Dưới chế độ Quốc trưởng Bảo Đại và kể từ khi cuộc chiến pháp-Việt bùng nổ, tất cả anh em ông Diệm đều giữ thái độ trùm chăn hay đối lập. Họ thường công khai chỉ trích và lên án những chính phủ thời ấy là tham nhũng. Họ tuyên bố nếu có chính quyền trong tay việc đầu tiên là phải tẩy uế cho sạch bộ máy công quyền và trong sạch hoá thành phần nhân sự để thoả mãn ước vọng của nhân dân.
Nhờ một quá trình được gọi là "thanh bạch" và một chủ trương cứng rắn nên khi ông Diệm từ quan rồi hoạt động cho phong trào Cường Để, một số công chức, quân nhân ở miền Trung mới hăng hái sống chết theo ông ta. Cũng nhờ vậy mà ngày lên cầm quyền năm 1954, ông đã được quân nhân ủng hộ và từ những khó khăn tưởng không vượt qua nổi, ông đã đắc thắng vẻ vang để trở thành Tổng thống nước Việt nam cộng hoà.
Tuy nhiên khi đã nắm được chính quyền, anh em ông Diệm phải đứng trước một thực trạng khó khăn về vấn đề nhân sự, làm thế nào để thay người cũ bằng người mới hầu trong sạch hoá chính quyền.
Khi mới lên cầm quyền, ông Ngô Đình Diệm cũng như các Thủ tướng trong nước, đã đặt ngày vấn đê về nhân sự bỏ ai, dùng ai, và tìm đâu ra người khác. Ông Diệm và một số thân tín của ông yên trí là tất cả bộ máy cũ với những con người cũ đã bị mục nát hết và cần thẳng tay quét sạch. Tháng Bảy năm 1954, câu hỏi đầu tiên nêu cho Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí là ông Diệm làm thế nào để loại trừ tham nhũng và những phần tử xấu.
Nhưng sau khi nhận xét thực trạng lớp người của chế độ cũ (chế độ của Quốc trưởng Bảo Đại) ông Ngô Đình Nhu cho rằng chỉ có thế, không dùng thì chẳng bói đâu ra hiền tài: "Chúng ta chỉ có những con người mà lịch sử đã cho ta". Rồi ông kết luận: "Thôi thì chẳng có thép tốt mình nhặt sắt vụn mà xài. Chính sách mình theo là récupération de ferrailles. Đứa nào có tội thì đưa nó ra toà. Còn thì coi là có thể sửa, tốt hay xấu còn tuỳ mình. Mình tốt thì họ phải tốt. Việt minh nó lên nó lôi cổ ra mần cho nó, cứ bắt mần còn hơn để cho bất mãn ngồi dưng nói bậy. Được việc thì thôi. Mình chưa chi đã muốn thay đổi, nhưng mình làm cóc gì có người cho đủ. Mớ người bỏ nhà bỏ cửa vô đây theo mình mình phải nuôi chớ gạt ra sao? Ai đánh kẻ chạy lại dù nó ăn tiền ăn bạc...”.
Triết lý bi quan của ông Cố vấn được nghe theo. Không có công chức nào bị mất việc ngay, Bảo chính đoàn, Việt binh đoàn và Địa phương quân thành ra Bảo an đoàn, sau nhiều lần bác bỏ, ông Thủ tướng cho lập ban đặc biệt tại trường Hành chính để thâu dụng và huấn luyện các cựu Quận trưởng Bắc Việt mà ông đã dự tính loại bỏ khỏi chính quyền.
Nhờ những vận động chính trị mà nắm được chính quyền nên chẳng những đã không chuẩn bị được một đội ngũ cán bộ hành chính để vận hành bộ máy công quyền, mà khi gặp khó khăn, ông Nhu cung theo cái nề nếp chính trị cũ là thoả hiệp với khó khăn đó. Nghĩa là cứ dùng "sắt vụn mà xài" dù có đi ngược lại với những chủ trương lành mạnh hoá xã hội và trong sạch hoá chính quyền mà ông đã từng công khai hô hào và xem đó là một lợi khí để vận động quần chúng theo mình đấu tranh.
Tuy nhiên, trước rất nhiều vấn đề khó khăn của tân chính quyền, quần chúng miền Nam vẫn thông cảm được với những biện pháp phản cách mạng như thế nào trong sự bao dung nhẫn nhục để hy vọng khi tình hình ổn định thì chính quyền Ngô Đình Diệm sẽ thực thi những lời hứa mà họ đã long trọng tuyên bố trước kia, thời còn làm kẻ đối lập chưa nắm chính quyền.
Những biện pháp lành mạnh hoá xã hội đầu tiên thật ngoạn mục và đem sự phấn khởi lại cho toàn dân.
Tháng Giêng năm 1955, chính phủ đóng cửa sòng bạc Đại thế giới; tháng Chạp năm 1955, đóng cửa nhà mãi dâm Bình Khang, những tổ chức tội ác ở Bình Xuyên. Tháng tư năm 1956, chính phủ bắt giam Tổng giám đốc kinh tế Ung Bảo Toàn vì tội bán chợ đen hàng ngàn tấn gạo, tháng 8 năm 1956 bắt Vũ Đình Đa, một công chức cao cấp tại Ngân hàng quốc gia vì tội biển thủ hàng triệu bạc... Cũng từ đầu năm 1956, ông Diệm ban hành nhiều sắc luật để trừng phạt nặng nề tội tham nhũng, buôn lậu, cờ bạc, hối mại quyền thế, dĩ công vi tư, đặc biệt là luật cấm hút và mua hoặc bán thuốc phiện, đóng cửa tất cả tiệm thuốc phiện và bàn đèn. Thuốc phiện là tệ trạng nguy hại nhất cho xã hội, làm băng hoại sức mạnh của dân tộc, làm bạc nhược năng lực của con người nên Chính phủ Diệm muốn bài trừ triệt để. Chính quyền đã mở một chiến dịch rầm rộ bằng sách báo, kịch, thơ, đài phát thanh để giáo dục dân chúng về tác hại của món “thuốc độc” do thực dân và Ba Tàu để lại. Chính phủ đã cho tổ chức những buổi đốt bàn đèn tập thể tại Sài gòn và các đô thị để vừa đe doạ vừa khuyên răn những kẻ nghiện ngập...
Những sinh hoạt lành mạnh hoá xã hội trên đây được in thành một tập sách nhan đề Ngo Dinh Diem of Vietnam vào năm 1957 và được gởi đi khắp các quốc gia tự do trên thế giới để quảng bá “thành tích cách mạng" của Tổng thống Diệm. Nhiều chính trị gia, tướng lĩnh Mỹ đã không tiếc lời ca ngợi vị Tổng thống VNCH trước những việc làm tốt đẹp của ông ta. Từ đó các giới chính trị Mỹ lại tin tưởng nhiều hơn vào lãnh tụ Ngô Đình Diệm của miền Nam là người xứng đáng đương đầu với lãnh tụ Hồ Chí Minh của miền Bắc.
Nhưng trong khi chính sách bài trừ tham nhũng, bài trừ tệ đoan xã hội đang như một luồng sinh phong thổi khắp trời Nam thì một tiếng sét dữ dội nổ ra từ Cố đô Huế chấn động niềm tin mà mọi người đang đặt nơi chế độ của chí sĩ Ngô Đình Diệm đó là vụ buôn lậu hàng ngàn tấn gạo ra Bắc Việt do chính hai người em của Tổng thống là bà Cả Lễ và ông Ngô Đình Cẩn chủ trương. Vụ tiếp tế gạo cho Bắc Việt nguỵ trang dưới hình thức buôn lậu này bị Toà đại sứ Mỹ phát giác và thông báo cho Diệm nên ông không thể giấu nhẹm được và đành phải đưa nội vụ ra toà. Nhưng thay vì hai người em của ông Diệm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật thì họ đã khôn khéo bắt một tay thân tín của họ là Bùi Quang Sơn, phó Tỉnh trưởng Quảng Nam, ra làm vật tế thần. Vì Mỹ đã biết rõ nội vụ và vì ông Diệm ra lệnh phải thẳng tay trong việc xét xử. Toà án kết Bùi Quang Sơn 12 năm khổ sai. Tại Huế, Ngô Đình Cẩn không ngờ Bùi Quang Sơn bị án quá nặng làm mất luôn cả sự nghiệp, lại sợ vì vậy mà Sơn có thể uất ức khai ra chính phạm nên Cẩn vội vã năn nỉ ông anh Tổng thống. Trước áp lực của người em và dù án lệnh đã chính thức thành văn, ông Diệm cũng bắt toà phải xử lại. Nhờ đó, từ ái án khổ sai 12 năm, Bùi Quang Sơn chỉ còn bị 6 tháng tù treo. Chỉ tội nghiệp cho chàng Trần Văn Mẹo bị mất chức Bộ trưởng kinh tế và ông Ung Bảo Toàn bị ba năm lao tù.
Và đây lại còn là điều tàn ác ghê tởm của anh em ông Diệm. Số là sau khi Bùi Quang Sơn bị toà án phạt mười hai năm tù khổ sai, để cứu vớt tay chân mình, Ngô Đình Cẩn bèn nói với ông Diệm là chính ông Ung Bảo Toàn, Tổng giám đốc Nha kinh tế mới là thủ phạm. Cẩn tráo trở bằng cách dùng những bao gạo trống của Bộ Kinh tế mang nhãn hiệu E.N (Economie Nationale) để chứng minh rằng chính ông Toàn bán gạo cho Việt cộng trong lúc ông Toàn là người miền Nam vốn xa lạ với miền Trung, vốn không có tay chân thuộc hạ tại miền Trung để có thể âm mưu làm những việc phi pháp. Thử hỏi làm sao ông Toàn có thể bán gạo cho Việt cộng tại miền Trung được trong lúc Ngô Đình Cẩn nắm toàn quyền sinh sát có nhân việc thuộc hạ, có đảng viên Cần lao có tai mắt khắp nơi từ thành thị đến thôn quê. Vụ hạm gạo này không chỉ dân chúng, đảng phái miền Trung biết rất rõ mà còn hai nhân vật là ông Trần Ngọc Liễn (hiện ở Pháp) Trưởng ty Kinh tế miền Trung có văn phòng đặt tại Đà Nẵng lúc bấy giờ và ông Lâm Lễ Trinh (hiện ở Mỹ) là đại diện Bộ tư pháp đến Huế để xin Ngô Đình Cẩn chỉ thị. Tuy là những nhân chứng trong cuộc, biết rõ việc gian manh của nội vụ nhưng ông Liễn và ông Trinh làm sao có thể làm trái ý lãnh chúa Ngô Đình Cẩn nên đành phải ngậm miệng để cho ông Ung Bảo Toàn và ông Trần Văn Mẹo phải chịu oan khiên, mang thân tù tội. Tuy nhiên dù anh em ông Diệm đã dùng quyền lực làm điều thất đức nhưng việc tham nhũng và tàn bạo đầu tiên này đã đem đến hậu quả tai hại cho họ Ngô. Đối với dân chúng miền Trung thì cái huyền. thoại "Thế gia vọng tộc" của họ Ngô bắt đầu sụp đổ ngay từ đó. Còn đối với trí thức miền Nam cũ cảm thông nỗi oan khiên và thống khổ của Trần Văn Mẹo và ông Ung Bảo Toàn hai nhân vật đồng quê hương với họ, thấy rõ bộ mặt tráo trở và kỳ thị của nhà Ngô từ đó dần dần xa lánh chế độ Diệm và có cảm tình với những người kháng chiến.
Vụ buôn lậu gạo cho Cộng sản làm rung động nhân tâm miền Nam và làm sụp đổ uy tín của ông Diệm ngay từ năm 1956, khốn khổ những người Mỹ thân với ông Diệm, những ký giả hoài Ngô như kiểu Margeurite Higgins, như kiểu Phạm Kim Vinh có bao giờ đề cập tội ác của anh em nhà Ngô đâu.
Vì mấy triệu bạc mà đã sẵn sàng giao thương với địch đó là một điều ghê tởm, lại chà đạp ngành tư pháp để đổi trắng thay đen án lệnh làm cho quần chúng, đặc biệt là tại miền Trung, nơi các thủ phạm vẫn ung dung hể hả, cảm thấy niềm tin vào chế độ bắt đầu lung lay. Việc ông Diệm khống chế và sử dụng luật pháp quốc gia như một dụng cụ riêng để bênh vực gia đình, lúc ông chỉ mới lên cầm quyền, đã làm cho niềm hy vọng của quần chúng về một miền Nam dân chủ, tự do, công bằng bắt đầu tan tành mây khói.
Ngày xưa, dưới thời Đệ nhất cộng hoà, đường Công Lý thì đi một chiều, đường Tự Do thì cấm xe xích lô xe đạp còn cổng chính Toà án thì đóng kín, thường dân phải đi cổng bên nên thời đó có câu truyền tụng rằng:
Công lý một chiều
Tự do hạn chế
Toà án đi cổng hậu
Trong lúc vụ buôn lậu gạo ở Bắc Việt do bà Cả Lễ và Ngô Đình Cẩn cầm đầu đang làm cho dân miền Trung, nơi "mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn” công phẫn thì tại Sài gòn, dư luận lại xôn xao về những hoạt động tham nhũng của vợ chồng Ngô Đình Nhu. Xôn xao đến nỗi vợ chồng Nhu phải đăng báo cải chánh ngày 22-8-1957: "Không hề chuyển ngân ra ngoại quốc, không tham gia vào thương mãi, kỹ nghệ, tài chính ở Việt nam cũng như ở nước ngoài, không bao giờ nhận đồ lễ để can thiệp cho ai, chưa có đề nghị làm những việc bất hợp pháp..."
Khốn nỗi lời cải của chính vợ chồng Ngô Đình Nhu chỉ là "cái thúng không che nổi miệng voi", vì sự thật như chiếc kim trong túi áo mỗi ngày mỗi lòi ra ngoài. Trước hết là viện trợ Mỹ tại Việt nam bị đục khoét, bị thâm thủng, bị xử trái với nhu cầu, đồng thời với sự xuất hiện của những hiện tượng tham nhũng cho tới ngày 3 tháng 8 năm 1959, ký giả Colegrove của hãng thông tấn Seripps Howard phản đối tính bất hiệu dụng của viện trợ, và tố cáo những lạm dụng quĩ viện trợ của VNCH làm cho Quốc hội Hoa kỳ phải sôi nổi. Ngày 14-8-1959, Hạ nghị viện Mỹ sau khi gọi nhân chứng thuộc các giới khác nhau ra điều đình về việc sử dụng viện trợ Mỹ tại Việt nam, bèn biểu quyết uỷ cho Nghị sĩ Mansfield cùng một phái đoàn qua Việt nam để điều tra. Đại sứ Mỹ Durborow và giám đốc USOM Gardiner phải về Mỹ để phúc trình.
Nhiều ký giả, học giả Mỹ như nữ tiến sĩ Frances Fitagerald cho biết rằng chế độ Diệm đã lợi dụng chính sách ngoại thương (nhất là chương trình nhập cảng) và chương trình viện trợ Mỹ để bỏ túi và chuyển ngân ra nước ngoài: "Qua chương trình nhập cảng hàng hoá Mỹ, những nhà nhập cảng Việt nam nhận hàng từ Hoa kỳ và hàng đó Hoa kỳ phải trả bằng đô la để đổi lấy tiền Việt nam cho chính phủ Sài gòn sử dụng, nhưng chính phủ và những nhà nhập cảng Việt nam lại tuôn tiền bạc đó vào thành thị và vào túi của những nhân vật chính quyền và thương gia Việt nam mà thôi. Vì thế, đáng lẽ viện trợ Mỹ chu toàn đầy đủ cho ngân sách quốc gia Việt nam và thanh toán được số thiếu hụt 178 triệu đồng nợ của ngoại thương trong năm năm, thì số nợ cứ mỗi ngày mỗi tăng lên, ngược hẳn với niềm hy vọng của người Hoa kỳ".
Vì nạn tham nhũng qua chương trình viện trợ Mỹ tàn phá ngân quĩ quá độ nên ông Vũ Văn Thái (hiện ở Mỹ) phải chán nản, từ chức Tổng giám đốc Ngân sách và Ngoại viện rồi bỏ nước ra đi. Ông Thái là một chuyên gia kinh tế và tài chánh lỗi lạc đã từng được Tổng thống Diệm quý mến và thường được đưa ra khoe với người Mỹ như một nhân tài, một chuyên gia xuất sắc của Việt nam cộng hoà. Nhưng vì không chịu nổi nạn tham nhũng và sự chà đạp luật lệ của chính nhân vật lãnh đạo chế độ, những nhân vật bề ngoài có vẻ lương thiện nhưng bên trong chỉ đang lũng đoạn bộ máy kinh tài của quốc gia. Ông Thái bèn xin từ chức và đến Hoa kỳ trú ngụ. Ngày 24-11-1961, trả lời cuộc phỏng vấn của Nhật báo Washington Post ông Thái cho biết sở dĩ ông từ chức là vì "càng ngày tôi càng bị người ta dùng để tạo ra cái ảo tưởng chính phủ VN đang có một đường lối thông suốt (như vậy thì) tôi không còn có thể làm việc hữu hiệu được”.
