rong thời gian đang học bậc trung học đệ nhất cấp (chương trình Pháp) ở trường Gia Long, tôi đã tập viết những bài báo, tùy bút hoặc dịch các bài viết về phụ nữ của các báo Pháp, như La Femme, Marie Claire, Rester jeune de corps, D’Âme et d’esprit... Tôi gởi bài đến báo Sài Thành (sau đổi tên là Sài Gòn Mới), ba tôi có quen mấy người làm việc ở đây do cùng sinh hoạt trong Hội Trung Việt ái hữu. Lại cũng có khi ở không, tôi tập viết truyện ngắn gởi đăng thử ở các báo và vẫn ký Bạch Vân, không có bút hiệu. Bài tôi gởi báo Sài Thành thường được đăng và sau đó tôi nhận được những lời khuyến khích của tòa soạn mời tôi tiếp tục viết. Nhưng tôi không có thời gian nhiều vì bận học thi.
Thế rồi trên mặt báo Sài Thành bỗng có đăng một mẩu quảng cáo: “Dạy viết văn, làm thơ, dạy cả chữ Hán, theo cách hàm thụ cho những ai yêu thích văn thơ hay thích nghề làm báo, do cô Nhứt Chi Mai phụ trách. Bài vở gởi về địa chỉ báo Sài Thành”. Vài người bạn của tôi đã gửi thư xin học và rủ tôi cùng tham gia. Tôi đã ghi tên học hàm thụ viết văn ở trường Universelle bên Pháp, thì bây giờ ghi tên học lớp này cũng rất tiện lợi, một cơ hội tốt cho tôi chớ có sao đâu. Hỏi ý kiến cha tôi, cha tôi chỉ nói:
- Con coi có đủ thì giờ học không? Hãy viết thư hỏi thể thức học ra sao và tiền thù lao như thế nào rồi mới ghi tên. Con phải cẩn thận, không biết Nhứt Chi Mai là ai? Một người đàn bà ư? Hiện giờ có bao nhiêu phụ nữ viết báo mà giỏi cả Hán văn, Việt văn và cả Pháp văn? Cộng sự viên của báo Sài Thành thì cha quen nhiều, phần đông là người Trung ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, như Thiên Trà, Hoa Đường, còn hai anh em ông chủ nhiệm Bút Trà và ông chủ bút Hồng Tiêu đều là người Quảng Ngãi, cha thường gặp ở những ngày Hội Trung Việt ái hữu nhóm họp.
Cha tôi chỉ nói vậy chớ không cấm nên tôi liền viết thư xin điều lệ và được gởi ngay một bản hướng dẫn cách thức học, gởi bài một tuần một lần và chỉ trả học phí khi nào cô Nhứt Chi Mai thấy học viên có đủ trình độ theo học. Bản điều lệ được đánh máy và ghi rất rõ.
Tôi xin học viết báo, viết những bài xã luận về phụ nữ, viết truyện ngắn và không học làm thơ. Và tôi gởi ngay một truyện ngắn. Chỉ ba ngày sau tôi nhận được bài đã chấm và phê bình rất kỹ, chứng tỏ cô Nhứt Chi Mai là người có tài và rất am hiểu văn chương. Cô khen tôi viết khá, chỉ cần học sáu tháng, nhưng nên học làm thơ vì một nhà báo cần phải biết đủ các thể văn, và thơ sẽ làm cho con người có một tâm hồn cao thượng hơn. Tôi viết trả lời là chuyện học làm thơ hãy để sau, bây giờ chỉ học viết văn cho thông đã, vì tôi học chương trình Pháp từ nhỏ nên ít có giờ Việt văn. (Theo chương trình này thì Việt văn chỉ là một môn ngoại ngữ).
