Hồi ký bà Tùng Long

Chương 4

Docsach24.com

rong hai mươi năm tôi làm báo và viết văn, người ta nói đùa là tôi đã viết 1001 truyện ngắn. Còn tiểu thuyết dài và vừa thì gần cả 100 bộ. Sự thật thì tôi đã xuất bản độ 70 bộ truyện dài và truyện vừa. Truyện đã đăng báo nhưng chưa in thành sách vẫn còn khoảng chục bộ. Truyện nhi đồng viết vì yêu cầu của nhà xuất bản Nhi đồng khoảng vài chục truyện. Còn truyện ngắn cũng vài trăm cái.

Vì vậy người ta mới lấy làm lạ, tôi lấy đề tài từ đâu mà viết được nhiều như vậy? Lấy đề tài ngoài đời mà mắt tôi thấy, tai tôi nghe khi tôi bắt đầu hiểu. Quanh tôi có bao nhiêu chuyện đáng để ý, đáng suy nghĩ và đáng nhớ. Tiếp đó là những chuyến đi xa, đi khắp miền Nam Trung Bộ từ Huế trở vô. Từ khi còn nhỏ tôi đã biết quan sát, cái gì không hiểu đã có cha tôi hướng dẫn, dạy dỗ. Rồi cuộc sống ở các trường học, tiếp xúc với bạn bè. Đã tiếp xúc, lẽ dĩ nhiên là có va chạm, có cách đối phó, có những suy nghĩ gây mầm, thu góp hành trang để đi vào đời sau này.

Xã hội của tuổi trẻ thời học trò có nhiều gay cấn, biến động không ngừng và chính tình cảm con người với con người nảy sinh vào thời kỳ này rất quan trọng. Tình bạn, tình thầy trò, tiếp nối tình yêu thương ở gia đình, tình phụ tử, mẫu tử, huynh đệ đã cho tôi thêm một mớ hành trang để đi vào đời viết văn. Nói như Victor Hugo, con người nào mà trái tim rung động, linh hồn nhạy cảm mới có thể cầm bút viết dễ dàng. Nếu trái tim chúng ta như một khối hình ảnh thì rồi cũng có một lúc những điều tra ta tiếp nhận được sẽ đầy ắp, một lúc nào đó bị rung động sẽ trào ra ở ngọn bút hay cây cọ, tiếng nhạc...

Lúc nhỏ, thấy thân phụ tôi viết bài, làm thơ, tôi thường nghĩ những điều ấy một ngày nào đó tôi có thể làm được không? Làm một nhà văn chắc là thích thú lắm? Nhưng cha tôi viết văn là chỉ để dùng thì giờ nhàn rỗi vào chuyện giải tỏa tâm hồn, chứ thật sự cha tôi chỉ là một công chức ngày hai buổi đi làm ở công sở.

Cha tôi thường nói với tôi: “Đây là một cách giải trí lành mạnh, một cách nuôi dưỡng trí óc, tâm hồn trong sáng, chứ nghề viết văn ở xứ ta ở thời buổi này (vào những năm 1920-1925) không thể nuôi người viết một cách tự do và đầy đủ. Vào thời kỳ lệ thuộc ấy, muốn viết những gì mình cảm nhận, những gì mình muốn nói, không phải là chuyện dễ. Viết văn để kiếm ăn ở thời kỳ ấy đều phải tùy thời, thậm chí phải đánh mất tự do của mình là khác”.

Khi còn đi học, tôi cũng thử viết những truyện ngắn, tập dịch những bài hay của các nhà văn Pháp, và thấy làm việc ấy không mấy khó khăn. Viết lách đối với tôi cũng không đòi hỏi nhiều cố gắng, nhiều công sức. Tôi làm công việc ấy dễ dàng như khi tôi viết những bài luận văn hay Pháp văn để góp cho các giáo sư, mà lần nào tôi cũng nhận được những lời khen hay những điểm lớn.

Những cuộc thi văn chương chung với các trường Pháp như Chasseloup Laubat (bây giờ là Lê Quý Đôn), trường Marie Curie, trường Sư phạm (Ecole Normale), tôi vẫn được giải thưởng cao nhất. Vì vậy đặt bút viết khi mới 16, 17 tuổi, tôi vẫn không dùng giấy nháp, y như lúc tôi cầm bút viết báo sau này. Một thiên phú chăng? Nếu vậy thành thật cảm ơn các đấng sinh thành đã cho tôi cái thiên phú ấy.

Thật ra viết đối với tôi không phải là khó, vì ngay từ nhỏ tôi đã quen viết. Mới chín tuổi tôi phải xa nhà để ra Đà Nẵng học, vì vậy mỗi tuần cha tôi bắt buộc tôi phải viết một bức thư về nhà, không được dưới bốn trang giấy học trò. Mới chín tuổi tôi bới đâu ra để mà viết dài dòng như vậy ngoài những lời hỏi thăm thường lệ? Bây giờ nghĩ lại, tôi nhận thấy đây cũng là một cách cha tôi luyện cho tôi viết văn, mà lúc ấy tôi không nghĩ đến.

Cha tôi cho tôi một cái dàn bài phải viết như thế nào, viết có thứ tự và có những đề tài để viết. Cái nào phải viết trước, cái nào phải viết sau. Và luôn luôn đọc kỹ thư cha tôi để trả lời những câu cha hỏi. Đó cũng là một cách dạy tôi cách viết thư và có chuyện để nói dông dài mới chiếm được bốn trang giấy.

Chẳng hạn cha tôi hỏi về sức khỏe bà ngoại tôi, bà tôi tuần này buôn bán ra sao, có thâu hàng thêm không? Bà tôi có thường đi chùa không, và khi bà tôi đi vắng, ở nhà tôi có coi cửa hàng và bán những thứ lặt vặt cho bà tôi không? Rồi đến chuyện tôi đi học. Bạn bè của tôi có những ai? Tôi có bạn để cùng đến trường không? Trường cách xa nhà không? Tôi đi bộ mỏi chân không? Tôi có tiền ăn quà bánh không? Tôi làm gì những ngày chủ nhật? Có đi chơi xa không? Tôi có gì vui hay buồn phải kể cho cha tôi biết. Rồi đến chuyện học hành trong lớp có theo kịp bạn bè không? Cha tôi còn nhắc có khi nào tôi quên gia phong, thốt lên lời chửi rủa một ai đó không? Thí dụ như một người bạn làm mình bực mình hay một người nghèo cứ luẩn quẩn bên mình để xin tiền... Với bao nhiêu lời dặn, với bao nhiêu câu hỏi, tôi trả lời còn khó hơn làm một bài luận văn. Thư nào tôi quên một câu hỏi là thư sau bị rầy và bị nhắc lại.

