Mười một tháng sau khi cuộc hội nghị hiến định đầu tiên thất bại, chúng tôi quay lại London dự kỳ họp lần thứ hai. Kỳ họp này được tổ chức trong bầu không khí hoàn toàn khác. Những bất đồng giữa các bên được thảo luận cặn kẽ và các giải pháp được đồng ý trên nguyên tắc. Vào ngày 7/2/1957, Tổng ủy viên Lim Yew Hock đã kêu gọi một cuộc họp liên đảng, cuộc họp đầu tiên trong tám cuộc họp nhằm xác định những nét cơ bản của hiến pháp mới, một tháng sau một hồ sơ gồm đủ các ý kiến khác nhau được đệ trình lên Hội đồng lập pháp. Kiến nghị của Lim thì thực tế và khiêm tốn: “Nhằm đạt được từ chính phủ Vương quốc Anh quy chế của một xứ tự trị với tất cả quyền lực, sức mạnh và đặc quyền gắn với những vấn đề nội bộ, và quyền kiểm soát thương mại cũng như các quan hệ văn hóa trong việc đối ngoại”.
Không có cố gắng nào nhằm che đậy sự kiện khó chịu rằng đây không phải là nền độc lập, và rằng chủ quyền vẫn trong tay người Anh. Như tôi sẽ chỉ ra sau này, điều đó có nghĩa là họ sẽ có thể hủy bỏ hiến pháp bất cứ lúc nào, và sẽ có đủ lực lượng quân đội Anh tại đất nước này để thực hiện bất cứ sự hủy bỏ nào như thế. Cuộc tranh luận tiến hành suôn sẻ, đặc biệt là khi David Marshall vắng mặt ở Borneo vì công việc pháp lý. Chính quyền Tunku đã nói với Lim Yew Hock rằng ông ta rất vui lòng có người đại diện ngồi trong Hội đồng an ninh nội chính ba bên được đề nghị; và Lennox–Boyd hiện cũng vui lòng chấp thuận điều này, tùy thuộc vào việc xác định rõ những gì hội đồng có thể và không thể làm.
Tuy nhiên Lim Yew Hock đã dại dột lao vào những cuộc bầu cử hồi đầu tháng 8/1957. Chỉ sau khi chuẩn bị cẩn thận thì người ta mới ném con súc sắc vào một cuộc tổng tuyển cử, đặc biệt vì trong lần này tiền đặt cược sẽ cao hơn. Ủy ban liên đảng đã đồng ý rằng dưới hiến pháp mới sẽ có một Hội đồng lập pháp đa ngôn ngữ; cũng sẽ có một đạo luật mới về quyền công dân trao quyền bầu cử cho khoảng 200.000 đến 300.000 người, phần lớn là người Hoa đã cư trú ở
Singapore ít nhất là tám trong vòng mười năm qua. Tuyên bố trong Hội đồng lập pháp vào ngày 5/5, tôi nêu rõ quan điểm của PAP: điều luật này phải được thông qua và những công dân mới đủ tư cách đi bầu và ra ứng cử trước khi cuộc tổng tuyển cử được tổ chức, thậm chí dù cho việc này sẽ tốn mất ít nhất là một năm, và có thể kéo dài ba tháng nữa.
Sau kinh nghiệm của Marshall cùng đoàn đại biểu 13 người, Lim Yew Hock giảm bớt đoàn đại biểu của ông ta còn năm người – hai thuộc Mặt trận Lao động, một thuộc UMNO, một từ Đảng Xã hội tự do, và tôi đại diện cho PAP. Đây là một cuộc họp bàn về những chi tiết thực tiễn căn bản. Hiến pháp đề nghị dự trù thành lập một Hội đồng lập pháp gồm 51 thành viên dân cử, từ đó sẽ chọn ra Thủ tướng và các Bộ trưởng khác. Hội đồng lập pháp sẽ có quyền hạn trên mọi lĩnh vực trừ đối ngoại và quốc phòng, nhưng chỗ nào mà quốc phòng và an ninh nội chính lấn lên nhau, thì quyền hành sẽ thuộc về một Hội đồng an ninh nội chính. Hội đồng này sẽ gồm ba thành viên người Anh, mà một trong số họ sẽ giữ chức chủ tịch; ba thành viên người Singapore, trong đó một người sẽ là Thủ tướng, và một người đại điện của Liên bang Malaya. Singapore sẽ có một thủ hiến bang gọi là Yang di–Pertuan Negara, thay vì một thống đốc người Anh.