Cho đến những năm đầu thập niên 60, có thể nói nạn tham nhũng dưới chế độ Diệm thuộc loại ghê tởm nhất trong lịch sử nước ta mà chính người anh em ruột thịt và bà con ông Diệm là những người tạo ra tệ hại xã hội đó. Hơn nữa, vì có sự tranh chấp giữa những người anh em ruột thịt của ông Diệm (những người có quyền hành nhất nước) trong việc vơ vét tài nguyên quốc gia, bóc lột đồng bào cho nên tệ hại kia lại càng phát triển hơn, báo bạo hơn và qui mô hơn.
Tôi xin lần lượt trình bày thành tích tham nhũng của các ông Ngô Đình Thục, vợ chồng Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn để thấy họ đã phản bội lại những mỹ từ, những lời tuyên bố cách mạng xã hội của họ đến mức độ nào. Ông Diệm vừa tuyên bố khai sanh nền cộng hoà thì vào cuối năm 1956, Ngô Đình Thục cho xây cất tại thị xã Vĩnh Long (gần toà giám mục của ông ta) một trung tâm huấn luyện Nhân vị. Khi lớp huấn luyện đầu tiên bắt đầu khai giảng, Ngô Đình Thục bèn cho xây cất thêm những quán ăn, quán giải khát gần trường để khoá sinh ăn uống, giải lao, hầu như Ngô Đình Thục thu lợi.
Rồi từ đó Thục bắt Tỉnh trưởng lấy đất, lấy vật liệu lấy công quỹ của tỉnh này để xây 50 căn nhà, mỗi căn Thục cho thuê 2.000 đồng một tháng hay là bán đứt với giá 50.000 đồng. Vì đã có chủ mưu từ trước nên Ngô Đình Thục sắp xếp cho những nhà cửa của Trung tâm Nhân vị, các quán ăn và 50 căn nhà mới xây thành một trung tâm thương mại mới tại Vĩnh Long để thu hút thương gia các nơi đổ về mua hết các căn phố mới xây. Nhờ vậy Ngô Đình Thục kiếm hơn hai triệu rưỡi đồng bạc một cách dễ dàng mà hầu như không bỏ ra bao nhiêu trong vốn đầu tư.
Đó là áp phe làm tiền công khai đầu tiên của Tổng giám mục Ngô Đình Thục mà kết quả cho thấy là khả năng và đầu óc lo cho giáo phận. Sự thành công ban đầu đó nhưng những kích lệ kim tiền khác, sau này sẽ được khuếch đại ra ở tầm mức quốc gia và nhiều lãnh vực rộng lớn hơn.
Ông Ngô Đình Thục đã cố tình che đậy con người chính trị của ông ta và giả vờ làm nổi bật con người nặng lòng với nền giáo dục Thiên chúa giáo để ông dễ dàng nhân danh tôn giáo và văn hoá xông xáo vào việc làm tiền, vào những hành động tham nhũng. Ông Nguyễn Thái, một trí thức Thiên chúa giáo, cho biết rằng theo nguyên tắc thì tất cả hàng giám mục Việt nam đều có quyền tham dự vào việc quản trị trường Đại học chính trị kinh doanh Đà Lạt, nhưng trên thực tế ông Thục đã giữ lấy độc quyền điều khiển nhà trường về mặt giáo dục lẫn tài chánh. Không riêng trường đại học Đà Lạt mà ngay cả khách sạn Caravelle, khách sạn lớn nhất giữa trung tâm Sài gòn, thời đó cũng do ông Thục một mình nắm giữ lấy việc quản trị tài chánh cho đến sau ngày lật đổ chế độ Diệm mới được giao lại cho Giáo hội do Đức Cha Bình chủ tịch Hội đồng quản trị. Tại Sài gòn, Ngô Đình Thục có thương xá Tax đường Nguyễn Huệ, một trung tâm thương mại nổi tiếng nhất thời Ngô Đình Diệm, nhà sách Xuân Thu đồ sộ ở đường Tự Do, một cư xá cho thuê ở đường Trần Hưng Đạo, và một ngôi biệt thự sang trọng ở bên kia bờ sông Thị Nghè đối diện với Sở Thú. Biệt thự này có vườn rộng, hồ tắm sang trọng, bến đậu cho thuyền trượt nước, và cây cảnh trong vườn thì được tổ chức trồng trọt như một công viên. Dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu, ngôi nhà này cho các Toà đại sứ ngoại quốc thuê. Vì thế một hôm ông bà Trần Văn Đỗ, ông bà Huỳnh Ngọc An, một số nhân vật ngoại giao đoàn và tôi được Đệ nhất Tham Vụ Toà đại sứ Đức mời ăn cơm tại ngôi biệt thự này của Ngô Đình Thục nên tôi mới biết tính cách xa xỉ và hoang phí của ngôi biệt thự nguyên là của một nhà tu hành.
Trong việc làm tiền của Ngô Đình Thục, có lẽ việc độc quyền khai thác gỗ ở Long Khánh và những khu rừng dọc đường Sài gòn - Đà Lạt là dịch vụ lớn lao nhất. Người Việt nam ta có câu nói "rừng vàng bể bạc" để chỉ cái nguồn lợi to lớn về lâm sản và hải sản của đất nước, cho nên Ngô Đình Thục và vợ chồng Ngô Đình Nhu đã nắm lấy quyền khai thác cây gỗ tại địa phương nổi tiếng nhất về gỗ quí đó. Công tác bảo vệ an ninh cho thợ rừng do quân đội và chính quyền địa phương phụ trách, mãi đến năm 1961, vì Việt cộng gia tăng hoạt động và lấn chiếm những khu rừng này chính quyền địa phương không bảo đảm nổi an ninh, vì thế nên anh em ông Diệm bèn cho phép nhóm khai thác cây gỗ cứ đóng thuế cho Việt cộng để việc làm ăn được trôi chảy. Việc làm giàu phi pháp này của anh em ông Diệm đã được đại uý Đỗ Thọ, sĩ quan tuỳ viên của Tổng thống Diệm trình bày:
"Từ đó việc khai thác làm gỗ ở Long Khánh, Định Quán, Đức Cha không nhờ vào quân đội giữ an ninh nữa. Trong giai đoạn này tình hình chiến tranh sôi sục lắm rồi. Bọn người được Đức Cha giao việc khai thác gỗ trở nên giàu có. Chúng nó nói rằng chúng gặp Việt cộng hàng ngày, vui vẻ lắm không việc gì đáng lo vì đóng thuế rất sòng phẳng. Tuy nhiên tôi không hiểu đóng thuế như thế nào, bao nhiêu. Số gỗ chở về nhiều lắm, xe xúc không ngày nào dừng bánh nghỉ ngơi.
Trong thời gian đó những người chuyên sống về nghề gỗ rất đỗi ngạc nhiên. Họ được chính phủ cho khai thác những vùng rừng không lấy gì đẹp, gỗ tốt lại ít, bị Việt cộng quấy nhiều nên có người phải giải nghệ vì phải đóng thuế nặng.
Thế mà Đức Cha Thục và bộ hạ vẫn đốn gỗ hàng ngày, lập trại ngay trong rừng, cơ sở càng ngày càng lớn, khi vỡ lẽ ra thì bọn đàng dưới của Đức Cha tiếp xúc với Việt cộng rất thân và đóng thuế với một số tiền vượt mức cho hàng ngàn mét gỗ.
Đến cuối 1962, Tổng thống Diệm bắt đầu bực mình về công việc khai thác gỗ của Đức Cha. Tổng thống Diệm đã có lần xin Đức Cha dừng lại cho dân chúng làm. Đức Cha giận Tổng thống, không nói năng gì cả bỏ về Vĩnh Long rồi ra thẳng Huế. Đức Cha giận chuyện này lắm nên nói lại với cậu Cẩn, vì thế cậu Cẩn lo lắng đêm ngày sợ Tổng thống bất thần không cho cậu Cẩn độc quyền khai thác quế ở Quảng Ngãi thì bực mình lắm".
Việc Ngô Đình Thục và Ngô Đình Nhu độc quyền khai thác gỗ trong Nam đã làm cho Bộ trưởng Canh Nông Lê Văn Đồng bị Ngô Đình Cẩn thù ghét ra mặt mặc dù ông Đồng là uỷ viên Trung ương Đảng Cần lao. Cẩn cho rằng ông Đồng chỉ lo phục vụ quyền lợi “nông lâm súc” cho Thục và Nhu mà không đếm xỉa đến Cẩn nên Cẩn phải biểu lộ thái độ bất mãn của mình cho Đồng biết. Một hôm ông Đồng được Tổng thống Diệm phái ra Quảng Trị để quan sát và nghiên cứu tình hình "nông lâm súc" của tỉnh này. Được tin, Ngô Đình Cẩn ra lệnh cho tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đông (Công giáo Phú Cam) phải hạ nhục Bộ trưởng Đồng bằng cách không thèm tiếp đón ông ta. Không có Tỉnh trưởng tiếp đón để trình bày và thảo luận công việc, trưởng sở Nông Lâm Súc lại không dám chuyên quyền, nên Bộ trưởng Đồng lủi thủi lên máy bay trở về Sài gòn mang theo mối hận nhục. Tôi vốn không quen biết ông Đồng nhưng vì lý do công vụ nên có gặp ông vài lần tại văn phòng Bộ trưởng để từ đó dần dần trở nên quen biết. Nhiều lần Bộ trưởng Đồng đã tâm sự với tôi về nỗi bất mãn chán chường của ông trước sự lộng hành của nhóm " Công giáo Cần lao".
Ngô Đình Thục không từ bỏ một hành động bần tiện nào trong việc làm tiền. Ông ta đã nhờ Tổng thống Diệm ra lệnh cho đại tá Phùng Ngọc Trưng, đang chỉ huy ngành Quân nhu ở Quân khu I, phải mua nước mắm thối của các bà "sơ" ở Phan Thiết, thứ nước mắm lâu ngày không bán được, bị hư thối để bán lại cho gia đình binh sĩ. Tất nhiên đại tá Trưng phải thi hành mệnh lệnh trên để rồi chịu lấy sự nguyền rủa của vợ con binh sĩ. Ngô Đình Thục còn bắt thân phụ tướng Trần Văn Đôn là Đại sứ Việt nam tại Italia, phải đứng tên cho các chương mục tại ngân hàng ngoại quốc giùm Thục, nhưng ông Đại sứ nhất định từ chối, không chịu làm tay sai cho một nhà tu hành bất lương. Ông Diệm không những biết được sự từ chối này mà còn biết cả thái độ khinh bỉ của ông Đại sứ nên năm ngày sau, ra lệnh cắt chức Đại sứ mặc dù hai gia đình đã từng quen nhau lâu ngày. Nhưng nếu ông Đại sứ họ Trần không chịu làm tay sai cho Ngô Đình Thục trong việc chuyển tiền vào Ngân hàng ngoại quốc thì đã có nhiều người khác sẵn sàng lo, trong đó có cả các linh mục người Italia. Năm 1965, báo chí ở Italia và Pháp đã làm ồn ào lên về vụ một linh mục người ý cướp của Ngô Đình Thục 98 ngàn đô la trong chương mục do linh mục ý này đứng tên đã là một bằng chứng rõ rệt về chuyện Ngô Đình Thục chuyển tiền ra nước ngoài. Tất nhiên Ngô Đình Thục phải có nhiều chương mục khác nhau tại nhiều quốc gia khác nhau, và do nhiều người khác nhau đứng tên như trường hợp vợ chồng Ngô Đình Nhu mà tôi sẽ đề cập đến sau này.
Vụ tu bổ nhà thờ La Vang tuy là một công tác cho tôn giáo cũng trở thành một cơ hội cho Ngô Đình Thục làm tiền. Tập san Đức Mẹ La Vang số phát hành năm 1962 trình bày một danh sách dài tên tuổi những "ân nhân" đã cúng tiền cho việc kiến thiết nhà thờ. Từ Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ trở xuống, dù công giáo hay không (nghĩa là có hay không có liên quan gì đến nhà thờ La Vang) đều có tên trong bảng danh sách đó. Ngô Đình Thục lại còn tổ chức xổ số Tombola rồi giao cho cảnh sát để lợi dụng các vụ xe cộ phạm luật đi đường, ép tài xế phải mua vé Tombola của Thục thay vì nộp tiền phạt cho chính phủ. Trong việc nhà thờ La Vang này, chẳng những ngân sách quốc gia đã mất đi số tiền phạt xe lại còn mất cả số tiền vé xe hoả vì nhân ngày lễ khánh thành "Trung tâm Đức Mẹ La Vang", Ngô Đình Thục đã can thiệp để nha Hoả xa hạ giá một nửa vé xe để khuyến khích dân chúng đi dự lễ tại La Vang cho đông. Rõ ràng chẳng những Ngô Đình Thục luôn luôn dựa vào uy quyền của người em làm Tổng thống để hối mại quyền thế, mà còn lợi dụng danh nghĩa tôn giáo của ông ta, lợi dụng Đức Mẹ để làm tiền, không khác gì Huỳnh Văn Cao lợi dụng Đức Mẹ để được ông Diệm cho thăng quan tiến chức. Đối với những tên giáo gian đó thì Đức Mẹ chỉ là một chiêu bài cho chúng buôn bán.
Năm 1963, khi trú nhiệm tại giáo phận Huế, Ngô Đình Thục dự định lấy khu Cồn Hến và khu Ngũ Viên tại Gia Hội để xây cất cơ sở tôn giáo và nhà riêng nhưng việc đang tiến hành thì biến cố 1-11-1963 xảy ra làm vỡ tan cái tham vọng muốn biến cố đô Huế thành căn cứ địa của Thục. Thật vậy, dân Huế đã biểu lộ sự tức giận mỗi lần Thục vi hành đến hai vùng này để quan sát, đo đạc và vẽ hoạ đồ. Nhất là mỗi lần Thục di chuyển thì không khác gì cung cách của một vị nguyên thủ quốc gia, cũng tiền hô hậu ủng cũng có đoàn xe mô tô hộ tống, xe cảnh sát trước sau hú còi dẹp đường, trong khi đó thì dân chúng phải dạt ra hai bên đứng yên để khỏi làm mất cái uy nghi của nhà tu hành nổi tiếng bóc lột, tham nhũng và kỳ thị tôn giáo này.
Bất chấp nỗi cơ cực và phẫn uất của nhân dân, bất chấp sinh mệnh của đất nước đang bị cộng sản đe doạ, lòng tham vô đáy của Ngô Đình Thục cứ dựa vào chế độ mà trở thành to lớn hơn và vô liêm sỉ hơn. Thục chỉ biết tiền, tiền và tiền. Tuy nhiên những vụ kể trên vẫn chưa đáng kể khi so sánh với vụ Ngân khánh xảy ra vào những ngày dao động cuối cùng của chế độ. Ngày 29 tháng 6 năm 1963, Ngô Đình Thục tổ chức lễ Ngân khánh kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám mục của ông ta. Thay vì tổ chức trong phạm vi tôn giáo và gia đình thì Ngô Đình Thục trong mục đích làm tiền một vố thật lớn đã biến lễ Ngân khánh của mình thành một quốc lễ. Tại Sài gòn, Ngô Đình Thục giao cho Trương Vĩnh Lễ, chủ tịch Quốc hội, thành lập "Uỷ ban Trung ương mừng lễ Ngân khánh" mà Lễ là chủ tịch và tất cả mọi ngành, mọi cơ cấu của định chế gọi là Quốc hội đều tham dự vào việc đóng góp tiền bạc. Còn tại các Bộ thì Bộ trưởng phải đứng đầu các tiểu ban.
