Chúng tôi cam kết tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 9 về vấn đề hợp nhất với Malaysia. Thực hiện việc hợp nhất dựa trên đa số phiếu trong Hội đồng lập pháp không phải là vấn đề chúng tôi quan tâm; nhân dân sẽ cho rằng chúng tôi bán đứng họ dù các điều khoản có bình đẳng hay không. Nhân dân phải được thông tin đầy đủ, phải được giải thích rõ về các phương án chọn lựa rồi tự quyết định. Hơn nữa, với cách làm này chúng tôi sẽ cho Tunku thấy là việc hợp nhất không phải là điều đương nhiên.
Thứ đến là PAP phải nắm chính quyền để đạt được điều này. Vì vậy, điều cần thiết nhất là phải chiếm đa số ghế trong nghị viện. Mặc dù đa số ấy chỉ là 26 chống lại 25, tôi vẫn tin rằng khi thời điểm quyết định đến, những thành viên phi cộng sản thuộc nhóm đối lập, ngoại trừ Marshall (một phiếu) và có lẽ thêm Ong Eng Guan cùng hai chiến hữu của ông ta – bây giờ là Đảng Nhân dân Thống nhất (United People’s Party – UPP) – sẽ không thể ủng hộ Barisan. Trước đó trong các bài nói chuyện trên đài phát thanh tôi cũng đã phân tích tình hình dẫn đến cuộc xung đột hiện nay, nên ở thời điểm này tôi có nhiều thuận lợi hơn trong cuộc tranh luận của mình.
Chúng tôi giờ đây phải tìm cách làm cho những người cộng sản nói rõ ra họ muốn hợp nhất theo kiểu nào, không để cho họ lẩn tránh và đòi hỏi một Singapore độc lập. Nhưng họ vẫn tránh được. Sau khi tách ra, trong nhiều tuần lễ họ tung hỏa mù, sử dụng chiến thuật trì hoãn bằng cách thúc giục dân chúng trước tiên là phải tập trung vào việc đấu tranh chống thực dân. Trước đám đông chục nghìn người hò reo trong một cuộc mít-tinh ngày 13/8 tại sân vận động Happy World đánh dấu việc thành lập đảng Barisan Sosialis, Lim Chin Siong tuyên bố rằng chủ nghĩa thực dân là trở ngại lớn nhất đối với việc hợp nhất giữa Singapore và Liên bang. Chính chủ nghĩa thực dân Anh đã chia Malaya làm hai thực thể riêng rẽ. “Vì vậy, nếu chúng ta tiêu diệt chủ nghĩa thực dân, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến sự hợp nhất, và nếu sự hợp nhất có nghĩa là thực sự tái thống nhất, chúng ta sẽ vô cùng sung sướng ủng hộ nó.” Tiếng vỗ tay vang dội như sấm hoan nghênh Lim khi ông ta nói bằng tiếng Malay và Hokkien nhưng tôi không chắc là thính giả nhiệt thành đồng ý phần này trong bài diễn văn. Sự tái thống nhất, dù thực hay không, sẽ làm giảm đi sức mạnh của khối nói tiếng Hoa đang chiếm đa số và khiến họ trở nên mong manh hơn trước các biện pháp an ninh.
Barisan không phải là yếu tố mơ hồ duy nhất. Người Anh đóng vai trò chủ chốt trong vở kịch này bởi vì mọi thứ đều tùy thuộc vào sự nhất trí của họ với Tunku, rằng ông này sẽ đóng một vai trò quyết định về tương lai của Singapore. Điều đó không chỉ tạo “sự liên kết”, mà còn làm cho sự hợp nhất là cần thiết. Philip Moore trong báo cáo ngày 18/10 gửi cho Ian Wallace ở Vụ Thuộc địa ở London, đã viết:
“Dĩ nhiên không bao giờ có nghi vấn là chúng ta không sẵn sàng để đối phó với vấn đề cộng sản ở Singapore trong giai đoạn trước mắt, nhưng chúng ta phải thuyết phục Tunku rằng, về lâu dài, chỉ một mình ông ta thôi trong bối cảnh hiện nay của dư luận quốc tế cũng có thể giải quyết vấn đề Singapore… Chủ yếu là làm cho ông ta đừng có ảo tưởng rằng trên một nền tảng mơ hồ, Singapore có thể để lại cho người Anh một cách an toàn.”