Bây giờ ngồi viết lại những trang nhật ký này tôi thấy cách cha tôi huấn luyện viết thư cũng là một cách tập cho tôi viết văn. Mà các bạn biết không? Tôi ở Đà Nẵng với bà tôi cả ba năm, một tháng viết bốn lá thư. Lần lần tôi quen, tôi kể đủ chuyện cho cha tôi nghe.

Sau Đà Nẵng, tôi còn ra Huế học ở trường nữ trung học Đồng Khánh và cũng phải viết thư về nhà. Những thư viết ở ký túc xá thường bị kiểm duyệt, nên tôi không còn viết dài dòng nữa. Có những chuyện bực mình muốn nói mà không dám nói. Nếu có việc gì cần nói riêng, hay than thở chuyện trong trường thì tôi phải viết rồi nhờ bạn ngoại trú bỏ giùm ở bưu điện.

Các bạn thấy đó, mới trên chín tuổi đầu tôi đã quen viết những bức thư về nhà như vậy thì khi ngồi trước bài luận, tôi không còn sợ đầu óc mình khô khan. Và tôi có thể viết hết bốn trang giấy ở các phòng thi sau này một cách dễ dàng mà không sợ bị lạc đề.

Viết đến những dòng này, tôi bỗng dưng thấy thương nhớ cha tôi quá. Một người vừa là thầy, vừa là cha, vừa là bạn. Tôi học ở cha tôi đủ thứ, cả cách trồng hoa, nhất là hoa hồng, săn sóc cây kiểng và ươm cây, chiết nhánh. Tôi học ở cha tôi cái đam mê đọc sách. Nhưng tôi lại không học được cái thú tiêu khiển bằng cây đàn nguyệt, mà em gái kế tôi, em Nhiễu, những lúc tôi đi học xa, ở nhà đã được cha tôi dạy môn âm nhạc ấy. Tôi không có khiếu âm nhạc nhưng em tôi lại không có khiếu văn.

Chính nhờ được luyện viết từ lúc nhỏ, nên khi vào làng báo, tôi không cảm thấy bỡ ngỡ lắm, trái lại còn được tiếp đón một cách niềm nở là khác.

Những câu chuyện từ trường học cũng cho tôi nhiều đề tài để viết. Ví dụ như truyện Gương Vỡ Lại Lành, tôi lấy ngay đề tài ở trường Gia Long nơi tôi học, mà nhân vật chính lại là một chị bạn học năm cuối của trường. Chị đi thi trung học và về kể lại một chuyện khá vui. Chị vào thi vấn đáp môn toán với một giáo sư người Việt còn trẻ và ông này cứ theo nhìn chị hoài và sau cùng hỏi địa chỉ của chị. Chị không cho thì ông ta cười và nói cô giấu làm gì, trong cái thẻ học sinh này, tôi đã thấy địa chỉ của cô mà. (Sự thật thì trong thẻ học sinh làm gì có địa chỉ riêng!).

Vậy mà sau đó ông ta cũng tìm ra được địa chỉ nhà chị ở Mỹ Tho. Ông ta tìm xuống tận nơi, để rồi một cuộc tình thơ mộng đã nung nấu hai tâm hồn trẻ. Họ yêu nhau lại được cha mẹ ưng thuận, nên sau đó mấy tháng một đám cưới đã tổ chức trọng thể vì hai bên cha mẹ đều là chủ đồn điền, mà nhà trai có tiếng là gia đình phúc đức, một điền chủ không bóc lột. Rồi họ lên Sài Gòn mua một căn nhà ở gần chỗ Thạch, chồng chị dạy. Họ sống trong hạnh phúc không gặp ai, không tiếp bạn bè, thỏa thuận cùng nhau. Nhà chỉ có hai cái chén, hai đôi đũa, cái gì cũng hai. Không tiếp cả cha mẹ, chị em.

Một chuyện tình tốt đẹp quá, thơ mộng quá, nhưng cũng lãng mạn quá. Họ sống riêng biệt bên nhau cả mấy tháng trời. Thạch đi dạy thì chị ở nhà lo nấu nướng, thêu may, dọn dẹp và khi Thạch về thì cả hai như đôi chim ríu ra ríu rít, cười đùa không ngớt. Đến nỗi cha mẹ cả hai bên phải than phiền là con cái tệ quá, quên cả cha mẹ. Vậy mà có ai ngờ được chuyện tình ấy lại dang dở vì một trận đau kéo dài của chị, bệnh lao phổi. Rồi cô em gái của chị lên thăm, lấy cớ ở với chị để phục vụ việc nhà, và cũng để học tiếp ở trường nữ Gia Long, xin chuyển từ Mỹ Tho lên.

Ở đời không có chuyện gì là bất ngờ cả. Hoàn cảnh đã làm thay đổi con người. Cô chị thì đau yếu, cô em lại mạnh khỏe, ông chồng thì thiếu người trông nom, thiếu tình thương, nên đã bị cô em lôi kéo vào một chuyện yêu thương tội lỗi.

