Mặc dầu người Nhật và các vị sư phó cho Phổ Nghi biết vì Quốc Dân Đảng đang mở những cuộc đại thanh trừng cộng sản nên sự nguy hiểm nhắm vào Phổ Nghi đã giảm bớt, nhưng dầu vậy Phổ Nghi vẫn còn nguy hiểm vì địch thủ của Phổ Nghi đang hoạt động khắp nơi. Nhưng tin đó không làm cho Phổ Nghi lo sợ. Trái lại sự xúc động lớn nhất cho Phổ Nghi là tin một số lăng tẩm của các tiên đế nhà Thanh đã bị một sứ quân khai quật lên để tìm của.
Người Trung Hoa rất tin môn Địa Lý Phong Thủy, một nghệ thuật để đất chôn cất người chết. Người chết nếu được chỗ đất tốt và mồ yên mả đẹp thì con cháu mới khá và hiển đạt được. Bởi vậy trong các triều đại phong kiến thì mộ phần của người chết rất quan trọng, và nếu là mộ phần của vua chúa thì lại càng bội phần quan trọng. Người ta tin rằng lăng tẩm của vua chúa được yên và không bị đứt long mạch, thì ngai vàng của triều đại ấy mới giữ vững được.
Khi nhà Thanh mạt vận và đất nước bị chia xẻ bởi các sứ quân vốn là những tướng cướp tham lam, thì tất nhiên các lăng tẩm của các vua chúa nhà Thanh chứa nhiều báu vật, sẽ không tránh khỏi bị kẻ tham dòm ngó. Mùa hè năm 1928, người ta thấy một số ngọc ngà châu báu đặc biệt tại các tiệm bán đồ cổ tại Bắc Kinh. Một số báu vật này được nhận biết ngay là những báu vật đã chôn trong các lăng tẩm nhà Thanh tại Sơn Đông.
Trong lịch sử Trung Hoa, các lăng tẩm của vua chúa thường chôn giấu nhiều kho tàng và từng bị trộm cướp tàn phá để hôi của trong các triều đại sau. Đối với nhà Thanh thì cuộc sụp đổ năm 1912 không những là một sự sụp đổ của hệ thống quân chủ, mà còn là một sự sụp đổ của Khổng Giáo nữa. Đạo Khổng tạo ra một trật tự xã hội đã ngự trị tại Trung Hoa trong nhiều thế kỷ, và đặt cho Trung Hoa một nền tảng giá trị luân lý. Nhưng những sự xâm nhập ồ ạt của các quan niệm mới từ Tây Phương cùng với lý thuyết cộng sản, đã làm người Trung Hoa chóng mặt, và rơi vào một cuộc cách mạng văn hoá hủy diệt không kiềm chế được. Cuộc đập phá các lăng tẩm nhà Thanh không những chỉ vì lòng tham lam mà còn vì chính trị, và một sự trả thù nòi giống nữa. Những người khai quật lăng tẩm nhà Thanh không những lấy đi hết mọi báu vật chôn bên trong, mà còn phá hủy tất cả những di tích xây cất bên ngoài, mở tung quan tài và ném xương hoặc thây người chết ra ngoài. Đó chính là hành động của lòng thù hận.
Các lăng tẩm của vua chúa nhà Thanh đều đặt tại tỉnh Sơn Đông. Sứ quân Tôn Điền Dương tại Sơn Đông vốn là một tên cờ bạc, buôn thuốc phiện và làm nghề ăn cướp trước khi đầu hang, đi theo làm bộ hạ cho Tưởng Giới Thạch. Năm 1928, Tôn Điền Dương đem quân vào khu vực lăng tẩm để thực hiện một kế hoạch bí mật.
