Nhiều cựu thần nhà Thanh tìm gặp Phổ Nghi và dâng kế hoạch phục hưng. Một tổ chức của người Mãn Châu hoạt động mạnh mẽ tại cả trong nước và ngoại quốc, đông tới một trăm ngàn hội viên, tự nhận là đảng Quân Chủ Lập Hiến Trung Hoa. Tổ chức này có năm tờ báo. Các tin tức hoạt động của nhóm này được chuyển tới Phổ Nghi qua Johnston.
Về phần Phổ Nghi cũng cố giữ tên tuổi mình được nhắc nhở thường xuyên, bằng cách tham gia các công cuộc từ thiện trợ giúp các gia đình bần bách. Mỗi khi Phổ Nghi cho tiền bạc một gia đình nghèo nào thì các báo chí đều loan tin đầy đủ. Đôi khi một viên chức nhà Thanh thay mặt Phổ Nghi đem tặng vật đến cho người nghèo. Tài sản của Phổ Nghi thật là lớn lao, và chỉ cần một phần nhỏ, Phổ Nghi có thể làm được một chiến dịch quảng bá cho tên tuổi mình không bị quần chúng quên.
Một đầu tư lớn nhất của Phổ Nghi là sự trợ giúp nạn nhân động đất tại Nhật Bản. Ngày 3 tháng 9 năm 1923, một vụ động đất khủng khiếp xảy ra tại Đông Kinh, gây thiệt mạng cho trên 140 ngàn người. Trong nhiều tuần lễ, các tin tức về trận động đất xuất hiện liên tiếp trên trang nhất của báo chí thế giới. Sự đau khổ của dân Nhật làm cả thế giới xúc động, và Phổ Nghi không bỏ lỡ dịp phô bày lòng nhân từ của mình, bỏ ra một ngân khoản lớn giúp đỡ các nạn nhân Nhật Bản. Sư phụ Trần Bảo Châu đã ca ngợi lòng hảo tâm của Phổ Nghi như là “sự huy hoàng của lòng đại lượng của hoàng gia và lòng nhân đạo của thiên tử, mà hành động này còn có ảnh hưởng tốt cho tương lai.” Hiển nhiên người ta kỳ vọng người Nhật sẽ giúp đỡ khôi phục lại ngai vàng của nhà Thanh. Đúng ra lúc đó Phổ Nghi cũng không có sẵn tiền mặt. Nhà vua phải đem các đồ cổ, các họa phẩm và thiếp tự tặng Nhật Bản và bán được khoảng 300 ngàn đô la Mỹ. Chính phủ và Quốc Hội Nhật Bản rất xúc động và cử bộ trưởng Yoshizawa cầm đầu một phái đoàn sang cảm ơn Phổ Nghi.
Cuộc đời êm đềm của Phổ Nghi cứ thế lặng lẽ trôi qua cho đến ngày 5 tháng 11 năm 1924. Lúc đó các sự tranh chấp của các sứ quân miền Hoa Bắc đã lên đến mức tột đỉnh. Cuộc nội chiến giữa hai phái Trực Lệ và Phụng Thiên của Ngô Bội Phu và Trương Tác Lâm bùng nổ lần thứ hai. Thoạt đầu Ngô Bội Phu có vẻ thắng thế, nhưng khi Ngô Bội Phu mải tấn công vùng biên giới Mãn Châu của Trương Tác Lâm, thì bộ hạ của Ngô Bội Phu là Phùng Ngọc Tường làm phản. Phùng Ngọc Tường chỉ huy lộ quân thứ ba của Ngô Bội Phu, đã bí mật liên kết với Trương Tác Lâm, quay binh cùng Trương Tác Lâm đánh Ngô Bội Phu, khiến Ngô Bội Phu không chống nổi, quân của Ngô Bội Phu tan vỡ và họ Ngô phải vượt biển trốn xuống miền Nam. Hai năm sau Ngô Bội Phu quật khởi lại, và trở thành một sứ quân hùng mạnh tại miền Hoa Bắc.
Phùng Ngọc Tường là một trong những sứ quân nhiều màu sắc của thời kỳ sứ quân vô chính phủ này. Phùng Ngọc Tường theo đạo Thiên Chúa Giáo và thường được gọi là Thiên Chúa Giáo tướng quân. Họ Phùng bắt quân sĩ dưới quyền phải rửa tội vào đạo Thiên Chúa. Vì quân sĩ quá đông, họ Phùng phải dùng vòi nước để rửa tội cho quân sĩ, đôi khi họ Phùng bắt quân sĩ đứng sắp hàng bên bờ sông Hoàng Hà và chúi đầu xuống sông để rửa tội. Phùng Ngọc Tường đã từng đứng về phe Trực Lệ để giúp Ngô Bội Phu trong hai cuộc chiến tranh giữa Trực Lệ và Phụng Thiên, nhưng Phùng Ngọc Tường tuy công lớn mà chỉ được phong một chức hữu danh vô thực là Lục Quân Kiểm Duyệt Sứ vì thế họ Phùng rất bất mãn. Trong cuộc chiến lần thứ hai, Ngô Bội Phu sai Phùng Ngọc Tường xuất quân từ Tuy Viễn và Nhiệt Hà để tấn công Trương Tác Lâm, nhưng họ Phùng chờ cho quân của Ngô Bội Phu rời khỏi Bắc Kinh rồi, liền đem quân quay về chiếm Bắc Kinh. Phùng Ngọc Tường cùng các sứ quân Hồ Cảnh Dực và Tôn Nhạc đánh điện yêu cầu đình chiến giữa Trực Lệ và Phụng Thiên, rồi ba người thống lãnh ba đạo quân tự xưng là Quốc Dân Quân, chiếm cứ các vùng phụ cận Bắc Kinh, và phái binh giúp Trương Tác Lâm đánh bại Ngô Bội Phu. Phùng Ngọc Tường vào Bắc Kinh, giải tán Quốc Hội và quản thúc Tổng thống Lê Nguyên Hồng tại gia.
