Một buổi sáng Chủ nhật năm 1954, Choo đang ngồi với Loong, con trai đã 2 tuổi của chúng tôi, ngoài hàng hiên thì hai người đàn ông đến thăm. Lúc đó là khoảng nửa tháng sau khi tôi ngỏ ý với một số học sinh trường Hoa rằng tôi muốn gặp một số lãnh đạo các nghiệp đoàn người Hoa. Tôi ra phòng khách để tiếp họ. Họ bảo họ thuộc Nghiệp đoàn công nhân xe khách Singapore. Họ ăn nói nhỏ nhẹ và hiểu được tiếng Anh chút ít, nhưng vẫn mang theo Robert Soon Loh Boon làm thông ngôn. Tên của họ là Lim Chin Siong và Fong Swee Suan. Tôi đã được tiếp xúc với một số tay hoạt động trong giới lao động người Hoa và rất hào hứng với viễn cảnh tìm hiểu được bọn họ để chiêu mộ một số người cùng chia sẻ lý tưởng về một xứ Malaya dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Lim và Fong có vẻ đúng loại người tôi cần: cung cách nhiệt tình, chân thành, ăn mặc đơn giản. Fong ăn mặc còn đến mức xập xệ nữa. Nhưng sự kiên trì và tận tụy hiện rõ trên nét mặt và trong từng cử chỉ của họ.
Họ khác biệt rõ rệt với những nhân vật nông cạn mà tôi cùng các đồng sự đã gặp trước đó tại căn hộ của David Marshall, khi ông này với Lim Yew Hock của đảng Lao động bàn bạc chuyện thành lập một tổ chức chính trị mà sau này sẽ trở thành Mặt trận Lao động. Đó là một phần của việc thăm dò của chúng tôi: chúng tôi muốn xác định họ có khả năng gì. Nhưng chúng tôi thấy khó mà đánh giá Marshall cao được. Là một người Do Thái hoạt bát, hồi đó ông ta đã là luật sư hình sự hàng đầu ở Singapore, nhưng khi ông ta đưa ra một đề nghị mà ông coi như rất triển vọng thì chúng tôi thường khó nín cười được. Ông ta rất ngây thơ và không hiểu lắm về chính trị. Chúng tôi hiểu ông là người hay tự ái, thích đóng vai quan trọng và không kiểm soát được. Có lần, ông rất bực bội khi chúng tôi phá ra cười không đúng lúc trước mặt ông khiến ông hầm hầm bỏ ra khỏi phòng rồi ra khỏi nhà luôn. Thế là chỉ còn lại chúng tôi với các bạn bè cùng đủ thứ đồ ăn thức uống. Chúng tôi ăn uống, nói chuyện vui, cảm ơn bà gia nhân rồi ra về. Sau lần gặp gỡ thứ ba, chúng tôi xác định rằng liên kết với những người này chỉ thêm tai hại. Điều mà chúng tôi tìm kiếm là những người có đầu óc nghiêm túc, sẵn sàng cho những sự nghiệp lâu dài, những người có thể bình thản trước những thăng trầm chính trị trong khi theo đuổi những mục tiêu của mình.
Lim Chin Siong và Fong Swee Suan đúng là mẫu đối ngược với Marshall và các bạn ông ta, và tôi hài lòng với những ghi nhận này. Họ chính là lớp người Hán học tương đương với những chàng trai làm tờ Fajar từng bị truy tố vì tội âm mưu lật đổ, nhưng kiên định và cần cù hơn, lại ít vị kỷ hơn, đúng là loại đầu lĩnh mà chúng tôi đang tìm kiếm. Tôi tràn đầy hy vọng sẽ lôi cuốn được những người như thế.
Tôi giải thích với họ về các kế hoạch của chúng tôi nhằm thành lập một đảng đại diện cho giới công nhân và những người bị mất quyền lợi, nhất là giới Hán học, không chỉ nhằm chiến thắng trong kỳ tranh cử tới, mà còn giành được một số ghế đáng kể để tố cáo sự ung thối của chế độ và các chính đảng hiện nay và củng cố lực lượng cho chặng đấu tranh kế tiếp. Họ không có cam kết gì cả, nhưng với kinh nghiệm sau dịp tiếp xúc với các học sinh người Hoa, tôi cũng không ngạc nhiên. Tôi hiểu rằng trước khi đi đến một quyết định quan trọng nào, họ sẽ phải báo cáo lại và trình bày những đánh giá của họ, rồi ở cấp trên nào đó sẽ có thảo luận cặn kẽ và sau cùng thông báo cho họ về chủ trương của MCP. Hai tuần sau, họ trở lại cùng một thông ngôn khác. Phải, họ đã sẵn sàng tham gia với chúng tôi, không phải để mưu cầu quyền lực mà để tố cáo chế độ thuộc địa, sự bất cập trong dự thảo hiến pháp Rendel, và để tấn công những đảng phái sẽ nắm quyền.
Chúng tôi dự định sẽ ra mắt đảng Hành động Nhân dân (People’s Action Party – PAP) trong một buổi hội ngày 21/11/1954, và tôi muốn họ làm người triệu tập dân chúng. Họ thì thầm với nhau rồi bảo rằng họ phải bàn bạc trước đã. Lần kế trở lại, họ nói Fong, vốn là thư ký Nghiệp đoàn công nhân xe khách Singapore, sẽ làm người triệu tập, nhưng Lim Chin Siong trong lúc này sẽ tạm đứng ngoài. Tôi không biết lý do của họ, nhưng tôi cho rằng vì trong hai người thì Fong có thể hy sinh được, đồng thời ít gặp nguy cơ về an ninh hơn, do Sở đặc vụ chưa có hồ sơ gì nhiều về ông ta một khi tên ông ta xuất hiện trên báo chí.