Nhưng sau khi bài đã được chấm và trả về, tôi để ý một điều là cô Nhứt Chi Mai nhất định không phải là phái nữ. Vì nét chữ của cô rất bay bướm, có khi rất cứng nét nhưng có khi lại mềm và rất khó đọc. Việc này tôi chưa nói cho cha tôi biết. Nhưng truyện ngắn ấy của tôi đã được chọn đăng ngay trên tờ Sài Thành.
Trong khi đó, tôi có một người bạn ở Cần Thơ, tên Lê Thục Nữ, con một điền chủ ruộng đất cò bay thẳng cánh, trong lớp cũng rất thích văn chương và có lần đã cho tôi biết là chị có viết thư qua lại với Nguyễn Tiến Lăng, hồi đó chưa làm bí thư cho bà Nam Phương Hoàng hậu. Nguyễn Tiến Lăng vừa thi xong bằng tú tài Pháp ở trường Albert Sarraut Hà Nội và là con đỡ đầu của một nhân vật Pháp trong chánh quyền thực dân. Lê Thục Nữ không đẹp, người hơi thấp, trán trợt và lưng tôm, nhưng da trắng, mắt đẹp, răng rất đều đặn. Người không đẹp nhưng Thục Nữ cứ nghĩ mình là một giai nhân tuyệt thế, nên đi đứng làm điệu rất khó coi, bạn bè ít ai thích. Đã vậy Thục Nữ còn tự phụ mình giàu, sau này sẽ hưởng ba phần gia tài, một của cha, một của ông bà ngoại và một của mẹ (đã sống riêng). Năm đệ tứ, Thục Nữ thi rớt Diplôme và bỏ học luôn định ra Hà Nội tìm cách làm văn với Nguyễn Tiến Lăng. Thục Nữ rất mến tôi và có tâm sự gì đều kể cho tôi nghe, làm việc gì cũng bàn với các bạn của tôi như Như Hằng, Nguyễn thị Yến, và Nguyệt lưng gù. Vì bỏ học không có ý thi lại Diplôme nên Thục Nữ về Cần Thơ. Lúc ấy, tôi bỗng nhận được thư của Thục Nữ. Thục Nữ kể cho tôi nghe là còn thấy cái quảng cáo dạy viết văn làm báo của cô Nhứt Chi Mai ở tờ Sài Thành, đã viết thư xin học, gởi bài và nhận được bài sửa. Tôi còn nhớ rõ nguyên văn Thục Nữ viết:
“Bạch Vân ơi! Vân có học hàm thụ với cô Nhứt Chi Mai nào đó quảng cáo trên Sài Thành không? Mình nghe là Vân có ghi học rồi! Thế ý kiến của Vân ra sao? Mình không nói về tài và học thức của cô ta vì chắc chắn đây là người có học nhiều, cả cổ lẫn kim, tuổi cũng trên 30 rồi, không trẻ đâu. Mà mình nói thật cho Vân nghe, cô Nhứt Chi Mai này không phải là cô đâu mà là thầy đó. Vân nghĩ sao nếu ông ta không phải là cô? Mình không học đâu! Sợ lắm! Văn chương là một thứ bùa chú mà do đầu óc người ham mê văn chương vẽ ra, không ai xóa bỏ được bằng thứ bùa chú nào khác. Qua cách sửa bài và giảng trên giấy, ông này dạy giỏi lắm đấy, nội nét chữ cứng rắn mà mềm mại như vẽ của một người chắc đã từng học chữ Hán, sau đổi qua học chữ Việt. Vân ơi! Thục Nữ không học nữa đâu! Vân muốn học thì cứ học, bởi vì Vân chưa có ai là tri kỷ, còn mình, mình đã chọn anh Lăng rồi. Khi nào thất bại sẽ hay, bây giờ thì đang còn hy vọng! Cẩn thận nhé, người bạn yêu dấu của ta ơi!”.