Đây là một cuộc đảo chánh rất nguy hiểm cho Phổ Nghi, vì Phùng Ngọc Tường là sứ quân chống đối nhà Thanh quyết liệt nhất. Quân của Phùng Ngọc Tường đã mau lẹ tước khí giới của vệ binh tại Cấm Thành và bao vây Cấm Thành. Từ bên trong, Phổ Nghi dùng kính viễn vọng có thể trông thấy quân của họ Phùng đông như kiến cỏ chung quanh Cấm Thành. Phổ Nghi nhớ lại chính họ Phùng từng đánh điện đòi đuổi nhà Thanh ra khỏi Cấm Thành. Phổ Nghi tìm cách sai Johnston đến khu vực ngoại giao đoàn để tìm chỗ lánh nạn cho Phổ Nghi tại đó.
Tất cả các thân vương đều lo lắng và đã giành chỗ trước trong khách sạn Wagonlits trong khu vực ngoại giao đoàn. Nhưng khi họ nghe thấy ý định rời bỏ Cấm Thành của Phổ Nghi thì họ lại cho rằng việc đó không cần thiết. Họ lấy lý do rằng tất cả các cường quốc lúc đó đều công nhận điều ước về sự cư xử với Phổ Nghi rồi, thì không một sự nguy hiểm nào có thể xảy ra cho Phổ Nghi.
Nhưng điều nhà Thanh sợ nhất đã xảy tới. Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 5 tháng 11, lúc đó Phổ Nghi và hoàng hậu Uyển Dung đang ngồi ăn trái cây, thì một số viên chức do viên quan đứng đầu bộ nội là Thiếu Dương dẫn đầu. Thiếu Dương tay cầm một tài liệu và nói:
“Bẩm Chúa Thượng…bẩm Chúa Thượng,” hắn thở hổn hển vì quá mệt, “Phùng Ngọc Tường sai lính và người đại diện đến bảo rằng, chính phủ cộng hoà sẽ bãi bỏ các điều kiện ưu đãi hoàng gia. Họ đưa văn kiện này và họ muốn hoàng thượng ký vào đây.”
Phổ Nghi vùng đứng dậy, đánh rơi cả trái táo đang ăn dở, và giật lấy tập tài liều trong tay Thiếu Dương. Đó là một văn kiện sửa đổi lại các điều kiện ưu đãi triều đình nhà Thanh. Bản sửa đổi này bãi bỏ chức hoàng đế của Phổ Nghi, biến Phổ Nghi thành một công dân thường, giảm số tiền trợ cấp hàng năm từ bốn triệu xuống năm trăm ngàn, bắt buộc Phổ Nghi phải rời bỏ Cấm Thành, nhưng bên phía cộng hoà hứa sẽ bảo vệ lăng miếu nhà Thanh, và hứa cho Phổ Nghi được giữ tất cả tài sản riêng. Đối với Phổ Nghi thì bản văn sửa đổi này cũng không đến nỗi quá tệ như Phổ Nghi vẫn trông đợi. Tuy nhiên lời xác nhận thêm của Thiếu Dương làm Phổ Nghi giật mình: “Họ cho biết chúng ta phải rời khỏi Cấm Thành trong ba giờ.”
Phổ Nghi rất đỗi hoang mang, đi đi lại lại trong phòng và hỏi: “Ta làm sao đem hết được tài sản đi? Còn các mẫu hậu thì sao?” Cuối cùng Phổ Nghi quay lại ra lệnh cho Thiếu Dương gọi điện thoại cho Johnston.
Thân phụ của Uyển Dung hoàng hậu vội cho biết: “Đường dây điện thoại bị cắt rồi.”
Phổ Nghi nói gay gắt, “Phái người đi tìm Nhiếp Chính Vương. Ta đã nói việc này thế nào cũng xảy ra nhưng các ngươi không chịu cho ta ra đi. Hãy tìm Nhiếp Chính Vương.”
Thiếu Dương vội trả lời: “Nhưng chúng ta không thể đi ra được, quân lính bên kia đứng canh gác ngoài cổng, và không cho phép ai được đi ra.”
“Ngươi hãy đi thương thuyết với bọn chúng cho ta.”
“Xin tuân ý thánh thượng.”
Về phần các mẫu hậu thì mẫu hậu Đoan Khang đã từ trần trước đó mấy ngày rồi, chỉ còn lại hai mẫu hậu là Thanh Di và Long Hội. Hai mẫu hậu này nhất định không chịu rời bỏ Cấm Thành. Dùng lý do này làm một cái cớ, Thiếu Dương ra thương thuyết với đại diện của Phùng Ngọc Tường, và thành công xin kéo dài giờ phải rời Cấm Thành tới ba giờ chiều hôm đó. Thực ra Phùng Ngọc Tường biết bên trong Cấm Thành còn nhiều của cải rất đáng giá, và nếu không cho bên trong nhiều thời giờ sửa soạn thì các tài sản quý giá đó sẽ phải để lại và đây là dịp may cho họ Phùng vơ vét làm giàu.
Khoảng trưa thì Thuần Thân Vương được phép vào Cấm Thành cùng với các vị sư phó như Trần Bảo Châu và Chu Dĩ Phan. Nhưng Johnston vẫn không được phép vào. Khi nghe tin Thuần Thân Vương vào, Phổ Nghi vội chạy ra hỏi: “Đại nhân, chúng ta phải đối phó thế nào?”