Câu chuyện kể từ bạn bè đó đã cho tôi đề tài để viết một quyển tiểu thuyết, một chuyện có thật ở xã hội, với những tình cảm éo le, nhưng lại rất thường tình: Gương Vỡ Lại Lành. Sau này tôi đổi tên lại là Còn Vương Tơ Lòng, là vì gương vỡ không lành chỉ hàn tạm, chứ sự thật thì tình chồng vợ của hai người đã từng yêu nhau tha thiết, nay không còn nữa. Thay vào đó họ chỉ còn vương lại một chút tơ lòng. Sau 1975, tôi định viết lại chuyện này hoàn toàn theo sự thật. Vì tôi rất cảm động trước cư xử rất khoan dung, rất ưu ái của bà mẹ chồng đứng giữa hai người yêu của con trai mình. Người dâu đầu bà cưới, chỉ do con trai bà thương. Nhưng sau đó bà thật sự cảm mến cô dâu ấy vì lòng yêu thương chân thành và sâu đậm cùng tánh trung hậu, đàng hoàng của cô. Nhưng cô đau yếu, mang một bệnh ngặt nghèo mà vào thời ấy, cho là khó chữa lành, nguy hiểm, lây lan. Và bà thương cảnh con trai mới có vợ ba năm, chưa có đứa cháu nội nào cho bà bồng ẵm, bây giờ phải phòng không gối chiếc còn phải lo cho vợ ở bệnh viện. Đến khi có cô em vợ xen vào, và đã lén lút yêu thương con trai bà, bà biết nhưng giả vờ như không hay biết. Bà là người rất sành tâm lý. Bà hiểu cô em chỉ ghen với hạnh phúc của cô chị, thấy cô chị được thương, được ở nhà cao cửa rộng, nên cố ý đoạt hạnh phúc của chị. Chứ thật sự không yêu thương Thạch như cô chị.

Rồi cô ta có thai. Thật là một chuyện khó xử, nhưng lại là một tin mừng cho bà. Thạch là con một, bà sắp có cháu trai để nối dõi tông đường. Bà ráng thu xếp việc này cho thật yên. Nhưng trong khi cô chị âm thầm đau khổ, cô em lại khai thác ưu thế của mình một cách quá trớn, nay đòi ẵm con về nhà mẹ, mai đòi ra sống bơ vơ ngoài đời. Thạch thì không biết phải làm sao cho ổn thỏa. Bà mẹ chồng nảy ra cái ý đưa cô dâu lớn qua Pháp chữa trị và để nhà cửa lại cho cô em và cậu con trai.

Một mối tình chân thật, một mối tình có tính toán, một bà mẹ chồng vì quyền lợi của mình, nhưng cũng vì yêu thương cô dâu đức hạnh nên cố dàn xếp. Đây là một cốt truyện rất thường tình trong xã hội.

Cũng từ những câu chuyện hồi đi học, tôi đã viết truyện Bóng Người Xưa, mới vài tuần đầu đã gây được tiếng vang khắp nơi, độc giả nam cũng như nữ theo dõi, bàn tán, có kẻ nóng lòng muốn biết kết cục, đã gửi thư hỏi thăm. Thật là một điều đáng khích lệ. Truyện này tôi viết về một chị bạn cùng học ở trường Đồng Khánh năm 1930-1931. Chị học lớp đệ tứ, trong khi tôi mới vào ký túc xá năm đệ thất. Chị là người Nghệ An hay Quảng Bình gì đó, học rất giỏi. Tuy ở ký túc xá nhưng chị không có bao nhiêu bạn. Lúc nào tôi cũng thấy chị thui thủi có một mình. Giờ ra chơi cũng như những giờ được nghỉ, chị thường thơ thẩn một mình, lúc nào cũng có vẻ suy tư và lo lắng về một chuyện gì đó. Chị lại là người thương bị phòng kế toán gọi hối thúc đóng tiền học. Có lần bị bà giám thị mắng nhiếc, chị buồn và chui vào một xó phòng thể dục, lau nước mắt. Tôi thấy hoàn cảnh chị nên rất thương và tìm cách làm quen với chị. Tên chị ở trường không phải Lệ Hằng như tên tôi đặt trong tiểu thuyết. Bây giờ ngồi viết lại những kỷ niệm cũ, tôi vẫn còn thấy mến phục chị, thương chị vô cùng. Không biết ở một phương trời xa xôi nào đó, chị có còn sống không? Chị lớn hơn tôi khoảng ba, bốn tuổi. Có lần thấy chị đan một cái khăn len màu ngà, rông cỡ 1m2, tôi đến làm quen với chị. Chị thấy tôi lại gần, mỉm cười nhưng không bỏ đi như có lần một vài chị khác đến làm quen. Chị hỏi tôi: “Dân mới về trường phải không? Ở đâu đến vậy? Tên chi?”.

Chị hỏi một hơi dài, làm như hỏi cung không bằng. Tôi vẫn vui vẻ trả lời: “Dân mới về trường nhưng không bị ăn hiếp vì có các chị cùng quê ở đây che chở. Ở Đà Nẵng đến và tên là Bạch Vân”.

Chị gật đầu: “Tên hay đấy!”.

Rồi chị nói: “Mình ra băng đá ngồi đi, ngồi trong hốc này tụi giám thị tưởng đâu mình âm mưu gì”.

Lúc đó tôi chưa hiểu nên hỏi:

- Âm mưu gì?

- Tụi nó nghi mình làm chính trị.

- Làm chánh trị? - Tôi ngạc nhiên hỏi lại. Chị cười và nói:

- Thế là em chưa biết chị. Tụi nó nghi chị vào đây để truyền bá chủ nghĩa cộng sản đó em.

Chị kéo vào tôi ra bàn đá giữa sân, trên đường ra cổng và nhìn về giòng sông Hương đang lờ đờ chảy ở phía trước xa xa.

Tôi hỏi: “Chị đan làm gì cái khăn len quá rộng như vậy? Mà sao em thấy chị đan hoài nó vẫn không dài thêm tấc nào. Em ra đây đến nay là ba tháng rồi!”.

Chị cười xòa:

- Đan cho qua thì giờ. Mình vừa đan vừa suy nghĩ, không ai để ý, chớ ngồi ngây người ra tụi nó lại nghĩ, mình định âm mưu gì.

Rồi chị cười lớn ra vẻ thích chí. Tôi nhìn sững chị và thấy chị có một vẻ đẹp quý phái, nhưng bên trong vẻ đẹp ấy là một nét buồn kín đáo.

Chị bỗng đưa cái khăn đang đan lên và bảo:

- Tụi nó đang theo dõi em đó. Tốt hơn em không nên gặp chị thường, chị dễ gây tai họa cho người khác lắm.

