Phổ Nghi vẫn xem các tạp chí Tây phương; đối với Phổ Nghi thì một người đàn ông Tây phương điển hình thường để râu mép, quần thẳng nếp và tay cầm can. Một số thái giám cho Phổ Nghi biết râu mép của người Tây phương cứng lắm, có thể treo đèn lồng vào đuôi râu của họ được. Một điểm đặc biệt của người Tây phương là ống chân của họ rất thẳng, khác hẳn người Trung Hoa, có lẽ tại thói quen đi đứng của người Tây phương luôn luôn thẳng người, chứ không lom khom lúc nào cũng sẵn sàng quì lạy như người Trung Hoa. Người Trung Hoa cho rằng ống chân của người Tây phương là một khí giới quan trọng, vì thế khi loạn Quyền Phỉ nổi dậy tấn công người Tây phương, họ thường nhắm đánh vào ống chân người Tây phương trước, cho ngã quỵ xuống không thể đứng dậy được.
Ngày 4 tháng 3 năm 1919, Johnston vào Cấm Thành và thầy trò gặp nhau lần đầu. Thuần Thân Vương, thân phụ của Phổ Nghi đón Johnston tại cổng, nắm tay Johnston và dẫn vào gặp Phổ Nghi. Hôm đó Johnston gặp Phổ Nghi hai lần. Lần đầu là lễ ra mắt vua tôi của một thần dân bái kiến thiên tử. Lúc đó Phổ Nghi ngồi trên ngai vàng. Johnston phải cúi đầu vái chào. Phổ Nghi đứng dậy bước xuống khỏi ngai vàng và bắt tay Johnston. Johnston cúi mình vái mội lần nữa rồi rút lui. Vài phút sau Johnston trở lại, lần này là lần thầy trò gặp nhau, và Phổ Nghi phải cúi đầu chào Johnston trước, một dấu hiệu bái nhận Johnston làm sư phụ.
Phổ Nghi rất khâm phục dáng dấp của Johnston. Mặc dầu Johnston không còn trẻ nhưng ông đi lại rất nhanh nhẹn và cử chỉ khéo léo. Ông đi đứng rất ngay thẳng đến nỗi lúc đầu Phổ Nghi tưởng bên trong quần áo của ông có một cái khung để giữ cho ông thật thẳng. Mặc dầu Johnston không có râu mép, không cầm can và chân ông không được thẳng lắm, nhưng Phổ Nghi vẫn cho rằng ông rất cứng nhắc. Phổ Nghi cũng cảm thấy hơi khó chịu vì cặp mắt của ông màu xanh và mớ tóc vàng đã ngả màu xám.
Ngay sau khi gặp Phổ Nghi lần đầu, Johnston viết một bản báo cáo cho sở tình báo Anh Quốc về những nhận xét của ông về vị tiểu hoàng đế. Đây là một bản báo cáo tràn đầy lạc quan và thiện cảm. Johnston và Phổ Nghi đã có một sự thân thiện ngay tức khắc. Dưới đây là những nhận xét đầu tiên của Johnston:
“Vị tiểu hoàng đế không biết một chút gì về Anh Ngữ hoặc bất cứ ngôn ngữ Âu Châu nào, nhưng lại có vẻ rất thích học hỏi và tinh thần khá minh mẫn. Hoàng đế được phép đọc báo bằng tiếng Trung Hoa, và có một sự chú ý rất sáng suốt về tin tức trong ngày, đặc biệt về chính trị trong nước và ngoài nước. Ngài có một kiến thức khá vững về địa lý tổng quát và rất thích du lịch và thám hiểm. Ngài cũng hiểu đôi chút về hiện trạng của Âu Châu và hậu quả của cuộc đại chiến, và không có những ảo tưởng về vị trí chính trị và sự quan trọng của Trung Hoa. Ngài có vẻ to lớn so với tuổi của ngài. Ngài là một thiếu niên rất đầy nhân tính với vẻ nhanh nhẹn, thông minh và một tinh thần hài hước sâu xa. Ngoài ra, ngài rất có tư cách và không hề kiêu căng. Đây là một điều rất đáng chú ý, nếu xét về lối sống rất giả tạo và tự phụ trong một bầu không khí tráng lệ chung quanh ngài. Ngài được triều thần cung kính đúng như một vị thiên tử. Ngài không bao giờ đi ra ngoài Cấm Thành, và chưa hề có cơ hội được chơi đùa với các trẻ con khác, ngoại trừ thỉnh thoảng người em của ngài và vài đứa trẻ thuộc hoàng gia được phép vào thăm ngài trong giây lát. Ngay việc đi học hàng ngày của ngài cũng được coi như là một buổi rước kiệu trang trọng. Ngài được khiêng trong một chiếu kiệu màu vàng của hoàng gia, và chung quanh rất đông người hầu hạ.”
