Nghệ Tĩnh và Nam Ngãi, dưới thời Pháp thuộc, cũng chính là vùng bất khuất, tiếp nối truyền thống cách mạng chống ngoại xâm của cha ông, vùng lên đối kháng chính quyền bảo hộ Pháp mà điển hình là các cuộc đấu tranh của Văn thân, của Cần vương, là phong trào chống thuế ở Nam Ngãi, là phong trào Xô viết ở Nghệ Tĩnh. Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và một số các lãnh tụ khác của đảng cộng sản Việt nam, cũng xuất thân từ lò luyện thép này.
Bên cạnh vóc dáng và khí thế lẫy lừng của bốn tỉnh kể trên, Bình Trị Thiên là ba tỉnh nằm giữa hai ngọn đèo lớn đó của miền Trung, vì quen nhọc nhằn chống lại thiên nhiên hà khắc, lại vốn làm cái đòn gánh chính trị oằn vai vì sức nặng cách mạng của bốn tỉnh tiếp giáp nên cũng đã cưu mang trong sức sống tất cả cái hào hùng và oan nghiệt của lịch sử. Tỉnh Quảng Bình, tuy là một tỉnh nhỏ về cả hai phương diện dân số lẫn diện tích nhờ đó chiếm được địa vị của một vùng đất quê hương nổi tiếng địa linh nhân kiệt.
Từ đời Hùng Vương, Quảng Bình đã là một trong mười lăm bộ của nước Văn Lang, có tên là Việt Thường với thủ đô là Phong Châu. Vì là tỉnh cực Nam tiếp giáp với biên giới Chiêm Thành nên suốt một thời gian dài trong quá trình dựng nước và mở nước, Quảng Bình đã là chiến địa khốc liệt và dai dẳng, lắm phen thay ngôi đổi chủ giữa hai dân tộc Chiêm Thành bắt được vua Chế Củ và sát nhập ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bổ Chính thì Quảng Bình (và phần đất phía bắc tỉnh Quảng Trị) mới hoàn toàn thuộc về lãnh thổ nước Việt nam và thuộc về chủ quyền dân tộc Việt nam cho đến bây giờ.
Tuy là một tỉnh nhỏ, dù bề dài 110 cây số, nhưng bề ngang chỉ vào khoảng 45 cây số, quanh năm ách nước tai trời, lưng dựa vào Trường Sơn huyền bí, mặt nhìn về biển Đông thét gào, đất cày lên không sỏi thì đá, nhưng tạo hoá lại đền bù cho Quảng Bình nhiều danh lam thắng cảnh để tô điểm thêm cho thanh kỳ, mỹ tú mà nhiều tỉnh khác không có. Luỹ Thầy, Đèo Ngang, sông Linh Giang, động Phong Nha... không những là kỳ tích của thiên nhiên mà còn là những địa danh ghi đậm những biến cố hào hùng trong lịch sử nước nhà.
Đèo Ngang nằm trên một rặng núi bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, vươn ra biển Nam Hải như một bức tường thành hùng vĩ nên có lẽ vì thế mà rặng núi này được gọi là Hoành Sơn. Sử chép rằng chúa Nguyễn Hoàng thời Lê Mạt trước khi vào trấn nhậm Đàng Trong, có cho người đến thỉnh ý cụ Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cụ nhìn thấy một đàn kiến đang bò lên hòn giả sơn trước sân nhà, bèn nói "Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” (núi Hoành một dãy vạn đời dung thân).
Câu chuyện thuộc về dã sử không rõ thực hư, nhưng kể từ năm 1558, khi chúa Trịnh cho Nguyễn Hoàng vào Nam trấn nhậm cho đến khi nhà Nguyễn lập quốc xưng vương vào năm 1802, rồi kéo dài cho đến năm 1945, khi vua Bảo Đại thoái vị, tổng cộng gần 400 năm kể cũng là vạn đại lắm rồi.
