Phổ Nghi chỉ sai Hồ Tế Nguyên sang Đông Kinh tìm cách nghe ngóng và mua chuộc giới có thẩm quyền tại Nhật. Sau một thời gian ngắn Hồ Tế Nguyên báo hỷ tín về. Đông Kinh càng ngày càng ngả sang việc thành lập một nước quân chủ tại Mãn Châu, và có thiện cảm với Phổ Nghi và không hài lòng về thái độ của Tướng Honjo. Lý do chính là người Nhật thấy cần phải lấy được lòng của người Mông Cổ và người Mãn Châu để ngăn chặn công cuộc kháng chiến chống Nhật của người Trung Hoa đang có triển vọng bành trướng. Người Mông Cổ và Mãn Châu lo rằng Phổ Nghi chỉ được giữ chức Quốc trưởng và rất dễ bị người Nhật cách chức, một khi người Nhật muốn sát nhập Mãn Châu vào Nhật Bản. Hơn nữa Quân Đoàn Quan Đông rất cần Mông Cổ và Mãn Châu làm thành một hậu phương an toàn khi tiến quân xuống phía nam Vạn Lý Trường Thành.
Phổ Nghi quyết định chờ đợi tân tư lệnh Quân Đoàn Quan Đông là Tướng Nobuyoshi Muto tới và sẽ đích thân trình bầy các yêu sách của mình. Ngày 15 tháng 9 Phổ Nghi tới gặp Muto để chứng kiến Muto và Trịnh Thiếu Tự ký kết một thỏa hiệp giữa Nhật Bản và Mãn Châu về các điều khoản đã được thương thảo bí mật giữa Trịnh Thiếu Tự và Honjo. Muto là một viên tướng già nổi tiếng từ thời đệ nhất thế chiến, khi dẫn quân Nhật chiếm đóng Tây Bá Lợi Á của Nga Sô. Bây giờ Muto đảm nhiệm ba chức vụ: tư lệnh Quân Đoàn Quan Đông, đại sứ tại Mãn Châu, và đảm trách quyền tối cao về dân sự hành chánh tại Mãn Châu. Ngay sau khi tới Mãn Châu, Muto được phong chức Thống Chế và thực sự là một vị hoàng đế tại Mãn Châu. Các báo chí Nhật gọi Muto là “Thần Hộ Vệ Mãn Châu” và quả thực viên tướng già 65 tuổi, đầu bạc trắng đó nắm tất cả quyền sinh sát tại Mãn Châu.
Khi gặp Phổ Nghi, Muto kính cẩn cúi chào và Phổ Nghi cảm thấy như được trời đoái thương lại. Sau khi nghe Phổ Nghi trình bầy các yêu sách phục hồi nhà Thanh, Muto rất lễ phép trả lời, “Tôi sẽ chuyển về Đông Kinh quan điểm của Ngài để được cứu xét cẩn thận.”
Nhưng Phổ Nghi chờ đợi mãi vẫn chưa được một sự trả lời rõ ràng chắc chắn. Mỗi tháng Phổ Nghi sẽ họp với Muto ba lần, và mỗi lần họp, Phổ Nghi đều nhắc đến yêu sách của mình thì chỉ được Muto mỉm cười lễ phép trả lời, “Thưa Ngài, đề nghị của Ngài vẫn còn đang được nghiên cứu.” Sau ba lần hỏi như thế, Phổ Nghi không còn can đảm hỏi thêm nữa. Trong các buổi họp từ đó cho tới lúc Muto từ trần vào tháng bảy năm 1933, Phổ Nghi chỉ bàn thảo với Muto về Phật Giáo, Khổng Giáo và tinh hữu nghị giữa hai nước mà thôi, chứ không đề cập tới một vấn đề nào thiết thực cả.
Rồi trong một buổi họp thường lệ trước khi Phổ Nghi giữ chức Quốc Trưởng được một năm, Muto bất ngờ nêu vấn đề phục hồi ngai vàng và hoàng đế. Muto giải thích rằng Nhật Bản đã phân tích các vấn đề của Mãn Châu Quốc, và ngay khi nào thời cơ thuận tiện sẽ tái lập chế độ quân chủ tại Mãn Châu. Rồi ngày 27 tháng 3 năm 1933, Nhật Bản rút lui khỏi Hội Quốc Liên để tự do hành động. Trong lúc quân Nhật bao vây Bắc Kinh và Thiên Tân, và chính phủ Nam Kinh của Tướng Giới Thạch còn mải lo tấn công quân cộng sản nên đã phải ký Thỏa Hiệp Tangku với Nhật Bản, xác định khu vực phía nam Vạn Lý Trường Thành và miền đông Hà Bắc là vùng phi quân sự, và quân Trung hoa phải rút lui khỏi vùng này. Thỏa Hiệp Tangku đã cho phép người Nhật bành trướng ảnh hưởng khắp vùng Hoa Bắc.