Trước hết Tôn Điền Dương ra thông báo cho dân chúng biết quân đội của y sẽ hành quân trong khu vực, và ngăn cấm mọi sự đi lại và thông tin với bên ngoài. Sau đó y sai một tiều đoàn công binh đào quật các ngôi mộ của vua Càn Long, Từ Hi thái hậu và của một số hoàng đế khác. Sau ba ngày ba đêm liên tiếp, tiều đoàn của y đã khai quật được kho tàng giấu trong mộ của Càn Long và Từ Hi thái hậu. Càn Long là một ông vua hoang phí nhất nhà Thanh, cũng hoang phí như thái hậu Từ Hi. Bên trong mộ của các vua chúa này được xây cất như sau:
Đường hầm dẫn vào những ngôi mộ của họ lát đá hoa trắng, xuyên qua bốn cái cổng được chạm trổ rất công phu bằng đá. Nơi để quan tài yên nghỉ của họ là một khuôn hình bát giác, trên vòm trần khắc chín con rồng bằng vàng lóng lánh. Khu vực yên nghỉ khá rộng, lớn bằng điện Trung Hoà trong Cấm Thành. Càn Long được chôn trong hai lần quan tài. Quan tài bên trong và bên ngoài được làm bằng một loại gỗ đặc biệt quý. Những báu vật trong hai ngôi mộ này gồm rất nhiều ngọc ngà châu báu cực kỳ quý giá và đắt tiền, ngoài ra còn có những hoạ phẩm, kiếm báu, sách quý, ngà voi và các tượng Phật. Các đồ quý làm bằng lụa và gấm thì chỉ một thời gian là bị mục rã.
Trong các lăng tẩm tại Sơn Đông của nhà Thanh chỉ có lăng của vua Khang Hy là được yên lành. Hai ông vua Khang Hy và Càn Long là những người đã có công nâng cao văn hóa Trung Hoa về văn chương, đồ gốm và hình thức nghệ khác đến mức đáng hãnh diện cho tới bây giờ. Khi quân sĩ đào lăng của Khang Hy và bẩy mở được cửa lăng thì bất chợt một khối nước mầu vàng khè, mầu vàng của hoàng gia nhà Thanh, từ bên trong tuôn tràn ra rất mạnh, đến nỗi quân sĩ sợ hãi quá phải bỏ chạy.
Tin các lăng tẩm của Càn Long và Từ Hi bị khai quật để lấy của đã gây cho Phổ Nghi một sự xúc động đau đớn hơn là khi bị đuổi khỏi Cấm Thành. Là một người tôn sùng đạo Khổng và đạo Phật như Phổ Nghi, được nuôi dưỡng trong niềm tin tôn thờ tổ tiên và lòng hiếu thảo, một người hàng ngày qùy dâng hương trước bài vị của các bậc tiên đế, thì đây là một xúc phạm không thể tha thứ. Cái gì cũng có thể tha thứ được, lăng mạ cá nhân, chê cười, hăm dọa ám sát, chiếm cướp tài sản hoặc xóa bỏ những lời giao ước, nhưng xâm phạm tới mồ mả của tổ tiên thì là một tội ác không bao giờ tha thứ được, và con cháu cũng không có quyền tha thứ.
Phổ Nghi phái một phái đoàn cựu thần nhà Thanh tới Sơn Đông điều tra. Tại các lăng tẩm bị tàn phá, các cựu thần qùy xuống khóc lóc đau đớn. Thân thể trần truồng của Từ Hi nằm ngay trên mặt quan tài, mái tóc vẫn còn đen nhánh, nhưng thân thể bầm tím và bộ mặt trông rất đáng sợ, vì mắt đã trở thành hai hố đen và da mặt co lại để lộ hai hàm răng nhô ra. Trong khi đó nhiều báo chí của chính thể cộng hòa ca ngợi việc khai quật lăng tẩm của vua chúa nhà Thanh là hành động “công bình của trời đất”, và hoan hô việc làm của Tôn Điền Dương là hành động “trả thù thiêng liêng cho những sự dã man tàn ác của nhà Thanh.”