Cảnh vật Đèo Ngang như là nơi tao ngộ của trời mây, non nước, đất đá, cỏ cây, lại có ải quan trơ gan cùng ngày tháng, có Cổ Luỹ pha đậm nét rêu phong, cảnh trí vừa hùng vĩ vừa nên thơ dễ làm động lòng khách du quan mỗi khi đi qua đèo. Vua Lê Thánh Tôn, Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu... những thi hào tên tuổi của Việt nam dừng chân trên đỉnh đèo, động lòng hoài cảm trước cảnh vật giao hoà đã để lại những vần thơ láng lai tình non nước. Người Việt nam không mấy ai không biết bài thơ hoài cảm Qua Đèo Ngang tức cảnh của Bà Huyện Thanh Quan:
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen dá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác dác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Cách Đèo Ngang 15 cây số về phía Nam có sông Gianh mà lòng sông vừa sâu lượng nước lại vừa chảy mạnh. Sông Gianh bắt nguồn từ núi rừng Trường Sơn hiểm trở, bạt núi xuyên ngàn tạo ra nhiều thác lắm ghềnh và đổ oà ra biển Nam Hải, cắt đôi đất nước thành hai miền riêng biệt. Bề ngang rộng lớn của dòng sông và thế chảy mãnh liệt của dòng nước biến sông Gianh thành một trở lực thiên nhiên hữu ích cho các nhà quân sự muốn tạo một thế bố phòng vững chắc vào cái thời mà vũ khí và các phương tiện vận tải còn giới hạn.
Cửa sông Gianh nước chảy xiết, khó bắc cầu, thuyền bè qua lại khó khăn nguy hiểm nên dân gian mới ví von:
Bao giờ nước cạn Đồng Nai
Sông Gianh bớt chảy mới phai lời nguyền
Tuy cửa sông Gianh hiểm trở nhưng đây cũng lại là nơi phong cảnh hữu tình, nên thơ với tiếng gió thổi lộng qua hàng dương liễu vi vu trỗi lên những bản nhạc du dương trầm hùng với những cánh buồm nâu trở về bến cũ khi bóng xế chiều tà, với tiếng sóng dạt dào theo con nước thuỷ triều lên xuống. Khách lữ hành mỏi mệt sau những chặng đường dài trên con đường thiên lý, đến cửa sông Gianh dừng chân nghỉ lại trong những ngôi quán tranh của dân xóm Thanh Hà, phía hữu ngạn sông Gianh, nếm mùi hải vị, uống chén chè tươi, ngắm nhìn bức tranh thiên tạo, hưởng làn gió mát trước khi tiếp tục cuộc hành trình ngược Bắc xuôi Nam.
Rời sông Gianh, theo phương Nam mà đi hơn 30 cây số nữa, khách lữ hành sẽ gặp Đồng Hới, tỉnh lỵ Quảng Bình, có Động Hải, có cổng Bình Quan, có cổ luỹ Phú Ninh, có những tiền đồn của Luỹ Thầy, những di tích còn sót lại của thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Tiếp tục đi về hướng Nam, băng qua sông Nhật Lệ, khách lữ hành sẽ tìm thấy những kiến trúc rêu phong vốn là vết tích của Luỹ Thầy, còn được gọi là Trường thành Định Bắc Luỹ Thầy, chiến luỹ vững vàng đã từng chặn đứng rất nhiều kế hoạch nam tiến của quân Chúa Trịnh, được xây từ năm 1629 do sáng kiến chiến lược của vị quân sư tài ba và đầy mưu lược của nhà Nguyễn là ông Đào Duy Từ. Ông vốn xuất thân từ một gia đình làm nghề hát xướng, cái nghề mà xã hội phong kiến ngày xưa thường khinh bỉ gọi là "xướng ca vô loại. Thủa thiếu thời có lúc ông phải đi ăn xin từ làng này qua làng khác và rất nhiều lần phải chăn trâu cho các nhà phú hộ để đổi lấy bát cơm thừa. Trong hoàn cảnh khốn cùng đó, lại còn bị chặn đứng tương lai bởi bức thành giai cấp cổ tục, ông vẫn quyết tâm sôi kinh nấu sử một mình để trau dồi trí đức và sau này trở thành bậc hiền tài mưu cao chí lớn được chúa Nguyễn Phúc Nguyên và các quan xem như bậc thầy.