Lim Yew Hock để lại một bản dự thảo hiến pháp cho Walter Reaburn QC, nhưng tôi phải đọc những tài liệu để chắc rằng nếu và khi PAP thành lập chính phủ, chúng tôi sẽ có thể thực hiện nó. Chỉ có một vấn đề có thể bàn cãi. Tại phiên họp khoáng đại lần thứ 15, Lennox–Boyd nói rằng chính phủ Vương quốc Anh sẽ không để cho Singapore rơi vào tay cộng sản, và rằng ông ấy cảm thấy chắc chắn rằng đoàn đại biểu Singapore dù thế nào cũng không muốn chuyện này xảy ra. Vì thế ông ta đã đưa ra một điều khoản miễn bàn cãi nhằm ngăn chặn tất cả những ai được biết là đã từng tham gia hoặc bị truy tố vì đã tham gia những hoạt động lật đổ ra khỏi việc tranh cử trong cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức theo hiến pháp mới. Tôi phản đối vụ này, cho rằng “điều kiện này gây rắc rối vì thứ nhất nó xa rời việc thực thi dân chủ và vì thứ nhì, không có gì đảm bảo rằng chính phủ đương quyền sẽ không áp dụng thủ tục này để ngăn cản việc ra ứng cử của không chỉ những người cộng sản mà cả những người dân chủ đối lập với chính phủ”.
Tôi đang phát biểu để ghi vào biên bản. Sự thực thì Lim Yew Hock đã nêu vấn đề này lên với tôi khi còn ở Singapore sau khi ông ta gặp Lennox–Boyd ở London hồi tháng 12, và Lennox–Boyd đã mời tôi đến dùng trà tại nhà riêng của ông ta ở quảng trường Eaton để thảo luận chuyện này. Sau vài câu xã giao, ông ta hỏi tôi điều gì sẽ xảy ra nếu những đồng chí của tôi hiện đang ở tù, kiểu như Lim Chin Siong, sẽ ra ứng cử trong kỳ bầu cử tới. Tôi nói ông ta sẽ thắng và các đối thủ của ông ta ở khu vực bầu cử Bukit Tamah sẽ phải mất tiền ký quỹ của họ. Ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên.
“Ở đất nước tôi,” ông ta nói, “khi chúng tôi bắt giữ một người theo Quy định 18D (quy định ở Anh thời chiến giống như những quy định về tình trạng khẩn cấp ở Singapore lúc đó), ông ta sẽ không được cử tri tin cậy nữa. Oswald Mosley – lãnh tụ đảng Phát xít Anh thân Đức quốc xã – đã là một dân biểu. Sau khi ông ta bị bắt giữ và bị cầm tù, ông ta không bao giờ chiếm được một ghế dân cử nào nữa.”
Tôi rầu rĩ nhìn ông ta và nói: “Ở nước ông, những kẻ như thế được coi như kẻ phản bội, cộng tác với kẻ thù. Còn ở Singapore, khi ông bị bắt giữ bởi một chính phủ có một viên thống đốc người Anh và một Tổng ủy viên người Anh nắm quyền, thì ông trở thành vị anh hùng, một chiến sĩ của nhân dân. Quần chúng càng yêu mến ông ta hơn.”
“Liệu ông sẽ đồng ý nếu như tôi áp đặt điều khoản này, để loại trừ họ khỏi kỳ bầu cử đầu tiên nhằm giúp cho chính phủ dân cử đầu tiên theo hiến pháp tự trị nội bộ toàn vẹn có thể khởi đầu với một tình hình sáng sủa hơn không?” “Tôi sẽ phản đối kịch liệt điều đó. Ông sẽ phải nhận trách nhiệm vì điều đó.” Tôi trả lời.
“Hai vai tôi đủ rộng mà”, ông ta nói.
