Hồi ký bà Tùng Long

Chương 2

Docsach24.com

. Chín tuổi đã xa nhà đi học

Những năm đẹp nhất của tôi ở Tam Quan rồi cũng trôi qua. Tôi học đến lớp ba, lúc bấy giờ Bộ Giáo dục bày ra chuyện thi bằng sơ học yếu lược, không những học sinh có một bằng cấp để có thể tìm việc làm (vì thời ấy, học đến đó cũng đủ để xin một chân tống thư văn ở các sở vì đã có chút ít vốn liếng tiếng Pháp để nghe và hiểu người chủ sai bảo cái gì) mà còn để giúp những người lớn tuổi đang làm ở các làng xã, thi có bằng cấp mới có thể tiếp tục lo việc hành chánh.

Năm ấy tôi cũng đi thi, từ Tam Quan phải lên phủ Bồng sơn để dự thi. Cha tôi phải xin nghỉ việc để đưa tôi đi thi, đường xa mấy chục cây số dốc đèo hiểm trở phải đi xe kéo. Lúc ấy tôi mới lên chín tuổi, vào thi thấy toàn mấy ông già lý trưởng, hương cả, thôn trưởng, thư kí ở các nha, và những người ở cỡ tuổi ba mươi, bốn mươi cũng mang giấy tờ, bút mực đi thi, tôi không khỏi lo ngại. Tôi cứ theo hỏi cha tôi, người ta lớn như vậy mà đi thi thì làm sao con đậu được. Cha tôi giải thích, người ta thi để bổ túc giấy tờ đi làm việc, còn con thi là để ghi một giai đoạn đã học qua và là nấc thang đầu tiên để con bước lên các cấp khác trên đường học vấn.

Khi ngồi trên xe, cha tôi đã dạy kỹ tên làng xã, phủ huyện, quê quán, ngày tháng, năm sinh cùng tên cha, tên mẹ. Vậy mà khi ngồi trước mặt tờ giấy mà một giám khảo phát cho để điền và làm bài, tôi quên bẵng không còn nhớ gì cả. Nhưng từ nhỏ tôi đã chẳng biết sợ ai, rất dạn dĩ. Tôi ngó qua lớp thi thấy lố nhố toàn các ông bịt khăn đóng, bên cạnh để cây dù, mà là thí sinh đồng khóa với tôi, tôi không khỏi buồn cười và cảm thấy mình nhỏ quá. Tôi liền đứng dậy lên xin phép ông giám khảo cho tôi ra ngoài gặp cha tôi để hỏi lại quê quán của tôi, vì chỗ tôi ở hiện nay không phải chánh quán. Người ta chưa phát đề bài nên không ai làm khó dễ tôi về việc này. Tôi còn nhớ kỹ, cái đề luận hôm ấy là “Lợi ích của cây dừa”. Vì Bình Định là xứ dừa mà hằng ngày tôi được mắt thấy tai nghe về những gì mà người ta thâu được lợi với cây dừa, lá để lợp nhà, trái làm dầu, nấu ăn, vỏ để chụm, hay đập ra đánh thành cây dừa, yếm dừa, thân dừa, gốc dừa... đều có việc dùng, không bỏ một thứ gì. Nước dừa còn để uống bồi bổ con người khi mệt nhọc. Ôi thôi, tôi viết tràng giang đại hải và mấy ông bà già thấy vậy kêu nhau nói:

- Con nhỏ này, con nhà ai mà học giỏi quá vậy?

Cha tôi đứng ngoài nhìn vào thấy tôi viết không ngừng cũng yên lòng và tôi đã góp bài luận trước ai hết, được phép ra ngoài để còn thi tiếp môn toán.

Lẽ dĩ nhiên năm ấy tôi thi đậu và cũng vì có cái bằng sơ học yếu lược này mà cuộc đời thơ ấu của tôi lại đi vào một khúc quanh khác. Vì ở Tam Quan không có trường dạy cấp hai, cũng không có trường riêng cho nữ, trong khi cha tôi rất quan tâm đến chuyện đi học của tôi. Ông nội tôi cứ nói rằng tôi là con gái mà ngang bướng quá, lại thêm được cha tôi quá nuông chiều, còn mẹ tôi thì nói ở nhà không ai dám rầy la tôi, mẹ tôi còn không hề đánh tôi một cái tát nhẹ. Phải tìm cho tôi một trường nữ. Mà trường nữ phải về Đà Nẵng hay là ra Huế học trường Đồng Khánh ở luôn trong ký túc xá.

Nghe thế tôi không hề ngán chút nào, đi thì đi, miễn là được tiếp tục học, đừng bắt ở nhà vá may, thêu thùa, công dung ngôn hạnh và làm việc nhà như bao đứa con gái khác ở thời buổi của tôi.

 

Docsach24.com

 

Cha mẹ tôi đang trù tính thì bỗng xảy ra một chuyện thu xếp ở gia đình. Số là bà ngoại tôi có một cậu con trai duy nhất. Cậu của tôi vì quá được nuông chiều nên không chịu đi học, trong nhà không sợ ai, muốn làm gì thì làm, đi học muốn bỏ là bỏ; còn nhỏ, lớn hơn tôi vài tuổi, mà muốn đá banh là nhập bọn đi đá suốt ngày. Vậy mà cậu tôi chỉ sợ có cha tôi. Lúc cha tôi ở Đà Nẵng, mỗi lần cậu tôi làm điều gì sai trái, bà tôi chỉ cần nói “để tao sai đi mời anh Tường mầy về đây trị mầy mới được” là cậu tôi sợ ngay. Trong một lần mẹ tôi về thăm bà tôi và cũng thử chở cây dừa về Đà Nẵng bán giúp thêm tiền cho gia đình, bà tôi ngỏ ý muốn gởi cậu tôi vô Tam Quan ở với cha mẹ tôi. Nhưng bà tôi lại nói thêm: “Nó đi rồi chắc tao cũng buồn nhưng làm sao bây giờ, muốn nó nên người thì đành vậy thôi”.