Luỹ Thầy dài ba trăm trượng, chạy từ chân núi Đầu Mậu phía Tây huyện Lệ Thuỷ, đến cửa sông Nhật Lệ thuộc phủ Quảng Ninh, đã là chiến luỹ chặn đứng được nhiều cuộc tấn công của quân phương Bắc. Vì thế mới có lời truyền tụng:
Khôn ngoan qua cửa sông La
Dù ai có cánh khó qua Luỹ Thầy
Ngoài những cảnh trí non nước đã được nhắc nhở nhiều trong sử sách ngàn đời của dân tộc Việt, Quảng Bình còn có nhiều phong cảnh đem tự hào cho dân chúng địa phương. Cách tỉnh lỵ Đồng Hới 17 cây số về phía Tây, có động Phong Nha thuộc huyện Bố Trạch, một thắng cảnh vô cùng kỳ vĩ. Muốn vào động phải đi bằng thuyền, phải có đuốc dẫn đường; trong động có suối nước xanh màu ngọc bích, có thạch nhũ nhô ra như những bàn tay Phật, có những kiến trúc thiên nhiên như những toà lâu đài tráng lệ huy hoàng, lại có những sân khấu do thợ Trời sắp đặt với phong cảnh trang trí, đào kép múa may thật diễm ảo thần tiên. Những giọt nước từ nhũ đá rơi xuống suối nằm sâu trong lòng động tạo thành những điệu nhạc trầm buồn mỗi khi nước chao động đập vào ghềnh đá thì có tiếng âm vang như tiếng chuông chùa. Theo dân chúng địa phương thì những tiếng chuông chùa này chỉ ngân lên đêm Rằm và đêm mồng Một âm lịch mà thôi.
Trời trên vòm động có những đám mây ngũ sắc từ chóp núi Trường Sơn tụ lại làm cho cảnh vật Phong Nha thêm huyền ảo, thanh kỳ khiến khách du quan tưởng mình như lạc đến chốn Bồng Lai Tiên Cảnh. Cụ Chu Mạnh Trinh cho rằng động Hương Sơn ở Hà Đông là Nam Thiên đệ nhất Động, còn học giả Thái Văn Kiểm (từng sống lâu năm và từng nghiên cứu về địa lý dân tình tỉnh Quảng Bình và miền Trung) thì lại cho rằng Phong Nha là "Đệ nhất kỳ quan” của nước Việt nam. Theo ông Thái Văn Kiểm thì ông Barton, nhà chiêm tinh học người Anh, cho biết động Phong Nha không kém gì động Padirac của Pháp hay Cuevasdel Drach ở Mallorque của đất nước quê hương, mà chỉ có người Âu Châu thăm viếng nhiều còn người Việt nam chưa mấy ai lui tới chỉ vì giao thông trắc trở, vì chiến tranh cản ngăn.
Tôi vốn quê làng Thổ Ngoạ, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, vùng có địa danh là Ba Đồn, và đã từng được ghi đậm vào sử sách dân tộc vì nơi đó đã xảy ra nhiều trận chiến giữa quân Pháp xâm lăng và quân Cần vương kháng chiến. Quê tôi nằm trên tả ngạn sông Linh Giang, tục gọi là sông Gianh, cách phía Nam Đèo Ngang 15 cây số, nơi mà ngay từ cuối đời Hùng Vương cho đến thời nước nhà bị Pháp đô hộ đã liên tiếp là vùng chiến địa. Quê tôi vốn là vùng nước mặn đồng chua, hàng năm thường bị tai trời ách nước, lại bị chiến tranh liên miên xảy ra nên quê tôi nghèo lắm. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, nhân một chuyến Nam du khi ngang qua đây thấy dân chúng địa phương quá nghèo khổ đã phải tỏ lời thở than:
Nhân xem án vải quần nâu,
Gái trai già trẻ một màu không hai
Văn minh rày đã bán khai
Mà đây còn hãy như đời Hùng Vương
Quê tôi nghèo đến độ dân chúng bốn mùa chỉ bận quần nâu áo vải, và chỉ trừ những ngày Tết, Lễ được ăn cơm, còn thì phải trộn khoai mà ăn với mắm cà rau muống suốt năm. Nhưng hình như tạo hoá có luật thừa trừ: đã bắt dân chúng đói nghèo, cực khổ thì bù lại họ có cái tiết tháo, thông minh. Quê tôi tuy nghèo nhưng lại là một đại xã nổi tiếng về văn học, buổi tiến triều khoa giáp rất đông. Làng Thổ Ngoạ của tôi là một trong tám làng của tỉnh Quảng Bình có nhiều người đỗ đạt, nhiều người làm quan, và cũng nổi tiếng vì có nhiều vị khoa bảng làm quan nửa chừng rồi cởi áo từ quan về làng sống cảnh an bần lạc đạo.