Tất cả hoàng gia và các cựu thần nhà Thanh đều căm phẫn. Rất nhiều người đã lũ lượt kéo đến Trương Gia Viên để bầy tỏ niềm phẫn nộ và căm hận đối với Tưởng Giới Thạch. Họ cũng gửi tiền đến cho Phổ Nghi, để giúp trùng tu các lăng tẩm này. Các bài vị của Càn Long và Từ Hi được thiết lập ngay bên trong Trương Gia Viên; trước hai bài vị này, người ta trải chiếu và thắp hương để mọi người quỳ xuống cúng vái như là trong một buổi tang lễ thực sự. Mọi người quyết định các lễ cúng trước hai bài vị này sẽ được tiếp tục cho đến khi việc trùng tu hai lăng tẩm được hoàn tất.
Tên tướng Tôn Điền Dương gửi một số quý vật lấy được, làm quà tặng chia phần cho Tưởng Giới Thạch, và một số các viên ngọc thêu trên vương miện của Từ Hi thái hậu được dùng làm đồ trang sức trên mũi giày của Tống Mỹ Linh, vợ của Tưởng Giới Thạch. Khi nghe thấy tin xúc phạm như thế, Phổ Nghi thề trước đám người Mãn Châu đang khóc lóc:
“Nếu ta không trả được mối thù này thì ta sẽ không xứng đáng là người thuộc gia tộc Aisin-Gioro của nhà Đại Thanh. Chừng nào ta còn sống, nhà Đại Thanh sẽ không thể bị tiêu diệt.”
Phổ Nghi gửi một điện văn cho Tưởng Giới Thạch và yêu cầu trừng trị những kẻ xâm phạm các lăng tẩm, kể cả sứ quân Tôn Điền Dương. Tưởng liền cho mở một cuộc điều tra, nhưng cuối cùng cũng im luôn. Chính phủ cộng hoà cũng không gửi một lời phân ưu đến cho Phổ Nghi. Dĩ nhiên người ta biết rằng Tôn Điền Dương không bao giời dám tự ý làm một việc tầy trời như thế.
Kể từ đó Phổ Nghi rất khinh bỉ Tưởng Giới Thạch, và lòng ao ước phục hồi nhà Thanh và mối tuyết hận trả thù của Phổ Nghi lên tới một nồng độ mới. Phổ Nghi rất nóng lòng với sứ mệnh và đi tìm các danh sư về ngành bói toán để xem bao giờ khí số của Tưởng Giới Thạch mạt, và bao giời mình đạt được ước vọng. Những cuộc bói toán như thế rất thịnh hành vào thời đó tại Trung Hoa, và đem lại cho Phổ Nghi nhiều hy vọng phấn khởi, vì theo ý các danh sư bói toán thì khi số Tưởng Giới Thạch sẽ tàn vào năm 1932.
Johnston tuy đã chấm dứt nhiệm vụ làm sư phụ cho Phổ Nghi rồi, nhưng cũng vội tới Thiên Tân để bầy tỏ cảm tình với Phổ Nghi. Johnston đã phải kinh ngạc trước sự thay đổi của người học trò cũ. Chỉ qua một vài ngày Phổ Nghi đã già đi rất nhiều. Johnston kể lại, “Sự thay đổi trên khuôn mặt Phổ Nghi thực là rõ rệt, y như Phổ Nghi đang nói chuyện với linh hồn của các tổ tiên bị làm ô nhục, và hình như các linh hồn ấy khuyên Phổ Nghi hãy bỏ nước Trung Hoa, và quay trở về với miền đất tổ Mãn Châu, tại đó tổ tiên Phổ Nghi đã chinh phục Trung Hoa và thành lập nhà Đại Thanh gần ba trăm năm trước. Chỉ những ai hiểu lòng tôn thờ tổ tiên như người Trung Hoa và người Mãn Châu mới hiểu nổi nỗi đau đớn của Phổ Nghi.” Chính biến cố này đã thúc đẩy Phổ Nghi hăng hái tìm mọi phương tiện để trở về đất tổ, dù có phải dựa vào ngoại bang để thực hiện được ước vọng ấy.