Mẹ tôi liền đề nghị: “Hay con gởi con Vân về đây ở với má, vì trong ấy không có trường nữ mà nó thì rất muốn đi học. Đi xa nó không sợ”.

Thế là thực hiện ngay một sự trao đổi. Năm học ấy (1924), tôi ra Đà Nẵng, còn cậu Sắc của tôi thì vào Tam Quan. Tôi được vào học trường Tiểu học Nữ Đà Nẵng.

Đà Nẵng là một thành phố thuộc địa của Pháp, nên từ bậc tiểu học, học sinh đã học theo chương trình Pháp, rất có nhiều giờ tiếng Pháp. Ở đây nữ sinh lớp ba đã biết thêu may, học tiếng Pháp rất giỏi và nhiều môn khác mà khi tôi học ở Tam Quan không có, vì thế tôi không được vào lớp nhì mà ở lại lớp ba, ngoài này chả ai cần cái bằng Sơ học yếu lược cũng chẳng ai lấy nó làm nấc thang đi lên lớp nhì cả. Thế là tôi lại mất thêm một năm học lớp ba. Ở đời trong cái rủi thường có cái may. Nhờ học đi học lại cái mình đã biết từ năm nảo năm nào, thành ra mình càng đi sâu vào sự hiểu biết, cũng như sau này khi tôi đã có một vốn học Pháp ngữ, mỗi lần đọc một kiệt tác của nhà văn Pháp như Les Misérables của Victor Hugo, hay quyển Sans Famille của Hector Malot, quyển Le Petit Chose của Alphonse Daudet cũng như các tác phẩm khác, là một lần tôi cảm nhận cái hay một cách khác. Lần đọc đầu khi còn đi học, thường là để biết những câu chuyện mà tác giả kể một cách hấp dẫn. Đến khi đã lập gia đình, thường xuyên tiếp xúc với đời, tôi mới thấy tác giả viết rất thâm thúy và tôi thường rút tỉa ra bao cái hay, cái đẹp, cũng như cái xấu xa mà hoàn cảnh đã tạo ra cho con người. Rồi sau này khi tôi ngoài sáu mươi tuổi, rảnh rang không còn bận rộn với công việc, có dịp đọc lại tôi thấy quả thật Victor Hugo là một đại văn hào, Alphonse Daudet có lối viết về những năm trai trẻ thật trung thực, và Litenberger viết cho tuổi thơ vô cùng lý thú. Cứ học đi học lai một bài văn hay một bài toán, tôi lại có dịp nghiền ngẫm, mình cũng có thể tả được như họ, hay tìm ra một cách giải bài toán khác với cách thầy giáo đang giải trên bảng đen.

Nói về chuyện học ở Đà Nẵng thật là cả một khoảng đời đầy kỷ niệm thật vui và thật đáng nhớ.

Mới chín tuổi mà phải xa nhà, nhất là khi ở nhà lại là một đứa con được nuông chiều và thương yêu nhất, vậy mà khi nghe đi Đà Nẵng học, tôi rất vui mừng, bằng lòng đi ngay không một chút bịn rịn. Từ nhỏ tôi đã phải chứng kiến những cảnh ly biệt, chia tay, nên sau này ra đời, gặp phải cảnh xa người thân yêu, xa chồng, xa con cái, tôi vẫn có đủ can đảm chấp nhận, không hề than thở buồn rầu.

Lần đầu về lại Đà Nẵng để đi học, tôi được mẹ đưa đi, lo việc đơn từ và chỗ ăn chỗ ở cho tôi tại nhà bà ngoại. Bà ngoại tôi có một tiệm buôn lớn gần nhà ga nhỏ Đà Nẵng mà người ta gọi là nhà ga chợ (vì gần chợ Đà Nẵng), trên con đường ngó ra sông Hàn và đây cũng là trung tâm của thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ. Bà ngoại tôi là một người đàn bà giàu lòng bác ái, nhưng lại rất nóng tánh, đa nghi và không hề biết sợ ai. Bà tôi lấy chồng Tàu, ông ngoại tôi đã mất khi tôi ra ở đây. Mẹ tôi, dì và cậu Năm tôi đều là con nuôi của bà ngoại tôi. Bà tôi có chồng cả chục năm mà không có con, vì vậy bà tôi nuôi mẹ tôi từ tấm bé do một người đàn bà mang đến cho. Rồi năm lụt sau đó ở Quảng Nam, nhà cửa mất, ruộng vườn ngập, người ta nghèo đói không thể nuôi con, nên có người đem con cái ra Đà Nẵng bán. Bà tôi liền mua cả hai chị em con của một nông dân nghèo về nuôi. Thế là bà tôi có mẹ tôi rồi dì tôi cùng một tuổi với nhau, và cậu Năm, tất cả ba đứa con mà bà tôi đều nuôi dạy tử tế và xem như con ruột. Cả chục năm sau bà tôi mới sanh được một người con trai, đó mới là máu mủ của bà.