Nhưng tôi vẫn hài lòng. Có Fong tham gia, tôi thấy đảng của mình sẽ có cơ sở rộng rãi hợp lý trong giới công nhân. Chúng tôi có những người Anh học, những công nhân và nhân viên người Malay, và bây giờ lại có các bang hội và giới lao động người Hoa nữa. Chúng tôi không muốn có các học sinh trung học người Hoa tham gia, dù theo bất cứ cách nào. Mọi chính đảng tại xứ Singapore nhiều tầng lớp này đều phải cân đối, đừng quá nghiêng về một tầng lớp nào để khỏi gây nghi kị hay chống đối ở các tầng lớp khác, và vì lý do đó nó sẽ không có được lợi thế. Nó sẽ gặp nghi kị từ phía những người Anh học hay Malay học, vốn chiếm tới 40% dân số.
Tháng 10, chúng tôi công bố thành lập đảng, và vào tháng 11, tuyên bố bước vào một cuộc đấu tranh cho “nền luật pháp đa ngôn ngữ được dịch ra nhiều thứ tiếng bởi vì không có đại diện dân cử nào biết khối dân nói tiếng Hoa suy nghĩ và cảm nhận gì, và điều đó khó có thể được coi là một tình hình lành mạnh”. Điều này khiến các chính đảng khác cũng phải tuyên bố tương tự.
Để cân đối với xu hướng cấp tiến và khuynh tả của một số tay triệu tập quần chúng, tôi thuyết phục Tunku Abdul Rahman, lúc đó là lãnh tụ của UMNO và là thành viên Hội đồng hành pháp Malaya, cùng ngài Cheng Lock Tan, Chủ tịch Hội người Malay gốc Hoa (Malaya Chinese Association – MCA) phát biểu tại lễ ra mắt. Tôi đã gặp ông Tan trong vài buổi dạ tiệc, còn Tunku thì đã tham khảo ý kiến của tôi khi ông ta muốn kiện một tờ báo tại Singapore về tội phỉ báng. Tôi đã mời ông ta cùng các lãnh tụ UMNO khác dùng bữa tối tại nhà tôi. Như thế, tôi có được hai lãnh tụ uy tín người Malay tham dự đại hội ra mắt PAP thông qua những liên hệ cá nhân giữa họ và tôi, và có lẽ cũng vì họ nghĩ rằng tôi có thể trở thành đồng minh hữu dụng trong tương lai. Tuy nhiên, nếu Tunku không muốn tôi tham gia chính trường của Liên bang thì Tan lại muốn như thế. Sự khác biệt rất cơ bản này giữa hai người đã phản ảnh những mâu thuẫn sâu xa về quyền lợi tranh cử của họ. Tunku muốn phân rẽ người Hoa thành từng nhóm, rời rạc, thiếu tổ chức và dễ cho người Malay đối phó. Tan lại muốn có những thanh niên có thể tập hợp cộng đồng người Hoa lại, và MCA rất muốn đưa Singapore vào Liên bang để tăng khối cử tri ủng hộ họ.
Chúng tôi bắt đầu đại hội lúc 10 giờ sáng ngày 21/11 tại Victoria Memorial Hall và chỉ kéo dài được đến 1 giờ vì có một buổi hòa nhạc đã đăng ký ở hội trường ấy vào buổi chiều. Mọi người đến kín hội trường nhưng không quá sức chứa của nó. Ai cũng có chỗ ngồi. Tờ Singapore Standard tường thuật có khoảng 1.500 người có mặt, còn theo tờ Straits Times thì chỉ có 800. Những người ủng hộ chúng tôi từ các nghiệp đoàn chiếm chừng hai phần ba số ghế, số còn lại là của những quan sát viên từ những đảng khác và những người có quan tâm. Chúng tôi đọc những bài diễn văn soạn trước, không có hùng biện gì ở đây. Chúng tôi mặc sơ mi, không cà vạt. Cheng Lock Tan mặc đồ lớn còn Tunku mặc lễ phục Malay – áo cài kín cổ, quần rộng, quấn sarong.
Đó là một đại hội tốt đẹp nhưng không sôi nổi. Chúng tôi đã chính thức ra mắt đảng của mình, được báo chí tường thuật đúng mực, tự giới thiệu mình với dân chúng, và được đánh giá cao. Không có những màn hùng biện đao to búa lớn, không có tiết mục thả bong bóng hay phóng sinh chim. Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng cho ngày tuyên bố ứng cử vào 28/2 và ngày bầu cử vào 2/4. Sau nhiều thảo luận, chúng tôi đã quyết định đưa ra năm ứng cử viên: Lim Chin Siong ở đơn vị Bukit Timah; Devan Nair ở Farrer Park (tôi không ủng hộ lắm nhưng xem như một nhượng bộ đối với cánh tả); ở Pubggol – Tampines là Goh Chew Chua (một thầu khoán 60 tuổi, bạn của Kenny, sống và rất có uy tín ở đấy); và tôi ở Tanjong Pagar. Fong Swee Suan không thể ra tranh cử vì ông ta sinh ra ở Johor, nhưng chúng tôi đưa Amad Ibrahim ra như một ứng cử viên độc lập ở Sembawang, nơi mà lực lượng quyết định sẽ là các công nhân trong căn cứ hải quân. Chúng tôi tin rằng ông ta sẽ thu hút được sự ủng hộ của các công nhân người Malay và người Ấn tại căn cứ hải quân nếu họ không nghĩ ông ta là người của PAP, tức là không quá cấp tiến.