Chỉ ít lâu sau Johnston và Phổ Nghi trở nên rất thân mật. Phổ Nghi dần dần nhận thấy Johnston thực sự hết lòng dạy dỗ mình, và Phổ Nghi cũng rất hài lòng trong việc học tập với Johnston. Johnston không những chỉ dạy Phổ Nghi Anh ngữ mà thôi, mà còn huấn luyện Phổ Nghi trở thành một người Anh lịch sự. Chẳng hạn Johnston giải thích cho Phổ Nghi biết rằng, nếu bao giờ Phổ Nghi đến viếng thăm Luân Đôn thì thế nào cũng được mời dùng trà, thường là vào ngày thứ Tư. Tại những buổi uống trà ấy, Phổ Nghi sẽ có cơ hội gặp gỡ các nhà học giả, các người cùng giai cấp với mình, các nhân vật nổi tiếng và tất cả mọi loại người Phổ Nghi cần gặp. Trong những buổi uống trà ấy, Phổ Nghi không cần phải mặc y phục quá trịnh trọng, nhưng tư cách và cách cư xử mới thật là quan trọng.
Từ lúc sinh ra, Phổ Nghi đã được tập cách ăn uống trong chén và dùng đũa như hàng triệu người Trung Hoa khác. Thế mà Johnston đã có lần rầy Phổ Nghi về cách ăn uống, và căn dặn Phổ Nghi không được uống trà như uống nước, và cũng không được ăn bánh như là một bữa ăn chính, và cũng không được khua to bát đũa.
Ngoài việc dạy uống trà theo nghi thức uống trà của người Anh theo lối Nhật Bản, Johnston đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trí Phổ Nghi, và Johnston giảng dạy cho Phổ Nghi rất nhiều vấn đề khác nhau. Cái điều làm cho thầy trò thân mật chính là sự kiên nhẫn của Johnston, bởi vì rất khó thay đổi được thái độ của một người đã được nhồi sọ là Đức Vạn Tuế, là vị hoàng đế toàn năng có thiên mệnh như Phổ Nghi.
Johnston mua các tuần báo bằng Anh Ngữ cho Phổ Nghi, và Phổ Nghi rất chú ý tới các hình ảnh máy bay, xe tăng và pháo binh. Johnston đã giảng dạy cho Phổ Nghi công dụng của chiến xa trong chiến tranh. Phổ Nghi phải sống cấm cung trong Cấm Thành từ lúc ba tuổi, nên những điều giảng dạy của Johnston mở cho Phổ Nghi một chân trời mới, đầy hào hứng và lạ lùng.
Phổ Nghi cũng rất khâm phục cách quảng cáo hàng trên báo chí ngoại quốc nữa. Phổ Nghi đã ra lệnh cho thái giám đặt mua những món hàng đúng như hình ảnh đã đăng trên báo chí. Phổ Nghi cũng đặt mua những bộ bàn ghế của Tây phương, và biến phòng riêng của Phổ Nghi thành một nơi hỗn độn nửa Âu nửa Á. Phổ Nghi bắt trước Johnston, mua tất cả những gì Johnston có, chẳng hạn như đồng hồ, cà rá, kim kẹp cà vạt, và khuy tay áo. Tất cả những gì Johnston có đều hấp dẫn với vị hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa này.
Phổ Nghi kể lại: “Tôi không nghĩ rằng ông Johnston biết được ông đã ảnh hưởng đến tôi sâu xa tới mức nào. Bộ quần áo bằng len của ông khiến tôi nghi ngờ giá trị của các thứ hàng lụa và sa tanh của Trung Hoa, và cây viết máy của ông đã thật sự làm tôi xấu hổ vì chiếc bút lông của người Trung Hoa.”