Mẹ tôi không đẹp, nhưng rất giỏi dang, giúp bà tôi rất nhiều trong việc nhà và việc buôn bán. Còn dì tôi rất đẹp lại còn thích ăn chơi, chưng diện. Sau mẹ tôi gặp cha tôi, còn dì tôi thì kết hôn với một người Tàu giàu có. Bà tôi thật là người hiếm có trên đời. Bà thương đám con nuôi và thương cả lũ cháu như ruột thịt. Và khi ở với bà tôi, tôi được thương yêu rất nhiều. Nhờ vậy mà tôi không nhớ nhà, sống bên bà như sống với cha mẹ. Bà thích ăn ngon và ăn toàn các thứ bổ - quen theo ông chồng Tàu của bà - nên tôi cũng được ăn uống theo bà, toàn là những thứ mua ở các tiệm Tàu: gà hầm thuốc bắc, mì thánh, cơm Dương Châu, vịt hầm măng, yến chưng đường phèn, heo sữa quay..., thôi thì đủ thứ mà từ nhỏ tôi chưa hề được ăn vì Tam Quan là một vùng ven biển toàn cá và cá.

Bà tôi rất giàu lòng nhân ái, thương người nghèo khó, nhưng rất ghét bọn cậy quyền ỷ thế. Tánh bà lại nóng nảy không chịu thua ai và rất chống đối những ai ăn hiếp bà. Vào những năm sống dưới quyền cai trị của người Pháp, ai cũng sợ bọn phu-lít (police - cảnh sát), bọn Hải quan đi khám xét các cửa hàng để đánh thuế. Vậy mà những người này phải tránh đụng chạm đến bà tôi, vì bà tôi dám chửi phu-lít trước mặt mọi người mà chẳng chút kiêng nể, khi họ kiếm cách phạt bà tôi. Riết rồi họ không dám đụng chạm đến bà tôi, và họ nói với nhau: “Đừng có đụng đến bà Hòa Tai” (tên chồng bà tôi). Họ không bao giờ bắt nạt và ăn được của bà tôi một đồng xu nào. Nhưng bà có một lối xã giai khác, thỉnh thoảng những lúc bà vui, bà cũng mời họ vài ly rượu, hay biếu họ một món quà nếu hay tin vợ sanh con trai hay họ lên lon. Nghĩa là đừng bao giờ bắt nạt bà trái phép hay hăm dọa bà.

Tôi học ở trường Đà Nẵng, cứ Tết hay nghỉ hè là về Tam Quan sống với cha mẹ và các em. Nhưng các bạn có biết mỗi lần đi về như vậy, tôi đi với ai và về với ai không? Tôi chỉ mới chín, mười tuổi thôi mà! Tôi đi một mình! Khoảng đường từ Đà Nẵng vào Tam Quan phải đi qua Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam) rồi Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ (Quãng Ngãi), rồi mới đến Tam Quan (Bình Định). Đi xe thơ (xe lớn chở thơ đi các tỉnh và lấy khách luôn), phải mất từ sáng đến tối mới đến. Nghĩa là phải ngồi suốt trên xe cả ngày. Xe chỉ ngừng ở các tỉnh lỵ để đưa thơ, và hành khách chỉ được xuống xe ở thị xã Quảng Ngãi, ngay tại nhà bưu điện, để ăn trưa và nghỉ đó hơn một giờ rồi đi tiếp.

Mỗi lần tôi phải ra Đà Nẵng thì cha tôi thường đưa tôi từ cửa Thiện Xuân ra nhà bưu điện Tam Quan, mua vé xe rồi gửi tôi cho bác tài xế, chọn cho tôi một chỗ ngồi ở chiếc ghế sau lưng bác, như gửi một món hàng. Tôi bình thản ngồi vào ghế, giao cái vali cho bác tài, còn mình thì giữ lại cái giỏ xách có đựng một bịch cơm và một gói thịt nướng để ăn trưa, một chai nước trà nóng cùng mấy trái chuối, cam, hay một gói bánh ngọt. Cái khăn lau mặt, vài quyển sách giáo khoa để học. Khi xe chạy, cha tôi mới về. Ai lúc ấy cũng bảo tôi quá gan lì, dạn dĩ. Khi xe đến Đà Nẵng thì bà tôi đã sai người ra đón và đưa tôi về nhà. Lúc ấy tôi chả thấy có gì phải lo sợ. Tôi rất thích ngồi gần cửa để nhìn phong cảnh bên đường. Những hàng dừa bạt ngàn của Tam Quan, những bãi cát trắng xóa của Bình Sơn, những dãy núi trùng trùng điệp điệp hùng vĩ bao la thay đổi màu sắc tùy theo giờ giấc của ngày, của thời tiết. Và tôi quên tất cả những nỗi buồn xa nhà, xa cha mẹ, các em.

Khi tôi từ Tam Quan ra Đà Nẵng học thì cậu Sắc của tôi, người con duy nhất của bà tôi đẻ ra, lại được gửi vào Tam Quan để cha tôi dạy. Vốn là con cưng, cậu hư hỏng đâm ra lười biếng không chịu học. Vì cậu lúc nhỏ chỉ sợ có ba tôi, ông anh rể lớn trong nhà. Vì vậy mỗi lần tôi đi ra là cậu Sắc đi vô, mà tôi trở về Tam Quan thì cậu trở về Đà Nẵng. Xe thơ gặp nhau tại Quảng Ngãi và cậu thường ném qua xe tôi một gói bánh mì lạp xưởng hay chả lụa cùng những thứ trái cây nhập từ Trung Quốc: cam Tiều, quýt Tàu, hồng khô... Gói quà này do bà ngoại dặn cậu đưa cho tôi tại bưu điện Quảng Ngãi khi xe ra vô gặp nhau.