Không ai nóng lòng báo thù và có tham vọng lớn mà chỉ ngồi không để chờ vận may đem tới. Căn cứ vào kinh nghiệm của Tưởng Giới Thạch đoạt được quyền hành, Phổ Nghi tin rằng muốn đạt được quyền hành thì phải có sức mạnh quân sự. Dù người ngoại quốc có muốn can thiệp giúp đỡ thì người ngoại quốc cũng sẽ chỉ chọn kẻ nào có quân dội, tức là có sức mạnh. Phổ Nghi nghĩ rằng nếu có quân đội trong tay thì người quốc sẽ chú trọng đến mình hơn là một tên tướng cướp hoặc một thống chế nào đó khởi đầu chỉ là một tướng cướp. Vì thế Phổ Nghi quyết định gởi một số người thân tín sang học tại một trường quân sự của Nhật. Phổ Nghi nghĩ rằng cử một số thân nhân xuất ngoại du học quan trọng hơn là chính mình ra đi.
Phổ Nghi chọn người em là Phổ Kiệt và người em rể là Long Chi cho nhiệm vụ này, và yêu cầu tổng lãnh sự Nhật tại Thiên Tân tìm một người dạy tiếng Nhật cho hai người em. Người Nhật được chọn để dạy tiếng Nhật cho Phổ Kiệt và Long Chi là Takeo Toyama, một đảng viên Hắc Long của Nhật. Takeo quen biết rất nhiều nhân vật chính trị Nhật. Sau khi dạy Phổ Kiệt và Long Chi một thời gian, Takeo trở về Nhật để thu xếp nơi ăn học cho hai người. Takeo trở về và cho biết mặc dầu hai người chưa vào được trường sĩ quan Nhật ngay, nhưng có thể tạm vào học tại một viện quân sự đặc biệt, dành cho con cái những nhà qúy tộc Nhật, và được sự bảo trợ của một trong những gia đình danh tiếng nhất của Nhật. Thế là hai vị “tướng quân tương lai” của Phổ Nghi lên đường sang Nhật cùng với Toyama vào tháng 3 năm 1929, bảy tháng sau vụ khai quật lăng tẩm của vua Càn Long và Từ Hi thái hậu.
Đến năm 1929 thì các cố vấn của Phổ Nghi tại Trương Gia Viên đều tin rằng giấc mộng khôi phục nhà Thanh không thể thực hiện được, nếu không có sự trợ giúp của người Nhật, và người Nhật dường như sẵn sàng giúp Phổ Nghi. Trong năm đầu tiên tại Thiên Tân, Phổ Nghi được viên tổng lãnh sự Nhật mời thăm viếng một trường tiểu học dành cho trẻ con Nhật. Các học sinh Nhật đứng sắp hàng hai bên đường, phất cờ để chào đón Phổ Nghi, và hô to khẩu hiệu: “Chào Mừng Đức Vạn Tuế.” Cảnh đó làm Phổ Nghi hết sức cảm động đến chảy nước mắt.
Khi cuộc chiến của các sứ quân lan tới gần Thiên Tân, thì các đơn vị ngoại quốc đóng tại Thiên Tân liên kết với nhau, và sẵn sàng chặn đánh quân Quốc Dân Đảng nếu quân Quốc Dân Đảng tới quá gần. Tuy nhiên chỉ một mình viên tư lệnh Nhật Bản thân đến thăm Phổ Nghi tại Trương Gia Viên và trấn an Phổ Nghi, “Xin hoàng thượng an tâm. Chúng tôi đã quyết định không cho binh sĩ Trung Hoa đặt chân vào tô giới này.” Vào dịp Tết và ngày sinh nhật của Phổ Nghi, viên tổng lãnh sự Nhật và các sĩ quan cao cấp Nhật Bản bao giờ cũng đến chúc mừng Phổ Nghi. Phổ Nghi cũng được mời đến tham dự buổi diễn hành của quân Nhật trong dịp lễ sinh nhật của Nhật Hoàng. Trong một cuộc diễn hành, viên tư lệnh cuộc diễn hành cưỡi ngựa tới trước mặt Phổ Nghi và cúi chào, và khi cuộc diễn hành chấm dứt, Phổ Nghi và các viên chức Trung Hoa cùng với người Nhật hô to: “Vạn Tuế Nhật Hoàng!”