Chẳng hạn như tại Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Quang Trình (hiện ở Mỹ) làm trưởng tiểu ban cho Bộ và cho các trường Đại học. Tại các tỉnh hay thị xã thì Tỉnh trưởng hay Thị trưởng làm trưởng Uỷ ban. Các tiểu ban, Uỷ ban... phải nhận một số phiếu dự tiệc mừng trị giá 5.000 đồng cho những người khá giả, cao cấp, và 2.500 đồng cho công chức như Chủ sự, Trường phòng hay sĩ quan cấp uý. Tất nhiên hạng người như công chức, sĩ quan vốn không dư giả, và có ai muốn mất tiền cho một hành động tham nhũng đâu, nhưng rồi áp lực trực tiếp hay gián tiếp từ trên đè xuống quá nặng nề, nên cũng đành phải bóp bụng bỏ ra 2.500 đồng như cúng cô hồn để được yên thân.
Tuy không ai biết cái "áp phe Ngân khánh" Ngô Đình Thục thu hoạch được bao nhiêu nhưng cứ lấy con số các Bộ trưởng, Tổng Giám đốc, Giám đốc, sĩ quan cấp tướng, tá, Dân biểu, Tỉnh trưởng, Phó tỉnh trưởng, giáo sư các trường Đại học Huế, Sài gòn, Đà Lạt, các chánh sự vụ, chủ sự, Trưởng ty... của Đô thành Sài gòn và 43 tỉnh, thị của miền Nam thì ta cũng đã có thể hình dung được số tiền to lớn như thế nào. Đó là chưa nói đến Ngô Đình Thục còn bán vé bữa tiệc này cho thương gia, kỹ nghệ gia, chủ ngân hàng, chủ xí nghiệp Sài gòn - Chợ Lớn và 43 tỉnh, thị tại miền Nam nữa, mà lớp người này không những chỉ mua vé bữa tiệc mà thôi, họ còn cúng thêm rất nhiều để được lòng Đức Cha. Tôi không nhớ ai đó đã cho tôi biết một bữa tiệc tại Chợ Lớn gồm toàn những Bang trưởng và đại phú gia Hoa Kiều, Ngô Đình Thục không ngại ngùng tuyên bố: "Hôm nay tôi muốn "bóc lột" quí vị... để tôi có đủ số tiền lo việc văn hoá, xã hội..." Câu tuyên bố nửa đùa nửa thật của vị Tổng giám mục Niên trưởng Giáo hội Thiên chúa giáo Việt nam, lại là anh ruột của Tổng thống VNCH phải được các phú gia Hoa Kiều nghĩ là Ngài muốn mình dốc hầu bao đóng góp từ bạc triệu trở lên.
Biết biến lễ Ngân khánh của mình thành một lễ chung cho cả nước để tiến hành kế hoạch làm tiền đại qui mô như thế, hẳn Ngô Đình Thục đã thu được bạc tỷ và chắc chắn Ngô Đình Thục xứng đáng được gọi là thứ người kinh doanh có đầu óc lý tài số một không những trong Giáo hội mà còn cả trong miền Nam nữa.
Tuy vậy điều quan trọng nhất của Lễ Ngân khánh chưa phải là số bạc tỷ mà Thục đã thu lượm được, điều quan trọng liên hệ đến sinh mạng của chế độ là Thục đã tổ chức Lễ Ngân khánh của ông ta như một quốc lễ ngay trong lúc cuộc đấu tranh của Phật giáo đến hồi sôi động, tạo cho cuộc đấu tranh của Phật giáo thêm chính nghĩa, thêm hào hùng, thêm được đa số nhân dân ủng hộ.
Vậy Ngô Đình Thục, người đã đóng góp một tay đẩy chế độ xuống vực sâu của lịch sử, là ai?
Sau cái chết của người anh trưởng là ông Ngô Đình Khôi vào năm 1945, Ngô Đình Thục trở thành người anh lớn nhất của dòng họ Ngô Đình, vì thế ảnh hưởng "quyền huynh thế phụ" của ông ta trên các người em thật to lớn. Ngô Đình Thục là người Việt nam đầu tiên được thụ phong Giám mục, và vào thời ông Diệm làm Tổng thống, Thục giữ chức Tổng giám mục nghĩa là đứng đầu hàng giáo phẩm Việt nam. Năm 1933, sau khi ông Diệm từ chức Thượng thư Bộ Lại, chính nhờ ông Thục bảo đảm và che chở cho ông Diệm được yên thân với người Pháp cho đến khi có đủ bằng chứng ông Diệm hoạt động cho quân đội Nhật, người Pháp và Phạm Quỳnh mới bắt ông ta. Năm 1949-50, khi làm giám mục ở Vĩnh Long, ông Thục đã vận động để ông Diệm được xuất ngoại đi dự lễ Năm thánh tại Vatican nhưng thật sự là để đi Hoa kỳ gặp Hồng y Spellman, người bạn đồng khoá với Thục thời còn học tại Vatican. Nhờ sự tiến cử và gởi gắm đó mà Spellman mới giới thiệu ông Diệm với chính giới Hoa kỳ. Như một số sách sứ Mỹ, Pháp đã nêu ra Ngô Đình Thục nắm vững được kỹ thuật vận động và khuynh loát chính trị mà không cần phải nắm chính quyền như người bạn Spellman của ông ta vốn rất có ảnh hưởng với chính trường Hoa kỳ nhưng bề ngoài thì vẫn tỏ ra chỉ quan tâm đến tôn giáo mà thôi. Trên thực tế thì dưới chế độ Ngô Triều, Ngô Đình Thục là người có ảnh hưởng nhất tại miền Nam. Quyết định của ông ta là tiếng nói cuối cùng của gia đình vì không những cá nhân ông Diệm phải nghe lời Thục mà Thục lại biết lôi kéo gia đình Ngô Đình Nhu để Thục thêm vây cánh. Và tuy không tham dự trực tiếp vào chính quyền, tại giáo phận Vĩnh Long trước kia cũng như tại Huế năm 1965, tư dinh của Ngô Đình Thục vẫn là trung tâm quyền lực to lớn để hàng ngày Thục tiếp những nhân vật quan trọng không khác gì ông Diệm tiếp Quốc khách tại dinh Độc lập hay dinh Gia Long.
Ngô Đình Thục được Tổng thống Diệm kính nể và vâng lời nhưng khốn nỗi chính lòng tham tiền bạc của ông ta, tham vọng làm Hồng y của ông ta và tinh thần kỳ thị tôn giáo nặng nề của ông ta đã là những yếu tố đưa đẩy chế độ Ngô triều đến sụp đổ và đưa đến tình trạng vong mạng của những người em đúng như nhận xét của người sĩ quan tuỳ viên thân tín nhất của ông Diệm.
Xét về trường hợp của Ngô Đình Thục ta thấy rõ ràng ông tiêu biểu một cách trọn vẹn nhất cho sự tổng hợp của những tệ đoan mà thực dân và phong kiến đã để lại trên phong hoá nước ta: cái tệ đoan hối mại quyền thế qua hệ thống đẳng cấp phong kiến của triều đình nhà Nguyễn lúc mạt vận và cái tệ đoan dĩ công vị tư qua chính sách bòn rút tài nguyên của thực dân bảo hộ lúc xua quân xâm chiếm nước ta. Vì thừa hưởng cái gia tài đó vào tận trong tim óc cho nên khi em lên làm Tổng thống là anh phải tận dụng quyền thế để biến của đất nước thành của riêng mình. Điều đáng buồn là chiếc áo tu sĩ và những năm dài học giáo lý Thiền chúa giáo không đủ sức mạnh để đánh bật được những gốc rễ của các tệ đoan đã bám quá sâu vào tâm thức của Ngô Đình Thục, con chiên ghẻ của Giáo hội Việt nam và Giáo hội La mã.
Ngô Đình Thục không phải chỉ tham tiền mà còn tham quyền hành và địa vị. Đầu năm 1956, sau khi ông Diệm truất phế Bảo Đại bước lên ngôi vị Tổng thống rồi, Giáo Hoàng Pie XII bèn thăng Đức Cha Nguyễn Văn Hiền lên chức Tổng Giám mục Sài gòn. Quyết nghị của Đức Thánh Cha làm cho hai anh em ông Diệm hết sức phẫn uất vì Giáo Hoàng đã không chấp thuận ứng viên mà ông Diệm đòi hỏi là người anh Ngô Đình Thục đang là Giám mục Giáo phận Vĩnh Long.
Mối căm giận đối với Giáo Hoàng đã đưa ông Diệm lấy những biện pháp quyết liệt.
Thông báo cho Toà thánh La mã từ nay tất cả các giáo sĩ ngoại quốc đến hành đạo tại Việt nam phải tuyên thệ trung thành với ông Diệm bằng không sẽ được coi như là thành phần thân Cộng. Bắt giữ Giám mục Sieltz của Hội truyền giáo hải ngoại Pháp, định bỏ tù ông ta nhưng Vatican can thiệp kịp thời.
Ra lệnh cho sở kiểm duyệt phải kiểm soát những thư từ đến Vatican, mở những văn kiện của Toà thánh thông báo việc Đức Cha Hiền được thăng chức, làm phó bản những văn kiện ấy, giữ lại một thời gian trong khi Giám mục Ngô Đình Thục bay sang Rome để xin Giáo hoàng thay đổi quyết địinh.
Dù vậy nhiều Giám mục, nhiều linh mục Việt nam cũng đã biết được việc Giáo Hoàng thăng chức cho Đức Cha Hiền nên đã rao giảng cho các lớp đạo, còn Đức Cha Hiền thì lên tiếng buộc tội ông Diệm dáng phải bị dứt phép thông công.
Tuy nhiên như nhiều người vào thời đó đều biết rằng Đức Cha Hiền chỉ giữ chức vụ Tổng Giám mục Sài gòn được vài tháng rồi bị thuyên chuyển lên Đà Lạt sống âm thầm để gặm nhắm mối tình đời bạc đen cho đến khi Ngài tạ thế. Còn các Linh mục thân cận với Đức Cha như cha Oanh, cha Thiêng, cha Của đều bị anh em ông Diệm vu khống đủ thứ tội, có vị bị đưa ra toà án (Cha Của hiện nay là một Giám mục sống tại Hoa kỳ).
Trình bày về gia đình họ Ngô, George Menant (trong tuần báo Paris Match ngày 23-11-1963) đã viết: Nền gia dình trị của nhà Ngô như hậu quả đã cho thấy là chính quyền thì Ngô Đình Diệm, cảnh sát công an thì Ngô Đình Nhu còn vợ ông ta thì tham nhũng áp phe, ngoại giao thì Ngô Đình Luyện, buôn lậu lúa gạo thì Ngô Đình Cẩn. Lãnh vực tôn giáo thuộc về Ngô Đình Thục, một nhà tu hành mà làm chủ vô số đất đai, và tư dinh ông ta thì có bố trí súng phòng không. Nhưng cái mũ Hồng y chưa phải là tham vọng cuối cùng của ông ta mà phải là "ngôi vị Giáo Hoàng"- phải là một Giáo Hoàng không thể kém hơn.
Theo truyền thống của Vatican muốn chọn một Giáo Hoàng cầm đầu Giáo hội La mã thì Hồng y được bầu lên phải xuất thân từ các quốc gia mà người công giáo phải là đại đa số. Cũng vì vậy mà chính quyền ông Diệm đã cho phát hành những bản thống kê nói rằng tại Việt nam có 70% dân số theo Thiên chúa giáo, 20% theo đạo Phật và 10% thuộc các đạo linh tinh khác. Đáng lẽ những bản thống kê như thế vẫn tiếp tục công bố nếu không có phái đoàn đại diện Toà thánh đến Việt nam nhận thấy rằng cờ Phật giáo tung bay khắp nơi, con số 70% là Phật tử chứ không phải là giáo dân. Ông Diệm giận lắm nên mới có lệnh cấm treo cờ Phật giáo với bộ máy đàn áp không lay chuyển nổi đưa đến việc tự thiêu công khai và đầy xúc động của các nhà sư...
Những sự kiện trên đây không chỉ làm nổi bật lòng dạ tham-sân-si vô độ của anh em nhà Ngô mà còn cho thấy họ luôn luôn là hạng người gian trá, phản phúc. Mỗi lần hễ quyền lợi cá nhân của họ không được thoả mãn là họ có chủ trương phản bội ngay dù kẻ bị phản bội là một vị Giáo Hoàng. Họ đã phản bội nhà Nguyễn, cựu hoàng Bảo Đại, người Pháp, sau này họ phản bội người Mỹ, phản bội quân dân miền Nam, và cả ân nhân, bằng hữu, đồng chí, thuộc cấp đã từng ủng hộ hoặc phục vụ cho họ. Thời kỳ hành đạo ở Tây ban nha, Ngô Đình Thục đã hai lần "phản loạn" để tranh chức Giáo Hoàng, bị Toà thánh trừng phạt nặng nề càng cho thấy bản chất phản bội vốn đã nằm sâu thẳm trong tâm, can, tì, phế của anh em nhà Ngô rồi. Một con người, một Tổng giám mục như thế mà trong cuốn sách "Làm thế nào giết một Tổng thống" ông Cao Thế Dung đã ca ngợi là đạo đức, là không dính vào chính trị!
Tuy Ngô Đình Thục là một thứ sâu mọt ghê tởm rồi thế mà chủ trương tham nhũng của Ngô Đình Nhu lại còn ghê tởm hơn, còn làm hại cho đất nước khủng khiếp hơn.
Ngô Đình Nhu là một nhà khoa bảng, một nhà chính trị trông bề ngoài có vẻ khắc khổ. Trong những năm dưới thời chiến tranh Pháp-Việt (1945-1954), vợ chồng ông đã phải sống một cuộc sống cần kiệm, không vương giả lắm. Dưới chế độ Diệm, lương dân biểu của hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 5, 6 chục ngàn, ông Diệm lại xuất tiền mật phí cho mỗi tháng một triệu đồng. Các viên chức trong phủ Tổng thống cũng như theo tác phẩm "Những ngày chưa quên" của Đoàn Thêm cho biết vào những năm đầu của chế độ, ông Nhu sống thanh bạch, không có cả một văn phòng riêng để làm việc. Với những sự kiện ban đầu đó, lúc bấy giờ ai có ngờ được Ngô Đình Nhu sau này lại trở thành tay đại tham nhũng và sau 8, 9 năm cầm quyền đã trở thành tỷ phú, của chìm của nổi đầy dẫy từ trong nước ra đến ngoài nước. Thì ra nhà khoa bảng Ngô Đình Nhu chỉ là kẻ đạo đức giả.
Tại Sài gòn, vợ chồng Ngô Đình Nhu có hai biệt thự lớn, một ở góc đường Pasteur và Hiền Vương và một ở đường Phùng Khắc Khoan. Ngôi biệt thự lầu ở góc Hiền Vương, Pasteur lúc đầu được Ngô Đình Nhu dùng để làm trụ sở trung ương đảng Cần lao, nhưng mấy năm sau, vì Đảng không họp hành gì nữa nên Nhu cho sửa sang lại rất đẹp và giao cho người nhà trông coi mà thôi. Ngôi biệt thự lầu tại đường Phùng Khắc Khoan có cái mái hiên lớn lợp bằng ngói ống rất kỹ thuật, trông bề ngoài thì thấy không lớn lắm nhưng lại là một ngôi biệt thự vô cùng đồ sộ và rất sang trọng vì nó gồm hai dãy nhà lầu cách nhau ở giữa bằng một sân rất rộng, trồng nhiều hoa quí. Sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, những nhà của Ngô Đình Nhu đều trở thành công sản, do đó dưới thời Nguyễn Văn Thiệu, ngôi biệt thự tại đường Phùng Khắc Khoan được cấp cho tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Quân đoàn III, làm tư dinh.
Tuy hai biệt thự lầu tại Sài gòn đã từng là những ngôi nhà đẹp nhất nhì thủ đô, nhưng so sánh với ngôi biệt thự mùa hè của vợ chồng Nhu tại Đà Lạt thì chẳng thấm vào đâu về cả mặt đồ sộ lẫn lộng lẫy. Biệt thự mùa hè tại Đà Lạt phải được so sánh với những lâu đài của các bậc công hầu, bá tước của các xứ Âu Châu vì nó được bao bọc bằng hai lớp tường thành: nội thành bọc lấy biệt thự chính vì sân cỏ, còn ngoại thành thì bọc lấy một vườn hoa rộng lớn kiến thiết công phu. Hồi ký Our endless war của Trần Văn Đôn cho biết rằng: “Bà Nhu xây một biệt thự lộng lẫy gồm có toà ngang lầu dọc tại Đà Lạt làm biệt thự mùa hè. Biệt thự là một lâu dài tổng hợp với sân tennis, hồ bơi và nhiều kiến trúc lộng lẫy xây cất mấy năm trường mà khi chế độ Diệm bị lật đổ vào cuối năm 1963 vẫn chưa hoàn thành, dù đã có cả một đội kiến trúc sư, nhà thầu xây cất làm việc mấy tháng trước sự dòm ngó của cả thế giới. Sự biểu lộ khoe khoang đó đã không giúp ích gì cho vợ chồng Ngô Đình Nhu mà chỉ mua lấy lời chê bai của dân cả nước".