Có lần cũng thấy chị ngồi đan một mình trên ghế đá, tôi đi ngang và nói:

- Chị đan hoài không xong, chị làm như bà Pénolope trong chuyện cổ La Mã, ngày đan đêm tháo.

Chị trợn mắt nhìn tôi, rồi cười xòa:

- Em cũng biết chuyện bà Pénopole sao?

- Em đọc sách thấy nói bà ta là một hoàng hậu thật đẹp, một ông vua nước khác si mê bà, bắt bà về ép phải làm hoàng hậu của ông. Bà hứa để bà dệt xong tấm vải may chiếc áo cưới thì sẽ nhận lời. Thế rồi ngày bà dệt, đêm bà tháo, cứ vậy nên tấm vải còn mãi chỗ cũ không bao giờ xong. Bà chờ đến ngày chồng bà đem quân cứu bà ra khỏi tay vị vua kia.

Chị khen tôi kể chuyện hay và thở dài:

- Chị đâu phải là hoàng hậu, chị là người phải làm một nhiệm vụ...

Có lần cô giáo dẫn học sinh ký túc xá đi dạo chơi ngắm cảnh. Chị và tôi cùng là dân không có bà con ở Huế, ít khi Chủ nhật ra ngoài, đã được đi núi Ngự Bình.

Ra tới đây, cô giám thị vào quán ăn bánh bèo, kéo theo một số học sinh, vì bánh bèo ở chân núi Ngự Bình lúc ấy có tiếng là ngon nhất xứ Huế. Tôi thấy chị Lệ Hằng (tên tôi đặt cho chị trong tiểu thuyết) dẫn hai người bạn leo lên núi Ngự Bình. Họ đi thoăn thoắt, tôi chạy theo mà cũng không bắt kịp.

Núi có những bậc tam cấp được người ta đục sẵn, đi lên không khó lắm. Núi lại không cao, nên không dốc lắm. Tôi lên tới đỉnh, thấy sau một bụi cây rậm rạp, chị Hằng ngồi cùng với ba chị khác và họ trao cho nhau những bó giấy, rồi mỗi chị nhét nó vào quần trong áo dài. Nghe tiếng còi báo hiệu tập hợp ra về, chị Hằng và ba người bạn đợi mấy chị khác lên núi xem cảnh chạy xuống trước, rồi họ mới chia nhau chen vào đám đông đi xuống.

Đêm hôm ấy bên Phủ Doãn (nhà giam tù chính trị) đã qua trường Đồng Khánh và bắt chị Hằng cùng ba cô bạn khác về tội rải truyền đơn dọc đường khi ở Ngự Bình về. Trong ba chị bị bắt, một chị được thả về vì có cha làm quan lớn trong triều. Các bạn kể tôi nghe là chị Hằng đã bị theo dõi từ lâu. Năm học đệ ngũ, chị có bị bắt một lần nhưng không tìm ra bằng chứng nên người ta thả chị ra và có hai người bà con làm công chức đứng ra bảo lãnh chị mới được tiếp tục học lại.

Một chị kể:

- Việc lộ ra là hôm chủ nhật khi lớp nam sinh Quốc Học đi phía sau thì lớp nữ sinh Đồng Khanh đi trước đã chờ đợi tốp nam đi qua. Hai bên trao đổi giấy tờ gì đó mà các giám thị bên Quốc Học đã lục soát bọn đi chơi về và bắt được tài liệu. Vì vậy ở bên Quốc Học đêm qua cũng có một số học sinh bị bắt.

Lúc bấy giờ đang có phong trào truyền bá chống thực dân Pháp, đề cao lòng yêu nước trong học sinh sinh viên, rồi phong trào Nguyễn Thái Học ngoài Bắc, các hoạt động của các cụ Phan Sào Nam, Phan Chu Trinh ở miền Trung. Cả chủ nghĩa cộng sản cũng đang phát triển trong nhân dân. Và tụi Pháp đã ra tay đàn áp tàn bạo. Đây là thời điểm các nhà cách mạng nhắm vào thanh niên ở các trường, các trí thức trong hàng ngũ công chức... để vận động.

Chị Hằng bị kêu án ba, bốn năm tù, mấy chị kia lãnh án vài năm. Và chị Hằng bước vào con đường cách mạng từ đó. Nhờ có vài thế lực nào đó, chị được bảo lãnh ra tù, nhưng không được học lại. Chị gia nhập một tổ chức yêu nước và hoạt động trong bóng tối. Bỗng nhiên sau đó một vài chị bạn trong trường kể tôi nghe là chị sắp kết hôn với một kỹ sư và dọn về ở một vùng quê nào đó...

Chính câu chuyện này đã cho tôi đề tài để viết Bóng Người Xưa và quyển này đã giúp tôi có những bước đi thật vững chắc vào làng văn lúc bấy giờ. Sách in lần đần bán chạy, người ta lại tái bản, cả hai ba lần sau đó. Và sau 1975, Nhà xuất bản Văn Nghệ TP.HCM cũng đã tái bản Bóng Người Xưa (năm 1989). Sách in 15.000 quyển đã bán sạch.

Thật ra, tôi đưa nhân vật Lệ Hằng ra, rồi nhân vật Thúy Ái sau đó là để đề cao người phụ nữ trong phòng trào đấu tranh cho đất nước. Một phụ nữ xông pha với tù đày, đấu tranh vất vả, và một phụ nữ sống trong gia đình, dưới bóng mát của tình yêu thương nhưng không quên bổn phận đóng góp phần nào vào công việc đấu tranh giành độc lập cho nước nhà.

Cũng có khi tôi lấy đề tài từ chuyện trong chính gia đình mình, như chuyện Mẹ Chồng Nàng Dâu, truyện Giang San Nhà Chồng, là hai truyện tôi lấy từ cảnh sống, làm dâu của bà chị chồng và của cô em gái tôi. Cả hai phải đối phó thế nào để vượt qua cảnh khó khăn khi làm dâu với một bà mẹ chồng ỷ giàu và thiếu học.