Tổ chức của PAP còn yếu, hầu như là không hề có tổ chức: không có cán bộ ăn lương, không chi nhánh hay các đầu lĩnh quần chúng.
Trong việc vận động và giúp đỡ tập hợp bầu cử, chúng tôi có thể trông vào các nghiệp đoàn và học sinh trung học người Hoa. Nhưng một khi chiến dịch tranh cử bắt đầu, các ứng cử viên của chúng tôi mạnh ai nấy vận động, trừ những khi có các diễn giả nổi tiếng như tôi đi một vòng cả năm đơn vị bầu cử để nói chuyện trong những buổi hội cử tri.
Vào ngày tuyên bố ứng cử, hai đối thủ của tôi tại đơn vị Tanjong Pagar – một người Anh học và một người Hán học – phản đối việc tranh cử của tôi với lý do tôi đã không sống tại Singapore suốt bảy trong số mười năm qua theo như quy định của Hội đồng tư vấn của Nữ hoàng tại London đối với những cuộc bầu cử theo Hiến pháp mới của Rendel. Nhưng có vẻ như quy định này không khả thi vì Singapore cũng mới là một thuộc địa riêng biệt được 8 năm 11 tháng – trước tháng 4/1946, nó còn là một phần của Các thuộc địa vùng eo biển. Một số người Anh cũng viết thư cho tờ Straits Times, đe dọa sẽ đấu tranh đòi bãi nhiệm tôi nếu tôi đắc cử, nhưng viên chức phụ trách bầu cử chấp thuận cho tôi ứng cử và khuyên các đối thủ rằng việc phản đối trên cơ sở lưu trú chỉ có thể thực hiện qua một kiến nghị nếu tôi đã đắc cử.
Sau khi nghe tin về tôi, Keng Swee, lúc đó đã trở qua London, đã nói lại với Stanley Awbery, dân biểu thuộc đảng Lao động, và Awbery đã đặt vấn đề này trước Hạ viện. Tháng 3, Henry Hopkinson, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề thuộc địa phúc đáp rằng:
“Các sinh viên Malay ở tại Anh trong thời gian chuẩn bị cho những cuộc bầu cử cấp liên bang sẽ xảy ra khi họ về nước, nếu không bị tước quyền dân sự vì lý do nào đó, thì vẫn được đăng vào danh sách cử tri nếu trong thời gian vắng mặt họ vẫn coi Liên bang Malaya là quê xứ của họ. Đương nhiên họ cũng được phép ra làm ứng cử viên.”
Tuy ông ta chỉ đề cập tới sinh viên Malaya, nhưng những người chống đối tôi vẫn quyết định gác lại vấn đề đó. Họ biết London nếu cần thiết sẽ sử dụng tính hồi tố để điều chỉnh vấn đề hơn là để xảy ra tranh cãi quanh một quy định đã rõ ràng là vô lý. Như tôi đã nêu ra vào thời điểm đó, rằng John Ede, sinh ra và lớn lên tại Anh, vẫn có thể đủ tiêu chuẩn làm dân biểu vì ông đã lưu trú ở Singapore được bảy năm. Nếu tôi, sinh ra và lớn lên tại Singapore, và sống suốt đời ở đây trừ bốn năm tại Anh, mà không đủ tiêu chuẩn thì trái đất này chắc vuông chứ không phải tròn nữa. Nhưng đó mới chỉ là rào cản thứ nhất của tôi. Tôi còn gặp những rắc rối khác khi báo chí tường thuật rằng Lam Tian, đối thủ người Hoa thuộc đảng Dân chủ, nói rằng tôi không biết đọc biết viết tiếng Hoa, và do đó không đủ sức đại diện cho cử tri người Hoa. Tôi thẳng thắn bẻ lại: “Tương tự, vì Lam Tian không đọc và viết được tiếng Tamil và tiếng Malay, nên ông ta không thể đại diện cho khối người Ấn và người Malay thuộc đơn vị bầu cử Tanjong Pagar.” Tôi đã xác định liều rằng mình có thế đọc, viết và nói tiếng Quan thoại, Hakka và Hokkien, và tôi cũng có thể nói tiếng Malay nữa. Đó là một đòn liều trong tranh cử. Một số phóng viên người Hoa đã khuyên tôi rằng không nên thừa nhận mình không nắm được tiếng mẹ đẻ. Tôi nhớ lại và lấy làm tiếc rằng đã không quan tâm tới ước muốn của bà ngoại là muốn tôi học chương trình tiếng Hoa ở trường Choon Guan. Bây giờ tôi phải phóng đại khả năng ngôn ngữ của mình. Tôi đã quên gần hết và chỉ có thể viết vài chữ vì đã không dùng tới tiếng Hoa nữa từ khi thôi làm cho Công ty Shimoda vào năm 1943. Thứ tiếng Hakka và Hokkien của tôi nghe thật tội nghiệp, thậm chí là chẳng đáng kể. Tôi tự hứa sẽ bù đắp thiếu sót này.