Trịnh Thiếu Tự giải thích rằng sự xâm chiếm vũ trang của Nhật Bản tại Hoa Bắc và ngay cả Hoa Nam là điều không thể tránh được, và chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Chính vì thế hơn bao giờ hết, vấn đề Mãn Châu quốc trở thành một việc cấp thiết phải giải quyết ngay. Quyết định cuối cùng về Mãn Châu Quốc là do Đông Kinh chứ không phải là Quân Đoàn Quan Đông. Họ Trịnh nhấn mạnh rằng nhiều chính khách già của Nhật Bản đã đòi đưa Phổ Nghi lên ngôi hoàng đế, nên Phổ Nghi cần phải phái đại diện tới vận động tại Đông Kinh.
Người mà Phổ Nghi lựa chọn đi vận động tại Đông Kinh là một sĩ quan cảnh sát Nhật Tetsuaburo Kudo. Kudo đã từng đi theo Phổ Nghi từ Thiên Tân và luôn luôn tích cực ủng hộ Phổ Nghi. Lúc Phổ Nghi đang thất thế tại Lữ Thuận, Kudo không hành động như các người Nhật khác, và tỏ ra bất mãn với thái độ của Quân Đoàn Quan Đông. Một lần khi Phổ Nghi để ý thấy màu nước trà trong tách có vẻ kỳ dị, và sợ rằng có kẻ muốn đầu độc mình, và yêu cầu đem tách trà đó đi phân chất. Lập tức Kudo cầm lấy tách trà đó và uống hết một hơi. Kudo là người Nhật duy nhất vẫn gọi Phổ Nghi là “Hoàng Thượng,” và lòng trung thành của Kudo đối với Phổ Nghi không thua kém gì lòng trung thành của một cựu thần nhà Thanh. Phổ Nghi ban cho Kudo một tên Trung Hoa là “Trung” để xác nhận lòng trung thành của Kudo và coi Kudo như là một người trong gia đình.
Khi từ Nhật trở về, Kudo báo cáo cho Phổ Nghi biết Kudo đã gặp bộ trưởng Quân Lực cũng như các lãnh tụ của đảng Hắc Long, và được biết các giới chức quân sự nghiêng về giải pháp tái lập chế độ quân chủ tại Mãn Châu. Phổ Nghi rất đỗi hoan hỉ và tin rằng ngày lên ngai vàng lần thứ ba sắp tới rồi. Tháng 10 năm 1933, ba tháng sau cái chết của Muto, bản báo cáo của Kudo được xác nhận là đúng. Tân tư lệnh quân Đoàn Quan Đông là Tướng Hishikari báo cho Phổ Nghi biết, chính phủ Nhật coi Phổ Nghi là Hoàng Đế của Mãn Châu Quốc. Chính phủ Nhật bằng lòng thành lập một nước quân chủ Mãn Châu, nhưng không chấp nhận phục hồi nhà Thanh. Đúng ra Phổ Nghi vẫn được tiếp tục đóng vai trò bù nhìn, và Nhật Bản vẫn tiếp tục giật giây.
Ngay khi nhận được tin này, Phổ Nghi cực kỳ hoan hỉ tưởng chừng có hàng triệu bông hoa trong lòng bừng nở cùng một lúc. Điều đầu tiên Phổ Nghi nghĩ tới là sai người về Bắc Kinh để lấy chiếc áo long bào của vua Quang Tự, mà bà thứ phi Long Hội vẫn cẩn thận bí mật gìn giữ từ hai mươi hai năm qua, kể từ lúc vua nhà Thanh phải thoái vị năm 1912. Khi áo long bào thêu những con rồng năm vuốt được mang tới Tân Kinh, Phổ Nghi vô cùng xúc động thèm muốn được mặc ngay. Trong suốt bao nhiêu năm, từ ngày thoái vị, lúc nào Phổ Nghi cũng mơ ước có ngày được mặc lại chiếc áo long bào của một thiên tử. Nhưng Phổ Nghi bỗng vô cùng thất vọng khi Quân Đoàn Quan Đông báo cho Phổ Nghi biết thêm rằng, vì Nhật Bản chỉ công nhận Phổ Nghi là Hoàng Đế Mãn Châu Quốc chứ không phải là hoàng đế nhà Đại thanh, nên Phổ Nghi không được mặc các áo long bào của nhà Đại Thanh trong ngày lễ đăng quang. Phổ Nghi còn được dặn phải mặc một bộ quân phục thống chế của cả Hải Lục Không quân Mãn Châu.
