Hồi ký bà Tùng Long

Chương 6 (tt)

Docsach24.com

ột hôm chị Bút Trà mời tôi vào phòng và nói:

- Thím ngồi đây để hai chị em mình có việc nói chuyện.

Tôi ngồi xuống trên nệm bên cạnh của chị, vì chị tôi thường lấy phòng ngủ để làm chỗ tiếp khách là những người thân, những ký giả vai em của chị, kể cả trưởng nhà in hay thợ chạy máy. Trên đầu giường của chị là một cái kệ chia ra làm nhiều ngăn, mỗi ngăn chứa đựng những sổ sách, giấy tờ cần thiết... Đây vừa là phòng làm việc, chỗ tiếp khách, phòng ngủ, và cả phòng ăn nữa. Chị theo lối làm việc giản tiện của người Hoa mà chị chịu ảnh hưởng qua cuộc hôn nhân đầu tiên của chị với một thương gia ở Chợ Lớn.

Chị nói:

- Thím Tùng Long à, họ muốn sáp nhập Hội phụ nữ Việt Nam của mình vào Hội phụ nữ Liên đới của bà Nhu!

Trước đó, bác sĩ Trần Kim tuyến (phụ trách an ninh chính trị của chế độ Ngô Đình Diệm) đã có mời tôi lên và khuyên tôi nên bàn với bà Bút Trà nếu muốn duy trì Hội phụ nữ Việt Nam thì phải cải cách, tổ chức lại Ban Trị sự của Hội, vì bà cố vấn cũng như chính quyền đang nghi ngờ; thậm chí đã có những bằng chứng thấy rõ, như việc một số thành viên của Hội bị bắt, bị kết án là hoạt động cho cộng sản.

Tôi liền trả lời:

- Thưa bác sĩ, tôi chỉ là cố vấn của Hội mà Hội thì có cả chục cố vấn, tôi bận nhiều công việc lắm, ít khi đi họp mà chỉ dự những buổi lễ lạc, tiếp tân.

Bác sĩ Tuyến nói:

- Tôi đã bàn với bà Bút Trà rồi và tôi đề nghị với bà ấy nên mời bà Tùng Long làm Tổng thư ký. Bà ấy cũng đã trả lời là bà bận nhiều việc lắm, mà việc hội thì đâu có lương hướng gì, chắc chắn bà sẽ không nhận. Tôi thì hiểu bà không muốn chen vào một tổ chức có những thành phần cộng sản, chớ còn chuyện viết lách thì vừa làm Tổng thư ký hội vừa làm báo cũng không phải là khó, chỉ cần bỏ bớt giờ dạy là được. Tôi đã mời bà Bút Trà lên đây để khuyên bà ấy giao chức Tổng thư ký Hội phụ nữ Việt Nam cho bà đảm trách.

- Xin bác sĩ cho phép tôi thu xếp lại công việc vì thú thật với bác sĩ tôi chỉ thích viết văn và dạy học. Còn chuyện làm việc xã hội, tham gia hội này hội nọ chỉ là chuyện trách nhiệm chung mà thôi, không có tôi thì cũng có người khác đảm đang được.

Đưa tôi ra tận cửa, bác sĩ Tuyến còn nhắc lại: “Chỉ với bà thì bà cố vấn mới bằng lòng và mới cho phép Hội phụ nữ Việt Nam hoạt động”.

Mặc dù tôi không chịu nhận chức Tổng thư ký Hội phụ nữ Việt nam, các chị em trong hội cũng như chị Bút Trà cứ năn nỉ tôi nên nhận, để tìm cách cứu lấy cái hội mà chị Bút Trà đã mất bao công sức xây dựng từ đời chính phủ Nguyễn văn Tâm. Vì lẽ đó mà tôi phải nhận chức Tổng thư ký và phải bỏ dần những giờ dạy ở các trường, khiến các hiệu trưởng Phan Ngô ở trường Les Lauriers và Phan Thuyết ở trường Đạt Đức vô cùng mến tiếc, và cả đám học trò cũng vậy. Thật ra lúc ấy tôi cũng đang bị nám phổi và bác sĩ Boucheron đã khuyên tôi nghỉ dạy...

Bây giờ họ còn đòi sáp nhập Hội phụ nữ Việt Nam vào Hội phụ nữ liên đới! Không khỏi tức bực, tôi nói:

- Như vậy là họ muốn dẹp hẳn cái hội của mình rồi, cho sáp nhập vào đó thì còn làm được việc gì nữa? Hội phụ nữ Liên đới của bà Nhu là một hội chính trị, để nắm hết phụ nữ theo bà hầu như có lợi cho chánh quyền Ngô Đình Diệm. Phụ nữ Bán quân sự, Thanh nữ Cộng hòa, tất cả những tổ chức đó cũng chỉ có một mục đích củng cố quyền lực cho gia đình họ Ngô. Bây giờ chị tính sao?

Chị tôi cũng tức lắm:

- Sáp nhập gì? Đó là kiểu họ giải tán khéo hội của mình thôi.

- Vậy chị tính sao?

- Còn tính gì nữa? Đã có giấy của bà cố vấn định ngày đưa người xuống hợp thức hóa sự sáp nhập hội mình vào phong trào Liên đới rồi.

- Thế thì chị phải mở một cuộc họp nội bộ ngay tức khắc để nói rõ ý đồ của bà Nhu, rồi mình bàn cách đối phó, bằng cách xin trì hoãn.

Chị Bút Trà của tôi là chủ nhiệm báo Sàigòn Mới. Sau ngày đơn vị nhảy dù định lật đổ chính phủ Diệm (1-11-1960), một vài tờ báo trong đó có báo Sàigòn Mới hấp tấp ủng hộ ngay nhóm của đại tá Nguyễn Chánh Thi và báo đã lên khuôn với những bài chỉ trích kịch liệt chế độ gia đình trị của nhà họ Ngô, suýt nữa thì bị đóng cửa, nếu không nhờ bà vợ ông bác sĩ Tuyến che chở giùm, năn nỉ bác sĩ Tuyến tìm cách bỏ qua, chỉ kêu lên răn đe rồi cho mở lại báo sau mấy ngày đóng cửa. Vì vậy cuối cùng chị đã không dám phản đối quyết định của bà Nhu. Chị đã nói trong buổi họp mặt đông đủ chị em trong Ban trị sự:

- Mình đâu dám cãi lại bà cố vấn. Mấy chị thì không sao chớ còn tôi cần có tờ báo trong tay để nuôi gia đình tôi và gia đình các ký giả, công nhân máy in, có bề gì thì khổ cả đám.