Lam Tian thách tôi tranh luận trong một buổi hội ngoài trời tại Kreta Ayer, một khu nói tiếng Quảng Châu thuộc Tanjong Pagar. Tôi từ chối và phản kích bằng cách tuyên bố rằng để làm được việc trong Hội đồng lập pháp và trong chính quyền, một ứng viên phải giỏi tiếng Anh, và do đó tôi sẽ là đại biểu đắc lực hơn ông ta. Nhưng tôi cũng đã cố hết sức để nói được vài câu bằng tiếng Quan thoại trong cuộc họp với cử tri lớn nhất của tôi tại phố Banda, cũng là một khu gốc Quảng Châu. Một phóng viên quen biết của tờ Sin Pao tên là JekYeun Thong soạn cho tôi hai đoạn văn và bỏ vài tiếng để luyện cho tôi đọc bài diễn văn chỉ tốn ba phút này. Nhưng đám đông ủng hộ tôi và họ hoan hô tôi vì nỗ lực đó.
Các vấn đề của tôi đến đây chưa phải là hết. Các nghiệp đoàn người Hoa khuynh tả và học sinh trường tiếng Hoa tập trung nỗ lực để hỗ trợ Lim Chin Siong ở Bukit Timah và Devan Nair ở Farrer Park. Họ chẳng làm gì cho tôi và các ứng viên khác của PAP. Sau vụ này thì tôi hiểu rõ rằng họ đã nhận mệnh lệnh của ai. Chúng tôi chỉ là một mặt trận nhiều thuận tiện. Họ muốn đưa hai người của họ vào cơ quan dân cử, và tôi chỉ hữu dụng ở vai trò bình phong cho họ. Tôi không bao giờ quên được điều đó. Tôi đã phải nói chuyện trước cử tri một lần cho Lim và một lần cho Nair, nhưng tôi chẳng để chút tâm trí nào vào đó cả. Tôi dồn chú ý vào Sembawang với Ahmad Ibrahim, một tay hoạt động nghiệp đoàn ở căn cứ hải quân, và tại Punggol Tampines với Goh Chew Chua, ông này hóa ra là một diễn giả giỏi nói tiếng Hokkien và rất hùng biện.
Cuộc vận động lần này không hề giống hồi năm 1951 khi tôi làm trợ lý tranh cử cho Laycock ở Katong. Hồi đó, nó là một công việc nhẹ nhàng với những tiệc trà tiệc mặn trong một khối cử tri giới hạn độ 48.000 người so với dân số tới 1,8 triệu. Năm 1955, với việc tự động đăng ký những người sinh ra ở Singapore, số cử tri tăng thêm 300.000 người và 60% trong bọn họ là khối nói tiếng Hoa. Hơn nữa, phái khuynh tả đã quyết định tham gia cuộc đua này lần đầu tiên kể từ khi tình trạng khẩn cấp được ban hành. Tình hình đã hoàn toàn đổi khác: ngôn ngữ chính là các phương ngữ tiếng Hoa, tiếng Malay bình dân, hai nhóm này dễ dàng tiếp cận với phần lớn dân chúng, rồi sau cùng mới tới tiếng Anh, thứ có thể tiếp cận được tầng lớp nhỏ nhất – tầng lớp trên cùng của xã hội Singapore gần gũi nhất với bộ máy quyền lực nhưng không đáng kể về sức mạnh trong bầu cử. Những buổi họp ngoài trời với cử tri thường có diễn giả đứng trên nóc xe hơi hay xe tải với loa phóng thanh và đèn điện soi sáng. Chúng lôi cuốn nhiều dân chúng ở những nơi cử tri nói tiếng Hoa và tiếng Malay là chủ yếu. Kiểu chơi chính trị sang trọng trong những đại sảnh chỉ còn là chuyện trong quá khứ.
Qua cuộc vận động này, tôi thu được một kinh nghiệm quý báu. Tanjong Pagar là khu bến cảng, nơi của những công nhân cảng, những phu kéo xe, các chủ tiệm và những ổ hút thuốc phiện. Tối đến, những nơi như khu cư xá cho công nhân ăn lương công nhật người Malay trên phố Reclamation, với những căn nhà gỗ không có hệ thống cống rãnh. Mùi xú uế nồng nặc khiến tôi phát gớm mỗi khi tới đấy. Nhưng chính tại đó, các thủ lĩnh đã duy trì được một mạng lưới nối kết người Malay thành một cộng đồng chặt chẽ. Tôi được giới thiệu với những thủ lĩnh UMNO địa phương và hầu như lập tức họ cho tôi gặp những nhân vật chủ yếu trong số vài trăm gia đình sống tại đó. Họ hứa sẽ dồn phiếu cho tôi.
Một khung cảnh bẩn thỉu và mục nát nữa là ở đường Narcis với những dãy cửa tiệm tồi tàn lụp xụp và cả những con đường dẫn về khu ấy ở phía mà ngày nay là Thương xá Tanjong Pagar. Những khu ấy không được tu sửa gì nhiều năm rồi, các cống rãnh bị nghẹt vì rác của những người bán rong bỏ lại nên lúc nào cũng bốc lên mùi thức ăn thối rữa. Những con chuột to tướng thản nhiên ra vào trong những đường cống ấy chẳng sợ gì ai. Tôi lại thấy lợm giọng, về đến nhà, chỉ rửa tay thôi coi bộ cũng chưa ổn. Trước khi ngồi vào bàn ăn, tôi phải tắm và thay tất cả quần áo.