Tôi tin rằng sau khi chúng tôi thất bại trong các cuộc bầu cử bổ sung ở Hong Lim và Anson cũng như sau khi những người cộng sản nỗ lực đẩy PAP ra để nắm chính quyền một cách hợp hiến, Tunku ắt phải thấy rằng ông ta không còn cách nào khác ngoại trừ đưa Singapore nhập vào Malaya với những điều khoản đặc biệt để khỏi gây bất bình cho người Malay chiếm đa số trong các cuộc tuyển cử. Tunku có thể muốn kiểm soát an ninh nội chính, quốc phòng và ngoại giao. Ngày 27/10/1961 Tunku công khai tuyên bố rằng muộn lắm là năm 1963 “hoàn toàn có thể là người Anh sẽ cho Singapore một hiến pháp tạo dựng nền độc lập cho Singapore. Ngày Singapore nhận nền độc lập, nó sẽ thiết lập các quan hệ ngoại giao với những nước mà chúng ta chống đối. Sứ quán của các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Nam Tư và các quốc gia cộng sản khác sẽ được thành lập. Lúc đó chúng ta sẽ có những người cộng sản ngay trước cửa nhà mình.”
Nhưng Tunku sẽ phải trả giá cho việc nhận Singapore vào liên bang. Vào hồi tháng 8, chính quyền của ông đã thông báo cho người Anh trong 6 tháng phải rút ra khỏi Hội đồng an ninh nội chính. Người Anh suy diễn rằng vì họ cần Malaya kiểm soát Singapore để ngăn chặn cộng sản, nên Tunku sẽ đòi hỏi các lãnh thổ trên Borneo phải được sáp nhập vào Liên bang trước. Dĩ nhiên tôi hiểu rằng vấn đề là chọn thời điểm thích hợp. Nhờ những cuộc viếng thăm các lãnh thổ thuộc Borneo để tiến hành các vụ kiện tụng, tôi biết rằng ý thức chính trị của họ không cao và họ chưa có những nhà lãnh đạo. Tôi đã để cho người Anh sắp xếp chuyện này và cho rằng họ đã dàn xếp xong vấn đề này với Tunku.
Ngày 16/11, Tunku từ Singapore đi London để bàn về vấn đề Malaysia với chính quyền Anh. Ông ta rất vui vẻ và tuyên bố với báo chí rằng thật là an toàn khi cho rằng vấn đề Liên bang Malaysia đã “ở trong túi”, điều đó có nghĩa là ba vùng lãnh thổ thuộc Borneo và Singapore sẽ gia nhập Liên bang. Ông ta nhanh chóng nói thêm, như tờ Straits Times tường thuật, với nụ cười cởi mở:
“Tôi muốn thành thật hơn. Tôi muốn điều đó ít nhất là phải xảy ra đồng thời nếu không nhân dân Liên bang sẽ rất lo lắng. Trong Liên bang, Singapore được coi là một loại đứa trẻ có vấn đề… Những đề nghị về hiến pháp không phải là một sự hợp nhất hoàn toàn. Đúng hơn, nó chỉ là một hình thức liên kết rất chặt chẽ.”
Nhận xét này làm cho công việc của tôi khó khăn hơn.
Ở London, sau khi nói chuyện với Macmillan chỉ trong 80 phút, ông ta rất vui khi nói với giới báo chí: “Chúng tôi không cần phải đợi cho đến năm 1963.”. Trong một tuyên bố chung ngày 22/11, chính quyền Anh và Malaya nói: “Các vị Bộ trưởng rất hài lòng về Hiệp định khung mới đây giữa chính phủ Malaya và Singapore về việc hợp nhất Singapore vào Liên bang”. Tại sao Tunku thay đổi ý kiến như thế? Macmillan đã thuyết phục được ông ta và trên thực tế đã hứa hẹn với ông ta về các lãnh thổ Borneo, điều này tùy thuộc vào các kết luận của một ủy ban để xác định ý muốn của người dân.
Ở Singapore, chúng tôi đệ trình lên Hội đồng lập pháp những ý chính của Hiệp định khung về sự hợp nhất:
“Singapore sẽ có 15 ghế trong Hạ viện liên bang và 2 ghế trong Thượng viện.
624.000 công dân Singapore sẽ không mất quyền công dân mà họ hưởng ở Singapore. Với sự hợp nhất, họ sẽ tự động biến thành công dân của Liên bang và mang cùng hộ chiếu như những công dân khác của Liên bang. Họ sẽ có cùng các quyền lợi, cùng hưởng sự bảo vệ, có chung những nghĩa vụ và trách nhiệm.
Quy chế tự do cho cảng Singapore vẫn được duy trì.
Đường lối chung và sự điều hành chính phủ Singapore vẫn như trước đây, do nội các gồm Thủ tướng và những Bộ trưởng được chọn theo sự tiến cử của Thủ tướng thực thi… Hội đồng lập pháp hiện nay của Singapore vẫn tiếp tục là Hội đồng lập pháp bang, nhưng nó không có quyền ban hành các đạo luật có liên quan tới quốc phòng, ngoại giao, an ninh và ‘các vấn đề liên bang khác’.