Ở với bà tôi, ngoài những buổi đi học, tôi thường giúp bà buôn bán. Bà tôi thường bị người dâu vợ cậu Năm lấy cắp nhiều thứ mỗi khi về thăm bà, và các chị giúp việc cũng không thành thật, họ thường lợi dụng lúc bà tôi đi mua hàng, đi chùa... là lấy tiền, bán hàng không đưa tiền cho bà tôi. Giờ có tôi, biết tôi rất thật thà và không bao giờ xin xỏ gì cả, bà giao hàng cho tôi, hoặc các buổi trưa bà ngủ, tôi thức coi hàng và hễ bán được bao nhiêu, tôi ghi rõ và đưa hết cho bà. Vào ngày nghỉ, bà thường cho tôi đi chơi khắp Đà Nẵng với bạn bè hay với các cô giáo, vì vậy hang cùng ngõ hẻm nào ở Đà Nẵng tôi cũng biết. Tôi theo bạn bè về các vườn ăn ổi, ăn mận, hái quýt hái cam. Những năm sống ở Đà Nẵng đã mở cho tôi một chân trời mới.

Năm tôi lên lớp nhì (1ère Année) thì tôi không còn học với bà Phạm Đoàn Điềm, một giáo viên người Huế, vợ một dược sĩ có một tiệm thuốc lớn trên đường bờ sông. Bà Điềm hiền lành, dễ thương và là cô giáo đầu tiên của tôi khi bắt đầu đi học. Tôi rất thương cô giáo và những ngày chủ nhật rỗi rảnh tôi thường đến thăm cô, chơi với các con cô nhỏ tuổi hơn tôi. Giai đoạn ở niên học này không có gì là xuất sắc và những ngày êm đềm đã trôi qua thật nhanh để tôi bước vào năm học mới với thật nhiều kỷ niệm nhất của đời học sinh ở Đà Nẵng của tôi.

Cô giáo mới dạy tôi ở lớp nhì là cô Trần Phạm thị Loan, người Nghệ An, đã trên ba mươi tuổi nhưng còn độc thân. Cô xuất thân từ trường Đồng Khánh (Huế), có tiếng là một học sinh xuất sắc, khi ra dạy là một giáo viên có tài và rất thích hoạt động, tham gia các đoàn thể thống Pháp. Vì cô tham gia vào những phong trào đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, quyên góp tiền cho các nhà chí sĩ đi du học ở Nhật, ở Tàu, nên cô bị đổi từ Nghệ An vào Đà Nẵng và còn bị chánh phù Pháp cho người theo dõi. Cô dạy giỏi, tánh tình hoạt bát, có phần bồng bột, nóng nảy và không chịu nể ai, chống đối với cả bà hiệu trưởng Casanova người Pháp, dạy lớp nhất.

Tụi mật thám Pháp thường theo dõi cô, nhưng cô cứ tỉnh bơ muốn đi đâu thì đi, thăm ai thì thăm, các nhà chí sĩ bấy giờ là cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Sào Nam và cả các nhân sĩ trong phong trài Duy Tân. Cô thường dẫn theo vài nữ sinh mà cô thương và tin cậy nhất. Khi biết cha tôi cũng đã từng ở trong tổ chức phong trào Duy Tân thì cô rất thích tôi, lại thấy tôi học giỏi cả hai môn Pháp và Việt văn nên cô thường bảo tôi hãy đến chơi với cô vào những ngày chủ nhật hay chiều thứ năm. Còn những hôm dạy xong các tiết buổi chiều, cô thường hướng dẫn học sinh trong lớp ra biển chơi, hóng gió biển, lội nước. Hồi đó, các nữ sinh tắm biển không phải mặc đồ tắm hở hang như bây giờ. Chúng tôi chỉ xăn hai ống quần, quấn hai vạt áo dài gọn lại và lội nước, đùa với các đợt sóng. Như vậy cũng là quá nhiều và nếu không có cô Loan hướng dẫn thì chúng tôi không dám ra bãi biển lúc bấy giờ. Vì trường nữ của chúng tôi ở trên một gò cát gần đất thành Tây và phía sau lưng là biển. Gần trường là đồn lính Tây. Chúng tôi ít khi dám đi ngang qua đồn lính, nếu đi một mình là phải đi vòng phía đất thánh Tây để khỏi bị lũ lính Tây kêu réo chọc ghẹo. Cô Loan chẳng hề sợ bọn lính này. Hễ bị bọn nó ghẹo là cô đứng lại mắng nhiếc tụi nó là vô lễ và đòi vô mét với những sĩ quan cấp chỉ huy của tụi nó. Cô nói tiếng Pháp rất cừ nên tụi nó sợ.