Đề tài lớn duy nhất kích động được người Hoa là chuyện nền văn hóa Trung Quốc và nhu cầu phải giữ gìn các truyền thống thông qua các trường dạy tiếng Hoa. Đó không phải là một vấn đề vô sản, mà chỉ là lòng tự hào nước lớn đơn giản và rõ rệt. Nhưng các chuyên viên kích động hiểu đó là cái lôi cuốn đám đông và đánh trúng tình cảm sâu xa của người Hoa và họ đã tận tình khai thác điều đó. Trong những lần bầu cử Hội đồng Lập pháp trước đó, những bài diễn văn thường buồn tẻ, yếu ớt và thiếu tâm huyết. Chúng được viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Malay và đọc lên một cách chẳng chút cảm xúc hay tình cảm gì cả, và họa hoằn lắm chúng mới được dịch sang một thứ tiếng Hoa nào đó. Nhưng lần này thì các diễn giả bằng tiếng Hoa thắng lợi. Nói bằng thứ tiếng của họ – Hokkien, Quảng Đông hay Tiều Châu – họ lôi cuốn đám đông một cách xuất sắc. Họ tăng tính hùng biện, trích cách ngôn, dùng ẩn dụ, biểu tượng hay điển cố để miêu tả những tình huống hiện đại. Họ nói chuyện với vẻ say mê khiến đám đông tràn đầy xúc cảm và kích động với viễn cảnh về sự vĩ đại của người Hoa bày ra trước mắt họ. Với người Hoa ở Singapore, điều đó lúc nào cũng hào hứng và mới mẻ.
Trong kỳ bầu cử này đã xuất hiện một diễn giả rất lôi cuốn. Đó là Lim Chin Siong, một người còn trẻ, gầy, tầm thước, có khuôn mặt hơi trẻ thơ nhưng giọng nói lại vang rền tuôn tràn rất mạnh mẽ khi anh nói bằng tiếng Hokkien mẹ đẻ của mình. Các cô gái, nhất là nữ công nhân trong các nghiệp đoàn, ngưỡng mộ anh ta. Ngoài chủ đề về văn hóa Trung Quốc, anh ta còn nói đến những công nhân bị chà đạp, bọn đế quốc xấu xa, các quy định của Tình trạng khẩn cấp đã tước đi quyền lợi của quần chúng, như tự do ngôn luận và tự do lập hội. Một khi qua được buổi đầu e dè ở hai cuộc mít–tinh đầu tiên, anh ta luôn được hoan hô dữ dội mỗi khi phát biểu. Đến cuối giai đoạn vận động tranh cử, Lim được coi như một khuôn mặt nổi bật và là nhân vật đáng quan tâm trong sinh hoạt chính trị Singapore và gần gũi hơn là trong nội bộ đảng PAP.
Fong Swee Suan cũng nói chuyện trong những buổi mít–tinh ấy nhưng không có được sức hấp dẫn như Lim. Ông ta gặp một bất lợi. Ông ta phải nói bằng tiếng Hokkien vì dân Hokkien chiếm đa số trong cộng đồng người Hoa ở Singapore, nên những bang hội khác cũng hiểu và sử dụng thứ tiếng ấy, mà Fong lại là người Hakka, giống như tôi. Tiếng Quan thoại chỉ thông dụng trong số những người dưới 35 tuổi từng đi học trường tiếng Hoa ở đây. Tôi đã tích cực học tiếng Hokkien, nhưng sau những buổi mít–tinh ấy, tôi hiểu ra rằng cho dù tôi cố sử dụng được nó thì cũng không đủ được. Nên tôi vẫn ngần ngại với ý định học tiếng Hokkien. Thứ ngôn ngữ khác có thể đến được với rộng rãi quần chúng là tiếng Malay bình dân. Đó là thứ tiếng lai tạp không có văn phạm gì nhiều nhưng rất dễ hiểu với mọi người, và là phương tiện giao tiếp duy nhất với người Malay và người Ấn. Tuy nhiên, vì quá đơn sơ nên khó mà dùng nó lôi cuốn đám đông. Không có chút biện pháp tu từ nào với thứ tiếng ấy.
Trong chiến dịch này, lòng tận tụy cá nhân đã trở nên quan trọng làm sao. Những người xung phong tới giúp đỡ hoàn toàn là do họ nghĩ tốt về tôi và muốn tôi thắng cử. Dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh nghiệp đoàn, khoảng 20 nhân viên bưu điện thay phiên trực suốt mấy ngày trước nhà tôi trên đường Oxley (nhà tôi đã trở thành bản doanh tranh cử cho bốn ứng viên của đảng PAP) để phân phối tuyên ngôn tranh cử của tôi cho cử tri. Các bưu tá cũng đi khắp khu Tanjong Pagar vận động giùm tôi và phân phát tập tuyên ngôn tranh cử của tôi tới từng nhà. Những nhóm như Hiệp hội tiểu thương và bán rong cũng giúp chúng tôi. Một số người trong bọn họ chuyên bán gà vịt sống tại chợ đã bị phạt vi cảnh vì chất quá nhiều gà vịt vào những giỏ đeo tiên xe đạp của họ vào dịp Tết âm lịch, và tôi đã nhẹ nhàng gỡ tội cho họ bằng cách kêu gọi quan tòa thông cảm vì xét cho cùng, Tết âm lịch là lễ hội lớn nhất trong năm của họ.