Tướng Đôn và bà Nhu là đôi bạn chí thân từ năm 1948, tướng Đôn biết rõ sự nghiệp và cuộc đời bà Nhu nhưng ngôi lâu đài của bà ta tại Đà Lạt, tướng Đôn quên kể cái vườn hoa rộng lớn có thể được gọi là bát ngát trong sân trước lâu đài, quên cả rừng thông trên ngọn đồi trong sân của lâu đài, được sắp đặt và vun xới một cách công phu, quên cả cái hồ sen hình địa đồ Việt nam mà bà Nhu đã mời kỹ sư Nhật Bản đến Việt nam hai lần để thiết kế và xây cất cái hồ đặc biệt đó. Ngôi lâu đài của vợ chồng Nhu nổi tiếng đến độ sau khi chế độ Diệm bị lật đồ, du khách đổ xô về Đà Lạt để xem.
Tài sản trong nước của vợ chồng Ngô Đình Nhu còn một rừng cây hai trăm mẫu tại Định Quán trồng toàn thứ gỗ tốt dùng để chế tạo báng súng để xuất cảng; và như đã nói ở trên, hai vợ chồng Nhu đã cùng với Ngô Đình Thục khai thác cây gỗ tại Long Khánh và dọc theo đường Sài gòn Đà Lạt như hồi ký Đỗ Thọ đã ghi chép rõ ràng. Ngoài ra vợ chồng Nhu còn có phần hùn trong các cơ sở khai thác nước suối Vĩnh Hảo, lông vịt Chợ Lớn, phân chim đảo Hoàng Sa, than Quả Bàng và than Cà Mau, cơ sở nhập cảng và chế tạo thuốc Tây O.P.V. do Dân biểu Nguyễn Cao Thăng chỉ huy, muối Cà Ná, than Nông Sơn, cát trắng Cam Ranh v.v...
Mặc dù vợ chồng Nhu cố tạo dựng tài sản trong nước, nhưng ý định lâu dài và thầm kín thì vẫn là chuyển tiền ra nước ngoài, tạo dựng vốn liếng tại Pháp, Ý và Thuỵ Sĩ (có lẽ để đề phòng khi đồng bạc Việt nam bị mất giá, và chuẩn bị khi hữu sự phải trốn ra ngoại quốc )
Một vài thí dụ cụ thể về tài sản do vợ chồng Nhu tạo dựng tại Âu Châu từ năm 1957: ngôi nhà ở quận 16 vùng có nhiều nhà cửa đẹp đẽ và đắt giá nhất thủ đô Paris, rạp chiếu bóng Eden ở đại lộ Champs Elysees, ngôi biệt thự tại ngoại ô La mã, thủ đô của ý v.v... Việc vợ chồng Nhu chuyển ngân và mua tài sản tại ngoại quốc đã được Frances Fitzgerald tiết lộ rằng: “Bà Nhu đã biết lo xa khi tích luỹ tài sản và mau chóng làm cho chúng có giá trị trên thị trường Âu Châu. Trong số nhiều bất động sản đó, bà Nhu đã làm chủ một nhà hát lớn tại Đại lộ Champs Elysees ở Paris”.
Trong lúc đó, William J. Ledere trong tác phẩm Our own worsy enemy cho biết: theo các mật báo viên người Thuỵ Sĩ và Trung Hoa của tôi báo cáo, khoảng 18 tỷ Mỹ kim được một số tư nhân người Việt gửi vào các ngân hàng ngoại quốc kể từ năm 1956. Mới gần đây, qua một hợp tác viên "kín" (silent partner), bà Nhu đã mua đứt ngân hàng tư lớn thứ nhì tại Paris. Mua trả hết "bằng tiền mặt". Tuy Lederer không nói trắng ra nhưng về số 18 tỷ Mỹ kim nói trên ta có thể suy diễn mà không sợ nhầm lẫn rằng anh em ông Diệm đã là chủ nhân của đa số trong số tiền kếch xù đó, vì họ đã cai trị miền Nam đến 10 năm trời và đã nguỵ tạo được vô số “cơ hội” thuận tiện để thu góp của cả công, tư, hiện kim, hiện vật, khuếch trương và khai thác kỹ nghệ, thương mại (trực tiếp và nguỵ ấn qua trung gian) để gom góp được một gia tài khổng lồ.
Ngoài số tiền bất hợp pháp kếch xù mà vợ chồng Ngô Đình Nhu gởi ra ngoại quốc đó, và ngoài những nguồn kinh tài khác nhau, ta còn phải kể đến số tiền lời bán vé số kiến thiết do những cuộc xổ số mỗi tuần một kỳ. Nhiều người Việt ở Pháp cho biết rằng sau ngày chế độ Diệm bị lật đổ, giữa bà Nhu và nguyên Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyễn Đình Thuần, một cộng sự viên thân tín của vợ chồng Nhu, đã có những cuộc tranh cãi dữ dội vì số tiền lời xổ số kiến thiết để ở ngoại quốc. Bà Nhu đã ngậm đắng nuốt cay để cho Thuần lấy hết số tiền lo lớn kia vì chương mục chuyển ngân không đứng tên của bà ta, mà lại đứng tên người uỷ nhiệm là ông Nguyễn Đình Thuần.
Ngoài ra, trong năm 1965, sau khi báo chí Âu Châu phát giác vụ Ngô Đình Thục bị một linh mục người Ý lừa lấy mất 98 ngàn đô la, báo chí Pháp lại còn đăng tải vụ bà Nhu bị mất trộm gần 300 ngàn đô la, số tiền mặt không gởi lại ngân hàng. Những sự việc đó càng chứng minh thêm chuyện anh em ông Diệm đã chuyển tiền ra nước ngoài. Nhưng nếu chuyện chuyển ngân, mua sắm bất động sản ở nước ngoài chứng tỏ mức độ giàu có và mức độ vi phạm luật lệ hối đoái của quốc gia thì cái tội đạp lên xác chết của quân dân để vinh thân phì gia, cái tội tiêu huỷ một số tư bản lớn của quốc gia để đầu tư ở ngoại quốc trong lúc quân dân nghèo đói, chết chóc mới thật là trọng tội vì tính cách lừa đảo đồng bào của nó. Thật vậy, trong lúc họ Ngô hô hào chống Cộng, hô hào nhân dán hy sinh xương máu thì chính họ lại soạn sửa chuẩn bị cho một cuộc ra đi để sống đế vương nơi xứ người. Vấn đề không chỉ ngừng lại ở đó mà còn đặt thêm câu hỏi tại sao Ngô Đình Nhu không gởi tiền và tạo dựng tài sản ở Hoa kỳ mà lại cất dấu tại Pháp và Âu Châu? Năm 1963, tôi mới hiểu được thủ đoạn của vợ chồng Ngô Đình Nhu về vấn đề này nhờ Nhu quay lại thân thiện với người Pháp, những kẻ mà một thời Nhu coi là thù địch nguy hiểm nhất, sự kiện mà tôi sẽ nói rõ ở một chương sau.
Phê phán nền tham nhũng của vợ chồng Ngô Đình Nhu, ông Huỳnh Sanh Thông một trí thức Việt nam vì không chịu đựng nổi chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đành phải bỏ nước ra đi đã viết rằng: "Điều mỉa mai là tại miền Nam Việt nam, dưới chế độ của một ông Tổng thống ghét đàn bà, ông ta lại phong cho một phụ nữ có quyền hạn tuyệt đối. Bà Ngô Đình Nhu, em dâu của Ngô Tổng thống, Đệ nhất phu nhân. Cả hai vợ chồng Nhu là cố vấn chính trị và chiến lược, bà ta nắm trọn quyền kinh tê quốc gia trong tay, bà ta là người được coi như là trung tâm của những vụ tham nhũng kinh khủng nhất".
Làm giàu không phải là một cái tội nếu không muốn nói là những hoạt động kinh doanh hữu ích để làm phát triển kinh tế nước nhà mà còn đáng được khuyến khích. Nhưng trường hợp của Ngô Đình Nhu là làm giàu một cách bất hợp pháp, làm giàu bằng cách lợi dụng quyền thế lãnh đạo của mình, mà không đóng góp cho nền ngoại thương quốc gia thì quả thật là chồng chất ba lần tội lỗi. Những hệ quả của hành động tham nhũng này không phải chỉ về mặt kinh tế mà thôi mà còn về mặt chính trị nữa vì Ngô Đình Nhu đang hành xử như nhân vật số hai của chế độ, đang đốc thúc toàn dân hy sinh kham khổ cho cuộc "cách mạng xã hội Cần lao". Ngôn ngữ và chủ trương thì một đàng, hành động và ý định thì một nẻo. Ngô Đình Nhu không những mang tội đánh lừa nhân dân làm cho họ không tín nhiệm chế độ nữa mà còn tạo nhược điểm cho Cộng sản tuyên truyền đánh phá chính nghĩa của miền Nam, bôi bẩn cuộc đấu tranh chống Cộng của dân Nam. Cái tội chính trị đó mới thật sự là đại tội.
Vợ chồng Ngô Đình Nhu không những thủ lợi qua chương trình viện trợ Mỹ, qua các cơ sở kinh doanh, qua các dịch vụ thương mãi, qua các tổ chức kinh tài của chính phủ như xổ số kiến thiết v.v.. họ còn chủ xướng và dính dự vào những tội ác không ngờ tới như tổ chức cờ bạc và buôn lậu thuốc phiện, những tội ác có tổ chức qui mô (organized crimes) mà chính Ngô Đình Nhu ngày xưa đã lên án Bảy Viễn bằng danh từ "tên cướp Bình Xuyên".
Thật vậy sau khi đóng cửa sòng bạc Đại thế giới của Bình Xuyên và ban hành luật cấm cờ bạc thì chính Ngô Đình Nhu lại cho tổ chức một sòng bạc qui mô tại nhà hàng Đại La Thiên của một người Tàu Chợ Lớn. Sòng bạc này được tổ chức rất kín đáo và được canh giữ bởi những nhân viên chìm của sở Nghiên cứu Chính trị. Người Việt nam ít ai biết được sự hiện hữu của sòng bạc này vì sòng bạc chỉ dành riêng cho Hoa kiều Chợ Lớn và những người Tàu từ Singapore hoặc từ Hồng Kông đến sát phạt nhau mà thôi. Sòng bạc tuy không đồ sộ bề thế như Kim Chung, Đại thế giới của Bảy Viễn ngày xưa, nhưng số lợi tức thu vào thì vô cùng to lớn vì tay chơi toàn là những kẻ đại phú thương, đại kỹ nghệ gia người Tàu.
Cho nên ngoài sòng bạc Đại La Thiên ra, Ngô Đình Nhu còn tổ chức một hệ thống mua bán, phân phối thuốc phiện lậu vô cùng kinh khủng mà chắc chắn trong lịch sử Việt nam chưa có một hệ thống độc quyền buôn bán thuốc phiện nào tinh vi và to lớn như vậy. Alfred W. Mc Coy, một chuyên viên bài trừ buôn lậu quốc tế đã từng là cố vấn tại Nha Tổng Giám đốc cảnh sát Việt nam, kể rõ vụ buôn lậu thuốc phiện trong luận án tiến sĩ của ông ta, nhan đề là: The Politics of Heroine in South East Asia như sau:
Ngay sau khi bọn cướp Bình Xuyên vừa bị đánh đuổi ra khỏi Sài gòn, tháng năm năm 1955, Tổng thống Diệm một Công giáo mộ đạo, bèn quyết liệt bài trừ nạn thuốc phiện bằng một chiến dịch đốt bàn đèn rất hấp dẫn. Tất cả tiệm buôn thuốc phiện đều bị đóng cửa, thuốc phiện rất khó mua và Sài gòn không còn là nơi giao dịch với quốc tế về thuốc phiện nữa. Thế mà chỉ ba năm sau, bỗng nhiên chính phủ Diệm bỏ cái chủ trương lành mạnh xã hội đó đi vào làm sống lại việc giao thương bất hợp pháp về buôn bán thuốc phiện lậu. Ngô Đình Nhu lấy lý do thiếu tiền bạc để chi phí cho công cuộc tình báo để ông ta buôn bán thuốc phiện lâu năm dù trong ba năm qua viện trợ Mỹ và CIA đã bỏ tiền rất dồi dào cho công cuộc tình báo của ông ta. Nhu đòi thêm viện trợ Mỹ cho công tác này nhưng vì nhiều lý do Mỹ đã từ chối.
Nhu nhất định tiến hành và quyết định làm sống lại việc buôn bán thuốc phiện lậu dù các tiệm hút đã cấm từ ba năm trước. Ngô Đình Nhu liên lạc với các bang trưởng Hoa kiều tại Chợ Lớn để cho mở lại các bàn đèn, các tiệm buôn thuốc phiện và thiết lập một hệ thống luôn lậu lại. Chỉ trong vòng vài tháng, hàng trăm tiệm buôn thuốc phiện được mở lại, và theo phóng viên tờ "Life Time" ước lượng thì chỉ 5 năm sau đã có hai ngàn rưỡi tiệm buôn thuốc phiện lậu tại Chợ Lớn và Sài gòn (chưa kể 43 tỉnh thị khác ở khắp miền Nam).
Để tiếp tế cho các tiệm buôn, Nhu mở một đường dây để chuyển thuốc phiện từ Lào về Việt nam. Phương tiện chuyên chở chính là chiếc phi cơ của hãng Hàng không dân sự Lào điều khiển bởi tên giang hồ người Corse là Francisci, từng là bạn của Bảy Viễn, từng làm ăn với Bảy Viễn. Mặc dù có ít nhất bốn đường dây không nhỏ của người Corse buôn lậu thuốc phiện giữa Lào và Nam Việt nam, nhưng chỉ có Francisci giao thiệp thẳng với Ngô Đình Nhu mà thôi. Theo trung tá Lucien Conein, một nhân vật cao cấp của CIA tại Sài gòn cho biết thì sự liên hệ giữa Ngô Đình Nhu và Francisci đã bắt đầu từ năm 1958 trong việc buôn lâu thuốc phiện từ Lào về rồi. Sau khi được Nhu bảo đảm sự an toàn trong việc chuyên chở, phi đội của Francisci gồm những phi cơ hai máy Beechcrafts bắt đầu chở thuốc phiện lậu vào miền Nam theo nhịp độ hàng ngày.
Nhu còn tăng cường việc tiếp tế thuốc phiện vào miền Nam bằng cách rải nhân viên tình báo khắp nước Lào để mua thuốc phiện sống và dùng phi cơ quân sự Việt nam để chuyên chở theo cung cách con thoi, chở người đi rồi chở thuốc phiện về.
Trong lúc Nhu lo giao thiệp trực tiếp với Francisci thì bác sĩ Tuyến một thầy tu xuất, Giám đốc sở nghiên cứu chính trị lo việc điều khiển hệ thống tình báo tại Lào. Mặc dù Ngô Đình Nhu là người thủ đoạn, quỷ quyệt (machiavelli) của chế độ Diệm nhưng nhiều người cũng cho Tuyến là kẻ đa mưu túc kế.
Dù với hệ thống buôn lâu thuốc phiện và nhiều hình thức tham nhũng khác tạo cho Ngô Đình Nhu một tài sản vĩ đại nhưng chế độ Diệm vẫn không thể tồn tại được nếu người Mỹ trở mặt chống lại chế độ đó. Đã nhiều năm qua người Mỹ rất bực mình vì ông Diệm không chịu bài trừ, trừng trị tham nhũng. Tháng ba năm 1961, cơ quan tình báo Hoa kỳ đã làm bản phúc trình cho Tổng thống Kenney và phê phán ông Diệm như sau:
"Nhiều người nhận thấy ông Diệm không thể chống nổi Cộng sản bởi vì sự cai trị cá nhân độc đoán của ông ta, bởi vì sự dung dưỡng tham nhũng của ông ta ngay cả với những người thân cận nhất và sự từ chối dẹp bỏ chế độ kìm kẹp của ông ta".
Hoạt động buôn bán và phân phối thuốc phiện một cách qui mô, có hệ thống lớn lao của Ngô Đình Nhu đã để rơi những chiếc mặt nạ khắc khổ, mặt nạ cách mạng, mặt nạ đạo đức, mặt nạ thế gia vọng tộc của người được gọi là cha đẻ chủ thuyết Nhân vị Duy linh, người tín đồ ngoan đạo Thiên Chúa, người cố vấn đặc biệt của Tổng thống Diệm.