Thế là chị Bút Trà gọi điện thoại cho chị Khánh Trang, bí thư của bà Nhu, để trả lời đồng ý sáp nhập Hội phụ nữ Việt Nam vào phong trào Phụ nữ Liên đới. Bà Nguyễn văn Là, vợ của tướng Là, tổng thư ký phong trào Liên đới Trung ương, có gọi điện nói chuyện với tôi là bà chỉ vâng theo chỉ thị của bà cố vấn, và nhờ tôi nói giùm với chị Bút Trà đừng hiểu lầm việc này có ý kiến của bà.

Lễ bàn giao hội đã cử hành tại trụ sở Hội phụ nữ Việt nam ở Bàn Cờ. Đại diện cho phong trào Liên đới là phu nhân tướng Nguyễn văn Là, Tổng thư ký phong trào Phụ nữ Liên đới Trung ương, bà luật sư Nguyễn Phước Đại - đại diện cho Hội phụ nữ Việt Nam (vì tôi là Tổng thư ký).

Thật là chuyện khó xử giữa ba chúng tôi. Tôi và bà Đại quen nhau khá thân. Qua công việc của bà, tôi phục bà có tài ăn nói, nhiều vụ kiện do bà cãi đã làm nổi bật vai trò của bà ở pháp đình; còn bà thì hiểu tôi qua những bài tôi viết. Bà tướng Là thì xuất thân là một nhà giáo, cũng hiền lành và cũng thông cảm cho vấn đề khó xử của Hội chúng tôi, nên đến dự mà mặt mày không vui. Tôi không thân với bà Là, chỉ gặp bà qua những cuộc họp. Tôi thấy bà có tài điều khiển, có thái độ cởi mở và khiêm tốn, và nhất là bà tuy hoạt động ngoài xã hội vẫn là một người vợ biết lo cho gia đình con cái.

Bà Là đọc báo cáo xong, đến khi ký vào biên bản thì bà Nguyễn Phước Đại hỏi tôi: “Bà Bút Trà là sáng lập viên của hội từ bao nhiêu năm, từ thời Pháp thuộc, duy trì đến nay là một công lao lớn, tại sao không có mặt? Còn thế nào gọi là sáp nhập? Nếu tất cả hội viên không đồng ý thì sao, và ai có quyền bắt tất cả hội viên phải vào phong trào Liên đới? Họ có quyền lựa chọn chứ? Còn trụ sở nầy của hội thì sao?”.

Bà Là nói:

- Theo bà cố vấn thì giải tán trụ sở nầy, chị em từ nay là đoàn viên của phong trào Liên đới. Bà Bút Trà phải cho chỉ thị xuống các tỉnh để giải tán các chi nhánh hội ở tỉnh. Và bây giờ, xin mời bà Tùng Long đại diện cho hội và cho bà Chủ tịch, bà luật sư Nguyễn Phước Đại ký vào biên bản.

Tôi liền nói:

- Đã có chỉ thị của bà cố vấn, và hiện giờ có bà Là là Tổng thư ký phong trào Trung ương ký vô là đủ rồi, tôi thiết nghĩ tôi không cần thiết phải ký. Sau này, chị em nào của Hội phụ nữ Việt Nam có gì thắc mắc thì chúng tôi chỉ cần đưa chỉ thị của bà cố vấn ra là đủ. Vả lại tôi thiết nghĩ tôi không có thẩm quyền để ký...

Ý tôi ngầm nói là việc làm của bà cố vấn sai với pháp luật, là một việc cậy quyền ỷ thế. Ngay như tại Quốc hội, bao người có học thức, khoa bảng đã nhận thấy Bộ luật gia đình của bà là vô lý, không phải để bênh vực phụ nữ mà chỉ nhắm cho quyền lợi của chị bà là bà Trần thị Lệ Chi, vợ của Tổng trưởng Nguyễn Hữu Châu, vậy mà ai nấy có phản đối thì đạo luật vẫn được thông qua. Thì với cái Hội phụ nữ này, bà Bút Trà đã tránh mặt, tôi còn bàn cãi làm gì?

Nghe tôi nói thế, bà Là xoay lại hỏi bà Nguyễn Phước Đại:

- Vậy thì xin bà luật sư đứng về mặt tư pháp ký vào.

Bà Nguyễn Phước Đại vẻ mặt buồn xo nói:

- Tôi thấy chuyện giải tán Hội phụ nữ Việt nam là một việc không đúng pháp lý, tôi cũng không có thẩm quyền ký vào, sau này có tội với lịch sử vì mình là một người hiểu luật, làm luật, sao lại ký vào một văn bản như thế này? Thôi, một mình bà Là, đại diện bà cố vấn ký vô là được rồi.

Nói xong bà Đại liền xin phép phải đi gấp vì có một phiên tòa đang đợi bà.

Bà Là nhìn tôi hỏi ý kiến:

- Như vậy tôi cứ ghi vào đây là mọi người đều chấp thuận chỉ thị của bà cố vấn và tôi ký vô là đủ rồi phải không?

Rồi bà nói nhỏ với tôi:

- Làm lấy có thôi, mọi việc đã an bài rồi.

Thế là từ đó coi như Hội phụ nữ Việt Nam của chị Bút Trà đã bị giải tán.

Sau việc nầy, một hôm tôi gặp chị Khánh Trang trong một buổi họp về bảo vệ phụ nữ và nhi đồng. Tôi ngồi ở hành ghế thứ ba, thì bỗng chị Khánh Trang xoay lại nhìn thấy tôi và đưa tay ngoắc tôi lên ngồi gần chị. Chị nói:

- Tôi có chút việc nói với chị, định gọi điện thoại về nhà báo thì không tiện. Chị không có điện thoại riêng phải không?

- Vâng, tôi không có. Thế có chuyện gì hả chị?