Chính tôi, tôi cũng có ý nghĩ như Thục Nữ, nhưng tôi vẫn tiếp tục học và cứ nghĩ mình học qua hàm thụ có gặp ai đâu mà ngại, có gì thì ngừng không học nữa là xong. Nhứt Chi Mai dạy rất nghiêm túc, bài phê phán kỹ lưỡng, dạy từng cách dùng chữ Hán vào bài viết và ý nghĩa những câu thơ chữ Hán, rồi đề nghị tôi nên học chữ Hán, học làm thơ. Nhứt Chi Mai còn nhận xét cách viết văn của tôi khá hay, chỉ thiếu phần kinh nghiệm sống và phần đọc sách, đọc báo hàng ngày để tiếp xúc với trào lưu văn học trong nước và trên thế giới...
Thế là tôi học làm thơ thêm với Nhứt Chi Mai. Tôi tự biết mình không thích môn này và cũng không có khiếu, lại thêm đầu óc tôi rất thực tế, mà muốn làm một thi sĩ phải sống rất đam mê, mơ mộng, yêu trăng yêu gió, thích trời cao đất rộng, đi đó đi đây... Những thứ lúc nhỏ tôi đều được hưởng, nhưng bây giờ lớn lên là một thiếu nữ, lại là một thiếu nữ Việt Nam phải khép mình trong bao nhiêu lễ giáo gò bó, khó lòng làm được một nhà thơ như ý muốn của mình. Nên tôi có viết cho cô Nhứt Chi Mai là tôi không thích làm thơ, chỉ thích viết văn.
Thời bấy giờ trong Nam chỉ có một tờ Phụ Nữ Tân Văn mà chủ nhiệm lại là một người đàn ông (cùng tên Nguyễn Đức Nhuận với anh chồng tôi - bút hiệu Bút Trà - sau này). Ngoài Bắc thì có tờ Phụ Nữ Đàm cũng do một số cây bút phái nam viết và ký tên cô này bà nọ. Từ lâu tôi đã nuôi mộng viết văn như nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà tôi là độc giả trung thành lúc bấy giờ. Tôi cũng không bỏ sót một tác phẩm nào của các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Thanh Châu, Lê văn Trương, và cả nhóm Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Như vậy tôi đã chịu ảnh hưởng rất nhiều của các nhà văn ngoài Bắc lúc bấy giờ, trong đó có cả các đàn anh, đàn chú như Ngô Tất Tố, Chu Thiên, Tản Đà, Thế Lữ... Ôi! Tôi đọc tất cả.
Trong khi đó cha tôi cũng đã điều tra về Nhứt Chi Mai khi đi dự các cuộc họp của Hội Trung Việt ái hữu. Cha tôi nói, theo Hoa Đường - một cộng sự viên của báo Sài Thành - thì Nhứt Chi Mai chính là Hồng Tiêu, tên thật là Nguyễn Đức Huy, chủ bút của báo và là người giữ mục Tranh Xã Hội với bút hiệu Như Hoa, một cây bút đang nổi tiếng lúc ấy, được nhiều độc giả ở Sài Gòn cũng như ở lục tỉnh, miền Trung mến phục. Cha tôi dặn: “Con liệu coi nếu không tiện thì nghỉ học, kẻo rủi có chuyện rắc rối sau này”. Nhưng rồi cha tôi lại tiếp: “Nhưng mình học qua hàm thụ, có ai gặp ai đâu, muốn học tiếp hay nghỉ cũng dễ dàng thôi”. Thế là tôi tiếp tục học với Nhứt Chi Mai. Tôi thấy ông ta chấm bài cho tôi rất kỹ, giảng về thơ rất hay. Đã biết Nhứt Chi Mai là đàn ông, nên mỗi khi viết bài gởi đi, tôi đều rất cẩn thận.
