bị đối xử như thế này. Nếu một phương án đúng đắn không được duy trì, thì ông ta tin chắc những người Nga theo chủ nghĩa dân tộc và những nhà quân sự sẽ lên nắm quyền trở lại và “toàn bộ vòng quay sẽ lại bắt đầu”.
Tháng 11/1995, Kohl đến thăm Singapore một lần nữa và nhắc lại mối bận tâm của ông ta về vấn đề Nga. Các đối tác châu Âu của ông không hiểu rằng Nga rất quan trọng đối với nền hòa bình ở châu Âu. Họ phải giúp đỡ Nga trở nên mạnh hơn và dân chủ hơn chứ không phải quay lại chế độ độc tài và chủ nghĩa bành trướng. Châu Âu sẽ cần đến Nga để tạo thế cân bằng với Trung Quốc. Vì những lý do này, Đức đã trở thành nhà viện trợ hàng đầu cho Nga với 52 tỷ đôla Mỹ năm 1989, chiếm hơn một nửa những sự giúp đỡ của quốc tế. Ông ta thất vọng về người Mỹ. Họ đang trở nên hướng nội. Phe cộng hòa thì vẫn “dở nếu không muốn nói là tệ hơn”. Không có ứng cử viên đảng Cộng hòa nào đến châu Âu trong suốt thời gian bầu cử tổng thống như họ đã từng làm trong những năm chiến tranh lạnh.
Ông muốn sự nhận xét đánh giá của riêng cá nhân tôi để đối chiếu với những báo cáo chính thức của ông về Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Philippines, và tôi đã thẳng thắn trả lời mà chẳng cần giấu giếm gì. Khi tôi nói rằng một đất nước nào đó là một trường hợp vô vọng thì ông tán thành và ông nói là sẽ không đầu tư vào đó. Ông ta là một con người thực tế và những đánh giá của chúng tôi thường rất trùng hợp.
Tháng 6/1996, Kohl đưa Choo và tôi băng qua sông Ranh trên một chiếc trực thăng để đi thăm Speyer với ngôi thánh đường lộng lẫy xây dựng từ thế kỷ 11 tại quê nhà của ông, Rhineland – Palatinate, ở trung tâm châu Âu. Ông cũng dẫn Mitterrand, Govbachev, Thatcher và những vị khác trong chuyến đi thân mật này đến quận sản xuất rượu vang vùng Rhineland. Vợ ông cũng tham gia với chúng tôi ở nhà hàng mà ông ưa thích, Deidesheim Hof. Chúng tôi dùng thử một số món ăn ưa thích của ông. Trong suốt bữa tối, ông làm tôi thích thú với những câu chuyện kể về những cuộc gặp gỡ của ông với các nhà lãnh đạo Đông Á, một vài người ông thích, còn số khác ông lại cảm thấy không ưa lắm. Ông nhận thấy Suharto là một người đàn ông khiêm tốn và họ trở thành bạn thân của nhau. Trước khi ông trở thành Thủ tướng, ông đã đến Indonesia thăm Suharto tại tư dinh của ông ta. Trong lúc đợi ở tiền sảnh, ngắm cá bơi lội trong hồ thì một người đàn ông mặc áo len, quấn xà rông bước ra; họ cùng nhau ngắm cá và bắt đầu đi vào câu chuyện. Vị đại sứ Đức tháp tùng Kohl chẳng hề để ý gì đến ông ta. Chỉ sau đó một lúc, Kohl mới nhận ra đó chính là Tổng thống Suharto. Suharto mời ông ở lại dùng bữa trưa và họ cùng nhau trò chuyện suốt 4 giờ đồng hồ. Vào một dịp khác, Suharto dẫn ông đến trang trại của ông ta để ngắm nhìn đàn gia súc. Sau dịp đó, Kohl gửi hẳn một con bò đực giống cho Suharto. Lần gặp Suharto kế tiếp, Suharto bắt tay ông và thông báo rằng chú bò đó cừ lắm.
Khi đi tham quan vòng quanh Speyer, Kohl tỏ ra không chú trọng đến hình thức bằng nội dung. Sáu người chúng tôi đi trong chiếc xe Volkswagen mà người dân thường đi, chứ không phải là chiếc Mercedes limousine33 sang trọng. Khi tôi mời ông dùng bữa trưa ở Singapore, ông ta đến trên một chiếc xe buýt để, như ông nói, tiện lợi hơn khi chiêm ngưỡng thành phố.
