Mà quả là em đanhg sống tương đối sung sướng về vật chất thật. Hơn một năm trời, số tiền công của em, mụ Hai đã thu đủ vốn, lại được thêm món lời lúc một gia tăng theo thời gian. Mỗi tháng, trước kia, mụ chỉ cho em vài chục tiêu xài, nay mụ cho em đến hai trăm. Mụ bảo, mụ cho em nhiều như thế là vì mụ thương em. Muốn em có một số vốn sau này. Em nghĩ đến chữ thương của mụ mà cười thầm trong bụng.
Đó là về mặt vật chất. Còn về tinh thần. Không bao giờ em quên được hình bóng các sư cô, gia đình anh Phong, và chị Hằng Thu. Không biết bây giờ, đã có những biến đổi gì nơi họ? Có lẽ chị Uyên đã về nhà chồng. Và anh Phong cũng đã ra trường. Em mỉm cười khi nghĩ đến lời anh Phong nói với em và chị Hằng Thu:
- Anh ước ao sau này, anh sẽ có một căn nhà nhỏ. Nhỏ thôi, nhưng đằng trước phải có một khoảng đất để trồng hoa. Dung Chi thíc hhoa trang phải không? Anh sẽ trông một khóm hoa trang. Hằng Thu thích hoa hồng phải không? Anh sẽ đi xin một cây về trồng. Còn riêng anh, anh sẽ trồng một cây đu đủ...
Chị Hằng Thu và em cùng ngạc nhiên:
- Trồng đu đủ?
- Ừ, đu đủ. Biết để làm gì không?
- Để làm gì?
- Bộ hai chị em quên rồi sao? Anh thích ăn gỏi đu đủ hạng nhất mà.
Chị Hằng Thu và em cùng cười. Chị Hằng Thu nói:
- Tham ăn ghê há!
Em thêm:
- Nhưng chắc tại mơ ăn gỏi đu đủ, anh đã quên mất một điều rồi.
- Điều gì?
- Một chiếc ghế xích đu!
Anh Phong vỗ tay:
- Phải đấy. Tí nữa thì anh quên mất. Phải có thêm một chiếc ghế xích đu nữa mới được. Anh sẽ đứng cạnh đấy đàn cho hai chị em ngồi đu đưa vừa hát...
Dĩ vãng và một mơ đẹp quá. Nhưng cũng xa xôi quá. Liệu em có thể tìm lại vùng trời kỷ niệm đó được không?
Ý định bỏ trốn trở về với em và bừng cháy thật mãnh liệt. Em nghĩ, đã có nhiều thuận lợi cho ý định đó. Mụ Hai đã tin ở em, không còn bắt bọn thằng Long canh chừng em nữa. Em lại cũng đã biết rõ khu vực mình đang ở, biết cả đường lối đến bế xe. Và nhất là, trong người em, đã có sẵn một số tiền hộ thân. Em chờ cơ hội đến.
Và cơ hội đến. Hôm ấy, cả nhà chủ em đi vắng, họ xuống Thủ Đức chơi. Nhà chỉ còn em, và bà bếp. Em quyết định thật nhanh. Đi thu dọn ít đồ đạc đựng vào cái gỏi của mụ Hai, cái giỏ đã sờn rách.
Em dối với bà bếp:
- Tôi đi ra ngoài đường mua hộp kem đánh răng một tí. Bà có ăn chè đậu khơng, tôi mua cho.
Em đã hỏi đúng ý thích của bà bếp. Bà vui vẻ lấy tiền trao cho em và nói:
- Ừ, đi nhanh đi. Mua dùm tao bịt chè đậu.
Em xua tay:
- Hôm nay tôi bao bà.
Bà bếp cười híp mắt:
- Tốt nhỉ!
Em bước vội ra khỏi nhà. Giỏ quần áo em để sẵn ở đầu nhà, em xách lên đi vội vã. Em lẩn vào đám đông và để ý dòm chừng bọn thằng Long. Miệng luôn lẩm nhẩm lời cầu nguyện.
Nơi bến xe, một chiếc xe lam đã gần đầy khách. Em lên là vừa đủ.
Xe lăn bánh đồng thời với tiếng thở phào nhẹ nhõm của em. Những căn nhà lại lùi dần về phía sau. Sài gòn lại dần xa. Em nhớ tới lần trước mà thầm lo. Em nôn nóng, em thấy con đường sao dài lạ, thời gian sao chậm lại.