Có lẽ vì làng tôi có nhiều nhà Nho, nhiều bậc sĩ phu vốn trong nền Tam Giáo cho nên dân làng tôi không một ai cải đạo, mặc dầu phủ tôi vì gần với các căn cứ quằn sự Pháp nên có nhiều làng theo đạo Thiên Chúa hơn. Và có lẽ vì thấm nhuần sâu đậm tư tưởng Khổng Mạnh, mang khí tiết, danh dự kẻ sĩ cho nên một thời tuy ở rất gần nhiều đồn lính Tây và bị bao vây bởi những làng theo đạo Thiên Chúa mà vào những năm 1885, 1886 phần đông dân làng tôi đều theo nghĩa quân Cần vương dưới quyền lãnh đạo của vị anh hùng Lê Trực. Ông đã biến làng tôi thành một tiền đồn trực tiếp đối đầu với quân Pháp, che chở cho chiến khu của Vua Hàm Nghi trong rừng già Thanh Lạng, vùng giáp giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Nội tổ của chúng tôi cũng đã từng theo đòi nghiên bút, theo đường khoa danh như hồi ký của cháu tôi là đại uý Đỗ Thọ, sĩ quan tuỳ viên của Tổng thống Diệm đã trình bày; nhưng vì thời thế loạn ly, ông bỏ đèn sách mà theo việc kiếm cung và trở thành viên tướng tiên phong cho vị lãnh tụ Cần vương là cụ Đề Lê Trực. Nội tổ chúng tôi bị tấn công bởi lính Pháp, lính Đạo, có giáo sĩ Tortuyaux từ Đồng Hới ra làm kẻ chỉ đường nên bị thất trận, giặc Pháp giết không toàn xác và ném thây xuống sông mất tích. Thủ hạ của ông chạy thoát được về báo cho gia đình. Sau này con cháu họ Đỗ chúng tôi phải lập đàn cầu cơ, hỏi người hồn phách siêu lạc, vất vưởng phương nào để con cháu xây bia lăng chôn “mình dâu, đầu gáo” và lập đền thờ cho đấng tiền nhân tiết liệt.
Theo phụ thân tôi và các tôn trưởng trong làng kể lại thì sau khi Nội tổ bị sát hại, quân Cần vương tan rã, lính đạo của các cố Tây và dân các làng Thiên Chúa kế cận như Đơn Sa, Diên Hoà, Diên Phúc, Hướng Phương... đến bao vây làng tôi, giết hại hàng trăm người, đốt phá đình chùa, miếu vũ. Những ai đã từng đi qua làng tôi đều thấy dọc theo bờ sông Gianh hàng mấy trăm nấm mồ vô chủ, ngổn ngang như gò đồng, đó là những ngôi mả của dân làng chết vì tham dự quân đội Cần vương hay vì bị dân các làng Thiên Chúa sát hại. Vốn sinh sống nơi vùng đất quê nghèo, sau cuộc kháng Pháp, dân làng tôi vốn đã nghèo khổ lại càng nghèo khổ, gian truân hơn.
Vùng tả hữu ngạn sông Gianh là nơi quân Pháp đã đóng nhiều đồn bốt khi họ đánh chiếm Quảng Bình cho nên vùng này có trên hai mươi làng theo đạo Thiên Chúa... Giáo phận này có cả tiểu chủng viện ở làng Hướng Phương.