Helmut Schmidt và Helmut Kohl không phải là những người bạn thân nhất, vậy mà giới truyền thông Đức tọc mạch cho là tôi rất thân với cả hai ông. Khi họ hỏi tôi, tôi trả lời rằng công việc của tôi là tiếp xúc với bất kỳ ai là lãnh đạo của nước Đức, rằng tôi chẳng theo phe cánh nào cả. So với người tiền nhiệm Schmidt thì Kohl không bằng. Schmidt là người tài trí, luôn luôn đưa ra những ý tưởng thú vị và trình bày rất sắc bén, mạch lạc trên báo Die Zeit sau khi ông thôi không làm Thủ tướng nữa. Mặt khác, giới truyền thông miêu tả Kohl là một người ù lì và chẳng gây được bất cứ cảm hứng nào. Điều này khiến nhiều người đánh giá ông thấp. Lúc đầu khi mới lên cầm quyền, không ai nghĩ rằng ông sẽ là Thủ tướng nắm quyền lâu nhất kể từ thời Bismarck. Khi tôi hiểu ông hơn, tôi khám phá ra bên trong thân hình to lớn và dáng vẻ bề ngoài vụng về là một khối óc nhạy bén với thiên khiếu chính trị sắc sảo. Ông là người có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán và kiên định trong việc theo đuổi những mục tiêu của mình. Tầm nhìn sắc bén khôn ngoan về chính trị đã khiến ông có thể chấp nhận được quá khứ nước Đức và cương quyết rằng quá khứ sẽ không bao giờ lặp lại. Vì thế, ông ta chuyên tâm đeo đuổi Liên minh tiền tệ châu Âu (European Monetary Union – EMU), mà ông ta ám chỉ đến nó như là một vấn đề chiến tranh và hòa bình. Ông ta tin đồng Euro sẽ khiến cho tiến trình sáp nhập châu Âu không thể đảo ngược.
Kohl thất bại trong cuộc bầu cử tháng 9/1998. Ông sẽ đi vào lịch sử như là một người Đức vĩ đại, người đã hợp nhất đất nước và là một người châu Âu khổng lồ mong muốn nước Đức trở thành một phần của một siêu quốc gia châu Âu để tránh những thảm họa chiến tranh châu Âu của thế kỷ trước. Ông củng cố mối quan hệ Pháp – Đức và thành công trong việc tung ra đồng Euro vào tháng 1/1999, mặc cho nhiều thái độ hoài nghi và chống đối. Trong năm đầu tiên, đồng Euro suy yếu so với đồng đôla Mỹ. Nếu cuối cùng đồng tiền chung Euro thành công thì sự đóng góp của Kohl cho sự hợp nhất châu Âu sẽ mang tầm cỡ lịch sử. Sự thừa nhận của ông rằng đã sử dụng các nguồn quyên góp bí mật cho đảng của mình mà lẽ ra ông phải công bố vẫn không thể nào làm suy yếu được công lao đóng góp của ông đối với nước Đức và Liên minh châu Âu.
Các nhà lãnh đạo Pháp gây ấn tượng với tôi bằng sự uyên bác và khả năng phân tích chính trị của họ. Họ có khả năng tham gia vào chính trường thế giới mạnh hơn người Đức, tận dụng nguồn lực của Đức trong cộng đồng châu Âu. Một nước Đức thống nhất sẽ thách thức sự an bài này. Nhưng Thủ tướng Kohl biết rất rõ rằng những nỗi lo sợ có thể xảy ra nếu Đức có vẻ như muốn sử dụng sức mạnh.
Một khó khăn nghiêm trọng đối với sự đoàn kết và hợp nhất châu Âu là việc thiếu một ngôn ngữ chung. Schmidt nói chuyện với Giscard bằng tiếng Anh và cho tôi biết họ có thể thiết lập một mối quan hệ thân thiện, gần gũi. Mitterand và Chirac giao tiếp với Kohl qua người phiên dịch. Tôi luôn cảm thấy rằng để cảm nhận được ý tưởng của người khác qua người thông dịch thì thật khó khăn. Schmidt, Giscard và Chirac đều nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh và tôi có thể cảm nhận được từng dòng ý tưởng của họ tốt hơn là của Mitterand và Kohl, những người nói chuyện với tôi qua thông dịch viên. Trong lúc chờ đợi thông dịch viên dịch lại những gì họ nói, tôi lại càng cảm thấy khó khăn hơn khi phải đoán ý qua ngôn ngữ cử chỉ của họ. Khi một người nói bằng tiếng Anh, cho dù không đúng ngữ pháp hay thành ngữ, tôi vẫn cảm nhận được ý tưởng của anh ta. Sự ngắt câu hoặc chần chừ ở giữa câu đôi khi làm thay đổi tính tinh tế của câu nói; một phiên dịch viên có thể sẽ làm mất đi những lần ngắt câu này và cho tôi biết nội dung mà không có những cái nhăn mặt ám chỉ sự dè dặt của người đó. Cho đến khi có một ngôn ngữ chung thì người dân châu Âu chưa thể sánh kịp tính đồng nhất và những lợi thế mà Mỹ có được. Từng nước thành viên Liên minh châu Âu đều dạy tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Chẳng nước nào sẵn sàng dẹp bỏ ngôn ngữ của mình để sử dụng tiếng Anh hay bất kỳ một ngôn ngữ nào khác. Các kỹ sư của Liên minh châu Âu và các giám đốc vì thế sẽ không dễ dàng hoán đổi với nhau giống như người Mỹ khi thực hiện những dự án quan trọng.
Tham vọng của Pháp mong muốn ngôn ngữ của mình sẽ là một trong những ngôn ngữ hàng đầu trong ngoại giao quốc tế đã phải nhường chỗ cho chủ nghĩa thực dụng. Đến những năm cuối thập niên 80, những người sử dụng tiếng Pháp tại các cuộc hội họp quốc tế bắt đầu sử dụng tiếng Anh để gây được ấn tượng sâu sắc hơn với thính giả quốc tế. Với Internet, ưu thế của tiếng Anh là không thể phủ nhận. Trong thập niên 90, nghe các tổng giám đốc điều hành người Pháp và Đức thảo luận bằng tiếng Anh là chuyện rất bình thường.