Phổ Nghi hoang mang hỏi Trịnh Thiếu Tự, “Mặc như thế làm sao được? Ta là con cháu của gia tộc Aisin-Gioro. Làm sao ta có thể quên được những lề luật của tổ tiên? Tất cả giới quý tộc Mãn Châu từ Bắc Kinh sẽ tới đây dự lễ lên ngôi Cửu Ngũ của ta. Ta sẽ như thế nào nếu ta mặc một bộ quân phục khi ta bước lên ngai vàng?”
Trịnh Thiếu Tự nhìn chiếc áo long bào trên bàn và gật đầu tán đồng, “Điều thắc mắc của Hoàng Thượng thực là đúng. Hoàng Thượng nói rất chí lý, nhưng Quân Đoàn Quan Đông sẽ nghĩ sao?”
“Người hãy đi điều đình cho ta.”
Sau khi Trịnh Thiếu Tự đi rồi, Phổ Nghi không lúc nào rời mắt khỏi chiếc áo long bào tôn quý nằm trên bàn. Trong suốt hơn hai mươi năm, từ ngày bị Phùng Ngọc Tường trục xuất khỏi Cấm Thành, thứ phi Long Hội của vua Quang Tự đã cẩn thận giữ gìn chiếc áo long bào này như là một nghĩa vụ thiêng liêng của cuộc đời còn lại của bà, và coi chiếc áo như là một kho tàng vô giá. Tâm hồn Phổ Nghi bỗng dâng tràn xúc cảm. Chiếc long bào này đã từng được vua Khang Hy mặc. Đây quả thực là chiếc long bào đích thực của một hoàng đế, chiếc áo mà Phổ Nghi đã từng ao ước được mặc trong suốt hai mươi hai năm. Phổ Nghi lẩm bẩm: “Nếu ta được mặc chiếc áo này khi lên ngôi thì quả thực là một cuộc phục hồi nhà Đại Thanh…”
Khi Trịnh Thiếu Tự trở về và báo cáo rằng Quân Đoàn Quan Đông nhấn mạnh rằng Phổ Nghi phải mặc quân phục thống chế trong ngày lên ngôi, thì Phổ Nghi hỏi, “Ngươi có thực đi thương thuyết cho ta không?”
Trịnh Thiếu Tự vội trả lời, “Kẻ nô tài này đâu dám trái lệnh thánh thượng. Nhưng quyết định này do chính Itagaki đích thân nói với kẻ nô tài.”
Phổ Nghi phẫn nộ la lên, “Không thể thế được. Trước khi ta lên ngôi, ta phải làm lễ tạ Hoàng Thiên. Ngươi có ý muốn ta khấu đầu trước Hoàng thiên trong bộ quân phục thống chế phải không?”
“Kẻ nô tài sẽ trở lại trình bầy với Itagaki.”
Lần này Quân Đoàn Quan Đông bằng lòng cho Phổ Nghi mặc áo long bào trong lúc làm lễ tạ Hoàng Thiên.