Ngô Đình Nhu mượn cớ thiếu tiền nên phải buôn lậu thuốc phiện để chi phí cho hệ thống tình báo, nhưng thật sự chỉ lợi dụng danh nghĩa đã làm giàu cho cá nhân vì hệ thống này đã được tài trợ của viện trợ Mỹ, đặc phí của CIA và mật phí của Tổng thống Diệm. Thử hỏi nếu Ngô Đình Nhu đã thu được một số tiền kinh khủng trong 6,7 năm trời qua hệ thống buôn lậu thuốc phiện để chi phí cho công tác tình báo thì tại sao tình hình quân sự, an ninh mỗi ngày một suy sụp trong lúc vợ chồng Ngô Đình Nhu lại chuyển tiền ra nước ngoài mua bất động sản và có nhà băng tư tại ngoại quốc. Về đạo đức giả, anh em ông Diệm đã từng lên án Bảy Viễn là tên cướp vô đạo vô luân, đã ra lệnh cấm hút thuốc phiện, cấm buôn bán thuốc phiện lậu, đã mở chiến dịch đốt đèn bàn, vậy tại sao Ngô Đình Nhu nuốt lại bãi nước miếng mà mình đã nhổ đi để làm đúng và làm hơn những gì Bảy Viễn đã làm. Hành động của Nhu chẳng những là hành động của tên kẻ cướp mà Nhu còn mang tội lừa dối quốc dân để làm giàu một cách bất chánh và trái luật.
Vì tội ác của Ngô Đình Nhu và chế độ Ngô Đình Diệm kinh khủng như thế cho nên McCoy mới gọi là "Ngô triều và băng cướp Ngô Đình Nhu" (Diems dynasty and the Nhu bandits). Nữ tiến sĩ Frances Fitzgerald cũng phê phán rằng: "Nhu đã hành động như kẻ thù cũ của Nhu là Bảy Viễn, cũng cướp biển (watefront piracy), cũng lừa đảo cướp bóc (extorsion racket), buôn lậu thuốc phiện và gian manh trong việc đổi ngoại tệ để chuyển ngân ra nước ngoài".
Tội tham nhũng của Nhu như thế mà vào khoảng đầu năm 1963, trong cuộc phỏng vấn của ký giả Stanley Karnow, Ngô Đình Nhu vẫn cứ lấp liếm lại còn miệt thị nhân dân khi Karnow hỏi Nhu cho biết ý kiến về tin đang được phổ biến khắp Sài gòn lên án vợ chồng Nhu tham nhũng, Nhu đã trả lời: "Việc đó không đúng sự thật, chúng tôi không có gì hết. Ông có thể xem xét chương mục của chúng tôi, chúng tôi rất nghèo". Ký giả Karnow vẫn hỏi tiếp: "Nhưng mà nhân dân thì đã nghĩ rằng ông là kẻ bất chính". Nhu xấc xược trả lời " Tôi bất cần nhân dân nghĩ gì".
Nhu bất cần nhân dân nghĩ gì nhưng nhân dân thì đã nghĩ xong rồi, và đã nói cũng như làm liền trong năm 1963 nghĩa là đã trừng phạt đích đáng kẻ tội đồ của đất nước.
Tuy nhiên dù Ngô Đình Thục và vợ chồng Ngô Đình Nhu tham nhũng bóc lột nhưng còn mượn danh nghĩa này danh nghĩa khác để cố che lấp tội ác, trái lại Ngô Đình Cẩn bót lột tham nhũng trắng trợn không biết kiêng nể ai kể cả việc cướp của giết người công khai.
Không như Ngô Đình Thục và vợ chồng Ngô Đình Nhu, vốn có Tây học lại nắm nhiều liên hệ với ngoại nhân nên đã tham nhũng một cách tinh vi và biết cách tẩu tán tài sản ra ngoại quốc, Ngô Đình Cẩn quê mùa và cục cằn nên mọi hoạt động tham nhũng đều trắng trợn xảy ra và nằm trong phạm vi Việt nam. Và cũng vì cá tính như thế nên Ngô Đình Cẩn không những bóc lột áp bức, hối mại quyền thế, dĩ ông vi tư mà còn không ngại ngùng nhúng tay vào những tội ác cướp của giết người nữa.
Một trong những hành động tham nhũng đầu tiên của Cẩn là khủng bố dược sĩ Nguyễn Cao Thăng để lấy 200.000 đồng bạc vào năm 1955. Sau khi tướng Nguyễn Văn Hinh về Pháp và tay chân thân tín của Hinh ở Huế là đại tá Trương Văn Xương, tư lệnh Quân khu II phải trốn vào Sài gòn, Ngô Đình Cẩn bèn cho tay chân ném lựu đạn vào tiệm thuốc Trường Tiền của Nguyễn Cao Thăng tại đường Trần Hưng Đạo, Huế, như đã nói trong chương III trước kia.
Ngô Đình Cẩn cho ném lựu đạn vào nhà thuốc Trường Tiền của Nguyễn Cao Thăng không phải vì để trả mối thù mà vì khủng bố để làm tiền.
Bị khủng bố, Thăng sợ quá vội vã nhờ ông Đoàn Nhượng, chủ tịch Phong trào Cách mạng quốc gia Thừa Thiên và ông Nguyễn Văn Bửu, một bạn thân của Thăng, một nhà thầu lớn người công giáo Phú Cam và có bà con với Ngô Đình Cẩn, dẫn Thăng tới yết kiến Cẩn để xin qui hàng và tạ tội. Lễ ra mắt là 200.000 đồng (hai trăm ngàn đông thời 1955 có thể đáng giá 200 triệu thời Nguyễn Văn Thiệu). Đồng thời Thăng tình nguyện lo việc kinh tài cho Cẩn để chuộc cái tội đã dám vô lễ với Cẩn trước kia. Một lần nữa Thăng âm mưu làm kẻ buôn vua, một thứ Lã Bất Vi bên Tàu xưa kia, danh hiệu mà một số người đã tặng cho Nguyễn Cao Thăng. Từ đây “lãnh chúa miền Trung" và "Lã Bất Vi" trở thành đồng chí như “kẻ cắp, bà già" gặp nhau, Cẩn khai thác tài làm tiền của Thăng, còn Thăng khai thác quyền uy của Cẩn để có địa vị, thế thần và cũng để làm giàu riêng.
Sau buổi lễ ra mắt nói trên, nhà thuốc "Trường Tiền" của Thăng ở Huế do một tay chân của Cẩn lo việc quản lý, còn Thăng thì vào Sài gòn thường xuyên ra vào dinh Độc lập, tiếp xúc với vợ chồng Ngô Đình Nhu. Thăng chỉ huy ngành xuất nhập cảng thuốc Tây, nhà bào chế O.P.V phụ trách ngành kinh tài cho anh em họ Ngô và trở thành một Dân biểu gia nô tích cực. Thế là từ một kẻ "dâm ô, vô luân, Việt gian v.v..." dược sĩ Nguyễn Cao Thăng bạn thân của “Thủ hiến Việt gian” Phan Văn Giáo, người đàn em trung tín của "Thủ tướng tay sai Pháp" Nguyễn Văn Tâm, trở thành đại công thần đắc lực của chế độ cộng hoà Nhân vị do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Trong lúc đó thì người bạn thân, người đồng chí, người ân nhân cũ của Tổng thống Ngô Đình Diệm, của gia đình họ Ngô là ông Trần Văn Lý cũng bị ném lựu đạn như Nguyễn Cao Thăng, lại trở thành nạn nhân của nhà họ Ngô, phải dẫn dắt vợ con vào ẩn trú tại Sài gòn cho đến đời sống trong cảnh nghèo nàn túng thiếu, lại còn bị nhà Ngô bắt bớ giam cầm sau vụ "Tuyên ngôn Caravelle" năm 1960.
Đến giữa năm 1956 và sau hai vụ tham nhũng đó, Cẩn đã có một số vốn to lớn và khá vững. Hơn nữa, với cái đà quyền hành mỗi ngày một vững chắc, lại có đảng viên "Cần lao công giáo" khắp nơi, có "Đoàn công tác đặc biệt miền Trung" do Dương Văn Hiếu cầm đầu với những nhân viên công an, mật vụ tàn ác như Phan Quang Đông, Lê Dư, Lê Hoạt, Trần Văn Hương... những kẻ mà chỉ mới nghe nói đến đã hung thần ác quỷ, Ngô Đình Cẩn trở thành một bạo chúa trên cả hai mặt tâm chất cũng như hành xử. Từ đó Cẩn coi nhân dân như vật tế thần, ngọn lửa bạo tàn từ cây gươm tham nhũng của Cẩn ra khắp nơi mà luật lệ quốc gia và uy quyền của ông anh Tổng thống cũng không cản trở nổi. Cẩn đã nắm trọn vẹn nền kinh tế quốc gia trong tay trên toàn bộ lãnh thổ miền Trung và vùng Cao Nguyên rồi nhưng vẫn thấy chưa đủ nên còn vươn dài cánh tay đến tận Sài gòn. Cẩn giao cho những tay chân thân tín như nhà buôn Trần Duy An khai thác quế tại vùng rừng núi Trà My, Trà Bồng, tại Quảng Ngãi; nắm lấy độc quyền bán gạo đại bài cho dân miền Trung; khai thác yến sào tại Khánh Hoà. Cẩn giao cho nhà thầu Từ Tông Dũng phụ trách đấu thầu xây cất những khách sạn lớn. Những thành phố có nhiều du khách và công chức lui tới như Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài gòn, Đà Lạt, Ban Mê Thuộc... đều có khách sạn lớn của Cẩn. Ở Huế có khách sạn Thuận Hoá, tại Nha Trang có khách sạn Nha Trang trên 300 phòng, tại Sài gòn có khách sạn Ambassador do Lê Văn Hiệp đứng tên, tại Ban Mê Thuộc có khách sạn Hương Giang do Dân biểu tay chân Nguyễn Văn Bỉnh quản lý... Cẩn tạo mãi rất nhiều nhà cửa ở Huế và Đà Nẵng, nhiều đất ruộng An Cựu, An Hoà và vùng lăng tẩm do Tỉnh trưởng Hà Thúc Luyện, thương gia Trần Duy An và nhiều tay chân đứng tên. Tại Sài gòn, Cẩn có hãng kỹ nghệ bông vải lớn nhất nước là Vinatexco giao cho dân biểu tay sai là Lâm My Bạch Tuyết điều khiển. Cẩn có nhà bào chế thuốc Tây dọc đường Cách mạng do Quốc Thuận quản lý, và tại đường Hai bà Trưng, Cẩn có một toà building 6 tầng lầu làm văn phòng giao dịch thương mãi cho mẹ con mụ Luyến đứng tên, Cẩn còn có một đội hải thuyền và nhiều đồn điền như ký giả Warnier đã nói đến trong tác phẩm “The Last Confucian" làm cho Trần Văn Khiêm em ruột bà Nhu phải điều tra.
Cẩn cũng buôn thuốc phiện lậu và vàng lá từ Lào về miền Trung chuyển vận bằng xe đò chạy trên đường quốc lộ 9.
Lúc đầu tôi không biết Cẩn buôn lậu thuốc phiện và vàng lá từ Lào về cho đến khi ông Trần Văn Hướng một bạn thân của tôi đang giữ chức tham vụ Toà đại sứ Việt nam tại Vạn Tượng (Lào) về Sài gòn công tác, tìm gặp tôi để than phiền về tác phong vô kỷ luật của trung tá Nguyễn Quang Thông (một Công giáo Cần lao) tuỳ viên quân sự của Toà đại sứ. Chỉ một tháng sau Thông mất chức, bị trả về quân đội, bèn đến gặp tôi đề phân trần. Cuối cùng Thông thú thật chỉ vì anh ta có chuyển chút ít vàng lậu và thuốc phiện từ Lào về Sài gòn mà bị ông Ngô Đình Cẩn ganh tức rồi làm áp lực với Toà đại sứ Việt nam tại Lào và Bộ trưởng quốc phòng để cắt chức Thông. Nhờ vụ tranh ăn này, tôi biết được đường dây và hệ thống buôn lậu vàng và thuốc phiện của Ngô Đình Cẩn từ Vientiane, Attopeu, Schepone v.v về miền trung. Tôi đem việc này trình Tổng thống Diệm, ông trả lời: "Ừ, để xem lại đã", nhưng rồi cũng như bao nhiêu vụ tham nhũng khác của Ngô Đình Cẩn cứ cùng với thời gian mà trôi đi, hoạ chăng nó chỉ chứa chết thêm căm thù và khinh bỉ trong lòng người dân miền Nam mà thôi.
Đầu năm 1963, trước khi xảy ra biến cố Phật giáo, đại uý Trần Thích, chánh sở An ninh quân đội Huế, bắt được một chiếc xe Peugoet 404 do hai bà sơ trẻ Việt nam lái từ chân đèo Hải Vân chạy về hướng Đà Nẵng, trên xe chở đầy dược phẩm, đặc biệt là thuốc trụ sinh. Cật vấn hai bà sơ thì được biết xe thuốc đó là của "ông cậu" và của bác sĩ Lê Khắc Quyến (giáo sư Y khoa Đại học Huế vừa là bác sĩ riêng của Cụ thân mẫu ông Diệm) nhờ chở đến cho một tư nhân tại Đà Nẵng mà An ninh quân đội đã tình nghi là chuyển lên mật khu cho Việt cộng. Tôi cũng đem nội vụ trình lên ông Diệm, lần này ông Diệm ra lệnh điều tra, nhưng rồi biến cố Phật giáo xảy ra, cuộc điều tra bị bỏ dở.
Đối với Ngô Đình Cẩn và bộ hạ của ông ta thì từ thượng vàng hạ cám, bất kỳ thứ gì có lợi là họ xen vào, giành lấy để làm tiền. Cũng vì thế mà đại tá Đàm Quang Yêu, một sĩ quan người Bắc, đã can đảm công khai đứng vào hàng ngũ Phật tử Huế để đấu tranh năm 1965 chống lại du đãng Cần lao dưới thời Thiệu-Kỳ. Nguyên dưới thời của Cẩn, thiếu tá Đàm Quang Yêu chỉ huy một Trung đoàn bộ binh hoạt động tại Quảng Ngãi, nhân vì thấy thành phần Cần lao địa phương quá lộng hành trong việc ép buộc dân quê để mua rẻ bò, rồi lấy xe quân đội lái về Đà Nẵng bán. Yêu bèn quyết liệt cản trở việc làm thất nhân tâm của chúng. Chẳng những bọn Cần lao địa phương đã không bị trừng phạt (vì viên Tỉnh trưởng Quảng Ngãi là người của Ngô Đình Cẩn) mà thiếu tá Yêu còn bị tố cáo là phản động và phá rối công cuộc trị an của chính quyền địa phương. Yêu bị An ninh quân đội Huế, thiếu tá Sung (một cán bộ Cần lao) bắt giam để đem ra Toà án quân sự. Vụ này, nếu tôi không sáng suốt thì cuộc đời binh nghiệp dày công chiến đấu chống Cộng tại Bắc Việt trước kia của Đàm Quang Yêu đã tan nát và thân mạng của Yêu còn phải vướng vào vòng lao lý. Tôi đã buộc Sung chuyển nội vụ vào Sài gòn cho tôi xét xử và đích thân ra lệnh trả tự do thiếu tá Đàm Quang Yêu. (Tôi tin rằng Thiếu tướng Hoàng Văn Lạc và nhiều bạn bè thân tín của Yêu hiện ở ngoại quốc còn nhớ rõ vụ này).