Dần dần các bài học Anh Ngữ và tập làm người lịch sự giảm dần. Thay vào đó là những đề tài khác. Johnston kể cho Phổ Nghi biết về đời sống của hoàng gia Anh, nền chính trị của nhiều quốc gia khác, sức mạnh của các cường quốc sau đệ nhất thế chiến, những địa danh và phong tục trên thế giới của đế quốc Anh, và cuộc nội chiến tại Trung Hoa. Ảnh hưởng của Johnston đối với Phổ Nghi mạnh đến nỗi một hôm Johnston chỉ buột miệng nói mớ tóc đuôi sam của người Trung Hoa trông giống đuôi heo, là lập tức vị hoàng đế trẻ tuổi cuối cùng của Trung Hoa cắt ngay đuôi sam của mình.
Kể từ khi Phổ Nghi thoái vị năm 1912, bộ trưởng nội vụ của chính phủ cộng hoà liên tục viết văn thư cho triều đình, yêu cầu triều đình khuyến dụ các đạo quân cũ của người Mãn Châu cắt đuôi sam của họ đi. Chính phủ cộng hoà cũng hy vọng triều đình cũng làm như vậy. Các văn thư rất là nhã nhặn lịch sự, và không bao giời dám ám chỉ tới Phổ Nghi. Trái lại triều đình dùng đủ mọi lý do để trì hoãn lời yêu cầu của chính phủ cộng hoà. Chẳng hạn triều đình cho biết mớ tóc đuôi sam đó rất hữu ích để phân biệt được những ai có thể vào Cấm Thành và những ai không được vào Cấm Thành. Năm 1919 khi Johnston vào Cấm Thành thì Cấm Thành được coi là một thành phố của tóc đuôi sam. Thế mà chỉ một lời nói nhẹ nhàng của Johnston mà Phổ Nghi vội cắt bỏ đuôi tóc của mình. Khi Phổ Nghi ra lệnh cho các thái giám cắt bỏ đuôi tóc cho mình thì các thái giám chưng hửng giật mình thối lui. Phổ Nghi liền tự tay cắt bỏ đuôi tóc đi.
Trong vòng vài ngày, trên một ngàn đuôi sam biến mất khỏi Cấm Thành khi các thân vương, quan lại và thái giám bắt chước gương của Phổ Nghi. Các mẫu hậu rền rĩ than khóc và các vị sư phụ người Trung Hoa rất rầu rĩ. Nhưng cuối cùng chỉ có một vị sư phó Trần Bảo Châu vốn là người cố vấn thân cận nhất của Phổ Nghi, và một vài đại thần khác là còn giữ lại đuôi tóc như cũ.
Vì tiếng Trung Hoa không có mẫu tự và rất khó phiên dịch các tên riêng của người Tây phương, nên người Trung Hoa thường đặt tên Trung Hoa cho người ngoại quốc cho tiện. Chính vì thế, Johnston cũng được ban cho một tên mới là Trang Chân Tâm. Khi mối liên hệ giữa Johnston và Phổ Nghi sâu đậm hơn, Phổ Nghi đòi Johnston chọn cho mình một tên bằng tiếng Anh. Johnston đưa cho Phổ Nghi một danh sách những tên vua chúa của Anh Quốc và yêu cầu Phổ Nghi chọn. Phổ Nghi chọn tên Henry. Kể từ đó các báo chí Anh Quốc thường gọi vị hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa là Henry Phổ Nghi.
Trong lớp học, Johnston thường thấy Phổ Nghi phải cố gắng lắm mới đọc được giờ trên một chiếc đồng hồ lớn trong phòng. Johnston nghi ngờ Phổ Nghi bị cận thị nặng, và yêu cầu triều đình mời một bác sĩ nhãn khoa người ngoại quốc vào khám mắt cho Phổ Nghi. Nhưng Johnston vô cùng kinh ngạc khi thấy lời đề nghị hợp lý và cần thiết của mình gây ra một sự công phẫn. Cấm Thành dường như bùng nổ với lời đề nghị của Johnston.