Quả thực đúng như vậy cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Tôi nói với ông ta là tôi sẽ phản đối, nhưng nhấn mạnh rằng điều này không nhất thiết là kết thúc cuộc thương thảo – tôi tự nghĩ rằng sự tiến bộ về hiến pháp của Singapore không thể bị Lim Chin Siong, Fong Swee Suan và tổ chức Middle Road cầm giữ làm con tin được.
Tôi có được lợi thế nhờ đã quan sát Lennox–Boyd trong cả tháng trời tại hội nghị đầu tiên năm 1956. Ông ta là một nhân vật đầy ấn tượng, về thể chất ông ta là một người khổng lồ, cao gần hai mét, to con lực lưỡng. Sức sống mạnh mẽ của ông ta thể hiện qua giọng nói, nét mặt và cử động của cơ thể. Ông ta ăn mặc nghiêm túc, luôn có một bông hoa cài trên khuyết áo. Ông ta nói với giọng học sinh trường công nhưng, theo đúng kiểu tầng lớp thượng lưu của mình, ông ta thân thiện, dễ gần gũi và có biệt tài khiến cho người khác thấy thoải mái. Tôi kính trọng sự thông minh và thích tính thẳng thắn của ông ta. Lúc đó, Văn phòng Thuộc địa đang chịu một sức ép dữ dội, khi hết thuộc địa này tới thuộc địa khác đòi độc lập. Tuy nhiên ông ta cũng dành thời gian cho đoàn đại biểu Singapore vào Chủ nhật tại Chequers, ngôi nhà ở nông thôn của thủ tướng dành riêng cho ông ta. Ông ta vừa mua một máy ảnh Polaroid18, hồi đó là rất mới lạ, và ông thích thú chụp những tấm ảnh và tặng ngay lập tức cho chúng tôi. Tôi được tặng một bức chụp tất cả chúng tôi đứng tại cửa tòa nhà Chequers với John Profumo, người sau này là một Bộ trưởng19, cùng với chính bản thân Lennox–Boyd.
Vì thế khi tôi gặp ông ta tại nhà riêng vào buổi chiều đó, tôi tin chắc mình có thể nói thẳng ý nghĩ của mình ra. Nếu như tôi cảm thấy ông ta là một người ma mãnh trong cách cư xử, câu trả lời của tôi sẽ thận trọng. Và đúng như vậy, tôi bày tỏ thẳng thắn, và ông ta hiểu là tôi sẽ không phá hoại hội nghị vì bất kỳ sự chống đối nào với việc ứng cử của những người từng bị giam giữ. Ba mươi tám năm sau, qua hồ sơ lưu, tôi mới biết được rằng Lim Yew Hock đã nói với viên thống đốc Singapore rằng: “Cả ông ta và Lee Kuan Yew đều không thể tự đưa vấn đề này ra trong cuộc thương thảo hồi tháng 3”, nhưng “cả ông ta và Lee Kuan Yew đều sẽ không tỏ ý nghi ngờ nếu như Bộ trưởng Ngoại giao đặt ra điều kiện này”, và ý kiến này đã được chuyển tới London. Vì thế khi Lennox–Boyd đưa ra điều kiện này trong cuộc họp vào ngày 10/4, nó không gây chút ngạc nhiên nào cho cả tôi và Lim và cho cả, theo chỗ tôi được biết, những thành viên khác của đoàn đại biểu liên đảng, những người mà ông ta cũng đã gặp riêng.
Sau năm tuần thương thảo, hội nghị kết thúc thành công nhưng ở một chừng mực vừa phải. Lần này chúng tôi trở về nước cùng nhau chứ không đi riêng lẻ như trước. Khi bay vào địa phận Singapore vào lúc 3 giờ chiều ngày 14/4, chúng tôi không có vẻ vui mừng mà khá nghiêm trọng, phù hợp với kết quả thấp kém mà chúng tôi đạt được. Nhóm người đón tại phi trường cũng lặng lẽ, và báo chí ghi nhận việc thiếu vắng những tiếng hô “Merdeka” thường gặp trong những dịp như thế. Lim Yew Hock ra khỏi máy bay trước tiên, theo sau là những đại biểu khác, người cuối cùng trong số họ lá một “ông Lee Kuan Yew nghiêm nghị, người mà ngay lập tức bước vào một cuộc họp riêng với tiến sĩ Toh Chin Chye”, theo lời tường thuật của tờ Straits Times.