- Chuyện như thế này. Bà cố vấn thấy rằng khóa I Quốc hội chỉ có 5 dân biểu nữ, và khóa II chỉ có 9 người. Như vậy bà cho là ít và lần này khóa III, muốn đề cao vai trò của phái mình, bà cố vấn đưa ra 25 phụ nữ để tranh cử với phái nam.

Tôi liền hỏi:

- Vậy chắc là chị được đề cử chứ gì?

Khánh Trang cười:

- Ồ không, tôi là người trong bóng tối vì là bí thư riêng của bà. Với số cũ 9 người, trong đó cũng có giáo sư, luật sư, nghiệp đoàn lao động, bác sĩ. Lần nầy với 25 người, tôi thấy toàn là phu nhân các ông tướng, các công chức cao cấp, chẳng hạn là bà Là, bà Cao văn Viên, bà Quách Tòng Đức, bà Trương Công Cừu, thêm vài bà luật sư như bà Huỳnh Ngọc Anh, bà Trần Thanh Phương. Luật sư, giáo sư, bác sĩ đã có, chỉ còn thiếu một nhà văn, nhà báo.

Tôi vội vàng nói:

- Bà Bút Trà sẽ được nhiều phiếu lắm đó.

- Nhưng về trình độ học thức...

- Thế chị quên rằng bà Huỳnh Ngọc Nữ...

Chị Khánh Trang nói:

- Ờ, chị Nữ khá hơn nhiều, lại thuộc thành phần lao động.

Rồi chị nhìn tôi cười:

- Hay là chị ra ứng cử đi? Chị thì không ai không biết. Chị vừa từ chối chức Hội đồng tỉnh Gia Định phải không?

Tôi thở dài:

- Tôi bận nhiều việc lắm. Cả lũ con...

Chị Khánh Trang nói:

- Ồ, những chuyện đó tính sau. Chị còn dám từ chối cả một căn phố lầu của tỉnh Gia Định muốn giúp chị nữa mà.

- Sao chị biết?

- Bà cố vấn cũng biết.

- Vậy thì bà cố vấn còn bảo tôi ra tranh cử làm gì?

- Thì vì quyền lợi của phụ nữ. Nam giới họ ghét mình chỉ vì mình đòi ngang hàng với họ, và phụ nữ lúc nào cũng thiệt thòi.

Tôi cười:

- Chị biết vậy thì chị cứ để tôi viết báo, với cây bút của tôi có thể làm được nhiều việc cho chị em hơn là vào Quốc hội đầy mùi chánh trị (tôi muốn nói “bù nhìn” nhưng ngăn lại kịp).

Thế là một cuộc tranh luận giữa tôi và Khánh Trang về vai trò của người phụ nữ đã diễn ra. Chị Trang nói:

- Mình cứ vào đó rồi sẽ có cách để giúp chị em đắc lực hơn.

Tôi liền nói:

- Chúng mình sẽ bàn lại sau...

Tôi về và có hỏi ý kiến anh chị Bút Trà và nhà tôi. Anh Bút Trà khuyên gặp việc cứ làm, còn nhà tôi thì nói:

- Em liệu làm được thì làm.

Riêng chị Bút Trà rất thực tế:

- Thím muốn làm được việc của mình thì không nên từ chối nữa. Thím có thấy ai dám cãi lại lời của bà Nhu không nào?

Đó là vào khoảng tháng 4 năm 1963.

Thế rồi tôi được mời họp liên miên ở dinh Độc lập và bà Nhu chấp thuận cho Khánh Trang ghi tên tôi vào danh sách 25 phụ nữ ra ứng cử kỳ III của Quốc hội. Nhiều người nói với tôi, chánh phủ Ngô Đình Diệm đang gặp nhiều khó khăn, chống đối. Dân chúng không còn tin cậy như lúc Ngô Đình Diệm mới về. Lúc này mà ra không khéo kẹt. Nhưng làm sao bây giờ, tôi đã từ chối nhiều lần, từ chối lần này nữa e khó được yên ổn để làm việc.

Tôi bỗng có ý nghĩ xin ra ứng cử ở ngay tỉnh Quảng Ngãi, để có thể làm được một cái gì cho quê chồng, cho nơi tôi đã sống những năm nghèo khó nhưng lại đầy kỷ niệm về tình cảm của học trò. Tỉnh Quảng Ngãi là một tỉnh tích cực trong các phong trào đấu tranh, trong tư tưởng vì nước vì dân, ra tranh cử ở đây thế nào tôi cũng có thể giúp cho tỉnh này một phần nào. Tôi vốn sanh ra ở Quảng Nam, lẽ ra tôi nên xin ứng cử ở Quảng Nam thì hợp lý hơn, dễ dàng hơn, nhưng không hiểu sao trong đời tôi cứ thích làm những việc cần đem tài sức ra tranh đoạt, chớ ra ứng cử với cảnh một mình một cõi, không có người tranh thì chẳng ra cái gì cả.

Thật ra với 25 ứng cử viên nữ đó, trưởng ban vận động tranh cử của bà Nhu lúc bấy giờ là Hà Như Chi, dân biểu của hai khóa đầu, đã nghe theo chỉ thị của cấp trên bố trí thế nào để không một ai bị thất cử. Nói như vậy các bạn cũng hiểu thời ông Diệm, độc tài là như thế nào rồi, và bà Nhu đã có một quyền lực như thế nào ở chánh quyền này.

Hôm tập họp để chia địa phương cho 25 phụ nữ ra tranh cử Quốc hội khóa III lần này, phần nhiều bà mệnh phụ phu nhân đều được đưa đi những quận xa xăm, không có người tranh cử. Các bà ấy một mình một chợ, nắm chắc phần thắng trước khi bầu. Hôm ấy bà Nhu ngồi ở đầu bàn, hai bên là hai phụ tá Hà Như Chi và Khánh Trang. Phần đông các bà chịu đặt đâu ngồi đó, theo sắp xếp của cấp trên. Duy chỉ có chị Nguyễn Phước Đại ra ứng cử ở Sài Gòn, đơn vị cũ của chị hồi khóa II. Khánh Trang cũng được điều động đến một đơn vị khỉ ho cò gáy. Tôi xin ứng cử tại Quảng Ngãi và người ta bố trí cho tôi ở huyện Sơn Tịnh. Tôi liền nói với mấy bà ngồi gần tôi là tôi không muốn ra ứng cử ở Sơn Tịnh, mà chỉ muốn chọn huyện Tư Nghĩa, nơi có thị xã Quảng Ngãi. Các bà ấy tỏ ý sợ sệt:

- Làm sao dám nói?