Khi nghe tiếng con hỏi, Thuần Thân Vương đứng khựng lại thực nghiêm chỉnh, đôi môi run rẩy và bật ra một câu nói không ăn nhập gì tới câu hỏi: “Tôi tuân theo đạo dụ. Tôi tuân theo đạo dụ…”
Phổ Nghi vừa lo lắng vừa tức giận, quay gót trở về phòng riêng. Về sau một thái giám kể cho Phổ Nghi biết khi Thuần Thân Vương được biết Phổ Nghi đã ký văn bản sửa đổi các điều kiện ưu đãi, thì ông lật nón xuống và nhổ chiếc lông công và ném xuống, miệng lẩm bẩm: “Thế là hết rồi, thế là hết rồi. Ta sẽ không cần cái này nữa.”
Kế đó Thiếu Dương vào phòng Phổ Nghi, mặt khẩn trương lo sợ hơn trước. Ông ta run lẩy bẩy và nói: “Đại diện của bên kia đang áp lực chúng ta. Hắn nói chúng ta chỉ còn hai mươi phút nữa thôi; và nếu chúng ta không ra khỏi trong hai mươi phút nữa, thì họ sẽ pháo kích vào từ các ngọn đồi bên ngoài.”
Mặc dù đại diện của họ Phùng chỉ đem theo có hai mươi người lính vũ trang bằng súng lục, nhưng lời hăm dọa của ông ta cũng rất có hiệu quả. Thân phụ của Uyển Dung hoàng hậu sợ đến nỗi ông chạy vào vườn ngự uyển, và tìm chỗ nấp thật kín để tránh pháo kích và không chịu rời chỗ ẩn nấp. Trông thấy sự kinh hoàng của các thân vương, Phổ Nghi quyết định chấp nhận yêu sách rời khỏi Cấm Thành ngay tức khắc, và di chuyển đến dinh thự của Thuần Thân Vương. Trước khi rời Cấm Thành, Phổ Nghi cũng vẫn có đủ thì giờ lấy một chiếc cặp lớn, vốc thật nhiều các viên ngọc to và quý nhất dồn đầy chiếc cặp. Phổ Nghi cũng không quên đem theo chiếc ngọc tỷ, một tài sản quý giá nhất của mình.
Quân đội của Phùng Ngọc Tường cung cấp năm chiếc xe hơi cho hoàng gia lánh nạn. Đại diện của Phùng Ngọc Tường ngồi trên chiếc xe thứ nhất. Phổ Nghi ngồi trong chiếc xe thứ hai, hoàng hậu Uyển Dung và Thục phi Văn Tú cùng với Thiếu Dương ngồi trong ba chiếc xe còn lại. Khi Phổ Nghi bước xuống xe tại cổng dinh thự của Thuần Thân Vương, thì viên đại diện của họ Phùng bước lại, bắt tay Phổ Nghi và nói: “Chào ông Phổ Nghi. Trong tương lai, ông định sẽ làm hoàng đế hay làm một thường dân?”
Lần đầu tiên trong đời, Phổ Nghi được gọi bằng “ông” thay vì “đức vạn tuế”, nhưng dường như Phổ Nghi không quan tâm đến sự thay đổi đột ngột này. Nhà vua thất thế bình tĩnh trả lời: “Từ nay trở đi tôi chỉ ước muốn làm một thường dân.”
Viên đại diện tươi cười: “Tốt lắm, như vậy chúng tôi sẽ bảo vệ ông.”
Phổ Nghi giải thích, “Từ ít lâu nay tôi cảm thấy rằng tôi không cần đến các điều kiện ưu đãi, và tôi hài lòng thấy các điều kiện này được huỷ bỏ. Trong khi làm hoàng đế tôi đã không có tự do, nhưng bây giờ tôi đã tìm thấy tự do.”
Sau lời giải thích của Phổ Nghi, các binh sĩ của Phùng Ngọc Tường đứng gần đó nghe thấy và vỗ tay khen ngợi. Phổ Nghi giật mình quay lại cúi chào các binh sĩ và họ cũng cúi đầu chào đáp lễ lại. Thực ra câu nói “bây giờ tôi đã tìm thấy tự do” của Phổ Nghi không đúng lắm, vì Phổ Nghi vẫn còn bị vây hãm bởi các ngăn cấm của các thân vương và đại thần bên mình, và quân lính của Phùng Ngọc Tường vẫn bao vây quanh nơi ở mới của Phổ Nghi. Phổ Nghi chỉ muốn có tự do khôi phục lại ngai vàng của nhà Thanh theo đường lối riêng của mình.
Sau đó Phổ Nghi vội vã vượt qua quân lính canh gác của Phùng Ngọc Tường, để vào dinh của Thuần Thân Vương. Nhưng ngay khi Phổ Nghi ngồi xuống phòng văn của thân phụ, thì Phổ Nghi cảm thấy đây chính là chỗ miệng cọp, chứ không phải là tư dinh của một thân vương. Điều đầu tiên Phổ Nghi phải làm là tìm hiểu mình đang bị nguy hiểm tới mức nào.
Phổ Nghi rất thất vọng ông bố vô tích sự, lúc nào cũng hoảng hốt cuống quýt. Từ lúc Phổ Nghi bước vào dinh, Thuần Thân Vương không thể đứng im lặng được một giây lát. Ông cứ đi đi lại lại, lẩm bẩm một mình, rồi chợt chạy ra rồi chạy vào như gà mắc đẻ. Phổ Nghi không chịu nổi cảnh nhìn ông bố lo âu như vậy, và phải lên tiếng: “Xin đại nhân ngồi xuống đây và mình bàn bạc với nhau. Chúng ta phải quyết định sẽ làm gì, và trước khi quyết định, chúng ta phải có thêm tin tức từ phía bên ngoài.”