Nhưng các tổ chức nhiệt tình nhất là bang Hakka và các hiệp hội thành viên của họ. Những người hoàn toàn không quen tôi đã tới căn nhà trên đường Oxley để tiếp sức làm các công việc gì đó. Họ là những người gốc ở huyện Dapu với ông cố của tôi và họ chẳng đòi hỏi gì ngoài việc được góp phần vào với vinh quang của tôi. Chong Mong Sang, chủ tịch Hiệp hội người Hakka tại Singapore, đã huy động mọi nguồn lực trong bang hội và tìm cho tôi những xe hơi. Ông ta sở hữu một loạt các tiệm cầm đồ rất phát đạt ở Malaya và Singapore (người Hakka có rất nhiều tiệm cầm đồ) và cũng là láng giềng của tôi ở Oxley. Tôi là cố vấn pháp lý danh dự của bang hội này, và như một tập thể nhỏ đoàn kết chặt chẽ, những người Hakka đã nhiệt tình ủng hộ tôi. Hiệp hội Hoa kiều Singapore bán rượu lẻ cho phép tôi sử dụng những cơ sở của họ trên phố Bernam để làm trụ sở thứ nhì vận động tranh cử. Rất nhiều người đã tới đó, không để lại tên tuổi, để đóng góp tiền bạc cho ngân quỹ, có người lại cho rất nhiều vải trắng để làm biểu ngữ. Họ không hề đòi hỏi điều gì. Mà tôi cũng không có phần thưởng hay ơn huệ gì cho họ. Ngược lại, trong số những người khuynh tả Anh học, chỉ có hai học sinh của tờ Fajar tới để tiếp tay phân phối các tuyên ngôn tranh cử.
Một trong những vấn đề hậu cần quan trọng của chúng tôi là kiếm phương tiện để chở cử tri tới địa điểm đầu phiếu, để khiến họ cảm thấy có nghĩa vụ bỏ phiếu cho ứng viên của chúng tôi. Cách làm này, do người Anh du nhập, rất thuận lợi cho các đảng giàu có với nhiều ủng hộ viên sẵn xe hơi. Tôi đã dựa vào rất nhiều quan hệ cá nhân – các anh chị em, cô dì, hàng xóm người Hakka, những bạn bè như Hon Sui Sen và người em của anh ta. Tôi giao cho Dennis phụ trách việc xe cộ chuyên chở trong ngày bầu cử. Đó không phải là một công việc hấp dẫn. Nó đầu tiên phải thiết lập trật tự và một hệ thống nào đó từ một lô hỗn độn đủ thứ xe cộ từ khắp Singapore tụ về đường Oxley, rồi chạy tới trụ sở ở đường Bernam, lái lòng vòng trong khu Tanjong Pagar đưa đón các cử tri theo sự điều hành của các chuyên viên vận động. Dennis cũng thuyết phục một số trạm xăng cung cấp xăng theo giấy có chữ ký của nó hoặc của thư ký trợ lý của tôi ở Công ty Laycock & Ong, vì các bạn bè tôi đã cho mượn xe với xăng đầy bình nên khi trả chúng tôi cũng phải đổ đầy bình, quỹ tranh cử sau đó sẽ thanh toán khoản nhiên liệu này.
Nhưng tất cả những điều này không chỉ làm vì tôi. Các chuyên viên bầu cử của Lim Chin Siong và Devan Nair cũng yêu cầu tôi cung cấp xe – một tay rất khó chịu tên là Kam Siew Yee thuộc Liên đoàn giáo chức cứ nhất định đòi tôi phải cung cấp 30 xe cho riêng Nair. Ngày 21/4, khoảng ba tuần sau ngày bầu cử, Choo viết thư cho Keng Swee ở Anh, thư này bị Ban đặc vụ chặn lại và do đó còn lưu trong hồ sơ của họ. Thư này nêu rõ các liên đoàn và học sinh người Hoa thực sự đã vận động cho ai qua lối cư xử thiên vị trong việc vận động phiếu và xe cộ.
“Những người giúp đỡ, vận động, phát ngôn cho Harry là những công nhân thẳng thắn đến hết mực như những bưu tá, thư ký, nhân viên bán hàng, một người chủ cửa hiệu thực phẩm ở Phố Tàu, chủ tịch Liên đoàn các chủ nhà in, vân vân. Cho đến tuần cuối cùng có khoảng 20 cô cậu đến giúp vận động bỏ phiếu trong khoảng từ 2 đến 5 giờ chiều khi người lớn còn phải đi làm chưa về, nên việc vận động của họ không hiệu quả gì lắm và anh có thể so sánh với cảnh hàng trăm cậu trai quần nát Công viên Farrer suốt một tháng trời. Vào ngày bầu cử, lại có thêm một số cậu trai tới giúp ở Tanjong Pagar – lôi kéo mọi người đi bầu. Nhưng nếu như anh từng nghi ngại chuyện các cậu trai này có đến với mình không thì kỳ bầu cử này sẽ xoá tan những nghi ngại đó.