Lim tổ chức một cuộc họp báo, sau đó đoàn đại biểu đi Padang trong một đoàn ôtô hộ tống, với ông Tổng ủy viên trong một chiếc xe màu xanh lá cây dẫn đầu. Đám đông xếp hàng dọc bên đường, nhưng họ im lặng một cách kỳ lạ. Khoảng 2.000 đoàn viên các nghiệp đoàn chờ trên cầu Merdeka bắc ngang sông Kallang bật lên những tiếng la và đốt pháo, Liên hiệp nghiệp đoàn Singapore trao tặng ông Tổng ủy viên một bức ảnh lồng khung và một biểu ngữ chúc mừng bằng tiếng Hoa. Nhưng khi đoàn xe tới Tòa thị chính, nơi đám đông dày đặc hơn ở hai bên đường, thì không hề có dấu hiệu đón chào nào cả. Khi chúng tôi trèo lên một khán đài được trang hoàng sẵn, vài trăm học sinh la to “Oompah Merdeka!” trong mấy phút liền – đó không phải là nhằm ủng hộ đoàn đại biểu, mà dành cho những người bị bắt giữ trong nhà tù Changi.
Tổng ủy viên và các đại biểu khác lần lượt đọc các bài diễn văn, nhưng chẳng bài nào gây được cảm hứng. Đến lượt tôi, tôi quyết định nói bằng tiếng Malay. Tôi nói chúng ta chỉ có thể có được ba phần tư độc lập, nhưng những ai tin rằng một xứ sở nhỏ bé như Singapore có thể giành lấy độc lập toàn vẹn bằng chính sức lực của nó thì họa chăng người đó điên; con đường duy nhất đạt đến điều đó là thông qua việc hợp nhất với Malaya. Tôi đang nói chuyện với những người thân cộng, và ngay lúc đó khoảng 200 học sinh trung học người Hoa, những người đến bằng xe buýt và xe tải và diễu hành tới Padang để chiếm những vị trí ngay trước khán đài, bắt đầu hô những khẩu hiệu đòi thả Lim Chin Siong, Fong và những người thuộc tổ chức Middle Road bị bắt giữ. Thỉnh thoảng họ cũng la ó, nhưng lại ngưng ngay khi các thủ lĩnh của họ ra dấu. Điều đó chứng tỏ thế lực họ vẫn còn mạnh cho dù các lãnh đạo của họ vắng mặt.
Khi tôi vắng mặt, những nghiệp đoàn của Lim Chin Joo đã gây sức ép với Chin Chye để tôi có một quan điểm cứng rắn hơn ở London, và yêu cầu bầu cử sớm để họ có thể loại bỏ chính phủ của Lim Yew Hock và giải thoát được cho nhóm lãnh đạo đầu tiên của họ. MCP biết rằng đội ngũ thứ hai không đủ sức cáng đáng công việc, nhưng lại không muốn đưa những cán bộ bí mật có kinh nghiệm ra hoạt động công khai. Tôi sẽ không ép buộc họ, cả Chin Chye cũng vậy. Trong khi tôi ở London, những đại diện của các nghiệp đoàn thân cộng đã đương đầu với ban chấp hành trung ương của PAP trong một cuộc họp kéo dài. Cuộc đọ sức kéo dài bảy tiếng cho đến 3 giờ sáng, mọi người ngồi trên những băng ghế dài không tay dựa và lưng dựa. Họ có ba yêu cầu: không chấp nhận Hội đồng an ninh nội chính, độc lập ngay lập tức và – quan trọng hơn hết – bầu cử sớm như Lim Yew Hock đã sai lầm hứa hẹn vào tháng 8/1957. Chin Chye và Pang Boon đấu tranh đến cùng. Phe đối phương không thỏa mãn lắm. Và khi một cán bộ cánh tả mà tôi đã kết nạp vào ủy ban sau khi Lim Chin Siong bị bắt giữ lặp lại những lời than phiền của họ tại phi trường vào ngày 15/4, tôi đã sa thải y không thương tiếc.