“Quyết định phải làm gì ư? Phải lắm.” Ông ngồi xuống, nhưng chỉ hai phút sau lại đứng dậy, làm một vài cử chỉ vô nghĩa, rồi lại bắt đầu đi đi lại lại.
Phổ Nghi lập lại: “Chúng ta phải có thêm tin tức mới.”
“Phải có thêm tin tức? Đúng lắm, đúng lắm.” Rồi Thuần Thân Vương bước ra khỏi phòng, nhưng chỉ một lát thì quay lại lắp bắp nói: “Họ không cho chúng ta đi ra. Lính canh gác ở cổng chính.”
“Hãy dùng điện thoại.”
“Điện thoại, phải, phải, điện thoại.” Nhưng vừa đi được vài bước ông ta liền quay lại và hỏi: “Gọi điện thoại cho ai?”
Phổ Nghi chán ngán và sai các thái giám gọi các viên chức cao cấp trong triều, nhưng chỉ có một mình Thiếu Dương có mặt, còn thân phụ của hoàng hậu Uyển Dung đã vào nằm bệnh viện vì tâm thần hoảng hốt, và ông ta phải nằm trong bệnh viện đến hai tháng. Các viên chức cao cấp khác còn mải chăm sóc hai mẫu hậu không chịu rời Cấm Thành; các người khác thì còn mải lo đôn đốc cái thái giám và thị nữ. Thiếu Dương cũng hoàn toàn bất lực, không thể gọi được một cú điện thoại.
Cũng may cho Phổ Nghi là các thân vương khác và các vị sư phó cũng tề tựu đến chầu, nếu không thì Phổ Nghi cũng không biết phải làm sao trước sự hỗn loạn trong dinh của Thuần Thân Vương. Cuối cùng Johnston chuyển đến một tin mừng. Theo Johnston thì sứ thần Hoà Lan, với tư cách là niên trưởng ngoại giao đoàn, cùng với sứ thần Anh quốc và Nhật Bản, đã phản kháng với tân bộ trưởng ngoại giao về sự đối xử với Phổ Nghi. Tân bộ trưởng ngoại giao của chính phủ cộng hoà đã hứa bảo đảm sinh mạng và tài sản của Phổ Nghi. Tin này làm mọi người bình tĩnh trở lại, trừ Thuần Thân Vương.
Sau một vài ngày gay cấn, tình hình Bắc Kinh có vẻ dịu đi, và việc canh gác tại dinh của Thuần Thân Vương cũng bớt nghiêm ngặt. Giống như các cuộc đảo chánh chớp nhoáng thiếu tổ chức thường xảy ra thời đó không được sự hậu thuẫn của ai cả, cuộc đảo chánh của Phùng Ngọc Tường cũng sụp đổ mau lẹ. Ngoại giao đoàn từ chối đến dự một buổi dạ tiệc chào mừng tân chính phủ. Bị áp lực cả bên trong lẫn bên ngoài, Phùng Ngọc Tường phải tạm rút lui khỏi Bắc Kinh ngày 28 tháng 11 năm 1924 sau hai mươi ba ngày nắm quyền sinh sát tại thủ đô.
Sự ngăn chặn của quân đội chính phủ bên ngoài đã giảm bớt, nên mọi người ra vào đươc, tuy vậy cũng chỉ có các vị sư phó Trần Bảo Châu và Chu Dĩ Phan và một số viên chức cao cấp trong triều được đi lại tự do; người ngoại quốc vẫn bị cấm tuyệt đối. Điều này gây lo lắng cho Phổ Nghi, vì nếu quân đội không kính trọng người ngoại quốc, thì tương lai của Phồ Nghi sẽ không được bảo đảm, vì Phổ Nghi bây giờ chỉ còn trong cậy vào thế lực ngoại quốc để đương đầu với biển người Trung Hoa đầy thù nghịch.
Cơn bão tố thổi bay Phổ Nghi ra khỏi Cấm Thành, đã bỏ rơi Phổ Nghi tại một ngã ba đường. Trước mặt Phổ Nghi lúc đó có ba lựa chọn. Con đường thứ nhất là tuân theo các đặc ân mới sửa đổi lại của Phùng Ngọc Tường: từ bỏ tước hiệu hoàng đế và những tham vọng cũ và trở thành một công dân thường giầu có. Con đường thứ hai là tìm sự trợ giúp của những người còn có cảm tình với nhà Thanh để huỷ bỏ sự sửa đổi những đặc ân, giữ lại tước hiệu hoàng đế và trở lại Cấm Thành sống cuộc đời như trước. Con đường thứ ba có thể khó khăn hơn: trước hết Phổ Nghi bỏ ra ngoại quốc để rồi trở lại Cấm Thành, như là Cấm Thành hồi năm 1911, nghĩa là dùng sức mạnh của ngoại quốc để khai phục lại ngai vàng.
Lúc đó Phổ Nghi bị vây quanh bởi các cố vấn có những ý tưởng khác nhau và họ tranh luận kịch liệt để tìm ra lợi hại của những lựa chọn trên đây. Theo họ thì con đường thứ nhất không đáng theo, vì theo họ thì một vị Thiên tử bỏ ngôi rồng mà không chiến đấu thì là một sự sỉ nhục cho các bậc tiên đế. Do đó họ chỉ bàn về hai con đường còn lại.