Thời kỳ chống Pháp (1946-1954), trong khi tất cả các làng khác theo. tiếng gọi non sông tham gia kháng chiến thì các làng theo Thiên Chúa giáo ở hai bên bờ sông Gianh đều rào làng, xây chòi canh tự nguyện thành lập những đội Partisans đã phụ lực cho đội quân viễn chinh Pháp, biến vùng này thành một dãy tiền đồn cho Pháp an toàn đóng ở Đồng Hới, hướng về Liên Khu Tư của Việt minh. Linh mục Nguyễn Phương đã từng là dân vệ trong đội quân Partisans của làng Hướng Phương trước khi ông vào Huế tiếp tục học hành. Còn Linh mục Cao Văn Luận nguyên là viện trưởng viện đại học Huế dưới chế độ Ngô Đình Diệm, từ Hà nội vào ở tại vùng này một thời gian trước khi vào Huế xin thủ hiến Phan Văn Giáo dạy học ở trường trung học Khải Định. Khi quân đội Pháp rút bỏ dãy tiền đồn ở vùng tả hữu ngạn sông Gianh thì hầu hết thanh niên những làng Công giáo cũng sợ hãi rút theo. Phần đông những thanh niên này gia nhập vào bộ đội Việt Binh Đoàn miền Trung rồi trở thành quân đội quốc gia dưới chế độ Quốc trưởng Bảo Đại. Sau này, phần đông số binh sĩ đó được tuyển chọn vào Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống, họ được ông Diệm đặc biệt lưu tâm ưa đãi họ vì họ thuộc thành phần trung kiên nhất đối với ông Tổng thống người Quảng Bình mộ đạo Thiên Chúa này.
Sống giữa thời ly loạn, mà cha chú, bà con phần đông bị giặc Pháp cầm tù hay sát hại, nước nhà thì mất chủ quyền, cha tôi, một nho sĩ nghèo nàn chỉ còn biết kéo dài cuộc đời bất đắc chí. Tôi ra đời giữa khung cảnh đất nước đó, trong một gia cảnh thanh bần và giữa một làng quê bùn lầy nước đọng. Mẹ tôi thì hao tâm hao lực, một nắng hai sương làm lụng cực nhọc để nuôi chồng và một đàn con đông đảo, mình mang trọng bệnh lại thiếu tiền thuốc thang, nên bà đã từ giã cõi đời khi tôi vừa lên bốn tuổi, bỏ lại cha con tôi với thảm cảnh gà trống nuôi con. Tuy nhiên, qua mấy đời, dòng họ con cháu đều theo đòi ít nhiều kinh sử, cho nên khi tôi lên năm, cha tôi cũng cố cho tôi theo học chữ Hán trường ông Tú gần nhà. Cho đến khi lên chín thì tôi được gởi lên trường Phủ học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Thời gian theo bậc tiểu học, tôi đã không có những phút êm đềm của tuổi học trò thơ ấu, lại càng không có những mộng mơ hồn nhiên của tuổi đến trường, mà cứ mỗi độ hè đến là phải đi chăn trâu, ngày nghỉ là phải ra đồng mót lúa, đào khoai hay xuống sông mò tôm bắt cá kiếm thêm miếng ăn cho gia đình. Sau khi đỗ tiểu học, tôi định bỏ ngang sự học vì thời bấy giờ muốn vào trung học thì phải vào Huế phải tốn tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền sách vớ áo quần, tiền xe cộ đi về. Với gia cảnh bần hàn mà ngay cả mỗi miếng ăn đói, mỗi mảnh áo rách đêu là kết quả nhọc nhằn của mồ hôi và nước mắt của toàn gia đình, cha tôi biết lấy gì để chu cấp cho tôi theo đuổi học hành mà tốn kém hàng tháng cung phải đến 6 đồng bạc, một số tiền lớn giá trị độ 6, 7 chục ngàn thời 1970.