Cô em thứ sáu của tôi tên Hạnh, rất đẹp và cũng rất rắn mắt, đề nghị để em đem bài của tôi xuống thẳng nhà báo đưa cho Nhứt Chi Mai để biết mặt ông ta. Lúc đó, Hạnh mới 14 tuổi nhưng rất lanh lợi, nói là làm. Hạnh đã gặp một người đàn ông ngoài 30 tuổi ra nhận bài và nhìn em thật lâu. Hạnh chào ra về và nói với tôi: “Ông Nhứt Chi Mai mặt mày quạu quoi, có vẻ khó chịu lắm. Thôi chị Hai ơi, đừng học nữa. Chị không thấy chị Thục Nữ bỏ học rồi đó sao?”.
Nhưng kỳ thi lần đó, tôi và Như Hằng, cô bạn thân có họ hàng với nhóm Đông Hồ - Mộng Tuyết, ngồi chung một phòng, một bàn, và cả hai đều rớt. Khi làm toán, ngoài trời đang mưa mà căn phòng lại dột, chúng tôi ngồi mỗi đứa một góc. Như Hằng rất giỏi toán nên viết không ngừng, còn tôi thì đọc đi đọc lại đầu bài không tìm ra lối thoát. Đã vậy ông giám khảo coi thi lại cứ ngồi nhìn tôi trân trối, thỉnh thoảng còn đứng lên đi xuống đứng bên tôi, cầm tấm thẻ học sinh của tôi mà ngắm. Rồi trở lại lên bàn ngồi nhìn xuống, rồi đi xuống nhìn hình, cứ thế làm tôi hết sức khó chịu, nhất là khi tôi vẫn chưa tìm ra cách giải bài toán hình học (tôi vốn rất kém môn này). Rồi trời đổ mưa, bài Như Hằng làm xong bị ướt, chép lại không kịp... Sau đó Như Hằng phải trở về Trà Ôn ôn lại bài vở thi kỳ nhì. Trước khi về, Hằng ghé ở chơi với tôi mấy ngày và cố ý nói xa gần về một người anh bà con tên Trúc Hà, đang dạy ở các trường tư thục và cũng có viết văn làm thơ, cộng tác với Đông Hồ trên báo Sống.
Cũng vì việc tôi thi rớt kỳ 1 mà cha tôi không muốn tôi học viết văn với Nhứt Chi Mai nữa, để có thì giờ tập trung học lại bài vở thi kỳ 2. Nghe lời cha, tôi viết thư báo với Nhứt Chi Mai vì bận học thi, tôi phải nghỉ tạm lớp “cô” dạy và chờ một cơ hội khác. Vừa báo nghỉ thì vài ngày sau đó, các em tôi thấy một người đàn ông ăn mặc sang trọng tay cầm cây can ngồi chễm chệ trên một chiếc xe kéo cứ chạy qua chạy lại trước nhà. Hạnh chạy lại nép sau tấm màn trúc nhìn ra và chỉ cho tôi: “Đúng rồi, chị Hai ơi! Cô Nhứt Chi Mai đó! Hí hí!”. Nhiễu, cô em thứ ba bình luận: “Cô Nhứt Chi Mai này gan lì thiệt!”. Tôi vừa thấy sợ vừa thấy vui vui trong lòng.
(Sau này, khi đã thân, Nhứt Chi Mai mới nói cho tôi biết là do từ đầu rất khâm phục văn chương của tôi nên anh đã nhờ những người đi phát báo - cha tôi đặt mua thường xuyên và tòa soạn cho người phát tận nhà - xem thử mặt mũi tôi ra sao. Họ đều nói tôi rất đẹp. Nhứt Chi Mai liền tự đi tìm hiểu và thú nhận là đã thương tôi ngay trong lần đầu biết mặt).
Cha tôi biết tin này càng cương quyết không cho tôi học nữa.