Singapore sẽ tự trị về giáo dục, các chính sách về lao động và nói chung sẽ giữ được quyền hành của bang rộng rãi hơn so với các bang khác trong Liên bang.
Singapore sẽ giữ lại một phần lớn lợi tức của bang.
Vị trí đặc biệt của những người Malay là công dân Singapore sẽ được bảo vệ.”
Ngày 20/11 Ahmad Ibrahim đưa ra đề nghị rằng: “Nghị viện xác nhận rằng mục tiêu đầu tiên của những người yêu nước Malaya là đạt được sự thống nhất hai lãnh thổ này trong sự hợp nhất Singapore và Liên bang Malaya.” Đảng Barisan ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Họ thấy rằng tiến trình đi tới hợp nhất thành Malaysia đang gia tốc và dường như không thể ngăn chặn được, vì thế họ cố gắng trì hoãn. Tiến sĩ Lee Siew Choh phát biểu suốt bảy tiếng rưỡi trong hai ngày. Sau nửa giờ đầu tiên, ông ta bắt đầu nói vớ vẩn. Ông ta có một đội những người viết mướn nằm lì trong phòng của các đại biểu đối lập tuôn ra hàng ram giấy lặp đi lặp lại những điều nhảm nhí. Thậm chí ông ta còn không thể đọc những điều mà họ viết cho mình. Chúng tôi tự hỏi không biết ông ta mong đạt được lợi lộc gì khi trì hoãn chương trình nghị sự trong một hai ngày ấy bởi vì chúng tôi không hề bị hạn chế về thời gian. Cuối cùng Chin Chye, tôi và các Bộ trưởng khác đứng dậy hỏi vị Chủ tịch nghị viện, ngài George Oehlers, là liệu Tiến sĩ Lee có được phép tự lặp đi lặp lại mãi những điều đó không. Nhưng Oehlers không có can đảm. Chúng tôi rất kinh ngạc là những người cộng sản lại có thể tiêm vào ông ta nỗi sợ hãi đến độ ông ta lờ đi mọi luật lệ và để cho Barisan làm đình trệ cuộc thảo luận. Chúng tôi quyết định rằng nếu thắng cử trong cuộc bầu cử tới, chúng tôi phải chọn vị chủ tịch can đảm hơn.
Tiến sĩ Lee nói lan man đến độ ông ta chôn vùi đi một số vấn đề khá hay dưới một núi những điều vụn vặt. Một trong những điều đáng kể ra nhất là Singapore không đồng ý có đại diện tại nghị viện liên bang tỷ lệ với số cử tri của mình. Ông ta nói rằng Singapore nên có 25 đến 30 trong số 100 đại biểu. Tôi giải thích rằng tôi đã đòi 19 ghế nhưng Tunku không nhượng bộ quá 15 ghế, con số dành cho những trung tâm đô thị như Kuala Lumpur và Malacca.
Khó khăn chính của tôi không phải là điều này hay vấn đề hợp nhất hoàn toàn, điều mà người dân Singapore không muốn. Vấn đề là quyền công dân. Tiến sĩ Lee miêu tả Liên bang như người đã lấy thêm ba người vợ ở Borneo, trong khi Singapore không phải là người vợ thứ tư mà chỉ là tình nhân. Con cái của người tình nhân này sẽ bị coi là bất hợp pháp, không có tư cách công dân Liên bang. Điều này có ảnh hưởng lớn. Việc nghi ngờ rằng “cư dân Malaysia” (Malaysian national) không giống như “công dân Malaysia” (Malaysian citizen)26 tạo ra rất nhiều khó chịu và tạo cho Barisan một chủ đề lý tưởng, qua đó họ tăng cường được chiến dịch gây rối mà họ vốn đã quyết tâm tiến hành. Như tôi đã giải thích tại cuộc họp báo ngày 15/10 rằng trong điều kiện hợp nhất trọn vẹn, trong khi những công dân sinh ở Singapore tự động trở thành công dân Liên bang thì những người khác – có khoảng 327.000 người sinh ở Trung Quốc, Ấn Độ và ngay cả ở Malaya – trước hết phải thỏa đáp những quy định về cư trú của Liên bang và phải vượt qua được kỳ thi tiếng Malaya trước khi trở thành công dân của Liên bang. Sự khác nhau là, theo hiệp ước giữa chúng tôi với Tunku, tất cả các công dân Singapore sẽ trở thành “cư dân liên bang”. Đó chính là “sự dàn xếp đặc biệt” tốt nhất mà tôi có thể nhận được từ Tunku.