Tôi còn nhớ có lần sau buổi học chiều, cô dẫn số nữ sinh ra bãi biển chơi. Thầy trò thường ngồi dưới rặng phi lao và nhìn ra biển, chờ nắng dịu bớt mới ra đùa với sóng. Khi thầy trò đang vui đùa với những con sóng đua nhau chạy vào bờ thì từ đằng xa có một bọn lính Tây, cỡi xe đạp, cũng đang đùa với sóng biển. Tụi nó thấy thầy trò tôi thì a thần phù đạp đến cố làm cho nước tung tóe ướt cả áo quần chúng tôi và còn đưa tay ra vỗ vào đầu vào lưng chúng tôi ra vẻ thích thú. Có đứa còn lấy cả nón lá của chúng tôi rồi cười ngặt nghẽo. Cô Loan tức lắm, mấy lần la to mắng tụi nó vô lễ. Nhưng tụi nó chỉ nghe răng cười, tứa thì đứa nào đi ngang là cô xô chúng nó làm nhào cả xe lẫn người trên sóng. Có thằng sừng sộ đến gây với cô, nhưng cô vẫn không hề sợ, cãi tay đôi với bọn nó rồi còn lôi kéo tụi nó bảo đi theo cô về đồn để kiện cô, cô cũng không sợ. Thế là cả bọn rủ nhau chuồn mất và cô đứng nhìn theo cười ồ lên, bọn chúng tôi cũng cười ầm ĩ. Từ hôm đó khi thấy chúng tôi ngoài biển thì bọn lính Tây kéo đi thật xa, không dám lại gần. Những cử chỉ này của cô khiến tụi tôi hết sức khâm phục. Khi bà hiệu trưởng người Pháp hay được chuyện này thì bà mời cô vào phòng hiệu trưởng, khuyên cô nên tránh đụng chạm với bọn lính Tây. Bà nói một là chúng nó ít học, thô lỗ, ỷ quyền ỷ thế. Mình chống lại với nó không ích gì. Nay mai nếu chúng nó gặp nữ sinh, chọc ghẹo trả thù mà không có cô ở đó thì chỉ phiền phức cho các nữ sinh thơ ngây yếu đuối mà thôi. Nghe bà hiệu trưởng nói vậy, cô không bằng lòng nhưng cũng hứa với bà từ rày không dẫn học sinh ra biển chơi nữa. Bà hiệu trưởng nói với cô là bà sẽ viết một văn thư cho cấp chỉ huy của đồn lính Tây yêu cầu họ phải răn dạy bọn lính thiếu lịch sự này. Lúc ấy cô Loan mới không tức giận cho rằng tụi Pháp binh nhau.

Đến năm tôi học xong lớp nhì thì lại xảy ra một chuyện thay đổi ở Bộ Giáo dục. Người ta bày ra hai lớp nhì, Moyen 1ère Année và Moyen 2è Année. Thế là thay vì chỉ cần học một năm lên lớp nhất, tôi phải học hai năm lớp nhì theo chương trình giáo dục lúc bấy giờ nhằm đào tạo học sinh giỏi Pháp văn để khi lên lớp nhất học toàn các môn bằng tiếng Pháp. Tôi lại phải mất thêm một năm học, nhưng nhờ vậy mà tôi rất giỏi môn Pháp văn, luôn luôn đứng nhất lớp.

Vì cô Loan dạy giỏi nên bà hiệu trưởng đề nghị cô dạy tiếp lớp nhì 2è Année. Học với cô thêm một năm nữa, tình thầy trò càng thêm khăng khít. Trong năm học này xảy ra một việc rất quan trọng. Cụ Phan Châu Trinh, một nhà chí sĩ từng đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam thời bấy giờ, bị bệnh nặng qua đời. Ở các tỉnh khắp nước, nơi nào cũng làm lễ truy điệu cụ, mà lễ truy điệu lớn nhất là làm tại Đà Nẵng, quê hương của cụ. Cô Loan đã tham gia lễ truy điệu này. Cô huy động các giáo viên và học sinh cùng cô cầm cờ đi dự lễ. Cô rất tích cực, đọc điếu văn kể cuộc đời đấu tranh vì độc lập nước nhà của cụ, cô quyên góp tiền, cô túc trực bên đám tang... Cô sốt sắng đến nỗi bà hiệu trưởng phải cảnh cáo cô, không cho cô huy động học sinh, khuyên các cô giáo khác không nên tham gia vì chánh quyền đã có văn thư ngăn cấm. Cô cứ mặc, cô vẫn tham gia, vì vậy cô bị Sở mật thám mời đến cảnh cáo mấy lần và hăm dọa sẽ bắt cô nếu cô không thay đổi thái độ và không bỏ ý định lôi kéo cả trường theo cô làm chính trị.

Bà hiệu trưởng đòi đổi cô đi, nhưng không có trường nào ở tỉnh chịu nhận cô về. Cô bất mãn và những hôm chủ nhật chúng tôi đến thăm cô, cô thường khuyên chúng tôi đừng đến nữa, sợ liên lụy cho gia đình chúng tôi. Mùa hè năm ấy, thay vì về Nghệ An thăm gia đình thì cô lại nhận lời một bạn đồng nghiệp đang dạy ban tiểu học ở trường Đồng Khánh, ra Huế chơi và luôn cơ hội này thăm cụ Phan Sào Nam đang bị giam lỏng ở Bến Ngự. Khi cô đi thì chúng tôi đã học hết lớp nhì 2è Année và sau khi nghỉ hè sẽ lên lớp nhất học với bà hiệu trưởng người Pháp. Cô có vẻ rất bịn rịn lớp học cũ vì chúng tôi đã học vơi cô suốt hai năm trời. Riêng với tôi, cô rất thương.

Nhưng sau ba tháng nghỉ hè, cô lại trở về trường Nữ học Đà Nẵng và tiếp tục dạy lớp nhì 2è Année, khiến chúng tôi rất vui mừng khi gặp lại cô. Cô cho chúng tôi biết cô chỉ còn dạy ở đây một thời gian thôi, không biết có dạy hết năm không, vì cô dự định xin đổi về Nha Trang. Khi cô nói chuyện này với tôi, tôi thấy cô có vẻ hớn hở vui tươi như một thiếu nữ. Chúng tôi không khỏi lấy làm lạ và cứ hỏi nhau cô mình có chuyện gì vui vậy kìa? Hay cô sắp đi ra nước ngoài? Thực hiện được giấc mộng làm chánh trị?