Triều đình giận dữ trước ý kiến một vị thiên tử cao quý lại để cho một tên bạch quỷ khám mắt. Hơn nữa Đức Vạn Tuế còn rất trẻ thì tại sao phải mang kiếng như một ông già? Tuy nhiên Phổ Nghi nhất định đòi khám mắt, nên cuối cùng một bác sĩ nhãn khoa được mời vào và vị bác sĩ này mạnh mẽ khuyến cáo Phổ Nghi cần phải đeo kính. Kể từ đó lúc nào Phổ Nghi cũng đeo kính cho tới lúc chết.
Khi ảnh hưởng của Johnston mở rộng thêm thì các thái giám và các quan lại có thái độ thù ghét Johnston. Sự thù ghét lên đến cực điểm khi Johnston khuyên Phổ Nghi phải đặt ra một ngân sách để có thể kiểm soát được việc chi thu trong Cấm Thành. Trong Cấm Thành đã có một sự tham nhũng và gian lận trong việc chi tiêu lên tới mức đại quy mô. Vào những ngày đó sự chi tiêu trong Cấm Thành vẫn còn lớn lao, và sự tài trợ của chính phủ cộng hoà thường không đủ. Để đáp ứng nhu cầu trong Đại Nội, ban tài chánh phải đem bán các quý vật như đồ cổ, các bức họa, thiếp tự, ngọc, đồ sứ, đồ vàng bạc và những nghệ phẩm hiếm có tương tự. Johnston và Phổ Nghi biết việc bán các quý vật không được minh bạch.
Chẳng hạn một hôm, một viên chức đến xin phép Phổ Nghi cho bán một tượng Phật bằng vàng khối cao gần hai thước. Viên chức đề nghị bán tượng Phật theo trọng lượng. Theo Johnston thì chỉ có kẻ khờ mới bán pho tượng vàng theo trọng lượng, mà phải bán theo trị giá nghệ thuật. Phổ Nghi nghe theo lời Johnston và không đồng ý. Vì thế giới quan chức trong triều cho rằng Johnston đã phá hoại công việc làm ăn của họ.
Đến năm 1923 Johnston được biết có nhiều tiệm mua bán đồ cổ mới được mở, dọc theo công trường Thiên An Môn, ngay bên ngoài Cấm Thành. Johnston cũng biết các thái giám tổ chức một hệ thống ăn cắp các bảo vật đem bán, và thay thế vào chỗ cũ bằng những đồ giả. Khi Phổ Nghi ra lệnh đem các thái giám bị tình nghi ra tra hỏi, thì một cung điện tàng trữ các bảo vật và kho tàng của vua Càn Long bị đốt cháy, thiêu hủy mọi chứng cớ. Vài ngày sau, một trận hoả hoạn khác xảy ra ngay nơi ở của Phổ Nghi. Lần này những kẻ gian còn có ý giết cả Phổ Nghi nữa.
Tháng 7 năm 1923, Phổ Nghi đi đến một quyết định, để giải quyết vấn đề tham nhũng và ăn cắp bên trong Cấm Thành. Phổ Nghi sai lính cấm vệ tập trung khoảng một ngàn thái giám và đuổi tất cả ra khỏi Cấm Thành trong vòng một giờ. Chỉ có khoảng một trăm thái giám còn được giữ lại.
Bằng hành động này, một cậu bé vẫn thường được coi là yếu đuối, thụ động chưa trưởng thành, bỗng có hành động phun ra lửa như các vị thiên tử trước. Phổ Nghi đã hành động một cách cương quyết. Hành động quyết liệt của Phổ Nghi tỏ ra khác hẳn với bề ngoài yếu đuối. Có thể chính cái bề ngoài khờ khạo của Phổ Nghi đã khiến các thái giám lộng hành bên trong Cấm Thành, không cần kiêng nể lệnh của vị tiểu hoàng đế. Phổ Nghi đã trở thành một con rồng phun ra lửa như các vị tiên đế trong truyền thống vua chúa. Báo chí tại Bắc Kinh vẫn chăm chú theo dõi sự trưởng thành của ông vua nhỏ tuổi này, từ khi Phổ Nghi cắt bỏ mớ tóc đuôi sam cho tới lúc đuổi thái giám ra khỏi Cấm Thành, đã nồng nhiệt hoan nghênh Phổ Nghi như là một trong số những lãnh tụ tiên tiến nhất của nhà Mãn Thanh. Một tờ báo còn tiến xa hơn nữa khi kết luận: “Nếu Phổ Nghi sinh ra sớm hơn ba chục hoặc bốn chục năm thì đã không có chế độ cộng hòa.”