Tôi nói tôi sẽ xin lên phát biểu ý kiến chớ có gì khó đâu.

Họ cản tôi:

- Chị làm thế phật ý bà cố vấn mới sao?

Thấy chúng tôi bàn tán, bà Nhu hỏi:

- Chị em có ai có ý kiến gì không?

Tôi liền đưa tay lên xin phát biểu ý kiến. Chị Hồ thị Chi, bạn thân cùng học ở Gia Long với tôi ngày nào, không kịp kéo tay tôi thì bà Nhu đã nói:

- Mời bà Tùng Long lên phát biểu.

Thế là tôi đi lên trước sự ngạc nhiên của mọi người. Tôi trình bày là tôi đã từng sống ở Quảng Ngãi và biết rõ tỉnh này. Tôi xin ra ứng cử ở Tư Nghĩa mà không phải ở Sơn Tịnh theo sự giới thiệu của Ban vận động ứng cử, vì tỉnh Quảng Ngãi càng đi xa thị xã, đi ra các quận huyện thì sự an ninh càng phải giữ gìn. (Lúc đó tôi thật ngớ ngẩn: mấy bà ra ứng cử ở các quận huyện xa xôi đâu cần phải đến đó ra mắt hay tranh cử. Vì có ai ra tranh cử đâu? Và có ai dám không bỏ thăm cho các bà đã đứng ra tranh cử trong phong trào Liên đới? Nhưng không ai giải thích cho tôi cả, tôi cứ nghĩ ra tranh cử như chị Phước Đại ở Sài Gòn thì phải vất vả hơn nhiều, phải lên diễn đàn, phải tranh với những ứng cử viên khác như với Phạm văn Thùng được đồng bào lao động ủng hộ kịch liệt ở quận Nhì. Đành rằng rốt cuộc chị cũng thắng và Phạm văn Thùng dù được dân lao động ủng hộ cũng phải chịu thua. Bấy giờ khi đã dẫm chân vào con đường chánh trị tôi mới thấy không phải là chuyện đơn giản, đôi khi còn phải dối trá, gian lận, cúi lòn, miễn sao được việc là được). Bà Nhu nghe tôi trình bày xong liền chỉ thị ngay cho Hà Như Chi:

- Ông Hà Nhu Chi, ông sắp xếp lại để bà Tùng Long ra ứng cử ở Tư Nghĩa, đơn vị mà bà yêu cầu.

Hà Như Chi cúi đầu vâng dạ, còn mấy bà khác khi nghe bà Nhu nói thế đều không khỏi ngạc nhiên là tại sao bà Nhu lại có thiện cảm với tôi như vậy. Tôi cám ơn bà Nhu rồi trở về chỗ ngồi. Chị Hồ thị Chi nói nhỏ:

- Chị Tùng Long gan thật đấy. Mấy ai dám xin đổi đơn vị như vậy.

Sau chuyện này, mấy bà phu nhân của các ông Bộ trưởng, giám đốc ra ứng cử đều nể tôi lắm, họ cứ nghĩ là bà Nhu nể tôi. Sự thật tôi chưa từng xin gặp riêng bà Nhu để xin xỏ việc này việc nọ. Tôi chỉ muốn làm một cái gì đó cho phụ nữ, và người dân nói chung ở Quảng Ngãi, quê chồng tôi. Người ta cần tôi thì tôi giúp, dù người ấy là ai đi nữa, và tôi giúp vì lợi ích chung mà thôi. Tôi đã từng ở Quảng Ngãi bao nhiêu năm, trong thời kỳ đi tránh bom đạn của Mỹ. Tôi đã sống những năm thiếu thốn về vật chất nhưng về mặt tinh thần thì vô cùng có ý nghĩa, vì nơi ấy tôi đã rút ra bao nhiêu kinh nghiệm để viết lách, đã đào tạo được một nhóm học trò, không phải những học trò giàu có, mà là những nông dân lớn tuổi chưa từng biết chữ i chữ tờ, những trẻ em nghèo bỏ học nửa chừng để phụ giúp cha mẹ trong công việc kiếm sống hằng ngày, giúp các em ấy có một số kiến thức để khi bước chân vào đời nếu có phương tiện có thể học thêm.

Ra Quảng Ngãi để có mặt tại đấy cùng với các ứng cử viên khác ở các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, tôi mới biết là chính Hà như Chi đã giới thiệu em trai mình, lúc ấy làm hiệu trưởng trường trung học Tư Nghĩa, ra ứng cử tại Tư Nghĩa, và điều này đã được bà Như cùng hội đồng duyệt xét đưa người ra tranh cử chấp nhận và đưa lên danh sách. Thật là một việc bất ngờ! Vậy mà Hà Như Chi đành phải vâng lời bà Nhu để đưa tôi ra ứng cử ở Tư Nghĩa và ông em trai của Hà Như Chi đành rút lui. Việc này còn làm cho tôi thêm uy tín.

Khi tôi họp ở tỉnh thì có nhiều người trong giới chính quyền nói cho tôi biết nếu ra ứng cử ở Tư Nghĩa tôi khó mà tranh nổi với Hoàng Vinh, một giáo sư dạy ở Huế, người của ông Cẩn đưa vô tranh cử ở Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa. Họ khuyên tôi để tỉnh bố trí ra tranh cử ở Sơn Tịnh, một mình một chợ, khỏi phải vất vả, vì Hoàng Vinh là một tay chính trị đã từng vào tù ra khám, rể của bà Phạm Hòe, bạn của gia đình tôi. Tôi không lạ Hoàng Vinh, nó thuộc về vai cháu, nhưng việc đã rồi, tôi đã tự nguyện xin ra ứng cử ở Tư Nghĩa thì tôi phải chịu, bây giờ gặp đối đầu và bị người ta hù là rút lui hay sao? Đời tôi lại vốn hay thích làm một chuyện gì mà người khác không làm được và không bao giờ chịu lùi bước trước một khó khăn.