May mắn thay, khi tôi vừa đỗ tiểu học thì có bà cô họ vốn biết tính ham học của tôi bèn từ Huế về làng, xin cho tôi vào Huế tiếp tục việc học hành. Chồng cô tôi là một ông Đề lại đã về hưu, có một ngôi nhà vườn rộng với nhiều cây trái ở chợ Cống, con cái đã thành gia thất và đều đi làm việc cho chính phủ ở các tỉnh xa. Cô tôi đem tôi về, vừa có ý giúp tôi tiếp tục việc học hành, vừa có ý có thêm đứa cháu cho cảnh nhà bớt phần quạnh quẽ. Tôi theo học trường Trung Học tư thục Hồ Đắc Hàm, ngày nghỉ về nhà giúp cô dượng tôi nhổ cỏ, tưới cây, quét tưới cửa nhà, vườn tược. Ở cái tuổi 15, đáng lẽ tôi đã có thể vẽ được cho mình - dù viễn vông - những ước mơ cao xa và những hoài bão to lớn, nhưng nhìn lại hoàn cảnh gia đình và trong bối cảnh của một quê hương rách nát tang thương, tôi chỉ ao ước được học hết 4 năm, lấy mảnh bằng Thành chung để xin vào ngạch thư ký toà Sứ, ngạch trợ giáo hay ngạch thừa phái Nam trĩu như ước mơ của hầu hết thanh niên nghèo lúc bấy giờ không đủ điều kiện tiếp tục học lên tú tài. Nhưng có lẽ vận số dòng họ nhà tôi chưa có mả về văn học, nên sắp bước vào năm thứ 4 thì cô tôi qua đời. Dượng tôi, phần thì tuổi già, phần thì thiếu nội trợ, nên cho thuê ngôi nhà để đi theo con làm y tá ở Phan Thiết, và không thể tiếp tục làm Mạnh thường quân giúp tôi ăn học nữa, tôi đành phải dang dở việc học hành trả lại giấc mơ giản dị và tội nghiệp của một cuộc đời thư ký cho nhà trường để trở lại làng xưa.
Về đến Đồng Hới, tôi vào ty kiểm học để nộp đơn cho một chức giáo viên sơ học thì được cụ Kiểm học Trần Kinh, thân phụ của giáo sư Trần Vỹ, thâu nhận vào làm giáo viên sơ học của một làng trong phủ với số lương hàng tháng là 12 đồng do ngân sách hàng tỉnh đài thọ.
Tôi dạy học được một năm, xét thấy nghề giáo viên trường làng với số lương quá thấp, vừa không đủ nuôi thân vừa không giúp gì được cho gia đình, nhân có mấy người bạn cùng học trước kia ở trường Phủ rủ nhau gia nhập quân đội, tôi bèn nhận lời theo họ. Tôi thích đời quân ngũ một phần vì lương bổng cao hơn, tương lai bảo đảm hơn, có thể thăng quan tiến chức và phần khác, vì là quân nhân thì sẽ biết tác chiến, có được nhiều bạn đồng ngũ, hợp với sở thích hiếu động của tôi. Hơn nữa, và đây mới là điều quan trọng nhất, khi gia nhập quân đội tôi sẽ vừa có tiền nuôi thân lại vừa có tiền giúp đỡ cha già mỗi ngày thêm già nua bệnh hoạn.
Thời Pháp thuộc, bên Nam Triều, có những ngạch lính riêng như lính Lệ, lính Giản, lính Hộ Thành, lính Khố Vàng, còn bên Bảo Hộ có lính Chính Qui tức là lính Khố Đỏ lo việc chống ngoại xâm và lính Bảo An tức là lính Khố Xanh (Garde Indochinoise) lo việc trị an trong nước. Thật ra tôi thích đi lính Khố Đỏ hơn vì nghe nói đi lính ấy sẽ được dịp xuất ngoại, sẽ được đi Tây, biết được những chân trời xa lạ cho thoả chí giang hồ, nhưng vì tôi ốm yếu không đủ cân lượng làm một người lính chính qui nên tôi đăng vào ngạch lính Khố Xanh ở cơ Bảo An Hà Tĩnh.
Trong nhà binh thời Pháp thuộc, những quân nhân có trình độ trung học như tôi nếu làm việc ở văn phòng, khỏi phải làm tạp dịch nặng nề. Đến năm thứ sáu tôi đi học lớp hạ sĩ quan tại cơ Lưu động Huế, nơi đào tạo sĩ quan cho toàn thể xứ Trung Kỳ. Sau năm tháng học tập, thi mãn khoá tôi đỗ đầu nên được người Pháp giữ lại làm huấn luyện viên cho các lớp hạ sĩ quan tiếp theo. Năm 1942, năm dạy lớp hạ sĩ quan tại Huế, tôi vừa đúng 25 tuổi.