Sau đó, bọn học trò cũ chúng tôi chỉ còn lại sáu đứa còn theo học lớp nhất với bà Cassnove, một số khác đã đổi ra học nghề, một số khác đã tìm việc làm để giúp đỡ cha mẹ. (Thời tôi đi học, cha mẹ ít cho con gái học nhiều. Vừa học xong bậc tiểu học đã kiếm việc làm hay lập gia đình). Bà Cassnova là một hiệu trưởng nghiêm khắc nhưng khi dạy lại rất dễ thương. Bà dạy rất nghiêm túc, khi rảnh còn dạy thêm giờ cho chúng tôi và bà tuyên bố năm học ấy trong mấy đứa chúng tôi phải có một đứa thi tiểu học đậu thủ khoa để lấy tiếng cho trường Nữ. Bên trường Nam, lớp nhất có ba bốn chục học trò, Pháo văn thì học ông hiệu trưởng Rivìere, một dân Pháp gốc Algérie hay Martinique, còn các giờ khác thì học với thầy Thái Viên, một giáo viên có tiếng dạy giỏi nhất về môn Toán. Năm học với bà Cassanova, tôi luôn đứng nhất, về nhà còn được cha tôi dạy thêm Pháp văn và Việt văn. Bà Cassanova thương tôi lắm, bà thiên vị thấy rõ, cái gì của tôi làm, viết, vẽ, bà đều cho là giỏi nhất. Năm học này, với các môn khác như khoa học, toán, sử, địa tôi chỉ cần xem qua vài lần rồi với vốn tiếng Pháp của mình, tôi đứng lên trình bày chớ không cần phải học thuộc lòng. Đó là một lợi thế để tôi có thì giờ đọc sách Pháp, tha hồ mà đọc vì cha tôi có cả một tủ sách Pháp thích hợp cho tuổi thanh niên, sách lành mạnh, cổ điển và có thể thâu lượng làm tài liệu viết văn sau này. Tôi ham mê đọc sách vào lúc ấy, có khi đọc quên cả học.

Trong thời gian này, tôi không còn gần gũi cô Loan nhiều, nhưng thỉnh thoảng vào ngày nghỉ tôi vẫn cùng vài người bạn đến thăm cô. Tôi nhận xét một điều là cô rất ít nói đến chính trị như lúc trước. Cô vui vẻ, hăng hái với công việc hàng ngày hơn, thậm chí không tỏ thái độ ghét Tây, chửi bọn quan lại như trước nữa. Tôi hơi lấy làm lạ và tự nhiên trong thâm tâm, tôi cảm thấy như bị ai đó xúc phạm, khiến không còn thích đến thăm cô thường nữa.

Trong giờ ra chơi, các cô giáo tụ họp dưới sân, người đan, người thêu, vừa làm vừa nói chuyện, cười vui không khác gì học trò. Những hôm ấy tôi để ý thấy cô Loan thường bị các cô giáo khác chọc ghẹo và cô cũng vui vẻ tham gia trò đùa của các bạn chứ không ngồi lì trong lớp như những năm trước. Có lần cô Thục, một giáo viên độc thân, giựt lấy đồ len mà cô Loan đang đan, la lớn:

- Đan cho ai mà đan hoài vậy chị Loan, áo đàn ông à? Ghê thật! Sao bí mật thế, có ông nào rồi phải không?

Rồi cô Thục giựt cho được tấm đan trên tay cô Loan. Cô loan vừa chạy vừa cười thích thú:

- Ta đã nói là đan áo cho ông anh mà!

Cô Điềm vốn rất hiền lành và nghiêm nghị, cũng xen vào nói:

- Sao hai năm nay không đan áo cho anh? Anh nào thế? Hay là tình nhân?

Cô Loan vẫn cười và nói:

- Là tình nhân thì đã sao? Ở tuổi ngoài ba mươi rồi. Các cụ cứ ép phải lo bề gia thất, không thì cấm cửa không cho về nhà nữa.

Một lần khác, các cô đuổi nhau lấy cho được bức thư của người tình cô Loan ở Nha Trang gửi vào. Thấy mấy cô vui như trẻ con, học trò cũng vui theo, nhưng không dám lại gần. Cô Loan từ dạo ấy mặt mày tươi hẳn ra, lúc nào cũng vui cười, ngọt ngào với mọi người. Chẳng lẽ tình yêu tay đổi con người đến thế sao?

Lúc ấy, bọn học trò cũng muốn biết cô Loan sẽ kết hôn với ai, người được cô yêu là ngươi như thế nào, và người ấy ở đâu, làm gì. Ở Phan Thiết, họ gặp nhau vào lúc nào? Những chuyện này biết hỏi ai đây? Cô Điềm không bao giờ chịu nói chuyện người khác. Cô Triệu thì lớn tuổi rồi, dạy lớp năm và tôi không học với cô, chỉ còn có cô Thục, không trẻ lắm, cũng đã hai bảy,hai tám tuổi rồi. Ở cái tuổi ấy, xã hội ngày xưa đã lên án là ế, là hâm đi hâm lại rồi. Thấy cô Loan đã trên ba mươi mà còn lấy chồng nên cô Thục có vẻ không vui, cảm thấy thân phận hẩm hiu của mình. Sen, một bạn thân của tôi, đề nghị:

- Mình đến thăm cô Thục để dò hỏi, Vân chịu không?

- Vân không có học với cô Thục.

- Thì Sen học. Không học cũng là học trò của trường, có sao đâu.

- Vậy thì đi.

Nhưng mới đi được nửa đường, hai chúng tôi bỗng gặp Dõng, một học sinh kém nhất lớp. Dõng bàn là cô Thục không chịu nói đâu, mình cứ đến thăm cô Điềm là biết rõ, vì cô Điềm là người Huế, cô có bà con nhiều ở Huế.

Thế là cả ba cùng đến nhà cô Điềm. Cô từ trong nhà bước ra, thấy chúng tôi thì vui mừng tiếp đón, đưa ba đứa tôi lên lầu, ngồi ngoài bao lơn ăn bánh ngọt và hỏi:

- Sao có ba em? Còn Lợi và Mỹ đâu?