Đến lúc đó tôi mới thấy Hà Như Chi thật nể sợ bà Nhu. Hôm họp ở Sài Gòn ông ta có quyền nói đơn vị này đã được bố trí xong, và nói với tôi là cứ yên lòng vì an ninh trong khi đi bầu cử đã có chính quyền địa phương đảm trách, thì chắc tôi cũng không nài ép làm gì. Hà Như Chi sau việc này cứ tưởng tôi được bà Nhu nể nang vì tôi có uy tín nhiều trong giới phụ nữ. Điều này thì chính tôi cũng không biết.

Ở Quảng Ngãi lúc bấy giờ có em gái tôi cùng chồng là Trần Quang, một đông y sĩ có tiếng ai cũng biết. Trần Quang cũng lăm le ra tranh cử dân biểu ở quận Tư Nghĩa. Ở hai huyện khác đã có hai dân biểu tái ứng cử và là đảng viên của đảng Cần lao Nhân vị, họ nắm chắc sự đắc cử trong tay, dù có người ra tranh cử cũng chỉ là hình thức mà thôi. Ba người mới ra lần đầu là bác sĩ Nguyễn văn Thọ, rồi một dược sĩ từ Đà Nẵng vào, thứ ba là tôi, nhà văn.

Khi ra tới Quảng Ngãi, tiếp xúc với chị em trong phong trào Phụ nữ Liên đới và trong các đoàn thể khác do chánh quyền lập nên như Cần lao Nhân vị, Thanh niên Cộng hòa, tôi mới thấy tất cả những đoàn thể này đều có tên mà không có thực lực, đều là những hội bù nhìn thành lập ra để trang sức, quảng cáo cho chế độ mà thôi.

Lúc ấy tôi mới bật ngửa và vô cùng thất vọng, nhưng tiến thoái lưỡng nan, công việc đã đâu vào đó rồi, tôi đâu có thể đùa giỡn với chính quyền được. Sau lần đầu ra Quảng Ngãi, tôi trở về Sài Gòn đến gặp các bạn thân như Hồ thị Chi, Huỳnh Ngọc Nữ để nói chuyện. Cả hai người này họ đều biết tất cả. Chị Huỳnh Ngọc Nữ đại diện cho đảng Lao Động, chị là vợ của ông Bửu, tất nhiên phải biết rõ, nhưng chị được mời ra ứng cử từ khóa đầu, chị cũng có một mục đích khi nhận lời là nhân cơ hội này giúp đỡ giới lao động được phần nào hay phần nấy. Chị Hồ thị Chi thì nói: “Mình ra ứng cử, bao giờ đắc cử tùy cơ ứng biến ráng làm sao giúp được dân chúng phần nào thì cứ làm”. Thật ra chị Hồ thị Chi có chân trong phong trào Cần lao Nhân vị, vì vậy sau ngày quân đội cướp chính quyền và lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, chị Hồ thị Chi bị bắt giam một thời gian cùng với chị Khánh Trang.

Có một chuyện thật lạ là khi tôi bước vào kho bạc để đóng lệ phí ra ứng cử, lòng tôi hồi hộp một cách khó hiểu, và khi tôi lấy bút ra để ký tên thì năm lần bảy bận đều viết không ra chữ. Thật kỳ lạ vì cây bút của tôi là cây bút đặc biệt dùng ống mực lắp vào chớ không phải là loại viết phải bơm mực. Viết rất đắt tiền, tôi đã dùng nó để viết văn, dạy học suốt cả thời gian dài không bao giờ trục trặc. Một linh tính cho tôi biết là có người khuất mặt cản trở, báo động trước là cuộc ứng cử này dù có đắc cử cũng không có lợi cho thanh danh của tôi. Tôi mới lâm râm khấn vái là công việc đã lỡ rồi, dù muốn dù không tôi cũng không thể lùi bước lúc nầy, và tôi thề với vong linh các tiền nhân, nếu đắc cử sẽ cố gắng làm một cái gì cho tỉnh nhà. Khi tôi vái xong, đặt viết xuống ký thì có mực ngay. Chính ông thủ quỹ đưa giấy tờ cho tôi cũng không khỏi lấy làm lạ. Hai lần ông đưa viết cho tôi vì tưởng viết tôi hết mực, tôi đều từ chối, cứ đứng như trời trồng. Ông nhìn tôi chăm bẳm cho đến khi tôi quay lại, đi ra cửa và lên xe.

Chuyện bầu cử dưới thời Ngô Đình Diệm là vậy đó, xem ra cũng chỉ là một màn kịch có đạo diễn - và đạo diễn rất vụng về mà thôi.

Lọt vào màn kịch chánh trị ấy và đóng vai trò một ứng cử viên vào Quốc hội, tôi lại không chịu làm diễn viên mà lại muốn chánh thức tranh cử, vất vả không thua gì bà Nguyễn Phước Đại khi tranh cử ở Sài Gòn. Nhưng nói thì nói vậy, dù có tranh cử thật tình, vẫn có sự gian lận và giàn xếp thế nào cho những ai được nhà nước đưa ra đều đắc cử. Mà thật vậy, luôn ba khóa liền không có ai là người của ông Diệm đưa ra mà rớt cả.

Tuy phần lớn dân biểu của ba khóa đều thuộc hàng trí thức, những nhà khoa bảng, những nhà chính trị, nhưng than ơi, một khi lọt vào chế độ phải phục tùng ấy thì dù có thành tâm nhiệt huyết đến đâu cũng chẳng làm được trò gì ngoài việc sai đâu làm đó.

Quay lại chuyện tôi ra tranh cử. Ở các quận khác như Sơn Tịnh, Bình Sơn, Đức Phổ, Ba Gia,... mỗi quận chỉ có một ứng cử viên, riêng quận Tư Nghĩa của tôi là hai. Ứng cử viên kia là Hoàng Vinh, mà dân chúng ở đây nói là người của ông Cẩn. Hoàng Vinh là người công giáo, lại có lần ở tù dưới thời cộng sản. Đi đâu anh ta cũng huênh hoang là sẽ đắc cử như lật bàn tay vì anh ra là người của ông Cậu (ông Cậu ở đây là Ngô Đình Cẩn). Còn tôi, họ bảo tôi ra với danh nghĩa của phong trào Liên đới, tôi là người của bà Nhu. Lúc bấy giờ bà Nhu và ông Cẩn kình nhau tranh giành quyền lực, nên ai cũng bảo tôi khó mà đắc cử được ở đơn vị nầy, vì miền Trung là miền của ông Cẩn.