Sáng sớm ngày 1 tháng 3 năm 1934, khi những cánh đồng Mãn Châu còn lạnh cứng trong băng tuyết, Phổ Nghi mặc phẩm phục hoàng đế nhà Đại Thanh, làm lễ tế Trời Đất tại làng Hạnh Đào bên ngoài Tân Kinh, trước một chiếc bàn thờ cao bằng đất mới đắp lên. Phổ Nghi kính cẩn nâng cao một lá bùa bằng ngọc, một mũi tên bằng lụa màu vàng, và ba chén rượu. Sau đó ngọc tỷ được dâng cho Phổ Nghi. Đây là ngọc tỷ thứ ba Phổ Nghi đã nhận được trong vòng hai mươi tám năm kể từ lúc sinh ra, cùng với tám tấm ngọc của triều đình Mãn Châu. Ngọc tỷ mới xác nhận vai trò hoàng đế của Phổ Nghi. Phổ Nghi lẩm nhẩm lời cầu nguyện sự phù trợ của các tiên đế trong lúc một nhà sư giết một con trâu trắng làm của tế lễ. Một ngọn khói nhỏ và cao vút lên không trung, tượng trưng cho sự truyền đạt lời cầu nguyện của Phổ Nghi với linh hồn của các tiên đế và tiền nhân. Cuối cùng Phổ Nghi trịnh trọng tuyên cáo niên hiệu mới là Khang Đức.
Sau đó khi trở về thành phố, Phổ Nghi thay y phục mặc một bộ quân phục thống chế, và dự lễ lên ngai vàng của hoàng đế Mãn Châu. Nghi lễ đăng quang của Phổ Nghi tiến hành trong toà Dinh Thự Siêng Năng Vì Dân. Sàn nhà trải một thứ thảm mầu đỏ tía và một căn phòng về phía Bắc có đặt một cái ghế khắc huy hiệu hoa lan của hoàng gia, đặt trước một tấm vải màn làm bằng lụa. Phổ Nghi đứng trước cái ghế tượng trưng cho ngai vàng ấy, hai bên là các viên chức cao cấp, cả Nhật lẫn Mãn Châu. Các viên chức hành chánh và quân sự do Trịnh Thiếu Tự dẫn đầu tiến lên, đứng trước mặt Phổ Nghi và kính cẩn cúi lậy thật thấp ba lần. Phổ Nghi khẽ nghiêng mình đáp lễ. Rồi tướng Hishikari, tư lệnh Quân Đoàn Quan Đông kiêm nhiệm đại sứ Nhật tại Mãn Châu, tiến lên trình ủy nhiệm thư. Sau nghi lễ, các hoàng thân và các nhà quý tộc thuộc gia tộc Aisin-Gioro đến đông đủ từ Bắc Kinh, và một số cựu thần trong Cấm Thành ngày trước làm lễ khấu đầu theo đúng truyền thống nhà Thanh, bằng cách quỳ gối ba lần và khấu đầu chín lần, trong khi Phổ Nghi ngồi trên ngai vàng. Như vậy giấc mộng lớn trở lại ngôi vị hoàng đế của Phổ Nghi đã thành sự thực.
Nhiều cựu thần sống bên trong Vạn Lý Trường Thành cũng làm sớ ca ngợi việc lên ngôi của Phổ Nghi, và tên trùm giới anh chị tại Thượng Hải cũng tự nhận là một thần dân trung thành của Phổ Nghi. Ngày 6 tháng 6, hoàng thân Chibubu, em ruột của Nhật Hoàng Hirohito, tới Mãn Châu chào mừng Phổ Nghi thay mặt cho Nhật Hoàng. Hoàng thân Chibubu trao tặng Phổ Nghi một huy hiệu Hoa Cúc, biểu tượng của hoàng gia Nhật, và tặng Đoan Dung tước hiệu Hoàng Hậu.
Đến tháng bảy, Thuần Thân Vương, thân phụ của Phổ Nghi, cùng các con tới Tân Kinh thăm Phổ Nghi. Khi gia đình Phổ Nghi tới nơi, Phổ Nghi sai một toán quan cùng với lính cấm vệ của hoàng gia ra tận nhà ga chào đón. Đoan Dung và Phổ Nghi đứng chờ sẵn bên ngoài dinh, Uyển Dung mặc quần áo hoàng hậu Mãn Châu trong khi Phổ Nghi bận phẩm phục thống chế, trên ngực đeo ba hàng huy chương, một hàng là huy chương của Nhật, một hàng là huy chương Mãn Châu Quốc và hàng thứ ba là các huy hiệu cũ của nhà Đại Thanh. Phổ Nghi không bao giờ dám đeo các huy hiệu cũ của nhà Thanh trước mặt người Nhật, nhưng trong lòng Phổ Nghi thì chỉ những huy hiệu ấy mới thực xứng đáng yêu quý, xứng đáng đeo trên người.