Lúc mới cầm quyền, Cẩn có bớ ngỡ vì vẫn mang đầu óc của một nhà phú hộ miền quê nên chỉ lo tích giữ bạc giấy 500 đồng. Nhân dịp sửa lại ngôi nhà như tôi đã nói trong một mục trước, Cẩn bèn cho xây trong phòng ngủ của Cẩn (cạnh phòng mụ Luyến) một cái hầm để chứa bạc. Hầm có kích thước bằng bề mặt cái giường của Cẩn nằm có nghĩa là độ 1m60 và 2 mét, và bề sâu quá đầu người, muốn xuống phải dùng thang. Giám đốc Bảo an Trung phần lúc bấy giờ là đại tá Nguyễn Vinh kể cho tôi nghe rằng có lần Đại biểu Trung Việt Hô Đắc Phương, Tỉnh trưởng Hà Thúc Luyện, và cả Vinh được Cẩn huy động vào phòng riêng để đếm bạc và cột lại thành từng bó. Tôi hỏi Vinh tại sao Cẩn lại bắt nhân viên cao cấp đến đếm bạc như vậy thì Vinh cho biết vì Cẩn tin rằng những người đã có chức quyền khi đếm bạc không ăn cắp, không thu giấu. Dần dần Cẩn tỏ ra văn minh hơn, vả lại vì giấy bạc quá nhiều nên hầm tuy rộng mà vẫn chứa không đủ, nên Cẩn bèn mua vàng, hột xoàn, kim cương, đô la, để lưu trữ và bắt đầu có ý niệm chuyển tiền ra nước ngoài để phòng xa. Theo hồi ký của tướng Trần Văn Đôn cho biết, Cần đã gởi được ra ngoại quốc 7 triệu đô la vào năm 1961. Vào tháng 10 năm 1963, hình như Cẩn đã cảm thấy được tình hình có thể nguy ngập cho chế độ và cho gia đình nên Cẩn cho chuyển vào nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế 14 thùng vàng (thùng đạn quân đội), riêng Cẩn thì chỉ giữ lại một hộp xoàn, kim cương bên mình. Trưa ngày 1-11-63, khi tiếng súng cách mạng bắt đầu nổ tại Sài gòn, tướng Đỗ Cao Trí, lúc bấy giờ là Tư lệnh quân đoàn 1 và là tay chân thân tín của Tổng thống Diệm, bèn ra lệnh cho đại tá Nguyễn Văn Mô (tiểu khu trưởng Thừa Thiên) và thiếu tướng Hiền (Chánh văn phòng của Trí) đem một trung đội đến bố trí quanh dinh thự của Cẩn, súng chĩa ra ngoài để bảo vệ an ninh cho “ông cố vấn”. Nhưng sáng mồng hai, khi nghe tin ông Diệm đã đầu hàng và đã xin hội đồng tướng lĩnh để xuất ngoại, trung đội bảo vệ an ninh cho Cẩn lại được lệnh quay súng vào dinh thự của Cẩn. Sau vụ lật đổ chế độ Diệm, tôi vì quá bộn bề công việc chỉ nghe kể lại rằng hộp hột xoàn kim cương của Cẩn được đổ đầy một mũ sắt nhà binh, và tất cả đồ lễ quý giá trong dinh của Cẩn đều về trong tay tướng Trí. Tướng Đỗ Cao Trí cũng lấy lại được 7 thùng vàng trong số 14 thùng sau mấy ngày thương lượng gay go với các bề trên Dòng Cứu Thế.
Trong hệ thống tham nhũng, bóc lột của Ngô Đình Cẩn và bộ hạ, ngoài việc các Tỉnh trưởng, Quận trưởng, Trưởng ty Công an áp bức để tịch thu và mua rẻ những vật quý giá, xưa cổ của lương dân do tiền nhân của họ để lại, thì có lẽ việc bắt bớ, giam cầm tra khảo những nhà giàu tại Huế và Đà Nẵng là những hành động tàn ác, vô nhân đạo nhất.
Tại Huế, Cẩn đã cho bắt một số nhà giàu rồi gán cho họ tội làm "gián điệp cho Pháp” để Cẩn làm tiền. Trong số những nhà giàu đó hiện tại ở Mỹ, có cụ Võ Văn Quế hiện ở Glendale, và cụ Hữu Bang ở Los Angeles đã từng là nạn nhân đớn đau của Cẩn. Mỗi nạn nhân thường bị giam cầm, tra tấn đến gần 3 năm trời, phải chịu mất hết tài sản rồi mới được trả tự do. Ông Nguyễn Văn Yến, chủ nhà hàng Morin, một nhà hàng khách sạn lớn nhất Cố đô Huế mà ông đã mua lại của người Pháp, bị bắt và tra tấn tới gần chết cho đến khi ông Yến dâng hết tài sản và bà vợ phải ngày đêm đến van vái lạy lục Cẩn, ông Yến mới được trả tự do. Nhưng chỉ mấy tháng sau khi được về nhà, không chịu nổi những biến chứng của vết thương trong khi bị tra khảo, ông Yến bị thổ huyết mà chết dù lúc bấy giờ ông ta vẫn chưa đến 40 tuổi. Ông Nguyễn Đắc Phương, một nhà thầu giàu có nhất nhì miền Trung, cũng bị bắt bớ và tra khảo đến chết, vì vợ chồng ông nổi tiếng cứng đầu, không chịu dâng tài sản cho Cẩn. Khi ông chết rồi, công an không những làm khó dễ công việc tống táng theo nghi thức Phật giáo mà còn lập biên bản bảo rằng Nguyễn Đắc Phương nhảy lầu tự tử. Sau ngày chế độ Diệm bị lật đổ bà Phương đưa nội vụ ra toà án Sài gòn để mong công lý cách mạng cởi mở mối oan khiên cho chồng và để tố cáo tội ác anh em nhà Ngô. Toà đã xử cho bà Phương thắng kiện, nhưng dù thắng kiện thì những kẻ thua kiện như Ngô Đình Cẩn, Phan Quang Đông... đã đền tội với quốc dân đồng bào rồi nên bà Phương còn biết đứng ở cổng Toà và trước sự hiện diện của đông đảo báo chí khóc lóc và nguyền rủa nhà Ngô để mong thoả được vong linh người chồng đã chết đau thương vì nền tham nhũng của chế độ “Nhân vị Ngô triều”.
Không riêng tại Huế mà tại Đà Nẵng, hai anh em Trương Công Huynh Đệ sau khi mất hết tài sản mới được thả ra về, nhưng dù được thả về thì miệng của ông Trương Công Cương đã bị mất cả hai hàm răng, môi dưới trề hẳn xuống và má thì bị kéo lệnh qua một bên, làm cho một con mắt cũng bị lệch xuống trông rất dễ sợ. Ông Trương Công Cương có hai người con trai hiện đang ở tại hải ngoại là anh Trương Công An, cựu sĩ quan quân đội, hiện đang ở tại Houston, Hoa kỳ, và anh Trương Công Trứ, đi du học ở Đức từ trước năm 1975. Còn nhiều nạn nhân khác nữa về "vụ án gián điệp miền Trung" mà tôi không kể ra đây.
Vụ án mà các nạn nhân là cụ Quế, Bửu Bang, ông Nguyễn Văn Yến, ông Nguyễn Đắc Phương, anh em Trương Công Huynh Đệ, được gọi là "vụ án gián điệp miền Trung" bây giờ mỗi lần nhắc lại là người dân ở hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam đều không khỏi nghiến răng cau mày.
Vụ án "gián điệp miền Trung" tưởng đã theo thời gian chôn vùi vào quên lãng, không ngờ vào năm 1963, khi giám mục Ngô Đình Thục hoán chuyển ra Huế, vụ án lại được soi sáng trở lại. Tiếc rằng nó được khơi dậy quá trễ nên chỉ như một âm vang để rồi sau ngày Cách mạng 1-11-63 mới được bà Phương và báo chí viết vào lịch sử. Đầu năm 1963, những nạn nhân của vụ án, nhân dịp anh em Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Thục đang mâu thuẫn nhau vì tranh lợi nên họ lợi dụng thế yếu của Cẩn trước uy quyền của Thục, và lợi dụng Thục cũng là tay tham lam vô độ, bèn khơi lại nỗi oan ức làm tan nát gia đình họ và nhờ một linh mục tên Kỷ (vốn là cộng sự viên thân tín của Thục) vận động với Thục để nhờ giải oan. Ngô Đình Thục tức tốc ra lệnh cho đại uý Trần Thích, chánh sở An ninh quân đội tại Huế thụ lý nội vụ. Vì là vấn đề tế nhị, Thích bèn bay vào Sài gòn để xin chỉ thị của tôi.
Sau khi nghe Thích trình bày toàn bộ chi tiết của nội vụ, tôi bèn vào gặp ông Diệm với hy vọng lần này có thể dùng một viên đạn bắn ba con chim: vừa lật mặt nạ Ngô Đình Cẩn vừa công khai hoá mâu thuẫn giữa Thục và Cẩn, và quan trọng nhất là để chứng minh cho ông Diệm thêm một lần nữa về những tệ đoan do anh em ông gây ra cho dân chúng. Tôi vào dinh Gia Long trình bày với ông Diệm việc Đức Cha ra lệnh điều tra vụ án “gián điệp miền Trung” mà không đề cập đến tên Ngô Đình Cẩn. Ông Diệm vừa nghe có lệnh của Đức Cha vội nói: “Phải làm cho ra lẽ". Tiếc thay cái ý định của tôi muốn gây cho phe Thục và phe Cẩn tranh chấp mâu thuẫn nhau chưa đi đến đâu thì độ mười ngày sau ông Diệm bảo tôi: "Thôi việc đã cũ rồi, hãy xếp đi” mà không có một lời giải thích. Tôi đoán ông Ngô Đình Cẩn đã năn nỉ và ông Diệm đã chịu xếp bỏ vụ án, nên chỉ còn biết ông Diệm đánh điện ra Huế cho Thích. Công lý dưới thời nhà Ngô không thể vượt qua được những tranh chấp quyền lợi của anh em nhà Ngô.
Sau vụ "gián điệp miền Trung”, vào năm 1958, tập đoàn Ngô Đình Cẩn lại bày ra vụ án "Cộng sản nằm vùng", Cẩn và bộ hạ cũng cho bắt một số nhà giàu và cũng dùng phương pháp vu khống, khủng bố, giam cầm và tra tấn để làm tiền. Các nhà giàu lớn ở miền Trung như các ông Tôn Thất Cẩn, hai anh em ông Lê Trình và Lê Hành đều là nạn nhân của Ngô Đình Cẩn. Sở dĩ lúc bấy giờ Ngô Đình Cẩn cho bắt nhiều nhà thầu lớn không chỉ để thuần làm tiền mà thủ đoạn hơn, còn để làm giảm thiểu con số nhà thầu có thể cạnh tranh được với Từ Tôn Dũng, nhà thầu riêng của Cẩn để Dũng được độc quyền đấu thầu những dịch vụ xây cất to lớn như làm đường sá, xây kho đạn, xây các trung tâm huấn luyện, các phi trường cho quân đội và cơ sở Mỹ. Ông Tôn Thất Cẩn (ông Cẩn này khác với ông Cẩn anh em ruột ông Tôn Thất Toại) nhờ kinh nghiệm "vụ án gián điệp miền Trung” lại nhờ có tướng Lê Văn Nghiêm bảo đảm nên chỉ bị bắt mấy ngày rồi có vợ con lo lót cho công an nên được trả tự do. Sau khi ra khỏi nhà giam công an Thừa Thiên, ông Tôn Thất Cẩn vội vã từ bỏ nơi ông chôn nhau cắt rốn để rời toàn bộ gia đình về Sài gòn (ở đường Huỳnh Thúc Kháng) mở hãng xuất nhập cảng và tiếp tục làm nghề thầu khoán. Còn hai ông Lê Trình và Lê Hành nghĩ mình không có tội tình gì nên đã lì ra, không chịu lo lót nên bị Ngô Đình Cẩn giam suốt 3 năm trời tại nhà giam Mang Cá. Nhưng dù 2 anh em Lê Trình và Lê Hành có xương đồng da sắt cũng không chịu nổi cảnh tra tấn tù đày của đám bộ hạ Phan Quang Đông nên cuối cùng các ông phải cúng đi một phần gia tài để được ra khỏi cảnh lao lung. Cũng như nhiều nạn nhân của Cẩn ra khỏi chốn lao tù, ông Lê Hành biết rằng còn ở Huế là vẫn còn ở trong tay sắt của lãnh chúa miền Trung, bèn "cộng thê đái tử” vào Sài gòn trú ngụ.
Mặc dù ông Lê Hành thuộc gia đình Phật tử thuần thành nhưng trước khi thoát được cõi tù đày, riêng ông Lê Hành đã cải đạo Thiên chúa giáo. Ông đã công khai cho nhiều người biết rằng khi còn nằm trong lao Mang Cá ông chiêm bao thấy Đức Mẹ hiện ra nên ông đã cải đạo; nhưng đối với nhân dân vốn có kinh nghiệm với bàn tay sắt anh em nhà Ngô, việc một nạn nhân phải cải đạo nhất là sau đó phổ biến việc cải đạo này cho càng nhiều người càng tốt, thì đó chỉ là một trong các mánh khóe để khỏi bị tai hoạ.
Trong khi đó thì với tài sản kếch sù sau bao năm vơ vét của người dân hiền lành cô thế, Cẩn bắt đầu thực hiện giấc mơ nhung lụa. Thật vậy, vốn mang bản tính quê kệch của một nhân viên chánh tổng thời đô hộ Pháp, suốt thời thơ ấu và trung niên chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà cổ kính không hề trực tiếp cọ sát với xã hội bên ngoài, nay nhờ thế lực và uy quyền của các ông anh mà có quyền sát phạt như một lãnh chúa, tiền bạc tuôn vào nhà như nước phù sa. Ngô Đình Cẩn bèn thực hiện cuộc sống đế vương. Mới cầm quyền, Cẩn vội xây ngôi nhà mát thật huy hoàng tại cửa Thuận An để hàng tuần Cẩn cùng nhiều người đẹp đến đó du hí. Vào những năm chót của chế độ, Cẩn cho xây lăng và xây khu An Dưỡng tại Châu Ê là nơi phong cảnh hữu tình của đất Cố đô nằm về phía Tây thành phố Huế, ở bên kia dốc Nam Giao, gần dòng tu Thiên An của Thiên chúa giáo. Vùng đất rộng hơn mấy chục mẫu này bị Cẩn cưỡng chiếm nguyên thuộc sở hữu của một người miền Nam lấy vợ Huế và thích nghề săn bắn. Sau đó Cẩn tịch thu luôn cả đồn điền của ông ta và bắt Tiểu đoàn Công Binh ở Huế xây dựng lăng tẩm cho mình.
Theo hồi ký của sĩ quan tuỳ viên Đỗ Thọ, Tổng thống Diệm có đến thăm lăng tẩm và khu An Dưỡng này của Cẩn. Thấy Cẩn xây cất quá đồ sộ tốn kém đến cả trăm triệu bạc mà vẫn chưa hoàn thành, ông Diệm có vẻ bực mình và trách Cẩn: "Làm chừng đó được rồi, sơ sài thôi, khi tôi hết làm Tổng thống sẽ tính toán nữa. Chú xây cất to lớn dân dị nghị. Quân đội ngày đêm lo lắng nó oán". Nhưng Cẩn vội nói lẫy ngay: "Các anh quá sướng, cho tôi hưởng tí xíu, lúc mẹ không còn trên đời này, tôi không cần chi nữa mà lo". Thấy Cẩn đem mẹ ra làm bùa và đã có thể giận, Tổng thống Diệm im lặng nhìn cậu út Cẩn vẫn như phó mặc chú em muốn làm gì thì làm...