Cứ như thế năm tháng trôi qua, Johnston trở thành một phần quan trọng trong việc đào tạo tâm trí Phổ Nghi. Về phần Johnston, ông gọi Phổ Nghi là “Tiểu Long” (Con Rồng Nhỏ). Johnston không lập gia đình và không có con, vì thế Johnston coi Phổ Nghi như con của mình, và đã dạy dỗ Phổ Nghi mau chóng trở thành một thiếu niên trưởng thành. Về phần Phổ Nghi vốn là một đứa trẻ phải sống cô đơn giữa một bầy thái giám xa lạ, không được hưởng tình yêu gia đình, nên rất cần có một tình yêu phụ tử và sự hướng dẫn của một người có kinh nghiệm và thực tình yêu thương mình như Johnston. Vì thế tình cảm nảy nở giữa Phổ Nghi và Johnston là một điều tất yếu phải xảy ra.
Tuy nhiên sự giáo dục của Johnston cho Phổ Nghi đã trở thành một sự giáo dục hai chiều. Như Khổng Tử đã từng nói rằng Trung Hoa sẽ không bao giờ bị chinh phục, vì kẻ chinh phục được Trung Hoa rồi cũng sẽ trở thành người Trung Hoa. Trường hợp Johnston cũng vậy. Johnston đến để dạy Phổ Nghi, nhưng cuối cùng Johnston cũng say mê và học được văn hoá Trung Hoa. Johnston đã đam mê văn hoá và ngôn ngữ Trung Hoa, vì cái đẹp của chữ viết Trung Hoa và âm thanh rất thích hợp cho thơ văn. Chỉ ở trong Cấm Thành vài tháng, Johnston càng ngày càng trở nên giống những vị sư phụ khác của Phổ Nghi. Johnston đã học cách dùng những lời nói trang trọng đặc Trung Hoa để nói với Phổ Nghi. Johnston đã nhiễm phải lối sống của người Trung Hoa, và bị văn hoá Trung Hoa chinh phục một phần nào.
Trong suốt hai mươi tám năm sống tại Trung Hoa, Johnston chỉ trở về thăm Châu Âu hai lần. Ông đã thuộc làu lịch sử Trung Hoa, rất quen thuộc các nơi danh lam thắng cảnh của Trung Hoa vì ông đã đi du lịch khắp nước, ông hiểu biết rất sâu xa về đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật; ông cũng là một tay sính thơ phú Trung Hoa; một người rất rành về trà và đọc rất nhiều cổ văn. Phổ Nghi rất ngạc nhiên và thán phục Johnston, và nói: “Tôi không biết ông ta đọc được bao nhiêu cổ thư, nhưng tôi nhớ là ông ta thường lúc lắc đầu khi ngâm thơ Đường giống như một thầy đồ người Trung Hoa, giọng của ông cũng lên bổng xuồng trầm và có khi ngừng bặt.”
Khi Phổ Nghi ban cho Johnston một chiếc nón của một quan chức cực phẩm để tỏ lòng biết ơn Johnston, thì Johnston đã mặc quần áo Mãn Châu trong buổi lễ trao tặng chiếc nón ấy. Khi triều đình thuê một biệt thự cho Johnston ở, thì ông đã trang hoàng căn biệt thự như là tư thất của một người thuộc triều đại Mãn Thanh: trước cửa có treo những hàng đại tự kể những đặc quyền do triều đình nhà Thanh ban thưởng. Mỗi khi được Phổ Nghi ban thường một ân sủng gì, Johnston thường viết thơ phú hoặc văn bài dâng lên cho Phổ Nghi, ca tụng lòng đại lượng của vị tiểu hoàng đế.