Thực ra trong lúc đó còn có một con đường thứ tư cho Phổ Nghi mà các cố vấn của Phổ Nghi không nghỉ tới: chạy trốn về Mãn Châu và thiết lập lại nhà Thanh tại vùng đất tổ. Tình hình lúc đó rất thuận lợi cho con đường thứ tư này. Lúc cuộc cách mạng Tân Hợi bắt đầu, Mãn Châu công khai phản đối việc thành lập chính phủ cộng hòa. Nhưng khi Phổ Nghi thoái vị rồi thì người Mãn Châu đành phải chấp nhận nền cộng hòa như là một việc đã rồi, mặc dầu họ vẫn trung thành với nhà Thanh. Vào năm 1924 Mãn Châu nằm dưới quyền cai trị độc lập của sứ quân hùng mạnh Trương Tác Lâm. Họ Trương rất có thiện cảm với Phổ Nghi. Trương Tác Lâm khi thì ủng hộ chế độ cộng hoà, khi thì chống lại và tuyên bố Mãn Châu độc lập. Phổ Nghi có thể tìm cách tái chinh phục Trung Hoa như vị vua sáng lập nhà Thanh, từ một nước Mãn Châu độc lập.
Tuy nhiên nhiều biến chuyển mới có vẻ hăm dọa Phổ Nghi. Trung Hoa lúc đó có thể bùng nổ trong một tình trạng vô chính phủ, và Tôn Văn vội vã rời Nam Kinh lên Bắc Kinh trong một nỗ lực ngăn chặn quốc gia rơi vào một tình trạng hỗn loạn. Sau nhiều cuộc thương thuyết trong năm 1924 nhằm thống nhất đất nước, Tôn Văn gần như sắp đi tới được một sự thỏa hiệp với các sứ quân miền Bắc, kể cả Trương Tác Lâm. Nhưng Tôn Văn chết trước khi thực hiện được giấc mộng lớn thống nhất quốc gia. Nếu Tôn Văn đạt được thỏa hiệp thống nhất Trung Hoa thì Phổ Nghi không còn hy vọng gi khôi phục lại ngai vàng.
Một biến chuyển khác cũng làm Phổ Nghi hết sức lo ngại: đó là sự nghiêng về Nga Sô của Tôn Văn và Quốc Dân Đảng. Sau khi thất bại kêu gọi Tây Phương giúp đỡ công cuộc thống nhất Trung Hoa, Tôn Văn đành phải quay sang nhờ Nga Sô. Nga Sô bề ngoài có vẻ từ bỏ mọi quyền lợi tô giới tại Trung Hoa, nhưng thưc ra Nga Sô vẫn nắm chặt miền đất Mông Cổ và một phần Mãn Châu. Nga còn ký hiệp ước riêng với Trương Tác Lâm. Quân đội cộng sản tiến vào Mông Cổ, lấy cớ đuổi theo tàn quân của Nga Hoàng, và không bao giờ rút lui khỏi Mông Cổ. Nga Sô giúp thành lập một chính phủ lâm thời Mông Cổ, biến Mông Cổ thành một nước chư hầu, mặc dầu vẫn công nhận Mông Cổ thuộc Trung Hoa.
Ảnh hưởng của Nga Sô gia tăng tại Mãn Châu đã làm Phổ Nghi và nhà Thanh lo sợ. Phổ Nghi lo lắng quá và mắc bệnh hút thuốc lá liên miên. Thường Phổ Nghi chỉ hút độ vài ba hơi là liệng điếu thuốc đi ngay, hoặc đôi khi đi đi lại lại trong phòng, tay vò nát điếu thuốc lá trong tay. Hiển nhiên Phổ Nghi quá đổi lo lắng không biết phải làm gì. Ước vọng khôi phục nhà Thanh luôn luôn đè nặng tâm trí Phổ Nghi, nhưng đồng thời Phổ Nghi cũng muốn bỏ tất cả để trốn ra ngoại quốc. Trong khi đó Phổ Nghi lúc nào cũng lo ngại bị giết, và dần dần Phổ Nghi nghiêng về con đường tìm sự an toàn cho bản thân.
Nhiều phe phái muốn xoá bỏ mọi tàn tích của nhà Thanh, và nhiều phe phản Thanh muốn đem xử tử Phổ Nghi như một tên phản quốc, nhưng vì nhiều phe còn mải tranh nhau nên âm mưu bắt giết Phổ Nghi không thành. Nhiều phe khác muốn trục xuất Phổ Nghi ra khỏi Trung Hoa, nhưng Phổ Nghi sợ rằng tính mạng khó an toàn trong lúc bị bắt giữ để đưa ra nước ngoài.
Trong khi đó tình hình tại Bắc Kinh mỗi lúc một đen tối hơn. Vị sư phó Lỗ Chấn Du nhất định cho rằng Phùng Ngọc Tường đang dự định giết Phổ Nghi bất cứ lúc nào. Họ Lỗ đề nghị, “Hoàng thượng phải rời bỏ nơi đây ngay càng sớm càng tốt, và lánh vào khu vực ngoại quốc.”
Sau khi quân đội của Phùng Ngọc Tường rút lui khỏi cổng dinh thì Johnston vào được để thăm Phổ Nghi, và báo một tin mới nhất là Phùng Ngọc Tường đang dự định tung ra một chiêu mới chống lại Bắc Kinh. Sư phụ Trần Bảo Châu liền đề nghị, trong lúc không có quân của Phùng Ngọc Tường canh gác ngoài cửa, Phổ Nghi nên trốn vào khu ngoại giao đoàn. Họ Trần còn đề nghị trên đường trốn vào khu ngoại giao đoàn, trước hết Phổ Nghi nên vào một bệnh viện của người Đức trong đó có một bác sĩ quen biết với Phổ Nghi. Khi đã vào đó rồi thì sẽ xúc tiến việc sắp xếp cho Phổ Nghi tỵ nạn tại một tòa đại sứ. Phổ Nghi cùng với Johnston và Trần Bảo Châu thảo luận kế hoạch này rất bí mật, vì không những họ sợ quân của Phùng Ngọc Tường biết được kế hoạch này, mà còn sợ chính Thuần Thân Vương cực lực phản đối đưa con trai của ông trốn khỏi dinh của ông.