Riêng tôi, tôi không hề lấy chuyện đắc cử làm trọng, nhưng dù ra ứng cử với danh nghĩa nào thì tôi vẫn nghĩ mình cứ làm hết mình, đắc hay thất không là chuyện đáng kể. Đời tôi từ thuở bé thích làm những gì khó khăn mà người ta không làm được. Làm cái gì mà không có sự cố gắng, tranh đua, làm cái gì mà không hết lòng là tôi không thích. Tôi không hề muốn phụ đời, phụ người, không muốn đối xử thiếu công bằng với bất cứ ai. Vì lẽ ấy, nếu người khác mà gặp cảnh như tôi chắc phải lo nghĩ thối lui hay cầu cứu lung tung. Tôi thì không. Vì vậy ở các buổi ra mắt đồng bào cử tri ở các xã, tôi đã phải tranh đấu với Hoàng Vinh một cách ráo riết và tôi nhất định không chịu thua. Hoàng Vinh đã phải chạy ra Huế để xin gặp Đức tổng giám mục Ngô Đình Thục và cậu Cẩn. Lần đó ai cũng tưởng tôi thất cử, mặc dù ở Tư Nghĩa tôi có một số bạn bè và một số học trò cũ ở Mỹ Thịnh, An Hội. Các học sinh ấy bây giờ là cán bộ trong bộ máy chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng thật tình mà nói, dân Quảng Ngãi lúc bấy giờ cũng phải nể tôi, vì thấy tôi là một phụ nữ mà lại có tài hùng biện, rất dạn dĩ khi đứng trước quần chúng. Các bạn thừa biết Quảng Ngãi cũng như Nghệ An, là một tỉnh rất nổi tiếng về dân trí trong các phong trào cách mạng chống Pháp. Bao nhiêu anh hùng chí sĩ xuất phát từ hai tỉnh Nghệ An và Quảng Ngãi. Trong Sài Gòn, các bạn tôi đều lấy làm lo cho tôi, nhưng tôi cứ tỉnh bơ. Thậm chí các ông ra ứng cử ở mấy đơn vị khác của tỉnh Quảng Ngãi do phong trào cách mạng quốc gia hay phong trào Cần Lao Nhân Vị cứ lo cho tôi và hỏi: “Chị có báo cáo tình hình tranh cử của chị ngoài này cho Trung ương biết không?”. Tôi nói: “Cần gì phải vậy? Đắc cử hay thất cử có sao. Mình làm hết mình thì thôi. Mấy lần đi các xã để tranh cử với Hoàng Vinh, tôi thấy tôi cũng chiếm được ít nhiều cảm tình của cử tri”.

Có người la lên:

- Trời ơi! Chị tin như vậy sao? Chị ở trong Nam, chị không biết oai quyền và thế lực của ông Cẩn sao?

Tôi chỉ cười:

- Chuyện đắc cử lúc này chưa hẳn là điều may đối với tôi đâu. Tôi đâu thích làm chánh trị, tôi chỉ thích viết văn và dạy học thôi.

- Vậy chị ra ứng cử làm gì?

Và rồi như hiểu vì lẽ gì tôi ra ứng cử, họ lắc đầu:

- Người ta cần chị thì chị cũng phải làm sao để đắc cử chớ?

- Mấy anh nói chuyện buồn cười thật, tôi cũng đã làm hết mình rồi đó. Các anh có ai không một mình một chợ đâu, chỉ có tôi là gặp Hoàng Vinh.

Nhưng rồi tôi vẫn đắc cử.

Trở về Sài Gòn, tôi phải dự các cuộc họp liên miên trước ngày khai mạc Quốc hội khóa III vào tháng 10-1963. Lúc bấy giờ tình hình chính trị đã thay đổi nhiều. Như trên tôi đã nói, khi ông Ngô Đình Diệm về nước dẹp được Bình Xuyên, Hòa Hảo thì dân chúng thán phục tin cậy biết bao nhiêu, thì sau bốn, năm năm chấp chính, dân chúng từ hàng trí thức đến dân lao động đã bắt đầu bất bình (nên có sự mưu lật đổ chính quyền của quân nhảy dù vào năm 11.11.1960 và sau đó là vụ dội bom vào dinh Độc Lập ở cánh cư ngụ của gia đình cố vấn Ngô Đình Diệm. Cả hai lần này đều không thành công vì còn những tướng lãnh trung thành với Ngô Đình Diệm, tuy thù ghét ông bà cố vấn Ngô Đình Diệm và chính sách gia đình trị của nhà Ngô).

Tôi vừa dự lễ ra mắt dân biểu khóa III thì một tháng sau đã có cuộc đảo chánh 1-11-1963 lật đổ chánh quyền Ngô Đình Diệm. Và thật buồn cười là ngay tháng lương đầu của Quốc hội, lúc bấy giờ là 25.000đ, tương đương với 5 lượng vàng (nhưng còn ít hơn tiền tôi viết ở các báo lúc bấy giờ), tôi còn chưa được lãnh.

Trước đó vài ngày thôi, Chủ tịch Quốc hội, ông Trương Vĩnh Lễ, làm việc tại Tòa Đô chánh (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân TPHCM) đãi các dân biểu và một số quan khách. Khi đến dự, tôi thấy không khí buổi lễ thật là buồn tẻ. Một số dân biểu ở tỉnh đã có người về tỉnh, một số quan khách được mời lại không đến, một số dân biểu trong chính quyền cũng vắng mặt, nên phòng khánh tiết của Tòa Đô chánh thấy rộng rãi thênh thang quá. Tôi để ý thấy các ông cứ họp nhau từng nhóm bàn chuyện gì riêng, còn ngay ông Trương Vĩnh Lễ là người đứng ra mời khách lại buồn so. Tôi nói với mấy chị bạn của tôi: “Khách khứa hôm nay sao ít quá! Tiệc tùng như thế mà chẳng thấy ai vui vẻ, chả ai thiết ăn uống gì cả”. Đúng là một số người đánh hơi thấy có chuyện lớn sắp xảy ra. Chắc chắn có người đã hay biết có chuyện đảo chánh nhưng chưa biết vào ngày nào và do ai. Lúc đó bà Nhu vừa đắc cử xong đã từ biệt chúng tôi ở phi trường để đi các nước châu Âu. Khi sắp ra đi tôi còn nhớ bà bị nhà báo Nguyễn Ang Ca phỏng vấn:

- Xin được phép hỏi bà cố vấn, chuyến công du này của bà là bao lâu và với mục đích gì?