Các nghiệp đoàn đã vắng mặt tại cuộc mít–tinh tại Padang nhằm bày tỏ sự bất mãn của họ, nhưng tôi không nao núng. Một trận chiến mới đang dần hình thành, lần này là với đội ngũ thứ hai, nhưng tôi cảm thấy họ dễ đối phó hơn. Jamit Singh đang chỉ dẫn Lim Chin Joo cách hành động hợp pháp trong khuôn khổ, nhưng tuy Jamit có giọng nói mạnh mẽ và văn phong hùng biện trước công chúng, ông ta lại không có khả năng chiến lược. Họ đang giả vờ theo Marshall. Họ biết ông ta muốn bầu cử sớm để ông ta có thể trở lại địa vị cũ và họ dự tính dùng ông ta để buộc giải tán Hội đồng lập pháp. Suốt thời gian hội nghị ở London, ông ta hăm hở chờ một cuộc chiến đấu, biết rằng lần này ông ta có những học sinh trẻ tuổi và những nghiệp đoàn thân cộng sát cánh. Ông ta khinh bỉ cái ba phần tư độc lập mà qua đó chúng tôi đã không thể giành được “độc lập và nhân phẩm”, và gọi bản hiến pháp là “cái thứ méo mó mà chúng ta đang có trước mặt”.
Rồi ông ta nói tới điều khoản chống lật đổ. “PAP rất muốn loại khỏi cánh tả của nó chính những con người mà nó làm ra vẻ thân thiết. Chúng ta hôn Devan Nair lên cả hai má và chờ Lennox–Boyd treo ngược ông ta lên!” Nhưng thật dại dột khi ông ta tiếp tục nói rằng việc ngăn cấm những kẻ mưu lật đổ là “một sự thận trọng hợp lý, thông minh và bình thường… Tại sao ta không nên ngăn cản việc ra ứng cử của một người mà người đó, theo như ba quan tòa của chúng ta nói, là một kẻ cố tìm cách phá hoại lối sống dân chủ mà chúng ta đang cố gắng xây dựng?” Điều này khó mà làm vui lòng được những người bạn mới của ông ta, nhưng ông ta không bao giờ hiểu rằng họ muốn ông ta đòi hỏi những cuộc bầu cử sớm vì điều đó sẽ cho đội ngũ thứ nhất của họ trong tù có cơ hội đắc cử, hoặc bản thân họ được ra ứng cử hoặc thông qua những người đại diện không bị giam cầm.
Khi đến lượt tôi nói, tôi vạch trần Marshall về những mỹ từ bài thực dân của ông ta, trích dẫn những lá thư ông ta gởi cho Lennox– Boyd năm 1956, trong đó ông ta đã gọi ông Bộ trưởng Ngoại giao Anh là “Alan thân mến của tôi” và ký là “Bạn chân thành của ông, David”. Ông ta là một diễn viên, nhưng không nhất quán trong vai trò mà ông ta cố đóng. Còn tôi thì đóng mãi mãi. Cả những người cộng sản cũng vậy. Tôi tuyên bố rõ rằng PAP sẽ không nhận chức nếu nó thắng trong cuộc bầu cử trừ phi những lãnh đạo bị bắt giữ được phóng thích trước. Tôi không nói điều này vì lợi ích của Lim Chin Siong và Fong. Chin Chye, Pang Boon và tôi thống nhất rằng khối người nói tiếng Hoa coi chúng tôi như những kẻ lường gạt nếu chúng tôi bỏ rơi những đồng chí cũ trong tù và nhậm chức mà không có họ. Mọi thứ trước hết phải được thanh toán sòng phẳng; chỉ đến lúc đó chúng tôi mới có thể cắt đứt với họ và có cơ hội giành lấy con tim và khối óc của quần chúng. Đó không phải là một mánh lới chính trị. Chúng tôi không có sự chọn lựa. Chúng tôi hiểu những tiêu chuẩn xã hội và giá trị của dân tộc chúng tôi và chúng tôi phải cho người khác thấy chúng tôi hành động một cách có danh dự.