Từ đó, trên trang văn nghệ báo Sài Thành bắt đầu xuất hiện những bài thơ đại loại như thế này:
NHẮN AI
Từ khúc 1
Yêu nhau mới biết văn là nợ
Mến tiếng cần chi phải gặp người
Trăng tỏ bên trời
Hoa tỏ bên người
Trăng trong không vết hoa đua thắm
Biểu hiện lòng ta với ý người
Làm bạn lạ trên đời
Non xanh xanh
Nước xanh xanh
Nước nước non non biết mấy tình
Mỏi mòn ngày sáu khắc
Trằn trọc trống ba canh
Nhớ ai nào biết ai thương nhớ
Chỉ nặng riêng ai một khối tình
Non xanh xanh
Nước xanh xanh
NHẮN AI
Từ khúc 2
Gió khóc mây kêu khắp bốn bề
Đôi vai một gánh nặng nề
Đừng làm hoa trước gió
Làm con oanh gọi cái xuân về
Đừng làm hoa trước gió
Làm con quyên gọi để đời nghe
Biển Manche mặc kẻ đua tài lội
Biển học mong em học được nghề
Em yêu chị lắm
Chị bảo em nghe
Từ đường tân học bước ra đời
Mặc đẹp ăn sang biết mấy người
Mong em chị chẳng mong em vậy
Chị chỉ mong em chuyện vá trời
Non thăm thẳm, biển khơi khơi
Mây sầu sông thẳm khắp nơi nơi
Em ơi! Ráng học cho ra vẻ
Học một thay ai, em học mười.
Nhứt Chi Mai
Nhứt Chi Mai làm nhiều bài thơ liên tiếp đăng trên báo (tôi chép lại tất cả là 25 bài), còn chiều nào thì cũng ngồi xe kéo chạy qua nhà. Nhà tôi trên đường Lareynière (bây giờ là đường Trương Định), chỉ cách trường Gia Long chừng mấy trăm thước, nên tôi đi học hay về nhà đều đi bộ, mà khổ thay dọc đường nhất là vào buổi chiều, trước các căn phố, nhiều thanh niên, học sinh có, công chức có, cứ ra đứng chờ coi tôi đi qua với chiếc xe kéo chở người đàn ông chạy theo, nên tôi thấy khó chịu và viết thư than phiền, yêu cầu đừng làm như vậy nữa, Nhứt Chi Mai cuối cùng đành nghe theo. Anh còn gởi thư xin tôi cho gặp mặt nói chuyện, mời tôi đi chơi vườn Bách Thú... tôi đều từ chối. Sau đó trên báo Sài Thành thỉnh thoảng có nhiều hôm mục Tranh Xã Hội bị bỏ không ai viết với lời cáo lỗi tác giả Như Hoa đang bị bệnh. Những tin này cũng có làm tôi phân vân lo nghĩ, rồi tự cho mình có lỗi. Tuy vậy tôi vẫn nghe lời cha, không liên lạc với Nhứt Chi Mai qua thư từ nữa.
Những bài thơ trên báo lại bày tỏ nỗi lòng một cách khác. Chẳng hạn có bài:
HỎI NGƯỜI BÊN ĐƯỜNG
Đường ra Hà Nội bao xa?
Anh ơi, đứng lại cho ta hỏi cùng.
Dù cho muôn núi ngàn sông,
Núi rào sông đón cũng không ngại gì.
Lòng ta đã quyết tìm đi,
Thì xa xôi chẳng khác gì tấc gang.
Đường đây lên bóng thái dương,
Anh ơi, cho biết có đường lên không?
Cao mù cao mút ngàn không
Dù đi không tới nhưng trông thấy thường
Ở đời lắm cảnh đau thương
Có người không thấy, có đường không qua
Đêm ngày giọt lệ nhỏ sa
Khóc ai mà lại hóa ra khóc mình
Ai lên ta hỏi ông xanh
Bày chi lắm cảnh thương tình đớn đau.