Ngày 29 tháng 1 năm 1924, ba người thi hành kế hoạch bí mật và bắt đầu chặng thứ nhất. Trước hết Phổ Nghi đi cùng với Trần Bảo Châu để thăm viếng hai mẫu hậu đang sống tại Chí Linh Bắc rồi sẽ trở về dinh của Thuần Thân Vương. Điều này cốt để những người trong dinh tin tưởng Phổ Nghi không có ý định bỏ trốn. Ngày hôm sau sẽ thi hành giai đoạn thứ hai: Phổ Nghi sẽ đi thăm một căn nhà tại đường Bảo Bình mà Phổ Nghi dự định mua để ở. Một khi đã ra khỏi nhà rồi, Phổ Nghi sẽ lẻn vào bệnh viện Đức. Giai đoạn thứ ba sẽ là trốn vào khu vực ngoại giao đoàn, rồi thì bước thứ tư sẽ là đem Uyển Dung và Văn Tú theo. Nhưng khi ba người bắt đầu thi hành giai đoạn thứ hai thì Thuần Thân Vương cử tên quản gia đi theo. Phổ Nghi ngồi trong chiếc xe hơi dẫn đầu với Johnston, còn Trần Bảo Châu và tên quản gia ngồi trong xe hơi thứ hai.
Johnston nhăn nhó khi bước vào xe hơi và chỉ về hướng tên quản gia và nói, “Thật là rầy rà quá.”
Phổ Nghi cũng tức giận trả lời, “Đừng quan tâm đến hắn.” Rồi Phổ Nghi bảo tài xế lái xe ra khỏi dinh và muốn không bao giờ phải trở lại đó nữa. Johnston thấy rằng không thể coi thường tên quản gia được và tìm cách bỏ rơi hắn. Johnston đề nghị nên ghé vào một tiệm bên đường để mua cái gì đó và gửi hắn trở lại.
Có một tiệm ngoại quốc trên đường đi, chuyên bán đồng hồ và máy ảnh ngay tại lối vào khu vực ngoại quốc. Khi tới tiệm, Phổ Nghi vào tiệm với Johnston và sau khi nhìn quanh, Phổ Nghi mua một chiếc đồng hồ bỏ túi của Pháp. Nhưng trong lúc đó tên quản gia vẫn kiên nhẫn chờ đợi ngoài cửa và không có ý định sẽ ra về. Thế là Johnston đành phải trở về với dự định ban đầu và nói với tên quản gia rằng Phổ Nghi cảm thấy khó chịu và phải vào thăm một bác sĩ trong bệnh viện Đức gần đó. Tên quản gia cảm thấy có điều khả nghi và đi theo ba người tới bệnh viện. Johnston giải thích với bác sĩ Dipper tại sao Phổ Nghi phải vào bệnh viện và bác sĩ Dipper đẩy Phổ Nghi vào một phòng trống để nghỉ. Johnston đưa cả gói đựng vàng ngọc, châu báu và ngọc tỷ của Phổ Nghi cho bác sĩ Dipper, và nhờ giữ hộ.
Tên quản gia thấy có điều bất thường liền bỏ đi ngay lập tức. Biết rằng tên quản gia thế nào cũng trở về nhà báo cáo cho Thuần Thân Vương, nên Johnston liền vội vàng chạy tới Toà đại sứ Anh để thương thuyết xin cho Phổ Nghi được tỵ nạn tại đó. Nhưng Johnston đi hằng giờ mà chẳng có tin tức gì cả, và Phổ Nghi càng lúc càng thêm lo lắng. Trong lúc đó sư phụ Trần Bảo Châu trở lại đem theo Trịnh Thiếu Tự. Họ Trịnh đề nghị thay vì chờ đợi Johnston, Phổ Nghi nên tới Tòa đại sứ Nhật Bản. Phổ Nghi liền sai Trịnh Thiếu Tự đến toà đại sứ Nhật Bản xin tỵ nạn cho Phổ Nghi. Một lát sau họ Trịnh trở về và cả ba người rời bệnh viện bằng cửa sau và đi bộ khoảng một dặm để tới toà đại sứ Nhật Bản.
Vào những ngày tình hình chính trị tại Bắc Kinh bất ổn, các toà đại sứ ngoại quốc thường là nơi lánh nạn của các chính trị gia Trung Hoa. Trong cuộc phục hưng ngai vàng ngắn ngủi cho Phổ Nghi, tổng thống Lê Nguyên Hồng cũng phải trốn lánh vào đây, rồi đến tướng Trương Huân, và bây giờ đến lượt Phổ Nghi. Mỗi khi một tòa đại sứ có một “khách” mới thì các khách sạn và bệnh viện trong khu ngoại giao đoàn cũng nhận được một số “khách” mới và trở nên bận rộn. Những người khách của các khách sạn và bệnh viện rất lo lắng cho vận mạng của họ, nhưng không đủ tư cách xin tỵ nạn chính trị. Đôi khi các khách sạn và bệnh viện đông người đến nỗi những người này sẵn sàng trả tiền cho một chỗ dưới gầm cầu thang cũng được.