Tôi đứng gần đó, nghe bà trả lời:

- Tôi như một cánh chuồn chuồn, khi vui thì đậu, khi buồn thì bay.

Ai ngờ câu nói ấy thật là một điềm gở cho bà, bà đi mà không có ngày trở lại và đã mất tất cả ngay từ ngày ấy.

Về chuyện nầy tôi không cần viết dài vì đã có nhiều người viết về cuộc đảo chánh nầy. Tôi chỉ viết về những gì đã xảy ra cho tôi sau cái ngày 1-11 ấy.

À, tôi quên nói cho các bạn biết là trong buổi tiệc tẻ lạnh ấy, các bạn của tôi có hỏi tôi:

- Chị đã lãnh tháng lương đầu của Quốc hội chưa?

Tôi nói chưa. Họ bảo về lãnh đi. Hôm ấy là ngày 29. Và 30 hình như cận ngày chủ nhật. Thế là tôi không lãnh được tháng lương đầu của Quốc hội khóa III ấy. Có nghĩa là tôi chưa hề hưởng một ân huệ nào của chế độ Ngô Đình Diệm. Con người ta có phần số như vậy đó.

Không được hay chưa được lãnh tháng lương đầu tiên ấy, tôi không một chút tiếc rẻ, nhưng điều làm tôi buồn là mình tốn công, tốn sức với ý nguyện làm được một việc gì cho tỉnh Quảng Ngãi, giúp được cho chị em bị ức hiếp hay bị bạc đãi, nay cái ước nguyện ấy đã thành mây khói.

Những ngày sau cuộc chính biến ấy thật khủng khiếp, nhất là sau cái chết của ông Diệm và Nhu. Làm chánh trị ít ai tránh khỏi những mất mát về tinh thần lẫn vật chất. Các bạn đồng viện của tôi nhiều người bị bắt, trong đó về phụ nữ thì có bà Hồ thị Chi, bà Khánh Trang. Nhà cửa một số dân biểu, bộ trưởng bị phá phách như nhà bà luật sư Phan thị Minh Nguyệt. Còn báo chí thì tòa soạn các báo Tự Do, Sàigòn Mới, Tiếng Chuông... bị dân chúng kéo đến phá tan tành. Chị Bút Trà phải vào bệnh viện Dung Anh của bác sĩ Trần Đình Đệ nằm, lấy cớ bị đau nặng. Ngay con gái út của chị là Nguyễn thị Kim Châu, chủ rạp hát Kim Châu, cũng bị một bọn người vào uy hiếp, đã phải nhảy xuống lầu nhà bà chủ tiệm sách Lê Phan để trốn tránh.

Nhưng riêng về phần tôi, không ai đả động gì đến tôi cả. Khi các báo đã được chính phủ quân nhân mời lên để đưa đường lối mới của chánh quyền thì tình hình bớt căng thẳng. Một nước chẳng lẽ không có một tờ báo, không nhờ vào báo chí để tuyên truyền, để nói lên các chủ trương của chính phủ? Vì vậy mà các báo lại tiếp tục tái bản và cũng xoay chiều đổi hướng để sống và để anh em làm báo khỏi thất nghiệp. Những cây bút viết xã luận hay viết châm biếm nay cũng phải đổi chiều. Nhà báo mà không viết được thế này thì họ viết thế khác. Cái thời Tây đô hộ họ còn chửi xéo chửi xiêng mà nào có ai làm gì được họ. Nhưng cái gì chớ chuyện lật đổ được chế độ độc tài gia đình trị đến nước không còn ai chịu được nữa thì ai mà không tán thành, ai mà không đồng ý đồng tình? Còn những người viết tiểu thuyết như tôi, hay viết mục Gỡ Rối Tơ Lòng thì đâu ai cấm viết. Nhưng lúc đầu vì tôi có tên trong khóa Quốc hội thứ III, nên anh chị tôi không khỏi lo sợ, bảo tôi tạm ngưng làm việc. Thấy thái độ thay đổi của ông anh bà chị mà tôi không khỏi tức giận, tuy vậy vẫn không nói gì. Lúc ấy cũng có nhiều báo muốn mời tôi viết. Còn độc giả của Sàigòn Mới hỏi tại sao tôi không giữ các mục cũ mà bỏ tiểu thuyết gián đoạn. Anh Bút Trà buộc lòng phải cho in tiếp tiểu thuyết của tôi nhưng thật hèn nhát là... không đề tên tác giả. Lúc bấy giờ có một vài tờ báo của nhóm quân nhân đỡ đầu ngỏ ý mời tôi viết, ông bà Bút Trà mới hốt hoảng và để tên tôi trở lại. Cuộc đảo chính tuy thành công nhưng cái chết của ông Diệm đã khiến một số sĩ quan, một số người trung thành với chế độ cũ, nhất là với cá nhân ông Diệm bất bình ra mặt. Rồi sự tranh quyền của những sĩ quan với nhau khiến tình thế chánh trị lúc bấy giờ rối mù. Hết đảo chính này đến đảo chính khác, riết rồi dân chúng cũng chán ngán vì họ cảm thấy khó làm ăn, không biết phải tin vào ai.

Nói không làm chính trị rồi cũng mắc chân vào. Hai lần, một lần được mời làm Hội đồng tỉnh Gia Định, một lần được mời đứng vô Liên danh ông Nguyễn Thế Trình để ra tranh cử với đương kim Tổng thống Ngô Đình Diệm, để ra tranh cử với đương kim Tổng thống Ngô Đình Diệm, cả hai lần tôi đều từ chối được. Nhưng còn lần ra ứng cử dân biểu Quốc hội khóa III cũng là lần được mời và trong tình thế không thể từ chối được, tôi ra tranh cử và đắc cử nhưng khóa Quốc hội ấy chỉ sống được một tháng rồi cuộc đảo chính nhà độc tài Ngô Đình Diệm đã cho tôi rút chân ra khỏi đường chánh trị và trở về cuộc sống yên lành của nhà văn.