Khi xe hơi chở Thuần Thân Vương tới, Phổ Nghi đứng nghiêm và chào theo nghi lễ nhà binh, trong khi Đoan Dung quỳ gối theo nghi lễ Mãn Châu. Rồi Phổ Nghi dẫn Thuần Thân Vương vào phòng khách trước khi cởi bỏ bộ quân phục, và kính cẩn quỳ lạy Thuần Thân Vương theo cung cách của người Mãn Châu, để tỏ lòng tôn kính đấng sinh thành. Tối hôm đó Phổ Nghi mở một đại tiệc, đồ ăn và nghi lễ Tây Phương. Khi Phổ Nghi bước vào phòng tiệc, ban quân nhạc trổ nhạc chào mừng, khí thế rất là oai nghi.
Phổ Nghi sắp đặt cho người em là Phổ Kiệt đứng dậy vào lúc uống rượu sâm banh, nâng cao ly và hô lớn tiếng: “Vạn vạn tuế Thánh Thượng, Vạn vạn tuế, Vạn vạn tuế!” Tất cả hoàng gia đều tham dự việc nâng ly cầu chúc này. Khi những tiếng hô “Vạn Vạn Tuế” vang lên, Phổ Nghi cảm thấy tâm hồn bừng bừng dâng tới tận mây xanh.
Ngày hôm sau, một viên chức cao cấp của bộ tư lệnh Quân Đoàn Quan Đông phản đối việc cho quân đội Mãn Châu tới nhà ga đón thuần Thân Vương là một vi phạm thỏa hiệp với Nhật Bản. Theo một thỏa hiệp đã ký thì các vùng đất dọc theo đường xe lửa thuộc về người Nhật và không một ai được đem vũ khí vào khu vực này, trừ quân Nhật. Quân Đoàn Quan Đông muốn có một sự bảo đảm rằng những hành động tương tự sẽ không tái diễn nữa.
Đáng lẽ biến cố này cũng đủ khiến cho Phổ Nghi tỉnh giấc mộng làm một hoàng đế trên giấy tờ như thế, nhưng ít ra trong trường hợp này người Nhật chứng tỏ lịch sự với Phổ Nghi bằng cách không phản đối công khai để giữ thể diện cho Phổ Nghi. Sau khi Phổ Nghi sai người tới xin lỗi và hứa không làm như vậy nữa thì Quân Đoàn Quan Đông không nói gì thêm nữa.
Vinh quang của Phổ Nghi lên tới cực điểm khi được mời viếng thăm Nhật Bản vào thàng 4 năm 1935. Quân Đoàn Quan Đông tổ chức cuộc du hành cho Phổ Nghi sang cám ơn Nhật Hoàng, vì đã sai người em là hoàng thân Chibubu sang dự lễ đăng quang của mình. Phổ Nghi cũng muốn dùng cơ hội này để phát triển thêm tình thân hữu giữa Nhật Bản và Mãn Châu Quốc.
Chính phủ Nhật phái chiến hạm Hie Maru đón Phổ Nghi và nhiều chiến hạm khác hộ tống. Tại cửa Lữ Thuận, Phổ Nghi lên thăm ba khu trục hạm khác của Nhật đang đậu tại đây. Ngày thứ tư của cuộc hành trình, Phổ Nghi được chứng kiến sự điều động của bảy chục chiến hạm Nhật ngoài khơi. Khi tới Yokohama, Phổ Nghi được một trăm phi cơ bay thành đội hình ra chào đón. Phổ Nghi dùng xe lửa tới Đông Kinh và được Nhật hoàng Hirohito ra tận nhà ga đón, một cử chỉ thân thiện hiếm có của Nhật Hoàng.
Nhật Hoàng mở đại tiệc khoản đãi Phổ Nghi và cùng Phổ Nghi cưỡi ngữa sóng đôi đi duyệt binh, cũng như được dự một buổi lễ đặc biệt tại lăng thờ vua Minh Trị. Phổ Nghi cũng vào hoàng cung thăm Hirohito và thái hậu. Trong một cuộc đi dạo với thái hậu Nhật trong vườn ngự uyển, Phổ Nghi tỏ ra săn sóc thái hậu, và đã cầm tay giúp thái hậu bước lên một lối đi dốc. Ngày từ giã Nhật Bản, hoàng thân Chibubu thay mặt Hirohito ra tiễn Phổ Nghi tại nhà ga xe lửa.