Sen trả lời:

- Thưa cô, chị mỹ phải phụ mẹ bán hàng Tết. Còn chị Lợi thì sắp nghỉ học học rồi cô ạ. Chị sắp lầy chồng, một chủ ghe xuôi ngược đường Đà Nẵng, Hội An, Tam Quan buôn thực phẩm.

Cô Điềm chép miệng:

- Sao Lợi không đợi đến cuối năm hãy nghỉ, như vậy may ra có bằng tiểu học, sau này muốn xin đi dạy cũng dễ.

Rồi không nghe bọn này trả lời, cô nói:

- Ừ, mà chuyện đời làm sao biết trước được.

Sen bấm tôi, vì thấy câu chuyện đang đi vào lợi thế. Tôi liền nói:

- Thưa cô, còn chị Dõng này, coi vậy mà đã đính hôn rồi đó. Chồng là ông lớn đó cô.

Dõng véo tôi một cái nhảy nhổm. Cô Điềm vui vẻ:

- Vậy cô mừng cho em Dõng. Nhưng chờ thi xong bằng tiểu học đã nhé, chỉ còn mấy tháng nữa thôi. Mà ông lớn nào vậy em?

Sen vội vã:

- Thưa cô, ông Phán Mai làm ở Sở mật thám đó.

Cô Điềm liếc mắt nhìn Dõng, rồi cúi đầu làm thinh. Ông Phán Mai làm Sở mật thám thì ai mà không biết. Ông ta có tật nơi chân, tuổi đã gần tứ tuần, có tiếng là dữ và độc ác, dựa hơi bọn Pháp hăm dọa kẻ này kẻ khác để ăn tiền.

Một lát sau cô Điềm nhìn Dõng và hỏi:

- Thế em có bằng lòng không hả Dõng?

Dõng ấp úng:

- Em năn nỉ, khóc lóc với cha mẹ để em học đến bậc trung học, ra làm cô giáo rồi hãy lấy làm chồng, nhưng cha mẹ em nói, con gái càng học nhiều càng ế chồng và đàn ông, con trai ít ai muốn có vợ đi làm, có nghề nghiệp ngoài xã hội. Ba mẹ em còn nói: Phần đông các cô mụ, các cô giáo đều ế chồng.

Dõng rất đẹp, ông Phán Mai thường đi theo Dõng những lúc Dõng ở trường về nhà. Ông chọc ghẹo Dõng không được, mua quà tặng Dõng cũng không lấy, bèn lập kế bắt anh của Dõng và vu cáo là chống đối chánh phủ Pháp, rải truyền đơn ở các làng gần đó. Thế là cha mẹ Dõng phải tìm đến ông Phán mai nhờ ông cứu đứa con vô tội. Sau đó ông Phán Mai lui tới nhà cha mẹ Dõng rất thường và ngỏ ý muốn cưới Dõng, chỉ chờ Dõng thi đậu tiểu học là làm đám cưới. Ở thời 1925, con gái đâu dám cãi lời cha mẹ. Huống chi cha mẹ Dõng lại nghèo, gả con cho một ông Phán làm Sở mật thám là một chuyện ngoài sức tưởng tượng. Đây lại là chuyện đền ơn đáp nghĩa. Câu chuyện của Dõng khiến cô Điềm rất thương cảm, nên hôm ấy cô đã thổ lộ về chuyện cô Loan mà không cần bọn tôi gạn hỏi, Mặc dù tánh cô rất ít nói, không chịu nói những chuyện riêng tư của người khác.

Cô Điềm suy nghĩ một lát rồi thở dài:

- Bây giờ có một số chị em được đi học, có nghề nghiệp ngoài xã hội, nhưng cái xã hội còn phong kiến này chưa ai thay đổi được đâu. Tam tùng tứ đức, trọng nam khinh nữ, công dung ngôn hạnh, hôn nhân cưỡng bức... Những chuyện ấy chưa có ai đứng ra bênh vực cho phụ nữ. Cả nửa thế kỷ nữa chưa chắc đã có bình quyền bình đẳng giữa nam nữ ở nước ta. Cô hy vọng ở thế hệ các em đó. Vậy mà bây giờ Dõng còn là vật hy sinh cho cái xã hội phong kiến, hôn nhân cưỡng bức, thì thật đau lòng. Không biết cô Loan khi nghe câu chuyện này sẽ nghĩ thế nào? Cô thường chống đối những chuyện như thế này lắm.

Tôi đưa mắt nhìn Sen, Sen liền lên tiếng:

- Thưa cô, cô Loan cũng sắp lập gia đình rồi phải không cô?

Cô Điềm hỏi:

- Cô Loan nói với các em à?

Sen nói:

- Thưa cô, năm nay tụi em học với bà Cassanova, nhiều bài vở lắm nên tụi em không có thì giờ đến thăm cô Loan. Nhưng mỗi lần gặp cô Loan, tụi em thấy cô vui lắm, chắc là có chuyện mừng.

Cô Điềm liền nói:

- Cô Loan sắp lấy chồng. Tết này là đám cưới, và đến cuối niên khóa thì cô sẽ đổi về Phan Thiết, vì chồng cô là một tri huyện hay tri phủ gì đó.

Rồi cô Điềm thở dài:

- Thì cũng là một chuyện cưỡng bức hôn nhân, có gì khác đâu! Thật ra cô Loan đâu có muốn lập gia đình, cô chỉ muốn làm đại sự, muốn thay đổi thế cờ, muốn giải phóng phụ nữ, muốn thật nhiều chuyện, mà rốt cuộc cũng chỉ việc có chồng, có con, làm vừa lòng cha mẹ già. Người phụ nữ Việt Nam đến bao giờ mới tiến bộ, các em nhỉ?