Tuy nhiên dù sao Johnston cũng là một sản phẩm của Tây phương, dù ông yêu thích Trung Hoa và văn hoá Trung Hoa đến thế nào. Chính ông đã được Anh Hoàng đệ ngũ ban tước “Sir,” nhưng ông vốn ưa thích một chế độ dân chủ. Ông rất thích đọc sách của Mạnh Tử, một triết gia chủ trương dân chủ (dân vi quý) của Trung Hoa. Johnston đã giảng dạy các lý thuyết chính trị của Mạnh Tử cho Phổ Nghi. Sách Anh ngữ của Phổ Nghi đầy những câu nói của Mạnh Tử, chẳng hạn như: Mạnh Tử viết: “Yếu tố quan trọng nhất của một quốc gia là người dân, thứ mới tới thần linh và cuối cùng mới tới vua.” Như vậy Johnston chuẩn bị cho Phổ Nghi trở lại ngai vàng, không phải với tư cách một ông vua có quyền tuyệt đối, mà chỉ là một ông vua trong thể chế quân chủ lập hiến như Anh Quốc.
Johnston càng yêu thích đời sống Trung Hoa bao nhiêu thì ông lại càng muốn canh cải đời sống ấy bấy nhiêu. Sự tương phản trong lòng Johnston được bộc lộ rõ ràng trong một báo cáo của ông gửi cho Bộ Ngoại Giao Anh Quốc. Ông đã thẳng thắn bày tỏ một sự báo động về những nguy hiểm luân lý mà ông vua trẻ sẽ phải đương đầu, như ảnh hưởng nặng nề của thái giám, viễn ảnh Phổ Nghi sẽ trở lại với chế độ tam cung lục viện, và sự cô lập tuyệt đối của Cấm Thành đối với thế giới thực sự bên ngoài. Johnston viết trong bản báo cáo:
“Mặc dầu Phổ Nghi chưa có vẻ bị làm hư hỏng bởi những sự điên rồ chung quanh, tôi sợ rằng không có hy vọng nhà vua sẽ không nhiễm phải những thứ đó trong những nguy cơ về luân lý trong vài năm sắp tới đây – cái giai đoạn cực kỳ quan trọng trong những năm niên thiếu – trừ phi nhà vua phải được lôi ra khỏi ảnh hưởng của bầy thái giám và các viên chức vô dụng mà lúc nào cũng quây quần chung quanh nhà vua.”
Johnston cũng chủ trương phải tái lập lại triều đại nhà Thanh. Johnston đã giảng cho Phổ Nghi: “Người ta có thể nhìn thấy rõ ràng trên các báo chí rằng người Trung Hoa đang nghĩ tới một triều đại, và mọi người đều chán nản chế độ cộng hoà rồi. Tôi nghĩ rằng hoàng thượng không cần phải lo lắng về các chính trị gia cộng hoà hoặc các sứ quân. Sư phụ Trần Bảo Châu rất có lý khi nói rằng, điều quan trọng nhất của hoàng thượng hiện nay là trau dồi tài đức của mình.”
Trong lúc Trung Hoa đang bị xâu xé bởi các xáo trộn, nội chiến, cướp bóc và nạn đói thì bên trong Cấm Thành, Johnston tìm thấy một mảnh đất Trung Hoa ít nhất đã có một bộ mặt ổn định và trang nghiêm, một căn cứ từ nguyên thủy trong đó các lễ nghi và lối sống của một quá khứ đang biến dần, nhưng vẫn còn là một phần của nếp sống hàng ngày.
Trong tình trạng Trung Hoa lúc đó thì giai cấp nông dân chịu thiệt thòi nhất. Vào năm 1921, cứ mười người nông dân thì có chín người mù chữ và ngu đần như heo như chó. Thật là một tình trạng đáng thương hại. Họ không có một ý niệm gì về tự do, quyền lợi chính trị và chính phủ. Tất cả những điều họ biết là lo đóng thuế cho các sứ quân, và lo có được miếng ăn mỗi ngày. Một báo cáo của phái bộ Hoa Kỳ về Bộ Ngoại Giao đã viết: “Dưới chính thể cộng hoà, tham nhũng còn tệ hại hơn dưới triều đại Mãn Thanh.” Trong khi đó người dân vẫn hỏi nhau: “Bây giờ hoàng đế Tuyên Thống (niên hiệu của Phổ Nghi) ra sao?” “Bây giờ ai cai trị trong hoàng gia?” “Liệu thiên hạ có thái bình không, khi một con rồng thật sự ngồi trên ngai vàng?” Ngay cả những người trước kia cực lực chống đối nhà Thanh nhất cũng bất mãn với chính thể cộng hoà. Mọi người đã bị thương tổn quá nhiều vì chế độ sứ quân.