Trong giai đoạn này Nhứt Chi Mai làm thơ nhiều lắm, biết thế nào tôi cũng đọc. Nào đau nặng không làm việc được, nào rạch tay lấy máu đã bao phen, thư viết vừa gửi xong gởi ngọn đèn... Tôi đọc tất cả nhưng đành im lặng. Thật tình lòng tôi cũng xúc động, khi thấy một người tài hoa, nổi tiếng, lại si mê mình như vậy. Nhưng tôi còn quá trẻ, lại còn đang đi học, gia đình lễ giáo, làm sao tôi dám đón nhận tình cảm này? Tôi chỉ thấy vừa thương xót vừa ăn năn đã vô tình gây ra chuyện đau lòng như vậy.
Thấy làm cả mấy chục bài thơ mà tôi vẫn không nao núng, chắc Nhứt Chi Mai nghĩ tôi bị áp lực của cha tôi, bèn thay đổi chiến thuật không khóc than trên báo mà tìm đến gặp cha tôi để trình bày một chuyện có lợi cho tôi và xin nhận tôi làm em gái. Nhứt Chi Mai nói gần đây có một góa phụ, trước kia là vợ một ông tham tá làm ở tòa sứ dưới Lục tỉnh, còn trẻ chưa quá ba mươi tuổi, thuộc vào hạng đẹp mà lại giàu nhất tỉnh lúc bấy giờ, lên tìm ông Như Hoa (cũng chính là Nhứt Chi Mai) và đề nghị sẽ bỏ tiền ra cho Như Hoa làm một tờ báo hằng ngày, bà ta quản lý và hai người sẽ đi đến hôn nhân. Vì có chuyện này nên Nhứt Chi Mai trình bày với cha tôi là từ nay sẽ chỉ xem tôi như em gái, nếu nhận lời người đàn bà kia thì bà ta sẽ cho tôi đi du học.
Đó cũng là lần đầu tiên Nhứt Chi Mai được chính thức gặp và trò chuyện riêng với tôi, sau khi nói chuyện với cha tôi và được cha tôi cho phép gặp tôi. Lúc đó tôi rất run, còn Nhứt Chi Mai có vẻ xúc động lắm. Anh lớn hơn tôi 13 tuổi, vào đời đã hơn 10 năm, thân tự lập thân, lăn lội cũng nhiều, nhưng trước tôi, anh lúng túng thấy rõ. Nhứt Chi Mai thú thật là rất thương tôi, nhưng hoàn toàn không muốn tôi phải khổ tâm giữa tình và hiếu, vả lại hiện nay trong làng báo có mấy đồng nghiệp đang công kích Nhứt Chi Mai và khen tôi đủ can đảm dứt khoát một chuyện tình thơ mộng như vậy. Trong lãnh vực văn chương, những chuyện tình như thế xưa nay không phải không thường xảy ra. Bên Pháp có Victor Hugo với Juliette Adam yêu nhau và giúp nhau trong sự nghiệp văn chương, Anatole France với De Caillavet cũng là đôi bạn yêu nhau vì tài, mến nhau vì sự nghiệp văn chương. Alfred de Musset với George Sand, chuyện tình thơ mộng đã để lại cho đời bao tác phẩm tuyệt tác.
Sau đó Nhứt Chi Mai tiếp tục nói chuyện với cha tôi rất lâu và hứa sẽ để yên cho tôi học thi học kỳ 2, trong thời gian này sẽ tìm hiểu chuyện bà tham tá góa chồng và những đề nghị của bà. Và Nhứt Chi Mai đã giữ đúng lời hứa ba tháng không ngồi phếch đốc trên xe kéo chạy qua chạy lại trước đường Lareynière nữa, nhưng thỉnh thoảng trên báo vẫn có những bài thơ Nhắn ai bày tỏ tình cảm sâu đậm và chân thành giữa một người nam và một người nữ, khi thì ký Nhứt Chi Mai khi lại ký một bút danh khác, chắc anh tin tôi đọc sẽ hiểu.