Khoảng thời gian này con cái của tôi đã có ba đứa vào đại học, ba ở trung học và ba ở tiểu học. Tôi vẫn viết đều đặn, đời sống tuy không dư dả, không giàu có như ai, nhưng cũng đủ lo cho con và cũng có được một phương tiện để tham gia các đoàn thể, làm công tác xã hội.

Nhưng rồi người ta vẫn không để yên cho tôi được sống yên lành, người ta vẫn rấp tâm rủ tôi ra ứng cử. Đây là thời Nguyễn văn Thiệu làm Tổng thống. Lần nầy người ta mời tôi ra ứng cử Thượng nghị sĩ!

Buồn cười thật! Đời tôi toàn gặp những chuyện như trò chơi. Cái gì ai có thì mình dù không muốn cũng có như ai. Số là Kiều Mộng Thu, vợ ông Nguyễn Chức Sắc, Phó tỉnh trưởng ở Cà Mau, là một cây bút nghiệp dư nhưng có tài và rất lanh lợi khôn ngoan, lại thêm đẹp đẽ dễ coi. Kiều Mộng Thu ở tận dưới đồng bằng sông Cửu Long nên cũng buồn, thường thì viết thư làm quen với các nhà văn nhà báo có tiếng lúc bấy giờ. Với tôi, Kiều Mộng Thu mấy lần viết thư làm quen và thỉnh thoảng có ai về Sài Gòn thì gởi lên cho tôi nào là mắm cá lóc, nào tôm khô... Rồi Kiều Mộng Thu đến thăm tôi và có lần đưa cả Nguyễn Chức Sắc đến thăm nhà tôi và rồi thành bạn thân với nhau.

Cuộc bầu cử Thượng nghị sĩ khóa II của chế độ mới lại đến. Nguyễn Chức Sắc nguyên là một người có địa vị nào đó trong đạo Cao Đài nên giáo phái định đưa ra một liên danh để tranh vào Thượng Nghị Viện. Mỗi liên danh là 10 người, có cả thảy chục liên danh. Tôi còn nhớ có một liên danh trong đó có bà Nguyễn Phước Đại. Liên danh Cao Đài gồm chín người đàn ông và họ mời tôi là phụ nữ để đủ mười ứng cử viên. Kiều Mộng Thu thì được giáo phái này đưa ra ứng cử dân biểu Quốc hội ở Huế.

Một chức sắc Cao Đài (tôi quên tên rồi) đến gặp tôi và nhà tôi để bàn về chuyện nầy, hôm đó có cả Nguyễn Chức Sắc và Kiều Mộng Thu. Nhà tôi không có ý kiến gì, khuyên tôi nên cân nhắc, nếu nhận lời được thì nhận lời. Còn Kiều Mộng Thu thì hết lời năn nỉ tôi nên nhận lời và còn nói có chị liên danh này sẽ đắc cử là vì chín người kia cũng là những người có tên tuổi. Nếu tôi nhận lời họ sẽ tập hợp lại trên Đà Lạt để bàn tính chuyện ra tranh cử, vấn đề tài chính ai tài trợ và phải dựa vào ai để nắm chắc phần đắc cử. Qua các liên danh đã thành lập, tôi thấy liên danh của chị Nguyễn Phước Đại là có hy vọng nhiều nhất vì gồm toàn các người có tên tuổi, có kinh nghiệm trên trường chính trị từ đời Ngô Đình Diệm. Liên danh Cao Đài nầy về tài chánh rất dồi dào, họ cũng có nhiều cử tri trong Giáo phái ủng hộ, nên coi bộ họ có hy vọng đắc cử, và họ nói nếu có tên tôi trong liên danh thì chắc chắn có nhiều hy vọng.

Tôi không từ chối ngay hôm ấy nhưng tôi đã chủ tâm từ chối ngay khi đầu họ yêu cầu. Nhà tôi biết là tôi không nhận lời, nhưng nể tình mấy ông bạn có công đi lại mấy lần nên nói: “Để cho nhà tôi nghĩ lại”. Nhưng tôi không cần nghĩ lại gì hết, tôi nói riêng với Kiều Mộng Thu là tôi không đủ tài đủ sức để ra tranh cử vào Thượng Nghị Viện, Kiều Mộng Thu nên khuyên các ông ấy tìm một người khác.

Sau đó liên danh này cũng có đưa thêm vô một người đàn bà nhưng về tên tuổi thì không ai biết. Và rồi liên danh ấy không đắc cử.

Lần này đâu ai ép buộc tôi phải nhận lời. Về tôn giáo, tôi là Phật tử, tôi không phải ở giáo phái Cao Đài. Và thú thật tôi đã chán ngán chánh trị quá rồi. Tôi nguyền viết thêm năm sáu năm nữa rồi nghỉ việc, nghiên cứu đạo Phật.

Tôi quên nói với các bạn là với cây viết, tưởng mình viết văn để nuôi con; với viên phấn, tưởng mình đứng trên bục giảng để dạy học trò. Nào ngờ nhờ hai cái nghề này mà tên tuổi của mình lại được nhiều người biết và bị lôi cuốn vào con đường chánh trị, người ta toan lấy mình để làm con cờ cho họ đi lên.

Thảo nào Phạm Quỳnh sau một thời gian chủ trương tờ tạp chí Nam Phong đã được mời về làm Bộ trưởng dưới thời Khải Định. Nói là mời cũng không đúng mà phải nói rằng được bọn thực dân Pháp gài vào triều đình Huế. Rồi Nguyễn Phan Long, chủ bút tờ Việt Nam, cũng nhờ viết văn mà gây trên chính trường một tên tuổi để đời. Rồi Nguyễn văn Sâm nhờ làm chủ nhiệm tờ Đuốc Nhà Nam mà sau này vào năm 1945 có tên trong chính phủ của Trần Trọng Kim với chức vụ Thống đốc miền Nam (tôi không biết có phải chữ Thống đốc không).

Đó, câu chuyện không muốn làm chánh trị mà không thể thoát của tôi chỉ là như vậy!