Một tờ báo lớn ở Thiên Tân làm một cuộc điều tra về sự bất mãn của quần chúng đã viết: “Một kết luận duy nhất từ chế độ cộng hoà này là Trung Hoa đã được đem thí nghiệm, và thấy rằng chế độ này không đúng. Giới thương gia và giới sĩ phu vốn là nòng cốt của xã hội, đã mệt mỏi vì nền chính trị hiện nay, và chúng tôi tin chắc rằng họ sẽ nồng nhiệt ủng hộ bất cứ một chính phủ nào có thể tạo được hoà bình.”
Lúc đó Phổ Nghi đã mười lăm tuổi, người mảnh khảnh và lúc nào cũng đeo kính. Phổ Nghi cũng rất nhạy cảm với tình hình có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Phổ Nghi không tin rằng quần chúng muốn phục hồi nhà Thanh như là họ đã chán ngấy chế độ sứ quân. Trước cảnh ngộ ấy, Phổ Nghi cảm thấy ngột ngạt trong đời sống cầm tù giữa Cấm Thành, và thù ghét những bức tường cao vây quanh. Thuần Thân Vương, Trần Bảo Châu, Johnston, các mẫu hậu, thái giám và các quan được tự do đi ra vào Cấm Thành. Chỉ mình Phổ Nghi không được ra khỏi Cấm Thành như họ. Phổ Nghi thường trèo lên mái các lâu đài cao nhất để nhìn một cách thèm khát ra thế giới bên ngoài, và thù ghét Cấm Thành như một nhà tù. Hơn nữa những điều Johnston kể về thế giới bao la đã làm Phổ Nghi thèm thuồng một cuộc ra đi, tìm một chân trời rộng mở bên ngoài. Vì thế Phổ Nghi đã cùng người em là Phổ Kiệt tổ chức một cuộc trốn khỏi Cấm Thành, một cái nhà tù vàng son đã cầm giữ Phổ Nghi trên mười năm trời.
Phổ Kiệt được tự do đi ra vào Cấm Thành, nhưng lúc nào cũng nhớ rằng anh mình đã được Trời chọn làm chúa tể giòng giống người Mãn Châu. Bước đầu của kế hoạch bỏ trốn là phải lo có đủ tiền. Giống như những thái giám tham nhũng chung quanh, Phổ Nghi lén lấy các đồ quý giá như thiếp tự, hoạ phẩm, sách quý đưa cho Phổ Kiệt dấu trong quần áo đem ra ngoài. Khi có được đủ tiền rồi, hai anh em hối lộ các lính canh cổng để mặc hai người được đi ra khi có cơ hội.
Trong đêm bỏ trốn, khi hai anh em vừa ra khỏi cổng nơi Phổ Nghi ở, thì được biết rằng toàn thể khu vực Tử Cấm Thành đã bị bao vây. Tất cả các cổng bên trong cũng như bên ngoài bị đóng lại cẩn thận. Các lính cấm vệ tuần hành nghiêm mật toàn thể khu vực. Thực ra các lính gác được mua chuộc hối lộ, đã phản lại Phổ Nghi. Bây giờ Phổ Nghi nhận chân rằng dù thế giới bên ngoài coi mình là một thiên tử, nhưng thực tế mình chỉ là một tên tù của các lực lượng lịch sử. Thất bại trong cuộc bỏ trốn, Phổ Nghi càng trở nên tuyệt vọng và chán nản cảnh sống chung quanh. Thuần Thân Vương và các thái hậu giải thích sự chán nản của Phổ Nghi như là dấu hiệu của sự thay đổi sinh lý, thay đổi từ tuổi ngây thơ sang tuổi dậy thì. Lập tức họ tìm một giải pháp chữa bệnh cho Phổ Nghi: tìm vợ cho Hoàng Đế cuối cùng.