Cha mẹ tôi cũng tạm yên lòng không để ý nhiều về chuyện tôi vì văn chương mà không thể quên Nhứt Chi Mai. Cha mẹ tôi biết tôi là đứa con có hiếu, là chị cả của một bầy em, nên ra sức săn sóc chiều chuộng tôi để tôi học vì cũng gần ngày thi rồi. Lúc bấy giờ tôi cũng được nhiều người theo đuổi, toàn là những thanh niên con nhà giàu có, chức phận trong xã hội để ý và ngỏ lời muốn cùng tôi kết hôn sau khi tôi thi xong dù đậu hay rớt.
Trong khi ấy có nhiều người kể cho mẹ tôi nghe là Nhứt Chi Mai có tiếng là người tốt, thường hay giúp đỡ anh em, có khi đem cả gia đình một người ở cùng quê thất nghiệp về nhà nuôi cho đến khi tìm được việc làm. Vốn là người có lòng tốt, thường giúp đỡ người nghèo, không thích làm bạn với người nhà giàu mà chỉ chọn những người thiếu thốn cần giúp đỡ, mẹ tôi nghe kể về Nhứt Chi Mai như vậy thì cũng có ý nể nang, nhưng ngặt vì mẹ tôi không tin một người đàn ông đã ngoài ba mươi mà lại chưa có vợ con nên thường dò hỏi về chuyện này. Cũng có nguồn tin cho biết Nhứt Chi Mai đã có vợ con, điều này càng làm mẹ tôi thêm lo ngại và không đồng tình chuyện Nhứt Chi Mai theo đuổi tôi.
Ba tháng Nhứt Chi Mai để cho tôi học nhưng thật sự tôi có yên tâm mà học chút nào! Những người mến mộ tôi ở đâu mà lúc này hiện ra quá nhiều. Ngoài Trúc Hà mà Như Hằng đã giới thiệu ra, còn có con một ông tỉnh trưởng ở Lục tỉnh xin cha mẹ đi hỏi tôi. Rồi thì quanh xóm cũng có nhiều gia đình có con học ở các trường nam như Chasseloup Laubat, Pétrus Ký... cũng đến gặp mẹ tôi để dò hỏi về gia đình và ngỏ ý cưới tôi khi con họ ra trường và được bổ làm đâu đó.
Riêng Trúc Hà thì ngày nào cũng đi ngang qua nhà tôi và nhìn qua bức màn trúc mà phía sau là một phòng lớn mỗi chiều tôi dạy đứa em trai thứ bảy đang học ở Chasseloup Laubat học. Rồi tôi nhận được một bài thơ của Trúc Hà:
Mỗi bận đi ngang trước cửa nhà
Dưới rèm trông thấy bóng tiên nga
Nhìn ai nào biết ai nhìn lại
Chỉ khổ cho mình lủi thủi qua
Lẽ dĩ nhiên tôi không trả lời. Sau đó một tuần, Trúc Hà đến gặp cha tôi và đặt vấn đề xin cưới tôi, nói rõ vì cha mẹ chết hết nên Trúc Hà phải tự dấn thân đến trình bày với cha tôi về công việc làm hiện nay, về nhà cửa, bà con... ở Hà Tiên. Hôm ấy cha tôi từ chối ngay không cần hỏi ý kiến tôi vì cha tôi thấy Trúc Hà quá yểu tướng. Sau này quả thật thế. Trúc Hà cưới chị Thương, một người bạn trong nhóm Đông Hồ-Mộng Tuyết, chưa được mấy năm thì anh đã qua đời.
Vì có chuyện Trúc Hà đi hỏi tôi, nhiều đám khác cũng cho người mai mối. Cha mẹ tôi đều từ chối, nói để tôi học và thi xong đã. Biết chuyện nhiều người muốn xin cưới tôi, Nhứt Chi Mai rất lo ngại nên tiếp tục làm nhiều bài thơ ký tên khác đăng trên báo Sài Thành.