Khi nghe cô Điềm nói, tự nhiên tôi thấy buồn buồn làm sao ấy.

Cô Điềm nhìn tôi và hỏi:

- Vân nghĩ gì thế? Em không muốn cô Loan lấy chồng sao? Người phụ nữ chỉ có một trách nhiệm thiêng liêng và cao cả là làm vợ và làm mẹ. Dù có tạo được cho mình một sự nghiệp gì chăng nữa thì thiên chức của người phụ nữ vẫn làm làm vợ, làm mẹ. Cô Loan tâm huyết, có tấm lòng yêu nước thương nòi, sinh ra khi nước đã mất, cô cũng muốn thấy nước mình độc lập, nhưng cô là một phụ nữ, dù cô làm hết mình thì một con én cũng không làm nổi mùa xuân. Cô bị áp lực bên ngoài, mà còn bị áp lực bên trong nữa. Cô còn cha già, mẹ yếu. Cha mẹ cô nghĩ bấy lâu nay cô đã phung phí cuộc đời cô nhiều rồi. Cả trên mười năm nay, cô đã làm những việc mà xã hội lên án, gia đình phiền trách. Bây giờ, nếu cô không ngừng lại để lo lập gia đình thì sẽ rước họa vào thân. Cha mẹ đã già rồi còn bị khổ lây là khác. Cô bị gọi về Nghệ An nhiều lần, mẹ cô đã trên bảy mươi tuổi đang đau nặng và chính quyền địa phương thì cứ hăm dọa bà phải dạy dỗ con gái, nếu không sẽ bị tán gia bại sản. Trước những áp lực như vậy, cô đành ngừng hoạt động chính trị, để hết tâm trí vào việc dạy dỗ học trò. Nhưng còn lập gia đình thì ngoài ba mươi rồi, muốn kiếm một ông chồng đâu phải là chuyện dễ. Các ông giáo ở tuổi cô đều đã có gia đình. Người cô yêu ngày xưa cùng một hoài bão, một ý chí thì nay đang bị giam cầm ngoài Côn Đảo. Cô có ý chờ đợi, nhưng tình thế này làm sao mà đợi? Không thể trái lời cha mẹ bây giờ. Anh em họ hàng ai cũng khuyên lơn dỗ dành. Gia đình cô vốn là một gia đình khoa bảng, mấy đời đỗ đạt, có người ra làm quan nhà Nguyễn, có người theo cách mạng bị tù đày. Muốn lập gia đình, cô phải kiếm một người xứng đáng, có chức phận, đủ sức để che chở cô, bảo đảm an ninh cho gia đình cô. Thế rồi một người chú của cô liền làm mai cho cô một ông tri phủ, con nhà quan thế phiệt, lại xuất thân từ trường Tây. Ông này đã ngoài năm mươi tuổi, trải qua một đời vợ và có con riêng đã lớn, sống với ông bà nội và có người em đang du học ở Pháp. Với một người có đầu óc cách mạng, nuôi bao nhiêu hoài bão như cô mà nay phải về làm vợ ông chồng như vậy, chắc cô phải chua xót cho thân phận lắm. Không nói đến chuyện ông chồng đã trên năm mươi, chỉ nghĩ gia đình ông ta là tôi trung của nhà Nguyễn phục tùng bọn Tây mà cô đã bỏ suốt mười năm chống đối, cũng biết cô đau lòng đến đâu. Vậy mà vào giờ ra chơi, tôi vẫn thấy cô cười đùa một cách vô tư với bạn đồng nghiệp. Nhưng có điều này tôi không khỏi lấy làm lạ là cô không hề may sắm áo cưới, không hề nói đến ngay cưới. Bạn bè hỏi, cô thường nói: “Cũng gần rồi”.

Chiếc áo cô đan mà các cô giáo ghẹo là đan áo cho ông chồng sắp cưới, chỉ là chiếc áo đan cho cụ thân sinh. Cô nói với tôi trong một lần tôi đến thăm cô mà nét mặt không vui. Cô sợ sau này khi đã có chồng sẽ không còn dịp đan áo ấm cho hai cụ. Bọn tôi đến thăm không hề giờ dám hỏi bao giờ có đám cưới và đám cưới xong cô có còn dạy ở trường này nữa không.

Cô Điềm hôm ấy cũng chỉ kể sơ tôi nghe, tôi biết cô cũng ngậm ngùi về chuyện hôn nhân của cô Loan, nhưng cô vốn xuất thân từ một nhà quan, không có tư tưởng chống đối, quan niệm sống của cô khác hẳn với quan niệm sống của cô Loan, nên cô cho rằng cô Loan lập gia đình là phải, và lập gia đình với một tri phủ là may mắn lắm rồi. Cô Điềm là vợ một dược sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, có cửa hàng thuốc Tây, có chồng giàu, có con đi du học, cô sống trưởng giả và cô cho thế là mãn nguyện. Đối với cô, người đàn bà hoàn thành được sứ mạng làm vợ làm mẹ thì không còn gì hạnh phúc bằng. Huống gì cô, cô còn có chức nghiệp nhà giáo, một nghề cao quý!

Hôm ấy ở nhà cô Điềm ra, tôi cứ đăm đăm nghĩ ngợi. Tôi muốn tự tai nghe cô Loan kể chuyện của cô, nhưng làm sao hỏi cô được? Trước kia khi hoạt động chánh trị thì cô rất cởi mở với lũ học trò cô thương, còn từ ngày cô có vị hôn phu thì dường như cô muốn tránh xa bọn tôi.