Trong nhiều năm, các cấp chỉ huy Nhật thường tới tường trình tình hình cho Phổ Nghi, và họ làm công việc này rất chu đáo, đôi khi mang theo những sơ đồ được sửa soạn đặc biệt cho Phổ Nghi. Một trong những sĩ quan này là tướng Yoshioka. Về sau Yoshioka được bổ nhiệm làm tham mưu cho Phổ Nghi trong suốt mười năm Phổ Nghi làm hoàng đế Mãn Châu Quốc.
Những đề tài chính trong các buổi tường trình về tình hình này là về vấn đề nội chiến tại Trung Hoa. Họ thường kết luận các bản nghiên cứu của họ bằng lời nhận xét: “Nguyên do của sự hỗn loạn tại Trung Hoa là vì thiếu một con rồng siêu việt, một vị hoàng đế.” Họ thường bàn luận về sự ưu thắng của hệ thống hoàng gia Nhật Bản, và nói rằng chỉ có Tuyên Thống hoàng đế mới chinh phục được nhân tâm người Trung Hoa. Sự tham nhũng và sự bất lực của quân đội Trung Hoa là đề tài họ thích nói đến nhất. Họ thường so sánh quân đội Trung Hoa với quân đội hoàng gia Nhật.
Có một lần, Phổ Nghi đi dạo dọc bờ sông Bạch và trông thấy một chiến hạm Nhật đang bỏ neo tại đó. Không hiểu sao viên chiến hạm trưởng nhận biết được Phổ Nghi, và lập tức bước xuống tầu và kính cẩn mời Phổ Nghi lên chiến hạm chơi. Phổ Nghi được các sĩ quan trịnh trọng chào trên chiến hàm. Vì đây là một cuộc viếng thăm tình cờ và không có thông ngôn đi theo nên Phổ Nghi và viên hạm trưởng phải dùng bút đàm. Ít lâu sau, viên hạm trưởng cùng một số sĩ quan đến tận Trương Gia Viên thăm lại Phổ Nghi. Trong dịp này viên hạm tưởng xin một tấm hình chân dung của Phổ Nghi với chữ ký tặng và được toại nguyện. Đối với viên hạm trưởng thì đó là một vinh hạnh lớn.
Thoạt đầu Phổ Nghi coi người Nhật như là một thực thể duy nhất, kể từ tòa Đại Sứ Nhật tại Bắc Kinh cho đến tòa Tổng Lãnh Sự tại Thiên Tân, cũng như các sĩ quan cố vấn. Sở dĩ Phổ Nghi có ý nghĩ ấy là vì Phổ Nghi nhận xét tất cả người Nhật đều ra công “bảo vệ” Phổ Nghi và đối đãi với Phổ Nghi như là một vị hoàng đế. Tất cả người Nhật mà Phổ Nghi gặp đều khinh miệt nền cộng hòa Trung Hoa, và ca ngợi nhà Đại Thanh và bày tỏ lòng sẵn sàng giúp đỡ Phổ Nghi.
Nhưng một hôm, nhạc phụ của Phổ Nghi báo cho Phổ Nghi biết rằng các thân hữu của ông ta thông báo các tay hành thích của Phùng Ngọc Tường đã tới các tô giới của người Anh và người Pháp. Tình thế có vẻ khẩn trương khi một nhân viên an ninh của Phổ Nghi trông thấy một người rất khả nghi lảng vảng gần cổng chính của Trương Gia Viên, và dường như có ý định trèo vào bên trong. Phổ Nghi vội vã triệu tập nhân viên an ninh và ra lệnh cho họ yêu cầu cảnh sát Nhật phải tăng cường các sự phòng vệ tại cổng. Phổ Nghi cũng ra lệnh cho các quân canh tại cổng phải cẩn mật canh chừng những người lạ mặt bên ngoài cổng, và ban đêm không được cho ai được ra vào.