Xe đến bến, em đã định sẵn, lần này, thuê nguyên một chiếc xe để về thẳng cô nhi viện. Người tài xế xe lam ngạc nhiên thấy em đòi thuê xe, rồi sau đó, lại không một lời trả giá. Ông ta biết đâu, nếu cần, em có thể trả cho ông ta tất cả số tiền em có, miễn sao ông ta đưa em về được cô nhi viện.
Xe lăn bánh. Đường ngoại ô vắng vẻ trước mắt em kia. Những cánh ruộng bao la quen thuộc... rồi khúc quanh trước cô nhi viện.
Trước mắt em, cổng cô nhi viện vẫn như ngày nào, hai cánh cửa sắt mở rộng. Em run lên, trông thấy một em nhỏ đang lượm rác trong sân.
Em lấy tiền trả cho người tài xế xe lam rồi vội vã xách giỏ đồ chạy như bay vào cô nhi viện. Một sư cô, em đoán là cô Lý, đứng quay lưng về phía em. Em kêu lêu:
- Sư cô! Em về đây, sư cô!
Sư cô quay lại, đúng là cô Lý. Cô nhìn em đầy vẻ ngạc nhiên. Mắt em bỗng nhòa đi, dường như cô Lý đang dang tay đón em thì phải.
Có tiếng chuông ngân nga, tiếng chuông của cô Diệu Hằng quen thuộc và trầm ấm biết bao!
Anh chị Phong thương mến,
Em tưởng như mọi người vẫn còn ở quanh em. Sung sướng quá, em đã khóc thật nhiều. Khóc ngay khi thấy bóng hai chiếc xe hơi, chiếc màu xanh của anh chị và chiếc màu xáu của bác Tường, ngoài cổng cô nhi viện.
Sau khi kể hết mọi chuyện, em đã nhờ cô Lý tìm đến báo tin cho anh chị biết. Tưởng rằng hôm sau mọi người mới đến, chẳng ngờ, tất cả đã trở lại ngay sao đó cùng cô Lý.
Nhìn lại vóc dáng thương yêu của má, của anh chị, của hai bác Tường, chị Hương, anh Duy, anh Thông, em nghe lòng khôn xiết vui mừng. Gặp lại ba, với ánh mắt khác hẳn trước kia, và những lời nói thương yêu, em càng sung sướng hơn nữa. Em không ngờ chị Uyên lại dám nói hết sự thật cho mọi người biết. Chị đã được đền bù xứng đáng, chị không mất anh Ân như chị lo sợ, mà còn được anh thương mến hơn. Âu đó là phần thưởng quý báu nhất dành cho chị.
Giờ đây, mọi người đã hiểu em, nhất là ba, đã rõ nguyên nhân cái chết của nhỏ Thu Mai. Em không còn buồn phiền điều gì nữa. Chuỗi ngày hơn một năm, em làm thân tôi mọi cho người, giờ chỉ còn như một phút thoảng qua. Tình thương là phép mầu xóa nhoè hết những khổ đau trong em.
Em cũng đã quyết định xong. Rằng dù em đã được sự cảm thông của ba, em cũng đành làm phật lòng ba, em sẽ không trở lại chung sống một nhà với ba má nữa. Em nghĩ, để thỉnh thoảng, em về thăn các người, thì sự thương mến mới thên đậm đà, quý hóa mãi.
Nhưng em cũng sẽ không ở lại cô nhi viện. Ví ở lại, chắc chắn các sư cô sẽ buồn lòng.
Chị Hằng Thu bảo em: "Hay là Dung Chi về ở với anh chị?"
Em nhớ đến ước mơ ngày nào của anh Phong. Ước mơ một mái nhà nhỏ, với cây hoa trang, cây hoa hồng, cây đu đủ, chiếc xích đu. Với anh, với chị, với đứa em nuôi của anh chị là em. Bây giờ, anh chị đã có một mái nhà, với anh với chị. Khôn biết anh đã trồng cây hoa trang, cây hoa hồng, cây đu đủ, và có mua chiếc ghế xích đu chưa?
Dung Chi của anh chị xin được viết những dòng chữ thành thật nhất. Nếu quả anh chị còn thương mến em như dạo nào, bằng lòng đùm bọc em, thì Dung Chi xin được làm đứa em nuôi ngoan hiền của anh chị, để được ngồi chung ghế xích đu với chị, được giúp chị một tay làm gỏi đu đủ cho anh, và được làm cô Dung Chi của những đứa bé xinh xinh sau này.
Em nóng lòng chờ tin anh chị, chờ bóng chiếc xe hơi màu xanh da trời trước cổng cô nhi viện, chờ nụ cười của "cái miệng trẻ con" và mái tóc không chải "người lớn lắm đây".
Thương anh chị thật nhiều
Dung Chi
HẾT