Quyển Giang San Nhà Chồng được chị em phụ nữ theo dõi trên báo hằng ngày. Và khi in thành sách, bán rất chạy. Chị chồng tôi là người có học, xuất thân từ một gia đình nho giáo. Cha chồng tôi là con nhà nho, một thời làm chính trị không thành, trở về dạy học. Chị chồng tôi đa mưu tốc kế, nhưng tánh tình rộng rãi, thương người, sẵn sàng giúp đỡ những ai nghèo khổ. Trái lại, bà mẹ chồng là một nhà giàu keo kiệt, độc ác, gian xảo. Về làm dâu nhà này, bà chị tôi đã phải khổ sở, thức khuya dậy sớm, ăn đói nhịn khát không thua gì một kẻ ở đợ. Về nhà chồng, chị tôi không được mang guốc, không được mặc áo dài, không được ngồi ăn chung mâm với cha mẹ chồng và các anh, chị em chồng. Khi nhà có cúng giỗ, chị tôi phải thức cả đêm để làm bánh, nấu nướng, rồi khi dọn xong thức ăn lên bàn để thờ để họ cúng lạy và khi bày ra bàn để đãi khách thì bà mẹ chồng ác nghiệt kia lại sai chị chồng tôi đi gánh lúa. Đến khi về nhà thì chả ai nghĩ để phần thức ăn, họ đã ăn sạch sành sanh... Những chuyện như vậy mà chị tôi chịu đựng được để rồi tìm cách đối phó và cảm hóa được bà mẹ chồng phải thay đổi thái độ.

Ôi! Chuyện mẹ chồng nàng dâu ở thời phong kiến không bút mực nào ghi cho hết. Không phải ở Việt Nam mà cả bên Trung Hoa, bên Nhật Bản, như trong truyện của nữ sĩ Quỳnh Dao ở Đài Loan, truyện Ôsin của nữ sĩ Nhật. Sau quyển Giang San Nhà Chồng, tôi viết tiếp quyển Mẹ Chồng Nàng Dâu và cả hai truyện này đều bán chạy.

Tôi còn khai thác nhiều đề tài xã hội, nhờ vào mục Gỡ Rối Tơ LòngTâm Tình Cởi Mở mà tôi giữ trên hai báo hằng ngày Sài Gòn MớiTiếng Vang. Câu chuyện bạn đọc kể thường chỉ vỏn vẹn vài trang giấy, nhưng là chuyện rất thường tình ngoài đời. Hằng ngày nếu chịu khó quan sát, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều nhân vật đem vô tiểu thuyết. Xã hội là một sân khấu với tất cả các vai diễn, độc ác có, hiền hậu có, gian xảo có, trung thực có. Cứ nhìn quanh ta là thấy những người có thể nhập vai, rồi thêm sức tưởng tượng và tài liệu khi ta đọc sách của nhà văn các nước.

Trong khi phụ trách hai mục Tâm Tình Cởi MởGỡ Rối Tơ Lòng, tôi gặp biết bao nhiêu cảnh đời éo le, đau đớn khó xử, rứt không ra rời không được, để làm tài liệu đem vào những trang tiểu thuyết hằng ngày, thì một chuyện thình lình đã cho tôi một đề tài thật độc đáo mà từ xưa chưa ai khai thác: Cảnh cha ghẻ con vợ.

Số là một hôm trời nóng nên tôi không viết được bèn nhắc ghế ra sân nhìn trăng, ngắm sao và cũng để tập trung tư tưởng về một bài xã luận phải viết cho tờ Phụ Nữ Diễn Đàn trong ngày mai. Bỗng đứa con gái út của tôi năm ấy lên mười tuổi, đang học tiểu học, chạy ra nói với tôi là con làm bài xong rồi, mẹ cho con qua nhà con Lan - bạn cùng lớp và ở cùng xóm - chơi nghe mẹ. Chúng tôi ở trong cư xá Chu Mạnh Trinh, lô F. Nó đi một lát dẫn về con bé Lan, rồi hai đứa kéo ghế ngồi bên tôi năn nỉ tôi kể chuyện Trạng Quỳnh. Tôi chưa kịp kể thì nhà tôi lại gọi bé Phương Chi vô nhà đọc báo cho ông nghe. Cón bé phải vâng lời. Thành ra bé Lan chỉ ngồi một mình bên tôi. Bỗng nhiên nó thở dài và nói: “Con buồn lắm bác ơi!”. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Buồn chuyện gì nói bác nghe đi. Bác sẽ khuyên con.

Nó do dự một hồi lâu rồi toan đứng lên bỏ về. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Chuyện gì vậy Lan, bộ chị Hương không đi chơi với con sao?

Nó nói cộc lốc:

- Đi chơi rồi. Ba mẹ chở mấy anh chị đi xem hát bóng cả rồi.

- Thế tại sao con không đi?

- Ai cho mà đi! Bác ơi, toàn là chuyện bất công thôi! Không một lần nào con được đi chơi cả. Xem hát hay đi Thủ Đức gì cũng phải ở nhà.

Tôi chưa kịp nói gì thì con bé nói:

- Bác cho con về. Mẹ cấm không cho con qua nhà hàng xóm, mẹ sợ con đem chuyện nhà nói với người ta.

Tôi khuyên nó đừng nên nghĩ vậy về người mẹ của mình, con cái không nên phê phán việc làm của cha mẹ vì các con còn nhỏ quá, chưa hiểu gì đâu.

Nó nhất định không để tôi nói:

- Thưa bác, trường hợp của con là khác, con không biết có nên kể cho bác nghe không? Và liệu bác có tin con không? Con đọc báo thấy nhiều người lớn, cả đàn ông, đàn bà, các cô gái khi có chuyện gì khó xử thường viết thư hỏi bác. Bác vui vẻ trả lời họ. Thế còn con, con có được phép kể cho bác nghe không? Chuyện của con là chuyện thật, không phải bịa đặt đâu. Con còn nhỏ làm sao bịa đặt được một chuyện quá lớn như vậy.

Tôi không ngờ con bé lại ăn nói khôn ngoan quá. Tôi nghĩ chuyện hàng xóm, mình không nên biết, sợ bà Tuyết, mẹ con bé, hiểu lầm. Tôi còn đang suy nghĩ thì bé Lan đứng lên:

- Bác sợ mẹ con hiểu lầm là bác tò mò tìm hiểu chuyện gia đình con phải không? Nhưng con cứ nói: Con không phải là em chị Hương và mấy chị khác. Con là con của chị Mai, chị lớn và là con riêng của mẹ con. Chị ấy bây giờ đang ở trong tu viện. Người con đang gọi là mẹ thật ra là bà ngoại của con.