…Vào buổi sáng ngày bầu cử, Devan đã sai lầm khi phái Kam tới số 38 đường Oxley để lấy đi những xe dành cho khu Farrer. Ban phụ trách chuyên chở của chúng tôi đã tốn nhiều ngày giờ để tìm ra xe cộ (trong số cả trăm chiếc cho Harry mượn) dùng cho khu Bukit Timah và Farrer, vì đa số chủ xe vui lòng cho cá nhân Lee Kwan Yew, chứ không phải cho PAP mượn và phản đối dữ dội chuyện cho xe đi tới nơi nào khác ngoài Tanjong Pagar. Nên xe cộ được phân chia cẩn thận – xe nào được chủ đồng ý mới được điều đi xa. Khi những xe dành cho khu Farrer tập trung trễ, Kam, tay tồi tệ, đã trơ tráo gây chuyện và đòi phải có xe cho y. Y nghĩ y là cỡ nhân vật nào vậy.”
Ngày bỏ phiếu, 2/4/1955: tôi đạt 6.029 phiếu so với 908 và 780 của hai đối thủ, cả hai đã mất đi lớp người ủng hộ họ. Tồi thắng cử với số phiếu vượt trội bất kỳ ứng viên nào khác. Lim Chin Siong, Ahmad Ibrahim và Goh Chew Chua cũng được bầu, và tôi thấy rất nhẹ nhõm, vì không có Nair, Lim sẽ khó có thể hoạt động hữu hiệu trong một hội đồng lập pháp chủ yếu sử dụng tiếng Anh vì ông ta không lưu loát thứ tiếng này lắm, và Nair là chỗ dựa cho ông ta. Bây giờ thì ông ta phải nhờ cậy vào tôi.
Chấn động lớn trong kỳ bầu cử này là sự thất bại của Đảng Tiến bộ (Progressive Party) vốn được dự báo là sẽ chiếm đa số trong hội đồng. Mặt trận Lao động (Labor Front) chiếm được 10 trong số 17 ghế mà họ ứng cử, và David Marshall cũng rất ngạc nhiên khi được cử làm Tổng ủy viên. Đảng PAP ứng cử bốn và thắng ba, các đảng nhỏ và các ứng viên độc lập chia nhau tám ghế còn lại. Nhưng đảng Tiến bộ chỉ giành được bốn ghế trong khi họ ứng cử tới 22 người, tỷ lệ này ở Đảng Dân chủ là 2/20, tuy rằng hai đảng ấy có nguồn tài chính và nhân sự sung mãn nhất. Điều gì đã xảy ra?
Đảng Tiến bộ được thành lập mãi từ năm 1947, nhưng chỉ gồm một nhóm giới hạn những trí thức Anh học và những người Anh như John Laycock. Nhưng Laycock, cũng như nhiều người khác, bị chìm trong khu vực bầu cử của mình vốn toàn những người Hán học – những người Hoa học trường Hoa.
Đảng Dân chủ thì mới được thành lập vào tháng 3/1955, sau khi Phòng thương mại Hoa kiều nhận ra rằng việc tự động lập danh sách cử tri theo Hiến pháp Rendel sẽ khiến người nói tiếng Hoa có quyền bầu cử tăng vọt. Nói chung, cả hai đảng đều đại diện cho giới trung lưu hoặc trung lưu lớp trên, nhưng trong khi đảng này là bộ phận của chế độ thuộc địa Anh thì đảng kia nằm ngoài vòng quyền lực đó. Thành viên của đảng sau gồm những người Hoa sung túc, làm nghề xuất nhập khẩu, buôn bán lẻ, thương gia, chủ ngân hàng hay chủ đồn điền cao su hoặc mỏ thiếc. Họ là thủ lĩnh các phường hội kiểu xưa của người Hoa: họ phụ trách các trường tiếng Hoa, lo việc tài chính và điều hành thông qua các ban giám hiệu; họ cũng tài trợ và chỉ đạo các bệnh viện của bang hội và các tổ chức phúc lợi khác. Họ xem kỳ bầu cử như một cơ hội để nắm lấy đòn bẩy quyền lực giúp họ khuếch trương việc kinh doanh của mình. Họ còn tin tưởng rằng họ có thể nạp nguồn sinh lực của các học sinh người Hoa vào đảng của họ vì đó là con em của họ và chúng ủng hộ họ trong việc bảo vệ nền giáo dục tiếng Hoa.
Hố ngăn cách văn hóa giữa hai đảng này như vậy là quá sâu không thể san bằng. Tại nhiều đơn vị bầu cử, họ đã chia sẻ số phiếu dành cho cánh hữu: dân tiếng Anh và Malay thì bầu cho Đảng Tiến bộ, còn khối người Hoa bầu cho Đảng Dân chủ. Nếu hợp tác, họ có thể chiếm tới một nửa của 160.000 phiếu bầu (tăng bảy lần so với kỳ bầu cử năm 1951.)