Phổ Nghi được toà đại sứ Nhật nhận ngay, và được hưởng một sự chăm sóc rất chu đáo. Khi Phổ Nghi nhắn tin đưa hai bà vợ tới với mình, thì cảnh sát của Phùng Ngọc Tường không chịu cho họ đi. Đại sứ Nhật phái một tuỳ viên tới để thu xếp vấn đề cũng không được. Sau đó chính viên đại sứ thân chinh tới gặp Tổng lý của tân chính phủ là Đoàn Kỳ Thuỵ, thì lập tức hai bà vợ của Phổ Nghi được phép vào toà đại sứ Nhật với chồng cùng với các thị nữ và thái giám.
Khi viên đại sứ Nhật thấy đoàn tuỳ tùng đông đảo của Phổ Nghi không thể cu ngụ trong ba căn phòng được, thì ông ta dọn trống tất cả khu vực để cho đám người của Phổ Nghi ở. Nhờ đó có đủ chỗ cho mọi người, từ các hoàng hậu, sư phụ, viên chức, thị nữ, thái giám và đầu bếp. Như thế là triều đình nhà Thanh lại làm việc như thường lệ trong toà đại sứ Nhật.
Rồi Thuần Thân Vương dẫn theo nhiều thân vương tới khuyến dụ Phổ Nghi trở lại dinh của ông. Các thân vương cho biết tình hình bây giờ đã yên rồi, nhưng Phổ Nghi từ chối rời khỏi Toà đại sứ Nhật. Khi thấy sự đón tiếp niềm nở của người Nhật, nhiều cựu thần nhà Thanh lập tức ra tay hành động. Họ gửi điện tín cho Đoàn Kỳ Thụy phải lập lại những khoản ưu đãi nhà Thanh trước kia; họ gửi tiền cho Phổ Nghi và nhiều người còn tới tận nơi thăm Phổ Nghi để hiến mưu kế và tỏ lòng tôn kính. Càng ngày càng có thêm những cựu thần tới Toà đại sứ Nhật hàng ngày để tỏ lòng trung thành với Phổ Nghi, để dâng tiền bạc và giải thích các “đại kế hoạch phục hưng nhà Thanh.” Vào ngày Tết Nguyên Đán, phòng khách của Phổ Nghi đầy nghẹt những người mang tóc đuôi sam. Phổ Nghi vẫn ngồi quay về hướng Nam trong một chiếc ghế bành Tây Phương, thay thế cho ngai vàng, để nhận lời cầu chúc của các triều thần.
Các cựu thần nhà Thanh rất biết ơn đại sứ Nhật. Họ trông thấy ở người Nhật một hy vọng phục hồi ngai vàng. Hai tuần sau Tết Nguyên Đán là sinh nhật thứ hai mươi của Phổ Nghi (mười chín tuổi theo cách tính của Tây Phương). Phổ Nghi đang ở trong một căn nhà lạ nên không tiện tổ chức một lễ sinh nhật lớn, nhưng đại sứ Nhật nhất định nhường hẳn cả đại sảnh của Toà đại sứ cho Phổ Nghi làm nơi tiếp khách. Đại sảnh được trang trí đặc biệt bằng thảm rất đắt tiền, và chiếc ghế bành lớn lót nệm màu vàng làm thành một chiếc ngai vàng, đặt sau một tấm bình phong phủ giấy vàng của hoàng gia. Tất cả các đầy tớ đều đội nón của nhà Thanh có tua màu đỏ. Trên một trăm cựu thần đến từ Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Đông và Phúc Kiến, để tham dự sinh nhật cùng với tất cả ngoại giao đoàn, thân vương, các viên chức cao cấp trong triều và các cựu thần ở ngay tại Bắc Kinh. Tổng cộng có tới trên năm trăm quan khách.
Phổ Nghi mặc một áo choàng lụa màu xanh và một áo chẽn bằng xa tanh đen, và các thân vương và các quan lại trong triều đều mặc tương tự. Cuộc lễ cũng giống như hồi còn đang ở trong Cấm Thành, vẫn có những màu vàng hoàng gia, tóc đuôi sam và chín lần khấu đầu. Nhưng ngày hôm sau báo chí phản ảnh bất lợi cho Phổ Nghi bằng những bài châm biếm chế riễu, những bài buộc tội Phổ Nghi thân Nhật, những sự rởm dáng của một triều đại không còn nữa. Các báo chí còn tố cáo Phổ Nghi đã bán nhiều đồ cổ trong Cấm Thành nữa.
Trong thời gian sống trong toà đại sứ Nhật, Phổ Nghi đã vài lần cưỡi xe đạp ra ngoài về ban đêm vì lòng tò mò. Mỗi lần, Phổ Nghi đem theo vài người hầu, và có lần về tới tận bờ hào bao quanh Cấm Thành. Đứng bên bờ hào, Phổ Nghi nhớ lại cuộc đời cũ trong điện Dưỡng Tâm và điện Quang Thiên. Ý muốn trả thù dâng lên trong tâm ông vua trẻ; đôi mắt nhoà lệ, Phổ Nghi tự hứa sẽ trở về như một vị quân vương chiến thắng như vị vua sáng lập nhà Thanh. Phổ Nghi quyết định sửa soạn cho tương lai và ước muốn sang Nhật để học.
Ít lâu sau, Lỗ Chấn Du báo cho Phổ Nghi biết rằng, ông đã sắp xếp với một nhân viên trong sứ quán Nhật, để Phổ Nghi sẽ rời đi Thiên Tân vì ở mãi trong toà đại sứ Nhật cũng bất tiện. Họ Lỗ giải thích rằng, tốt nhất Phổ Nghi nên tìm một căn nhà trong tô giới của người Nhật tại Thiên Tân, vì căn nhà mà Phổ Nghi đã mua trong tô giới Anh không thuận tiện. Phổ Nghi rất đồng ý, một phần vì tính tò mò muốn biết đời sống trong một thành phố lớn như Thiên Tân như thế nào. Vài ngày sau Lỗ Chấn Du cho biết đã tìm được Trương Gia Viên, một dinh thự rất sang trọng, xây cất trên ba mẫu đất và có tường cao vây quanh, và đã sẵn sàng dùng làm nơi ở cho Phổ Nghi tại Thiên Tân.