Con bé nói xong ôm đầu chạy. Nhưng bỗng nhiên nó hốt hoảng quay lại và nói với tôi:

- Bác ơi! Bác đừng có viết chuyện này lên báo nghe bác. Bà ấy mà biết được thì bà ấy đánh con chết.

Tôi thật bàng hoàng và thấy câu chuyện cũng khá hấp dẫn, nên nằm suy nghĩ mãi. Quả là một đề tài xã hội khá hấp dẫn, nhưng khai thác ngay thì tôi chưa thể làm được. Nhà bé Lan cùng cư xá với tôi, ngày nào bà má của Hương cũng đi ngang qua nhà tôi để ra đường đón xe đến công sở.

Nhưng rồi tôi cũng tìm hiểu được câu chuyện, không phải do bé Lan kể mà là do bé Hương, cô chị cùng tuổi với nó.

Thì ra, bà Tuyết vốn xuất thân một gia đình vọng tộc, khi học xong ở trường Đồng Khánh thì kết hôn với một tham tá dòng hoàng tộc. Cuộc hôn nhân này có kết quả là một đứa con gái nhưng sau đó ông tham tá qua đời vì một cơn bạo bệnh. Gia đình bên nội rất quí em bé vì nó đẹp kỳ lạ và khôn ngoan trước tuổi. Vì vậy bằng mọi cách gia đình bên nội cố giữ cô dâu ở chung được ngày nào hay ngày nấy, hy vọng khi cô ta có muốn tái giá thì bắt đứa cháu nội.

Nhưng chỉ hai năm sau, vừa mãn tang chồng, mẹ của bé Lan liền xin phép cha mẹ chồng để lập gia đình, làm lại cuộc đời với một người bạn trai ngày xưa đã có lần xin cưới Tuyết nhưng gia đình Tuyết không chấp nhận vì lẽ gia thế không bằng cha của Mai. Bên nội muốn bắt đứa cháu nhưng mẹ Mai không chịu nhượng bộ, viện lẽ con bé mồ côi cha nay sống xa mẹ thì tội nghiệp. Lại nữa, nó là hình ảnh của một cuộc tình mà bà ta suốt đời không thể nào quên. Thấy con bé là thấy mối tình đẹp của bà, là tình yêu lý tưởng của bà. Bà còn nói lẽ ra bà không nên đi thêm bước thứ hai, bà không muốn mất cái gia đình này và cũng không muốn đứa con của mình phải sống xa gia đình bên nội, một gia đình quan gia thế phiệt.

Nhưng rồi sau ngày cưới, ông chồng mới của bà đã xin đổi vào Nam, làm việc ở Bộ ngoại giao và sống một cuộc đời khác hẳn nếp sống của bà trước đây. Ông sống hoàn toàn theo Âu Mỹ, có làm thì có chơi, ngày nghỉ ông không bao giờ không tổ chức những cuộc đi chơi xa hay ra ngoại ô sống cả ngày trên sông nước hay trong các vườn cây ăn trái.

Đứa con riêng tên Mai của bà lúc nào cũng được ông nuông chiều yêu thương, cho đến khi bà sinh cho ông liên tiếp cả đám con gái và hai đứa con trai thì Mai đã lên 16 tuổi. Bà bàn nên cho Mai vô ký túc xá ở để dễ học, khỏi phải lo cho đám em nhỏ, vì bà thấy Mai càng lớn càng đẹp, đẹp một cách sắc sảo. Bà cũng thấy hơi lo vì bắt gặp cái nhìn say mê của ông mỗi khi thấy Mai đi qua trước mặt ông hay mang đến cho ông một vật gì. Ông lại rất nuông chiều và thương yêu con bé hơn cả mấy đứa con của ông, khiến lũ nhỏ nhiều lần ghanh tị với Mai: “Ba cứ cho chị ấy nhiều tiền để mua sách, mua chỉ thêu, và may áo quần. Ba không bao giờ cho tụi con tiền, ba nói đã có mẹ lo. Vậy chị Mai là con của ba hay của mẹ?”.

Và bà rất đau khổ phải theo giữ Mai từng bước. Nhưng rồi khi bà sanh bé Hương thì ở nhà đã xảy ra chuyện bất hạnh cho Mai. Mai ngây thơ, khờ dại làm sao giữ mình trước những cám dỗ và mưu toan thường luân bại lý của ông cha ghẻ.

Khi việc đổ bể, bà âm thầm cùng chị bếp, một người tin cẩn, đưa Mai lên Đà Lạt ở với người cô ruột của Mai. Bà thường lên xuống Đà Lạt và mấy tháng Mai gần sanh, bà ở luôn trên ấy. Khi Mai sanh, bà ẵm đứa bé về và tuyên bố vì lần có thai này bà yếu đau thường nên phải tịnh dưỡng ở Đà Lạt, nhờ một bác sĩ Pháp chuyên khoa đem đứa bé ra vô sự. Còn Mai thì bà ép buộc phải vào một nhà tu kín ở Thủ Đức, thỉnh thoảng bà đi thăm, nói với mọi người là con bé tự nhiên sùng đạo và không thích sống ở ngoài đời.

Lúc đầu thì không ai ngoài vợ chồng bà, bà cô và chị bếp hay biết việc này. Con bé Lan, con của Mai và ông chồng sau của bà, sống trong gia đình cùng các con bà và được coi như là con gái bà. Dĩ nhiên bà không yêu thương nó bằng mấy đứa khác. Riêng ông thì ông rất thương nó. Rồi vì chuyện ông bênh nó mỗi lần bà hành hạ, bạc đãi nó, không một lần cho nó đi nghỉ mát với các con khác. Con bé bắt đầu hiểu đã cảm nhận sự bất công trong gia đình và mỗi khi bà la rầy nó, ông lại bênh vực che chở nó, khiến bà lại tức giận và rồi chuyện thâm cung bí sử đã bùng ra trong gia đình, khiến các con hay biết và khiến bé Lan đau khổ muốn bỏ nhà ra đi.