Marshall tấn công tới tấp vào mọi vấn đề mà ông ta thấy có khe hở và buộc tội PAP lừa gạt mọi người tại cuộc thương thảo về hiến pháp. Sau đó, ông ta la to ngang qua bục diễn đàn với tôi: “Thưa ngài, tôi mong được trở lại với nhân dân Singapore. Tôi sẽ đến với các cử tri của ông nếu như ông quay trở lại đơn vị bầu cử của mình, và tôi sẽ thách thức ông ở đó.”
Tôi đáp lại ngay: “Chấp nhận.”
Viên chủ tịch Hội đồng lập pháp, không phải là một sinh vật chính trị, cho rằng điều này không hợp lệ. Vô tình ông ta đã giúp Marshall thoát khỏi thế kẹt. Tôi sẽ không cho phép điều đó. Khi Marshall lộ vẻ tự phụ xấc láo, tôi đoán ông ta hẳn đã được Jamit Singh và Lim Chin Joo hứa hẹn ủng hộ chống lại PAP. Nhưng chúng tôi đã quyết định khẳng định sự độc lập của chúng tôi, bảo vệ quan điểm của đảng chúng tôi và thách thức đội ngũ những lãnh đạo thứ hai của CUF, những kẻ đang hoạt động thông qua ông ta. Ông ta bị sửng sốt trước việc tôi mau lẹ chấp nhận thách thức của ông ta, một thách thức mà ông ta đã khinh xuất đưa ra mà không được họ đồng ý trước. Ông ta không biết là tôi đã nhìn thấu tính gây hấn rõ nét của ông ta.
Khi Hội đồng tạm hoãn vào lúc 4 giờ chiều, ngay lập tức tôi triệu tập một cuộc họp báo, tại đó tôi tuyên bố sẽ đưa đơn từ chức khi kết thúc cuộc họp hiện tại của Hội đồng lập pháp, và rằng tôi hy vọng cuộc bầu cử bổ sung sẽ được tổ chức trong vòng 5 tuần nữa. Tôi tiết lộ rằng, tại một cuộc họp của ban chấp hành trung ương vào chiều hôm trước, PAP đã quyết định thách thức Marshall bởi vì chúng tôi biết rõ con đường ông ta sẽ theo. Hiện ông ta đã ra tay trước chúng tôi để tạo ấn tượng, nhưng chúng tôi cũng vẫn ép buộc ông ta. “Đó là một vấn đề dứt khoát: hoặc người dân Singapore đã chuẩn bị để chấp nhận hiến pháp và từ chối điều khoản chống lật đổ, hoặc họ sẽ muốn chấp nhận điều khoản chống lật đổ và từ chối hiến pháp.” Điều thứ nhất là lập trường của chúng tôi, điều thứ hai là lập trường của Marshall, và tôi tin chắc rằng ông ta bị ghim chặt vào đó, vì tôi biết rõ đó là điều đáng ghét nhất đối với những người cộng sản.
Ngày hôm sau, 27/4, tôi tuyên bố: “Thưa ngài Chủ tịch Hội đồng, vào lúc kết thúc bản kiến nghị này khi số phiếu đã được công bố, tôi sẽ đệ đạt đơn xin từ nhiệm vai trò đại biểu của khu Tanjong Pagar. Tôi sẽ ra ứng cử trong cuộc bầu cử bổ sung tại Tanjong Pagar với tư cách là ứng cử viên của PAP.”
Chưa đầy 48 giờ đồng hồ sau đó, sau cuộc họp buổi sáng của Hội đồng lập pháp, một Marshall với khuôn mặt tái mét tuyên bố ông ta sẽ rời khỏi chính trường “mãi mãi”. Ông ta nói với các phóng viên là ông ta sẽ không ra tranh cử trong cuộc bầu cử bổ sung vì ông ta lo ngại “có thể có rắc rối nếu phải đấu tranh trên vấn đề hiến pháp của thuộc địa. Tôi không muốn chịu hậu quả của trò chơi gian lận này. Hiện đang có một sự nhất trí rằng người dân Singapore phải có hiến pháp trong hòa bình nếu họ muốn… tôi sẽ từ chức sau cuộc họp hiện nay.”
Tôi phản công: “Về phía PAP, lập trường về cuộc bầu cử bổ sung là không thay đổi. Tôi sẽ từ chức vào lúc kết thúc buổi tranh luận về hiến pháp mới hiện nay.”