Dưới thời Đệ nhị cộng hoà, Nhà văn đại uý Phan Nhật Nam khi hành quân trong vùng núi rừng lăng tẩm Huế, nhân đi qua và nhìn thấy lăng Ngô Đình Cẩn, anh đã nặng nề mỉa mai "Những ngày cuối tháng 9 đóng ở lăng Ngô Đình Cẩn, thật là một tham vọng tội nghiệp của một trí óc non yếu, ông ta bắt chước những cái vĩ đại của lăng tẩm vua chúa nhà Nguyễn xây phần mộ mình theo kích thước nhà vua. Nhưng sự bắt chước nghèo nàn, kiến trúc được xây dựng bằng những vật liệu tân thời lại có vẻ muốn xưa cổ kính, sự hoà hợp không có, trở nên tủn mủn, vụn vặt, quê mùa, kệnh cỡm như một lão phu diện âu phục". Có lẽ lúc Phan Nhật Nam dừng quân nơi lăng tẩm thì những vật liệu quý giá trang trí cho ngôi lăng của Cẩn đã bị tẩu tán rồi vì theo nhiều nhân chứng trong đó có đại tá Phùng Ngọc Trưng kể lại thì ngoài những kiến trúc như ao sen, hồ bán nguyệt, con suối nhân tạo róc rách chảy quanh lăng, cửa Tam Quan trước ngõ, hòn giả sơn giữa đồi thông... những công trình do Công binh kiến tạo tô điểm cho cảnh trí của ngôi lăng thêm mỹ lệ thì còn có những đồi khí tự của các đình, chùa như chiêng, trống, bát bửu, hoành phi, hương án sơn son thếp vàng được tay chân dâng hiến để tô điểm lăng tẩm mình thêm tráng lệ, tôn nghiêm cho đúng với cung cách lăng tẩm của bậc đế vương thời trước. Theo đại tá Trưng thì tại ngôi lăng của Cẩn có cái trống đình, cái chuông chùa bề kính hơn hai thước, cao hơn cả đầu người, thật là những bảo vật thờ cúng hiếm hoi của dân tộc Việt đã bao đời để lại. Nhưng có lẽ khí thiêng sông núi, anh linh trời đất, thánh thần không cho kẻ bạo tàn hưởng thụ cho nên công cuộc kiến trúc lăng tẩm chưa xong thì Ngô Đình Cẩn đã phải đền tội xử bắn. Sau ngày lật đổ chế độ Diệm, dân chúng Huế và cả Thừa thiên lũ lượt đổ về Châu Ê xem lăng của Cẩn để tận mắt chứng tích của những tội ác không bao giờ quên. Tuy nhiên sau khi Ngô triều sụp đổ nhóm “Công giáo Cần lao” viết sách đăng báo tuyên truyền rằng bà Nhu, ông Cẩn chẳng có tội tình gì, chẳng qua dư luận "có ít xít ra nhiều" để vu oan cho những người “có công với đất nước”. Họ không biết rằng anh em nhà Ngô là những kẻ "bất cận nhân tình" tàn bạo với tất cả mọi người, kể cả những tay chân thân tín, miễn là họ có lợi, như trường hợp sau đây:
Phùng Ngọc Trưng, thuộc một gia đình gia giáo, đạo đức và quyết tâm theo ông Diệm với tất cả lòng thành, với ước nguyện ông Diệm trở thành nhà cứu quốc. Thời ông Diệm thất thế còn sống ở Mỹ, Trưng đã đóng góp rất nhiều tiền bạc giúp anh em ông Diệm hoạt động chính trị. Khi ông Diệm về nước cầm quân, một người em trai của ông Trưng là đại uý Phùng Ngọc Ba được gửi ngay vào Sài gòn làm sĩ quan tuỳ viên, một người anh khác của Trưng là một thượng sĩ được ở trong tiểu đội phục vụ cho dinh Phú Cam còn Trưng được giao cho chức Giám đốc Quân nhu Quân khu I. Cả ba anh em đều phò một chúa với tất cả tấm lòng hy sinh tận tuỵ. Thế mà Ngô Đình Cẩn chỉ vì lòng tham không đáy đã nỡ ra tay cho bọn mật vụ tới bao vây nhà Phùng Ngọc Trưng ở đường Hàng Bè (Huế), cướp của Trưng bộ trường kỷ xưa chạm trổ cẩm xà cừ quý giá và mấy cái chậu xưa, ché cũ mà Trưng đã dành dụm tiền mua sắm để làm gia bảo. Bất tận nhân tình đến thế là cùng.
Hệ thống và khu vực làm tiền của Cẩn không phải chỉ giới hạn ở miền Trung mà còn vươn dài vào Sài gòn khuynh loát tận cơ quan đầu não của quân đội. Vài trường hợp điển hình mà tôi xin kể ra sau đây nói lên cái màng lưới tham nhũng ghê tởm đó:
- Câu chuyện thứ nhất: Vào năm 1959, một hôm tôi đi xem chiếu bóng ở rạp Majestic (góc đường Tự Do và Bạch Đằng) thì tình cờ gặp Dân biểu Lê Trọng Quát, một tay chân thân tín của Ngô Đình Cẩn. Ông Quát đến gần chào tôi rồi nói: "Ông cố vấn miền Trung bảo tôi đến thăm nhà đại tá dùng quyền an ninh chặn đứng vụ đấu thầu phi trường Đà Nẵng của Tôn Thất Cẩn".
Tôi rất bỡ ngỡ và hơi bực mình vì thái độ sỗ sàng của ông Quát nhưng vẫn bình tĩnh trả lời: "Tôi sẵn sàng, nhưng xin ông Dân biểu nói với Cậu gửi cho tôi một tấm thiếp thì tôi sẽ giúp Cậu ngay". Thật ra tôi cũng nói cho có chuyện chứ biết trước rằng Ngô Đình Cẩn dại gì viết giấy để bút tích lại cho tôi.
Không ngờ một hôm, đúng hai giờ rưỡi chiều, tôi đang làm việc trong văn phòng ở Nha thì chuông điện thoại đổ (thứ điện thoại đặc biệt chỉ nối liền giữa những nhân vật quan trọng với Tổng thống) reo vang. Tôi không biết có gì quan trọng mà Tổng thống gọi điện thoại đổ vào giờ này. Vừa nhắc điện thoại lên thì đầu kia tiếng ông Diệm quát tháo: “Anh ăn tiền của thằng Cộng sản Tôn Thất Cẩn phải không?” Tôi bỡ ngỡ không biết thằng Cộng sản nào là Tôn Thất Cẩn và vì sao mà ông Diệm lại khiến trách mình ăn tiền, bèn thưa lại: "Bẩm Cụ, Tôn Thất Cẩn nào ạ?". Ông Diệm nói liền: "Thằng Tôn Thất Cẩn đang đấu thầu sân bay Đà Nẵng do Mỹ viện trợ". Tôi bèn định phân trần thì ông Diệm lại bảo: "Anh ra đây ngay”, rồi cúp máy. Lúc bấy giờ tôi mới nhớ lại vụ dân biểu Lê Trọng Quát can thiệp cách đây gần vài tuần, bèn gọi nhân viên đưa hồ sơ nhà thầu Tôn Thất Cẩn lên nghiên cứu trước khi vào yết kiến Tổng thống. Thì ra không phải ông Tôn Thất Cẩn chủ tiệm ăn “Tables des Mandanns”, trước ở Paris, từng là ân nhân của ông Ngô Đình Diệm, mà bây giờ đang sống cuộc đời bất đắc chí vì sự vong ân bội nghĩa của nhà Ngô, mà lại là một Tôn Thất Cẩn khác ở đường Huỳnh Thúc Kháng, Sài gòn.
Tôi vào dinh thấy mặt ông Diệm còn hầm hầm. Từ ngày gặp ông lần đầu vào năm 1942 đến nay đã mấy chục năm rồi, đây là lần đầu tiên ông tỏ thái độ giận dữ đối với tôi như vậy. Thường thì mỗi khi vào văn phòng ông, ông chỉ ghế cho tôi ngồi ngay, nhưng hôm nay ông làm thinh nên tôi phải đứng để trình bày công việc. Tôi vừa giơ tay chào xong thì ông Diệm lập lại câu nói trong điện thoại: “Tại sao anh cho tên Việt cộng Tôn Thất Cẩn đấu thầu sân bay Đà Nẵng, anh ăn tiền của nó phải không?” Tôi bèn lật Hồ sơ ra chỉ từng tài liệu cho ông xem lý lịch của Tôn Thất Cẩn. Hồ sơ lý lịch ghi rằng Tôn Thất Cẩn in truyền đơn cho đảng Đại Việt ở Huế năm 1954-1955 mà giá trị chỉ là B-2. Tôi bèn nói:
- Thưa Cụ, Tôn Thất Cẩn không có chứng tích gì là Cộng sản cả, mà chỉ tình nghi là Đại Việt. Hơn nữa, trước khi y thầu được phi trường Đà Nẵng do Mỹ viện trợ, thì cũng đã thầu được việc xây cất trường Võ Bị Đà Lạt 200 triệu rồi. Nay y đã hoàn thành công tác phi trường với giá 360 triệu, chỉ còn lại 40 triệu tiền xây ống cống, hàng rào và một số nhà tôn phụ thuộc...
- Không lẽ hồ sơ của y "trắng" như thế mà tôi lại bác bỏ hay sao.
- Thưa Cụ tôi chỉ xét hồ sơ về mặt an ninh mà thôi chứ cả đời tôi chưa biết nhà thầu Tôn Thất Cẩn là ai.
Tôi nói đến đó, mặt ông Diệm từ từ bớt đỏ, ông dựa người ra sau có vẻ thoải mái rồi nói: “Nhưng anh nên giúp đỡ cho ông Cậu cho đoàn thể để họ có tiền hoạt động”. Tôi liền thưa lại: “Bẩm Cụ đó là bổn phận của tôi nhưng ít ra Cậu cũng phải cho tôi biết khi nào Cậu muốn gì, chỉ cần Cậu biên cho tôi mấy chữ là xong chứ có khó khăn gì đâu”.
Ra khỏi dinh Độc lập tôi vội qua Bộ quốc phòng gặp Bộ trưởng Trần Trung Dung để phân trần hầu chặn đứng trước trường hợp Ngô Đình Cẩn có thể xuyên tạc trong tương lai. Trần Trung Dung khen tôi rồi bảo: "Đại tá cứ ngay thẳng như thế mà làm, có việc gì tôi đỡ cho. Sau này khi về hưu, tôi cũng quên dần những chuyện cũ như chuyện đấu thầu của Tôn Thất Cẩn, hoạ chăng đêm nằm suy tư nghe tiếng chắc lưới của những con thằn lằn rồi nhớ đến Thục, Nhu, Cẩn mà thương cho số kiếp thạch sùng... chết rồi còn tiếc của nên suốt đêm trường canh vắng mà vẫn còn khắc khoải kêu than. Mười năm sau câu chuyện oan khiên của ông Tôn Thất Cẩn tưởng như đã đi vào dĩ vãng không ngờ được khơi động trở lại làm ấm lòng tôi trong một khung cảnh huy hoàng như câu chuyện Liêu Trai.
Vào khoảng năm 1970, một hôm tôi nhận được tấm thiệp của hội đồng Nguyễn Phước Tộc do Bác sĩ Bửu Du (Chủ tịch Hội đồng) gởi mời tham dự lễ kỵ Đức Thế Tổ Cao Hoàng nhà Nguyễn tại Gia định và sau đó dự luôn cơm chiều. Đây là lần đầu tiên tôi được Hội đồng Hoàng tộc mời nên cảm thấy ngỡ ngàng, dù trước kia thời làm tham mưu trưởng Việt Binh đoàn ở Huế, tôi cũng đã có dịp vào cung Diên Thọ dự tiệc do Đức Từ khoản đãi và cũng trong một vài dịp chứng kiến những nghi lễ cúng kỵ cái bậc Tiên vương nơi Thế Miếu, ngày Quốc trưởng Bảo Đại mới về nước chấp chính năm 1940.
Dạo đó, mỗi khi tết đến xuân về, văn võ bá quan nơi cố đô từ vị Thủ hiến trở xuống đều được Đức Từ cho mời vào Cấm thành để bà thết đãi một bữa cơm thân mật đầu xuân gọi là chút ơn mưa móc của bà mẹ Quốc trưởng ban cho những người đang phục vụ dưới chế độ của con bà. Nhưng tôi vẫn cho là hành động của bà Từ Cung là thông lệ xã giao hình thức. Còn nay thì khác hẳn, nay tôi chỉ còn là một người lính già về hưu, tên tuổi đã theo thời gian làm lu mờ trước một xã hội đang sôi động vì hoàn cảnh thế nhân tranh giành danh lợi. Thế mà với tư cách đó, tôi lại được Nguyễn Phước Tộc mời tham dự lễ cúng đấng Tiên vương khai sinh triều đại nhà Nguyễn, thống nhất sơn hà thì ắt phải phát xuất từ một thái độ nhân tình hơn là xã giao. Nghĩ thế nên tôi quyết định đi dự lễ kỵ huý nhật vua Gia Long.
Trụ sở Nguyễn Phước Tộc là một biệt thự vô cùng lộng lẫy, nhà ngang, lầu dọc, vườn rộng sân to, có cây cổ thụ, có hoa bốn mùa, có ao sen hồ cạn, trong nhà trưng bày toàn đồ xưa của quý. Tôi thấy có ngoài rất đông bà con Hoàng tộc còn có nhiều vị quan lại cũ và nhiều nhân vật tên tuổi. Cụ Bửu Du, chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước Tộc dẫn tôi đến giới thiệu với Đức Từ đang ngồi trên chiếu cẩm đôn chung quanh có các bà áo gấm khăn vàng mà một thời đã là những mệnh phụ phu nhân chầu hầu. Đức Từ ngỏ lời cảm ơn tôi về bài báo trên tờ Độc lập mà tôi đã viết để làm sáng tỏ cái công nghiệp của cựu hoàng Bảo Đại đã đứng hợp pháp và vùng đất dựa chân để chiến đấu chống Cộng sản.
Sau buổi lễ cúng theo nghi thức cổ truyền dân tộc, chúng tôi được mời ra sân dự tiệc. Tôi ngồi cùng bàn với vài vị đại thần cũ, với ông Vĩnh Thọ, cựu Đại sứ Việt nam tại Nhật, và với tướng Đôn Thất Đính... Thật là một kỷ niệm lạ lùng khó quên trong đời tôi vì trong ngày lễ lớn này dòng họ Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng, dòng họ đã có công mở mang bờ cõi nước Việt nam đến tận Châu Đốc, Hà Tiên, hình như quan khách toàn là người Hoàng Phái, toàn là Hướng, Ung, Bửu, Vĩnh, Tôn Thất mà chỉ có một mình tôi không thuộc Hoàng phái mang cái tên Đỗ dân dã quê mùa con của một vị đồ nho sinh bất phùng thời của vùng sông Linh núi Hoành đồng chua nước mặn.
Trước khi bữa tiệc bắt đầu, một nhân vật mà tôi chưa hề quen biết cầm tay tôi kéo đi giới thiệu với nhiều người “Đây là thiếu tướng Đỗ Mậu, người đã có công lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và là ân nhân của riêng tôi". Thì ra người đó là Tôn Thất Cẩn, nhà thầu khoán tiếng tăm có ngôi biệt thự lộng lẫy tại đây mà Nguyễn Phước Tộc đang mượn tạm làm trụ sở tại Sài gòn sau khi tôn miếu nơi Cố đô vì biến cố Mậu Thân mà hương tàn khói lạnh. Vì bất ngờ không nhớ chuyện cũ nên tôi đã hỏi ông Cẩn vì sao gọi tôi là ân nhân thì được ông giải thích: “Công ty đấu thầu của tôi gồm có các ông Bộ trưởng Trần Trung Dung, linh mục Cao Văn Luận, Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm bị công ty của Ngô Đình Cẩn, Từ Tôn Dung, Lê Trọng Quát ganh ghét phá hoại và định làm hại cá nhân tôi để làm cho tôi sạt nghiệp không ngờ Thiếu tướng vô tư nên cứu chúng tôi thoát nạn". Tôi hỏi thêm tại sao ông ta biết rõ tôi đã cứu thì ông Cẩn cho biết ông Trần Trung Dung nói lại. Tôi tự nghĩ mình "Thì ân bất cần báo", có ai ngờ một chút ân tình, dù đó là một hành xử tự nhiên và tầm thường, nhiều khi cũng có thể làm thay bậc đổi ngôi một đời người hay có thể gây ân oán đổi thay thế sự.
Từ sau bữa cơm tại nhà ông Tôn Thất Cẩn tại Gia định đó hàng năm cứ đến ngày huý nhật Đức Thế Tổ Cao Hoàng nhà Nguyễn tôi lại được tiếp tục mời tham dự. Nhưng từ 1972, những cuộc họp của Nguyễn Phước Tộc được chuyển về ngôi biệt thự một tầng của bà Tử Cung đường Công Lý Sài gòn, ngôi nhà đã bị ông Diệm tịch thu và được ông Thiệu trả lại. Đức Từ đã lấy ngôi biệt thự đó làm trụ sở thường trực tại Sài gòn cho Hội đồng nhà Nguyễn. Nhưng cũng từ năm đó, sau cuộc hội họp chính trị có sự tham dự rất đông của chính giới, nhân sĩ Sài gòn. Năm 1972, tôi còn nhớ có dịp ngồi gần Thi bá á nam Trần Tuấn Khải để được nghe Cụ nói chuyện văn thơ, và với nghị sĩ Phạm Nam Sách để tôi có dịp khen ngợi nhà trí thức trẻ tuổi dám công khai lên án tướng Đỗ Cao Trí tham nhũng tại nghị trường Diên Hồng khi ông còn làm nghị sĩ.