Một khi biết mình thất bại, họ lặng lẽ lui khỏi trung tâm kiểm phiếu ở đại sảnh Victoria Memorial. Họ không hiểu rằng khi thất bại, người ta cần phải kiên cường để giữ vững tinh thần những người ủng hộ, để sống còn và tiếp tục chiến đấu. Những người cánh tả hiểu rõ điều này và chúng tôi, những người còn lại trong PAP, đã mau chóng học được điều đó ở họ. Nhưng hai đảng kia thì hoàn toàn mất tinh thần sau chiến dịch tranh cử thắng lợi của chúng tôi, tạo ra một âm vang mới trong sinh hoạt chính trị. Chúng tôi đã tấn công Đảng Tiến bộ như thành phần tay sai của chính quyền thuộc địa và Đảng Dân chủ như giới tư sản bóc lột dân chúng. Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu của chúng tôi chính là giới cầm quyền da trắng. Tôi đã viết về họ trong tuyên ngôn tranh cử của tôi: “Chế độ thuộc địa Anh tại Malaya là nguyên nhân căn bản của rất nhiều rối loạn kinh tế và xã hội của đất nước này.”
Marshall, rnột người non nớt về chính trị, đã phê phán PAP về việc đã đi quá xa trong việc đòi hỏi một nền tự trị ngay lập tức. “Họ có vẻ đã tập trung vào việc kích động và tấn công người Anh. Sự công khai Của họ mang vẻ bài Anh một cách không cần thiết.” Đây có thể là cảm giác của khối trung lưu nói tiếng Anh. Nó khác hẳn với đám đông nói tiếng Hoa.
Quảng trường Phoenix, trụ sở của Toàn quyền Anh, cũng có đánh giá riêng của họ về cuộc bầu cử. Họ trích một số câu trong bài diễn văn của tôi tại một buổi vận động tranh cử:
“Như tôi nhận xét, ngoài những người trên 40, tất cả người Hoa đều tự hào về những thành công của chính quyền Mao Trạch Đông. Một chính quyền có thể, trong vòng năm năm, biến một guồng máy cai trị thối nát và suy đồi thành một bộ máy có thể đương cự với sức mạnh quân sự của người Mỹ tại Triều Tiên thì chính quyền đó đáng được ca ngợi. Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng đã cáo chung – ngoại trừ vài kẻ ủng hộ lạc loài còn kêu gọi tái chiếm Hoa lục.
Nhưng tôi tin rằng tại Malaya đang hình thành một thế hệ người Hoa sinh ra và lớn lên tại đây, được học tiếng Hoa và các truyền thống Trung Quốc, nhưng vẫn có quan điểm của dân Malaya. Họ xem Malaya như quê hương duy nhất của họ. Họ tự hào về Trung Quốc cũng như người Pháp ở Quebec tự hào về nước Pháp. Dĩ nhiên cũng có những người Hoa chẳng quan tâm gì tới việc xây dựng một quốc gia Malaya. Đó là những học sinh trở về Trung Quốc để hấp thu lại nếp sống Trung Quốc. Những người Hoa còn ở lại cũng là công dân Malaya và ngày càng trở thành công dân Malaya đích thực.”
Dân tình báo Anh đã nghĩ rằng cần báo cáo về những điều tôi phát biểu để thăm dò quan điểm thực của tôi.
Trước đó, vào tháng 1, Raja đã thảo một tuyên bố của PAP sau đó do chính tôi đưa ra, đề nghị tổng ân xá cho MCP. Điều đó hợp lẽ và hợp lý, nhưng khi nhìn lại, tôi thấy nó ngây thơ và không hiệu quả. “Thực tế sáu năm rưỡi qua cho thấy rõ tình trạng khẩn cấp tại đất nước này chủ yếu là một vấn đề chính trị chứ không phải quân sự”. Tuyên bố này cho rằng tình trạng khẩn cấp chấm dứt sớm chừng nào thì người dân càng sớm có được những quyền dân chủ mà hiện họ chưa được hưởng, và thiếu những quyền này, các đảng phái dân chủ không thể hoạt động hữu hiệu được. Chính phủ Malaya phải bảo đảm chắc chắn rằng nếu MCP từ bỏ hoạt động vũ trang thì sẽ không còn đàn áp nữa, và nếu đảng này chấp nhận các phương pháp đấu tranh chính trị hợp hiến, nó phải được phép hoạt động như một đảng phái hợp pháp.
Raja và tôi là những người Âu học cấp tiến vốn chẳng có khái niệm gì về các động cơ của cuộc khởi nghĩa du kích và cách mạng bạo lực. Việc làm của chúng tôi phần nào có thể được coi như ngây thơ nhưng chủ yếu nó xuất phát từ cách vận động quần chúng rất tuyệt của những người cánh tả. Họ diễn thuyết công kích các quy định của tình trạng khẩn cấp, nêu chúng thành vấn đề nghiêm trọng, vì trước hết phải bãi bỏ chúng nếu MCP được ra công khai và tự do tổ chức lực lượng của mình.
Hồi đó tôi nói nhiều điều bất cẩn, nên có lẽ cũng may là PAP không tiến hành thành lập một chính quyền và do đó sẽ không thực thi được những đề nghị của mình. Nhưng trong lúc đó, chúng tôi đã gợi lên được ước mơ về những thay đổi lớn. Chúng tôi đã khiến dân chúng trở nên quan tâm đến chuyện chính trị đến độ họ đến để nghe chúng tôi diễn thuyết, rồi chúng tôi gợi cho họ những ý nghĩ mới, và một tinh thần phản kháng. Cuộc vận động tranh cử trong năm tuần lễ đó chắc chắn đã làm thay đổi bầu không khí ở Singapore. Nhưng trong khi nền chính trị sa–lông có thể là một chuyện quá khứ, nhưng hệ quả của thứ ngôn ngữ kích động chắc chắn sẽ là bạo động.