Phổ Nghi rất phấn chấn lên tinh thần trước sự tiếp đãi nồng hậu của hoàng gia Nhật. Sau ngày được là quốc khách của Nhật Hoàng, Phổ Nghi dường như cảm thấy cuộc đời thực sự lên hương. Phổ Nghi lý luận rằng mình cũng ngang hàng với Nhật Hoàng Hirohito, và do đó nghĩ rằng địa vị của Mãn Châu Quốc cũng phải ngang hàng với Nhật Bản, và người Nhật phải đối xử với Phổ Nghi như đối với Nhật Hoàng vậy.
Như một con ong say mật không quan tâm đến thực tế chung quanh, Phổ Nghi cũng tự đầu độc bằng những ảo ảnh trong đầu. Ngay khi trở về Tân Kinh, Phổ Nghi cho gọi Tướng Minami, tân tư lệnh Quân Đoàn Quan Đông, vào hầu để cho biết cảm tưởng về cuộc du hành Nhật Bản. Ngày hôm sau Phổ Nghi tham dự lễ sinh nhật của Nhật Hoàng và ngày kế đó, ngày 30 tháng 4, Phổ Nghi triệu tập tất các nhân viên cao cấp, cả Nhật Bản và Mãn Châu, tại tân Kinh để nghe Phổ Nghi nói về chuyến công du Nhật Bản vừa qua.
Trong lúc Phổ Nghi chưa hết cơn say men chiến thắng thì được tin Quân Đoàn Quan Đông muốn thay đổi nhân sự trong chính phủ của Mãn Châu. Người Nhật muốn thay thế Trịnh Thiếu Tự. Phổ Nghi cũng đang muốn loại bỏ Trịnh Thiếu Tự nên lập tức đồng ý ngay, và đề nghị cử tổng đốc Phụng Thiên là Tăng Thất Vi thay thế Trịnh Thiếu Tự. Phổ Nghi tưởng rằng Tướng Minami vừa nghe nói về tình thân hữu giữa Nhật Hoàng và hoàng đế Mãn Châu, thì sẽ đồng ý với Phổ Nghi về việc bổ nhiệm họ Tăng ngay. Nhưng Phổ Nghi vô cùng kinh ngạc khi đụng phải một bức tường bằng đá trước mặt.
Tướng Minami lắc đầu và trả lời, “Không Quân Đoàn Quan Đông đã chọn một người thích hợp hơn. Hoàng Thượng không cần phải lo ngại về việc này. Tốt hơn là cho Trương Thanh Hải thay thế Trịnh Thiếu Tự.” Trương Thanh Hải hiện là bộ trưởng quốc phòng trong nội các của Trịnh Thiếu Tự. Trước kia, Trương Thanh Hải là nhân vật quan trọng thứ hai tại Phụng Thiên, chỉ đứng sau Trương Tác Lâm mà thôi.
Lý do Trịnh Thiếu Tự bị thay thế là vì trước đó ít lâu, họ Trịnh bầy tỏ sự bực mình với người Nhật, và tuyên bố rằng Mãn Châu Quốc không còn là một đứa trẻ nữa, và hãy để Mãn Châu được tự do hành động. Lời nhận xét này hiển nhiên đã làm phật lòng người Nhật và bị người Nhật loại ra ngoài chính quyền. Trịnh Thiếu Tự không được phép rút tiền của mình ra khỏi ngân hàng và bắt buộc phải đi khỏi Tân Kinh. Dưới sự canh chừng nghiêm ngặt của người Nhật, Trịnh Thiếu Tự chỉ được hành nghề viết bút thiếp hoặc làm thơ tại nhà. Ba năm sau họ Trịnh chết trong bất mãn. Người con trai của Trịnh Thiếu Tự cũng bị chết bất đắc kỳ tử. Người ta đồn rằng cả hai cha con đều bị người Nhật bí mật hãm hại. Số phận của những người trót bán linh hồn cho ma quỷ thường chấm dứt một cách thê thảm như vậy, mặc dù trước kia đã lập được công lớn cho ma quỷ.
Đáng lẽ ra cái kết cuộc thê thảm của cha con Trịnh Thiếu Tự cũng đủ cảnh tỉnh Phổ Nghi khỏi giấc mơ phục hồi cơ nghiệp nhà Đại Thanh. Thế mà cũng phải hơn một năm sau Phổ Nghi mới nhận chân được địa vị đích thực của mình.