Bé Hương đã kể cho tôi nghe, nhưng tôi không lấy đề tài này để viết tiểu thuyết, dù là một đề tài rất hấp dẫn, vì chúng tôi ở chung một cư xá. Nhà bà Tuyết là độc giả thường xuyên của tôi. Cho đến khi ông này đi làm ở một tòa đại sứ Việt Nam ở nước ngoài, không còn ở trong cư xá của tôi nữa. (Ông xin đi làm ở nước ngoài khi bé Lan nhất định vào nhà tu thăm chị Mai mà bây giờ nó đã biết là mẹ nó. Và một hai đòi chị Mai phải xin với mẹ bề trên ra đời để lo cho nó), tôi mới đem đề tài này viết thành tiểu thuyết cho báo Phụ Nữ Ngày Mai.

Đến năm 1990, khi các nhà xuất bản ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh xin phép in một số tiểu thuyết của tôi đã xuất bản trước 1975 và những truyện dài tôi viết trước 1975 nhưng chưa xuất bản thành sách, tôi liền cho xuất bản quyển Đời Con Gái. Sách vừa ra là bán hết ngay, được nhiều cảm tình của độc giả, và nhiều nhà văn bên phái nam đã lên tiếng cho rằng từ trước đến nay chưa một nhà văn nào khai thác đề tài cha ghẻ và con riêng của vợ một cách độc đáo như tôi. Quyển sách này đã làm sống lại tên tuổi của tôi, thật ra thì nó cũng chưa hề mai một và càng ngày độc giả các tỉnh càng yêu cầu có thêm sách tôi trên thị trường. Nhờ vậy mà tôi bán được tất cả 17 bộ sách.

Sách vừa in ra ở Việt Nam là bên Pháp, bên Mỹ cũng đã thấy xuất hiện ngay. Có một thời kỳ sau 1975, những nhà văn nhà báo bỏ quê hương chạy ra nước ngoài, mang theo các tiểu thuyết của tôi (như Việt Định Phương), qua bên ấy họ in nhiều quyển, nhất là quyển Bóng Người Xưa (do Nhà xuất bản Đại Nam bên Mỹ phát hành) mà nào họ có trả cho tôi một đồng xu nào! Vào thời điểm ấy, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác sống dưới chế độ cũ lâm vào tình trạng như thế nào các bạn cũng hiểu. Vậy mà cái bọn chạy ra nước ngoài còn lợi dụng tên tuổi sách vở của tôi để bán lấy tiền sống phè phỡn, nghĩ thật là vô lương tâm.

Nhiều người cũng tức giận thay về việc này. Nhưng riêng tôi, tôi nghĩ có lẽ Việt Định Phương lúc còn ở Sài Gòn vốn bất tài, sống được chỉ nhờ chạy chọt, nay chạy ra nước ngoài làm sao mà sống? Vốn liếng học hành không có, tiếng Mỹ không biết, sống nhờ tiền trợ cấp đâu có là bao, cho nên phải kiếm cách sống, in đại các sách mang theo qua bên ấy, bán kiếm tiền. Mình không nên trách mà nên hiểu cho hoàn cảnh của họ. Huống chi có một số người lớn tuổi, qua bên ấy không biết làm gì, không biết đi đâu, ngồi giữ nhà cho con cái, một tiếng Mỹ cũng không biết, làm sao đọc sách đọc báo? Có được những quyển sách bọn này in, họ mừng rỡ, mua đọc để khỏi buồn, khỏi nhớ quê hương. Như vậy, tên tuổi của mình được sống lại bên Mỹ, bên Pháp cũng là chuyện hay, có sao đâu?

Bây giờ tôi kể tiếp các bạn nghe, tôi còn viết một quyển tiểu thuyết nữa với nhân vật sống mà tôi đã gặp trong một lần đi về thăm một quân y viện. Đó là quyển Tình Thương, in trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn năm 1971 và sau năm 1975 khi xuất bản thành sách đã lấy tên Chỉ Một Lần Yêu.

Tháng 11-1960, một bộ phận quân đội miền Nam đứng lên lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm mà lúc đó bị chỉ trích là chánh phủ độc tài, gia đình trị. Vì trong nước chánh biến, sự chết chóc không sao tránh khỏi vì sự xô xát giữa hai bên thân chánh phủ và chống chính phủ. Do vậy mà ở các bệnh viện, nhất là quân y viện, có nhiều thương bệnh binh. Tôi không nói nhiều về những diễn biến chính trị, chuyện này đã có nhiều người viết sử nói đến. Tôi chỉ nêu ra đây một chuyện là nhờ có việc này mà tôi có dịp tiếp xúc với các thương phế binh. Có dịp đi ủy lạo, thấy tận mắt cảnh thịt đổ xương rơi không phải tại chiến trường mà tại các quân y viện.

Số là bà Bút Trà, chị dâu tôi, làm chủ nhiệm báo Sài Gòn Mới. Chuyện lật đổ chính quyền ngụy là tin sốt dẻo, một dịp bán báo chạy, hốt bạc. Có nhiều báo cứ đăng tin và mạ lỵ những kẻ độc tài. Có báo đăng hình ông Ngô Đình Diệm và viết những câu mạt sát. Nhưng cuộc đảo chính này bất thành và chính quyền ngụy đã nắm lại quyền kiểm soát. Các báo lúc bấy giờ mới hốt hoảng, thôi đi tìm đủ cách để chuộc lỗi. Tiêu hủy các báo chưa ra, in lại những số báo ca tụng chính quyền ngụy đàn áp được cuộc đảo chính.

Ôi! Thật là những cảnh bát nháo đáng buồn cười. Các chủ báo như bà Bút Trà, ông Đinh văn Khai (báo Tiếng Chuông) phải lánh mặt, kẻ khai bệnh đột ngột phải đi nằm bệnh viện, người bảo đi công tác xa, để đàn em tay chân dàn xếp với chánh quyền cho êm thấm, tránh tội. Vì vậy tôi nguyên là cây bút chuyên viết tiểu thuyết và các trang mục phụ nữ, tham gia nhiều công tác xã hội, được các anh em trong nhà tòa soạn, theo lời chỉ dẫn của bà chị dâu tôi, đề cử tôi thay mặt tờ Sài Gòn Mới đi ủy lạo các thương bệnh binh ngụy đã bị tai biến trong những ngày đảo chính hụt này. Và thế là tôi có dịp đi thăm và ủy lạo họ.