Lim Chin Joo và các nghiệp đoàn sửng sốt vì tin đó. Một trong số họ phát ra một bản tuyên bố gởi đến Marshall: “Những cuộc tấn công liên tục của ông nhắm vào PAP đã gây ra một nỗi đau lớn cho ông Lee Kuan Yew, những viên chức và những người ủng hộ đảng.”
Nghiệp đoàn yêu cầu Marshall dẹp chuyện chống lại tôi trong khu vực bầu cử Tanjong Pagar, và thay vào đó là tấn công tay lãnh đạo đảng Xã hội Tự do C.C. Tan ở khu vực bầu cử Cairnhill của chính ông ta. Lim Chin Joo không hề cẩu thả. Những người cộng sản không muốn Marshall rút lui, họ cũng không muốn cả hai chúng tôi triệt hạ lẫn nhau. Ý họ muốn cả hai chúng tôi cùng nằm trong Hội đồng lập pháp, với Marshall quấy nhiễu, chọc tức và thúc ép tôi vào một vị trí thuận lợi hơn cho mục đích của họ. Với Marshall nằm bên ngoài vũ đài, họ sẽ không có cách nào tác động vào tôi; nhưng nếu tôi biến khỏi vũ đài, họ sẽ chỉ còn lại một Marshall thất thường. Ông ta đã nhận ra rằng, trong 48 tiếng đồng hồ từ việc đưa ra lời thách thức tới việc rút lui, lần này ông ta sẽ không được sự ủng hộ của phe tả. Ông ta biết rằng nếu không chiến đấu với tôi, ông ta sẽ bị bẽ mặt, nhưng nếu đứng một mình ông ta sẽ chịu một sự thất bại thê thảm. Ông ta quyết định rút lui hoàn toàn.
Việc chỉ định tham gia cuộc bầu cử bổ sung là vào ngày 18/5/1957. Hai ứng cử viên ra đối lập với tôi, một thuộc đảng Xã hội Tự do, và một độc lập. Những người phi cộng sản trong ban chấp hành trung ương của PAP đã nhất định thực hiện cuộc kiểm tra này đối với sức mạnh của chúng tôi. Chúng tôi muốn biết tự sức mình có thể thu được bao nhiêu sự ủng hộ của quần chúng ở Tanjong Pagar, mà không có những người cộng sản hoặc ngay cả chống lại họ. Khi các học sinh trung học người Hoa đề nghị vận động bỏ phiếu cho tôi, Pang Boon gạt họ ra. Các nghiệp đoàn của Lim Chin Joo quyết định làm rối vấn đề bằng việc cố thuyết phục các thành viên của họ bỏ phiếu cho tôi, nhưng Chin Chye tuyên bố rõ rằng chúng tôi không cần họ. Nếu họ muốn ủng hộ chúng tôi, đó là công việc của họ. Chúng tôi muốn chiến đấu và chiến thắng bằng chính sức mình. Và vào ngày 29/6, chúng tôi đã thắng, với 67,5% số phiếu. Chúng tôi đã bảo vệ chính sách của chúng tôi, và đã khiến nó được ủng hộ một cách chắc chắn. Tôi nói: “Chúng tôi có tỷ lệ phiếu cao hơn hồi năm 1955 vì chúng tôi đã làm mọi thứ có thể cho tất cả mọi người; giờ thì tất cả đàn ông và phụ nữ đều biết một cách chính xác chúng tôi chiến đấu vì cái gì và đa số bọn họ đã quyết định bỏ phiếu cho chúng tôi.”
Điều báo điềm gở cho Lim Yew Hock là kết quả của cuộc bầu cử bổ sung tại đơn vị Cairnhill cho cái ghế Marshall để lại. Ứng viên của Mặt trận Lao động không những đã thua chiếc ghế này về tay Đảng Xã hội tự do, mà còn thu được số phiếu thấp hơn cả ứng viên thứ ba, một cựu thành viên của Mặt trận Lao động ra tranh cử với tư cách ứng viên độc lập. Đó chẳng phải điềm báo tốt cho vị Tổng ủy viên.