Vấn đề di chuyển đến Thiên Tân cũng không dễ dàng gì, vì quân của Phùng Ngọc Tường vẫn còn làm chủ tình hình quanh Bắc Kinh. Nhưng lúc đó Phùng Ngọc Tường đang thay đổi các trại quân dọc đường xe lửa, và Phổ Nghi lợi dụng cơ hội hiếm có này để trốn khỏi Bắc Kinh. Đại sứ Nhật Yoshizawa triệu viên cảnh sát trưởng Nhật tại Thiên Tân về Bắc Kinh, và giao công tác đưa Phổ Nghi tới Thiên Tân. Viên cảnh sát trưởng tới nơi mang theo một số cảnh sát mặc thường phục để hộ vệ Phổ Nghi. Uyển Dung và Văn Tú sẽ đi sau, vì người ta sợ nếu đi cùng với Phổ Nghi thì sẽ dễ bị bại lộ.
Đúng 7 giờ tối ngày 23 tháng 2 năm 1925, Phổ Nghi từ giã ông bà đại sứ Nhật sau khi đứng chụp hình chung. Mọi người chúc Phổ Nghi thượng lộ bình an. Phổ Nghi ra đi bằng cửa sau của toà đại sứ cùng với một viên chức Nhật, và vài cảnh sát Nhật mặc thường phục làm hộ vệ và tiến về phía nhà ga Chính Môn. Tại nhà ga, Phổ Nghi gặp vị sư phó Lỗ Chấn Du và con trai của ông ta. Tại mỗi nhà ga từ Bắc Kinh tới Thiên Tân lại có thêm vài cảnh sát Nhật và mật vụ Kempeitai rất đáng sợ của Nhật mặc y phục màu đen bước lên xe lửa. Khi xe lửa tới Thiên Tân, thì trên xe lửa đầy cảnh sát và mật vụ Nhật.
Khi Phổ Nghi bước xuống nhà ga Thiên Tân thì Shigeru Yoshida, tổng lãnh sự Nhật tại Thiên Tân ra chào đón. Ba ngày sau, báo chí đăng tin của toà đại sứ Nhật tại Bắc Kinh công bố cuộc ra đi ban đêm của hoàng đế cuối cùng nhà Thanh, là nguyên do tình hình bất ổn tại Bắc Kinh, và chính phủ cộng hoà đã được thông báo ngay sáng ngày hôm sau. Người ta phải lấy làm ngạc nhiên tại sao Phổ Nghi chịu ảnh hưởng rất sâu xa của sư phụ Johnston mà sao không tìm nơi tỵ nạn trong toà đại sứ Anh. Thực ra Johnston tìm đến đại sứ Anh Sir Ronald MacLeavy trước, nhưng đại sứ Anh từ chối lời yêu cầu của Johnston, với lý do toà đại sứ quá nhỏ, không thể chứa hết được đoàn tùy tùng đông đảo của Phổ Nghi. Chính đại sứ Anh đề nghị Phổ Nghi nên tìm đến toà đại sứ Nhật, chỉ cách toà đại sứ Anh vài chục thước. Tại sao người Anh đẩy Phổ Nghi vào vòng tay người Nhật? Thực ra người Anh đang chơi sách lược cổ điển của họ để giữ quân bình các lực lượng tại Viễn Đông. Anh quốc coi hai nước Nga và Nhật là kẻ thù, nếu hai nước này xung đột với nhau thì Anh quốc sẽ hưởng lợi, ít nhất là hai kẻ thù cùng suy yếu đi. Cả hai nước Nga và Nhật đều nhòm ngó vùng Mãn Châu giàu tài nguyên chiến tranh. Anh quốc muốn dùng Phổ Nghi như một ngòi thuốc nổ khai chiến giữa Nga Sô và Nhật Bản tại vùng Đông Bắc Á châu. Bộ ngoại giao Anh hy vọng rằng người Nhật đang có quyền lợi tại Mãn Châu sẽ đặt Phổ Nghi lên ngai vàng dưới một trục liên kết mới, và sẽ đẩy Nga và Nhật quần thảo nhau dọc theo biên giới Mãn Châu. Điều này sẽ bắt các người Bôn Sê Vích Nga phải mở một mặt trận thứ hai nữa tại phía Đông, và phải giảm sự hoạt động ở Châu Âu. Tây phương biết rằng về phía Á Châu chỉ có Nhật mới có khả năng đương đầu với Nga Sô, Phổ Nghi là con bài lý tưởng của Tây Phương đẩy cho Nhật Bản, để có được cảnh “trai cò mổ nhau ngư ông đắc lợi.” Trước khi Phổ Nghi tới toà đại sứ Nhật tỵ nạn, đã có những tin đồn Phùng Ngọc Tường đang dự định hành quyết Phổ Nghi như là một tên phản quốc. Có thể những tin đồn đó là âm mưu của cả Nhật và Anh quốc, muốn hăm dọa Phổ Nghi để Phổ Nghi phải chạy vào vòng tay đang mở rộng của Nhật. Hai mươi năm sau, Phổ Nghi nhận thức rằng cuộc chạy trốn vào toà đại sứ Nhật quả thực là một chuyến đi vào miệng cọp, chứ không phải là đi tìm tự do như Phổ Nghi vẫn tưởng.