Kỳ thi thứ 2, Như Hằng đậu cả ba bằng Diplôme, Brevet Elémentaire và Brevet D’Enseignement, còn tôi lại rớt, vẫn vì môn toán. Cha mẹ tôi hơi buồn về việc này nhưng không rầy la tôi vì trong thời kỳ này tôi không hề liên lạc thư từ gì với Nhứt Chi Mai cả.
Bỗng một hôm Nhứt Chi Mai lên gặp cha tôi và nói là chuyện của bà tham tá nào đó không xong, vì bà ta quá tham lam khi bàn công việc làm ăn, lại không hề tin Nhứt Chi Mai có thể quên tôi. Lần này Nhứt Chi Mai nói là sẽ kiếm thầy dạy toán cho tôi học thêm để thi lại, khuyên tôi vô Gia Long học lại lớp đệ tứ để năm sau thi. Nhưng tôi không muốn học lại ở trường, vả lại tôi nói chuyện học hành của tôi hãy để tự tôi tính toán.
Tôi trở vô trường Gia Long gặp bà Saint Marty là hiệu trưởng. Bà rất thương tôi vì tôi dạy bà học tiếng Việt, bà thi đậu bằng thứ hai và đang học để thi bằng ba. Bà đã khuyên tôi cứ ở lại lớp. Tôi nghe lời ghi tên ở lại lớp, nhưng vô học được hai tuần tôi thấy học thế này thì tôi không thể giỏi môn toán được. Các môn kia thì tôi chỉ cần ở nhà ôn lại, còn toán thì phải tìm thầy học thêm.
Giữa lúc này Nhứt Chi Mai bỗng có một người học trò mà ngày trước đã học với anh ở trường tư thục Nguyễn Phan Long, bây giờ đi Pháp về với bằng cử nhân toán, tên là Vita (lấy tên mình là Vị với tên vợ là Tâm - cũng học Gia Long ra trước tôi một năm). Nhứt Chi Mai trình bày với cha mẹ tôi để Vita đến dạy toán cho tôi mỗi ngày một giờ và dạy suốt cho tới ngày tôi thi kỳ 1. Chuyện tiền nong Nhứt Chi Mai sẽ chịu.
Cha mẹ tôi phân vân về chuyện tiền thì Vita nói xin ông bà yên lòng, con mà đi Pháp được cũng nhờ thầy con (tức Nhứt Chi Mai) giúp đỡ lúc ban đầu.
Mỗi chiều Vita đều đến dạy tôi, từ ba đến bốn giờ. Trong lúc này Nhứt Chi Mai mỗi tuần lên thăm tôi một lần vào ngày thứ năm là ngày mà Vita nghỉ. Khi Nhứt Chi Mai đến, lúc nào cũng có mẹ tôi ngồi trên bộ ván gần salon, làm bộ cắm cúi may nhưng thật sự là để nghe chúng tôi nói chuyện. Có một lần Nhứt Chi Mai đến gặp lúc mẹ tôi đang lên cơn suyễn nhưng vẫn ra nằm trên bộ ván. Nhứt Chi Mai thấy vậy liền hỏi:
- Hôm nay má không được khỏe à?
Tôi trả lời:
- Má lên cơn suyễn.
- Vậy lâu nay má uống thuốc ở đâu, thuốc Nam, thuốc Bắc, hay đi bác sĩ?
- Má uống thuốc Bắc, một ông thầy quen của gia đình em. Mỗi khi em đau, em cũng uống cả hai, ba chục thang.
Nhứt Chi Mai nghe vậy liền nói:
- Vậy là ông thầy này không giỏi hoặc không chuyên về bệnh suyễn rồi. Anh có quen ông thầy chữa bệnh suyễn rất giỏi, nếu má cho phép thì anh sẽ rước ông ta lên coi mạch cho má.
Mẹ tôi nghe vậy liền lên tiếng:
- Thôi, bác không dám làm phiền cháu.
Nhứt Chi Mai liền nói:
- Dạ có chi mà phiền, bây giờ con về đi rước liền.