Cộng sản đã phát động một cuộc phản công kiên quyết mặc dù về căn bản, vị trí của họ là yếu kém, họ từ bỏ việc kêu gọi hợp nhất hoàn toàn để chuyển sang nhấn mạnh rằng nhân dân Singapore sẽ trở thành công dân hạng hai. Mặc dù Keng Swee phản bác tiến sĩ Lee về vấn đề này, chỉ ra rằng họ có thể bầu đại diện của mình vào nghị viện liên bang và có thể ứng cử, ông ta cũng lo sợ hậu quả của việc tuyên truyền này ảnh hưởng đến những người ủng hộ chúng tôi.
Sau 13 ngày thảo luận tẻ nhạt và lặp đi lặp lại, cuộc bỏ phiếu vào ngày 6/12 là 33 thuận (bao gồm 2 UMNO, 3 SPA và 1 độc lập), 18 vắng mặt, không có phiếu chống. Barisan chọn lựa việc vắng mặt hơn là bỏ phiếu chống lại Hiệp định khung sau khi họ đã cam kết ủng hộ hợp nhất. Ngày 24/1/1962, người ta thảo luận kiến nghị thứ hai để ủng hộ trên nguyên tắc kế hoạch do Tunku đề nghị thành lập Liên bang Malaysia gồm 11 bang của Malaya, các bang Singapore và Brunei và các lãnh thổ Sarawak và Bắc Borneo. Kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 30/1 là 35 phiếu thuận (PAP, UMNO, SPA), 13 chống (Barisan), 3 phiếu trắng và 3 vắng mặt. Ong Eng Guan và Marshall không còn là vấn đề đáng quan tâm nữa. Họ muốn chống kiến nghị này nhưng sợ rằng họ sẽ bị đối xử như những người cộng sản nếu Malaysia thành công và Tunku nắm chính quyền. Vì thế họ chọn phiếu trắng hoặc chọn vắng mặt để tránh xung đột với Tunku.
Cuộc thảo luận bị gián đoạn do các học sinh trung học người Hoa tẩy chay kỳ thi. Ngày 29/11, Lee Khoon Choy, thư ký thường vụ của Bộ Giáo dục và là ủy viên trật tự trong nghị viện đụng đầu với một nhóm người ngăn không cho ông vào tham dự cuộc họp của Hội đồng lập pháp. Raja lập tức đưa ra một kiến nghị cho quốc hội để kêu gọi cảnh sát bảo đảm rằng những người chịu trách nhiệm phải bị xử lý theo luật. Khi kiến nghị được thông qua với tỷ lệ 43/3, Barisan cho giải tán những người đang đứng ngăn chặn bên ngoài. Vấn đề thi cử đã là một vấn đề nhức nhối từ tháng 6 khi Bộ trưởng Giáo dục đề nghị hệ thống thi cử phải được thực hiện đồng bộ ở các trường dạy bằng tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Malay và Tamil. Điều đó có nghĩa là một sự thay đổi cho học sinh người Hoa. Trước kia, họ có thể thi rớt trong kỳ thi tiểu học nhưng vẫn tiếp tục học lên trung học, bây giờ chúng tôi yêu cầu họ phải thi đậu bậc tiểu học trước khi học tiếp lên bậc trung học để lấy bằng cấp cao hơn. Những người ủng hộ cộng sản chống lại hệ thống mới này và đẩy vấn đề trở nên nóng bỏng khi 300 người trong số họ phong tỏa các trung tâm thi và tạo nên một hàng rào người không cho các học sinh vào dự thi trong các ngày 27 và 28/11.
Đây là một phần của tình trạng gây rối mà những người cộng sản tìm cách tạo nên. Họ muốn kéo các học sinh vào cuộc như đã từng làm để chống lại Lim Yew Hock. Nhưng chúng tôi không sử dụng lực lượng cảnh sát để giải tán đám người ngăn chặn. Thay vì thế, chúng tôi bảo các bậc cha mẹ rằng nếu con em họ thi rớt, chúng phải mất đi một năm mới có thể thi lại và chúng tôi nhờ cảnh sát bảo vệ đưa chúng đi qua nhóm người ngăn chặn. Kết quả là 60% tham dự kỳ thi. Báo chí, bao gồm báo tiếng Hoa, đăng những hình ảnh cha mẹ và học sinh được cảnh sát hộ tống đi lọt qua đám người ngăn chặn che nửa dưới mặt bằng khăn tay theo kiểu băng đảng để tránh các máy chụp hình của Sở đặc vụ. Tôi không bao giờ cho phép cộng sản khai thác văn hóa, giáo dục và ngôn ngữ của người Hoa, và ở điểm này tôi đạt được thế mạnh nhờ con cái tôi cũng được học bằng tiếng Hoa. Như thế tôi đã làm cộng sản mất đi một vũ khí mạnh để chống lại tôi. Họ có thể tấn công cái bản chất trung lưu tư sản của tôi nhưng không thể bôi nhọ tôi, như đã từng làm với Lim Yew Hock, như một kẻ thù hủy diệt nền văn hóa Trung Quốc.