Một đêm, Phổ Nghi chợt thức giấc khi nghe tiếng súng bắn bên ngoài cửa sổ và sau đó là một loạt súng nổ. Phổ Nghi nhẩy vội xuống giường và ra lệnh cho lính canh phải tập họp lại, vì nghĩ rằng các tay thích khách của Phùng Ngọc Tường đã tới. Toàn thể Trương Gia Viên xao động và lính gác phải đứng canh khắp nơi. Cảnh sát tại cổng chuẩn bị chiến đấu, và các thám tử Nhật đóng tại Trương Gia Viên bắt đầu ra ngoài điều tra. Khi các thám tử Nhật bắt được người bắn phát súng đầu tiên, thì Phổ Nghi vô cùng kinh ngạc khi thấy người ấy là người Nhật.
Ngày hôm sau viên sĩ quan phụ trách an ninh báo cho Phổ Nghi biết người Nhật bị bắt đó tên là Kishida, và hắn là đảng viên của đảng Hắc Long. Khi hắn bị dẫn vào tổng hành dinh quân đội thì các cấp chỉ huy cao cấp Nhật vội tới đem hắn đi. Hiển nhiên là một số người Nhật đang tìm cách làm Phổ Nghi hoảng sợ và phải tìm cách nhờ người Nhật bảo vệ và trở thành lệ thuộc vào họ. Ngoài người Nhật dậy tiếng Nhật cho Phổ Kiệt và Long Chi, Phổ Nghi cũng có liên lạc với các nhân vật thuộc đảng Hắc Long nhiều quyền hành này. Năm 1925, theo sự thúc dục của Lỗ Chấn Du, Phổ Nghi đã gặp Nobuo Tsukuda, một đảng viên Hắc Long quan trọng. Lỗ Chấn Du cho Phổ Nghi biết nhiều nhân vật Nhật quyền thế kể cả trong quân đội, đang dự định giúp đỡ Phổ Nghi thực hiện được giấc mộng phục hồi nhà Thanh, và họ đã cử Tsukada tới tiếp xúc riêng với Phổ Nghi.
Hắc Long là một đảng lớn nhất ngoài chính quyền của Nhật. Kotaro Hirakao sáng lập đảng Hắc Long sau cuộc chiến tranh Pháp Nga năm 1883-1885 và là một đảng hoạt động tình báo lớn nhất tại Trung Hoa. Khởi đầu đảng bắt đầu hoạt động tại các tỉnh Phúc Châu, Chí Phủ và Thượng Hải và nấp dưới các tòa lãnh sự, trường học và tiệm chụp hình.
Đảng được gọi là Hắc Long để ám chỉ con sông Hắc Long Giang nằm giữa biên giới Trung Hoa và Nga Sô. Cái tên này bộc lộ mối quan tâm của người Nhật vào các lãnh thổ vùng Đông Bắc Trung Hoa. Đảng Hắc Long đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905 và số đảng viên lên tới hàng trăm ngàn và có một ngân sách chi tiêu rất lớn.
Mitsuru Toyama là một trong những đảng trưởng Hắc Long tài ba nhất, và dưới quyền lãnh đạo của Toyoma, đảng Hắc Long đã xâm nhập vào mọi tầng lớp trong xã hội Trung Hoa. Các đảng viên hoạt động tại khắp nơi: bên cạnh các quan lại và giới quý tộc nhà Thanh, giữa những người bán hàng rong và giai cấp đầy tớ, kể cả những người phục dịch bên trong Trương Gia Viên. Nhiều nhân vật danh tiếng Nhật Bản trong các thập niên hai mươi, và ba mươi từng là môn đệ của Toyama. Toyama là một Phật Tử. Ông có một bộ râu dài bạc như cước và một bộ mặt rất nhân từ. Không những thế Toyama là một người rất yêu thích hoa hồng và ít khi chịu rời khỏi vườn hồng lúc nào cũng ngát hương thơm của ông. Tuy vậy chính trong những lúc Toyama đứng giữa rừng hương, thưởng thức vẻ đẹp của hoa và khẽ vuốt chòm râu bạc, là lúc ông ra lệnh giết người, dự định những kế hoạch mật vụ khủng khiếp, và những vụ tắm máu cho mục đích bành trướng nước Nhật Bản.