Từ bé tôi chưa bao giờ thấy cảnh chết chóc hay cảnh máu đổ, người bị thương. Đây là lần đầu tiên tôi đến một quân y viện và thấy tận mắt cảnh thịt nát xương rơi. Cảnh chiến tranh tàn khốc diễn ra trước mắt tôi một cách kinh hoàng. Và cũng trong một chuyến đi thăm này, tôi gặp một thiếu nữ mang hoa vào thăm một thương phế binh từ mặt trận miền Tây đưa về. Khi phát quà xong ra về, trên xe lam chở khách, tôi lại gặp cô thiếu nữ này. Cùng đi với cô là bà mẹ của thương phế binh. Nét mặt cô buồn bã vô vọng khó tả. Cô có nét đẹp tự nhiên, làn da trắng nuột, dù là người ở tỉnh. Cô không hề nhìn lên, nét mặt suy tư, đăm chiêu trong một thế giới riêng biệt không cần biết quanh mình xảy ra chuyện gì.

Một bà đứng tuổi ngồi gần tôi hỏi người đàn bà đi với cô:

- Cô ấy là con gái của bà?

Bà này lắc đầu.

- Nó là bạn học của con trai tôi. Con trai tôi đi lính thì nó cũng thôi học. Con tôi vừa ra trận đã bị mất một cánh tay, một cái chân.

- Cậu con bà được bao nhiêu tuổi?

- Mới 22 tuổi. Đã đậu trung học, định học nữa thì bị kêu lính.

- Còn cô này chắc ở gần nhà bà?

- Không cháu nó ở Sa Đéc, còn tôi ở Vĩnh Long.

Bà nói đến đây thì xe đến một trạm ở Phú Nhuận, cô gái ngước mắt lên nói với bà:

- Thưa bác, con phải xuống đây để gặp dì con, ngày mai con sẽ đến bác để cùng đi thăm anh Quân một lần nữa rồi về quê.

Cô nói xong xách cái giỏ rồi cúi đầu chào tôi, chào bà nọ, đoạn xuống xe. Khi cô này đi rồi và xe bắt đầu chạy thì bà nói với tôi bằng một giọng rất cảm động:

- Tội nghiệp con nhỏ. Nó đang học lớp 11, lại bỏ ngang vì chuyện thằng con tôi bị thương ngoài mặt trận. Nó phải lặn lội khắp nơi mới biết được tin thằng con tôi và chính nó cho tôi hay và kéo tôi đi thăm. Trong cảnh này thiệt tôi không biết nói gì. Hồi đó ba má nó không bằng lòng cho nó thư từ qua lại với con trai tôi, ông bà nói đi lính dễ chết lắm, có khôn thì dang ra sớm chớ không thì góa phụ mất con ơi! Hai bên gia đình tương đối dư ăn, thằng con tôi thương nó lắm. Chúng tôi không ngăn cản nhưng thấy thái độ không vui của cha mẹ nó, tôi không thích. Bây giờ câu chuyện xảy ra như vậy, tôi không dám tiến tới nữa. Thằng con tôi thấy mình ra nông nỗi ấy cũng khuyên cô ta đừng thăm viếng thường, trở về học tập, chớ chẳng lẽ đi yêu một phế binh như nó?

Ai trên xe nghe kể cũng thở dài. Bà liền nói:

- Vậy mà con nhỏ thật có tình có nghĩa, nó bỏ học, xin cha mẹ lên Sài Gòn để dễ bề đi thăm nuôi. Nó nói: Nó đã hứa làm vợ thằng con tôi là nó giữ lời.

Bà kể đến đây thì xe cũng đã ngừng ở ngã tư Phú Nhuận, tôi vội xuống xe và lòng không khỏi phân vân về chuyện bà nọ vừa kể.

Trong thời buổi chiến tranh, đất nước nào cũng có những chuyện tình cao thượng đáng quí như vậy. Như cô gái mà tôi gặp ở trên chưa phải là vợ chánh thức của anh thương binh kia, nhưng vẫn giữ một lời thề sống bên nhau khi chàng trai gặp chuyện tai biến. Mặc dù cha mẹ phản đối, mặc dù chàng trai khuyên lơn hãy quên chàng ta đi, cô này vẫn lặn lội đi nuôi. Rồi sau đó theo lời một người quen kể lại tôi nghe, cô dọn hẳn lên ở Sài Gòn đi học may, để tính chuyện lâu dài với anh chàng thương binh xấu số mà lại may mắn. Mỗi khi người ta đưa anh chàng này đi đâu đó là cô cũng dời chỗ ở đi theo và tìm nơi cư ngụ gần đó. Suốt mấy năm trời như vậy, cha mẹ cô tìm bắt cô về để gả chồng cô cũng không chịu. Đến khi anh chàng thương binh đã chữa lành các vết thương, được một cơ quan từ thiện nước ngoài làm cho bộ chân tay giả và đưa về Bình Dương học nghề làm sơn mài, vẽ tranh, thì cô liền dọn lên Bình Dương và mở một tiệm may gần đó. Trước mối tình chung thủy của cô, cha mẹ hai bên đành phải đứng ra làm lễ cưới và rồi họ sống bên nhau có được hai con, một trai một gái.

Tình yêu không phải chỉ tìm đến những nơi giàu có sang trọng, thanh lịch, yêu kiều, mà nó xuất phát từ con tim và như thế tình yêu mới có cái giá trị cao quí của nó. Khi quả địa cầu này còn có bóng người và dù là dân châu Âu da trắng hay dân châu Á da vàng, châu Phi da đen, châu Mỹ da đỏ, thì tình yêu cũng là bửu bối quí báu để loài người sát lại với nhau, tạo cho đời những con người cao thượng giữa xã hội vật chất phù phiếm.