Câu chuyện thứ hai: dưới chế độ Diệm tại vùng A sao, A lưới (Hưng Hoá, Quảng Trị) giáp với biên giới Lào có một căn cứ quân sự do hai tiểu đoàn Bộ binh trấn giữ. Một hôm toàn thể quân nhân từ sĩ quan đến binh sĩ của hai tiểu đoàn đều bị đi chảy ba ngày đêm liền. Tướng Trần Văn Đôn, lúc bấy giờ là Tư lệnh Quân đoàn I, bèn cho mở cuộc điều tra thì biết được binh sĩ trúng độc vì thực phẩm. Ông bèn lập một hội đồng quân y sĩ khám nghiệm và và phân chất đồ hộp tiếp tế cho hai tiểu đoàn đó. Lúc bấy giờ chưa có đồ hộp của Mỹ mà chỉ có đồ hộp của Bộ quốc phòng đấu thầu để tiếp tế cho những đơn vị đóng ở những nơi xa xôi hẻo lánh. Sau khi nhận được biên bản của Hội đồng quân y, tôi tức tốc đến Nha Hành ngân kế Bộ quốc phòng gặp ông Tổng giám đốc Nguyễn Đình Cẩn và trình bày cho ông ta biết tôi sẽ bắt tên Ba Tàu Phú Lâm Anh, chủ thầu cung cấp đồ hộp để điều tra. Nhưng Cẩn khuyên tôi không nên bắt Phú Lâm Anh vì y kinh tài cho Phong trào và đảng Cần lao. Tôi vốn đánh giá thấp Nguyễn Đình Cẩn vì năm 1954, khi y làm việc tại Toà hành chính tỉnh Quảng Trị, y đã không dám ký tên vào bản kiến nghị đệ lên Quốc trưởng Bảo Đại để thỉnh nguyện ngài cử ông Ngô Đình Diệm là Thủ tướng. Thế mà khi ông Diệm có quyền hành rồi, chỉ nhờ cái thế Công giáo và tài bợ đỡ, y lại được nhà Ngô trọng dụng như một bậc công thần. Hơn nữa, thời còn làm Tỉnh trưởng Ninh Thuận, y đã có nhiều hành động tham nhũng và kỳ thị tôn giáo, làm cho nhân dân Ninh Thuận hết sức căm thù. Vì thế, khi nghe ý đưa “phong trào" và đưa “Cần lao” ra doạ, tôi liền nói: “Phong trào phong trợ, Cần lao cần lơ gì tôi cũng cứ cho bắt tên Phú Lâm Anh". Vốn biết tính tôi cứng rắn, đã từng công khai chống lại Ngô Đình Cẩn nên y bèn đem bà Nhu ra để “rung cây nhát khỉ”, “Đại tá không nên đụng tới Phú Lâm Anh vì y đã chịu cho bà Cố vấn 7 triệu đồng để bà chi tiêu cho Phong trào Liên đới Phụ nữ do đó được cung cấp đồ hộp trong ba năm”. Nghe đến tên bà Nhu tôi lại càng muốn nổi điên: "Bà Nhu bà Nhơ gì tôi cũng không tha Phú Lâm Anh vì tên gian thương đó phạm tội làm cho binh sĩ nơi tiền tuyến bị đau ốm là tôi bắt". Nguyễn Đình Cẩn có vẻ tức bực nhưng không dám nói gì thêm.
Ra về tôi thầm nghĩ rằng vụ này có lẽ không phải của bà Nhu và bà Cố vấn thì phải "ăn” những miếng vừa to vừa béo. Tôi đoán vụ tham nhũng này là của Ngô Đình Thục hay của Ngô Đình Cẩn, những kẻ mà bất kỳ miếng mồi lớn nhỏ nào cũng ăn. Nhưng dù của ai thì tôi vẫn phải làm bổn phận. Trước khi trình bày sự việc lên Tổng thống, tôi cho ba nhân viên vào Chợ Lớn chụp hình cơ sở làm đồ hộp của Phú Lâm Anh, đánh cắp một ít đồ hộp tại chỗ về pha chất, và bí mật dò hỏi một vài công nhân để điều tra về thủ tục mua cá thịt và phương pháp đóng hộp. Sau khi có bằng cớ vi phạm rồi, tôi ra lệnh cho bắt Phú Lâm Anh thì tên gian thương này đã trốn mất. Tôi đến Bộ quốc phòng cho Cẩn biết tự sự. Với một thái độ cao ngạo, Cẩn trả lời: “Đại tá có làm gì thì cũng chẳng đi đến đâu, Phú Lâm Anh đã đi Hồng Kông rồi”...
Cho đến giờ này, tôi cũng không biết ai là thủ phạm chính của vụ đồ hộp bị nhiễm độc. Tòng phạm thì chắc chắn có tên Phú Lâm Anh và Nguyễn Đình Cẩn rồi, nhưng chính phạm thì không biết Ngô Đình Cẩn hay Ngô Đình Thục hay bà Nhu, mặc dù có một số bạn bè đoán quyết Nguyễn Đình Cẩn là thủ phạm dù ai thì cũng quanh quẩn trong dòng họ của bộ hạ Ngô Đình mà thôi. Ngô Đình bên nội hay bên ngoại, bên bà con hay bên thông gia, trong "Phong trào" hay "Đảng” của Cậu, của Cha hay của Bà thì cũng chỉ vì muốn ăn chặn một số tiền mà không thèm đếm xỉa gì đến sinh mạng gần hai ngàn quân nhân đang trong nơi đèo heo hút gió để bảo vệ quốc gia và chế độ?
Câu chuyện thứ ba: Năm 1954, khi ông Diệm mới về nước, Lê Văn Sâm vốn là em rể bác sĩ Lê Khắc Quyền và đang mang cấp bậc đại uý, chỉ huy ngành quân cụ tại miền Trung. Anh em ông Diệm, và đặc biệt là Ngô Đình Cẩn, "thổi" Sâm lên thật mau, thăng lên đại tá, cho vào Sài gòn giữ chức Giám đốc ngành quân cụ Trung ương của quân đội VNCH vào khoảng năm 1957-1958.
Cũng vào khoảng thời gian đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trần Trung Dung thiết lập một nhà máy quy mô làm súng trường và lựu đạn tại Cát Lái nên ra lệnh cho Sâm đi Nhật Bản mua 12 cái máy và dụng cụ, giá tiền trên một trăm triệu đồng. Nhưng thiết kế sau mấy năm rồi mà nhà máy chẳng sản xuất được gì, bản báo cáo tình trạng cho biết máy móc thường bị hư, có cái lại hoàn toàn không sử dụng được nữa. Lúc bấy giờ tướng Phạm Xuân Chiểu là tham mưu trưởng quân đội bèn cho gọi Sâm đến văn phòng để chất vấn. Vì là tay chân nhà Ngô, lại có Trần Trung Dung đỡ đầu, Sâm tỏ ra khinh thường tướng Chiểu. Tướng Chiểu bèn ra lệnh cho tôi mở cuộc điều tra. Thì ra Sâm và hãng sản xuất máy làm đạn tại Nhật Bản đã thông đồng với nhau lại sửa một số máy móc phế thải của quân đội Nhật để bán lại cho quân đội VNCH, nhưng trên hoá đơn thì vẫn ghi là máy mới. Số tiền gian lận khác biệt hẳn phải hết sức to lớn. Vì hành động phạm pháp đó của Lê Văn Sâm, tôi còn điều tra thêm được là Sâm đã thông đồng với Trần Trung Dung và Ngô Đình Cẩn để bán cho các nước Đông Nam Á 25.000 khẩu súng cũ của Pháp để lại và số lớn sắt thép vụn để chia nhau. Tướng Chiểu mang hồ sơ lên dinh Độc lập trình bày cho ông Tổng thống Diệm, xin đem đại tá Sâm ra toà về tội tham nhũng. Nhưng kết quả là Sâm chỉ bị thuyên chuyển ra khỏi Nha Quân cụ mà không bị một hình phạt chế tài hoặc một bản án nào cả. Trong khi đó thì vì muốn trừng trị Lê Văn Sâm để trong sạch hoá quân đội, tướng Chiểu bị gièm pha để từ một công thần trở thành một kẻ thù của ông Diệm.
Ngày ông Diệm về nước. Chiểu mang lon trung tá giữ chức Tham mưu trưởng quân khu I (gọi theo danh từ cũ) dưới quyền đại tá Trần Văn Minh, Tư lệnh Quân khu. Minh là người Công giáo miền Nam, mang Pháp tịch, vốn là bạn thân với tướng Nguyễn Văn Hinh và có đầu óc thân Pháp. Thời ông Diệm và tướng Hinh chống đối nhau, Trần Văn Minh tuy bề ngoài giữ thái độ trung lập, nhưng bên trong vẫn không có cảm tình với ông Diệm. Chính nhờ địa vị Tham mưu trưởng Quân khu I mà Chiểu đã giúp tướng Dương Văn Minh điều động quân đội tấn công dẹp tan quân Bình Xuyên sau này. Lúc bấy giờ vì anh em ông Diệm mới cầm quyền còn lo tứ bề thọ định, lại bỡ ngỡ trong việc lãnh đạo quốc gia, và nhất là lạ lùng trước tổ chức quân đội nên khi được những người thành tâm ủng hộ như Phạm Xuân Chiểu thì anh em ông Diệm quý mến lắm, do đó đã xem Chiểu như một khai quốc công thần. Tháng 12 năm 1956, ông Diệm đã không ngần ngại cử Chiểu giữ chức Tổng giám đốc Công an Cảnh sát thay thế tướng Nguyễn Ngọc Lễ. Nhưng rồi vì quân đội vẫn là xương sống của chế độ, mà anh em ông Diệm và người Mỹ lại muốn cải tổ quân đội gấp cho nên tháng 4 năm!958, ông Diệm thăng Chiểu lên cấp Thiếu tướng, cử giữ chức Tham mưu trưởng dưới quyền tướng Lê Văn Tỵ, Tổng tham mưu trưởng quân đội. Vốn được tiếng là một sĩ quan có tinh thần quốc gia chân chính, Chiểu không những liêm khiết mà có thành tích cách mạng, nên việc hiện đại hoá và trong sạch hoá quân đội thật là đúng với môi trường của ông ta. Hàng tuần, có khi hàng ngày, Chiểu gặp ông Diệm để trình bày công việc, sự tiến triển trong việc cải tổ quân đội, đồng thời để báo cáo tình hình chiến sự và diễn tiến các cuộc hành quân. Liên hệ giữa ông Diệm và tướng Chiểu đang cởi mở và thân tình như thế thì xảy ra vụ tham nhũng của Lê Văn Sâm mà Chiểu nhất định muốn ông Tổng thống trừng trị Sâm để làm gương cho binh sĩ. Không ngờ kể từ ngày đó hễ gặp Chiểu là ông Diệm cau có, khiển trách đến độ gán cho Chiểu là bất lực rồi cắt chức Tham mưu trưởng, bắt Chiểu "ngồi chơi xơi nước" và đem tướng Nguyễn Khánh người mà Chiểu cho là tay gian hùng về thay thế ông ta. Thấy ông Diệm bất công, bất minh bênh vực người nhà Chiểu và cộng sự viên thân tín của ông là thiếu tá Đoàn Bôi Trân tham dự vào cuộc đảo chính của Nhảy dù năm 1960 và đã cùng các tướng lĩnh đứng lên lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vào đầu tháng 11 năm 1963.
Anh em ông Diệm lợi dụng quyền hành trong tay, sử dụng những phương pháp vô luân và phi pháp để làm giàu riêng, để làm băng hoại xã hội, để đầu độc tinh thần và thể xác nhân dân, đẩy nhân dân chạy theo Cộng sản mà chính giữa anh em nhà Ngô lại sát phạt nhau vì giành giựt quyền hành, vì ganh tị lợi lộc, cho nên nữ tiến sĩ Francis Fitzgerald mới lên án nặng nề tham nhũng của anh em ông Diệm như sau: "Chẳng những anh em Nhu-Cẩn canh chừng nguồn lợi của nhau, thù hận nhau mà những tay sai anh em họ cũng sát hại nhau vì quá hăng say, trung thành với chủ".
Anh em, bà con ông Diệm tham nhũng, thối nát, hủ hoá như vậy, còn ông Diệm thì như thế nào? Suốt chín năm làm nguyên thủ quốc gia, ông Diệm bị dư luận lên án là tham nhũng, nhưng những người tay chân thân tín của ông ta như Võ Văn Hải, như các sĩ quan tuỳ viên của tôi chẳng hạn, đều biết ông Diệm tuy không tham nhũng nhưng lại cố tình che giấu nâng đỡ cho bà con anh em ông ta tham nhũng như Đỗ Thọ và các ký giả quốc tế đã trình bày.
Sau ngày lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, ngày 2 tháng 11 năm 1963, cháu tôi là thiếu tá Nguyễn Bá Liên, Tư lệnh Lữ đoàn Thuỷ quân lục chiến, người chỉ huy tấn công dinh Gia Long đã trình cho tôi một xấp ảnh tục tĩu liên hệ đến những nhân viên điều tra của Liên hiệp quốc trong vụ Phật giáo trên bàn giấy của Ngô Đình Nhu, một cuốn hồi ký của Ngô Đình Lệ Thuỷ trong phòng bà Nhu (mà tôi trao lại cho báo Sống của Chu Tử đăng tải), và một cuốn nhật ký chi tiêu tiền bạc của ông Diệm trong phòng Võ Văn Hải.
Qua cuốn nhật ký chi tiêu tiền bạc của ông Diệm do Võ Văn Hải nắm giữ, tôi được biết ông Diệm có mỗi năm 98 triệu tiền mật phí chính trị. So sánh mật phí chính trị của Nguyễn Văn Thiệu vào năm 1974 là 450 triệu đồng thì số tiền của ông Diệm (1963) vẫn hơn rất nhiều mặc dù tình hình chính trị và chiến tranh thời Thiệu nặng nề, phức tạp hơn thời Diệm, và mặc dù giá đô la cho đến cuối thời Diệm chỉ có 100 đồng bạc Việt nam trong lúc thời Thiệu giá đến gần 1000 đồng. Cuốn nhật ký cho thấy mỗi tháng ông Diệm xuất ra một triệu đồng cho Ngô Đình Nhu, mười ngàn đồng cho cựu đại tá Pháp ở Paris là ông Mingant (Mật báo viên của ông Diệm tại Pháp), năm ngàn đồng cho một người có tên là Phan Công Chánh, một chiến hữu cũ của ông Diệm trước 1945 mà ông Võ Như Nguyện biết rõ, một số tiền lớn khác cho một linh mục người Canada để chuyển ngân ra nước ngoài và những món chi tiêu lặt vặt như mua máy hình phim ảnh, thuốc Tây, những món tiền biếu xén trong các cuộc đi kinh lý. Đặc biệt trong nhật ký chi tiêu năm 1963 có số tiền nửa triệu, xuất ra cho ông Tôn Thất Thiết, giám đốc sở Nội Dịch Phủ Tổng thống để trang hoàng thiết trí khách sạn Hương Giang tại Huế nằm ở đầu cầu Đập Đá mà Ngô Đình Cẩn đã mua cho ông Diệm. Ngoài số tiền mật phí chính trị hàng năm là 98 triệu đồng và khách sạn Hương Giang, tài sản của ông Diệm còn có mấy mẫu đất ở Gia định mà ông đặt tên là "Phượng Hoàng" do tỉnh trưởng Nguyễn Đức Xích (người Công giáo Cần lao) trông nom trồng trọt. Ngoài ra hàng năm ông Diệm còn nhận được một số lợi tức do hãng tôm Long Hải cung cấp. Hãng tôm Long Hải ngày do Nguyễn Văn Bửu, một người bà con của ông ở Phú Cam làm quản lý.
Những tài sản của ông Thục, Nhu, Cẩn và của ông Diệm mà tôi trình bày như trên đây chỉ là tài sản do chính tôi khám phá hoặc do "Uỷ ban điều tra tài sản nhà Ngô" sau cách mạng 1-11-1963 tìm tòi hoặc do những tài liệu lịch sử nêu lên; nhưng những của chìm của nổi khác như bất động sản, các cổ phần, các chương mục... của họ thì không thể biết hết được.
Trong vị trí của một Tổng thống, nếu tài sản chỉ có bấy nhiêu thôi thì ông Diệm cũng có thể khỏi bị liệt vào loại hạng tham nhũng. Nhưng điều đáng tiếc và đáng trách là ông Diệm lại thường cho mình là môn đồ Khổng Mạnh, là con chiên ngoan đạo, là người có dĩ vãng làm quan liêm chính, là người thường nhắc nhở hai chữ "Thành, Tín" làm phương châm chỉ đạo, lại mang lá cờ gấm vóc thêu bốn chữ "Tiết-trực Tâm-hư" thế mà lại bị hấp lực và nhất là dung túng, nâng đỡ cho anh em bà con lộng hành tham nhũng vô độ? Đáng tiếc và đáng trách vì ông Diệm đã không noi gương kim cổ, đã không bắt chước phong thái những vị nguyên thủ đồng thời với ông ta, những nhân vật đã làm cho thế giới khâm phục như thủ tướng Mac Millan nước Anh, Thủ tướng U Nu nước Miến Điện chẳng hạn.